Nghệ sĩ Năm Châu: Tình yêu và nghệ thuật

Nguyễn Phương

Trong số các nghệ sĩ tiền phong của giới sân khấu cải lương các thập niên 20, 30, 40, nghệ sĩ kiêm soạn giả Năm Châu là một diễn viên kỳ tài, một soạn giả có nhiều tuồng hay, một đạo diễn đầu tiên áp dụng kỹ thuật tân tiến của sân khấu Tây phương vào nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Ông là bầu của nhiều gánh hát do ông thành lập, là giáo sư kịch nghệ đầu tiên của trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon thời ông Nguyễn Phụng làm giám đốc và ông cũng là người đầu tiên tổ chức nhóm chuyển âm phim cho hãng phim Mỹ Phương và hãng Mỹ Vân. Về đời tư, ông là người đa tình, được các nữ đồng nghiệp kính nể và yêu mến, chung thủy nhưng lận đận trong tình yêu và hạnh phúc gia đình.

Soạn giả Năm Châu tên là Nguyễn Thành Châu, sanh ngày 09 tháng 01 năm 1906, tổng Thuận Trị, làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho, học trường Collège de MyTho. Ông gia nhập gánh hát Thầy Năm Tú tại Mỹ Tho năm 1922, được các soạn giả tiền phong Mạnh Tư Trương Duy Toản và Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền hướng dẫn kỹ thuật và kinh nghiệm sáng tác kịch bản.

Người vợ đầu tiên: nữ nghệ sĩ Ngọc Xoa

Nữ nghệ sĩ Ngọc Xoa (tên thật Sáu Trâm người Triều Châu lai Việt, quê ở Thốt Nốt, Long Xuyên) là đào chánh của gánh hát Tập Ích Ban của ông bầu Vương Có. Cha của ông Vương Có là kép hát Tiều giải nghệ, nên khi lập gánh Tập Ích Ban, ông Vương Có theo lề lối tổ chức và trình diễn rập khuôn theo gánh hát Tiều. Thầy tuồng là Ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền.


1. Nghệ sĩ Năm Châu và nghệ sĩ Kim Cúc trong vở “Tuyết băng và bạo lực”.
2. Nghệ sĩ Năm Châu trong vở “Hồn bướm mơ tiên”.

Ông Bầu Vương Có đặt tên nghệ sĩ trong gánh hát của ông những cái tên nghe rất Tàu như : Lâm Sinh (tức Bảy Nhiêu), Dương Hòa (Tư Thới), Đại Hồng (Năm Chuông), Song Hỉ (Năm Hỉ), Tần Vân (Sáu Tị), Ngọc Xoa (Sáu Trâm), Kiều Mỵ (Hai Hiển), Kiều Loan (Ba Vinh)…

Cô Ngọc Xoa (Sáu Trâm) và Tần Vân (Sáu Tị) thay phiên nhau đóng vai chánh trong các tuồng Phụng Nghi Đình, Giọt Máu Chung Tình. Khi gánh hát Tập Ích Ban rã, các nghệ sĩ Bảy Nhiêu, Tư Thới, Sáu Tị và Sáu Trâm gia nhập gánh hát Tái Đồng Ban của ông Bầu Hai Cu ở Mỹ Tho. Thành phần đào kép gánh Tái Đồng Ban có : đào Phùng Há, Ba Nhàn, Ba Liên, Ba Điều, Tư Nhỏ, Sáu Trâm, Sáu Tị và kép Năm Châu, Tám Mẹo, Ba Du, Tư Út, Từ Anh, Hai Ngỡi, Hai Bông, Bảy Nhiêu, Tư Thới, nhạc sĩ Tư Chơi. Hai nghệ sĩ Năm Châu và ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền chăm lo tuồng tích và dạy các nghệ sĩ hát.

Vì các cô Sáu Trâm (Ngọc Xoa) và Sáu Tị (Tần Tị) học hát từ đoàn Tập Ích Ban, hát theo lối hát Tiều và múa theo Hí Khúc Trung Quốc (bộ múa tay, chân và đầu theo tiếng trống, mõ và tiếng ngân kéo dài câu ca thường dùng tiếng À… Á..A… khác với lối ca ngân câu với tiếng Ờ… Ớ… Ơ… của đào, kép Việt) nên ông Năm Châu phải mất nhiều thời gian và công sức tập luyện lại cho hai cô Sáu Trâm và Sáu Tị hát theo chung điệu hát của đoàn Tái Đồng Ban.

Khi Năm Châu và Sáu Trâm trở thành cặp đào kép diễn xuất ăn khách thì mối tình đầu nẩy nở, anh Năm Châu và chị Sáu Trâm là một đôi vợ chồng hạnh phúc nhất trong giới nghệ sĩ cải lương lúc bấy giờ.


NS Năm Châu - NS Phùng Há trong vở “Vợ và Tình”.

Về sau, khi anh Năm Châu đóng cặp chung tuồng với đào chánh Phùng Há và cô Tư Sạng thì cô Sáu Trâm bị đẩy xuống hạng đào ba vì cô hát không hay hơn Phùng Há, ca không hay bằng Tư Sạng nên các ông thầy tuồng không phân vai cho Sáu Trâm đóng cặp với Năm Châu nữa, cô buồn duyên tủi phận nên âm thầm rời gánh hát, cô giải nghệ và cũng bỏ luôn ông chồng nghệ sĩ đa tài đa tình Năm Châu.

Người vợ thứ hai: đệ nhất nữ danh ca Tư Sạng

Cô Tư Sạng tên thật là Đoàn Thị Sạng sanh quán tại làng Điều Hòa tỉnh Mỹ Tho. Năm 1925, cô gia nhập gánh hát Trần Đắc của ông bầu Trần Đắc Nghĩa (điền chủ ở Cần Thơ, bỏ tiền ra lập gánh hát để kinh doanh).

Đoàn Tái Đồng Ban rã, các danh tài Phùng Há, Năm Châu, Tư Chơi, Từ Anh, Năm Kim Thoa, Ba Liên gia nhập đoàn hát Trần Đắc. Trên sân khấu, cô Tư Sạng là đào nhì, đứng sau cô Phùng Há, nhưng trên địa hạt dĩa nhựa thì cô được các chủ hãng dĩa, giới mộ điệu và ký giả các nhật báo tặng danh hiệu đệ nhất nữ danh ca.

Nghệ sĩ Bảy Nhiêu

Trên dĩa hát Pathé của hãng dĩa thầy Năm Tú Mỹ Tho và trên các dĩa hát hãng Béka, Asia… cô Tư Sạng được thính giả lục tỉnh và Saigon Chợ Lớn ái mộ qua các bộ dĩa: Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều, Trang Tử Cổ Bồn Ca, Hạnh Ngươn cống Hồ, Lưu Yến Ngọc cứu cha, Hoa Rơi Cửa Phật, Mẹ Dạy con, Đêm Khuya Trông Chồng, Xử Tội Bàng Quý Phi

Khi đi hát ở cuộc đấu xảo Paris năm 1931, cô Năm Phỉ và kép Bảy Nhiêu đã làm cho cả kinh đô Paris và báo chí nhắc đến tài nghệ của hai danh tài này qua vai Bàng Quí Phi và Tống Nhơn Tôn. Khán giả xem hát ở Paris tuy không hiểu tiếng Việt nhưng lời ca điệu hát đã làm cho họ rơi lệ và thương cảm nhân vật trong tuồng. Tuy nhiên cô Năm Phỉ phải thông qua lời ca, điệu hát, diễn xuất, y trang, tranh cảnh và có người đồng diễn mới tạo ra hình tượng gây xúc động cho khán giả.

Năm Châu và Thanh Thanh Hoa trong vở “Tuyết băng và bạo lực”.

Còn nữ danh ca Tư Sạng, chỉ thông qua giọng ca thảm não, bi thiết, với kỹ thuật luyến láy, nức nở trong giọng ca ỉ ôi năn nỉ xin tội cho cha đã làm cho người nghe từ Nam chí Bắc phải khóc theo, đó là một điều không phải danh ca nào cũng làm được. Bộ dĩa 20 câu vọng cổ Xử Tội Bàng Quý Phi do cô Tư Sạng ca năm 1936 mở đầu cho những thắng lợi vang lừng của hãng dĩa Asia, tiếp theo đó những thành công của các bộ đĩa tuồng Tô Ánh Nguyệt, Đời Cô Lựu, Hoa Rơi Cửa Phật càng nêu cao tên tuổi của đệ nhứt nữ danh ca Tư Sạng.

Anh Năm Châu là một diễn viên có tài, đẹp trai và là một thầy tuồng có nhiều tuồng hay nên được nhiều đào hát và nữ khán giả si mê, theo đuổi. Nhưng Năm Châu là người quá mê nghệ thuật sân khấu nên chỉ có nữ diễn viên thinh sắc lưỡng toàn mới lọt được vào cặp mắt xanh của anh. Sau khi cô Sáu Trâm bỏ đi biệt tích, cô Tư Sạng và Năm Châu thành hôn khi hai người hát chung trên sân khấu Trần Đắc, sanh được 5 con :

– Nguyễn Thành Văn (con cả) chủ rạp hát bóng Tây Đô ở Cần Thơ trước năm 1975.

– Nguyễn Ngọc Bê (con thứ, nữ) đi tu.

– Nguyễn Trúc Thanh, theo kháng chiến ở khu 9, tập kết miền Bắc năm 1954, hồi kết và hưu năm 1975.

– Nguyễn Thanh Hương, đệ nhất nữ danh ca vọng cổ Thanh Hương, vợ của danh hể Văn Chung, mất năm 1974.

– Nguyễn Thanh Trúc (tức Antoine) phụ việc quản lý cho đoàn hát Việt Kịch Năm Châu, có vợ là đào hát.

Cô Tư Sạng đã thu trên 100 bộ dĩa tuồng và bài ca vọng cổ, cô xa rời sân khấu, ký độc quyền thu thanh cho hãng dĩa Asia, điều đó làm cho cô sống xa chồng và các con, dẫn đến chuyện cô phải lòng ông chủ hãng dĩa Năm Mạnh. Ông Mạnh đã có bà chánh thất là bà Phạm Thị Liên, có với nhau 8 người con.

Cô Tư Sạng trở thành thứ thất của ông Năm Mạnh, chủ hãng dĩa Asia. Cô mất năm 1955, ông Ngô văn Mạnh mất ngày 4 tháng 1 năm 1957.

Anh Năm Châu rất đau buồn trước sự gẫy đổ hạnh phúc gia đình. Lúc đó anh đang theo gánh hát Đại Phước Cương ra Hà Nội hát. Anh hận tình nên sáng tác kịch bản Phụ Phàng để gởi gắm niềm tâm sự. Về Saigon, vở kịch Phụ Phàng được anh viết lại thành tuồng cải lương Men Rượu Hương Tình. Anh cũng viết vở thứ hai là Sân Khấu Về Khuya, nói lên ý nguyện anh yêu say mê sân khấu hơn tình yêu nam nữ. Hai vở tuồng Men Rượu Hương TìnhSân Khấu Về Khuya được giới mộ điệu và nghệ sĩ coi đó là tuyên ngôn nghệ thuật của nghệ sĩ Năm Châu.


Kim Cúc - Kim Lan

Sân khấu, nỗi đam mê cuồng nhiệt, là nơi Năm Châu đã sống và cũng là nơi Năm Châu dừng chân cuối cùng. Người ái mộ Năm Châu sẽ tìm thấy được tâm hồn, niềm vui, nỗi buồn, nỗi đau đớn hay hoan hỉ của Năm Châu trong bộ ba tác phẩm Nợ Dâu, Men Rượu Hương Tình Sân Khấu Về Khuya.

Người vợ thứ ba: nữ nghệ sĩ tài danh Kim Cúc

Nữ nghệ sĩ Kim Cúc tên thật Huỳnh Thị Kim Cúc, sanh năm 1922 tại huyện Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên, con gái lớn của nghệ sĩ Bảy Nhiêu (Huỳnh Năng Nhiêu). Cô Kim Cúc là người vợ cuối cùng của soạn giả Năm Châu, hai người chung sống từ năm 1948 đến ngày nghệ sĩ Năm Châu mất tháng 5 năm 1977.

Năm 1938 khi nghệ sĩ Bảy Nhiêu gia nhập gánh hát Tân Tân của ông bầu Ký Đảnh và bà Giáo Chuẩn, ông Bảy Nhiêu dẫn theo hai con (Kim Cúc 16 tuổi và Kim Lan 11 tuổi) để trực tiếp dạy nghề hát cho hai con. Trên sân khấu Tân Tân, hai cô Kim Cúc và Kim Lan đã biểu diễn được những màn vũ đặc sắc, đồng thời hai cô cũng được cha dạy ca các bài bản cổ nhạc và hằng đêm hai cô ngồi bên cánh gà học theo các lối hát của nghệ sĩ chú bác trong đoàn.

Năm 1940, Kim Cúc được 18 tuổi, nổi danh qua vai Quan Bình trong tuồng Quan Công Đắp Đập Bắt Bàng Đước.

Năm 1941, ông Bảy Nhiêu lập gánh hát Nam Phương, cô Thanh Loan, Kim Cúc, Kim Lan thủ những vai chánh trong các tuồng hát.

Năm 1946, gánh hát Nam Phương rã gánh. Các nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Duy Lân, Tư Út, Từ Anh, Sáu Ngọc Sương mướn xác gánh Nam Phương để thành lập Nhóm Con Tằm. Gánh hát Con Tằm thu hút thêm nhiều nghệ sĩ tài danh như ba cha con ông Bảy Nhiêu (Kim Cúc, Kim Lan), Năm Nở, Tư Chơi, Năm Phỉ, Bảy Nam, Kim Thoa… Gánh hát Con Tằm chuyên hát những vở tuồng xã hội, dựa theo những tiểu thuyết mà độc giả miền Nam ưa thích như =: Hồn Bướm Mơ Tiên, Gieo Gió Gặt Bảo, Đời Cô Lựu, Nỗi Lòng Chị Bếp, Tô Ánh Nguyệt, Một Tối Tân Hôn, Ngọn Cỏ Gió Đùa…

Từ trái: Kim Cúc (Tây Thi), Năm Châu (Ngô Phù Sai)trong vở “Tây Thi, gái nước Việt”.

Nhóm Con Tằm do nghệ sĩ Năm Châu đứng đầu, trực tiếp đạo diễn, tập cho các nghệ sĩ ca, diễn theo chủ trương xây dựng một sân khấu “Đẹp và Thật”. Các soạn giả Tư Chơi, Năm Nở, Tư Trang ủng hộ chủ trương nghệ thuật nầy.Thành công nghệ thuật của Nhóm Con Tằm làm cho tên tuổi của nhiều diễn viên tài danh được báo chí kịch trường tặng cho danh hiệu những ngôi sao sân khấu. Ngôi sao sáng chói nhất chính là nghệ sĩ Năm Châu.

Nữ nghệ sĩ Kim Cúc, dưới bàn tay phù thủy của dạo diễn Năm Châu, đã diễn thành công nhiều tuồng, làm rung động trái tim của biết bao khán giả ái mộ qua các vai: Nữ hoàng Túy Hoa, tuồng Dân Chúng Trước Pháp Trường, vai cô Bê trong tuồng Khi Người Điên Biết Yêu, vai Hoàng Hậu Mã Nhi Nương Bửu trong tuồng Gió Ngược Chiều, vai Tây Thi trong tuồng Tây Thi, Gái Nước Việt, vai Hoàng Hậu trong tuồng Hàm Lệ Thái Tử Nước Đan Mạch, vai vợ người chiến binh trong tuồng Người Mặt Cháy…

Năm 1948, Anh Năm Châu và chị Kim Cúc chung sống với nhau. Nếu chồng già vợ trẻ là tiên thì anh Năm Châu (1906) và chị Kim Cúc (1922) đúng là Tiên Đồng và Ngọc Nữ tái sanh. Nếu biết chị Kim Cúc qua cả một quá trình lâu dài từ khi mới chập chững theo đoàn hát cho tới khi thành danh thì đối với một người lớn tuổi hơn mình rất nhiều và là bạn thân của cha mình mà chị chấp nhận kết hôn, phải thấy đó là do sự thán phục, lòng say mê nghệ thuật đưa đến tình yêu chân chính.

Anh Năm Châu và chị Kim Cúc đều có chung một niềm say mê sân khấu, một ước vọng chung là xây dựng một nền nghệ thuật cải lương “Thật và Đẹp”. Cả hai đều muốn biến sân khấu thành một thánh đường thiêng liêng. Cả hai yêu nhau và sát cánh bên nhau để xây dựng mộng tưởng nghệ thuật chung.

Anh Năm Châu và chị Kim Cúc có với nhau 6 người con:

  1. Nguyễn thị Xuân Hợi (con gái đầu lòng) tốt nghiệp piano trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon.
  2. Nguyễn thị Nguyệt Thu, tốt nghiệp violon, vợ thứ của soạn giả Hoa Phượng.
  3. Nguyễn thị Kim Khánh.
  4. Nguyễn thị Ngọc Thanh.
  5. Nguyễn thị Hồng Dung, đạo diễn sân khấu, phụ trách sân khấu cải lương thể nghiệm.
  6. Nguyễn Thành Long (con trai).

Từ năm 1958, chị Kim Cúc và anh Năm Châu có cộng tác với đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga. Anh Năm Châu dựng trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga tuồng Gió Ngược Chiều. Chị Kim Cúc nổi danh qua vai cô gái Nùng trong tuồng dã sử Núi Liễu Sông Bằng của Thiếu Linh

Từ năm 1962, anh Năm Châu được mời làm Giáo sư kịch nghệ trường Quốc Gia Âm Nhạc. Sau năm 1975, chị Kim Cúc được mời làm giáo sư kịch nghệ cho nhà hát Trần Hữu Trang.

Anh Năm Châu có nhiều học trò kịch nghệ do anh đào tạo ở trường Quốc Gia Âm Nhạc đều thành danh trên sân khấu cải lương Saigon và các tỉnh Hậu Giang. Anh Năm Châu mất tháng 5 năm 1977, hưởng dương được 71 tuổi. Chị Kim Cúc mất ngày 26 tháng 6 năm 1991 vì tai biến mạch máu não.

Một điều rất đau xót cho đại gia đình nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu, suốt đời cống hiến cho nghệ thuật sân khấu, đến khi mất thì không được quàn nơi nhà Hội Nghệ Sĩ. Tôi có đến viếng và dự lễ an táng nghệ sĩ Năm Châu, quàn ở nhà riêng trong cư xá Chu Mạnh Trinh ở Phú Nhuận. Lúc đưa tang cũng không có nhiều nghệ sĩ cải lương đưa đến mộ phần. Có lẽ vì thời cuộc chăng ? Năm 1977, nghệ sĩ cải lương còn quá chật vật với cuộc sống. Chị Kim Cúc mất thì có nghệ sĩ và học trò của chị ở đoàn hát Trần Hữu Trang tiễn đưa đông đủ. Chỉ có đám tang của nữ nghệ sĩ Kim Lan, mất ngày 20 tháng 3 năm 2000 thì mới thật là buồn thảm, lạnh lẽo.

Trong những năm đó, giới nghệ sĩ còn chật vật với cuộc sống. Phải chăng đó là tâm trạng của những người bị chìm ghe giữa biển khơi, mạnh ai nấy lội. Không ai còn đủ tâm trí và thời giờ để coi ai lội cạnh bên mình giữa cảnh ba đào sóng vỗ. Nhớ lại buồn quá !