Đốt nén hương tưởng niệm người tù bất khuất ở Hà Tây: Cố giáo sư Bùi Tường Huân

Sáng nay, ngày Memorial Day, tôi tạt ngang tòa soạn Thời Luận. Trên bàn làm việc, thấy tờ giấy của thân chủ gởi tới đăng lời cảm tạ nhân lễ cầu siêu giáo sư Bùi Tường Huân, làm tôi giật mình chú ý. Giáo sư Huân chết rồi? Ông chết đầu tháng 5 vừa qua tại Sài gòn. Tim tôi bỗng như thiếu một nhịp đập khiến mắt tôi hoa lên rất nhanh. Và cũng rất nhanh, những hình ảnh cũ của trại tù cải tạo, của người tù Bùi Tường Huân, của bạn hữu bỗng hiện về quanh quẩn, như mới hôm qua, từng nét, từng màu, từng âm hưởng. . .

. . . . Vào tháng 3 năm 1978, bọn tù chúng tôi được chuyển từ Yên Bái về Hà Tây. Tôi bị tống vào khu biệt giam F. Phòng F7 trước đó đã có 4 người là Đại Úy Huỳnh Kim Bình (Nha Tuyên Úy Phật Giáo), Đại Tá Nguyễn Văn Huấn (Chỉ Huy Phó Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung), Đại tá Nguyễn văn Thi (Tham mưu trưởng Bộ Chỉ Huy Pháo Binh). Hai ngày sau, cánh cửa phòng giam lại mở. Công an áp giải tới nhét thêm vào phòng chúng tôi một người tù mới. Đó là Giáo sư Bùi Tường Huân.

Đại Tá Nguyễn văn Huấn và Giáo sư Bùi Tường Huân đã quen nhau từ trước. Hai người tìm đến nhau hàn huyên tâm sự. Ngồi nghe kể, tôi được biết giáo sư Huân đã từ trại tù Thanh Hoá chuyển ra đây. Sau đó, Đại tá Huấn giới thiệu chúng tôi với giáo sư Huân. Giáo sư lúc này gầy ốm quá. Tôi không quen biết ông trước năm 1975, chỉ nghe tiếng thôi, nên không hình dung ra con người này lúc còn quyền thế ra sao. Bây giờ thì nước da ông tái mét. Bộ đồ trên người rách nát như cẩu thả mang mớ giẻ lau để phủ lên một bộ xương biết đi. Nghe ông nói thì một phần ông bị thiếu dinh dưỡng quá lâu, phần khác ông bị mắc bệnh trĩ đã đến thời kỳ quá nặng mà không thuốc chữa. Tuy vậy, tôi thấy đôi mắt ông vẫn tinh anh, trong sáng, vẫn ném những cái nhìn cuốn hút mọi người. Và đôi môi ông tuy khô héo, nhưng vẫn chỉ nở lên những nụ cười đôn hậu. Tôi bắt đầu quí trọng ông qua cái vẻ bề ngoài dung dị ấy.

Gian phòng F7 bốn bề là tường và song sắt trông như một cái cũi. Nó cũng giống như nấm huyệt chôn sống năm người chúng tôi. Trên một diện tích sàn nhà rộng khoảng 10 mét vuông, năm anh em chúng tôi ngày đêm nằm ngồi bên nhau. Do vậy, cách duy nhất để quên cái đằng đẵng của thời gian là nói với nhau những lời tâm sự, chia sẻ nhau những niềm vui đã qua và an ủi nhau những đau thương đang chờ trước mắt. Từ chuyện thế sự thăng trầm cho tới tình cảm riêng tư, đối với năm người chúng tôi không còn là của riêng, mà đã thành của chung. Dần dần chính trong cảnh khốn cùng ấy, tôi nhận ra sự trong sáng của tư cách và sự uy dũng của khí phách giáo sư Bùi Tường Huân khiến tôi không gọi ông bằng tiếng “Anh” thông dụng. Tôi đã cúi đầu trước giáo sư Huân, rồi gọi ông bằng “Thầy”, dẫu rằng trong đời tôi chưa một lần được thụ giáo ông trong lớp học, dù chỉ là một buổi giảng. . .

Một lần đại tá Huấn hỏi về gia đình giáo sư Huân. Ông trả lời vào những ngày cuối của đất nước, ông đã đưa vợ con lên sân bay Tân Sơn Nhất để đi lánh nạn. Một mình ông ở lại.

Một người chọc ghẹo:

- Ở lại để làm Phó Thủ Tướng?

Giáo sư Huân cười nhẹ:

- Vào cuối tháng Tư, một người dân Sài gòn cũng biết rằng khó mà lật ngược nổi thế cờ. Tôi ở lại, tôi tham gia chính phủ, chỉ với một tâm niệm thôi thì hãy mang hết sức mình để phục vụ cho đất nước. Lúc này là lúc đất nước cần tới mình. . .

Anh em đều ôn lại những ngày tháng sôi động năm 1975. Những người quyền thế đã không ngần ngại đào thoát ra nước ngoài với bạc tiền và vợ con đầy đủ. Nhiều đơn vị bỗng không có người điều khiển. Nhiều cơ quan bỗng không còn cấp chỉ huy. Những người lính vẫn canh gác nghiêm chỉnh để thượng cấp lên máy bay đào tẩu. Đại tá Huấn đã huy động những tân binh quân dịch chưa quen với chiến trường để chặn bước tiến của đoàn tăng Việt cộng nghênh ngang xâm nhập Sài gòn. Các cấp lãnh đạo của Sài gòn trong lúc đó đang tìm cách di tản. Cuối cùng thì vị Đại tá già này buông súng theo lệnh từ Dinh Độc Lập. Ông trở thành người tù F7. Giáo sư Huân nói:

- Mục đích của tôi là muốn đem kiến thức của mình truyền đạt cho giới trẻ cũng như đóng góp cho quê hương khi có dịp. Tôi không muốn bỏ chạy ra nước ngoài vì như thế đời tôi sẽ vô nghĩa. . .

Vào những ngày cuối của Việt Nam Cộng Hòa, giáo sư Bùi Tường Huân, với sự tiến cử của Khối Phật Giáo Ấn Quang, tham gia nội các với chức Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng. Ông kể lại, khi Việt cộng chiếm Dinh Độc Lập, làm thủ tục khai báo xong ông được cho về. Tới nhà thì hỡi ôi, cô gái làm công trong nhà ông đã từ mấy năm nay, bây giờ đã xuất hiện trong bộ đồ bộ đội cộng sản. Cô người ở xác nhận là cán bộ cách mạng, đã thi hành công tác nằm vùng trong nhà ông để lấy tin tức. Thế rồi cô ta khuyên giáo sư Huân nên đi trình diện sớm để được hưởng sự khoan hồng của nhà nước. Cầm khẩu AK trên tay, cô tớ đã dẫn giải ông chủ tới cơ quan an ninh địa phương đăng ký.

Giáo sư Bùi Tường Huân cũng tỏ ý tiếc rằng trước năm 1975, đã nhiều lần cơ quan an ninh của chính phủ, đã thông báo cho ông biết, cô người làm đó là cán bộ cộng sản. Họ không dám tự tiện bắt vì sợ hiểu lầm là thù nghịch với Phật Giáo Ấn Quang. Mà lúc ấy, giáo sư Huân cũng có cảm tưởng như bị công an mật vụ soi mói quá nên không quan tâm tới sự cảnh báo đó. Mãi đến sau khi mất nước, mọi sự sáng tỏ thì đều đã muộn.

Vào năm 1978, hầu hết các tù nhân chúng tôi bị đưa ra Bắc đều lâm tình trạng đói khát cùng cực. Tôi thì đã mấy năm không liên lạc được với gia đình nên không có quà cáp thăm nuôi bồi dưỡng. Còn giáo sư Bùi Tường Huân thì từ trại tù Quảng Ninh chuyển vào Thanh Hoá, rồi từ Thanh Hoá lại chuyển ra Hà Tây, vì di chuyển nhiều nên ông cũng mất liên lạc với thân nhân. Thành ra trong số năm người tù trong phòng F7, giáo sư Huân và tôi hoàn toàn là hai người vô sản. Tôi nhớ một lần ông tâm sự:

- Hồi ở trại tù Thanh Hoá, tôi bị giam chung với một số sinh viên Miền Nam bị bắt trong những cuộc tranh đấu sau khi cộng sản chiếm Sài gòn. Tuy phải lao động cực lắm nhưng có những sinh viên đó bên mình cũng vui. Các em đã làm hộ tôi những việc nặng để mọi người cùng “hoàn tất chỉ tiêu” cho bọn cán bộ nó không chửi bới. Anh em còn kiếm cả thuốc trị bệnh trĩ cho tôi nữa. . . Ra đây không phải lao động nhưng buồn hơn. . .

Tôi biết giáo sư Huân thiếu ăn thường trực. Ông cố dằn mình không để cho cơn đói nó hành hạ, nó dằn vặt ông, nhưng mỗi khi nhận phần ăn, chỉ là một chén cơm hẩm hay một khúc củ mì luộc, tôi thấy ông ăn ngon lành mà không cầm được nước mắt. Tôi cũng đói như ông. Thế nên tôi thương ông như tôi thương tôi, mà chẳng cách chi để nhường phần ăn của tôi cho ông được một bữa no bụng trong những ngày tù. Ở trong tù, nhiều anh em vì bị cơn đói nó thúc ép quá, nên đã có những hành động không đẹp. Vì vậy, nhìn lại sự im lặng trầm tĩnh của giáo sư Huân trong lúc bụng dạ rỗng không, tôi càng thêm kính phục ông. Một hôm cũng để cho quên cái đói, tôi hỏi ông:

- Thưa thầy, theo tôi hiểu, những người làm chính trị muốn thành công, thường phải có cái đầu lạnh ngắt và con tim nóng hổi. Nghĩa là làm chính trị thì phải có thủ đoạn. Tôi thấy thầy đầu cũng nóng mà tim cũng nóng, tại sao thầy lại dấn thân vào con đường chính trị?

Giáo sư Bùi Tường Huân nhìn tôi, ánh mắt u hoài, tràn ngập thương yêu. Tiếng ông nhẹ như gió thoảng:

- Là một người dân nước Việt, ai chẳng muốn tổ quốc mình xinh đẹp và giàu mạnh? Nếu tôi nghĩ cho tôi thì đã có thể ra đi cũng vợ con trước ngày Sài gòn sụp đổ. . . Thôi, cái nghiệp mà anh. . .

Một lần khác tôi hỏi giáo sư Huân về khối Phật giáo Ấn Quang và trách nhiệm của khối này trước lịch sử dân tộc trong việc miền Nam rơi vào tay cộng sản. Giáo sư Huân đã thẳng thắn giải đáp:

- Tôi không phủ nhận khối Phật giáo Ấn Quang mà biểu tượng là Thượng Tọa Thích Trí Quang, đã ảnh hưởng và chi phối rất nhiều trong đời sống chính trị của tôi. Nói khác đi tôi là một thành viên của Khối đó. Phật giáo Ấn Quang quả đã gây những ngộ nhận đáng tiếc. Tuy nhiên, tôi chống lại dư luận coi Khối Ấn Quang như sự tập hợp của những tên cộng sản nằm vùng. Khối Ấn Quang không liên hệ gì với cộng sản, hoặc những người trong Ấn Quang là cộng sản. Chúng tôi chỉ là những người của dân tộc.

Rồi như để chứng minh nhận định đó, giáo sư Huân cho biết bản thân ông đang ở tù, thượng tọa Thích Trí Quang và hầu hết các Thượng tọa, Đại đức khối Phật Giáo Ấn Quang cũng đã bị Việt cộng giam bắt. Giáo sư Huân cũng bất mãn với ông Dương văn Minh khi ra lệnh “buông súng để bàn giao”, vì sự thực tại Dinh Độc Lập hôm đó, với tư cách một Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng, ông chỉ được lệnh giơ tay đầu hàng chứ không có bàn giao chi cả.

Trong tù cuộc sống có vạn lần buồn, nhưng cũng chẳng biến tính được những con người như giáo sư Bùi Tường Huân. Vì thế lúc đầu tôi rất ngạc nhiên thấy ngôn ngữ của ông vẫn lạc quan yêu đời, vẫn bông đùa, vẫn hài hước mọi chuyện. Có lần đói quá, năm người chúng tôi bó gối ngồi ép bụng lại chống đói, thì giáo sư Huân kể một câu chuyện vui cho anh em cười chút chơi. Lời ông kẻ rất nhịp nhàng, bình tỉnh:

- Hội nghị Yalta khai diễn ngày 4 tháng 2 năm 1945. Một chiều vào cuối tuần, lãnh tụ của bốn nước tham dự hội nghị mới cùng ngồi trên một xe díp, đi ngoạn cảnh ngoại ô thành phố. Bốn người này là Tổng thống Mỹ Roosevelt, Thủ tướng Anh Churchill, Tổng bí thư Nga Stalin và Tướng De Gaulle của Pháp. (Thật ra trong hội nghị Yalta không có Pháp tham dự). Khi xe đang chạy ngon trớn thì bỗng có một con bò to tướng nằm chắn ngang đường. Bốn vị lãnh tụ dừng xe lại, bèn tổ chức thi xem ai đuổi được con bò sang một bên để xe chạy tiếp.

De Gaulle bước xuống xe trước nhất, tới bên con bò:

- Mày hãy tránh sang bên đường đi. Tao sẽ cho người mang cho mày bơ và sữa ngon nhất của Pháp cho mày ăn.

Con bò nằm yên, De Gaulle quay lại xe, chấp nhận thua. Thủ tướng Churchill tới vuốt ve con bò, từ đầu tới chân, vẻ o bế như nhà tư bản trước khách hàng:

- Mày hãy tránh đi, ta sẽ trình Nữ Hoàng phong tước cho mày.

Con bò vẫn nằm im. Churchill nói vớt vát vài câu nhưng thấy không ăn đành leo lên xe, chịu thua. Đến lượt Roosevelt hùng hổ nhảy xuống xe, tới bên con bò, lớn tiếng ra cái điều giọng kẻ sang:

- Mầy tránh khỏi đây, mau. Ta cho mày một triệu đô la.

Con bò nằm yên. Roosevelt tưởng mình đang đấu giá, tố ngay:

- Tao cho mày năm triệu đô!

Con bò vẫn ngu. . . như bò, nằm bất động. Vị Tổng thống nước Mỹ dành chịu thua leo lên xe. Bấy giờ, Stalin mới thủng thỉnh bước xuống. Ông ta cúi xuống sát tai con bò, nói nhỏ điều gì. Chỉ thấy lập tức con bò vùng dậy, cắm đầu cắm cổ chạy như bay lên đồi. Thấy thế, ba vị nguyên thủ kia trầm trồ khen ngợi Stalin hết xẩy:

- Không biết ngài ra lệnh thế nào mà con bò có vẻ hoảng sợ, bỏ chạy như thế, thưa ngài Stalin?

Stalin trả lời:

- Dễ. Tôi chỉ bảo nó: “Nếu mày còn nằm đây một giây, tao sẽ cho mày đi học tập cải tạo”.

Giáo sư Huân được Hà nội phóng thích khỏi khu biệt giam F của trại Hà Tây vào giữa năm 1979. Tôi chúc mừng ông một ngày không xa, ông sẽ được xuất ngoại đoàn tụ với gia đình.

Ít tháng sau, tin từ những người thăm nuôi đã vẳng tới khu F7 của tôi rằng đã có máy bay chở Giáo sư Bùi Tường Huân thẳng từ Sài gòn qua Pháp. Thế nhưng, trên tờ giấy nói về buổi lễ cầu siêu trong văn phòng báo Thời Luận, tôi lại thấy ghi nơi ông mất là Sài gòn. Thì ra Giáo sư Bùi Tường Huân, người thầy trong tù của tôi vẫn còn sống trên quê hương từ ngày ra khỏi vòng rào kẽm gai của trại giam miền Bắc. Nay thì Ông đã mất. Thể xác ông đã được an táng ngay trên quê hương Việt Nam. Tôi không có bằng cớ nhưng tự trong tim, tôi tin rằng đó là sự chọn lựa cuối cùng của Giáo sư Bùi Tường Huân. Ông là người lúc nào cũng tự gánh trên vai Tổ Quốc - Danh Dự và Trách nhiệm. . .

(Trích Thời Luận, số ra ngày Chủ Nhật 6-5-88)
Nguồn: YouTube LienNhu