Nhạc Tài Tử: 20 bài tổ

Song song với nghệ thuật trình diễn trên sân khấu là Hát Bội, các bộ môn ca Huế, Nhạc Lễ và Nhã Nhạc cung đình cũng theo bước chân khẩn hoang của những người dân miền Trung vào Nam, qua mỗi vùng đất nước, thâu nhận thêm những bài dân ca, câu hò, điệu lý của từng vùng mà tạo thành một loại ca nhạc “sa lông”, tức là loại nhạc thính phòng để đờn ca giải trí vui chơi trong lúc nhàn hạ chứ không có trình diễn gọi là Nhạc Tài Tử.

Sau cuộc binh biến kinh thành Huế vào năm 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn ra chiếu Cần Vương, một số nhạc quan và nhạc công của triều đình lánh nạn vào miền Nam sinh sống, trong đó có Nguyễn Quang Đại, người đã có công rất nhiều trong việc phổ biến Nhạc Tài Tử tại miền Nam. Nguyễn Quang Đại được các báo chí hồi đầu thế kỷ 20 gọi là Ba Đại, nhưng sau này đổi thành Ba Đợi (có người cho là do gọi theo cách phát âm của miền Trung, nhưng có lẽ do kỵ húy tên vua Bảo Đại thì đúng hơn vì trước khi vua Bảo Đại lên ngôi, báo chí vẫn gọi Nguyễn Quang Đại là Ba Đại), nguyên quán ở Hải Lăng, Quảng Trị vào sinh sống tại các vùng Đakao, Cần Giuộc, Cần Đước để truyền dạy Nhạc Lễ và Nhạc Tài Tử. Ông đã đào tạo được nhiều nhạc sĩ lừng danh như ở Đakao có Tám Hạnh, Sáu Thới (thầy của các nhạc sư Tư Nghi, giáo Thinh, Năm Cần), Cao Quỳnh Cư, Cao Quỳnh Diêu, Bảy Nhỏ... Tại các vùng Long An, Cần Giuộc, Cần Đước có các môn sinh như nhạc Láo, Sáu Thoàn, Chín Chiêu, nhạc Thời, Hai Tò Le, Năm Tịnh, cô Sáu Giỏi, cô Bảy Lung v.v... là những nhạc sĩ tài ba mà tiếng tăm còn truyền lại tới bây giờ. Từ những môn sinh của ông, các nghệ sĩ tài danh của thế hệ thứ ba đã được nối tiếp truyền nghề như Tư Huyện, Sáu Quý, Bảy Hàm, Chín Kỳ, Hai Phát, Hai Biểu, Tư Tụi, Ba Lựa v.v...

Ngoài việc truyền dạy nghề đờn, Ba Đợi còn đem một số Nhạc Cung Đình cải biên thành Nhạc Lễ miền Nam, hệ thống hóa Nhạc Tài Tử thành bốn điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán (còn được gọi là 20 bài tổ). Hai mươi bài tổ gồm có:

Ba Nam:

  1. Nam Xuân
  2. Nam Ai
  3. Đảo Ngũ Cung

Bài Đảo Ngũ Cung còn gọi là Nam Đảo. (Tài liệu xưa là sách Cầm Ca Tân Điệu và Nhạc Cổ Điển Việt Nam chỉ gọi là Đảo Ngũ Cung mà thôi).

Sáu Bắc:

  1. Lưu Thủy Trường
  2. Phú Lục Chấn
  3. Bình Bán Chấn
  4. Cổ Bản Trường
  5. Xuân Tình Chấn
  6. Tây Thi Trường

Giới đờn ca tài tử thường chơi Cổ Bản Vắn và Tây Thi Vắn mà ít chơi hai bài Cổ Bản Trường và Tây Thi Trường.

Bảy Bài (tức 7 bài nhạc lễ):

  1. Xàng Xê
  2. Ngũ Đối Thượng
  3. Ngũ Đối Hạ
  4. Long Ngâm
  5. Long Đăng
  6. Vạn Giá
  7. Tiểu Khúc
Bốn Oán:
  1. Tứ Đại Oán
  2. Phụng Cầu
  3. Giang Nam
  4. Phụng Hoàng

Bài Giang Nam còn gọi là Giang Nam Cửu Khúc (vì có 9 lớp), bài Phụng Cầu còn gọi là Phụng Cầu Hoàng Duyên, bài Phụng Hoàng còn gọi là Phụng Hoàng Lai Nghi. (Tài liệu xưa là sách Cầm Ca Tân Điệu và Nhạc Cổ Điển Việt Nam chỉ gọi là Phụng Cầu, Phụng Hoàng mà thôi).

Hai mươi bài tổ này bao gồm đủ cả các âm điệu vui, buồn, thương, giận nên được nhạc giới miền Nam dùng làm căn bản cho nền cổ nhạc từ đó cho đến bây giờ. Vì sự đa dạng của 20 bài tổ nên ít có người đờn hoặc ca làu thông 20 thể điệu này. Vào năm 2007, nhạc sư Ba Tu đã độc tấu đờn kìm đầy đủ 20 bài, xin được giới thiệu sau đây.

Xin nhấn vào hình loa màu xanh phía dưới kế bên mỗi bài để nghe nhạc.


BA NAM:

Nam Xuân: Điệu nhạc thanh thản lâng lâng, sảng khoái, nghiêm trang, nhẹ nhàng, có người cho là “tiên phong đạo cốt”. Bài này thường được dùng để mở đầu các chương trình đờn ca tài tử hoặc ca nhạc cải lương.

Nam Ai: Buồn ảo não, não nùng, bi thảm. Bài này có 8 lớp, cấu trúc cũng như Nam Xuân (cũng nhắc đi nhắc lại nhiều lớp). Lớp 7 và 8 (hai lớp Mái) thường hay dùng nhất.

Đảo Ngũ Cung qua Song Cước: Tôn nghiêm, hùng tráng, gay gắt. Hai lớp cuối được chuyển sang hơi Hò Ba âm điệu buồn, để chấm dứt, gọi là “song cước”.

Nam Xuân: Tô Huệ Chức Cẩm Hồi Văn - (20 câu đầu). Ca sĩ: Kim Thanh

Nam Ai: Tô Huệ Chức Cẩm Hồi Văn - (lớp 1, 2 qua lới Mái 7 câu đầu). Ca sĩ: Kim Thanh

Đảo Ngũ Cung: Hiệp Nhứt Trường - (20 câu đầu). Ca sĩ: Kim Thanh


SÁU BẮC:

Lưu Thủy Trường: Điệu nhạc nhàn hạ, khoan thai, phù hợp với cảnh trí thanh nhàn, non xanh nước biếc, cỏ hoa chim chóc. Lưu Thủy Trường là do Lưu Thủy Đoản phát triển, kéo dài ra. Một câu của “đoản” bằng hai câu của “trường”. Bài này có 4 lớp, 32 câu (mỗi lớp 8 câu).

Phú Lục Chấn: Sôi nổi, rộn rã, khẩn trương, khác với bài Lưu Thủy Trường có tính thiên nhiên. Bài này có xuất xứ từ bài Phú Lục ở Huế. Khi mới vào Nam Bộ được cải lương hóa thành bài Phú Lục Vắn (17 câu, nhịp 1), sau phát triển thành bài Phúc Lục của nhạc tài tử (34 câu nhịp 4). Bài này rất nghiêm chỉnh cân đối, câu đối câu, nhịp đối nhịp, có 4 lớp (8, 8, 8, 10).

Bình Bán Chấn: Phát triển từ bài Bình Bán, đến Bình Bán Vắn, rồi đến bài Bình Bán Chấn (dài). Gốc là bài Bình Bán vui vẻ sảng khoái, nhưng khi phát triển thành Bình Bán Chấn thì trở thành đĩnh đạc, nghiêm trang. Bài này phức tạp, khúc mắc, ít được dùng trên sân khấu.

Lưu Thủy Trường: Bá Nha Tử Kỳ - (lớp 1, 2). Ca sĩ: Đoàn Dự

Phú Lục Chấn: Khổng Tử Khóc Nhan Hồi - (lớp 1, 2 và 4), Ca sĩ: Đoàn Dự

Bình Bán Chấn: Họa Tượng Vân Tiên - lời: Mười Phú. Ca sĩ: Từ Hải


Cổ Bản Vắn: Câu ngắn gọn, dồn dập, nhưng không nhấn mạnh như bài Phú Lục.

Xuân Tình Chấn: Vui tươi, lúc bình thường khi rộn rã, âm điệu vang, trong sáng, nồng nhiệt.

Tây Thi Vắn: Êm dịu, trong sáng, vui tươi, có tính tự sự, không gay gắt như Phú Lục. Bản này là bản dễ nhớ nhứt trong sáu bài Bắc. Bài này có 26 câu, 3 lớp (9, 13, 4).

Cổ Bản Vắn: Duyên Hậu Nghệ - Ca sĩ: Cao Thị Thắng

Xuân Tình: Tống Tửu Đơn Hùng Tín - Ca sĩ: Hề Sa (Trình Giảo Kim), An Danh ( La Thành), Thanh Phú ( Đơn Hùng Tín).

Tây Thi Trường: Lưu Bình Dương Lễ - lời: Mười Phú (26 câu). Ca sĩ: Thế Hùng


BẢY BÀI:

Xàng Xê: Hùng tráng uy nghi nhưng dịu dàng, êm ái.

Ngũ Đối Thượng: Có tính uy nghi, nghiêm trang của kẻ trên đối với người dưới.

Ngũ Đối Hạ: Còn gọi tắt là bài Hạ, uy nghi, nghiêm trang, man mác, thanh thản.

Long Ngâm: Rồng xuống, tượng trưng Âm khí. Bài này giống như bài Hạ, ít thấy dùng trên sân khấu cải lương.

Xàng Xê: Nhớ Quê Ngũ Tân, Thanh Bình - lời: Thanh Hiền (8 câu đầu). Ca sĩ: Đoàn Dự

Ngũ Đối Thượng: Lữ Bố Hí Điêu Thuyền - (16 câu lớp 1). Ca sĩ: Thanh Tuyết

Ngũ Đối Hạ: Hồn Thiêng Sông Núi - lời: Trần Ngọc Thạch. Ca sĩ: Bạch Huệ

Long Ngâm: Nam Quốc Sơn Hà - lời: Trần Ngọc Thạch. Ca sĩ: Bạch Huệ


Long Đăng: Rồng lên, tượng trưng Dương khí. Giống bài Hạ, nhưng tiết tấu khỏe, ít nghiêm trang.

Vạn Giá: Vạn vật sinh thành đều có giá trị.

Tiểu Khúc: Nhỏ ngắn đều có định luật.

Long Đăng: Hồn Thiêng Sông Núi - lời: Trần Ngọc Thạch. Ca sĩ: Bạch Huệ

Vạn Giá: Cải Lương Tiền Giang - lời: Trần Ngọc Thạch. Ca sĩ: Bạch Huệ

Tiểu Khúc: Hồn Thiêng Sông Núi - lời: Trần Ngọc Thạch. Ca sĩ: Bạch Huệ


BỐN OÁN:

Tứ Đại Oán: Điệu nhạc thất vọng, bi thiết, oán hờn giống bài Văn Thiên Tường, nhưng hơi hướng có phần cổ và chơn chất hơn. Hai lớp Xang vắn thường hay được dùng.

Phụng Cầu: Như Tứ Đại Oán, nhưng hơi dựng hơn.

Giang Nam Cửu Khúc: Trầm hơn Tứ Đại Oán, chậm rãi.

Phụng Hoàng: Như Phụng Cầu.

Tứ Đại Oán: Mong Chờ - lời: Trần Ngọc Thạch (lược bớt lớp Xang dài). Ca sĩ: Kim Thanh

Phụng Cầu: Từ Hải Thọ Tiễn - lời: Trần Ngọc Thạch (10 câu đầu lớp 1). Ca sĩ: Kim Thanh

Giang Nam Tam Khúc: Tình Hoài Hương - lời: Trần Ngọc Thạch. Ca sĩ: Bạch Huệ

Phụng Hoàng: Nhớ Cha - lời: Trần Ngọc Thạch. Ca sĩ: Kim Thanh



_______________________________

Bài viết tổng hợp từ những tài liệu:

    • Nhị Tấn, Nhạc Tài Tử Nam Bộ, TP HCM, Câu lạc bộ Đờn Ca Tài Tử quận 8, 1997.
    • Nguyễn Tuấn Khanh, Bước Đường Của Cải Lương, California-USA, Viện Việt-Học, 2014.
    • CD 20 Bài Tổ do nhạc sư Ba Tu độc tấu đờn kìm, Long An, Sở VHTT&DL Long An, 2007.
    • CD Đồng Điệu Tri Âm, Long An, Sở VHTT&DL Long An, 2013.
    • Cassettes Đờn Ca Tài Tử do soạn giả Trần Ngọc Thạch thu trong những buổi Đờn Ca Tải Tử.