Giới thiệu “Tuồng hát cải lương - Khảo & Luận”

Nguyễn Tuấn Khanh

Khách viễn phương ở vùng ngoài có dịp về miền Tây, nếu được mời ăn cơm trong một gia đình nào đó sẽ thấy trên bàn ăn thịt cá ê hề với những món đặc sản của Nam Bộ, còn có dĩa dưa hấu đã được cắt sẵn hoặc một nải chuối xiêm dọn chung làm món tráng miệng. Nhưng cũng đừng ngạc nhiên khi ai đó chỉ chọn ăn cơm trắng với dưa hấu hoặc chuối trên bàn ăn này mà không đụng đũa tới các món khác, không phải vì người này ăn uống kiêng khem hoặc chay lạt gì mà khi hỏi thì được nghe câu trả lời gọn bâng: “Khoái ăn như vậy”. Tánh tình giản dị, cởi mở và phóng khoáng này của người miền Nam là do quá trình khẩn hoang mở cõi trên 300 năm nay mà có được.

Từ khi lấy được đất Đồng Nai vào năm 1698, Chúa Nguyễn cho đặt nền cai trị hành chánh và chiêu mộ những người có tiền của ở vùng Thuận, Quảng vào khẩn hoang miền Nam. Ngoài ra, các dân lưu tán ngoại quốc như Trung Quốc, Âu châu, Cao Miên, Mã Lai… cũng được đến đây khai thác. Những nhóm ngoại kiều này phần nhiều ở xen lẫn nhau theo từng khu vực, áo mặc, đồ dùng nước nào theo lối nước ấy. Trong thời gian đầu của cuộc khẩn hoang mở cõi, người dân đã phải đối phó với những khó khăn như hiểm họa cướp bóc, nhiều sắc dân chung đụng ô hợp, sau đó lại gặp nạn chiến tranh, nhưng 100 năm sau, Trịnh Hoài Đức cho ta biết người dân của vùng đất Phiên An đã “ở hòa vui, tục hậu chính giản, nha môn nhàn tản” và “người Gia Định phần nhiều trung dũng khí tiết, khinh của trọng nghĩa, dù đàn bà con gái cũng thế. Ở Gia Định, khách đến thì mời ăn trầu trước, thết nước chè rồi đến ăn cơm ăn bánh, cốt phải phong hậu. Không kể người thân hay sơ, lạ hay quen, tung tích thế nào, đã đến tất phải tiếp nhận thết đãi. Cho nên người đi chơi phần nhiều không mang lương thực, mà người lậu sổ, người trốn tránh khá nhiều vì có chỗ nuôi khách”[1]. Với bối cảnh lịch sử như vậy nên bản tính của con người miền Nam dễ dãi, cởi mở, giản dị và hiếu khách, mà từ đó chúng ta có một nền văn hóa đa dạng, phong phú và đặc thù của người dân Nam Kỳ lục tỉnh và bộ môn cải lương đã được thành hình trong môi trường này.

Hai thập niên 1955 - 1975 được coi là thời hoàng kim của bộ môn cải lương tại miền Nam với sự xuất hiện của một lớp nghệ sĩ mới, mỗi người có một phong cách diễn xuất và giọng ca độc đáo riêng mà sau này báo giới gọi là “thế hệ vàng” của cải lương. Song song với những nghệ sĩ này, chúng ta không thể quên đến sự đóng góp của một đội ngũ soạn giả hùng hậu gồm các vị như Năm Châu, Viễn Châu, Tư Chơi, Tám Vân, Nhị Kiều, Thái Thụy Phong, Kiên Giang, Ngọc Văn, Vạn Lý, Duy Lân, Nguyễn Phương, Thiếu Linh, Ngọc Linh, Hương Sắc, Thu An, Quy Sắc, Hà Triều - Hoa Phượng, Loan Thảo, Yên Lang, Thế Châu… Bên cạnh các soạn giả của sân khấu cải lương này còn có các soạn giả viết cho các ban cải lương của đài phát thanh như các soạn giả Thành Công của ban Thành Công, Bảy Quới của ban Cửu Long, Lệ Liễu của ban Hương Việt hoặc các soạn giả khác như Tư Chơi, Kiên Giang… viết tuồng cho ban Hương Nam do nghệ sĩ Kim Nguyên làm trưởng ban v.v… Các ban cổ nhạc này phát thanh mỗi tuần 2 hoặc 3 lần trên đài phát thanh, đa số là các tuồng cải lương nhưng đôi khi có thay bằng chương trình đờn ca tài tử. Tuy được coi là “thời hoàng kim” với nhiều nghệ sĩ, soạn giả tài danh đã ghi lại dấu ấn vàng son của bộ môn cải lương trong hai thập niên này nhưng chúng ta chỉ có một số rất ít bổn tuồng đã được in còn rải rác đâu đó trong tay các nhà sưu tầm hoặc một vài bổn trong thư viện, nhưng bù lại, chúng ta may mắn còn lại khá nhiều băng, dĩa đã được thu trong thời kỳ này để cho những ai quan tâm đến tuồng tích có thể ghi chép lại.

Riêng với những bổn tuồng trong thời kỳ đầu của bộ môn cải lương mới thành hình, nếu chúng ta muốn tìm kiếm thì khá khó khăn vì dĩa hát tuy có nhưng rất ít và chất lượng âm thanh nghe không rõ vì kỹ thuật thu âm chưa được tốt, còn sách in thì cũng có nhưng chỉ còn một số ít ở trong tay của các nhà sưu tầm sách cũ hoặc ở thư viện. Để bổ túc cho sự khan hiếm này, Nguyễn Phúc An đã sưu tầm được 173 bổn tuồng và bài ca để giới thiệu trong cuốn Tuồng hát cải lương - khảo & luận này. Tác giả đã dày công biên soạn mục “Đề yếu” (Summary) cho 173 tựa đề bao gồm các bổn tuồng và các tập bài ca thuộc về bộ môn cải lương đã được xuất bản từ năm 1921 đến năm 1931, “thư tịch chú giải” (annotated bibliography) này là một cống hiến hữu ích cho những ai muốn nghiên cứu về diễn tiến của các vở tuồng sân khấu cải lương và các bài ca trong trong thập niên 1921 - 1931. Đây mới chỉ là bước đầu của một công trình thu thập những bổn tuồng cải lương đã được in ấn trong 10 năm này, chắc chắn sẽ còn thiếu sót rất nhiều tuồng cải lương đã được đã được các gánh cải lương lớn nhỏ trình diễn trong thời điểm này nhưng không được in thành sách.

Trước khi đi vào phần chú giải những bổn tuồng, Nguyễn Phúc An đã giải thích ý nghĩa của những từ liên quan đến bộ môn cải lương mà sau này mỗi người hiểu một cách khác như: hát chập/hát chặp, ca/hát, tuồng tích/tuồng truyện, tuồng Tàu/tuồng cổ/Hồ Quảng… và đặc biệt là chương về Nói lối đã giải thích tận tường cách Nói lối trong cải lương như chúng ta thấy được trong vở tuồng kinh điển Tiếng trống Mê Linh của các soạn giả Việt Dung, Vĩnh Điền và nhóm kịch tác gia Thanh Minh mà sau này có nhiều người lầm lẫn đây là một lối ngâm thơ. Ngoài ra, tác giả cũng đã cho chúng ta đọc được toàn bộ tập tài liệu Phong trào cải lương (1917 - 1927) của nhạc sĩ Lê Thương đã được một số nhà nghiên cứu đề cập đến, nhưng chưa được phổ biến và nay hầu như đã đi vào quên lãng, đây là một tài liệu quý cho những ai quan tâm đến lịch sử của bộ môn cải lương.

Qua phần liệt kê của 173 bổn tuồng và các sách bản đờn/ bài ca này chúng ta thấy bàng bạc đâu đó có sự xuất hiện của “các dân lưu tán ngoại quốc” như Trịnh Hoài Đức đã nói về cư dân vùng Nam Kỳ lục tỉnh kể trên. Cùng với những bài bản của nhạc tài tử đã được sử dụng làm căn bản cho các vở tuồng cải lương như Tứ đại, Xuân nữ, Tây thi, Cổ bản, Văn Thiên Tường… còn có các bài cổ nhạc Huế như Hành vân, Tứ đại cảnh hoặc các bài trong Thập thủ liên huờn và đặc biệt là bài Dạ cổ hoài lang mới được sáng tác mà sau này trở thành bài Vọng cổ quen thuộc không thể thiếu trong các vở tuồng cải lương. Về “các dân lưu tán ngoại quốc” chúng ta thấy có sự xuất hiện rất sớm của nhạc Triều Châu/Quảng Đông như Khốc hoàng thiên, Khổng Minh tọa lầu, Ngũ điểm, Bài tạ… hoặc cả nhạc Tây như Marseiller, Madelon… Người đem nhạc Tiều vào cải lương đầu tiên được biết đến là soạn giả Nguyễn Trọng Quyền mà bây giờ được coi như là một trong những hậu tổ của cải lương - người đã được tác giả Nguyễn Phúc An giới thiệu trong cuốn sách này là một điều đáng quý, để hậu sinh chúng ta hiểu được cội nguồn của một bộ môn nghệ thuật sân khấu tuy sinh sau đẻ muộn nhưng đã được yêu thích ở cả ba miền Nam - Trung - Bắc.

Qua 173 bổn tuồng cải lương này chúng ta thấy được cách hành văn và bài bản đã được sử dụng 100 năm trước, để có thể hình dung được sự thu nhập dễ dãi của bộ môn này trên phương diện văn hóa, hay thì giữ hoặc thay đổi theo thị hiếu của quần chúng với mục đích duy nhất là phục vụ cho nghệ thuật sân khấu nước nhà theo đúng chủ trương ghi trên câu đối của gánh Tân Thinh treo trong ngày khai trương vào tháng 8 năm 1921:

Cải cách hát ca theo tiến bộ,
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh.

Với công trình sưu tập này, tác giả Nguyễn Phúc An cho chúng ta thấy được một sự thiệt thòi của bộ môn nghệ thuật sân khấu miền Nam. Nghĩa là tuy cải lương được nhiều người yêu thích và cũng đã có rất nhiều vở tuồng đã được sáng tác trong vòng 100 năm nay, nhưng văn bản lưu lại còn khiếm khuyết rất nhiều và với công nghệ thông tin hiện đại, hy vọng Thư viện Quốc gia Việt Nam có thể lưu lại các bổn tuồng dưới dạng kỹ thuật số của các soạn giả đương thời hầu lưu lại số vốn văn hóa quý giá này cho hậu sinh. Mong lắm thay!

_______________

[1] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo dục, 1998, trang 142, 146, 179.