Nhà văn, nhà báo, nhà chính trị, HỒ HỮU TƯỜNG với Phan Thanh Gỉản, Cần Thơ

 Nguyễn Như Hùng


(1910-1980)

1/ Hồ Hữu Tường với PTG Cần Thơ

Hồ Hữu Tường (HHT) sanh ngày 8 tháng 5 năm 1910 tại làng Thường Thạnh, quận Cái Răng, tỉnh

Cần Thơ. Ngoài tên khai sanh là HHT, còn một tên thường được kêu ở nhà lúc còn nhỏ là “Thằng Thuộc”, Hồ Văn Thuộc, vì “Tường là tên của dượng ghẻ bây. Nhè lấy tên dượng ghẻ mà đặt cho con, ấy là làm một việc phạm thượng” ( lời bà ngoại HHT).

Trong cuốn hồi ký “Trầm tư của một tên tội tử hình” HHT có viết : “Tôi sanh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo ở miền Hậu Giang. Cha tôi, mồ côi cha sớm, từ 12 tuổi đã phải đi ở đợ để nuôi thân và không được đi học. Nhờ tánh tình hiền hậu, ngay thẳng và siêng năng, ông được một nhà giàu gả cho đứa con nuôi, cho mướn ruộng và giúp vốn để cất nhà, làm mùa, rời thân phận ở đợ để trở nên một tá điền cho đến ngày lâm chung”.

“Tôi đã biết đọc báo từ năm 1916”, Mới 6 tuổi, HHT thường đọc báo Nam Phong cho cậu nghe. Ông cậu là ông chủ điền, là ông hội đồng, là con trai của cha nuôi mẹ HHT. HHT có trí nhớ rất đặc biệt, đọc đâu thuộc đó, đúng với cái “tên Thuộc, là tao mong sau này, ai dạy mày cái gì, mày cũng thuộc cà” (lời của tía HHT trong “Thằng Thuộc con nhà nông”)

Trường College de Cần Thơ thành lập năm 1917, lúc đó HHT được 7 tuổi, đang học trường làng gần nhà thuộc quận Cái Răng. Lớn lên trung học, HHT thi đậu vào trường College de CanTho, sau là trường PTG. Trong bài Tựa cuốn “Kể chuyện”, HHT có viết: “Năm 1924, học nội trú tại Cần Thơ, tôi ấm ức không được đi xem ma hiện về nhà của một ông giáo sư trung học dạy về khoa học. Chúng bạn đi xem rần rần, sáng vô lớp kể nhau chẳng ngớt những chi tiết của việc ma về. Ông giáo sư ấy nay còn sống và vẫn ở tại Cần Thơ. Ai có học trường trung học ở tỉnh lỵ này đều biết ông: Nguyễn Văn Trọng.” (bài Tựa này, HHT viết tại Saigon, ngày 1 tháng 6, 1965. Lúc đó thầy Trọng vẫn còn dạy toán tại PTG, CT. Tôi hân hạnh có hình chụp với Thầy, hình 1).


Hình 1: GS Nguyễn Văn Trọng và NNH.

Học tại trung học Cần Thơ không được bao lâu, tới cuối năm 1925, HHT bị đuổi. Nguyên do là vì, năm 1925 trong nước có nhiều biến động: nhà cách mạng Nguyễn An Ninh bị thực dân Pháp bắt và đem ra tòa xử, rồi đến vụ cụ Phan Bội Châu bị kêu án tử hình, ngày 23-11-1925. HHT đã bị nhà trường để ý khi viết báo trường có tư tưởng cấp tiến, nay lại cùng các bạn hô hào học sinh bãi khóa, nên cả nhóm bị đuổi học.

Thế là chấm dứt thời gian HHT với PTG, với Cần Thơ. Lúc đó, HHT mới 15 tuổi, còn quá trẻ. Gia đình sợ HHT ở nhà không được yên ổn để học hành, có thể vướng vòng tù tội, nên tìm cách cho HHT lên đường sang Pháp du học, vào năm sau, năm 1926. Cậu bé “nhà nông Cái Răng”, 16 tuổi, chưa từng ra khỏi đất Cần Thơ, mà bây giờ, đùng một cái, bay tuốt qua đại dương, sang một lục địa xa xôi. Sao không khỏi bỡ ngỡ! Nhưng với một con người đầy bản lãnh, HHT vượt qua mọi trở ngại, tiếp tục thành công trên đường học vấn. Học tiếp trung học, thi tú tài tại Aix-en- Provence, vào đại học Marseille, sau sang Lyon, nạp luận án cao học toán. Từ đó, con chim đất Cần Thơ bay khắp bốn phương trời, qua các nước Âu châu, trở lại VN, ra Bắc vào Nam.., để hành nghề: dạy học, viết báo, viết văn và làm chính trị…

2/ HHT, nhà báo.

Ta có thể coi HHT vào nghề viết báo từ khi còn đang học tại trung học Cần Thơ. Tờ báo trường này, tên là gì, HHT không còn nhớ.

HHT viết lại trong hồi ký 41 năm làm báo (Trí Đăng xuất bản, Saigon 1972) nguyên văn như sau:

“…vào cuối năm 1925, tôi mới biết và thích đọc báo. Tờ báo có cái công ấy là tờ Đông Pháp Thời Báo…Và cơ hội làm cho tôi mê tờ báo này là vụ án của Phan Bội Châu…Đùng một cái như tiếng sét nổ bên tai, cả trường trung học Cần Thơ, nay là trường Phan Thanh Giản, được tin cụ bị đưa ra tòa Đề hình HàNội mà xử. Đông Pháp Thời Báo đăng tải vụ án Phan Bội Châu, với đủ mọi tình tiết…Trong đám độc giả sốt sắng, có anh Trần Thiêm Thới…Anh Thới đề nghị ra một tờ báo trường. Báo đặt tên là gì nay tôi cũng quên mất…Anh Thới lại giao cho tôi viết trong một bài bằng tiếng Pháp thứ hai “đề cho Tây nó đọc”…Thuở ấy anh em đặt cho tôi cái biệt hiệu là Tường Bụng. Tôi dịch ra tiếng Pháp là Ventru, rồi nói lái lại là Vutren và ký tên là Pierre Vutren. Ký như thế, tức là “lậy ông tôi ở bụi này”, nên trong danh sách bị đuổi, tôi đứng đầu sổ

HHT kể lại với Nguyễn Ngu Í (Sống và viết với HHT) năm 1966, lúc HHT làm viện phó trường đại học Vạn Hạnh:

“Lúc tôi mười sáu tuổi, đang theo học đệ nhị trường trung học Cần Thơ, tôi viết báo, báo tay với anh em cùng lớp. Chủ bút là người anh biết, Trúc Hà Trần Thiêm Thới, sau này sẽ đi xa trong báo giới và học giới. Trong bộ biên tập, có hai anh sau này sẽ đi xa về quân sự và chánh trị, là Nguyễn Văn Tây và Ung Văn Khiêm. Lâu quá, tôi quên tên tờ báo học trò ấy. Nhưng tôi không quên việc tréo cẳng ngỗng này: báo quốc ngữ, mà anh em giao tôi mỗi kỳ cố “rặn” cho ra một bài xã thuyết bằng tiếng Tây. Đố anh biết để làm chi? Để rủi báo có bị tịch thâu thì ông đốc Tây biết ngay đại ý tờ báo muốn nói gì…”

Như vậy, tờ báo học trò tại trường trung học Cần Thơ này và bút hiệu Pierre Vutren là tờ báo và bút hiệu đầu tiên trong cuộc đời làm báo của HHT.

Suốt 41 năm làm báo, HHT viết cho rất nhiều báo, lúc thì làm chủ báo, lúc thì cộng tác viết bài. Xin kể vài tờ báo sau đây:

Báo Tiền Quân, tờ báo của nhóm Việt Kiều tại Pháp ( Les Emigrés Vietnamiens en France), báo bí mật, chống thực dân Pháp, viết tay, viết xong đưa qua nhà in, chụp làm bản kẽm, in rất đẹp đẽ, chỉ ra được 1 số (1930). Nhưng mà báo đang in, chưa kịp phát hành thì toàn ban biên tập bị bắt. Chủ nhiệm là HHT, chủ bút là Phan Văn Hùm.chạy thoát và sau trốn qua Bỉ.

Trong thời gian ở Paris, HHT thường gửi bài cho tuần báo La Vérité. cơ quan của nhóm Trostky, với tên ký là Giải Phóng.

Tạp chí lý luận Tháng Mười, ra 8 số/ tháng, HHT phụ trách lý luận. Báo Tháng Mười cũng là báo bí mật của nhóm Tạ Thu Thâu; đến tháng 9/1932, cả nhóm bị bắt vào tù.

Ở trong tù (1932-33), HHT làm báo Nhẩm (nhẩm trong đầu, không viết ra) lấy tên là báo Thiên Thu.tôi đặt tên là Thiên Thu, do câu sáo ngữ “nhứt nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Đếm chung cũng xuất bản được mấy chục số”.

Báo Đồng Nai (1933), Phan văn Hùm và HHT trông coi, ra được 8 số thì bị cấm.

Báo Thường Trực Cách Mạng (1936), tờ báo bí mật cuối cùng mà HHT tham gia và vì tờ báo này HHT bị tù non 1 tháng.

Báo Phương Đông (1953), là tuần báo, sau đổi thành nhật báo, in tại Saigon, phát hành toàn quốc. Số bán ở ngoài bắc gấp nhiều lần số bán trong nam. Đó là thời gian, trước và sau hội nghị Geneve 1954, chia cắt đất nước. Tờ báo cổ võ thuyết “Trung lập chế “của HHT, không theo phe tư bản và cũng không theo phe CS. “Tờ báo Phương Đông có một tiếng vang mãnh liệt và ảnh hưởng đến bây giờ là bài Thuyết trình về Trung lập chế…Sang qua Genève, bản thuyết trình về “Trung lập chế” được phiên dịch ra Pháp ngữ và Anh ngữ, gởi gần chục ngàn bản cho những danh nhơn thế giới. Năm 1957, khi tôi bị kêu án tử hình, số đông những danh nhơn nhận được tài liệu này đã ký tên can thiệp với Ngô Đình Diệm đình chỉ sự hành quyết bản án tử hình.”

(Trong thời gian này, tôi có dịp được gặp HHT lần đầu. Một tác giả mà tôi rất ngưỡng mộ, khi đọc “Phi Lạc sang Tàu”, đăng từng kỳ trong báo Saigon Mới của Bà Bút Trà. Hôm gặp HHT là vào cuối năm 1954, tại nhà ông Nguyễn Như Cảnh, trong một con hẻm đường Bùi Chu, Saigon. Hôm đó có cả nhà văn Lê Văn Siêu. Ông Siêu cao, ông Cảnh bé , ông Tường mập. Ba ông ở tuổi trên 40, cùng trông coi tờ báo Phương Đông. Không biết ông HHT có phải là chủ nhiệm và ông NNCảnh có phải là quản lý tờ báo hay không, nhưng tôi biết chắc ông Lê Văn Siêu là chủ bút (1).)

Sau báo Phương Đông bị “lỗ lã mà đóng cửa”.(2)

Năm 1955, HHT, trong nhóm Bình Xuyên, bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt tù Côn Đảo (1955-64). Sau khi ra tù, HHT cộng tác với các báo như Ánh Sáng, Hòa Đồng, Sống, Quyết Tiến, Tin Sáng, Đuốc Nhà Nam và.. v..v…

“Hơn bốn mươi mốt năm trôi qua, đáng lẽ tôi phải được hưu trí, rút về vườn mà vui thú điền viên. Nhưng đất nước còn bị chia đôi, thanh bình chưa ló dạng, trong bụng tằm còn cồm cộm những đường tơ. Lòng tôi muốn buông viết, mà thời thế còn đặt tôi vào cảnh CHẲNG ĐẶNG ĐỪNG” Câu cuối cùng chấm dứt tác phẩm “41 năm làm báo” của HHT.

3/ HHT, nhà văn.

Tác phẩm của HHT có rất nhiều, gồm đủ thể loại:

● Chính trị, kinh tế, triết học, văn phạm, lịch sử:

  • Xã hội nhập môn.
  • Kinh tế học và kinh tế chính trị nhập môn.
  • Tương lai kinh tế VN. Phong kiến là gì?
  • Vấn đề dân tộc.
  • Muốn tìm hiểu chính trị.
  • Tương lai văn hóa VN (in năm 1946, tại HàNội. “Đến nay, tôi chưa viết quyển nào đắc ý hơn”)
  • Lịch sử văn chương VN.
  • Phép nói và viết hỏi ngã.
  • Em học tiếng Mẹ.
  • Em tập đọc.

● Truyện:

  • Bộ Ngàn năm một thuở ( truyện trào phúng chính trị) gồm có: Phi Lạc sang Tàu, Phi Lạc náo Hoa Kỳ, Tiểu Phi Lạc náo Saigon, Phi Lạc bỡn Nga.
  • Bộ Hồn bướm mơ hoa ( tiểu thuyết lịch sử xã hội miền Hậu Giang) gồm 4 tập: Mai Thoại Dung, Tam nhơn đồnh hành, Ông thày Quảng, Bủa lưới người.
  • Bộ Gái nước Nam làm gì? ( tiểu thuyết tranh đấu chống Pháp) gồm Thu Hương, Chị Tập.
  • Bộ Thuốc trường sanh gồm 3 tập: Xây mộng, Phúc đức, Vẹn nguyền.
  • Nỗi lòng thằng Hiệp
  • Kế thế ( tiểu thuyết dã sử)
  • Người Mỹ ưu tư (đặc biệt cuốn này in với nét chữ viết tay của tác giả) (Hình 2 & 3)


Hình 2: Bìa sau cuốn NMUT.


Hình 3: Trang đầu cuốn NMUT.

● Hồi ký, tiểu luận:

  • Những kỹ thuật căn bản của nghề làm báo.
  • 41 năm làm báo.
  • Thằng Thuộc con nhà nông.
  • Trầm tư của một tên tội tử hình. Quả trứng thần.
  • Kể chuyện. ….và …v…v

4/ HHT, nhà chính trị .

Ngay từ ngày còn ngồi ghế trường trung học Cần Thơ, thời Pháp thuộc, mới khoảng 14, 15 tuổi, HHT đã làm báo truờng chống thực dân và hô hào học sinh bãi khóa. HHT bị đuổi học.

Sang Pháp, cũng làm báo, liên kết với chính khách như Tạ Thu Thâu, Hồ Văn Ngà, Phan Văn Chánh, Huỳnh Văn Phương…Ngày 22 tháng 5, 1930, tổ chức biểu tinh trước dinh tổng thống Pháp, điện Élysée, để xin giảm án cho các liệt sĩ trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái, cả nhóm bị trục xuất về VN. HHT và Phan Văn Hùm trốn thoát sang Bỉ.

Về tư tưởng chính trị, lúc đầu HHT theo nhóm đệ Tứ Quốc Tế Trotsky chống nhóm đệ Tam Stalin. Năm 1939, ông tuyên bố từ bỏ luôn Đệ Tứ và chủ nghĩa Mác và hình thành một hệ tư tưởng mới: chủ nghiã dân tộc. Ngày 29-9-1939, chính phủ thuộc địa mở chiến dịch tổng càn quét, bắt hết những đảng phái đối lập. HHT bị bắt (1940) và bị đầy ra Côn Đảo cùng với các nhà cách mạng chống Pháp như Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu. Năm 1944, ông được trả tự do. Năm 1953, HHT đưa ra thuyết “Trung lập chế” cho tình hình VN, không theo Nga, Tàu, không theo Pháp, Mỹ, phổ biến rộng rãi trên báo Phương Đông. Năm 1954, hội nghị quốc tế tại Genève (Thuỵ Sĩ) bàn về vấn đề VN, HHT bay sang, ra sức vận động cho giải pháp trung lập VN, nhưng không thành công.

Năm 1955, HHT làm cố vấn cho Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia ( Cao Đài, Hoà Hảo, Bình Xuyên), bị chính quyền của thủ tướng Ngô Đình Diệm bắt, đưa ra Côn Đảo và bị kết án tử hình. Sau nhờ sự can thiệp của các nhà trí thức thế giới và của thủ tướng Ấn Độ Nehru nên thoát tử hình. Cuối năm 1963, đảo chánh lật đổ Tổng Thống NĐDiêm, chính quyền mới thả các tù chính trị, HHT được về đất liền, đầu năm 1964. Nghỉ ngơi ít lâu, HHT trở lại viết báo, dạy học và hoạt động chính trị tiếp.

Năm 1967, HHT trúng cử dân biểu đối lập trong Hạ Viện quốc hội VNCH..

Sau 30 tháng 4, 1975, ông ở lạị trong nước, nhưng không bị tập trung cải tạo ngay như nhiều người khác. Mãi tới năm 1978, ông mới bị bắt đi tù và bị bệnh mất năm 1980.

“Một người đã có nhiều kinh nghiệm, biết thể thức giữ gìn sức khoẻ và tinh thần qua bao nhiêu năm tháng trong các lao tù, thế mà chỉ trong vòng hai tháng bị đưa đi giam ở Hàm Tân, lại bị lần lần kiệt sức và chỉ được đưa về gục chết trước thềm nhà mình, là một việc lạ cần được các sử gia điều nghiên trong tương lai. Tưởng cũng nên ghi lại là đã có một lần, xe chở HHT chuyển trại đã bị tai nạn dọc đường và HHT đã được đưa về Saigon chữa trị. Dưới một chế độ nắm toàn quyền lực sinh sát trong tay, với một ngành công an có nhiều kinh nghiệm học hỏi ở Nga Sô về các kỹ thuật tinh xảo, âm thầm giết người, thì việc thủ tiêu một đối phương đang bị tù, không có gì là khó khăn. Nhưng cũng nên hy vọng là với những cải tiến không ngừng của nền khoa học hiện đại, nhiều âm mưu ám hại, tưởng là bí mật, rồi cũng có ngày bị phát giác. ( Trích “HHT và cái nghiệp làm báo” của bác sĩ Trần Nguơn Phiêu, Texas, 2003).

Suốt cuộc đời 70 năm, chàng trai Cái Răng, cựu học sinh trung học Cần Thơ đã tỏ ra đa tài lại cũng rất đa tình:

Mới ngoài 20 tuổi, “thằng Thuộc” hoạt động bí mật với một nữ đồng chí. Hai đồng chí đóng giả là vợ chồng để che mắt mật thám Pháp. “Ba tháng sau” thành vợ chồng thật (lời nữ đồng chí Nguyễn Huệ Minh trả lời nhà báo Nguyễn Ngu Í, Saigon, 1966). Bà Huệ Minh là bà lớn, bà bé là bà Phạm Kim Chi, em của bác sĩ Phạm Ngọc Khuê. Khi từ Saigon ra Hà Nội năm 1945, HHT ở nhà bs Khuê và dzớt ngay cô em của bs.

Để rõ thêm về gia đình và những ngày cuối đời đau thương của HHT, nhà chính trị suốt đời tranh đấu tìm một lối thoát cho VN mà không thành công, xin quý bạn coi trích đoạn sau đây:

Buổi Trò chuyện với bà Hồ Huệ Tâm, con gái của HHT, ở Boston, Hoa Kỳ, vào đầu năm 2003 của tạp chí Thế Kỷ 21:

TK21 hỏi: Ông Cụ mất vào năm nào? Và vì sao?

HHTâm trả lời: Ông Cụ tôi mất vào cuối tháng 6 năm 1980. Theo bà cụ viết từ mấy tháng trước, ông cụ đau vì thiếu ăn. Ông cụ bị phù thủng và sanh ghẻ lở cùng thân thể. Khi bịnh tình nguy kịch, nhà chức trách trong trại mới đem vào bệnh viện Hàm Tân. Đến lúc ông cụ sắp mất thì mới cho phép mẹ tôi mang về Saigon. Theo lời bà cụ viết, khi xe chở ông cụ về Saigon, đến trước cửa nhà là ông cụ từ trần.

TK21: Sau đó bà cụ vẫn ở Saigon? HHTâm: Vâng.

TK21: Bà cụ còn sống không, thưa chị?

HHTâm: Bà mất rồi anh ạ. Mất năm 1986 ở Saigon. Bà bị ung thư.

TK21: Còn mấy anh em của chị hiện giờ thế nào? HHTâm: Tính cả tôi nữa thì còn 4 người, nếu không kể mấy người con của bà hai.

TK21: À, vậy là ông cụ còn có bà hai à?

HHTâm: Anh ngạc nhiên à?

TK21: Vâng…vâng…cũng có hơi ngạc nhiên.

HHTâm: Nghe nói ông cụ quen bà hai đâu từ hồi 1945 ở Hà Nội. Bà là bà Phạm Kim Chi đó anh.

Năm 2003, TK21 thực hiện cuộc phỏng vấn này, bà Phạm Kim Chi đang sống tại Pháp với 3 người con.

Ngoài bà Hồ Huệ Tâm là giáo sư dạy lịch sử VN tại đại học Harvard, HHT còn một người con khác, con trai đầu, cũng được báo chí nhắc tới là ông Hồ Xích Tú (HXT). Năm 1970, Viện đại học Hoà Hảo thành lập tại Long Xuyên, HXT được cử làm phó viện trưởng. Trước 1975, HXT từng là phó giám đốc nhân viên, rồi giám đốc kỹ thuật nha Hàng không VN. “Nhưng trong những ngày cuối cùng Saigon sụp đổ, Tú chần chờ cùng với cha ra đi, nhưng HHT tin rằng mình là người yêu nước, quyết định ở lại…Khi bà Huệ Minh từ Hàm Tân về nhà thì tin dữ đến với gia đình: Hồ Xích Tú bị bắt tại Bến Tre do vượt biên” (“HHT- Những ngày cuối đời” bài viết của Phan Chính, từng làm việc tại bệnh viện Hàm Tân, đăng trên Talawas 2008).

Chuyện kể thêm:

(1) Xóm Đạo với đồng môn PTG, Cần Thơ:

Ngõ hẻm đường Bùi Chu, quận nhứt, Saigon, dân thường gọi là Xóm Đạo (vì khu đất này thuộc sở hữu của nhà thờ Huyện Sĩ). Tôi chính thức cư ngụ tại xóm Đạo từ 1954, sau hiệp định Genève chia cắt đất nước, đến 1960 thì di chuyển xuống Cần Thơ, nhận nhiệm sở mới tại trường PTG và nội trú trong trường, giống HHT 36 năm về trước Sáu năm ở xóm Đạo, tôi được gặp 2 người, sau này sang Mỹ mới biết là đồng môn PTG.


Hình 4: Họp bạn: từ trái OB NgĐìnhSách và các bạn học.

Người thứ nhứt là HHT, như đã nói ở trên, một lần duy nhất vào cuối năm 1954, khi mới dời bỏ quê hương miền Bắc, vào Nam tìm tự do.

Người thứ hai là: Nguyễn Đình Sách.

Một buổi sáng đẹp trời ngày chủ nhật, nghỉ học, đang đứng trước cửa nhà trong xóm Đạo, tôi thoáng thấy tà áo dài tha thướt bên chàng thanh niên tuấn tú từ đầu ngõ đi vào.Càng đến gần, càng thấy quen quen. Vui mừng quá! Chúng tôi cùng nhận ra nhau, gọi tên nhau như thời còn học chung lớp của một trường trung học nhỏ bé ở Hà Nội.

Nàng vui cười giới thiệu đức lang quân đứng bên cạnh. Chúng tôi bắt tay nhau, chào hỏi. Nhưng không nói được nhiều vì cặp đôi này có việc phải vào thăm một gia đình bà con trong xóm. Sau đó cũng có vài lần chúng tôi gặp lại nhau trong xóm Đạo.


Hình 5: ĐH/PTGĐTĐ San Jose 1999. Từ trái, gs PTThư, PTG TVTrọng, OB Ng Đình Sách….

Nhớ lại mấy năm về trước ở ngoài Bắc, Nàng là người đẹp trong trường. Lớp lớn nhất là lớp chúng tôi, lớp đệ thất (lớp sáu bây giờ). Trường mới khai giảng năm thứ nhất (1950), Thày trò phần lớn mới hồi cư về Hà Nội sau bao năm chạy loạn trong các vùng nông thôn. Hết hè năm ấy, lên lớp đệ lục, không thấy Nàng trở lại. Các bạn gái của Nàng cho biết Nàng đã lên xe hoa. Chú rể, người Saigon, một sĩ quan tốt nghiệp võ bị Đà lạt. Mấy chục năm sau, khi sang tới Cali, tình cờ chúng tôi liên lạc được với nhau. Với bao lần họp bạn già cùng lớp thời Hà Nội (hình 4), tôi chỉ biết thêm chàng võ bị ĐaLat khi xưa đã cùng gia đình qua Mỹ năm 1975 với cấp bậc đại tá.. Nhưng đâu có biết rằng chàng là cựu học sinh PTG, cho tới ngày đại hội PTG/DTD tổ chức tại San Jose, 1999 (hình 5). Trước đó, trong những buổi họp mặt, trò truyện vui đùa, chúng tôi thường khen chàng võ bị học võ nghệ ở đâu mà từ Saigon bay tuốt ra HàNội, dzớt ngay người đẹp của trường tôi dzìa dinh? Nay thì hết thắc mắc. Dân PTG mà! Lại là đồng môn với tiền bối có tiếng đa tài, đa tình HHT nữa!

Hai niên trưởng HHT và Nguyễn Đình Sách mà tôi gặp lần đầu tại xóm Đạo, là lúc tôi chưa biết gì về trường trung học Cần Thơ.

Sau này, tôi còn biết thêm, hai đồng môn PTG khác cũng có thời gian cư ngụ trong xóm Đạo nhỏ bé này, đó là: PTG giáo sư Đào Ngọc Tứ và PTG học sinh Trần Ngọc Dung (hay Đặng Mỹ Dung hay Yung Krall).

(2) HHT, một tay du thuyết:

Báo Phương Đông lỗ lã, đã không có tiền giữ cho tờ báo sống còn, nay HHT lại muốn sang Genève để cổ võ cho giải pháp trung lập, không chia cắt lãnh thổ VN (nhân hội nghị thế giới về vấn đề VN, năm 1954). Làm thế nào để có tiền đi vận động quốc tế bên Genève? HHT có mưu kế gì? Xin coi HHT kể lại trong hồi ký “41 năm làm báo”:

Một giai thoại của một tay du thuyết, lúc nghèo túng “bán óc” của mình mà có tiền nhiều xài chơi một mách.

Đầu tháng Avril, tôi chỉ vừa có đủ tiền mua vé máy bay sang Pháp. Túi hôm ấy còn độ một trăm quan. Mà nhà có tới mười sáu miệng ăn. Lại nuôi đại mộng sang Genève đập trống thổi kèn, để cổ võ cho giải pháp “Trung lập chế”. Tuy chưa có thể ví như Tô Tần bán áo hồ cừu của mình, song tình trạng cũng chẳng kém bao nhiêu.

Độ 11 giờ năm mươi, vô tình tôi đi bộ trên vỉa hè đại lộ Malesherbes mà không để ý. Thình lình, từ trong, xô cửa kíếng quay bước ra, có người gọi to: “Anh đi đâu đó ? Gặp tay mưu sĩ rồi”. Quay lại, tôi thấy Nguyễn Đệ, đổng lý văn phòng của quốc trưởng Bảo Đại. Tôi đáp: “Tôi đi đến cửa hầm métro gần đây, để về nhà ăn trưa.”

- Có ăn trưa, thì vào đây mà ăn với tôi vậy.

- Thú thật với anh là tôi hết tiền. Với điều kiện là anh bao bữa cơm, thì tôi mới không từ chối được.

- Dĩ nhiên, tôi mời anh ăn, thì tôi bao rồi. Tôi cần hỏi tay mưu sĩ một việc. Không gặp đây thì tôi cũng đi tìm anh.

Tôi nói thiệt. Túi tôi chỉ có lối trăm quan, mà vào nhà hàng sang trọng ấy, mỗi bữa ăn phải trả hơn ngàn quan. Vừa ăn, Nguyễn Đệ vừa trình bày vấn đề. Tôi tóm đại cương như sau. Trước đó, có một hội nghị Pháp Việt tại Pháp. Việt ở đây là chính phủ Bảo Đại do Bửu Lộc làm thủ tướng. Trong phái đoàn của chính phủ Bảo Đại có mấy vị tổng trưởng thạc sĩ. Sau khi điều đình xong với Pháp, hai phái đoàn đã ký kết một hiệp ước. Còn chỉ đưa cho quốc trưởng Bảo Đại ký vào là hiệp ước có giá trị. Tờ hiệp ước đưa cho Bảo Đại duyệt xong, thì Bảo Đại toát mồ hôi, không dám ký, lấy cớ rằng nếu ký thì về xứ, quốc dân vấn tội, sẽ ăn làm sao, nói làm sao? Nhưng mà tánh Bảo Đại nhát lắm, nếu không ký, thì sợ Pháp giết chết. Ở cái thế trên đe dưới búa, Bảo Đại không biết làm sao đừng ký vào hiệp ước mà chẳng bị thực dân đàn áp. Trình bày vấn đề đến đây, Nguyễn Đệ kết luận:

- Ba giờ chiều nay, thằng Letourneau hẹn sẽ đến gặp Ngài để ký tên. Bây giờ đã quá 12 giờ, Anh có kế gì chăng?

Nửa đùa, nửa thật, tôi đáp:

- Anh đã gọi tôi là mưu sĩ, nếu tôi chẳng có kế mọn, thì làm sao xứng đáng với cái anh gọi?

- Anh nói thật chớ?

- Tôi có khi nào nói dối với ai đâu? Nhưng kế của tôi, tôi cơm cha áo mẹ mới có. Tôi bán để sống, chớ không cho không ai cả.

- Như vậy, tôi có thể điện thoại cho Ngài rằng anh đã nói với tôi như vậy à ?

- Thì anh điện thoại đi.

Tôi ngồi ăn một mình. Nguyễn Đệ điện thoại một hồi lâu, trở lại nói:

- Tôi đã nói rõ với Ngài rồi. Ngài mời anh đến gặp ngay.

Tôi cũng vừa ăn xong. Bắt tay Nguyễn Đệ, đi lấy metro, đến khách sạn Bảo Đại. Đến nơi, thì thơ ký đặc biệt là Phạm Bích, con của Phạm Quỳnh tiếp. Tôi nói với Bích:

- Chuyện này, tôi chỉ có thể nói với một mình Quốc trưởng mà thôi, chớ tuyệt nhiên không thể nói với một người nào khác.

Bích vào trong, Bảo Đại bước ra hỏi ngay:

- Ông Tường có cách giúp cho tôi không ký hiệp ước à?

- Đúng như vậy. Nhưng tôi đã nói với Nguyễn Đệ rằng, tôi chỉ đưa kế mọn của tôi để lấy tiền sang Genève hoạt động. Với điều kiện duy nhứt đó mà thôi.

- Ông Tường muốn bao nhiêu?

- Tôi muốn năm triệu quan, trả bằng tiền mặt, chớ không phải tiền VN, hay là ngân phiếu.

- Ông Tường có thể cho tôi biết trước kế hoạch ra sao chăng?

- Đồng ý về giá cả, tôi sẵn sàng trình bày kế của tôi. Nếu kế không thi hành được, thì quốc trưởng khỏi trả tiền. Còn quốc trưởng thi hành, thì trả tiền cho tôi. Mình là người lớn với nhau.

- Vậy ông Tường cho biết.

- Hiệp ước mà Pháp bày ra đây chỉ là một lá bài mà Pháp chìa ra cho Việt Minh xem, để trả giá sự rút lui của quân đội Pháp. Họ sẽ nói với Việt Minh: “Đây, chính phủ Bảo Đại đã chấp thuận những điều kiện với nước Pháp như thế này. Nếu bên kháng chiến mà chấp nhận những điều kiện như vậy, thì chúng tôi hợp tác với các ông, miễn cho chúng tôi hy sinh thêm. Nhược bằng các ông đòi quá, thì sẵn có hiệp ước đây, chúng tôi cứ “tiếp tục”. Như vậy, tờ giấy mà người ta đòi ông ký, chẳng qua là tờ giấy lộn, ông không ký cũng không sao cho họ…

- Nhưng mà họ làm dữ với tôi bắt cho tôi ký.

- Để họ chìa ra mà dọa bên Việt Minh. Bây giờ quốc trưởng muốn không ký, thì cứ khai thác cái danh mà họ đã tạo chung quanh cái tên của quốc trưởng. Lập tức lấy một cái xe, chở hai ba nàng, tự lái lấy xe, đi chơi lập tức. Letourneau có đến, thì tuỳ tùng cứ báo cáo với nó rằng quốc trưởng chở gái đi chơi, mà quên cái hẹn ba giờ chiều nay. Ít hôm sau có về, hiệp ước hết thời giờ xài rồi, tất nhiên nó sẽ không đeo đuổi mà đòi quốc trưởng ký nữa đâu.

- Bảo Đại gật đầu, đứng dậy, với tay lấy điện thoại quay số nói chuyện ngay với Nguyễn Đệ mà tôi nghe rõ:

- Đệ đưa cho Hồ Hữu Tường năm triệu quan.

Tôi không nghe tiếng Nguyễn Đệ trả lời ra sao cả. Một chặp, Bảo Đại trở lại, đưa tay bắt tay tôi và nói:

- Ông Tường yên trí. Sáng mai, đúng chín giờ, đến nhà riêng của Nguyễn Đệ mà nhận đủ số bạc. Tôi đi chơi đây.

Phải nhìn nhận rằng, trong các nhà chánh trị của xứ Việt Nam, ngoại trừ những người CS đệ tam và đệ tứ mà tôi không đặt vào sự so sánh này, tôi phải nhìn nhận rằng Bảo Đại là nhà chánh trị thông minh hơn hết. Và đây không phải là dịp thứ nhứt mà tôi được kinh nghiệm điều này. Dịp đầu đã xảy ra năm 1945, khi Việt Minh cướp chánh quyền ở Hà Nội. Chỉ một bức điện tín do chúng tôi từ Hà Nội gởi vào ( Hồ Hữu Tường, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kontum ), nếu người khác thì chẳng thấy xa mà hành động theo, nhưng Bảo Đại sáng suốt , biết nắm lấy cây sào mà chúng tôi đưa cho níu, thoát cơn giết chóc, và đến nay còn có một “vai trò” nào, không đến nỗi thân bại danh liệt. Chỉ có điều là sanh trưởng trong nhung lụa, Bảo Đại không chút tinh thần tranh đấu, rất nhát, không dám hy sanh. Đòi hỏi nơi Bảo Đại những điều nầy, sẽ thất vọng ngay, và sẽ hỏng chuyện, dù lớn hay nhỏ.

Gặp người kém thông minh, ắt đã quịt ngay số tiền bán nước bọt của tôi trong năm phút ấy. Nhưng Bảo Đại biết rằng ngày sau, sẽ còn nhiều dịp “mua kế”của tôi, nên chuyện ấy, trả sòng phẳng.”

HHT, Cái Răng, Cần Thơ, một con người thông minh, tài giỏi, nhiều mưu kế, hăng say hoạt động, suốt đời tranh đấu cho độc lập dân tộc, nhưng tiếc rằng không thu hái được kết quả, lại gặp bao cảnh tù tội! Tuy nhiên, Ông đã để lại cho văn học VN nhiều tác phẩm giá trị. Đọc HHT, chúng ta có thể biết được đời sống xã hội cùng những biến cố lịch sử quan trọng của đất nước VN trong suốt thế kỷ XX, một cách sống động, trung thực. HHT, đúng là một nhân vật kỳ tài, có một không hai trong lịch sử VN từ thế kỷ XX cho tới nay.