Danh ca cổ nhạc tài tử Chín Sớm đã ra người thiên cổ

Bạn tcgd của trang web cailuongvietnam.com ở San José và dưỡng nữ của tôi, nữ nghệ sĩ Tú Trinh ở Việt Nam, gởi email cho tôi báo tin danh ca cổ nhạc Chín Sớm đã từ trần lúc 20 giờ ngày 10 tháng 2 năm 2014. Ông Chín Sớm hưởng thọ 89 tuổi (1925 – 2014)

Lúc tôi đang thăm viếng nhạc sĩ Kim Nguyên ở San José thì được tin buồn này, tôi và nhạc sĩ Kim Nguyên rất xúc động, bàng hoàng khi biết rằng ca sĩ Chín Sớm mất mà các nghệ sĩ cổ nhạc, nghệ sĩ cải lương và Hội nghệ sĩ Ái Hữu ở Saigon, các ký giả báo Sân Khấu không hay để đến viếng và tiễn đưa danh ca cổ nhạc Chín Sớm đến nơi an nghỉ sau cùng, chỉ trừ có nghệ sĩ Trung Ảnh, con của vợ chồng cố nghệ sĩ kiêm Bầu gánh hát Huỳnh Long từ Paris về thăm gia đình, hay tin nên đến viếng và chụp ảnh tang lễ của cố danh ca cổ nhạc Chín Sớm.

Danh ca Chín Sớm sanh năm 1925, quê quán ở Cần Thơ, một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nơi đã sản sinh ra nhiều nghệ sĩ cổ nhạc và nghệ sĩ cải lương tài danh không thua gì các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, quê hương của ngành đàn ca tài tử Nam Kỳ. Vào nửa thập niên 40 của thế kỷ trước, các danh ca Út Trà Ôn, Thành Công, Năm Nghĩa, Bảy Cao, nhạc sĩ Bảy Bá, đều rời quê hương vùng sông nước Cửu Long đến Saigon lập nghiệp. Danh ca cổ nhạc Chín Sớm cũng theo chân các bạn tìm đường tiến thân. Từ năm 1947 đến năm 1952, anh Chín Sớm là ca sĩ trong Ban cổ nhạc Thành Công của Đài Phát thanh Pháp Á, trụ sở ở góc đường Boulevard Bonnard và đường Pasteur, ngay trung tâm thành phố Saigon. Anh cũng có mặt trong nhóm ca tài tử ở các quán ca cổ nhạc Đức Thành Hưng sau chợ Bến Thành và quán ca nhạc của thầy Mười An ở Chợ Cầu Ông Lãnh. (Từ năm 1954 đến năm 1960, Ông Mười An làm quản lý vũ trường Tour D’Ivoire tại góc đường Hưng Đạo và Bùi Viện).

Giọng ca của Chín Sớm trầm ấm, vang lộng, anh ca cổ nhạc đúng theo từng điệu thức, ca vọng cổ rất mùi nên thính giả rất yêu thích. Thời kỳ này chưa có trang kịch trường trên các tờ nhật báo ở Saigon nên ca sĩ Chín Sớm chỉ được một số thính giả Đài Pháp Á và các thực khách quán ca cổ biết danh.

Danh ca Chín Sớm học đầy đủ 20 bài bản Tổ, phong thái ca sang trọng, vóc dáng đẹp trai đáng lẽ ra anh phải gặt hái được nhiều thành công rực rỡ trên đường sự nghiệp ca hát như các bạn Út Trà Ôn, Năm Nghĩa, Bảy Cao, nhưng anh không có người bảo trợ, bỏ tiền ra giúp anh lập đoàn hát. Anh Chín Sớm lại không thích ganh đua, chỉ thích đàn ca tài tử, nên anh bằng lòng sống với số tiền thu nhập từ đài phát thanh, tiền cachet ca từ các quán cổ nhạc.

Danh ca Chín Sớm cũng khó thể nổi bật lên được vì Ban cổ nhạc Thành Công của Đài Phát thanh Pháp Á có những danh ca đồng sức đồng tài với Chín Sớm, như các danh ca Thành Công, Sáu Thoàng, Việt Hùng, Tám Bằng, Năm Phồi, Ba Khuê, Văn Chung, Bảy Qưới…

Danh ca Chín Sớm được ông chủ hãng dĩa Asia mời thu thanh hai bộ dĩa:

– Dĩa tròng xanh (1947) tuồng cải lương Nguyệt Thu Nga: ca sĩ Thành Công, Chín Sớm, nữ ca sĩ Ba Trà Vinh, Ngọc Ánh, đàn kìm Bảy Hàm, Cò Chín Trích, đàn tranh Sáu Quí.

– Dĩa tròng xanh (1950) tuồng cải lương Chị Chồng Tôi: ca sĩ Thành Công, Chín Sớm, nữ ca sĩ Kim Chưởng, Ngọc Ánh.

Danh ca Thành Công nổi tiếng nhờ dĩa vọng cổ Bóng Người Kỵ Sĩ, ca sĩ Sáu Thoàng nổi danh với dĩa vọng cổ Tâm Sự Chàng Dốt. Riêng ca sĩ Chín Sớm, sau hai bộ dĩa tuồng cải lương kể trên, anh không có thâu thêm dĩa ca cổ nào khác mà chỉ chuyên môn thu thanh ở các đài phát thanh.

Năm 1955, tôi là soạn giả thường trực của đoàn Thanh Minh bầu Năm Nghĩa. Lúc đó danh ca Út Trà Ôn, nữ nghệ sĩ Kim Chưởng, hai vợ chồng nghệ sĩ Thúy Nga – Phước Trọng sắp rời đoàn Thanh Minh để ra hợp tác với nghệ sĩ Thanh Tao lập gánh hát Kim Thanh – Út Trà Ôn, Bầu Năm Nghĩa mời các ca sĩ Thành Công, Chín Sớm về cộng tác, thế vai trò của danh ca Út Trà Ôn và Phước Trọng. Bầu Nghĩa mời nữ ca sĩ Bạch Huệ để thế vai cho nữ nghệ sĩ Kim Chưởng. Để giới thiệu dàn đào kép mới thay thế Út Trà Ôn, Kim Chưởng, Thúy Nga, Phước Trọng, ông Bầu Nghĩa cho tập tuồng mới: Đất Việt Của Người Việt, do ông sáng tác và để cho các nghệ sĩ Thành Công, Chín Sớm, Bạch Huệ thủ các vai đào kép chánh.

Đây là cơ hội tốt cho các ca sĩ tài tử trở thành diễn viên trên sân khấu đại ban, nhưng qua một tuần lễ hát khai trương tuồng Đất Việt Của Người Việt, số doanh thu của đoàn hát giảm sút nghiêm trọng. Khán giả chê các diễn viên không biết diễn xuất, chỉ đứng kênh mình gò câu ca cho mùi, đứng một chỗ ca như ca tài tử trong các quán cổ nhạc.

Đoàn Thanh Minh thay đổi tuồng hát khác với dàn đào kép cũ, các anh Thành Công, Chín Sớm và cô Bạch Huệ tự biết sân khấu cải lương không phải là môi trường hoạt động thích hợp nên thối lại tiền contrat cho bầu Nghĩa để trở về hoạt động trên lãnh vực ca đài phát thanh và ở các quán có ca cổ nhạc.

Từ năm 1960, Ban Cổ nhạc Thành Công, Đài Phát thanh Saigon gồm các ca sĩ Thành Công, Chín Sớm, Sáu Thoàng, Tuấn Khanh, Văn Bình (chồng của cô Ba Trà Vinh), Văn Bình vừa là ca sĩ kiêm soạn giả của Ban Thành Công, các nữ ca sĩ Bạch Huệ, Ngọc Ánh, Ba Trà Vinh, Ban cổ nhạc có Bảy Hàm đờn kìm, Chín Trích đờn cò, Bảy Quới đờn guitare.

Ban Cổ nhạc Thành Công Đài Phát Thanh Quân Đội ở số 2 đường Phan Đình Phùng, thành phần ca sĩ cũng giữ y như Ban Thành Công ở Đài Saigon, cổ nhạc do nhạc sĩ Ngọc Sáu đờn cò, Hai Long guitare, Hai Thơm violon. Nhạc sĩ Kim Nguyên ở đoàn hát Kim Chung, cộng tác với Ban Thành Công khi thì ở Đài Saigon, khi thì thu thanh ở Đài Quân đội.

Danh ca Chín Sớm có một thời gian cộng tác với Ban cải lương Phương Nam Đài Phát thanh Saigon do Nguyễn Phương làm trưởng ban. Anh Chín Sớm thích giúp bạn bè, đôi khi vì đoàn Thanh Minh lưu diễn ở tỉnh, ngoài các nghệ sĩ Tú Trinh, Ngọc Đan Thanh, Bữu Truyện, Thanh Thế, Chí Hiếu, Phương Ánh thường xuyên ở Saigon, Ban Phương Nam thiếu người thủ vai kép, tôi trực tiếp nhờ Chín Sớm giúp thủ vai chánh trong Ban Phương Nam những lúc đó, anh Chín Sớm luôn giúp đỡ tôi.

Những khi làm việc chung, có lần tôi hỏi: “Tôi thấy anh Chín thường ở nhà của Thành Công ở đường Bùi Viện và tôi cũng biết anh thường đờn ca tài tử chơi nơi nhà của anh Bảy Quới ở gần Đài Phát thanh Saigon đường Phan Đình Phùng, vậy nếu chỉ có lãnh cachet của đài phát thanh không thì anh làm sao đủ sống?”

Anh Chín cười: “Tôi nhờ vợ tôi buôn tảo bán tần, một tay bả lo trong lo ngoài, tôi no cơm ấm áo nên mới tà tà đi đờn ca tài tử, mong dựng nghiệp như các anh Năm Nghĩa, Bảy Cao, nhưng tôi lù khù quá nên thua sút bạn bè… Có lẽ cái số của tôi nó vậy, biết sao bây giờ!”

Tôi nói: “Anh hiền quá, thiệt thà chơn chất quá nên không chịu chen lấn với bạn đồng nghiệp, không phải tại anh lù khù hay kém tài so với các bạn đâu. Anh phải có một tài năng và đức tính tốt thì mới có được một người vợ đảm đang như chị Chín… Anh là tao nhân mặc khách, con người của tiếng nhạc câu ca, giống như trường hợp của thi sĩ Tú Xương…”

Chín Sớm cười hệch hạc: “Anh Phương nói tôi giống thi sĩ Tú Xương là sao?”

Tôi trả lời: “Thì bà vợ của anh giống vợ của Tú Xương. Ổng làm mấy câu thơ khen vợ, tôi tưởng những câu thơ đó anh lấy khen chị Chín, khen vợ anh là đúng quá trời” (Nói xong tôi đọc luôn bốn câu thơ của Tú Xương):

Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quảng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông…


Anh Chín Sớm: “Đúng! Đúng là vợ tôi cực khổ lo cho cả gia đình, tôi chỉ mới có một đứa con gái tên là Ngọc Lan… Chưa có tới năm con mà vợ tôi cực quá mạng…”

Sau đó nhiều năm tôi không gặp anh Chín Sớm nhưng tôi biết anh vẫn còn ca cổ nhạc ở Đài Phát thanh Saigon và Đài quân đội. Anh cũng thường đi đờn ca tài tử với các bạn Thành Công, Ngọc Ánh, Sáu Thoàng, Bạch Huệ, Kim Nguyên và các nhạc sĩ Ngọc Sáu, Hai Long, Hai Thơm, Ba Dư, Bảy Quới.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, giới nghệ sĩ cổ nhạc dẫu hoạt động trên sân khấu cải lương hay ở đài phát thanh, ở hãng dĩa hay nhóm đàn ca tài tử, tất cả chúng tôi đều bị cấm hành nghề, tất cả các đoàn hát đều bị giải tán, hãng dĩa đóng cửa, không nghệ sĩ nào được đến đài phát thanh hay vô đài truyền hình. Tất cả nghệ sĩ, chủ gánh hát, chủ hãng dĩa, hãng phim phải chờ chánh quyền mới xét tội và ra quyết định xem nghệ sĩ nào bị cấm hành nghề, nghệ sĩ nào bị đưa đi học tập và nghệ sĩ nào được hát trở lại và được bố trí ở đoàn hát nào, đoàn hát mới sẽ mang tên gì và do cán bộ nào được đưa xuống làm trưởng đoàn.

Nghệ sĩ chúng tôi như người đi chung một chiếc ghe lớn, bị chìm giữa biển, mạnh ai nấy lội, không ai biết được số phận của những bạn đồng hành ra sao. Không ai dám tin tưởng người khác để nói rõ tâm sự của mình. Ai nấy đều nghi ngờ lẫn nhau…

Năm 1982, tình cờ tôi gặp soạn giả Mộc Linh ở quán cà phê của nữ nghệ sĩ Phương Ánh, đường Bàn Cờ, Mộc Linh nói là anh bị bắt đi học tập cải tạo ở Hàm Tân 7 năm rồi, mới được về nên đến quán Phương Ánh để hỏi tin tức bạn bè. Anh cho biết: cùng bị giam chung một trại với anh có các soạn giả Ngọc Điệp (người viết chung với Hoa Phượng tuồng Tuyệt Tình Ca), soạn giả Phan Hương, ca sĩ Thành Công, ca sĩ Chín Sớm… Theo lời soạn giả Mộc Linh thì hai ca sĩ Thành Công và Chín Sớm bị đưa đi cải tạo vì các anh ca vọng cổ chống cộng trên Đài Phát thanh Saigon và Đài Quân đội.

Nghe vậy thì biết vậy chớ tôi không dám hỏi thêm.

Vừa rồi gặp nhạc sĩ Kim Nguyên tôi mới biết là từ năm 1983, Kim Nguyên có cùng với anh Chín Sớm đi đờn cho Ban Nhạc Lễ ở Quận 8, chuyên đờn cho các cuộc lễ tang của đồng bào ở địa phương, vừa có thu nhập để phụ giúp gia đình, vừa để nhớ nghề, gởi hồn theo điệu đờn cổ nhạc mà anh đã trọn đời gắn bó.

Sau năm 1975, đờn ca tài tử cũng là một cái tội, một bản án trọn đời khiến cho danh ca Chín Sớm phải giải nghệ.

Điều trớ trêu là anh Chín Sớm mất vào ngày 10 tháng 2 năm 2014 thì hôm sau, ngày 11 tháng 2 năm 2014, tại Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập xưa), bà Kathérine Muller Marin, đại diện Unesco tại Việt Nam, trao bằng chứng nhận Nghệ Thuật Đờn Ca Tài Tử là Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể của Nhân Loại cho ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ Trưởng Văn Hóa & Thể Thao Việt Nam.

Danh ca Chín Sớm khi sống thì bị cấm hành nghề đờn ca cổ nhạc, khi chết thì không có nghệ sĩ hay Hội nghệ sĩ, Ban Văn Hóa Thông Tin đến viếng thăm và tiễn đưa ra phần mộ, nhưng ngày hôm sau thì mọi người vui mừng hớn hở vì Nghệ Thuật Đờn Ca Tài Tử được Unesco vinh danh là Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể của Nhân Loại.

Ngay tại nhà của nhạc sĩ Kim Nguyên, Nguyễn Phương và Kim Nguyên thắp nén nhang tưởng niệm danh ca Chín Sớm, cầu nguyện cho hương linh Chín Sớm được tiêu diêu mền cực lạc.

Chúng tôi xin thành tâm chia buồn cùng Chị Chín và gia đình cháu Ngọc Lan (Cháu Ngọc Lan cũng là nữ nghệ sĩ cải lương).

Nhạc sĩ Kim Nguyên lấy violon, đàn một đoạn Bài Hạ để gởi đến hương linh người bạn nhạc sĩ xưa.

Nỗi buồn sau cái Tết tha hương thứ 25.