Nhạc tài tử phổ truyện thơ Kiều

Đôi lời gửi gắm khách tri âm mộ điệu
(Thay lời bạt)

Khi nhìn qua tựa sách Tự sự Truyện Kiều qua 20 bản tổ & bài bản nhạc tài tử miền Nam chắc không ít độc giả lầm tưởng đây là một cuốn bài ca của bộ môn nhạc tài tử miền Nam viết về Truyện Kiều, nhưng thật ra khi đọc xong cuốn sách này chúng ta mới thấy đây là sự kết hợp tài tình giữa hai bộ môn Văn học và Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, điều lý thú là soạn giả đã lấy đề tài của một tác phẩm cổ văn miền Bắc, có khi dùng cả nguyên vẹn những câu thơ lục bát của tác phẩm đó đưa vào trong những bài ca của một bộ môn cổ nhạc miền Nam để cho chúng ta thấy rằng nghệ thuật không có biên giới vùng miền và điều này cũng cho chúng ta thấy rõ tánh tình cởi mở, dễ dãi của người miền Nam, một nét văn hóa đặc thù đáng yêu.

Người Việt Nam chúng ta không xa lạ gì với Truyện Kiều, nó vốn bắt nguồn từ một tác phẩm tiểu thuyết của Trung Quốc, nhưng qua ngòi bút tài tình của đại thi hào Nguyễn Du thì nó đã được Việt hóa, tạo nên những nhân vật trong truyện như Tú Bà để chỉ những người làm chủ nhà chứa hoặc Sở Khanh là những kẻ lừa tình, và những tên gọi ấy nay đã trở nên quen thuộc trong những câu nói hằng ngày của chúng ta như một vốn từ vựng tiếng Việt. Tuy vậy, có lẽ ít người biết về xuất xứ của Truyện Kiều, hoặc có biết thì cũng chỉ biết là Truyện Kiều của Nguyễn Du đã phóng tác từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, nhưng qua phần Dẫn luận của cuốn Tự sự Truyện Kiều qua 20 bản tổ & bài bản nhạc tài tử miền Nam này, chúng ta còn biết rõ hơn về xuất xứ của Truyện Kiều mà người biên soạn đã bỏ công nghiên cứu từ những thư tịch của Việt Nam và Trung Quốc một cách nghiêm túc như là một bài luận văn về một tác phẩm văn chương chứ không phải chỉ là lời giới thiệu sơ xài cho một cuốn bài ca, qua đó, chúng ta thấy rõ được tâm tư của người biên soạn muốn giới thiệu một tác phẩm văn học nổi tiếng cho nhạc giới hầu nâng cao giá trị nghệ thuật của bộ môn nhạc tài tử, một bộ môn không còn được nhiều người quan tâm để phải cần tới sự bảo vệ của tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2013.

Bộ môn nhạc tài tử hình thành từ cuối thế kỷ 19 và cuốn Bản đờn tranh và bài ca của Phụng Hoàng Sang xuất bản năm 1903 tại Sàigòn là cuốn sách xưa nhứt được biết đến hiện nay và sau đó cũng có những cuốn bài ca được xuất bản nhưng trong các cuốn đó chỉ có những bài ca thông dụng đương thời, mãi cho tới năm 1926 mới có cuốn Cầm ca tân điệu ra đời gồm đầy đủ 20 bài bản Tổ và các bài bản tài tử khác do ông Trần Phong Sắc đặt lời, đánh dấu cho một sự hệ thống hóa của bộ môn nhạc tài tử miền Nam. Sau này có thêm những cuốn như Cổ nhạc tầm nguyên của Võ Tấn Hưng in năm 1957, Ca nhạc cổ điển điệu Bạc Liêu của Trịnh Thiên Tư in năm 1962, Nhạc tài tử Nam bộ của Nhị Tấn (Nguyễn Tấn Nhì) in năm 1997 v.v… về hình thức cũng giống như cuốn Cầm ca tân điệu in năm 1926, gồm các bài ca sưu tầm từ các bài bản xưa hoặc những bài được viết với lời mới nội dung đa dạng lấy từ những tích truyện xưa, lịch sử, tả tình, tả cảnh để thích hợp với thể điệu của bản đờn.

Riêng cuốn Tự sự Truyện Kiều qua 20 bản tổ & bài bản nhạc tài tử miền Nam này, soạn giả đã đặt lời ca theo thứ tự lớp lang của 3254 câu trong Truyện Kiều và đã khiêm tốn gọi là “tự sự”, nhưng thật ra đây là cuốn bài ca nhạc tài tử miền Nam phổ truyện thơ Kiều. Tân nhạc phổ truyện thơ Kiều thì đã có các nhạc sĩ Phạm Duy, Quách Vĩnh Thiện, Trần Quảng Nam sáng tác rồi nhưng về cổ nhạc, soạn giả Hoàng Thân là người đầu tiên lấy toàn bộ Truyện Kiều để soạn lời cho bộ môn nhạc tài tử nói riêng và cho nền cổ nhạc Việt Nam nói chung.

Lời những bài ca trong cuốn sánh này soạn giả đã cố gắng hết sức để dùng nguyên vẹn lời thơ của Nguyễn Du khi có thể như trong 4 câu nói lối Xuân mở đầu hoặc sắp lại câu cũng giống như lẩy Kiều cho trúng với chữ đờn như trong bài Nam Xuân mở đầu:

Lạ gì bỉ sắc tư phong
Khách má hồng trời già thường ghét ghen
Lần giở cảo thơm
Phong tình lục còn truyền sử xanh

Sắp xếp lời ca cho 20 bản Tổ và các bài bản nhạc tài tử gồm các hơi điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán và các bài bản nhỏ (vắn) để cho thích hợp với tình huống của trên 3 ngàn câu thơ của Truyện Kiều không phải là dễ, nhưng Hoàng Thân đã làm được một cách tài tình như trong lớp Kim Trọng tưởng Thúy Kiều theo thể điệu Đảo ngũ cung, đoạn này tả lại cảnh Kim Trọng nhớ nhung Thúy Kiều nên tìm mướn nhà trọ phía sau nhà Kiều, mang hơi hướng tôn nghiêm, gay gắt nhưng khi chuyển qua hơi muồi mẫn của Song cước thì là lúc Kim Trọng trả lại trâm và chia tay Thúy Kiều, hoặc như trong điệu oán biến thểVăn Thiên Tường trong lớp Thúy Kiều bán mình chuộc tội cho cha có âm hưởng bi thiết, oán hờn v.v…

Trước đây, trong thời cực thịnh của bộ môn hát bội thì cũng đã có những vở tuồng hát bội lấy từ nguyên bộ truyện Tàu rồi chia ra làm nhiều hồi để diễn như tuồng Tam Quốc Chí, Tây Du Ký…, hoặc sau này có thể loại nói thơ Vân Tiên, thơ Sáu Trọng, Thằng Lãnh bán heo… để giải trí khi lễ hội hoặc thừa nhàn và có thể diễn từng thứ lớp riêng biệt, thì nay ta có thêm bộ Tự sự Truyện Kiều qua 20 bản tổ & bài bản nhạc tài tử miền Nam đóng góp cho bộ môn nhạc tài tử phong phú hơn và hy vọng soạn giả sẽ khai thác thêm những tác phẩm khác như Lục Vân Tiên, Thạch Sanh Lý Thông, Chàng Lía… hầu mong phục hồi lại bộ môn cổ nhạc miền Nam tức nhạc tài tử miền Nam đang dần bị quên lãng.