Tết, Cải Lương trăm cay ngàn đắng!


Theo báo Sân Khấu TPHCM và trang web Cailuongvietnam.com, đã hai mùa Tết 2016 – 2017, nghệ sĩ cải lương không có rạp hát để diễn trong khi rạp Hát Hưng Đạo cũ bị phá từ năm 2006 để xây cất lại thành Trung Tâm Nghệ Thuật Cải Lương Hưng Đạo, tốn đến hơn 132 Tỷ đồng, đến tháng 4/2014, xây xong nhưng không sử dụng được, phải thêm hai năm sửa chữa, đến Tết 2017 vẫn không thể sáng đèn được vì thủ tục nghiệm thu phòng cháy chữa cháy chưa xong.

Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang tập xong ba tuồng: “Hiu Hiu Gió Bấc”, “Hồn Ma Báo Oán” , “Mộng Hoa Vương”, đành chịu số phận “trùm mền” trong dịp Tết.

Hơn 100 nghệ sĩ cải lương của các nhóm “xã hội hóa” như nhóm Vũ Luân, nhóm Bạch Long, nhóm Kim Thoa, nhóm Huỳnh Long, Thanh Nga, Saigon 1, Dạ Lý Hương… đã phải sống cơ cực, vất vả nhiều năm, nay chờ ngày được quay lại sàn diễn nhưng năm nay 2017, họ vẫn không có rạp nào để hát như đã mỏi mắt trông chờ. (Xã Hội Hóa là nghệ sĩ trưởng nhóm phải xuất tiền ra mướn rạp hát, trả lương nghệ sĩ, trả tiền làm phong cảnh, y trang, quảng cáo và tổ chức bán vé như người làm bầu tư nhơn trước 1975, lời ăn lỗ chịu. Dưới chế độ Cộng Hòa, người đó được gọi là bầu gánh hát; dưới chế độ Cộng Sản gọi là Xã Hội Hóa).

Các nghệ sĩ Xuân Yến, Thanh Thế, Bo Bo Hoàng, Thanh Hoàng, Trường Sơn, Chí Bảo… cũng cho biết họ không tìm được sô diễn trong dịp Tết này. Hầu hết các nghệ sĩ cải lương chạy theo các đoàn tỉnh để biểu diễn theo kiểu chương trình Vầng Trăng Cổ Nhạc (ca vọng cổ hoặc hát trích đoạn cải lương). Thù lao cho mỗi nghệ sĩ một suất diễn là 150. 000 đồng, nhờ vậy lo được các bữa ăn trong mấy ngày Tết.


Nghệ sĩ Ba Vân.


Chỉ có vài ngôi sao cải lương chạy được sô diễn trong các đại nhạc hội tổ chức ở các quận của thành phố như nghệ sĩ Kim Tử Long, hát đón Giao Thừa ở Hà nội rồi về TPHCM diễn tại các đại nhạc hội, sau đó về miền Tây, ca lẻ vọng cổ ở rạp hát Cần Thơ và các huyện ở Hậu Giang.

Nghệ sĩ Kim Tiều Long, nữ nghệ sĩ Cẩm Tiên chạy nhiều sô ca vông cổ “Mừng Xuân” trong các đại nhạc hội ở thành phố.

Nữ nghệ sĩ Bình Tinh (con của hai nghệ sĩ Hồ Quảng Bạch Mai – Đức Lợi ) có những sô diễn trong các đại nhạc hội ở miền Tây với các trích đoạn 15 – 20 phút: “Hai Bà Trưng Khởi Nghĩa”, “Ngọc Hân Công Chúa”, “Bùi Thị Xuân”.

Sân khấu kịch được mùa hốt bạc

Sân khấu kịch Phú Nhuận diễn tại Trung Tâm Văn Hóa Phú Nhuận bán hết vé các vở kịch “Điều ước của quỷ”, “Lục Sắc”, “Ma Ma Sư Phụ”, “Ám ảnh kinh hoàng”, “Hồn oan”, “Câu chuyện rừng xanh”, diễn mỗi ngày 4 suất từ mùng 1 đến mùng 11.

Nhà hát Thế Giới Trẻ cũng thu hút khán giả qua các vở kịch “Chúng ta thuộc về nhau”, “Mẹ chồng rắc rối”, “Hồn anh xác em”.

Đặc biệt làng tấu hài có đến 45 nhóm, mỗi đêm diễn trong 12 tụ điểm, quán bar và khoảng 10 chương trình đại nhạc hội.

Thông qua tin tức sinh hoạt văn nghệ biểu diễn trong dịp Tết Đinh Mậu vừa kể, ta thấy rõ là nghệ thuật hát cải lương đã bị giết chết hẳn rồi! Có đến 45 nhóm tấu hài nhảm nhí, tục tĩu được khuyến khích hoạt động để ru ngủ khán giả, có hàng chục vở kịch về ma quái, mộng mị được cho trình diễn để khuyến khích cho dân chúng tin dị đoan, đến chùa, miễu hay lên đồng bóng để quên đi thực trạng đất nước đang bị Tàu Cộng lấn chiếm và nô lệ hóa, đồng hóa dân ta.


Bốn nghệ sĩ huy chương vàng giải Thanh Tâm.


Trong cuộc Hội Nghị Văn Nghệ toàn quốc tháng 8 năm 1950 ở chiến khu Việt Bắc, Thi sĩ Tố Hữu, nhân danh Ủy viên Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng CSVN đã đưa ra nghị quyết Quan niệm xây dựng Sân Khấu Việt Nam như sau:
  • Tuồng: Thái độ dứt khoát của chúng ta bây giờ là đưa Tuồng vào bảo tàng viện.

  • Chèo: Nên yêu Chèo như một từ ngữ, hãy trân trọng xếp nó vào viện bảo tàng.

  • Cải Lương: Cải Lương Nam Kỳ là một nghệ thuật quái gở, lai căng, sản sinh ra ở một thời đại múa may quay cuồng, điên điên dại dại, để giải trí cho một lớp người cuồng vọng, không biết mình sẽ đi đâu, không biết mình đương nghĩ gì, đương cảm xúc thế nào, lớp người mới phát sinh trong thời Pháp thuộc mất gốc, mất rễ và dao động đến cực độ.

  • Kịch Nói: Một hình thức biểu diễn mới nhất, tuy còn ít thành tích nhưng rất nhiều tương lai.
Trong phần tranh luận chỉ có Lưu Hữu Phước và Tống Ngọc Hạp bênh vực cải lương.

Kết luận: Tuồng, Chèo là tàn tích của thời phong kiến, cải lương là sản phẩm của giai cấp tư sản. Chỉ giữ lại kịch và phổ biến rộng rãi.

Từ năm 1945 đến năm 1975, trong hai cuộc chiến Pháp – Việt, Bắc – Nam, qua 30 năm ròng rã, từ vĩ tuyến 17 trở ra biên giới phía Bắc, nghệ thuật sân khấu cải lương chỉ có được không quá 10 đoàn hát. Tuồng sáng tác mới cũng ít, các vở được coi là kinh điển thì lấy cốt truyện của Tàu và nội dung tuyên truyền theo chủ trương của Đảng như Nàng Tiên Mẫu Đơn, Bạch Mao Nữ, Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Đâu có giặc là ta cứ đi, Đường về trận địa, Đóm lửa núi Hồng, Bạo Chúa, Hương Tràm, Máu thắm đồng Nọc Nạn, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Trỗi, Đời Cô Lựu…

Trong khi đó thì ở miền Nam, từ sông Bến Hải đến Mũi Cà Mau, sau năm 1954 có 64 đoàn hát cải lương với hàng ngàn nghệ sĩ, có hơn 50 danh ca vọng cổ kiêm diễn viên, hàng mấy trăm vở tuồng cải lương nội dung đề cao đạo đức cổ truyền của dân tộc của 52 soạn giả tài danh(sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, các soạn giả này bị bắt buộc đăng ký và kê khai những tuồng đã sáng tác, có 5 soạn giả bị bắt đi tù cải tạo, số còn lại bị cấm hành nghề 10 năm, sau năm 1986, khi được lịnh cởi trói của Trung ương Đảng CS, vẫn không được sáng tác tuồng cải lương).

Saigon, Chợ Lớn, Gia Định có 39 rạp hát và đình, miếu có sân khấu để cải lương bị chánh quyền mới tịch thu hết, một số lớn các rạp hát đó bị thay đổi công năng ( tức là dùng vào việc mở quán nhậu, mở tiệm bán sách chớ không cho đoàn hát hát ) còn lại 5 rạp: Hưng Đạo, Thủ Đô, Hào Huê, Cao Đồng Hưng, Đại Đồng. Đến năm 2000 chỉ còn một rạp Hưng Đạo, đến 2006 thỉ rạp Hưng Đạo cũng bị phá bỏ. Rạp Hưng Đạo được xây cất lại như đến Tết 2017 này vẫn chưa sử dụng được.

Với chủ trương tiêu diệt nghệ thuật sân khấu cải lương miền Nam theo nghị quyết của Trung ương Đảng CS trong Hội nghị văn nghệ Việt Bắc tháng 8 năm 1950, sau khi chiếm được miền Nam 30 tháng 4 năm 1975, việc đầu tiên nhà cầm quyền miền Bắc làm là:
  • Giải tán tất cả các đoàn hát cải lương tư nhân ở miền Nam. Tổ chức một số ít đoàn văn công hay đoàn do chánh quyền mới quản lý dưới cái tên là đoàn hát tập thể để Sở VH & TT trực tiếp kiểm soát tuồng hát theo đúng nội dung cần tuyên truyền của Đảng.

  • Đưa cán bộ đảng viên xuống làm trưởng đoàn hát.

  • Tịch thu tất cả các rạp hát cải lương và hát bóng của tư nhân, chỉ để lại 5 rạp hát ở Saigon, Chợ Lớn và Gia Định, đến năm 2006, dẹp bỏ hết tất cả các rạp hát dành cho cải lương. Mở rộng thêm nhiều rạp chiếu bóng cũ, biến thành nơi diễn kịch nói và tấu hài.

  • Cấm hành nghề tất cả soạn giả cải lương nổi tiếng của miền Nam.

  • Ngoài các biện pháp tịch thu và phá bỏ tất cả các rạp hát cải lương để cho nghệ sĩ không có nơi biểu diễn, nhà cấm quyền CS còn cấm lập đoàn hát tư nhân, cấm soạn giả cũ hành nghề (đến lúc cởi trói cho văn nghệ sĩ, nhà cầm quyền dùng hình thức kiểm duyệt để ngăn không cho tuồng của soạn giả cũ sáng tác được hát. Đồng thời dùng quyền của người trưởng đoàn cải lương là đảng viên, không sử dụng tuồng của người ngoài đảng sáng tác).

  • Thêm các biện pháp biến cải nghệ thuật sáng tác và biểu diễn cải lương, làm cho sân khấu cải lương lai theo các lối hát của miền Bắc.

  • Dùng động tác tượng trưng của Hát bội xen vô tuồng cải lương (Cưỡi ngựa trong tuồng Chiếc Áo Thiên Nga).

  • Vọng cổ ca vài trăm chữ trước khi vô chữ hò vọng cổ (đoàn hát Trung Hiếu của Sở Công An Thành Phố với hai diễn viên Châu Thanh & Phượng Hằng).

  • Vọng cổ xen vô hát chầu văn, hát chèo.

  • Vọng cổ hòa duyên cùng lối ca Opéra.

  • Dàn cổ nhạc hòa tấu với dàn nhạc Giao hưởng, một đêm hát dùng hàng trăm nhạc cụ Tây lẫn Ta làm cho đêm diễn cải lương không ra cải lương (tuồng hoành tráng Kim Vân Kiều và tuồng Chiếc Áo Thiên Nga) khiến cho tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê khi được báo phỏng vấn, ông đã nói hai tuồng này chỉ có 30 phần trăm cải lương, còn 70 phần trăm không phải cải lương. Tuồng Kim Vân Kiều lớp Từ Hải bị giết, đạo diễn cho treo lên cao hàng mấy chục chiến sĩ chết, tòng teng như bị treo cổ trên cao và cảnh Kiều tự tử ở sông Tiền đường, đạo diễn cho 40 ni cô gõ mõ tụng kinh trên sân khấu.

  • Nội dung tuồng cải lương đa số nhắm vào các cuộc tình ngang trái do giàu nghèo cách biệt, nông dân bị địa chủ, các ông bà Hội đồng thời Pháp bốc lột nhắm vào đã đảo phong kiến. Còn những chuyện như dân oan bị cướp đất ruộng, dân bị công an đánh đến chết hoặc những chuyện tham nhũng tiền tỷ thì không bao giờ có tuồng hát nào được đề cập đến.
Các nghệ sĩ cải lương tài danh đi định cư ở nước ngoài sau năm 1975:
  • Ở Hoa Kỳ: Nghệ sĩ Thành Được, Văn Chung, Phượng Liên, Chí Tâm, Thanh Huyền, Linh Tuấn, Thu Hồng, Minh Hùng, Việt Hùng, Ngọc Nuôi, Ngọc Bích, Bình Trang, Ngọc Đan Thanh, Hương Huyền, Hương Sắc, Phương Hồng Chi, Kiều Mỹ Loan, Hoài Trúc Linh, Kim Xuyên Lan, Kim Tuyến, Phượng Mai, Tuấn Châu, Dũng Thanh Lâm, Phương Thanh, Bảo Chiêu, Bích Sơn, Bạch Liên, Huyền Trân, Ngọc Huyền, Phương Hồng Thủy, Diệp Lang, Mỹ Châu, Đức Minh, Tài Linh, Bảo Quốc, Hồng Loan, Ngọc Đáng, Cẩm Thu, Philip Nam, Hồng Nga, Tiểu Phụng, Y Phụng, Minh Cảnh, Linh Tâm, Linh Châu, Hoàng Hải.

  • Các nhạc sĩ Văn Hoàng, Minh Thuận, Hoàng Phúc, Bích Thuận (đàn tranh), Kim Nguyên violon, Ba Tu kìm (NKLT chú thích: nhạc sĩ Ba Tu đã trở về Việt Nam sau 6 tháng ở Mỹ).

  • Các soạn giả Thiếu Linh, Yên Lang, An Dạ Lý.

  • Ở Pháp: Hữu Phước, Hương Lan, Hương Thanh, Bích Thuận, Hoàng Long, Phương Thanh, Hùng Tiến, Thanh Lịch, Minh Tâm, Tài Lương, Minh Đức, Kiều Lệ Mai, Thanh Bạch, Bạch Lê, Trung Ảnh, Lý Kim Thanh, Hà Mỹ Liên, Hà Mỹ Xuân, Việt Dương Nhân, nhạc sĩ Minh Thanh, ca sĩ Kim Lệ, nhạc sĩ Ngọc Hạnh…

  • Ở Canada: soạn giả Nguyễn Phương, Thùy Dương, Linh Huệ, Hạnh Đào, nhạc sĩ Minh Sang, Nam Hùng, Văn Cam (tức Công đàn kìm), Đức Thành, Dũng Barley guitare, Nguyệt Lan, Kiêm Saxo, Nguyễn Đức.

  • Ở Úc Châu: Hoài Thanh, Đỗ Quyên, Bạch Lựu, Điền Thanh, Mộng Tuyền, Kim Hơn, Ngọc Hà, Đình Trí…
Sau năm 1975, khi miền Nam mất vào tay CS miền Bắc, nghệ thuật sân khấu (Kịch, cải lương, hát bội, tuồng , chèo, ca nhạc tài tử) đều là phương tiện tuyên truyền của Đảng, ngành nào có lợi cho Đảng thì duy trì, sử dụng, ngành nào không có lợi thì Đảng dẹp bỏ. Quyền lợi vật chất và tinh thần của Đảng đặt trên cả quyền lợi của toàn dân và đất nước. Do đó cải lương chết là điều thấy rõ.

Cái lương khai sanh từ năm 1917, đến nay 2017, một trăm năm qua, nếu không có chế độ cộng sản thì có lẽ nghệ thuật sân khấu cải lương còn sống và phát triển theo thời đại. Tiếc vì nghệ thuật cải lương bị kết án từ năm 1950, nay hơn nửa thế kỷ sau đành chịu chết, hết phương cứu chữa.

Tính sổ Cải lương mà đau xót không bao giờ nguôi!