Nguyễn Tuấn Khanh
Trích đoạn cải lương Xử án Bàng Quý Phi của cố soạn giả Lê Văn Tiếng do Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An biểu diễn.
(Nguồn: http://baolongan.vn/vinh-danh-nghe-nhan-tran-phong-sac-va-le-van-tieng-a150725.html)
Ngày 3-3-2023 mới đây, để vinh danh hai cố Nghệ nhân Dân gian Trần Phong Sắc và Lê Văn Tiếng, sở VHTT & DL long An đã chọn trích đoạn từ một tuồng cải lương do cố soạn giả Lê Văn Tiếng soạn để diễn, đó là một điều rất hay, đáng hoan nghinh. Ban tổ chức đã chọn 2 màn cuối của vở tuồng để giới thiệu với khán giả. Phần trích đoạn này dài khoảng nửa tiếng do Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An phụ trách, các nghệ sĩ đã diễn xuất sắc, tròn vai, phục trang đẹp, gây ấn tượng tốt trong lòng khán giả, tuy nhiên, nếu dựa theo bổn tuồng của cố soạn giả Lê Văn Tiếng thì chúng ta nên lưu ý những điểm sau đây:
1- Tựa tuồng: Trong video hiện đang chia sẻ trên mạng không có phần giới thiệu tên của vở tuồng nhưng theo bài báo của ký giả Quế Lâm trên trang mạng Long An Online thì trích đoạn cải lương này được giới thiệu là “Xử án Bàng Quý Phi”.
Chúng ta nên lưu ý là tuồng “Xử án Bàng Quý Phi” do hai soạn giả Minh Tơ và Thanh Tòng viết sau này được nhiều người biết đến và cũng đã có nhiều người diễn, nhưng đó là tuồng cải lương Hồ Quảng (bây giờ gọi là “cải lương tuồng cổ”), khác với tuồng cải lương do ông Lê Văn Tiếng viết. Tên của vở tuồng do soạn giả Lê Văn Tiếng viết và được in vào năm 1926 là tuồng cải lương (không phải là cải lương Hồ Quảng) nhưng có tựa là “Án Bàng Quí Phi” chứ không phải là “xử án”, khi giới thiệu nên phân biệt đây là hai tựa tuồng khác nhau và giải thích rõ ràng để khán giả không lầm lẫn.
2- Văn bản: Hồi trước các soạn giả cũng là thầy tuồng (tức là đạo diễn bây giờ) nên họ nắm vững về tính cách của từng nhân vật trong những lời thoại, câu ca và phân cảnh để viết tuồng, do đó chúng ta nên tôn trọng theo nguyên bổn.
Trong bổn tuồng này, đoạn Địch Thái Hậu khảo tội và sau đó truyền cho cung nữ lột áo mão và đồ nữ trang của Bàng Quý Phi trước khi gia hình, vua Nhơn Tôn có xin tha nhưng Địch Thái Hậu không chấp thuận nên cung nữ đã lột áo mão và đồ nữ trang của Bàng Quý Phi, nhưng trên sân khấu do Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An diễn lại bỏ qua đoạn này và vẫn để cho Bàng Quý Phi bận xiêm y của bậc quý phi khi gia hình!
Nếu chúng ta xem lại tuồng cải lương tuồng cổ “Xử án Bàng Quý Phi” của Minh Tơ vả Thanh Tòng do Thanh Tòng đạo diễn sẽ thấy vai Bàng Quý Phi trước khi thọ hình đã bận áo trắng và không đeo nữ trang vì lúc đó Bàng Quý Phi đã là tù nhân. Chi tiết này tuy nhỏ nhưng quan trọng vì các nghệ sĩ trình diễn là những sứ giả truyền bá những nét đẹp của văn hóa và lịch sử cho quần chúng nên cần phải chính xác. Chắc trong chúng ta nhiều người cũng đã từng xem qua những bộ phim nhiều tập Bao Thanh Thiên của Đài Loan do Kim Siêu Quần đóng vai chính. Sau khi phán xử xong, những hoàng thân quốc thích hoặc quan chức nào có tội, Bao Công đều bắt lột áo mão trước khi giam vào ngục hoặc chém đầu. Điều này cũng không khác như bây giờ vì khi các cán bộ hoặc cựu cán bộ khi có tội hình sự thì bị khai trừ ra khỏi đảng và bãi các chức vụ trước khi thi hành án.
3- Lời thoại: Trong thời gian đầu của bộ môn cải lương mới thành hình, các vở tuồng thường do các soạn giả thuộc lớp Nho học và biết ít nhiều về bộ môn hát bội viết nên lời thoại trong các vở tuồng thường có những câu văn biền ngẫu thuộc dạng nói lối giống như của hát bội nên một số nhà nghiên cứu cho là cải lương từ hát bội “sửa đổi cho tốt hơn” mà thành. Thật ra cải lương là do nhạc tài tử thay đổi cách ca, kết hợp với bộ môn thoại kịch cho nên sau này những lời đối thoại trong cải lương giống như lời nói bình thường ngoài đời, nhưng nếu chúng ta diễn lại các vở cải lương xưa gần 100 năm nay thì nên chú trọng đến phần nói lối trong những câu thoại.
Trong bổn tuồng “Án Bàng Quí Phi” này soạn giả đã cẩn thận ghi trong phần thoại chữ in đứng là nói lối, chữ in nghiêng là nói tự do, nhưng các nghệ sĩ diễn trích đoạn này khi đối đáp có một vài đoạn nói chưa rõ theo cách nói lối hoặc một vài đoạn thoại bị cắt bỏ làm giảm đi cái hay của vở tuồng vì nếu khán giả đã từng xem vở cải lương tuồng cổ “Xử án Bàng Quý Phi” với phục trang và vũ đạo đẹp do nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đóng và có ấn tượng tốt, nay vở tuồng này không phải là cải lương tuồng cổ, tuy phục trang đẹp nhưng thiếu phần vũ đạo, do đó chúng ta nên lấy phần ưu điểm của vở tuồng là văn chương và bài ca để giới thiệu với khán giả.
Đề cập tới bài ca, trước khi vãn tuồng, soạn giả Lê Văn Tiếng có viết một lớp Xuân Nữ để tóm tắt cốt truyện và đưa ra bài học kẻ ác thì bị đền tội để răn đời. Đây là cách viết trước khi dứt tuồng của người xưa để khuyên mọi người làm lành lánh dữ, chỉ tiếc là Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An bỏ qua rất uổng. Lớp Xuân Nữ này viết theo lối ca ngày xưa nên ít chữ, tuy nhiên ta có thể ca theo nhịp tư lơi. Hy vọng nếu có dịp diễn lại trích đoạn này thì nên ca tiếp lớp Xuân Nữ cho trọn vẹn theo nguyên bổn.
Tuồng “Án Bàng Quí Phi” do soạn giả Lê Văn Tiếng sáng tác, bản in năm 1927