Vài đính chính liên quan đến Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại

Trước đây tôi có đọc vài tác phẩm liên quan đến Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại (tôi xin đọc theo cách phát âm của miền Nam. Đa số các sách khi phiên âm từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ đều ghi: Nguyễn Văn Thuỵ.Vậy khi trích dẫn, sách nào ghi Nguyễn Văn Thụy, tôi vẫn giữ nguyên là Nguyễn Văn Thụy) nhưng chưa có dịp đến viếng thăm lăng mộ của ông. Đầu tháng 6 năm 2014, tôi có dịp đi Long Xuyên, nhân đó tôi cố gắng đi tiếp đến núi Sam, Châu Đốc để viếng thăm lăng mộ của ông, sau đó tham quan miểu Bà Chúa Xứ, thăm chùa Tây An. Sau khi viếng thăm lăng mộ của Thoại Ngọc hầu về, tôi xin có vài đính chính liên quan đến Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại.

– Sông Thoại Hà được vét vào năm nào?

Sông Thoại Hà trước khi được ban tên Thoại Hà có tục danh là sông Ba Rạch (đọc theo âm Hán Việt là Tam Khê).Sách Đại Nam nhất thống chí cũng như Đại Nam liệt truyện đều chép: “Năm Gia long thứ 17[1818] sai Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thụy sửa sang đường thủy, bắt người Kinh, người Thổ 1500 người, nhân đường cũ mà đào vét cho sâu rộng hơn một tháng thì xong, từ đấy mới có đường thông với Kiên Giang rất là tiện lợi. Cho gọi tên sông là “Thụy Hà”, để biểu dương công lao của Nguyễn Văn Thụy”(1).

Như vậy theo hai tài liệu trên thì công việc vét sông được tiến hành vào năm Mậu Dần[1818]

Theo Đại Nam thực lục và Quốc triều chính biên toát yếu thì công việc vét sông Tam Khê được tiến hành vào tháng 11 năm Đinh Sửu, Gia Long thứ 16[1817] “hơn một tháng sông vét xong”(2)

Cũng cùng một sự kiện xảy ra, nhưng sách thì bảo là công việc được tiến hành vào tháng 11 năm Đinh Sửu[1817], sách thì bảo là công việc được tiến hành vào năm Mậu Dần[1818]. Vậy con số năm nào là chính xác nhất?

Theo như sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức soạn xong và dâng lên vua Minh Mạng vào tháng 5 năm Canh Thìn[1820(3) (sách được soạn xong sau sự kiện vét sông Ba Rạch – sau khi vét xong ban tên là Thoại Hà- khoảng 2-3 năm) chép về sông Thoại Hà (sách chỉ có phần dịch nghĩa và phần chữ Hán,không có phiên âm) xin phiên âm: “Thoại Hà tục danh Ba Rạch, quảng bát tầm, thâm thập tứ xích,…Gia Long thập lục niên, thập nhất nguyệt, khâm mệnh Vĩnh Thanh trấn, Trấn thủ Thoại Ngọc hầu dịch Hoa,Di đinh phu nhất thiên ngũ bách, quan cấp tiền, mễ, tiễn phạt sơ thông” (Thoại Hà tục gọi Ba Rạch, rộng 8 tầm, sâu 14 thước ta,…Tháng 11 niên hiệu Gia Long thứ 16[1817] vua sai Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh là Thoại Ngọc hầu điều dân Việt và dân Thổ 1500 người, cấp cho gạo tiền để chặt cây cối đào vét cho thông)(4).

Như vậy theo Gia Định thành thông chí sự kiện vét sông Ba Rạch được bắt đầu từ tháng 11 niên hiệu Gia Long thứ 16 giống như sách Đại Nam thực lục và Quốc triều chính biên toát yếu.Nhưng cũng trong tác phẩm ấy khi chép về núi Thoại Sơn thì có khác: “Thoại Sơn tục danh núi Sập, tại Vĩnh Định huyện,…Gia Long thập thất niên, Mậu Dần, tứ nguyệt. Khâm mệnh Vĩnh Thanh trấn, Trấn thủ Thống chế Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại kinh lí hà đạo thành, ngự tứ kỳ sơn viết Thoại Sơn” (Thoại Sơn tục gọi núi Sập, ở huyện Vĩnh Định,…Tháng 4 năm Mậu Dần, niên hiệu Gia Long thứ 17[1818] vua sai Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh là Thống chế Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại kinh lí đường sông, việc hoàn thành, vua ban cho tên núi là Thoại Sơn)(5).Cụ Trịnh Hoài Đức đã làm cho hậu thế càng phân vân hơn nữa. Vậy việc vét sông Ba Rạch (sau cải tên là Thoại Hà) diễn ra vào tháng 11 năm Gia Long thứ 16[1817] hay trước tháng 4 năm Gia Long thứ 17[1818]?

Theo như bia Thoại Sơn được khắc vào sau tiết Đông chí năm Nhâm Ngọ(sau tiết Đông chí năm Nhâm Ngọ chỉ còn 9 ngày nữa là bước sang năm dương lịch 1823), Minh Mạng thứ 3(Tuế tại Minh Mạng tam niên, Nhâm ngọ, Đông chí hậu): “Đinh Sửu thu, lão thần khâm mông đặc thụ quản Vĩnh Thanh trấn phù. Mậu Dần chi xuân, phụng chỉ đổng đốc tuấn Đông Xuyên cảng đạo” (Mùa thu năm Đinh Sửu[1817] lão thần kính, được vua trao cho ấn phù giữ trấn Vĩnh Thanh. Mùa xuân năm Mậu Dần[1818] vâng chỉ đốc suất đào kinh Đông Xuyên).Từ “cảng” trong “Đông Xuyên cảng” được hiểu là kinh Đông Xuyên hoặc sông Đông Xuyên.Theo Hán – Việt tự điển của Thiều Chửu, “cảng” là sông nhánh, ngành sông. Sông lớn có một dòng chảy ngang ra mà đi thuyền được, gọi là cảng).Đại Nam thực lục không gọi là kinh Đông Xuyên mà gọi là sông Tam Khê.

Sông Tam Khê (Đông Xuyên) được vét vào “Mậu Dần chi xuân” (mùa xuân năm Mậu Dần[1818])và chỉ vét hơn 1 tháng thì hoàn tất.Vậy sông được khởi công vét vào tháng 3 năm Mậu Dần[1818] (tháng 3 âm lịch còn trong mùa xuân) và hơn 1 tháng sau đó tức vào tháng 4 có sự kiện Thoại Ngọc hầu “kinh lí đường sông” (Mậu Dần,tứ nguyệt. Khâm mệnh Vĩnh Thanh trấn, Trấn thủ Thống chế Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại kinh lí hà đạo thành, ngự tứ kỳ sơn viết Thoại Sơn).

Trong tác phẩm Nam Bộ vài nét lịch sử- văn hóa của Tiến sĩ Sử học Trần Thuận ghi: “Văn bia cho biết năm Mậu Dần(1818) Thoại Ngọc hầu điều động quân binh cùng hàng vạn dân công người Việt và Khmer đào kênh Thoại Hà”(6)

Số lượng dân công gồm người Việt và Cao Miên là 1.500 người (đinh phu nhất thiên ngũ bách) mà thôi chứ làm gì mà lên đến con số “hàng vạn dân công”!

– Tên Vĩnh Tế được đặt cho kinh (kênh) từ khi nào?

Theo như tác phẩm “Thoại Ngọc hầu và những cuộc khai phá miền Hậu giang” vào năm Giáp Thân [1824] sau khi đào sông Vĩnh Tế xong “Nhà vua xem thấy bên bờ kinh mới đào có núi Sam y như bên bờ kinh trước kia có núi Sập, lại xét thấy Thoại Ngọc hầu phu nhân, dòng họ Châu Vĩnh, nhũ danh Thị Tế, vốn là người đàn bà đức độ, từng tận lực giúp chồng trên đường công bộc, cho nên ban đặt tên kinh là Vĩnh Tế hà và tên núi ở bờ kinh là Vĩnh Tế sơn”(7). Gần đây trong tác phẩm “Nam Bộ vài nét Lịch sử- Văn hóa”, Tiến sĩ Sử học Trần Thuận cũng trích lại nguyên văn đoạn văn trên(8). Như vậy theo tác giả Nguyễn Văn Hầu và tác giả Trần Thuận thì tên kinh Vĩnh Tế được lấy tên Thoại Ngọc hầu phu nhân đặt tên cho con kinh sau khi công việc đào kinh Vĩnh Tế đã hoàn tất.

Trong bài “Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế sơn bi kí” không thấy nhắc đến việc lấy tên Thoại Ngọc hầu phu nhân đặt tên cho kinh mà chỉ thấy lấy tên Thoại Ngọc hầu phu nhân đặt cho tên núi mà thôi: “Chí thị hựu chẩn cập thần tâm, năng thừa Quan thơ chi hóa, dĩ tề kỳ gia, nhi thần thê Châu Thị, danh Tế năng hóa Châu nam chi đức dĩ nội húc kỳ phu, mi cổ chi thầm hữu thiểu trợ yên. toại dĩ nhơn danh tứ sơn danh, vi Vĩnh Tế Sơn” (Đến nay hoàng ân lại xét đến lòng thần, cho là biết tề gia hợp hòa khí, lại hạ cố tới vợ thần là Châu Thị Tế, rằng có đức dày trong đường lễ giáo, bên trong biết giúp đỡ chồng, một lòng chân thành bền chặt, có chút công lao, nên xuống lịnh ban tên cho núi Sam là núi Vĩnh Tế).

Hai tác giả trên đã “nghi ngờ” một đoạn dụ chép trong Quốc triều chánh biên toát yếu vào tháng 10 năm Minh Mạng thứ 3 [1822]: “Đường sông Vĩnh Tế liền với tân cương, xe thuyền qua lại đều là tiện lợi. Đức Hoàng khảo Thế tổ Cao Hoàng đế ta mưu sâu, tính xa, chú í việc ngoài biên. Công việc đào kinh mới bắt đầu chưa xong. Nay ta theo chí Tiên hoàng, cố nghĩ cách khó nhọc một lần mà được thong thả lâu dài về sau”(9).

Cụm từ “đường sông Vĩnh Tế” trong bài dụ của vua Minh Mạng vào tháng 10 năm Minh Mạng thứ 3 được tác giả Nguyễn Văn Hầu chú thích: “Chữ Vĩnh Tế dùng ở đây không đúng, vì lúc bấy giờ kinh còn đang đào, chưa tứ danh Vĩnh Tế. Có lẽ sử thần sau này chép lại đã không chú í đến thời gian tính trong lời nói của nhà vua”(10)

Tiến sĩ Sử học Trần Thuận cũng chú thích cụm từ ấy: “Lúc này kinh chưa được ban tên Vĩnh Tế, có thể dịch giả Quốc triều chánh biên toát yếu không chú í khi chép tên kinh”(11)

Thông tin về “Kênh Vĩnh Tế” trên Wikipedia tiếng Việt đã chú thích câu: “Tháng 9, (cho) đào sông Châu Đốc thông với Hà Tiên, gọi là sông Vĩnh Tế” trong sách Quốc triều sử toát yếu, phần chánh biên như sau: “Lẽ ra phải viết là “sau gọi là sông (kênh) Vĩnh Tế” mới đúng, vì lúc ấy kênh chưa đào và chưa được tứ danh. Có lẽ sử thần khi chép lại đã không chú í đến thời gian tính trong lời nói của nhà vua (giải thích theo Nguyễn Văn Hầu, tr 193)”

Theo như hai tác giả trên cũng như thông tin trên Wikipedia tiếng Việt thì tên Vĩnh Tế được “tứ danh” khi kinh được đào xong, chứ trước đó chưa có tên Vĩnh Tế. Vậy xin đặt câu hỏi: Trong thời gian đang đào kinh gọi là đào kinh gì? Đại Nam thực lục ghi vào tháng 9 năm Kỷ Mão [1819] “Vét đào đường sông Châu Đốc thông đến Hà Tiên. Cho tên là sông Vĩnh Tế”(12). Đại Nam nhất thống chí ghi: “Năm Kỷ Mão Gia Long thứ 18 [1819] đo thẳng từ hào sâu phía hữu đồn Châu Đốc về phía tây, qua Vàm Nao, Ca Âm đến Cây Kè thành 205 dặm rưỡi, cho tên là sông Vĩnh Tế”(13).

Tuy sách Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Quốc triều chánh biên toát yếu mới được cho in ấn vào thời vua Thiệu Trị, Tự Đức… nhưng khi cho in Quốc sử quán cũng phải dựa vào các văn bản cũ mà tổng hợp lại chứ không phải “có lẽ sử thần” hoặc “có thể dịch giả” hoặc “lẽ ra” .

Tác phẩm Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức dâng lên vua Minh Mạng vào tháng 5 năm Canh Thìn [1820], trước khi đào xong kinh Vĩnh Tế 4 năm(14), ghi:“Vĩnh Tế hà tại Châu Đốc đồn chi tây. Gia Long thập bát niên, Kỷ Mão trực độ Châu Đốc đồn hữu hậu hào nhi tây, kinh Ca Âm náo khẩu chí Kỳ Thọ (tục danh Cây Kè),trường tứ vạn tứ thiên tứ bách thập nhị tầm, thành nhị bách ngũ lí bán. Mệnh danh Vĩnh Tế hà” (Sông Vĩnh Tế ở về phía tây đồn Châu Đốc. Năm Kỷ Mão [1819] niên hiệu Gia long thứ 18, đo thẳng từ hào sau phía phải đồn Châu Đốc lên phía tây, qua láng bùn Ca Âm đến Kỳ Thọ (tục gọi là Cây Kè),dài 44.412 tầm thành ra 205 dặm rưỡi. Đặt tên là sông Vĩnh Tế)(15).

Khi bắt đầu khởi sự đào kinh thì con kinh được “cho tên là sông Vĩnh Tế” chứ không phải đợi đến khi con kinh được đào xong! Í nghĩa hai chữ Vĩnh Tế được gói gọn trong bài chiếu dụ dân trấn Vĩnh Thanh của vua Gia Long khi khởi sự đào kinh: “Đào con sông này công việc rất khó nhọc. Kế sách của Nhà nước mưu hoạch về biên thùy, đều quan hệ không nhỏ. Các ngươi nay khó nhọc mà thực có lợi muôn đời. vậy nên bảo nhau đừng sợ khó nhọc”(16) (chữ “Vĩnh” có nghĩa là lâu,dài,mãi mãi; chữ “Tế” có nghĩa là qua,sang; bến đò; cứu giúp).

Tháng 2 năm Canh Thìn[1820] “đặt trạm đường thủy ở sông Vĩnh Tế”(17). Tên Vĩnh Tế đã được đặt ngay từ khi khởi công nên mới có sự kiện “đặt trạm đường thủy ở sông Vĩnh Tế”

– Số lượng binh dân tham gia đào kinh Vĩnh Tế

Kinh Vĩnh Tế được khởi công vào ngày 15 tháng chạp năm Kỷ Mão. Các dịch giả sách Đại Nam thực lục chua sau “Kỷ Mão” là [1819]. Nguyễn Văn Hầu ghi: “kinh Châu Đốc-Hà Tiên được khởi đào từ ngày rằm tháng chạp năm Kỷ Mão(1819)”(18). Tiến sĩ Sử học Trần Thuận ghi: “quan Trấn thủ Thoại Ngọc Hầu lại được triều đình lệnh chỉ huy binh dân đến Châu Đốc để ngày rằm tháng Chạp năm Kỷ Mão(1819) khởi công đào kinh”(19). Sách Lịch sử Việt Nam tập 5 ghi: “Công trình bắt đầu khởi công từ tháng 12 năm Kỷ Mão(1819)”(20).Tác phẩm Sử Cao Miên ghi: “Nhà vua bắt buộc nhiều ngàn dân Miên làm xâu đào một con kinh dài 53 cây số từ Hậu giang đến vịnh Thái Lan, tên là kinh Hà Tiên. Công tác này bắt đầu từ năm 1815 đến 1820 đã làm hao hớt một số người”(21). Thông tin về kênh Vĩnh tế trên Wikipedia tiếng Việt ghi: “Giai đoạn 1: Khởi công vào tháng 12(âm lịch) năm 1819 đến tháng 3(âm lịch) năm 1820 thì tạm dừng”

Kinh Vĩnh tế được khởi công vào ngày 15 tháng chạp năm Kỷ Mão (tương ứng với dương lịch là Chủ nhật 30.01.1820 chứ không còn ở năm 1819 nữa). Do dựa vào Quốc triều chính biên toát yếu ghi là kinh Vĩnh Tế được đào vào tháng 9 năm Kỷ Mão[1819] nên tác giả Nguyễn Thiệu Lâu ghi: “Vậy công việc bắt đầu vào cuối thu sang đông năm Kỷ Mão(1819)”(22). Công trình đào kinh Vĩnh Tế tuy nói là kéo dài trong khoảng 4 năm rưỡi (khởi công 15 tháng chạp năm Kỷ Mão[30.01.1820] và hoàn tất vào tháng 5 năm Giáp Thân[1824], nhưng mỗi đợt chỉ thi công từ 3-4 tháng vào mùa khô mà thôi. Nếu gộp lại thì thời gian thi công chỉ khoảng 10 tháng rưỡi mà thôi.

Trong khoảng 4 năm rưỡi ấy chỉ có 3 đợt thi công mà thôi:

Đợt 1: Từ 15 tháng chạp năm Kỷ Mão [30.01.1820] cho đến tháng 3 năm Canh Thìn [1820]. Số lượng: 5000 binh dân người Kinh, 500 binh thuộc đồn Uy Viễn, 5000 dân phu người Cao Miên. Binh dân người Kinh cũng như binh đồn Uy Viễn mỗi tháng cấp cho mỗi người 6 quan tiền và 1 phương gạo; dân Cao Miên mỗi tháng cấp cho mỗi người 4 quan 5 tiền và 1 phương gạo(23).

Sách Lịch sử Việt Nam tập 5 từ năm 1802 đến năm 1858 dẫn lại tác phẩm Gia Định thành thông chí về số binh dân tham gia công tác đào kinh Vĩnh Tế trong đợt 1: “sai Trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thuỵ, Vệ úy Chưởng cơ Hữu bảo Hữu quân là Tuyên Quang hầu Phan Văn Tuyên, đốc sức dân phu trấn Vĩnh Thanh mỗi phiên 5.000 người, với quân lưu thú ở đồn Uy Viễn 5.000 người. Chiêu Chùy nước Cao Mên là Tôn A La Toàn Phù đem quân dân mỗi phiên 5.000 người, lấy ngày 15 tháng 12 khởi công”(24). Thật là tội nghiệp cho cụ Trịnh Hoài Đức! Cụ nào viết như vậy. Nguyên văn đoạn ấy trong Gia Định thành thông chí xin được phiên âm: “Khâm ban Vĩnh Thanh trấn, Trấn thủ Thống chế Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại, Hữu quân Hữu bảo vệ, Vệ úy Chưởng cơ Tuyên Quang hầu Phan Văn Tuyên, đổng đốc Vĩnh Thanh trấn dân phu, mỗi phiên ngũ thiên nhân, Uy Viễn đồn lưu thú quân ngũ bách, Cao Miên quốc Chiêu Trùy Tôn La A Toàn Phù, dịch quân dân mỗi phiên ngũ thiên. Dĩ thập nhị nguyệt thập ngũ nhật khởi công”(25). Như vậy “Uy Viễn đồn lưu thú quân ngũ bách” (lính thú đồn Uy Viễn 500 người). Chỉ có 500 người chứ không phải 5.000 người!

Tác giả Nguyễn Văn Hầu viết: “Ngay trong đợt đầu, đã có đến 5.000 nhân công, bắt trong thường dân và binh lính Việt Nam, đó là chưa kể 500 người khác, đang phục vụ trong quân đội thuộc đồn Uy Viễn. Riêng phần Điều bát Nguyễn Văn Tồn đã bắt đến 5.000 dân xâu khác nữa, thuộc người Cao Miên, cũng trong thường dân và binh lính”(26). Không biết tác giả Nguyễn Văn Hầu dựa vào tư liệu nào mà dám khẳng định là “Riêng phần Điều bát Nguyễn Văn Tồn đã bắt đến 5.000 dân phu khác nữa, thuộc người Cao Miên, cũng trong thường dân và binh lính”? Số 5.000 người Cao Miên là do Chiêu Chùy nước Cao Miên là Đồng Phù (có sách viết là Toàn Phù) quản suất. Riêng Điều bát Nguyễn Văn Tồn chỉ quản suất 500 lính thú đồn Uy Viễn mà thôi!(27)

Nhân đây cũng xin nhắc sơ qua lai lịch đồn Uy Viễn. Tháng 9 năm Đinh Mùi[1787] “Vua (Nguyễn Vương Phúc Ánh-TG), thu họp tướng sĩ hơn 300 người, chiến thuyền hơn 20 chiếc, sai Nguyễn Văn Tồn chiêu tập dân Phiên hai xứ Trà Vinh và Mân Thít được vài nghìn người, biên bổ làm lính, gọi là Đồn Xiêm Binh (năm Gia Long thứ 9[1810] đổi làm Đồn Uy Viễn) cho Tồn làm Thuộc nội Cai đội để cai quản”(28). Như vậy binh lính trong Đồn Xiêm Binh (sau là Đồn Uy Viễn) toàn là người Phiên (Cao Miên) và ngay cả Nguyễn Văn Tồn cũng là người Cao Miên được nhà vua ban cho quốc tính. Thống quản đồn Uy Viễn Nguyễn Văn Tồn mất vào tháng giêng năm Canh Thìn[1820].

Đợt 2: Theo Nguyễn Văn Hầu,binh dân đồn Uy Viễn, Vĩnh Thanh, Định Tường hơn 39.000 người, binh dân Cao Miên hơn 16.000 người, chia làm 3 phiên để hoạt động(29). Theo tác giả Nguyễn Thiệu Lâu,đợt này: “đã có tới 55.000 nhân công, vừa người Việt ta, vừa người Miên, làm việc suốt 3, 4 tháng dưới sự lãnh đạo tại chỗ của Gia Định thành Tổng trấn Lê Văn Duyệt”(30). Thông tin về kênh Vĩnh Tế trên Wikipedia cũng ghi là 55.000 người.

Đợt 3: Bắt đầu từ tháng 2 năm Giáp Thân[1824] đến tháng 5 năm Giáp Thân[1824]. Cũng theo Nguyễn Văn Hầu là “binh dân bị bắt làm xâu lên tới 25.000 người vừa Miên và Việt”(31). Thông tin về kênh Vĩnh Tế trên Wikipedia tiếng Việt cũng ghi là 25.000 người.

Với 3 đợt thi công như vậy, tác giả Nguyễn Văn Hầu đã tổng kết: “Như vậy, nhân công đào kinh tổng số lên đến trên 80 ngàn người. Thời gian công tác dai dẳng 5 năm trường, từ tháng chạp năm Mẹo (1819) cho tới tháng 5 năm Thân (1824) mới hoàn tất”(32)

Tiến sĩ Sử học Trần Thuận cộng 3 đợt: ‘Số người được huy động tham gia đào kinh lên đến hơn 9 vạn, luân phiên đào trong 5 năm” . Ở cuối trang Tiến sĩ Sử học Trần Thuận chú thích: “Tính cả 3 đợt đã huy động lên đến 90.500 người chứ không phải 80.000 người như nhiều tài liệu đã ghi. Nguyễn Văn Hầu trong Thoại Ngọc hầu và những cuộc khai phá miền Hậu giang (Sđd) cũng ghi 80.000 người, nhưng khi trình bày số người huy động ở mỗi đợt, cộng lại lên đến 90.500 người”(33)

Sách Lịch sử Việt Nam tập 5 tổng kết công việc đào kinh Vĩnh Tế: “Như vậy công trình đào sông Vĩnh Tế kéo dài trong khoảng 5 năm(1819-1824) huy động khoản hơn 50 vạn binh dân người Kinh và người Chân Lạp cùng tham gia”(34). Không biết tác giả dựa vào đâu mà đưa ra con số “50 vạn binh dân” như vậy?

Vậy số binh dân tham gia đào kinh là hơn 80.000 người hoặc 90.500 người?

Số binh dân tham gia đợt 1 giống như trong Đại Nam thực lục ghi; Đợt 2 không phải số lượng 55.000 người mà phải ít hơn.Tháng 10 năm Nhâm Ngọ[1822] vua Minh Mạng sai Lê Văn Duyệt làm quy hoạch trước. “Duyệt tâu xin phát hơn 39.000 người binh dân ở thành và các trấn Vĩnh Thanh, Định Tường cùng đồn Uy Viễn với hơn 16.000 người binh dân nước Chân Lạp, chia làm 3 phiên, để mùa xuân sang năm khởi công”(35). Con số 55.000 người là con số “quy hoạch”, nói như ngôn ngữ hiện nay là “lên kế hoạch dự trù” .Mãi đến tháng 2 năm Quí Mùi[1823] vua Minh Mạng mới ra lệnh đào kinh Vĩnh Tế và Tổng trấn Gia Định là Lê Văn Duyệt “tâu xin lượng phát hơn 35.000 binh dân ở thành và các trấn Vĩnh Thanh, Định Tường, đồn Uy Viễn cùng hơn 10.000 binh dân nước Chân Lạp ra làm”(36). Như vậy đợt 2 huy động là 45.000 người chứ không phải 55.000 người.Thời gian thi công đợt 2 kéo dài đến tháng 4 năm Quí Mùi[1823] thì hoãn lại; Đợt 3 đào tiếp sông Vĩnh Tế vào tháng 2 năm Giáp Thân[1824] “Lấy binh dân các trấn thuộc thành và nước Chân Lạp hơn 24.700 người làm việc”(37). Đến tháng 5 năm Giáp Thân[1824] “việc đào sông Vĩnh Tế xong”(38).

Tổng cộng 3 đợt đào kinh Vĩnh Tế huy động hơn 80.200 binh dân người Kinh và người Chân Lạp (10.500+ 45.000+ > 24.700= > 80.200)

– Bia Thoại Sơn chép lại đặt ở nhà bia trước hai cổng vào lăng mộ của Thoại Ngọc Hầu

Sau khi vét xong sông Đông Xuyên (còn gọi là Ba Rạch, Tam Khê, sau đổi thành Thoại Hà) vào tháng 4 năm Mậu Dần[1818], Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại vẽ họa đồ và viết sớ tâu lên vua. Vua Gia Long khen ngợi và lấy tên của ông mà đặt lại tên cho sông là Thoại hà và cải tên núi Sập gọi là Thoại sơn để biểu dương công khó của Thoại Ngọc hầu(39). Thoại Ngọc hầu cho soạn một bài văn khắc vào bia đá vào sau tiết Đông chí năm Nhâm Ngọ, Minh Mạng thứ 3 (tiết Đông chí thường là ngày 22.12 dương lịch. Do không có ghi ngày nên không biết bia Thoại sơn được khắc vào những ngày cuối của tháng 12 dương lịch năm 1822 hoặc là đã qua năm 1823). Bia được dựng tại núi Sập. Trên đầu bia Thoại sơn có hai đại tự Thoại Sơn và bên dưới có tất cả 629 chữ Hán viết nét nhỏ, chia chia thành 23 dòng, trong 23 dòng có 7 dòng viết “đài” hai chữ(viết “đài” là viết trồi lên bên trên những hàng chữ khác hai chữ) là các dòng thứ 4,6,10,12,16,18,20 (tính từ phải sang) và 4 dòng viết “đài” 1 chữ là các dòng 2,3,5,9(tính từ phải sang).

Theo Nguyễn Văn Hầu “hơn nửa thế kỷ trước đây (tính đến nay khoảng hơn 1 thế kỷ- TG), một nhóm người có tinh thần tồn cổ, trong đó có Đại lão Hòa thượng Nguyễn Thế Mật, trụ trì chùa Tây An (Châu Đốc), hiệp nhau đến núi Sập để xin chép lại bài bia Thoại sơn. Các ông này đã tự ra công góp của, đến Biên Hòa mướn thợ chạm đá làm bia Thoại sơn. rồi đem về dựng bên cạnh cổng vào Lăng Ông Bảo Hộ ở núi Sam”(40). Ở mặt trước của bia Thoại Sơn chép lại đặt trước lăng Thoại Ngọc hầu có khắc tên “nhóm người có tinh thần tồn cổ” . Đó là các vị: Huỳnh Nhựt Thanh, Ngô Văn Nhung,Ngô Thuận, Nguyễn Thị Mông, Vương Cố, Huỳnh Văn Hoàng, Nguyễn Văn Mật.

Hiện nay bài bia chép lại nằm ở mặt sau tấm bia đặt trong nhà bia ở phía trước bên ngoài khu vực lăng mộ Thoại Ngọc hầu. Nhưng bài bia khi chép lại và đem khắc thì số dòng chỉ còn 20 dòng, số chữ Hán lại tăng lên đến hơn 700 chữ, số dòng chữ có viết “đài” hai chữ không còn nữa, chỉ còn 4 dòng viết đài một chữ mà thôi, đó là các dòng 7, 13,15,19 tính từ phải sang. Nội dung bài bia chép lại “vừa thừa, vừa thiếu”: ví dụ trong dòng thứ nhất của bia chép lại, sau chữ thứ 14 tính từ trên xuống thiếu chữ “thử” và chữ thứ 25 là chữ “danh” lại không có trong bia Thoại sơn gốc, và cuối dòng thứ nhất bia chép lại, lại thiếu hai chữ “xuất tự”; hoặc dòng thứ 8 trong bia chép lại ghi: “bôn tẩu thượng đạo,vãng lai Xiêm La, Cao Miên gian”, trong bia Thoại sơn gốc dòng thứ 12 ghi: “bôn tẩu thượng đạo, vãng lai Xiêm,Lao, Cao Miên gian” (bôn tẩu trên miền thượng đạo, qua lại Xiêm, Lào, Cao Miên). Lào là nhắc đến Thoại Ngọc hầu làm Khâm sai Thượng đạo tướng quân đã sang nước Vạn Tượng (Lào) hai lần vào năm Kỷ Mùi(1799) và năm Canh Thân(1800)(41); hoặc chép ngược như trong dòng thứ 7 bia chép lại: “Ngọc dụ dĩ lão thần tước danh Ngọc Thoại” . Bia gốc khắc: “…tước danh Thoại Ngọc”,v.v…

Bia Thoại Sơn gốc,sau dòng ghi niên hiệu “Minh Mạng tam niên, Nhâm Ngọ, Đông chí hậu” có 3 dòng chữ Hán (3 dòng cuối cùng của bia) xin phiên âm: “Khâm sai Thống chế Án thủ Châu Đốc đồn, lãnh Bảo hộ Cao Miên quốc ấn, kiêm quản Hà Tiên trấn Biên vụ,gia nhất cấp kỷ lục nhất thứ, Thoại Ngọc hầu chế. Gia Định thành,Đốc học Cao Bá nghĩ thảo. Công Bộ Thiêm sự phụng thủ Châu Đốc đồn tiền lương công vụ Đoàn Hầu đính chính” . Bia Thoại sơn chép lại ở lăng mộ Thoại Ngọc hầu sau dòng niên hiệu có đến 5 dòng chữ Hán xin phiên âm: “Phụng chỉ Khâm sai Thống chế, tiên trấn Thoại hà thị, sắc thụ Bình Man Nguyên súy, tiền nhậm lãnh trấn An Giang, hậu phong Thượng trụ quốc công. Án thủ Châu Đốc đồn, lãnh Bảo hộ Cao Miên quốc ấn kiêm quản trấn Hà Tiên hạt Biên vụ, gia tứ cấp kỷ lục tứ thứ phong Ngọc hầu,thần Nguyễn Ngọc Thoại chế. Thừa mệnh tạo Thoại sơn, hà. Công nghiệp khai Vĩnh Tế cảng, hộ quốc tí dân, vi thần thiên cổ. Thế tổ Cao hoàng đế sắc phong Thượng trụ quốc trung hiếu nghĩa liệt Châu Tế nhất phẩm phu nhân tôn thần. Gia Định thành Đốc học Cao Bá nghĩ thảo, Công bộ Thiêm sự phụng thư. Châu Đốc đồn tiền lương công vụ Đoàn Hầu đính chính” .

Thời nhà Nguyễn chỉ có Đông cung Cảnh là Đông cung Nguyên súy mà thôi, ngoài ra không có vị tướng nào mang chức Nguyên súy cả! Khi Thoại Ngọc hầu còn sanh tiền làm gì có địa danh An Giang. Địa danh An Giang xuất hiện vào năm 1832. Bia Thoại sơn gốc ghi là: “kiêm quản Hà Tiên trấn Biên vụ”, bia chép lại ghi: “kiêm quản trấn Hà Tiên hạt Biên vụ”. Đơn vị hành chánh “hạt” mới có sau khi thực dân Pháp xâm lăng nước ta mà thôi!

Hoặc dòng cuối cùng trong bia Thoại sơn gốc ghi là: “Công bộ Thiêm sự phụng thủ Châu Đốc đồn…” còn ở bia chép lại ghi: “Công bộ Thiêm sự phụng thư Châu Đốc đồn…”. Nghĩa của “phụng thủ”“phụng thư” khác xa nhau!

Gia cấp kỷ lục

Tháng năm Tân Tỵ[1821] định điều lệ gia cấp và kỷ lục(42). Gia cấp kỷ lục là để khuyến khích người có công.

Cấp kỷ lục của Thoại Ngọc hầu được khắc trong bia Thoại sơn gốc là “gia nhất cấp kỷ lục nhất thứ”, trong bia chép lại khắc: “gia tứ cấp kỷ lục tứ thứ”. Sao có sự chênh lệch như vậy?Hay là “nhóm người có tinh thần tồn cổ” khi cho khắc bia chép lại muốn ghi cấp kỷ lục vào cuối đời của Thoại Ngọc hầu? Sau khi hoàn tất công việc đào kinh Đông Xuyên (Thoại Hà) khi ấy Thoại Ngọc hầu được thưởng “gia nhất cấp kỷ lục nhất thứ” mà thôi (bia gốc Thoại sơn). Sau khi đào xong kinh Vĩnh Tế cho đến khi qua đời, Thoại Ngọc hầu chỉ được thưởng “gia nhị cấp kỷ lục tứ thứ” (xem bia Vĩnh Tế sơn và bia mộ của Thoại Ngọc hầu) chứ làm gì mà được “gia tứ cấp”!

Tiến sĩ sử học Trần Thuận đã chú thích câu “Năm Gia Long thứ 17, trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thụy sửa sang sông Thụy Hà” trong sách Đại Nam nhất thống chí như sau: “…Lúc này Thoại Ngọc Hầu là đương kim Thống chế Bảo hộ Cao Miên quốc, giữ trách nhiệm trấn giữ đồn Châu Đốc, kiêm quản quân vụ trấn Hà Tiên”(43).

Tháng 9 năm Mậu Dần[1818] mới “lấy Chưởng cơ lãnh Trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thụy làm Thống chế, lại sai bảo hộ nước Chân Lạp”(44).Mãi đến tháng 3 năm Tân Tỵ[1821] “sai Nguyễn Văn Thụy đóng giữ bảo Châu Đốc, lại lãnh chức Bảo hộ quốc ấn nước Chân Lạp, kiêm lí việc biên vụ Hà Tiên”(45)

Trong lúc Thoại Ngọc hầu đổng đốc vét sông Tam Khê, ông chỉ giữ chức Chưởng cơ lãnh Trấn thủ Vĩnh Thanh mà thôi, chứ không có “đương kim Thống chế Bảo hộ Cao Miên quốc, giữ trách nhiệm trấn giữ đồn Châu Đốc, kiêm quản quân vụ trấn Hà Tiên” như Tiến sĩ sử học Trần Thuận chú thích.

Cũng cần nhắc thêm là Thoại Ngọc hầu ngoài chức Khâm sai Thống chế án thủ Châu Đốc đồn, lãnh Bảo hộ Cao Miên quốc ấn, ông còn “kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ” (kiêm lí việc biên vụ trấn Hà Tiên). Tiến sĩ Sử học Trần Thuận ghi “kiêm quản quân vụ trấn Hà Tiên” . Giữa “biên vụ”“quân vụ” khác nhau xa. Biên vụ có nghĩa là việc ở biên giới

– Cao Miên hay là Chân Lạp?

Trong các sách viết về Thoại Ngọc hầu khi thì viết “Bảo hộ Cao Miên”, khi thì viết là “Bảo hộ Chân Lạp” khi thì viết là “Bảo hộ Cao Man” . Vậy vào thời Thoại Ngọc hầu quốc hiệu của Vương quốc Campuchia hiện nay được Triều đình nhà Nguyễn gọi là gì? Vào thời vua Gia Long và Minh Mạng gọi là Cao Miên. Năm Gia Long thứ 6[1807] đúc ấn “Cao Miên quốc vương” phong cho Nặc Chân làm vua nước Cao Miên. Năm Minh Mạng thứ 16[1835] phong cho con gái thứ là Ngọc Vân làm Cao Miên quận chúa(46).

Đầu đời vua Thiệu Trị vì tránh tên húy của nhà vua là “Miên” nên không gọi là Cao Miên mà gọi là Chân Lạp. Do vậy những sách viết về các triều vua trước được in ấn dưới thời vua Thiệu Trị gặp tên nước Cao Miên đều đổi thành Chân Lạp.

Năm Thiệu Trị thứ 7[1847] đổi từ Chân Lạp thành Cao Man (có sách khi phiên âm từ chữ Hán sang Quốc ngữ không phiên âm là Cao Man nhưng phiên âm thành Cao Mên). Cũng trong năm này, vua Thiệu Trị sai sứ phong tên Dun làm Cao Man quốc vương, lại phong Ngọc Vân là Cao Man quận chúa(47)

Tháng 7 nhuận năm Kỷ Mùi[1919] thời vua Khải Định đổi quốc hiệu nước Cao Man thành Cao Miên(48)

– Phó Đổng đốc đào kinh Vĩnh Tế họ Phan hay họ Nguyễn?

Phó Đổng đốc đào kinh Vĩnh Tế được sách Đại Nam liệt truyện và Đại Nam nhất thống chí ghi là Nguyễn Văn Tuyên(49). Do đó tác giả Nguyễn Văn Hầu cũng như Tiến sĩ Sử học Trần Thuận đều ghi là Nguyễn Văn Tuyên.

Cũng trong sách Đại Nam nhất thống chí trong mục Núi Sông của tỉnh An Giang khi viết về sông Vĩnh Tế; “Năm Kỷ Mão Gia long thứ 18 đo thẳng từ hào sau phía hữu đồn Châu Đốc về phía tây, qua Vàm Nao Ca Âm đến Cây Kè thành 205 dặm rưỡi, cho tên là sông Vĩnh Tế, sai Trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thụy và Chưởng cơ là Phan Văn Tuyên bắt dân trong hạt cùng dân Cao Mên khai đào”(50).

Trong sách Đại Nam thực lục đều ghi tên họ là Phan Văn Tuyên. Ngay cả quan đồng triều là Trịnh Hoài Đức ghi: “Khâm ban Vĩnh Thanh trấn, Trấn thủ Thống chế Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại, Hữu quân Hữu bảo vệ, Vệ úy Chưởng cơ Tuyên Quang hầu Phan Văn Tuyên đổng đốc Vĩnh Thanh trấn dân phu”

Mặc dù ghi là Nguyễn Văn Tuyên nhưng tác giả Nguyễn Văn Hầu có thêm chú thích: “…Tuyên Trung hầu gốc là họ Phan, nhưng nhờ có đại công, nên được triều đình sắc tứ theo họ nhà vua là họ Nguyễn”(51). Trong các sách Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí không thấy chỗ nào nhắc đến việc Phan Văn Tuyên “được triều đình sắc tứ theo họ nhà vua là họ Nguyễn” cả!

Như vậy khi ghi họ tên của nhân vật Phó Đổng đốc đào kinh Vĩnh Tế phải ghi là Phan Văn Tuyên mới đúng.

Ai là Tổng chỉ huy công trình đào kinh Vĩnh Tế

Thông tin kênh Vĩnh Tế trên Wikipedia tiếng Việt: “Công trình đào kênh Vĩnh Tế kéo dài từ thời tướng Nguyễn Văn Nhơn làm Tổng trấn Gia Định thành(1819-1820) cho đến thời tướng Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định thành (1820-1832) mới xong. Có thể xem hai ông như là “Tổng chỉ huy” của công trình. Ngoài ra, lần lượt còn có sự góp sức của hai Phó Tổng trấn là Trương Tấn Bửu và Trần Văn Năng” .

Ngoài ra trong bài “Gia Định thành Tổng trấn Lê Văn Duyệt với việc đào sông Vĩnh Tế”, tác giả Nguyễn Thiệu Lâu viết: “Người phụ trách đào là Gia Định thành Tổng trấn Lê Văn Duyệt”; “Ta nhớ ơn ông cha ta ngót bốn mươi ngàn vị đã hàng năm đào con sông này, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Gia Định thành Tổng trấn Lê Văn Duyệt từ năm 1819 đến năm 1824”(52)

Wikipedia tiếng Việt ghi những người chỉ huy trực tiếp giai đoạn 1 là Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Văn Tồn; Giai đoạn 2 là Nguyễn văn Thoại, Nguyễn Văn Tuyên và Trần Công Lại; Giai đoạn 3 là Nguyễn Văn Thoại và Trần Công Lại.

Theo sách Đại Nam thực lục vào giai đoạn 2 do số lượng binh dân cần huy động rất nhiều, binh dân của trấn Vĩnh Thanh không đủ cung cấp mà cần phải huy động binh dân cả Gia Định thành nên giai đoạn 2 “Sai Tổng trấn Gia Định là Lê Văn Duyệt trông coi”“Chưa được bao lâu, Duyệt có bệnh, sai Phó Tổng trấn Trương Tiến Bửu làm thay”(53). Giai đoạn 2 kết thúc “Thưởng cho Lê Văn Duyệt gia 1 cấp và đoạn mãng, đoạn hoa đều 1 tấm; Trương Tiến Bửu và bọn giám tu chuyên biện được thưởng kỷ lục và bạc lụa theo thứ bậc”(54).

Giai đoạn 1 và 3 không thấy nhắc đến tên Lê Văn Duyệt, chỉ thấy nhắc đến tên Nguyễn Văn Thoại, Phan Văn Tuyên và Trần Công Lại. Tháng 5 năm Giáp Thân[1824] đào kênh Vĩnh tế xong “Thưởng kỷ lục và sa, bạc cho đổng lí Nguyễn Văn Thụy cùng những người tham biện, tùy biện”(55)

Ngày nay đứng từ trên đỉnh núi Sam phóng tầm nhìn dọc theo kinh Vĩnh Tế bắt đầu từ Châu Đốc về hướng Hà Tiên ta càng khâm phục tầm nhìn chiến lược cũng như công lao của tiền nhân. Vào tháng Chạp năm Bính Tí[1816] (ngày mùng 1 tháng chạp năm Bính Tí tương ứng với dương lịch là thứ sáu 17/01/1817 chứ không còn ở năm 1816 nữa!) vua Gia Long xem bản đồ Châu Đốc và bảo thị thần: “Đất này nay mở đường sông để đi thẳng tới Hà Tiên, làm ruộng đi buôn đều được lợi cả. Sau này dân ở đông đúc, đất mở rộng rãi, có thể thành một trấn to lớn”(56). Khi ra lệnh đào kênh Vĩnh Tế vua Gia Long có chiếu dụ dân Vĩnh Thanh rằng: “Đào con sông này công việc rất khó nhọc. Kế sách của nhà nước, mưu hoạch về biên thùy, đều quan hệ không nhỏ, mà thực có lợi muôn đời. Vậy nên bảo nhau đừng sợ khó nhọc”(57).Để chuẩn bị khởi công giai đoạn 2 vua Minh Mạng đã xuống dụ cho Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt: “Đường sông Vĩnh tế liền với một lộ tân cương, xe thuyền được lợi rất nhiều. Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta mưu sâu tính kỹ, để í đến việc biên cương, buổi đầu đã một lần đào, công việc chưa xong. Trẫm noi chí trước, dốc lo làm sao một lần khó nhọc để thong thả lâu dài, khanh nên tính toán thế nào, hẹn ngày tâu công để xứng ý trẫm”(58). Như vậy người “Tổng chỉ huy” công trình đào kênh Vĩnh Tế chính là vua Gia Long kế đến là vua Minh Mạng. Nhờ quyết tâm và uy đức của vua Gia Long và vua Minh Mạng nên vua Cao Miên mới cho dân hợp tác đào kênh và chóng hoàn thành như thế.

Khi nghiên cứu về kênh Vĩnh Tế, tác giả Nguyễn Văn Hầu dựa vào tác phẩm Quốc triều chính biên toát yếu, mà đã “toát yếu” thì làm sao ghi chép đầy đủ các sự kiện cho nên không sao tránh khỏi sự thiếu sót. Ngày nay nhiều bộ sách do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn đã được phiên dịch cho nên thế hệ đi sau cần bổ túc những sai sót của thế hệ trước để ngày một hoàn thiện hơn.

Nguyễn Văn Nghệ
7/1 Tô Hiến Thành – Nha Trang-Khánh Hòa

___________________

(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí tập 5, Nxb Thuận Hóa, tr 179.
Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện tập 2, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr 459.

(2) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, tr 958.
Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chính biên toát yếu tập 1, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1998, tr 134.

(3) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 2, Nxb Giáo dục, tr 63.

(4) Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí (Lí Việt Dũng dịch và chú giải), Nxb Tổng hợp Đồng Nai. Phần dịch nghĩa trang 84. Phần chữ Hán không có phiên âm, trang 150 (tính ngược từ sau ra trước).

(5) Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Sđd, Phần dịch nghĩa trang 66. Phần chữ Hán không có phiên âm, trang 117 (tính ngược từ sau ra trước)

(6) Trần Thuận, Nam Bộ vài nét lịch sử – văn hóa, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, TP.HCM-2014,tr 184.

(7) Nguyễn Văn Hầu, Thoại Ngọc hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, Nxb Hương Sen, tr 199

(8) Trần Thuận, Nam Bộ vài nét lịch sử - văn hóa, Nxb Văn hóa- Văn nghệ, TPHCM-2014,tr 187-188

(9) Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chính biên toát yếu tập 1,Nxb Thuận Hóa, Huế-1998,tr 160

(10) Nguyễn Văn Hầu, Thoại Ngọc hầu và… Sđd, tr 193

(11) Trần Thuận, Nam Bộ vài nét… Sđd,tr 186

(12) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, tr 997.

(13) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí tập 5, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr 177

(14) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 2, Nxb Giáo dục, tr 63.

(15) Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí (Lý Việt Dũng dịch và chú giải), Nxb Tổng hợp Đồng Nai. Phần chữ Hán không có phiên âm, trang 146; phần dịch nghĩa,trang 83.

(16) Đại Nam thực lục tập 1, Sđd, tr 997

(17) Đại Nam thực lục tập 2, Sđd, tr 44

(18) Nguyễn Văn Hầu, Thoại Ngọc hầu và những…Sđd, tr 188.

(19) Trần Thuận, Nam Bộ vài nét… Sđd, tr 186.

(20) Trương Thị Yến(Chủ biên), Lịch sử Việt Nam tập 5 Từ năm 1802 đến năm 1858, Nxb Khoa học- Xã hội, Hà Nội-2013, tr 266 (Sách Nhà nước đặt hàng).

(21) Lê Hương, Sử Cao Miên, Nxb Nhà sách Khai Trí, 62 Lê Lợi, Sài Gòn, tr 183-184.Cuối trang tác giả chú thích: “Đây là kinh Vĩnh Tế ở Châu Đốc. Theo sử nước ta thì vua Cao Miên hợp tác với ta vào công cuộc đào kinh chứ không phải bắt buộc”.

(22) Nguyễn Thiệu Lâu, Quốc sử tạp lục, tr. 324 (Tác phẩm Quốc sử tạp lục tôi đang dùng mất những trang đầu và trang chót nên không rõ nhà xuất bản. Nhưng có lẽ xuất bản từ năm 1967 về sau. Bởi vì có bài giới thiệu của Lê Văn Siêu ghi : “ Sài Gòn – 1967”)

(23) Đại Nam thực lục tập 1, Sđd, tr 997.

(24) Trương Thị Yến (Chủ biên), Lịch sử Việt Nam tập 5…, Sđd, tr 267.

(25) Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Sđd. Phần chữ Hán không có phiên âm trang 147; phần dịch nghĩa trang 83.

(26) Nguyễn Văn Hầu, Thoại Ngọc hầu và những… Sđd tr 191.

(27) Đại Nam thực lục tập 1, Sđd, tr 997.
Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Sđd. Phần chữ Hán không có phiên âm, trang 147; phần dịch nghĩa,trang 83.

(28) Đại Nam thực lục tập 1, Sđd, tr 230;802.

(29) Nguyễn Văn Hầu, Thoại Ngọc hầu và những…Sđd, tr 193.

(30) Nguyễn Thiệu Lâu, Quốc sử tạp lục,tr. 325.

(31) Nguyễn Văn Hầu, Thoại Ngọc hầu và những… Sđd, tr 194

(32) Nguyễn Văn Hầu, Thoại Ngọc hầu và những… Sđd, tr 194.

(33) Trần Thuận, Nam Bộ vài nét… Sđd, tr 187.

(34) Trương Thị Yến(Chủ biên), Lịch sử Việt Nam tập 5… Sđd, tr 269.

(35) Đại Nam thực lục tập 2, Sđd, tr 239.

(36) Đại Nam thực lục tập 2, Sđd, trg 260.

(37) Đại Nam thực lục tập 2, Sđd, tr 331.

(38) Đại Nam thực lục tập 2, Sđd, tr. 351.

(39) Đại Nam thực lục tập 1, Sđd,tr 958-959.
Đại Nam nhất thống chí tập 5, Sđd, tr 179

(40) Nguyễn Văn Hầu, Thoại Ngọc hầu và những cuộc…, Sđd, tr 178.

(41) Đại Nam thực lục tập 1, Sđd, tr 385; 414.

(42) Đại Nam thực lục tập 2, Sđd, tr 154.

(43) Trần Thuận, Nam Bộ vài nét… Sđd, tr 183.

(44) Đại Nam thực lục tập 1, Sđd, tr 974.

(45) Đại Nam thực lục tập 2, Sđd, tr 123.

(46) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện tập 2,Nxb Thuận Hóa, Huế-1993, tr 545; 548.

(47) Đại Nam liệt truyện tập 2, Sđd, tr 561.

(48) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, đệ thất kỷ, Nxb Văn học- Văn nghệ,tr249.

(49) Đại Nam liệt truyện tập2, Sđd, tr 304.
Đại Nam nhất thống chí tập 5, Sđd, tr 196.

(50) Đại Nam nhất thống chí tập 5, Sđd, tr 177.

(51) Nguyễn Văn Hầu, Thoại Ngọc hầu và những…Sđd, tr 168.

(52) Nguyễn Thiệu Lâu, Quốc sử tạp lục,tr.

(53) Đại Nam thực lục tập 2, Sđd, tr.259-260.

(54) Đại Nam thực lục tập 2, Sđd, tr.280.

(55) Đại Nam thực lục tập 2, Sđd, tr. 351.

(56) Đại Nam thực lục tập 1, Sđd, tr 940.
Quốc triều chính biên toát yếu tập 1, Sđd, tr 129.

(57) Đại Nam thực lục tập 1 Sđd, tr.997.

(58) Đại Nam thực lục tập 2,Sđd, tr.239


___________________