Nhạc Tài Tử: Ba bài Nam

Lời giới thiệu trong CD “Ba bài Nam Tô Huệ Chức Cẩm Hồi Văn”.

Kính thưa quí vị!

Được hình thành vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, bộ môn Nhạc Tài Tử đã trở thành một món ăn tinh thần của người dân Nam bộ. Trải qua trên 100 năm lưu hành sâu rộng, phong cách đờn, ca cùng bản đờn, bài ca của bộ môn nầy đã có nhiều dị bản, đôi chỗ có khác nhau tùy theo mỗi vùng, mỗi miền.

Nhóm “Sưu khảo Đờn Ca Tài Tử” chúng tôi gồm có nhà nghiên cứu Đờn Ca Tài Tử Nam bộ Võ Trường Kỳ, nhà nghiên cứu Cải Lương Nam bộ Nguyễn Tuấn Khanh, và phó chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Đờn Ca Tài Tử tỉnh Long An Nguyễn Văn Chiểu đã sưu tầm được lời ca ba bài Nam “Tô Huệ Chức Cẩm Hồi Văn” gồm bài Nam Xuân và Nam Ai trong cuốn “Bản đờn Tranh và bài Ca” của Phụng Hoàng Sang in năm 1903, cùng bài Nam Đảo xưa do nghệ nhân ca tài tử Út Một ở Cần Đước còn lưu giữ, nhưng không phổ biến nên ít được biết đến. Với mục đích bảo tồn và phát huy bộ môn Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ, nhạc sư, NSƯT Ba Tu, nhạc sĩ Duy Kim cùng NNƯT Kim Thanh đã cùng chúng tôi thực hiện CD ba bài Nam “Tô Huệ Chức Cẩm Hồi Văn” này gồm 3 hơi điệu chính, Xuân, Ai, Đảo, tức Đảo ngũ cung và có chút hơi Oán khi qua Song Cước do chuyển hơi từ 2 lớp mái Nam Xuân, để chúng ta thấy được những nét độc đáo của bộ môn Đờn Ca Tài Tử do tiền nhân để lại.

Trong CD này quý vị sẽ được thưởng thức tiếng đờn kìm và cò theo phong cách đờn ca tài tử với ngón đờn chạy chữ, nhấn nhá, chẻ, đài, xốc nhịp, xốc cung điêu luyện của nhạc sư, NSƯT Ba Tu cùng với tiếng đờn tranh phụ họa của nhạc sĩ Duy Kim.

Ba bài Nam này sẽ do NNƯT Kim Thanh ca. Tuy bản đờn đã được mở lơi nhịp như sau này, nhưng lời ca vẫn được giữ y nguyên theo văn bản xưa mà chúng tôi sưu tầm được, rất ít lời, ít chữ để chúng ta thưởng thức được tài nghệ của ca sĩ với nghệ thuật sắp chữ, sắp nhịp, ngân nga luyến láy cho lời ca tròn vành rõ nghĩa theo đúng hơi điệu, tiếng đờn của bộ môn Đờn Ca Tài Tử.

CD “Ba bài Nam Tô Huệ Chức Cẩm Hồi Văn” này được thực hiện vào tháng 12 năm 2017 để tri ân các bậc Tiền Hiền Hậu Tổ đã khai sáng và lưu truyền một bộ môn âm nhạc đặc thù của miền Nam trong quá trình mở nước.

Xuân Mậu Tuất, ngày 20 tháng 2 năm 2018






Điển tích “Tô Huệ Chức Cẩm Hồi Văn” nói về tâm sự của nàng Tô Huệ thương nhớ chồng đang đi thú ngoài biên cương.

Tô Huệ tự Nhược Lan là người ở đất Thần Châu thuộc vào đời nhà Tấn (265-419), tài sắc vẹn toàn lại giỏi thơ văn, có chồng là Đậu Thao phải đi thú ở đất Lưu Sa nên ngày đêm thương nhớ, nàng làm một bài thơ dệt trên một bức gấm dâng lên vua để xin cho chồng về. Bài thơ được dệt theo hình 32 ô vuông chéo và chữ cuối cùng gặp lại chữ đầu của bài thơ nên gọi là “hồi văn”. Nhà vua và quần thần không ai đọc được nên vua cho triệu Tô Huệ vào cung để giải thích. Vua thấy bài thơ hay, lại thương cảm cho tấm lòng chinh phụ thương chồng cùng phục tài nữ công dệt gấm của Tô Huệ nên cho Đậu Thao về xum họp với vợ.


Bài “hồi văn” của Tô Huệ




Nam Xuân: “Tô Huệ Chức Cẩm Hồi Văn”[1]
  1. Ðây đó đành kết nguyền bạn loan
  2. Nguyện trăm năm gắn chặt, bền keo san[2]
  3. Duyên sắt cầm đôi ta đà cạn lời vàng
  4. Trọn nghì[3] Chức Nữ Ngưu Lang
  5. Noi Tư Mã xưa phụng khúc Cầu Hoàng[4]
  6. Phỉ nguyền quân tử tạo đoan[5]
  7. Như xuân huê cười ong bướm nhộn nhàng
  8. Ðôi lứa nầy xem tợ Thôi Trương,[6] sánh mới ngoan
  9. Xin nắm giữ câu tam tùng
  10. Thời thuyền quyên sánh với yêng hùng[7]
  11. An giấc hòe màn loan trướng trung
  12. Tương tư mấy lời như mấy đờn năm cung
  13. Duyên liễu yếu má phấn má núng
  14. Ðóa đào yêu nào khác màu huê dung
  15. Giai ngẫu tự thiên, để thành lương duyên do túc[8]
  16. Thiếp chàng ghi lời, chữ mấy niềm thủy chung
  17. Ta kể từ những ngày ban sơ
  18. Gió đưa duyên ấy ơn vì ông Tơ
  19. Nguyệt lão xe dây tơ hồng xui duyên nợ
  20. Một nhà liễu yếu đào thơ[9]
  21. Xuân chim nói mai rực chờ
  22. Ba sinh có hạnh thờ
  23. Thời mới đặng cá nhạn chung một lờ
  24. Chim xanh khéo đem thơ đem tờ
  25. Đôi ta thành cũng vì thiên công
  26. Tạo hóa xe cám ơn tày non sông
  27. Tha thiết tình coi như người tiên non Bồng
  28. Khác nào ong bướm xa bông[10]
  29. Ai canh cải có non cao biển rộng
  30. Một lời đứng giữa hư không
  31. Có nơi mô nào đưa khách má hồng
  32. Trượng phu tùng biết điệu, tam cang chẳng đoái trông

  33. Lớp mái 1
  34. Từ ngày bạn giao giấc thầm
  35. Khăn khăn thìn[11] niềm cang thường nhứt tâm
  36. Gió đã đưa duyên hài ta mừng thầm
  37. Như loan như phụng tình thâm
  38. Tơ tóc ấy nghĩa kia thâm trầm
  39. Còn chưa bỏ cái bạn tri âm
  40. Trăm dâu thề xưa tích để ta chưa lầm
  41. Duyên kim cải phải nhau ôm cầm

  42. Lớp mái 2
  43. Đêm xuân quằn quại đóa liễu mai
  44. Áo não nùng đều mơ màng cả hai
  45. Bóng thỏ gieo tin gà[12] đêm càng dài
  46. Đôi ta nghĩa nào phai
  47. Anh có nghĩa lại thêm có tài
  48. Coi đã đáng cái phận làm trai
  49. Xin em nguyền noi gương Khương thị[13] sánh duyên hài
  50. Gương kia tỏ trâm kia em cài./.


Nam Ai: “Tô Huệ Chức Cẩm Hồi Văn”[1]
  1. Khi vưng chiếu chỉ ra đề cờ
  2. Từ chàng đi biệt tin đợi chờ
  3. Như hồng nhạn[14] kêu thu sông Hớn[15] bơ vơ
  4. Não nùng tiếng ngẩn ngơ.
  5. Trách bấy ông Tơ bơ vơ mối sầu, vấn vương để như tóc như tơ.
  6. Nghĩ mấy lời từ kỳ hồi ban sơ.
  7. Nhớ những khi thiếp nguyền, trăm năm tam tùng thờ.
  8. Chàng mần răng ý lảng lơ[16].
  9. Thăm thẳm mắt ngóng luống nhớ
  10. Cách núi ải biết sao mà trao thơ
  11. Má phấn duyên phai lạt hồng nhan công đợi chờ
  12. Trướng lý[17] để cái bụi hồng nhơ.
  13. Kìa cờ ai tiếng trống vẳng bóng xa xa
  14. Hay là chỉ triệu chồng ta.
  15. Chốn giang biên người có hay cho chăng là
  16. Để lụy tương tư phận Hằng Nga[18].
  17. Đêm đông quạnh tiếng quyên hòa
  18. Nguyền lòng son chờ cho trăng già
  19. Luông tuồng[19] bao nỡ vắng bặt nhạn tin qua.
  20. Hay bướm ấy đã say đắm mê hoa,
  21. Ô thước[20] qua sông Ngân Thường[21],
  22. Nỡ nào để loan phụng Sâm Thương[22].
  23. Chẳng biết no nao[23] cá nước hội một trường,
  24. Kẻo nặng nề hai chữ uyên ương
  25. Ong bướm dẫu mê say huê hường,
  26. Cũng đoái tưởng cái nghĩa tào khương.
  27. Con chim bao nài bay qua cho tỏ tường.
  28. Kẻo trông đợi tháng ngày thương.
  29. Trông tin chàng đêm nằm mơ màng,
  30. Bỗng giấc hòe trằn trọc thở than.
  31. Năm canh sầu riêng lo cho bạn vàng,
  32. Phận làm tôi hiếu trung can.
  33. Bệ ngọc trên báu kiếm sắc phán.
  34. Chốn giang biên ra khử trừ đảng gian.
  35. Nước non xa muôn dặm, da ngựa bọc mình chàng.
  36. Tuyết sương lạnh chốn Đồng Quan[24]
  37. Chàng chừng mô day cán đầu khử ngụy man[25].
  38. Cho rồi trở lại Tràng An.
  39. Kẻo tương tư nầy mày xanh sầu võ vàng.
  40. Soi đài gương thẹn hồng nhan.
  41. Châu lã chã lụy đôi hàng,
  42. Hiềm vì ai xui duyên lỡ làng.
  43. Muôn trùng xa cách, như khách ở ngoại quan[26].
  44. Bao nỡ bỏ cái nghĩa Ngưu lang,
  45. Thuở đi ra lau lá vàng[27].
  46. Bây chừ đã trắng mai rỡ ràng[28].
  47. Cung quế xơ rơ bóng nguyệt nọ đã tàn.
  48. Ơn chưa trả oán nọ lại mang.
  49. Nghe tiếng dế năm canh mơ màng,
  50. Ngỡ lạc ngựa chàng đã hồi ban.
  51. Duyên cớ nào bạc đen lòng phụ phàng.
  52. Để gió thảm mưa sầu khan.

  53. Lớp mái 1
  54. Biết no nao yên trở gót về
  55. Đặng ngai vàng bạc thẻ[29] biểu bia[30].
  56. Răng rứa bạn niềm tây, nhớ nghĩa nhớ nhớ nghĩa.
  57. Kẻo hổ thẹn cái phận bèo kia.
  58. Mây khói tỏa coi in cờ rìa[31],
  59. Trống trường thành rung trở canh khuya.
  60. Bâng khuâng nhớ chàng như nhạn chích[32] lìa.
  61. Lạy Trời: chớ phân chia.

  62. Lớp mái 2
  63. Từ ngày chàng ra chốn cung đao,
  64. Trông thơ nhàn tợ cá trông sao.
  65. Ôm gối phụng màn loan áo não, áo não
  66. Sao quên lời núi sông giao.
  67. Ai lấp thảm cho khuây má đào
  68. Tương tư này răng thấu cung cao.
  69. Ơn trên tha về mới rõ âm hao[33].
  70. Một nhà phỉ ước ao./.


Đảo Ngũ Cung: “Tô Huệ Chức Cẩm Hồi Văn”[34]
  1. Trông tin chàng vẫn đau lòng
  2. Nầy chàng ôi, chàng ôi có hay
  3. Thiếp hằng ngóng trông tin chàng
  4. Đêm nằm dựa loan phòng trông tàn canh.
  5. Thiếp mảng nhớ thương thân của chàng
  6. Ra vào mặt ủ mày ê
  7. Hương lửa hương bao giờ lỗi nguyền
  8. Mảng nhớ chàng, thân nầy đây
  9. Chàng nơi ải lang[35] thương chàng
  10. Chịu võ vàng sương dầm gối tuyết
  11. Thiếp nào có rõ ấm lạnh thế nao
  12. Chẳng biết sao chàng bặt tin
  13. Thiếp nghe trống chiêng, tưởng chàng hồi loan
  14. Nhưng mà vẫn điềm nhiên
  15. Vì sao quá lâu chàng chẳng hồi trào
  16. Hay là chàng có nơi nào đây
  17. Bướm ong vẫn mê say huê hường
  18. Chẳng nghĩ gì vợ hiền tệ xá
  19. Nỗi lòng trông ngóng vì ngóng tin ai
  20. Nỗi đớn đau cũng tại vì đâu
  21. Chàng nơi ải lang, có hay tin chăng
  22. Thiếp vì ai ngậm đắng trêu cay
  23. Từ khi chàng đi tính mấy thu rồi
  24. Cớ sao mà vắng bặt tin thơ
  25. Trống điểm sang canh, chong ngọn đèn lờ
  26. Than trầm bóng người xơ rơ
  27. Tiếng chuông gành kêu phút đã canh tàn
  28. Nghe tiếng gà vội gáy tan
  29. Phòng loan thiếp than thầm cho thân
  30. Đôi hàng canh tàn vội tuôn
  31. Hương lửa hương bao giờ phỉ nguyền
  32. Mảng nhớ chàng thân nầy đây
  33. Kìa nơi ải quan thương thân chàng
  34. Chịu võ vàng sương dầm gối tuyết
  35. Thiếp nào có rõ ấm lạnh thế nao
  36. Chẳng biết sao chàng không nhớ
  37. Nỡ đành để cho thiếp
  38. Ngày trông đêm nhớ tệ chi lắm bấy
  39. Keo sơn tóc tơ vẫn còn sờ sờ
  40. Bao nỡ đành, dạ lơ lãng
  41. Phòng loan thiếp than với ngọn đèn lờ
  42. Năm canh chầy trống lầu vội đổ
  43. Mảng sầu vì đó, mà trống điểm tàn canh
  44. Cớ sao mà chàng chẳng đoái trông
  45. Thiếp nghe trống chiêng, tưởng chàng hồi ban
  46. Nhưng mà vẫn cũng điềm nhiên
  47. Vì sao quá lâu chàng chẳng hồi trào
  48. Hay là chàng có nơi nào đây
  49. Bướm ong mê say huê hường
  50. Chẳng nghĩ gì vợ hiền tệ xá
  51. Có nơi nao đưa khách má hồng
  52. Trượng phu tùng, tam cang chẳng đoái trông

  53. Song cước 1
  54. Từ ngày bạn giao giấc thầm
  55. Khăng khăng thìn niềm cang thường nhứt tâm
  56. Gió đã đưa duyên hài ta mừng thầm
  57. Như loan như phụng tình thâm
  58. Tơ tóc ấy nghĩa kia thâm trầm
  59. Còn chưa bỏ cái bạn tri âm
  60. Trăm dâu thề xưa tích để ta chưa lầm
  61. Duyên kim cải phải nhau ôm cầm

  62. Song cước 2
  63. Đêm xuân quằn quại đóa liễu mai
  64. Áo não nùng đều mơ màng cả hai
  65. Bóng thỏ gieo tin gà đêm càng dài
  66. Đôi ta nghĩa nào phai
  67. Anh có nghĩa lại thêm có tài
  68. Coi đã đáng cái phận làm trai
  69. Xin em nguyền noi theo Khương thị sánh duyên hài
  70. Gương kia tỏ, trâm kia em cài./.
______________________

[1] Phụng Hoàng Sang, Bản Đờn Tranh và Bài Ca, F.H. Schneider, Sàigòn, 1905, trang 59, (tài liệu do Nguyễn Tuấn Khanh sưu tầm và chú thích).

[2] keo sơn, dùng chữ “san” để theo vần của bài ca. Tương truyền bài Nam Xuân & Nam Ai này do các nhạc công miền Trung vào Nam sau vụ binh biến kinh thành Huế sáng tác nên có nhiều chữ phát âm theo tiếng miền Trung. Bài này do Phụng Hoàng San và Nguyễn Tư Bá ghi lại. Nguyễn Tùng Bá, còn gọi là Tư Bá là con của Nguyễn Liêng Phong là thầy đờn đất Quảng vào miền Nam sinh sống và đã soạn một số sách bài ca vào thập niên 1910.

[3] Nghì = Nghĩa.

[4] Tư Mã Tương Như đời Hán văn hay đàn giỏi, làm bài “Phụng Cầu Hoàng” (chim phượng trống tìm chim phượng mái) ghẹo Trác Văn Quân, Trác Văn Quân say mê bỏ nhà theo Tư Mã Tương Như. Trong câu số 5 này, nhiều ca sĩ hiểu lầm mà đổi thành “Noi Tư Mã xưa khúc Phượng Cầu Hoàng”. Thật ra phải là “Noi Tư Mã xưa phụng khúc Cầu Hoàng” nghĩa là noi theo gương Tư Mã, “phụng” (dâng, hiến) khúc Cầu Hoàng mới đúng.

[5] đoan = đầu mối, điều kiện.

[6] Thôi Trương = Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thụy. Theo truyện “Hội Chân ký” đời Đường, Trương Quân Thụy gặp Thôi Oanh Oanh ở chùa Phổ Cứu đang lúc nàng thọ tang cho cha. Vậy mà tình yêu cũng nẩy lộc, đêm đêm hai người hẹn nhau ra mái phía Tây của chùa mà tình tự.

Tình yêu đã thắm đậm, nhưng sau đó hôn nhân không thành, chàng lấy vợ và nàng cũng đi lấy chồng.

[7] yêng hùng = anh hùng.

[8] Sau này nhiều người ca “lương duyên túc đế” [良緣夙締] có nghĩa là “duyên lành đã được định sẳn từ kiếp trước”, nhưng câu này phải ca là “lương duyên do túc” có nghĩa là “lương duyên bởi kiếp trước” và hai chữ cuối phải là “do túc” để trúng với chữ đờn là “xê tích”.

[9] Sau này ca sĩ đổi là “đào tơ”, nhưng chính ra là “đào thơ” để tránh điệp ngữ với 2 câu trên là “ông Tơ” và “dây tơ hồng”.

[10] Sau này ca “ong bướm xe bông”, chính ra phải là “ong bướm xa bông” như bài ca in năm 1905, có nghĩa là ong bướm thường mê hoa, nhưng bây giờ ong với bướm thiết tha với nhau nên xa bông.

[11] Khăn thìn = bền lòng.

[12] Sau này ca “Bóng thỏ gieo canh gà đêm còn dài”, nhưng bản xưa ca “Bóng thỏ gieo, tin gà đêm càng dài” có nghĩa là mặt trăng vừa lên, chờ tin gà gọi sáng nên đêm càng thấy dài ra.

[13] Đời Tần, Tần Thủy Hoàng xua dân làm Vạn Lý Trường Thành, người chết không biết bao nhiêu mà kể. Bấy giờ có một cặp vợ chồng trẻ mới cưới. Chồng bị bắt đi dân công. Vợ là Khương thị ở nhà chờ đã 5 năm. Nàng bỏ nhà lên ải Bắc tìm chồng. Nàng đi suốt một giải thành tuyết phủ vạn dặm, đi từ trại này sang trại khác, không thấy chồng đâu. Khi đến một hòn núi cao, bão tuyết mịt mù. Nàng bưng mặt khóc như mưa bão, thì núi tuyết rung động mãnh liệt rồi lở xuống. Trong khe núi đầy tuyết không biết bao nhiêu xác chết mà kể. Nàng lật từng xác chết. Xác nào cũng đóng băng cứng như đá. Quá uất hận nàng hát bài Hùng Trĩ, giọng điệu thê lương. Tiếng hát dứt thì một xác chết ứa máu ra ở miệng. Nàng đến coi, thì ra là xác chồng. Nàng ôm chồng khóc thê thảm. Uất khí bốc lên, tuyết lại lở xuống. Chôn nàng với chồng trong lòng núi.

[14] Hồng nhạn [鴻雁], còn gọi là chim “hồng” hoặc thiên nga, lớn hơn chim nhạn, là một loài chim hiếm sống ở Mông Cổ, nơi biên giới cực Bắc của Trung Quốc và Đông Nam Nga, cuối Thu loài chim này di cư xuống miền trung và đông của Trung Quốn để trốn lạnh. Câu “Hồng nhạn kêu thu”: ý nói là chim hồng nhạn phải xa rời tổ ấm vào mùa thu nên tiếng kêu thê lương.

[15] Sông Hớn = Hán giang, điển tích Bá Nha và Tử Kỳ: Tử Kỳ là một danh sĩ ẩn dật tại Tập Hiền thôn gần núi Mã Yên ở cửa sông Hán, làm nghề đốn củi để báo hiếu cha mẹ. Một hôm Bá Nha là quan Thượng Đại Phu nước Tấn phụng chỉ vua sang nước Sở, trên đường về tới cửa sông Hán, nhằm đêm Trung Thu ông cho quân neo thuyền nghỉ và đem rượu ra uống, cao hứng ông đem đàn ra gảy, nhưng đàn chưa hết bản thì bị đứt dây. Bá Nha nghi ngờ có thích khách hoặc có người nghe lén nên cho quân lên bờ tìm thì gặp Tử Kỳ. Bá Nha cho gọi Tử Kỳ xuống hỏi chuyện thì lấy làm lạ là người tiều phu ở nơi hoang vắng này lại đối đáp trôi chảy và am hiểu âm nhạc. Bá Nha thử tài, đàn khúc Cao Sơn Lưu Thủy thì Tử Kỳ khen là nghe tiếng đàn khi cao vời vợi tựa Thái Sơn, lúc thì cuồn cuộn như nước chảy. Vui mừng vì gặp được bạn tri âm, Bá Nha kết nghĩa anh em với Tử Kỳ và nói là hiện giờ phải về kinh phụng mạng nên hẹn đến Trung Thu năm sau sẽ gặp nhau ở gành đá dưới chân núi Mã Yên.

Bá Nha và Tử Kỳ chia tay không được bao lâu thì Tử Kỳ lâm bệnh mất, nhưng vì không muốn lỡ hẹn với người tri kỷ nên trước khi qua đời ông xin được mai táng ở chân núi Mã Yên nơi đã hẹn với Bá Nha.

Trung Thu năm sau Bá Nha y hẹn đến thì hay được tin dữ, ông đau lòng đến viếng mộ Tử Kỳ và gảy khúc “Thiên thu trường hận”, tấu xong khúc nhạc, ông vái cây đàn rồi nâng lên cao và đập mạnh vào phiến đá trước mộ Tử Kỳ, đàn vỡ nát tan, Bá Nha ngâm:

Dao cầm đập nát đau lòng phượng,
Ðàn vắng Tử Kỳ, đàn với ai?
Gió Xuân khắp mặt bao bè bạn,
Muốn kiếm tri âm, ôi khó thay!

Đời sau khi nói đến câu “tri âm tri kỷ” là chỉ về tích này. Câu “Sông Hớn bơ vơ” ở đây ý nói là không còn tri âm tri kỷ nữa giống như Bá Nha thiếu Tử Kỳ vậy.

[16] Lảng lơ = Lãng xao, vô ý, không nghĩ đến sự gì.

[17] Trướng lý = màn màu hoa mận (màu hồng), tức là màn phòng ngủ của phụ nữ.

[18] Hằng Nga và Hậu Nghệ là hai vị thần bất tử ở trên Thượng Giới bị đày xuống trần làm vợ chồng. Khi xuống trần thì cả hai bị mất khả năng bất tử nên Hằng Nga rất đau khổ. Thương vợ nên Hậu Nghệ đi tìm thuốc trường sanh bất tử và được Tây Vương Mẫu cho 1 viên, dặn là mỗi người chỉ uống nửa viên sẽ được bất tử. Hậu Nghệ đem thuốc về để trong hộp và có việc phải ra ngoài, dặn vợ không được mở ra. Khi Hậu Nghệ đi rồi, Hằng Nga tò mò mở hộp thuốc ra coi, bất chợt Hậu Nghệ trở về, Hằng Nga sợ chồng giận nên vội nuốt cả viên thuốc, vì thuốc quá mạnh nên Hằng Nga bay lên trời và đáp xuống mặt trăng. Từ đó Hằng Nga ở trên mặt trăng một mình.

[19] Luông tuồng = Buông lung, không ai kềm thúc.

[20] Ô thước = chim quạ.

[21] Ngân Thường = Ngân Hà. Tích Ngưu Lang Chức Nữ trên Thiên Đình, hai người yêu nhau trễ nãi công việc nên bị Ngọc Hoàng đày kẻ ở bên này, người bên kia bờ sông Ngân, mỗi năm chỉ cho gặp nhau một lần vào ngày 7 tháng 7 âm lịch (thất tịch), vào ngày đó, chim quạ tụ nhau về sáp đầu lại làm cầu cho Ngưu Lang Chức Nữ đi qua gặp nhau.

[22] Sâm Thương là sao Sâm (sao Mai mọc hướng Tây lúc ban sớm) và sao Thương (sao Hôm mọc hướng Đông lúc đầu hôm), hai sao này không bao giờ gặp nhau.

[23] no nao = chừng nào.

[24] Đồng Quan [潼關] là nơi xảy ra trận đánh quy mô đầy kịch tính với những cuộc đấu trí, đấu sức giữa quân Đông Hán do Tào Tháo thống lĩnh với quân Tây Lương do Mã Siêu và Hàn Toại cầm đầu vào năm 211 thời kỳ Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.

[25] Day cán đầu = Xoay cán trở đầu vũ khí để trừ khử giặc.

[26] Ngoại quan = ngoài biên ải.

[27] Chia tay vào mùa Thu lúc lá cây lau chuyển sang màu vàng.

[28] Bây giờ đã là mùa Xuân, hoa mai nở trắng.

[29] Bạc thẻ = vua thưởng cho những thẻ bạc.

[30] Biểu bia [表碑] = vua cho dựng bia để nêu gương cho mọi người (biểu = khiến cho mọi người nhớ mãi không quên).

[31] Cờ rìa = cờ có tua, cờ đuôi nheo.

[32] Chích = chiếc, một mình. Nhạn chích lìa = nhạn lạc bầy.

[33] Chữ viết là âm háo [音耗] có nghĩa là tăm hơi nhưng ta quen đọc là “âm hao”.

[34] Tài liệu do nhà nghiên cứu Võ Trường Kỳ sưu tầm, không rõ nguồn gốc, chỉ do nghệ nhân Út Một chép lại tặng, nhưng có lẽ đây không phải là bài ca nguyên thủy vì những câu ca không được sắp theo vần như 2 bài trên.

• Có tài liệu cho là Phạm Đăng Đàn là tác giả.
• Có tư liệu khác cho là của Nguyễn Quang Đại do chữ dùng trong bài có một số từ có xuất xứ của Huế.

[35] Ải lang [隘狼]: Tức là phân chó sói ở nơi biên ải. Nghĩa bóng: Chỉ nơi biên ải có giặc giã xảy ra. Ngày xưa, mỗi khi có giặc, ở nơi biên ải người ta thường đốt phân chó sói và củi để báo tin cho triều đình biết có giặc đến. Sở dĩ đốt phân chó sói là để khói bốc thẳng lên trời, không bị gió bạt. (Tự Điển Taberd in năm 1838 chú thích bằng chữ La Tinh là castra militum = trại của những người lính).

• Nghe nhạc Tài Tử: CD 3 bài Nam “Tô Huệ Chức Cẩm Hồi Văn”