Đọc “Đăng Cổ Tùng Báo”

(Những bài trích từ Đăng Cổ Tùng Báo trong bài viết này xin được chép nguyên văn, không sửa lỗi chính tả và văn phạm để quý độc giả thấy được lối hành văn thời báo quốc ngữ còn phôi thai.)

Sau hòa ước Giáp Tuất 1874, Nam Kỳ trở thành thuộc địa, Bắc Kỳ và Trung Kỳ thuộc quyền bảo hộ của Pháp. Đến đầu thế kỷ 20 thì Pháp đã đặt vững nền cai trị ở Việt Nam. Tại miền Nam đã có một số báo viết bằng chữ quốc ngữ như Gia Định Báo, Phan Yên Báo, Nông Cổ Mín Đàm hoạt động, nhưng tại Trung Kỳ và Bắc Kỳ thì chưa có tờ nào.

Lúc bấy giờ ở Hà Nội có tờ công báo là “Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo” ra đời từ năm 1893 bằng chữ Hán do F. H. Schneider làm chủ, đến số 793 ngày 28 tháng 3 năm 1907 được đổi thành tờ báo ngôn luận lấy tên là “Đăng Cổ Tùng Báo”, một nửa bằng chữ Hán, một nửa bằng chữ quốc ngữ. Đây là tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở ngoài Bắc, tuy gọi là nhật báo nhưng thực ra đây là tờ tuần báo, ra vào ngày thứ Năm mỗi tuần. Tờ báo gồm 16 trang với những tiết mục: nghị luận, tin tức các tỉnh Bắc Kỳ, tin tức toàn cầu, bài viết về khoa học, thi ca, hộp thư tòa soạn và quảng cáo. Về nội dung thì chủ yếu về tin tức, giới thiệu những kỹ thuật, khoa học Tây phương, bài trừ hủ tục, kêu gọi đổi mới và khuyến khích việc học chữ quốc ngữ. Tờ báo được giao cho Nguyễn Văn Vĩnh, lúc đó mới 25 tuổi làm chủ bút.

Nguyễn Văn Vĩnh ra đời làm việc rất sớm, năm 14 tuổi ông đã được cử làm Thông Ngôn cho đoàn chuyên gia nghiên cứu xây đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Vân Nam cho công ty hỏa xa Vân Nam, sau khi đậu thủ khoa Thông Ngôn khóa 1896. Sau đó ông được điều về Hải Phòng năm 1897, đúng vào lúc người Pháp đang mở mang cảng Hải Phòng và xây dựng kiến thiết những cơ sở kỹ thuật để mở mang và khai thác tài nguyên của miền Bắc. Năm 1906 ông được Đốc lý Hauser cử làm quản lý gian hàng Bắc Kỳ ở hội chợ thuộc địa tại Marseille, Pháp. Năm 1907 Đốc lý Hause cử Nguyễn Văn Vĩnh sang làm chủ bút. Từ đây Nguyễn Văn Vĩnh thực sự bước chân vào nghề làm báo và ông là người đầu tiên đã cổ động cho việc truyền bá học thuật Tây Âu và chữ quốc ngữ bằng báo chí ngoài Bắc.

Nhờ có cơ hội làm việc và tiếp xúc với nền văn minh Tây phương, Nguyễn Văn Vĩnh thấy rằng muốn canh tân đất nước thì phải cần nâng cao dân trí và việc giáo dục quần chúng là điều cần thiết. Nhận thấy nước ta là một nước nông nghiệp, muốn nước giàu, dân mạnh thì phải cần thay đổi để bắt kịp nền văn minh thế giới, nên khi làm báo ông đã không ngừng kêu gọi dân ta phải mở mang kinh tế bằng cách học buôn bán, học kỹ thuật và khai thác tài nguyên. Ngay trong số báo đầu ông đã viết bài giới thiệu về trường Kỹ Nghệ Hà Nội:

“Ở Hà-nội có mở ra trường học Kỹ-nghệ, đã ba bốn năm nay mà học trò vẫn ít lắm, đến nỗi nhà nước phải cho thêm tiền mấy đi học. Mà từ ngày khai trường ấy đến bây giờ những người học ở đấy ra, thì đã thấy ai làm được cái gì để mở mang rộng sự buôn bán trong nước mình chút nào chưa!

Sự đó là bởi thế này:

Việc buôn bán trong một nước mà rộng ra hay là hẹp đi, là bởi ở người có của. Mà trong nước Nam những người nhiều tiền bạc nhất thì chỉ có những nhà quan. Nhưng con quan thì lại mong đi làm quan ngoại giả sự học hành để đi thi, thì không trọng nghệ gì cả. Các cậu ấm chỉ cứ ngâm nga hão hiền hay dở chỉ ở bài thơ, bài kinh nghĩa; ngoại câu văn-chương dẫu có tài nghề gì cũng chẳng ai khen, vụng cũng chẳng ai chê. Vả con nhà gia thế mà có làm nghề gì kiếm ăn, thì thiên hạ khinh, không trọng bằng tuy đói rách nhưng mà vẫn cứ nằm giài đọc thơ ngâm phú.

Bởi thế cho nên chỉ còn có con nhà thường dân đi học kỹ-nghệ mà thôi, mà con nhà dân cũng chẳng mấy người muốn học là vì làm sao? Bởi rằng kẻ có nghề phải có vốn mấy dùng nghề để làm ích cho mình được. Có tài mà tiền kém thì dẫu học được nghề khéo, bất quá lại phải làm công với người ta mà thôi. Lại thấy nhiều người khác cũng đi học, nhưng chỉ học vài ba năm chữ tây thì ra làm ông thông ông ký, mà mình học cũng bấy nhiêu năm, lại phải làm công ít tiền mà khó nhọc, và thiên hạ không trọng bàng các thầy thông thầy ký thế thì ai còn muốn học kỹ-nghệ làm gì nữa?

Ấy tràng kỹ-nghệ mà ít người học là bởi thế. Muốn cho những nghề hay ở tràng ấy dậy mà có thể làm ích lợi cho dân ta được, thì trước hết những người nào có của phải chịu khó đi học mà mở nghề mới ra, để mà mong lãi nhớn. Chớ đừng đeo đuổi mãi nghề ngồi không mà lại muốn làm đàn anh người ta. Thời thế mỗi ngày một đổi, xưa còn có người vừa được dòn vừa lậy, bây giờ nghe đâu thiên hạ đã bớt dại rồi.

Có tiền phải tìm đường sinh kế để giầu to mấy được. Làm giầu bây giờ tức là ái quốc đấy! Dân nước ta bây giờ mỗi ngày mỗi nghèo đi. Tiền còn ở trong tay người An-nam thì về sau còn có nghề mà làm được, chứ tiền sang tay chú Khách hết cả rồi, thì đến nỗi người chết đói sau chỉ trông kẻ chết đói trước mà thôi.”


Để độc giả làm quen với cơ cấu dân chủ của Tây phương, Nguyễn Văn Vĩnh viết nhiều bài giới thiệu về thể chế dân chủ như là Nghị Viện, quyền của người dân. Ông cũng có những bài về khoa học như sao chổi, cây gạo, xe hỏa, về vệ sinh như lọc nước v.v... hoặc bài viết về những Hội Xem Báo, Hội Dịch Thuật, Tân Học Thương Hội, về bảo hiểm mùa màng, bảo hiểm hỏa hoạn còn rất mới lạ với dân ta.

Đặc biệt về chữ quốc ngữ, trong những số Đăng Cổ Tùng Báo, ta thấy Nguyễn Văn Vĩnh có nhiều bài báo kêu gọi, khuyến khích và tuyên dương những người mở nghĩa thục (trường tư dạy học miễn phí) dạy chữ quốc ngữ. Ông có viết bài “Người An-nam nên viết chữ An-nam” nói về cái lợi của chữ quốc ngữ. Tuy nhiên, đây là thời kỳ phôi thai của nền báo chí dùng chữ quốc ngữ nên văn phạm và ngữ vựng của những bài báo còn ảnh hưởng địa phương tính nên có nhiều lỗi chính tả, lời văn chưa được bóng bẩy, chải chuốt và ngữ vựng chưa được thống nhất như sau này. Thí dụ như lời hướng dẫn về sự phân biệt giữa phần Hán Văn và phần Quốc Ngữ của Đăng Cổ Tùng Báo:

NHỜI GIAO HẸN

Các bài trong Nhật-báo này thì một bên bằng chữ quốc-ngữ, một bên bằng chữ nho; song hai bên không phải là dịch theo nhau từng chữ, vì lắm nhời nói nôm nghe rõ, dịch ra chữ nho không hoạt.

Xin các Quí-khách xem báo chớ nề điều ấy. Xem bên chữ nào cứ biết bên ấy mà thôi.

Tòa Soạn


Sau đây là một bản tin ngắn để ta biết tình hình về việc học chữ quốc ngữ tại Hà Nội năm 1907, thời mà các sĩ tử đã bắt đầu phải “Vứt bút lông đi, giắt bút chì” khi thi Hương:

“Tòa Học-chính mới định mở một tràng Pháp-Việt nữa, ở phố hàng Mã-mây, số 33. Tràng đã khai từ hôm mồng 10 tháng tư này.

Trẻ con từ 8 tuổi giở lên, đã biết đọc chữ quốc-ngữ và chữ Pháp rồi, mới được vào lớp học.

Thế là cả thẩy được tám tràng học ở Hà-nội, cộng được 1,800 học trò.”


Vì tin tưởng vào sự lợi ích của chữ quốc ngữ, Nguyễn Văn Vĩnh rất coi trọng Trương Vĩnh Ký, một người có công rất lớn trong việc phát triển chữ quốc ngữ. Ông coi Trương Vĩnh Ký như là một bậc Thánh nhân:

“Cất đám bà Trương-Vĩnh-Ký. – Hôm 16 tháng sáu An-nam ở Chợ-quán cất đám bà Trương-Vĩnh-Ký, là vợ ông thông-thái và ông quân-tử ở Sai-gon, ai ai cũng biết tên và ai ai cũng đã được học.

Đám ma đông người đi đưa lắm, vừa Tây vừa An-nam, có ông Cuniac, trạng sư; ông quan-tư Passerat de Silans; ông Prêtre, đốc-học tràng Chasseloup-Laubat; ông Mélaye, chánh tòa-tư phủ Nguyên-soái; Charlin, chủ Nhật-báo “Indo-Chine Française”; Pierre Jeantet, chủ Nhật-báo “Opinion”; Đốc-phủ Phương, ông J.-B. Lê-phát-Thanh; ông Delpil; ông Diệp-văn-Cương, ông Lê-văn-Trung, ông Đốc-phủ Lý, ông Đốc-phủ Vị, vân vân.

Làm lễ Nhà-thờ xong thì đem quan-tài đến chỗ lăng ông Pétrus Ký.

Ông Pierre Jeantet có đọc một bài viếng chào và từ-giã bà Hiền-phụ của một ông Thánh đất Nam-kỳ, đã làm thầy biết bao nhiêu người bản-quốc và bao nhiêu người Pháp.”


Nguyễn Văn Vĩnh rất chú trọng đến giới phụ nữ và khuyến khích họ theo tân học. Có lẽ ông là một trong những nhà báo đầu tiên của Việt Nam đã khuyến khích phụ nữ thoát khỏi sự ràng buộc khắt khe của nền văn hóa Á Đông “trọng nam khinh nữ”. Ngay trong số báo đầu ông đã khuyến khích nữ giới đi học chữ quốc ngữ và trong số báo thứ ba (số 795 phát hành ngày thứ Năm 11 tháng 4 năm 1907), Nguyễn Văn Vĩnh viết:

“...Trong sách gia-huấn của quan Lê Tướng-công Nguyễn Trãi, về mục dậy con gái, có câu rằng:

“Xưa nay hồ dễ mấy ai,
Miệng khôn tay khéo cho giai được nhờ.”

Tôi xem sách ấy thì nhiều điều hay lắm, duy đọc đến hai câu ấy thì mặt tôi đỏ lên, thẹn thay cho đàn ông nước Nam ta.

Giời đất ơi! môi son má phấn kia, tưởng rằng giời sinh ra để mà khuyên giải ta lúc bực sự đời; để mà du con ta trong khi quấy khóc; để mà pha tiếng êm vào khúc déo-dóc ở thế-gian; để mà cười nụ cho soi sáng đêm sâu; để làm cho ta quên mồ hôi nước mắt. Ai ngờ cái miệng son ấy lại dùng để môi-mép, kiếm áo tìm cơm cho ta nữa!

Tưởng rằng tay dẻo kia chỉ để du con ta; gạt nước mắt ta những lúc buồn rầu; bưng bát cơm cho ta khi khó nuốt; đỡ chén thuốc cho ta lúc ốm đau; gẩy khúc vui cho tai ta nghỉ-ngơi, khỏi mỏi tiếng eo-óc; thêu chữ lạc cho mắt ta tịnh tao dức mộng âu sầu. Ai ngờ tay khéo ấy lại còn phải đong-đưa, lo gạo chạy tiền cho ta nữa!

Nhục chưa! Thảm chưa! Không biết đàn ông đời qua Tướng-công thế nào, mà Ngài đến nỗi phải dậy con gái đảm-đang, kẻo đói mất con giai?

Mà nhời dậy của Ngài sao các con khéo nghe thế! cho nên nước Nam ta được lắm đàn bà đảm-đang quá...”


“... Họa may chỉ đàn bà ta lập tâm sửa lại điều ấy, thì may cứu được nước Nam, trừ được một giống nằm dài nhờ vợ.

Các Bà ơi! xưa kia bà Trưng-vương dùng tài lực dựng nước, bây giờ các Bà muốn dựng nước thì dễ hơn: chẳng phải tài thánh-Gióng, sức Khổng-lồ gì, chỉ có một cách để cho lũ nằm dài đói meo ra thì tất họ phải dậy. Con gái kén chồng, thằng nào không có nghề đừng thèm lấy. Thừa của đổ xuống sông xem tăm, chớ đừng đón rước đứa nghêu-ngao về thờ...”
(Gái Đảm)

Đây quả thật là một tư tưởng “cách mạng” vì vào thời đó, người đàn bà vẫn còn phải tần tảo nuôi chồng ăn học, coi như là bổn phận của người phụ nữ như bà Tú Xương vẫn phải: “Quanh năm buôn bán ở mom sông. Nuôi đủ năm con với một chồng.”

Khi nhận được thư đặt mua báo của nữ độc giả, Nguyễn Văn Vĩnh đã vui mừng và khuyến khích họ:

“Phấn son mà đèn sách. – Bữa nọ chúng tôi được hai Bà mua báo đã lấy làm phi thường.

Nay lại tiếp được ba cái giấy mua báo nữa, của bà Vũ-thị-Sen, buôn bán ở Hải-phòng, với cô Nguyễn-thị-Vĩnh, là con quan huyện Kim-sơn.

Các bà làm gương cho chúng tôi phải xem xét sự đời, thế là bụng giạ nhớn lắm.

Xem báo thì có rồi, bây giờ chúng tôi lại còn ước-ao các bà nghĩ hộ cho dăm bài hay nữa, thì thực quí-hóa quá.”


Sau đó, từ số báo 801 ngày 23 tháng 5 năm 1907 trở đi, ông mở thêm mục “Nhời Đàn Bà” với bút hiệu Đào Thị Loan để bênh vực phụ nữ và khuyến khích họ đổi mới. Mục này cũng gây ra một vài tranh luận của giới nam độc giả.

Bài trừ hủ tục, tệ đoan xã hội, kêu gọi duy tân, đổi mới chiếm phần lớn trong những bài nghị luận đăng hàng tuần trên báo. Những lời ông viết đôi khi gay gắt:

“Nước Nam mình xưa nay ngu hèn, buôn bán không biết, cách đi lại không biết, trong một nước cũng một tiếng nói mà Nam chê Bắc cọc-cạch, Bắc chê Nam ậm-oẹ; thuật pháp gì không biết, do khi dụng thậm bất tiện mà từ thượng cổ thế nào bây giờ vẫn thế, không thấy gì là tiến-bộ; sự đó là bởi đâu?...”

Tuy kêu gọi duy tân, đổi mới, nhưng ông cũng có nhiều bài viết nói về những người đổi mới bề ngoài một cách lố lăng, lập dị. Thí dụ như việc cắt tóc ngắn, các cụ ngày xưa theo quan niệm đạo hiếu của Hiếu Kinh “Thân thể phát phu, thọ chi phụ mẫu, bất cảm tổn thương, hiếu chi thủy” (Thân thể tóc da nhận từ cha mẹ, không dám tổn thương, là bắt đầu của hiếu) nên đầu để búi tó. Các nhà duy tân kêu gọi các cụ nhà Nho cắt bỏ búi tóc đi, trước tiên là cho hợp vệ sinh, nhưng thật ra là để các cụ cắt bỏ những quan niệm Nho giáo đã ăn sâu vào nếp sống hàng ngày của dân ta, Nguyễn Văn Vĩnh viết: “Có một việc bỏ cái núm dại đi mà cũng khó khăn thế, nữa là việc khác thì khó thế nào!” Có một số người chạy theo phong trào duy tân, cũng cắt tóc để tỏ ra mình văn minh, có ông sau khi húi tóc rồi, về nhà treo bảng trước cửa rằng chỉ những ai húi tóc rồi mới được bước qua cửa. Nguyễn Văn Vĩnh gọi những người này là “Văn Minh Phường Chèo”.

Trên mục tin ngắn của Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh, đôi khi ta thấy có những lời bình trong bản tin:

“Hôm thứ ba tuần lễ trước ở đầu hàng Gai, chỗ cạnh ngõ hàng Hành, có người đàn bà bị xe điện séo phải, gẫy một chân, hiện đã đem vào nhà Thương chữa thuốc. Khốn nạn!”

hoặc:

“Ở phố hàng Buồm từ tết đến giờ ngày nào đêm nào cũng đánh đố-chữ.

Sòng khách mở, An-nam đến đánh, nghe có người thua hàng ngàn, có kẻ cầm bán cả sống áo để đánh.

Ở vệ đường thì những quân du-côn mở thò-lò, người đánh đông như hội. Các ông Phút-lít sao việc bắt thuế thân thì sành thế, mà quân Khách nó mở cờ bạc làm hại bao nhiêu người An-nam mình, thì các ông không dình mò bắt cho được nó.

Giại vô-giá là người An-nam! Việc cờ bạc làm sao hâm mộ thế!”


Có lẽ nạn cờ bạc ở Hà Nội vào thời đó rất trầm trọng vì có rất nhiều bản tin về cờ bạc đã được đăng trên Đăng Cổ Tùng Báo, nhưng thấy sự bất lực của nhà nước trong việc trừ những tệ đoan xã hội này, ông đã phải bực mình mà viết:

“Bài-tây. – Ở các phố Hà-nội có một bọn, tuy hại nhỏ nhưng cũng là hại, là những đám bài-tây. Đầu ngã ba ngã bẩy, nhất là những đường có nhiều người nhà-quê ra kẻ chợ, cách một quãng lại có một đám, độ 6, 7 đứa vừa đàn ông, vừa đàn bà, hàng họ chỉ có một cái khăn mặt với 3 quân bài-tây, mà người nhà-quê ra mất khăn mất áo, đàn bà có người nhỡ một phút có ngứa mắt, phải đến bỏ chồng, bỏ con vào ở thổ.

Những người ấy dại, kể thế thì cũng đáng kiếp lắm. Ai bảo tham? Thế nhưng mà có đứng nhìn những quân ấy nó gạn gùng, thì mới hiểu rằng những đàn bà nhà-quê dại giột, mà nhiều người tử tế cũng mắc.

Đội-xếp thì chắc rằng trị không được, vì mỗi đám có vài đứa gác, thò thấy bóng đội-xếp là nó ra hiệu, thì những đứa bài-tây chỉ nhắc cái khăn mặt lên vắt vai, ba quân bài bỏ túi, rồi nói truyện với nhau một hồi, đợi ông đội đi khỏi, lại giở ra. Làm cóc gì nhau?

Như thế thì tôi thiết tưởng chỉ ai trông thấy, đánh cho đau, thế là chúng nó phải chừa mà thôi! Như thế thì khí trái luật thật, nhưng quân bài-tây hại nhiều người lắm, phải thế mới trừ xong.”


Tuy nói vậy nhưng quan điểm về việc làm báo của ông rất nghiêm túc. Những điều ông viết về chức năng của nhà báo trên 100 năm nay, đến bây giờ vẫn còn có người chưa theo kịp:

“Nhật-báo các nước văn-minh đặt ra để làm gì, An-nam ta nhiều người còn chưa được rõ lắm.

Có người thì coi cái nhật-báo như là một cái để chửi và nói xấu lẫn nhau. Có người thì cho làm cách để dạy người trong nước cho chóng khôn ngoan ra.

Hai điều cùng nhầm cả. Nhật-báo là như một cái nhà họp truyện, người góp câu này, kẻ góp câu kia. Ai nói phải thì có người nghe, người nhớ, người bàn soạn câu nói của mình; ai nói vô-lý, hễ không phạm tới ai thì chẳng ai nghe cả, nhưng phạm tới người khác thì luật phạt, mà phải người phũ thì có khi phải gẫy lưng.

Không nên cho làm một cách chửi nhau, vì việc hai người với nhau không can chi đến thiên hạ. Dán hoặc có khi phải nói tới một người về việc gì xấu, nhưng hễ sự xấu ấy, có can gì đến xã-hội, đến đồng nhân thì mới được nói, nhưng chỉ được nói xấu tới chức phận người ấy mà thôi, chớ không được trạm đến ông Mỗ bà Mỗ, đến việc riêng, việc cửa việc nhà người ta. Hoặc như muốn bác thói xấu gì, tật gì, thì phải nói chung, chớ không được nói tên ai. Dán hoặc khi muốn viện một việc gì ra làm tang, thì cứ nói lỏng, người xem tất đoán ra, chớ không phải nói đến chân răng kẽ tóc, vì mỗi người được quyền có tật riêng, quí hồ tật ấy không thiệt hại đến xã-hội, thì không ai được nói mình. Ví như ông Mỗ ăn thuốc phiện. Tật ăn thuốc phiện là xấu là hại, thì cứ nói tật ấy cho tệ, nhưng ông Mỗ thì không được ai phạm đến ông ấy. Nhược bằng ông ấy là quan, thì hễ ông ấy có đem ra công-đường, hoặc đến giờ hầu dân đợi, quan còn ăn thuốc, mới được nói đến, còn như ở nhà tư ông ấy, thì mắt người không được trông vào. Ví như quan, nhiều ông sơi thuốc, cho nên sinh ra nhũng lạm, thì có quyền nói chung, nhưng không được chỉ tên quan nào quan nào.

Còn như coi cái nhật-báo như sách dạy cũng không nên, vì chỗ họp truyện, thì có truyện hay cũng có truyện dở. Điều hay để vào tai, điều dở đáng cãi thì cãi lại, không đáng cãi thì bỏ ngoài tai.”


Ngay từ khi bắt đầu vào sự nghiệp làm báo, Nguyễn Văn Vĩnh đã tự đặt lên mình một sứ mạng cao cả là “Mở Mang Dân Trí” và ông đã nghiêm túc thi hành sứ mạng đó trong suốt cuộc đời làm báo cho đến khi từ trần. Tuy Đăng Cổ Tùng Báo chỉ hoạt động từ tháng 3 đến tháng 11 năm 1907, nhưng qua những số báo đó, ta thấy Nguyễn Văn Vĩnh luôn luôn kêu gọi, khuyến khích việc học chữ quốc ngữ, bài trừ hủ tục, đề cao nhân phẩm phụ nữ, giới thiệu nền dân chủ và những kỹ thuật tân tiến của Tây phương cho dân ta. Đôi khi ta thấy ông phải đăng những bài diễn thuyết đề cao sự bảo hộ của Pháp, nhưng những bài đó chủ yếu là kêu gọi canh tân, đổi mới, hoặc những tin tức như việc con Phan Đình Phùng cùng chánh, phó tổng và các cử, tú, ấm sinh tỉnh Hà Tĩnh bị bắt vì âm mưu với Nhật chống Pháp trong số báo ngày 12 tháng 9 năm 1907, ông cho rằng làm như thế là dại, chi bằng lo học hành để mở mang kiến thức và buôn bán để làm giàu thì nước mới mạnh. Có lẽ vì những bài viết như thế nên Nguyễn Văn Vĩnh đã bị gán cho tội theo Tây. Lấy công tâm mà xét, những bài diễn thuyết đăng trên báo đó đều đề cao nền văn minh Tây phương và khuyên dân ta nên học theo những văn minh đó để nâng cao dân trí mà theo kịp người ta. Vả lại, báo do Tây làm chủ, sống dưới sự đô hộ của Pháp thì phải viết như vậy thì cũng không có gì quá đáng.


Trang bìa Đăng Cổ Tùng Báo viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên số 793 ra ngày 28 tháng 3, 1907 (Nghiệp duy cần – Chí duy nhất – Hợp lực tương trợ – Đồng tâm cộng tế ♦ ĐẠI NAM ĐỒNG VĂN NHẬT BÁO ♦ Đăng Cổ Tùng Báo).