Về Trịnh Công Sơn

Nguyễn Thị Hoàng

Sơn hát không bằng lời, bằng giọng, mà bằng tâm hồn. Nên khi tiếng hát yếu đuối mà sóng gió ấy run lên thì những nếp nhăn của tâm hồn Sơn dàn chào cuộc đời trên vầng trán, ở khoảng giữa mày và mắt khép ríu lại không còn thấy gì ngoài xúc động bên trong mình dù ngoài kia đang lửa cháy bom rơi. Đừng bình luận tiếng hát ấy, đừng nhận xét vóc dáng con người trình diễn ấy, trình diễn mà không trình diễn, thì ấy là trình diễn của Sơn, trên sân khấu, ở nhà riêng, hay trong một nhóm thân tình bạn hữu. Bởi Sơn không thích, không muốn, không cần và cũng không biết diễn xuất, tâm hồn hay con người mình trước khán giả. Đối với Sơn, mình như thế là như thế, trước mình hay trước người, với một người hay với mọi người. Sơn chỉ chuyển dịch bằng âm thanh những lời sâu kín của im lặng và rung động. Dù là chi trích dẫn được một phần nào, một phần ngàn của im lặng và rung động ấy, như khả năng hữu hạn của con người là nghệ sĩ, từ cõi mình hoang vu mà những vóc dáng thoáng qua và mất hút hay trường tồn của tình yêu (tình yêu cho người yêu mơ mộng hay thực thể, cho quê nhà, cho quyến thuộc, cho bè bạn, cho con người và cuộc sống bao la...) và cợt đùa du hoặc của vinh quang, không bao giờ trùm phủ hết dù chỉ là giây phút.

Niềm hoang vu ấy thuộc căn phần cội rễ của con người đích thực là nghệ sĩ đối diện cuộc đời và con người dẫu tương cận thân thương nhưng mãi hoài không bao giờ phải là đồng hành trên đường lưu lạc của nỗi niềm riêng. Cái gì đã đến đều là không đúng không phải không đủ, không chỉnh. Mỗi người và mỗi thứ chỉ là một nét một chấm, chấm hỏi của ngạc nhiên hay chấm than của nuối tiếc trên một toàn khối tuyệt đối kiếm tìm ngàn đời không bao giờ gặp gỡ. Con người vẫn dừng lại trên bờ hữu hạn trăm năm, tâm não và khí lực dẫu có hút thở hết hư không này thì vẫn hao mòn theo thời gian, và biến chứng chính tâm thể mình trên cuộc vận hành chuyển hóa từ kiếm tìm đến gặp gỡ đúng chính là mình ở tận cây số cuối cùng.

Vẫn tưởng sau thời này sẽ còn một thời khác, sau người này là một người khác... một cái gi đó, sẽ tới, đúng ước mong hơn. Mà quên đi con người nào cũng như bờ đá nát đục đẽo xoi mòn dưới ngấn nước thời gian, cũng chịu đòn phép bắt buông vùi dập, ganh đua của thể loại và tầm cỡ đối nghịch mình... bằng những hành tung và quan niệm chỉ chính xác là con người thấp lùn thế tục. Bao nhiêu là rượu đổ mãi không đầy khoảng trống hoang vu này. Bao nhiêu là cơn say cũng không chiếm cứ và thay thế giữa những xáo trộn và buồn phiền từ con người và cuộc đời nhiễu sự ấy. Khởi đầu có thể là như thế, và sau đó thì thôi mặc, chỉ còn lại ta và bạn bè ta, kết liền thành một bộ lạc cô liêu. Ai giống, ai như, ai cùng thì đến nhập dân ốc đảo này với ta, hiền hòa và ngất ngây như tù trưởng. Quá nhiều người quen mà quá ít người thân. Những người thân lại còn quá ít kẻ thương mà thuần túy không hề vì do bởi một điều gì cả. Còn trùng khít hoàn toàn vào tâm hồn căn tính mình thì gần như không có. Những gì trọn vẹn, tận cùng đem đến, cám ơn nhưng xin lỗi, cũng đều là không phải. Cái đúng và phải tận cùng có thể là sẽ không có ở nơi đâu. Chỉ còn mình. Mình với mình. Đầy đủ vẹn toàn, duy nhất tuyệt đối, thân yêu, gắn bó, không suy chuyển, không hy vọng và thất vọng gì cả, không ngạc nhiên vì gặp gỡ để khỏi phiền chán phải tách lìa gì nữa cả, đó là mình, mình với mình. Xưa kia, mình với mình là rớt rơi, tan nát, hoang vu. Bây giờ, cuộc đời đã trải, nỗi niềm đã ru tiếng hát và tha nhân của tuyệt đối hắt bóng vỡ vụn quá nhiều vẫn là chưa đủ trên mặt đời sắc bóng lao xao ấy. Chưa đủ bởi vì cuộc đời đa số nghe bằng thái độ, quan niệm, lập trường, thành kiến, biến hóa đi thanh âm tự thể nó vốn là như thế nào bằng ngộ nhận và tư tâm. Quá ít con người nghe lắng, chỉ với tâm hồn hay tương cảm. Con người đánh rơi mất thiện tính mình khi trên không khí và âm thanh vẫn còn quen thói tô kẻ những vằn xanh vạch đỏ biên cương. Chỉ còn, đúng đủ nhất, là cung đàn không điệu, là lời không được nói, là cái hằn đọng lại đời đời chỉ riêng hơi thở phóng thu thầm lặng của con người nghe lắng lấy mình. Có chất vị nào trên cõi con người này, nồng nàn, ngọt dịu hay say sưa mà không trộn lẫn trong tận cùng dư hương nó một chút đắng cay nghiệt ngã nào! Ở Sơn, không hề có đắng cay và nghiệt ngã, trong đời, trên nhạc. Những kẻ khác nhìn vào thì vẫn thấy. Cuối cùng, rồi cũng chỉ để xé mình ra cho đời mua vui, như Limelight của Charlie Chaplin, hay một phía nào thổn thức. Cái thổn thức trang trí cho chuyện tình, hay cho những tình yêu lai vãng của đời người, không phải và vô can với chính mình !

Tệ hơn, ở một thời buổi nào, nghệ sĩ phải giáng phàm trong những vai tương phản vẫn đành thủ diễn. Không phải trong tình thế và lĩnh vực nào cũng có thế đứng ra ngoài cuộc xô lệch của một vòng quay tất yếu chưa xong. Có kẻ chờ. Có kẻ không. Có kẻ vấp vướng, vươn lên hay ngã xuống. Bây giờ thì xong rồi, mọi sự thể nguồn cơn, và cũng chỉ còn những cây số nhỏ là đến cùng một định mệnh, dù sao, cũng đã lỡ làng rồi.

Đó là cái nhin từ ngoại giới. Còn với Sơn thi chỉ là mình, chỉ là một, không trong ngoài trên dưới trước sau gì hết, về thời gian, không gian, sự kiện, cuộc chuyển dời xao xuyến của con người và cuộc sống. Nên chẳng cần đổ đầy hoang vu, chẳng cần xua đuổi buồn phiền, chẳng cần che lấp ngăn chia gì nữa hết... Đi qua đời mình, mỗi ngày một rõ nét mình hơn, trong tương phản, trong đối nghịch, trong xáo trộn. Hóa ra có một cái mình đơn độc, ngậm ngùi, trung trinh và chuyên nhất, là cái mình đối với chinh mình. Cái mình đã nghe ra vô tận trên từng mỗi thoáng qua, nghe ra rì rào triền miên trong im lặng của con người và cuộc sống vốn ngọng câm quan năng diễn đạt nếu thiếu vắng đi tâm hồn và thiên tư người nghệ sĩ. Cái mình đã vừa hình thành, vừa dâng hiến trên từng hơi thở, cái hơi thở vừa êm đềm nhỏ nhẻ hồn nhiên đấy nhưng lại kết tinh bằng kiêu hãnh, tự hào, một thứ độc tôn của mỗi loài nghệ sĩ tự đăng quang, vì không ai hiểu và yêu đúng đủ bằng mình yêu hiểu lấy mình. Cái suy tôn bùi ngùi và niềm vui sướng lâng lâng đau đđn này, con người tự ngắm soi mình trong đáy cốc long lanh. Say ư, chỉ tiễn đưa mình đôi khi ra khỏi đời này mòn cũ và chật hẹp quá chừng đi, để chỉ còn mình trở về mình, đối diện mình ấy, chỉ trong một trạng thái khác thì cái mình toàn khối qua thời gian và biến trạng ấy hiện về đầm ấm tương giao cùng tự thể nó. Qua màn mưa rưng rức của xúc động khác ấy, từ hơi men lâng lâng, ngoại giới gần gùi hơn, rõ nét hơn, gạn lọc hơn, và rõ ràng là sinh động và long lanh hơn lên một chút. Tỉnh vật thở ra màu sắc biến ảo. Con người hắt bóng tâm thức chôn vùi ra từng dáng vẻ không ngờ ngoài dự liệu. Đường nét của những bất động sắc gọn bớt tính xô bồ thô bỉ của vật chất xa hoa. Chỉ còn lại những chút lao xao, không phải là ảo giác, của từng thực thể mong manh vi tế mà bốc thoát đúng những biểu tượng cho lý do hiện hữu và tồn tại nó. Chỉ khi cái nhìn run lên, tâm hồn nghệ sĩ mới chụp hình chính xác, không phiến diện, không lay động vẻ đẹp hay vật thể của tương giao. Có hai cách và hai loại say sưa: say sưa của trần gian thì ngã xuống, và cùa thiên giới thì bay lên. Trường hợp Sơn thì có lẽ la đà ở giữa. Bởi vì ở thể trạng và định mệnh của Sơn, chỉ khi cái nhìn không cần run nữa, vì không còn một chút xao xuyến nào của vọng tâm về bất cứ gì, thanh thản hồn nhiên như dáng, như nét, như thanh, như từ, thản nhiên từ đỊnh tĩnh, đã tách lìa tất cả mọi sự thể lẫn ý niệm về sự thể ấy, mà chính cũng là một sự thể mênh mông, thì trạng thái bốc thoát xảy ra. Khi ấy âm thanh chính là không khí. Và chỉ khi ấy, may ra, cuộc cung hiến hồn nhiên của nghệ sĩ giữa đời này còn lưu dấu không nguôi qua thời gian hay không gian.

Đâu đó trong hoang vu định mệnh này, tôi mãi hoài khao khát đáp ứng đúng đủ tiếng kêu mình phả ra cuộc đời. Nhưng không hề có. Sự ngưỡng mộ của cuộc đời dành cho nghệ sĩ, thực sự chỉ là đối với tài năng, sắc vóc, hay chút ấn tượng thể hiện được ra cõi ngoài tương giao, còn cội trong riêng tư khép kín thi mãi hoài khép kín, thăm thẳm lẻ loi.

Những tấp nập lao xao từ bốn phia trời kêu réo hỏi han thăm viếng ấy, vốn là không phải. Mỗi người chỉ một mình. Mỗi đời chỉ một nét. Chẳng ai và chẳng đâu là một đáp ứng gắn bó vẹn toàn. Cuối cùng tất cả ra đi chỉ mình Sơn ở lại trong cái nôi êm đềm của quyến thuộc thật sum vầy. Cuộc hành trình trở về mình muôn thuở của nghệ sĩ thường pha lẫn chút máu hư không của đạo sĩ. Có lẽ trở về mình, vỗ về âu yếm lấy chính mình lại yên ấm và nguôi ngoai hơn. Bởi vì cho cùng thì cũng chẳng ai hiểu và yêu được mình cho bằng mình yêu lấy chính mình - niềm yêu ngửa mặt lên trời của con Sơn dương đơn độc một mình trên đỉnh non cao hay của vầng trăng cô quạnh chỉ soi lấy đêm trường mình lạnh vắng.

Còn tình yêu ư. Làm gì có thực. Thuở nhỏ là tình yêu mộng tưởng, trong vắt như pha lê, ngọt ngào như trái chín, đôi khi ta yêu người, đôi khi người yêu ta. Có cần gi phải đối đáp qua về. Nếu có thì chỉ mờ ảo thoảng nhạt, cuộc tình chưa đủ tấu mấy nốt của thanh âm thì đã chuyển dời tan rã. Còn lớn lên ư, lớn lên trong sâu thẳm của tâm hồn, trong gian nan của thời thế, trong lấp lánh của đèn màu. Có chắc là người yêu ta không, dù rằng vượt trùng dương hay xé trời cao mà tìm về, thật điên cuồng và chan chứa đấy. Chắc gì là tình yêu. Một tình yêu có thật khi đối tượng của tình yêu ấy chẳng cần phải là gì cả.., hoặc nếu có là gì thì cũng không yêu những gì ấy, sắc bóng đắp lên ngoại giới một con người, không hào quang, không nhãn hiệu,, không phương thế nào trong cuộc sống và trên những điều kiện qui ước mà loài người đòi hỏi. Người yêu ta hay yêu tên tuổi ta, yêu âm thanh tiết tấu, hay yêu những huyền thoại sau lưng ta lìa bỏ, hay yêu bằng dùng ta như lớp khăn quàng kim tuyến lóng lánh của thành công khoác lên vai cho mình lộng lẫy mà tôn xưng cùng kẻ khác. Ta đáp lại tất cả, nhận lấy mà vui say cùng tất cả, nhưng khi nhìn xuống đáy chai trống lốc, phải nhận rằng chỉ có rượu yêu ta, vì rượu ở lại cùng ta còn các người thì tan trôi hết. Không phải bao giờ cũng có cuộc tan trôi tuyệt vời của Johann Strauss với người ca sĩ bên bờ thành Vienne một thuở nào... Không có nhạc này, không có văn kia, cuộc đời vẫn tiếp tục ra vào lên xuống những bậc thang bằng điều kiện và cách thế ấy của con người. Chỉ khi nào không có ta mà đời và người không sống nổi thi đó mới đích thực là yêu. Bởi vì mỗi người chỉ là phân nửa, và mỗi người sống què quặt hao mòn, mất mát mình mà không biết. Như người thương tật bớt đi phân nửa phần thể hiện sống cái sống đúng đủ của mình. Chỉ khi nhận ra một con người nào đó chính là phân nửa cuộc đời, phân nửa định mệnh mình, ta có người thì hai nửa ấy họp thành một, cuộc đoàn viên vẹn toàn của hợp nhất. Còn ta không có người thì chỉ sống có phần nửa mình, cái phân nửa khuyết lệch long đong. Chỉ bao giờ, cuộc đời này, hay một con người, hiện ra đích thực, yêu mến,ái mộ hay gì đi nữa đến mức độ ấy, thì mới có thể gọi đó là tình yêu, hay tình gì đó đích thực được. Còn có hay không có cũng vẫn nhơn nhơn sống được với vòng vây sở hữu của mình, thì đừng bao giờ hát ca hay nghe lắng lời ca hát của tình yêu, bất cứ yêu gì hay yêu ai. Điều nhận ra ấy là điều kiện đích thực và cao tột của tình yêu. Ngoài ra những gì là động lực cho em đến cùng ta chỉ là áo khoác, tên tuổi, hào quang nói chung là sắc bóng chỉ mới diễn tấu được sức dung chứa chỉ một phần trăm cái ta hoang vu đói khát. Hiểu như thế thì tất cả mọi gặp gỡ đều chỉ là vĩnh biệt. Để chỉ còn ta sống chết với một mình ta. Để ta về cõi mình đầy và đủ bằng một mình ta. Thế nhưng ta không hờn dỗi cuộc đời và trách oán một ai. Bởi vì tầm cỡ mỗi con người sinh ra để sống cõi khổ này chỉ vừa như thế. Cái gì cũng phải cân đo đong đếm, kể cả đối tượng của tình yêu. Mà ta thì vô thể dạng, vô điều kiện, như cái bao la bát ngát vô cùng tận của trời ngoài và cái heo hút vô biên cương cùa ta trong. Cuối cùng tất cả làm ta mỏi và mệt quá chừng rồi, nên đôi khi chỉ mong buông duỗi nơi bờ cao nào đó, với thinh không vô bờ nhìn xuống. Xin cho ta yên. Chan chứa niềm yêu cho đời, tha thiết niềm tin cho người. Ta yên lòng ôm đời ngủ muôn! Không phải ngủ để chôn vùi hay quên lãng. Mà để sống trong giấc ngủ cái phần ta hoang vu nghìn kiếp một mình đối bóng phù sinh.

Nghĩ về một điều gì, hay một con người, qua cảm nhận mình, tôi ghi lại chân thực và đúng là như thế. Điều này chỉ đứng trên xúc động hay phân giải riêng tư và chủ quan của mình, còn thực thể đối tượng nào đó, thực ra, có là như thế hay khác đi, tôi không biết và cũng không muốn biết. Tôi ghét những gì có tính cách nghiên cứu, quan sát, đối chiếu, để đúng, để sai. Điều ấy gần với thực chất hay hiện tượng nhưng xa lìa thể tính hoặc biến hóa không lường của thể tính ấy. Tôi đuổi bắt và ngắm nhìn tất cả mọi cái đẹp, trong trạng thái long lanh phóng hóa của nó, tất nhiên qua cảm quan đặc biệt của mình và đôi khi bằng tương ứng hay đồng cảm. Cũng thế, khi tôi nhận xét vài nét phác thảo về Sơn, chút thoáng qua một cánh vạc buồn trên cõi người vui hay bóng thanh âm heo hút của tâm hồn hoang vu cô quạnh phổ nhạc xuống thơ đời. Chỉ bằng một cảm thấy nào đó. Cái cảm thấy không khách quan vô tư mà được chiếu dọi qua ánh cầu vồng long lanh mưa nắng của chính tâm hồn Huế trong mình những chiều cuối hạ buồn tênh hay những sớm thu về hiu hắt. Cùng với chút hoài cảm bùi ngùi về thân phận con người gần như lạc loài giữa một thời tương phản, vẫn thỏa đáp, vẫn cùng nhau, nào xe ngựa, nào tên tuổi, nào tương giao, thiếu đi thì khó sống mà có được lại càng trống vắng hanh hao thêm một quê nhà chôn kín rêu phong của lối quạnh hiu mình. Tất cả ấy, dẫu thân thương, dẫu yêu chiều đến mấy, những gì từ cuộc sống đãi đằng xôn xao ấy và mình vẫn mãi hoài là một khoảng cách mênh mông. Chỉ bởi vì mình không bao giờ được như từng mỗi một hay là tất cả ấy. Người ta hoặc sướng hoặc khổ, hoặc vui hoặc buồn. Còn mình thì thường vẫn đau đớn một cách sung sướng, hoặc sung sướng một cách đớn đau... Và cứ như thế, hai trạng thái gắn liền, đảo nghịch như một trò chơi chữ. Mà chính cái trạng thái sinh đôi ấy chỉ rưng rưng trong lòng những phút giây quí hiếm vô ngần niềm đơn độc bỗng cảm sống được một chút gì gọi là hạnh phúc. Gọi là chút gì, nhưng lại vỡ bờ. Cái chút gì ấy đủ lan truyền, vang ầm khắp cùng tâm thể lẫn trần gian, có thể bằng tiếng hát, hoặc bằng lặng im, và chỉ nghe được qua đài phát thanh đồng cảm...

Bằng đồng cảm ấy, với Sơn, không ở tư thế thính giả mà vị trí phát thanh, nên tôi phiên dịch lại chút nào tiếng vọng của những tâm hồn đồng điệu mà Sơn là biểu tượng mọi người cùng nghe lắng. Chỉ thế thôi. Tôi không sinh hoạt, không tương giao nhiều với Sơn. Chỉ là cùng thời, một thời ngửa nghiêng trong con người và trên đất nước, suốt gần ba mươi năm nay. Cùng Huế tính, cái âm điệu não nùng heo hút của nhạc và thơ chôn vùi đến nghìn năm còn vọng âm lay lắt trên đền đài lăng miếu rêu mờ bụi phủ. Và cùng thể loại, cái loại sinh ra trên đời này, để hát ca giùm những nỗi niềm im tiếng của trần gian lẻ loi...

Làm sao mà chẳng lẻ loi, mỗi con người, dù sao đi nữa, cũng chỉ là như trái đất, trong thinh không vô tận ấy, quay một mình không bóng đồng hành... Nên chỉ còn trăng sao, thiên nhiên vĩnh cửu, và trộn lẫn hơi thở mình vào bao la cao rộng ấy, để đi về hay lùi vào vô tận.

Dọc đường đời, tôi không có bạn, bạn gái và bạn trai. Không có ai. Không một ai. Bỗng một thời nào tâm hồn chín muồi như trái ngọt, nhận ra là mình không có một ai thân, ngoài cuộc đời và bên trong nghĩ tưởng. Mỏi mệt tận cùng trên cuộc hành hương, ngồi nghỉ dưới gốc trường sinh suốt mười lăm năm dài im tiếng ấy, bỗng nhận ra niềm hoang vu không cùng tận của con người, dẫu ở tầng sơ đẳng của tương giao. Nên nhớ đến đôi khi những lời Thiện viết, và những lời Sơn hát. Có thể, tương đối, đó là hai cách hát có chút gì tương cận cùng mình, qua một thời gian, qua một không gian. Năm bảy hoặc hàng chục năm gặp lại, chào hỏi đôi ba câu, rồi bỏ lửng. Chỉ thế. Không sinh hoạt. Không tìm hiểu. Không lắng nghe. Không gì cả. Nhưng mà đều hiểu rằng nếu mà ngồi lại cùng nhau khởi và tàn một câu chuyện bất cứ vấn đề gì cho đến tận cùng, thì sẽ là những hạt muối tan về biển biếc. Nhưng điều đó không cần thiết. Không phải chỉ Thiện, chỉ Sơn, mà trên trái đất này, biết bao nhiêu đồng thanh tương ứng trong giao cảm không cần phải diễn bày bất cứ điều gì, xuyên qua hàng ngàn năm trước, ngàn năm sau cũng vẩn còn chung một vọng âm. Vấn đề là mỗi một ấy, chỉ là giao cảm hay tương đồng, nhưng mỗi người lại tách lìa về một phía. Người đi xuống, kẻ đi lên... người tan rã giữa đường đời và người còn lặn lội trên dòng nước cũ, cũng có kẻ bằng cơ duyên kỳ ảo, bốc thoát bay lên... Người còn lại, để trở thành là gì, và để làm gì trên triền dốc lên của kỷ nguyên sau thì tuyệt nhiên thiếu vắng... Đó là mối quan hoài cùa chặng cuối một hành trình. Nên chỉ hai người ấy mà suy thành vấn đề, thì Thiện tan tành rớt rơi đâu đó bên trời gió thổi không ngừng; còn Sơn thì tiếng hát tâm hồn vốn lôi cuốn hết những đêm thơ nhạc Sai Gon vào vòng vây yêu mến và thân ái mình, vẫn còn run lời trên những ca khúc bay qua vĩ tuyến thời gian, và có lẽ vẫn còn như thế dài lâu, nếu nhìn một con người ấy chỉ là âm thanh hắt hiu và đừng qui trách hay tô bồi nhãn hiệu của những gì hơn khác; nhưng ngày tháng lụi tàn rồi, tâm thể tiêu hao rồi... Và phần còn lại, ngọn nến hồng lay lắt.

Một tháng sau, khi Michiko về Nhật, gặp Sơn thoáng qua sân, trong vắt như cua sáng trăng và buồn thiu như sông mưa tạnh, tôi hỏi:

  1. Sao hắt hiu vậy, trông vắng vẻ cái gì.

Sơn cười, như tia nắng yếu dọi lên từ khoảng trống:

  1. Có lẽ vì... vắng rượu.

Sơn bị gan nặng. Bác sĩ ở Pháp cấm rượu. Cả bia. Chỉ còn Coca.

  1. Buổi sáng khi nào rảnh Hoàng đến mình nói chuyện.
  2. Nhưng uống cái gì được, cấm rượu rồi.
  3. Thì Hoàng uống cà phê, mình uống trà.

Ngôn ngữ và âm điệu thế cùa hai thằng bạn nhỏ. Với Thiện xưa hay Sơn bây giờ, tôi cảm thấy mình là thằng bạn, trong ý nghĩ, và ngoài thực tại, nếu mà sinh hoạt nhiều như bọn Cường. Bằng cách này đôi khi tôi cảm thấy bớt vắng hoe trên con đường heo hút và gập ghềnh của văn nghệ.

Nếu vừa không có phương hướng và mục đích, thì con đường văn nghệ ấy, chỉ là một lộ trình tai ương cho mình, vui thỏa cho đời, cuối cùng hoặc rơi vào ngõ cụt, hoặc biến vào mù sương hoặc chôn vùi theo động đất. Còn không có phương hướng và mục đích thì nghệ sĩ trên con đường ấy chỉ như bông hoa, dù nồng nàn như hồng nhung hay mơ màng như nguyệt quế cũng chỉ nở để rồi tàn...

Con đường, nghệ sĩ, tác phẩm... nếu tìm ra chỗ đến thì con đường cũng chinh là phương hướng, động cơ, là niềm yêu và phương tiện, là sân khấu cuộc đời, là ánh đèn, là tràng pháo tay, là lòng yêu chuộng khắp cùng chờ đón...

Con đường của Thiện hình như mờ dần trong khoảng tối. Con đường của Sơn còn nối tiếp mãi bằng chính âm vang mình. Nhưng nơi đến thì không. Nên Sơn hoang vu đi về ngơ ngẩn, cho đến khi sẽ không còn một Michiko nào nữa xoa lưng, dỗ giùm nấc cụt. Đền bù lớn của Sơn, trong hoang vu ấy là vòng vây dịu dàng của mẹ, cùa em, một đại gia đình rông lớn. Không chỉ Huế mà từ Bắc vô Nam và khắp cùng quyến thuộc hoài âm trên thế giới. Nhưng Sơn thì vẫn còn lại một mình Sơn. Không một ai hiểu được tận cùng Sơn ấy thế nào. Bây giờ thỉnh thoảng về đi, công việc chỉ để mà công việc. Thỉnh thoảng ứa lên, như máu cặn từ cơn đau, một vài âm điệu, vẫn là Sơn nhưng bàng hoàng, lay lất, cái cuộn tròn của hơi và điệu, như con sâu chiếu buồn phiền trên bờ tường thời gian đã vắng tanh... và chỉ thế thôi. Không thể nào khác đi, hay không thể nào hơn nữa. Rồi chỉ còn là cuộc hoài niệm lê thê, hay là giọt nước mắt trôi dài từ đầu cho đến cuối đời không phải khóc mà thương mình, kiếm tìm hoài một cái gl không bao giờ có được, bởi vì tất cả những gì có được đã là không phải.

Michiko tiễn tôi ra cổng hẹn sẽ gặp lại trước ngày đi. Tôi hứa sẽ trở lại và mang theo những hình xưa kia về Kyoto, Osaka, và những người quen cùng với những chuyện ngắn về Nhật Bản. Cái bịn rịn nào lúc chia tay cũng lầm tưởng không thể nào chẳng gặp lại nhau. Nhưng vẫn như hàng trăm lời hẹn và lần chia tay trong đời mình, tôi không còn thì giờ lẫn xúc động dài lâu về một thoáng qua để còn trở lại.

Bởi vì mỗi lần cần thở khi đời, ra khỏi hang sâu của cõi riêng mình trở về, tôi lại cảm thấy mất bớt mình, dù được bao nhiêu đi nữa những gì mang theo từ đời, nên tiếc không khí và thời gian mình quen thuộc, lại thôi, không còn muốn tiếp những vòng quay thêm nữa.

Trở về mình, trong góc xó âm u, những nghĩ tưởng về người và đời, nhớ độ ẩm và bóng tối, nở bừng hàng loạt, hàng loạt như nấm mới. Đó là lúc tôi nghe lại chỉ bằng khoảng không tất cả mọi âm thanh. Âm thanh từ im lặng. Âm thanh từ bóng tối. Âm thanh từ cuộc đời không sống phút giây nào như ý muốn, như ước mơ, cái trả giá cho con người đặt mình vào hành trình đi về nơi đến, dẫu phải nghìn đời thêm nữa sẽ chẳng bao giờ tới nơi. Đó là phần tâm thức sai khác giữa tôi và những người đồng thời hay đồng điệu như Thiện, như Sơn. Cái sai khác ấy dẫn mỗi người về một nẻo. Thổi bùng gió bão một thời để trong tâm bão ấy là mình tan nát rớt rơi, hay trôi dạt lê thê qua biển trời và bờ bãi hoang vu mình để sống rồi chết như chỉ là thức và ngủ, hoặc nhận ra và nhận lấy mình, chỉ phải như thế này mà không thể nào như thế khác, hoặc giống được mọi người.

Và phải như thế này, nên dẫu không xem cuộc đời như sân khấu lớn, không viết đời mình như kịch bản buồn, nhưng sau mỗi vòng tương giao ấy, dù có đại hội hóa trang hay đơn sơ chào hỏi, tôi vẫn phải trở về mình, trở về mình và nghe lặng im thôi.