Học người xưa để tìm lại vàng son cho cải lương!


Đoàn Hương Mùa Thu diễn vở “Lá của rừng xanh”.

Tôi đọc báo trên internet: “Học người xưa để tìm lại vàng son cho cải lương ngày nay” sáng 08/11/2019, hội sân khấu TPHCM tổ chức thảo luận:

Trích tin đăng internet ngày 07/11/2019:

“Theo dòng lịch sử sân khấu cải lương tại Saigon – 1955–1975”. Dự cuộc thảo luận có các đạo diễn Trần Minh Ngọc, Trần Ngọc Giàu, Thanh Hạp, Nguyễn Hồng Dung, Ca Lê Hồng, các soạn giả Đức Hiền, Đăng Minh, Vương Huyền Cơ, tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng, tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, các nhà báo Nguyễn Chương, Đỗ Dũng, các nghệ sĩ Thanh Tuấn, Kim Tử Long, Lê Tứ, Lê Trung Thảo, nhà sưu tầm hơn 6000 dĩa hát xưa Nguyễn Lê Hiếu.

Có 10 bài tham luận xoay quanh những thành tựu vượt bực của giai đoạn vàng son của cải lương tại Saigon từ năm 1955-1975.

  • Tổng kết bước đầu về nhân tố thành tựu sân khấu cải lương Saigon giai đoạn 1955-1975 (Huỳnh Quốc Thắng)
  • NSND Nguyễn Thành Châu – Từ “Thật và Đẹp đến “Tứ Quý” (Đỗ Quốc Dũng)
  • Điểm qua hoạt động và phong cách nghệ thuật của một số đoàn cải lương tiêu biểu Saigon – 1955-1975 (Đăng Minh)
  • Vài dấu ân ghi nhận tôn chỉ các đoàn hát (Nguyễn Chương)
  • Hai trường phái của biểu diễn của cải lương miền Nam 1954-1975(Việt Thư);
  • “Ông Bầu Long và đại Công TY Kim Chung” (soạn giả Nguyễn Phương);
  • “Các tác giả và tác phẩm nổi tiếng từ 1955-1975” (Khổ Gia Trường)
  • “Vai trò của dĩa hát trong sự phát triển cải lương” (Dương Kiều );
  • “Từ vọng cổ nhịp 32 nghĩ về vài vọng cổ và nhớ về những tài danh vọng cổ cải lương (Thanh Hạp)

Đọc bản tin internet, tôi thấy Hội Thảo đăng bài tham luận về ông Bầu Long và để tên tôi là tác giả, tôi điện thoại hỏi Hội Sân Khấu và than phiền việc tự động dùng tên của tôi trong cuộc Hội thảo ở Việt Nam (trong khi đó thì mười lăm năm rồi tôi không có về Việt Nam, thời gian có Hội Thảo đó tôi đang ở Montréal).

Một nghệ sĩ đàn em (yêu cầu tôi không nói tên) trả lời: “Các tài liệu về nghệ sĩ và nghệ thuật sân khấu cải lương của chú đăng trong quyển Ngũ Đại Gia của sân khấu cải lương và các bài viết đăng trên Thời Báo Toronto, Thoibao online, trong trang web Nam Kỳ Lục Tỉnh, trên đài Á Châu Tự Do. Đài RFI và đài SBS radio Úc Châu bên nầy chúng cháu sưu tầm. Chúng cháu lấy nguyên bài của chú đã đăng Thời Báo chớ không có thêm bớt gì…

Tôi nói: “Tôi nói đến hội thảo đó vì các anh đưa bài viết và tên của tôi vào Hội Thảo mà không hỏi ý kiến của tôi. Nếu các anh thật sự muốn Học Người Xưa về những thành tựu của cải lương Saigon từ năm 1955 đến năm 1975, tôi sẽ viết trên Thời Báo nguyên nhân đưa đến thành tựu trong thời kỳ vàng son của cải lương Saigon và tại sao thời Xã Hội Chủ Nghĩa, sân khấu cải lương lại thất bại.”

Đề mục thảo luận đã là một bài học quan trọng mà các anh phải học, đâu cần tìm tài liệu gì ở đâu xa. Các anh nói thời hoàng kim của cải lương Saigon từ năm 1955 đến năm 1975 vì các anh không dám nhắc: từ năm 1955 đến năm 1975 là thời kỳ của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa, mà nhắc đến Việt Nam Cộng Hòa thì người ta nhớ thời đó mọi người được “Tự Do Tư Tưởng”, “Tự Do Sáng Tác”. Các văn nghệ sĩ, soạn giả không bị buộc phải theo định hướng chính trị Xã Hội Chủ Nghĩa của đảng Cộng Sản VN.

Thời Việt Nam Cộng Hòa, người có tiền, thích sân khấu có quyền bỏ tiền ra làm bầu gánh. Người bầu gánh thích tuồng Tàu thì lập gánh hát hát tuồng Tàu như bà Bảy Phùng Há, cô Bảy Nam… Người thích tuồng dã sử Việt Nam và tuồng xã hội như bà Bầu Thơ, ông Bầu Xuân thì lập gánh hát, cho hát tuồng xã hội hay tuồng dã sử. Bầu Bảy Cao Hoa Sen thì tuồng chiến tranh cắc bùm, bầu Long Kim Chung thì tuồng ca kịch diễm huyền… Bầu gánh biết khả năng của nghệ sĩ đoàn mình giỏi hát theo loại nào và khán giả thích xem nghệ sĩ nào, thích xem tuồng hát loại nào thì chọn loại tuồng đó để hát, đó là “tự do kinh doanh”.

Có tự do sáng tác, có tự do kinh doanh nên tác giả mới sáng tác nhiều tuồng hay, đa dạng, nói lên được nhiều tâm trạng nhân vật, nhiều hoàn cảnh xã hội, nhiều cuộc tình đẹp hoặc bi thương làm cho khán giả xem mà thương cảm.

1/- Tại sao sau 1975, khán giả cải lương càng ngày càng ít?

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tất cả các đoàn hát tư nhân bị giải tán. Trong toàn miền Nam lúc đó chỉ có những gánh hát của chánh phủ miền Bắc lập ra thay thế tất cả các đoàn hát cải lương, kịch nói, các tổ chức ca nhạc của miền Nam. Đó là những đoàn Văn Công, Đoàn hát cải lương tập thể, đoàn ca múa Bông Sen. Sở VHTT chọn đảng viên Cộng Sản cho làm Trưởng đoàn hát Văn Công, đoàn hát tập thể do sở văn hóa thông tin lập ra. Trưởng đoàn hát chọn lựa tuồng theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa tức là tuồng có nội dung tuyên truyền cho đảng Cộng Sản. Soạn giả cũng phải là đảng viên CS, viết tuồng theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa thì mới được Hội Đồng Kiểm Duyệt cấp giấy phép cho hát.

Khán giả mua vé xem hát, không được bỏ ra về nửa chừng vì chê tuồng có nội dung tuyên truyền cho đảng CS. Khi đoàn kéo màn hát thì trưởng rạp khóa cửa rạp hát, khi sắp vãn hát mới mở khóa ra. Đến khi cháy rạp hát Lệ Thanh A ở Chợ Lớn, 11 khán giả bị đạp chết, 36 khán giả bị thương, sở VHTT mới bỏ lịnh khóa cửa rạp khi đoàn hát. Đây là lý do sau 1975, khán giả không thích xem cải lương vì họ không muốn bị nhốt trong rạp hát buộc phải xem hết tuồng không thích.

Ngoài ra đời sống của dân chúng miền Nam càng ngày càng lâm vào cảnh đói khổ sau các đợt đổi tiền, đánh tư sản, hợp tác hóa sản xuất. Hãng xưởng đóng cửa, công nhân viên lương thấp, thất nghiệp nhiều, hàng vạn người mất nhà, tiêu tan của cải vì bị đưa lên rừng làm kinh tế mới, không gạo thóc, dân phải ăn bo bo thay cơm, thịt heo mỗi gia đình chỉ mua được 100g một tháng, đời sống đói khổ, không tương lai, làm sao có tiền để mua vé hát để nghe Văn công tuyên truyền ?

2/- Để triệt để cấm tự do tư tưởng, tự do sáng tác không theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa, nhà cầm quyền cộng sản đã tịch thu 44 rạp hát dành cho cải lương và Hát Bội ở Saigon, Chợ Lớn và Gia Định:

1- rạp Hưng Đạo, 2- rạp Nguyễn văn Hảo, 3- rạp Thành Xương, 4- rạp Quốc Thanh, 5- Rạp Khải Hoàn, 6- rạp Aristo, 7- rạp Thống Nhứt, 8– rạp Cao Thắng quận 3, 9- rạp Đại Đồng quận 3, 10- rạp Long Vân, 11- rạp Hòa Bình, 12- rạp Thăng Long, 13- rạp Quốc Tế (gần chợ Thái Bình), 14- rạp Olympic, 15- Rạp Kinh Thành (Cầu Ông Lãnh), 16- rạp Kim Châu (Cầu ông Lãnh), 17- rạp đình Cầu Muối, 18- rạp Thái Hưng đình Cầu Quan, 19- Rạp Long Phụng, 20- rạp Lao Động B, 21- rạp Cẩm Vân(Cầu chữ Y), 22- rạp Oscar(quận 5), 23- rạp Hào Huê, 24- rạp Đông Vũ Đài trong Đại Thế Giới quận 5), 25– rạp Lệ Thanh B (Chợlớn), 26– rạp Thủ Đô, 27– rạp Kinh Thành (ngang chợ Kim Biên), 28– rạp Bến Củi, 29- rạp Kinh Thành (Tân Định), 30– rạp Cẩm Vân (Phú Nhuận), 31 rạp Cây Gõ, 32– rạp Quốc Thái, 33– rạp Cao Đồng Hưng, 34– rạp Đại Đồng (Gia Định), 35– rạp Hốc Môn, 36– rạp Gò Vấp, 37– rạp đình Tân An, 38– rạp đình Tân Kiểng, 39– rạp Đình Phú Hòa, 40– rạp Thuận Thành DaKao, 41- rạp đình Lý Nhơn quận 4, 43– rạp đình Minh Phụng (Chợ Lớn), 44– rạp đình Dọn Bàn Tân Định.

Đến năm 1984 chỉ còn rạp Hưng Đạo, (Saigon), Thủ Đô (ChợLớn) còn cho các đoàn cải lương mướn để hát. Sở VHTT đã lấy Rạp Kim Châu (Cầu Ông Lãnh) cho đoàn ca nhạc Bông Sen làm trụ sở, nhà ở cho cán bộ công nhân viên; rạp Thăng Long làm Trường dạy Nghệ Thuật sân khấu; rạp Quốc Thanh làm restaurant cho mướn tổ chức tiệc đám cưới; rạp Lao động B cho Năm Cam mướn làn casino tổ chức bài bạc; rạp Cây Gõ, rạp Cao Đồng Hưng, rạp Kinh Thành được dùng làm nhà bán sách và bán quần áo trẻ em. Các rạp Đại Đồng quận 3, Đại Đồng–Gia Định, rạp Hốc Môn, Gò Vấp, Thủ Đức đóng cửa, bỏ hoang phế. Tất cả các đoàn hát Bội, đoàn hát Hồ Quảng bị giải tán, sở VHTT thành lập đoàn Hát Bội Thành Phố ở rạp Long Phụng đường Gia Long(cũ). Sân khấu các đình Cầu Quang, đình Tân Kiểng, đình Cầu Muối, đình Minh Phụng ChợLớn, đình Lý Nhơn quận tư, các đình ở vùng Dakao đều bỏ hoang phế.

Đây là Nghị quyết của đảng CS về định hướng chính trị khi viết và diễn tuồng hát hay sáng tác văn thơ dưới sự lãnh đạo của các đảng bộ địa phương, do anh Lê Duy Hạnh, hội trưởng Hội Sân Khấu thành phố phổ biến cho các soạn giả dự trại sáng tác do Sở VHTT thành phố tổ chức:

a- Nghị quyết số 23 – NQ/TW của Bộ Chính Trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới được ban hành: Nghị Quyết khẳng định và xác lập tính chiến đấu của văn nghệ sĩ – là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng… Bên cạnh đó, nghị quyết cũng khẳng định các hội văn học nghệ thuật là một tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, có sự định hướng, được đầu tư kinh phí hoạt động…

b- Cấm tất cả các soạn giả miền Nam hành nghề trong 10 năm. Các soạn giả phải viết tự kiểm, nhận khuyết điểm, sai lầm hay tội lỗi trong sáng tác dưới chế độ Mỹ – Ngụy, phải cải tạo tư tưởng, học tập đường lối cách mạng XHCN và thể hiện trong tác phẩm những chủ trương đường lối, chánh sách, chỉ thị của nhà cầm quyền. Qua nhiều khóa học tập cải tạo tư tưởng, qua nhiều trại sáng tác, 10 năm qua không có tác phẩm nào của soạn giả chế độ cũ được Ban kiểm duyệt cấp giấy phép cho hát.

Các soạn giả bị cấm hành nghề 10 năm có:

Soạn giả Nguyễn Thành Châu, Năm Nở, Duy Lân, Bảy Cao, Tư Thới, cô Bảy Nam, Trần Văn May, Thiếu Linh, Nguyễn Phương, Lê Khanh, Mộc Linh, Hà Triều – Hoa Phượng, Kiên Giang, Hoàng Khâm, Thanh Cao, Viễn Châu, Ngọc Văn, Hoài Ngọc, Vân An, Nhị Kiều, Nguyễn Huỳnh, Ngọc Điệp, Phương Ngọc, Nguyễn Liêu, Thế Châu, Quy Sắc, Thái Thụy Phong, Minh Nguyệt, Hoa Lư, Yên Ba, Loan Thảo, Hoàng Việt, Nguyên Thảo, Yên Hà, Thiên Hương, Lâm Tồn, Vinh Sang, Quang Phục, Viễn Hùng, Nguyễn Đạt. Một số ca sĩ, nghệ sĩ bị bắt đi tù cải tạo 7 năm: ca sĩ Thành Công, danh ca Chín Sớm, soạn gỉả Mộc Linh, soạn giả Ngọc Điệp, soạn giả Phan Hương…

Ngày 1/4/1976, đại tá CS Huỳnh Bá Thành (tức họa sĩ Ớt) ngụy tạo ra “Vụ án Hồ con Rùa”, trong vòng một tháng từ ngày 02/4/1976 đến 28/4/1976, bắt giam trong tù cải tạo 61 thi sĩ, văn sĩ, nhà báo, họa sĩ, đạo diễn phim ảnh, dịch giả, chủ nhà sách:

Nhà văn Dương Nghiễm Mậu, Doãn Quốc Sĩ, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Lê Xuyên, Nguyễn Mạnh Côn, Thế Viên, Thái Thủy, Mặc Thu, Vũ Hoàng Chương, Duyên Anh, Nguyễn Sĩ Tế, Hồ Hữu Tường, Hoàng Hải Thủy, Nguyễn Thụy Long, Tú Kếu, nhà báo Đằng Giao, Chu Thị Thủy và đứa con mới sinh được vài ngày, Hồng Dương, Thanh Thương Hoàng, Văn Kha, Hồ Nam, Đào Xuân Hiệp, Như Phong, Nguyễn Văn Minh, Trịnh Viết Thành, Anh Quân, Xuân Sơn, Cao Sơn, Đặng Hải Sơn, Lê Hiền, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Tô Ngọc, Uyên Thao, Lý Đại Nguyên, Vương Hữu Đức, Mai Thế Yên, Tô Kiều Phương, Lê Văn Vũ Bắc Tiến, Mai Đức Khôi, Lê Trọng Khôi, Nguyễn Tú, nhạc sĩ Minh Kỳ, Thục Vũ, đạo diễn điện ảnh Hoàng Vĩnh Lộc, Hoàng Anh Tuấn, Thân Trọng Kỳ, Minh Đăng Khánh, soạn giả cải lương Mộc Linh, Phan Hương, Ngọc Điệp. Các nhà phát hành sách Nam Cường, Đồng Nai, Khai Trí, Yiễm Yiễm thư trang, họa sĩ Tạ Tỵ, họa sĩ Choé (Nguyễn Hải Chí), dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu, Nguyễn Hữu Trọng. Năm 1984 bắt thêm thi sĩ Phạm Thiên Thư và Nguyễn Hoạt.

Văn nghệ sĩ trong quân đội VNCH bị bắt đi tù cải tạo:

Thanh Tâm Tuyền, Mai Trung Tĩnh, Dương Hùng Cường, Hà Thượng Nhân, Phan Lạc Phúc, Tô Thùy Yên, Văn Quang, Thảo Trường, Duy Lam, Phan Nhật Nam, Huy Vân, Đặng Trần Huân, Hoàng Ngọc Liên, Diên Nghị, Giang Đông, Vũ Đức Nghiêm, Thế Uyên, Vũ Thành An, Dương Kiền, Đinh Tiến Luyện, Nhật Bằng…

Sau năm 1975 đến năm 2015, bốn chục năm qua mà nhà cầm quyền CS không đào tạo được tới 10 người soạn giả trẻ có tay nghề vì các soạn giả đó cũng bị trói tay trong cái định hướng XHCN khi sáng tác tuồng cải lương.

Dưới đây, tôi trích đăng bài của nhà báo Đỗ Dũng đăng trên Báo Sân Khấu Thành Phố, số 648 ngày 23/6/2003, tựa Vì sao khán giả xem cải lương sụt giảm?

“Hàng năm, mỗi tỉnh đầu tư từ 450–700 triệu đồng cho đoàn cải lương của tỉnh nhà, có tỉnh chi cả tỷ đồng như Long An, Tiền Giang, trong đó có dự toán chi cho kế hoạch dựng vở từ 2– 3 vở mới, chi phí cho mỗi vở mới từ 40-70 triệu đồng. Riêng thù lao cho tác giả lại vô chừng, thường thường ở các đoàn, thù lao cho tác giả kịch bản được xếp thành ba loại: loại 1: 8 triệu đồng, loại 2: 7 triệu đồng, loại 3: 5 triệu đồng. (lãnh một lần như bán đứt bản quyền). Có những trường hợp tế nhị giữa tác giả và trưởng đoàn, khi nhận thù lao kịch bản, tác giả phải tặng lại cho trưởng đoàn “phần trăm” như tác giả chỉ nhận 4 triệu đồng nhưng ký biên nhận 7 triệu; thù lao 5 triệu đồng ký biên nhận 8 triệu đồng. Có nơi tiền thù lao đoàn phải trả 2, 3 lần mới xong.

Hội sân khấu Đồng Bằng sông Cửu Long cho biết tác giả kịch bản cải lương ở tỉnh phần đông là cán bộ lãnh đạo ngành văn hóa hoặc Hội Văn Nghệ.

Các tác giả đảng viên thường không được đầu tư nhưng khi dự trại hay sáng tác kịch bản cho tỉnh nào thì phải sáng tác theo ý lãnh đạo của tỉnh đó. Khán giả chỉ thích các vở nội dung tình cảm lâm ly đời thường hơn là viết theo “định hướng”. Theo tác giả Trần Vương (An Giang) lãnh đạo các tỉnh duyệt phúc khảo vở diễn rất khó, kịch bản nào chống tiêu cực đụng tới lãnh đạo hay phê phán nội bộ cơ quan thì khó thông qua, còn ca ngợi một chiều thì rất dễ được duyệt nhưng khi ra mắt công chúng, chỉ diễn vài suất là khán giả rút lui. Đứa con tinh thần khi ra đời bị chê nhiều hơn khen, thậm chí chỉnh sửa theo lãnh đạo, đứa con tinh thần trở thành méo mó.
(Ngưng trích)

Đa số soạn giả miền Nam đều có theo dõi tin tức qua báo chì và đài phát thanh, chúng tôi biết số phận đau thương của những văn thi sĩ miền Bắc qua việc họ bị đấu tố, bị tù tội vì đã viết bài trong tờ Nhân Văn Giai Phẩm đòi được Tự Do Sáng Tác, đòi trả văn nghệ về cho văn nghệ sĩ… Họ bị ghép tội phản động vì bị cho là từ chối sự lãnh đạo của đảng CS trong văn nghệ. Những văn thi sĩ, họa sĩ tài danh của đất nước như Văn Cao, Nguyễn Bính, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Quán… đều bị cấm hành nghề, bị đày đọa đến đói rét cùng cực, trong một thời gian hơn ba mươi năm và cũng chưa biết bao giờ mới chấm dứt. Các soạn giả thấy ngay việc bắt bớ tùy tiện, cấm hành nghề tất cả soạn giả miền Nam và đầu năm 1976, bắt giam hơn sáu chục văn thi sĩ nổi tiếng dù họ không làm gì phạm pháp, chúng tôi nghĩ là phải thoát khỏi sự cai trị của CS thì mới có tự do sáng tác, mới có cuộc sống đích thực của mình chớ không sống tùy theo sự điều khiển của kẻ khác. Chúng tôi đã bàn với nhau chuyện vượt biên ra nước ngoài. Đến năm 1978 thì các bạn Thiếu Linh, Hoàng Khâm, Kiên Giang, Hoa Phượng, Vạn Lý và tôi đã có con vượt biên thành công. Nếu cuộc Hội Thảo muốn gầy dựng lại được thời hoàng kim của cải lương thì tôi nghĩ không cần bàn luận lôi thôi gì cả, chỉ cần được Tự Do Sáng Tác, Tự Do Kinh Doanh thì nhứt định cải lương sẽ phát triển mạnh. Cải lương sẽ tìm lại được thời hoàng kim như trong thời Việt Nam Cộng Hòa (1954–1975).