Soạn giả Viễn Châu
Bản Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu ra đời rồi dần dần biến đổi hình thức, phát triển thành bản vọng cổ. Từ đó, bản vọng cổ nhanh chóng được công chúng đón nhận và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nam bộ.
Bài vọng cổ ban đầu có 6 câu, với cấu trúc như sau: nói lối hoặc bài bản vắn gối đầu + câu 1, 2 và 3; dứt câu 3 sẽ xen nói lối hoặc bài bản vắn + câu 4, 5 và 6. Với cấu trúc này, 1 cái đĩa than sẽ thu được trọn bài vọng cổ (1 mặt thu được nửa bài). Theo soạn giả Huỳnh Anh, trong những năm cuối 1950, đầu 1960, dòng nhạc mới với giai điệu Bolero nhẹ nhàng, lời ca dung dị, mộc mạc, gần gũi với đại bộ phận quần chúng nhân dân.
Khán giả của dòng nhạc mới này phù hợp với khán giả của bài vọng cổ. Bên cạnh đó, dòng nhạc trữ tình cũng có nội dung gần gũi với cuộc sống, nên nó là chất xúc tác để các soạn giả nghĩ đến việc nối kết giữa tác phẩm âm nhạc và bài vọng cổ, gọi là bài “tân cổ giao duyên”. Người đi tiên phong sáng tác bài tân cổ giao duyên là nghệ sĩ nhân dân (NSND) - soạn giả Viễn Châu.
Đời có cái quên, cái nhớ, nhưng khi nhắc lại bài tân cổ giao duyên, NSND - soạn giả Viễn Châu vẫn còn nhớ vanh vách lần đầu tiên ông “thử nghiệm”. NSND - soạn giả Viễn Châu nhớ lại: Lúc ấy, ở Sài Thành có hàng chục hãng đĩa ra đời để sản xuất đĩa ca vọng cổ phục vụ cho giới mộ điệu. Các hãng đĩa trong những năm cuối 1950, đầu 1960 cạnh tranh với nhau gay gắt nên soạn giả thời đó rất uy tín, được các hãng đĩa săn đón nồng nhiệt.
Chính sự cạnh tranh đã khiến các soạn giả phải suy nghĩ để tìm ra cái mới cho bài vọng cổ của mình. Sau nhiều đêm ấp ủ, bài tân cổ giao duyên đầu tiên Cô hàng chè tươi của ông ra đời. Khi viết bài tân cổ giao duyên, ông đã mạnh dạn rút ngắn phần vọng cổ (bỏ câu 3 và 4) để đưa tân nhạc vào, tạo thành bài tân cổ giao duyên hoàn chỉnh. Khi ông viết xong bài tân cổ giao duyên Cô hàng chè tươi (khoảng năm 1960) thì vẫn chưa biết đặt tên nó là gì. Mãi sau này, ông mới đặt tên cho nó là tân cổ giao duyên.
Tuy nhiên, bài tân cổ giao duyên thứ 2: Chàng là ai của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết do soạn giả Viễn Châu viết lời vọng cổ, hãng dĩa Hồng Hoa phát hành đã được phổ biến trước bài Cô hàng chè tươi. Chính vì vậy, bài tân cổ giao duyên Chàng là ai được xem như là bước ngoặt mở đầu cho trào lưu sáng tác tân cổ giao duyên.
NSND - soạn giả Viễn Châu chia sẻ: Ông còn nhớ, khi viết xong bài tân cổ giao duyên Cô hàng chè tươi, ông đưa cho NSND Lệ Thủy hát. Lúc này, NSND Lệ Thủy mới 14 tuổi, cô đắn đo: “Sao vọng cổ mà có xen ca nhạc vào, thấy kỳ quá chú Bảy?”. Ông cười bảo Lệ Thủy an tâm đi, cô hát bài này thì sẽ nổi tiếng. Quả thật, sau khi hãng dĩa Hồng Hoa thu âm, phát hành bài Chàng là ai, rồi đến Cô hàng chè tươi thì bài tân cổ giao duyên được đông đảo thính giả đón nhận và tên tuổi Lệ Thủy bắt đầu tỏa sáng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư TU TP.HCM Lê Thanh Hải trao tặng danh hiệu Nghệ Sĩ Nhân Dân cho các nghệ sĩ Ngọc Giàu, Kim Cương và soạn giả Viễn Châu
Khi những bài tân cổ giao duyên đầu tiên của soạn giả Viễn Châu ra đời thì ông bị chỉ trích nặng nề, nhất là đối với những người lớn tuổi, theo khuynh hướng bảo vệ bài vọng cổ truyền thống. Báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ cũng mạnh tay phê phán soạn giả Viễn Châu, cho rằng ông làm hư bài vọng cổ chính thống.
Tuy nhiên, soạn giả Viễn Châu vẫn không dao động. Ông bình tĩnh đọc tất cả các bài báo, lắng nghe hết các ý kiến khen chê, suy ngẫm để rồi quyết định vẫn tiếp tục sáng tác tân cổ giao duyên để làm phong phú thêm cho bài bản vọng cổ, giúp công chúng có thêm món ăn tinh thần ngon miệng. Sau thành công ngoài mong đợi của Cô hàng chè tươi và Chàng là ai, Soạn giả Viễn Châu tiếp tục chọn những bản nhạc có giai điệu êm ái, nhẹ nhàng, lồng vào bản vọng cổ của các tác giả Nguyễn Hữu Thiết, Nguyễn Văn Đông, Phạm Duy, Trần Thiện Thanh... để viết lời vọng cổ. Từ đó, bài tân cổ giao duyên trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của giới mộ điệu. Tính đến nay, soạn giả Viễn Châu đã viết khoảng hơn 2.000 bài tân cổ giao duyên, gắn liền với tên tuổi của các nghệ sĩ Thanh Nga, Thành Được, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Minh Phụng, Ngọc Giàu...
Các soạn giả thường lấy nội dung bài tân nhạc, phát triển thêm để thành nội dung bài tân cổ giao duyên. Cấu trúc của bài tân cổ giao duyên thường là: 1 đoạn nhạc + câu 1 và 2 vọng cổ + 1 đoạn nhạc hoặc nói lối + câu 5 vọng cổ, dứt xề sẽ chen 1 đoạn nhạc rồi chuyển qua vọng cổ phần cuối câu 6. Theo soạn giả Huỳnh Anh, với cấu trúc như trên đã làm cho phần âm nhạc và lồng bản vọng cổ hòa quyện, đan xen vào nhau, tạo sự phong phú, mới lạ cho người nghe.
Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết với soạn giả Viễn Châu NSND Diệp Lang
Tuy nhiên, trong hàng trăm soạn giả viết tân cổ giao duyên, thì chỉ có cái tên Viễn Châu được nhiều người nhớ đến. Bởi vì, theo soạn giả Huỳnh Anh, sở trường sáng tác của Viễn Châu là đi vào đời thường với ca từ bình dị, mộc mạc, dễ hiểu. Đặc biệt là trong bài vọng cổ nói chung và tân cổ giao duyên nói riêng của ông thường có nhân vật cụ thể. Các nhân vật ấy thường có tâm trạng, nỗi niềm, trăn trở, suy tư gần gũi với cuộc sống đời thường nên dễ đi vào lòng công chúng.
Còn đối với soạn giả Viễn Châu, ông chia sẻ: Để bài vọng cổ nói chung và tân cổ giao duyên nói riêng đi vào lòng công chúng, thì lời ca phải có chất văn học. Chính vì vậy, soạn giả cần phải có vốn kiến thức nhất định về văn học, Hán học, đặc biệt là kiến thức về nhạc lý. Không vững kiến thức nhạc lý, soạn giả sẽ để chữ không đúng với các cung hò, xự, xang, xê, cống... Nửa thế kỷ đã trôi qua, bài tân cổ giao duyên đã khẳng định được chỗ đứng của mình. Bằng chứng là người ta vẫn ca, vẫn nghe và soạn giả vẫn sáng tác cho đến ngày hôm nay.
Soạn giả Viễn Châu được giới sân khấu gọi là bậc thầy “khai quang điểm nhãn” cho các giọng ca cải lương, hễ ông tạo cơ hội cho ai thì chắc chắn người đó nổi tiếng nhờ tác phẩm của ông. Nhiều bài hát của ông gắn liền với nhiều danh ca: Tình anh bán chiếu (NSND Út Trà Ôn), Hoa lan trắng (sầu nữ Út Bạch Lan), Áo tình đắp mộ người yêu (NSƯT Ngọc Giàu), Tiếng trống tàn canh (nghệ sĩ Thành Được), Quan âm Thị Kính (NSƯT Lệ Thủy), Tu là cội phúc (nghệ sĩ Minh Cảnh), Lắng tiếng chuông ngân (NSƯT Thanh Nga), Nửa đêm sầu hận (NSƯT Mỹ Châu), Hạn Võ biệt Ngưu Cơ (nghệ sĩ Tấn Tài), Mồ chồng ngọn cỏ còn xanh (NSƯT Minh Phụng), Hoa trôi dòng nước bạc (nghệ sĩ Kim Ngọc)... Sau này các nghệ sĩ trẻ như: Vũ Linh, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Vũ Luân... mới bước chân vào làng thu thanh đều chọn bài tân cổ giao duyên của ông để hát đầu tiên.
Nghệ sĩ Ngọc Giàu, nghệ sĩ Lệ Thủy, soạn giả Viễn Châu và nghệ sĩ Bạch Tuyết
Huỳnh Trí Bá là tên thật của nhạc sĩ Bảy Bá, tức soạn giả Viễn Châu. Vì sinh trưởng trong gia đình có 7 người con, ma ông là thứ 7 nên bạn bè trong xóm gọi tên tục thân thiện là “Bảy Bá”. Ông sinh năm 1924 trong một gia đình gia giáo nho học tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Khi còn học ở trường, ông đã mê đờn ca, cả tân lẫn cổ, thường có mặt trong các buổi đờn ca tài tử, hoặc cùng bạn bè tổ chức đờn ca.
Sự hiểu biết về bài bản cải lương là do ông học lóm chương trình ca cổ nhạc ở các dĩa nhựa và đài phát thanh, ngoài ra, ông được dịp làm quen, học hỏi nhiều về đờn ca với nghệ sĩ ở đoàn hát thời xưa như Văn Võ hí ban, bầu Lúa, bầu Phục, bầu Hùng mỗi khi đến địa phương lưu diễn. Bảy Bá có khiếu viết văn , làm thơ và ham mê âm nhạc, năm ông 15 tuổi ông tỏ ra xuất chúng về môn đàn tranh.
Đến năm 19 tuổi, ông đàn thạo các loại đàn tranh, violon, guitar và được nhiều người khen ngợi. Ham vui, ông bỏ nhà lên Sài Gòn tìm đến các ban nhạc lừng danh lúc bấy giờ. Nhờ tài hoa nên ông có mặt trong một dàn nhạc cùng với rất nhiều nhạc sĩ tài danh lúc đó như Jean Tịnh (violon), Bảy Hàm (đàn cò), Hai Biểu (tranh), Chín Hòa (kìm)..., là một ban cổ nhạc có tiếng ở đài phát thanh bấy giờ, đàn cho các danh ca lúc đó như: Cô Năm Cần Thơ, Ngọc Nữ, Ba Vĩnh Long, Tư Bé,... Cái tên Bảy Bá được nổi danh từ lúc đó.
Một kỷ niệm đáng nhớ của nhạc sĩ Bảy Bá trong những năm đầu mới vào nghề là ông thường lui tới những nơi có đờn ca tài tử và quen biết với nhạc sĩ Mười Còn, lúc đó đang đờn cho đoàn Việt kịch Năm Châu. Bất ngờ, trước chuyến lưu diễn ra Hà Nội, nhạc sĩ đàn tranh của đoàn bị bệnh, ông dược dịp thế chân. Trước khả năng đó nhạc sĩ Mười Còn thuyết phục Bảy Bá theo đoàn đi lưu diễn suốt hai tháng rưỡi... nhưng khi vừa về tới Sài Gòn thì một người anh của ông là Huỳnh Thanh Tòng bắt ông về quê, không cho theo đoàn hát nữa.
Sau khi cha mẹ mất, ông rời những thân nhân cùng cuộc đời ruộng rẫy nghèo khổ để bắt đầu cuộc phiêu lưu mới vào phạm trù âm nhạc. Ông quyết định trở lên thủ đô, tại Saigòn thì ông ở trọ nhà một người bạn cũng nghèo. Nghệ sĩ Bảy Bá phải mưu sinh bằng nghề đi đờn đám, như các đám cưới, đám hỏi, liên hoan, sinh nhật… Nhiều khi đi về quá khuya, mà cửa nhà đã đóng then cài thì ông không dám kêu cửa vì sợ phá giấc ngủ của người bạn, nên ông kê cây đờn làm gối ngủ phê một giấc cho tới sáng hôm sau ngay ở ngoài hàng ba nhà trọ.
Đó là nỗi đam mê yêu nghệ thuật, và chính nó đã khiến nhạc sĩ Viễn Châu gặp nhiều lận đận, rồi cuộc đời chấp nhận sống lang thang, bụi đời trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Năm 1943, nghệ sĩ Bảy Bá tham gia vào đoàn Việt Kịch Năm Châu và lưu diễn khắp mọi miền đất nước, và được bậc thầy của sân khấu cải lương là ông Năm Châu đã tận tình nâng đỡ về nghề nghiệp.
Phải nói là trên bước đường nghề nghiệp, Bảy Bá được các nghệ sĩ đàn anh tận tình giúp đỡ, như đã nói trong đó có vợ chồng nghệ sĩ Năm Châu và Kim Cúc là phần chính. Nhưng với bản thân ông, ông mang một nỗi niềm đam mê dào dạt bộ môn cải lương, một tâm hồn xao xuyến đa cảm và một khả năng sáng tác dồi dào đã đưa ông đến hết thành công này đến thành công khác. Vì trong khoảng thời gian hơn 60 năm mang kiếp nghệ sĩ cổ nhạc, sự nghiệp sáng tác của ông đã có hơn 70 vở tuồng và hơn 2.000 bản vọng cổ. Một gia tài quá lớn mà ông dể lại cho nền âm nhạc Việt Nam. Những khía cạnh đáng nhớ về soạn giả Viễn Châu:
Vọng Cổ Hài Hước: Ông là người tạo ra hệ phái vọng cổ hài hước mà sau này nhiều gương mặt nổi danh nhờ những bài ca vui, dí dỏm như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,... Sáng kiến này tạo sự mới mẻ và gây tiếng vang lớn về phạm vi vọng cổ hài hước, nhạc ông đã đưa Văn Hường trở thành một ca sĩ vọng cổ hài hước duyên dáng và độc đáo. Đến nay nhiều người còn nhớ những bài: “Tôi đi làm rể”, “Ba chàng rể quý”, “Tư Ếch đi Sài Gòn”, “Vợ tôi tôi sợ”, “Văn Hường nể vợ”, “Tâm sự Văn Hường”, “Vợ tôi nói tiếng Tây”,...
NSƯT Phương Quang, NS Kiều Sương, NS Phùng Ngọc Bảy, NS Hồng Nga, GSTS Trần Văn Khê chúc thọ soạn giả Viễn Châu
Tân Cổ Giao Duyên: Từ năm 1964, ông mạnh dạn làm một cuộc cách mạng bằng một cuộc giao duyên giữa nhạc tân và nhạc cổ. Bản đầu tiên “Chàng là ai?” (Tân nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết), bản nhạc này do nữ nghệ sĩ Lệ Thủy ca. Dù lúc đó có một số ý kiến chống báng, không đồng tình với sự giao duyên tân cổ nhạc này. Nhưng càng về sau quần chúng đã nồng nhiệt chấp nhận những tác phẩm của ông, nên các hãng đĩa thay nhau ký hợp đồng mời soạn giả Viễn Châu cộng tác. Một số đoàn hát lúc đó cũng theo loại nhạc ghép tân cổ giao duyên và thêm vào đôi hai giọng ca tân nhạc và vọng cổ. Thời gian trôi qua vọng cổ đã thăng hoa, các danh ca được người xem ưa thích nhờ làn hơi “mùi”, mượt mà, nhưng nội dung bản vọng cổ cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng giúp cho người nghệ sĩ thể hiện giọng ca của mình. Soạn giả Viễn Châu được mệnh danh là “người tạo danh cho các nghệ sĩ”, bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài “Hòn vọng phu”, Tấn Tài với “Mùa xuân của mẹ”, Út Trà Ôn với “Tình anh bán chiếu”, Bạch Tuyết với “Hai sắc hoa Ti-gôn”, Thanh Nga với “Nguyệt Kiểu xuất gia” và “Hai lối mộng”,...
Vở Tuồng Cải Lương: Trong liên tiếp nhiều thập niên kể từ cuối thập niên 1940, soạn giả Viễn Châu đã sáng chói trên vòm trời nghệ thuật sân khấu cải lương, ông thành công với khoảng 70 vở tuồng được xem là ăn khách hàng đầu, như Sau Bức Màn Nhung, Đời Cô Nga, Hoa Mộc Lan, Hàn Mạc Tử, Nợ Tình, Qua Cơn Ác Mộng…
Tóm lại, tên tuổi của soạn giả Viễn Châu đã thật sự thành công vượt bực trong ngành cổ nhạc. Như trên đã trình bày ông viết nhiều tuồng cãi lương, những bản vọng cổ ăn khách nhất với lời văn mượt mà, bay bướm, nhẹ nhàng đầy chất thơ nhạc, nhiều tác phẩm của ông gợi lại hình ảnh nông thôn lam lũ và bình dị, để châm biếm những cảnh trái tai, gai mắt trong xã hội muôn mặt, hay để hoài niệm về một thời dĩ vãng, bày tỏ tâm sự của những tâm hồn đa cảm và những mối tình dang dở.
Người ái mộ ông chưa hẳn là thích cốt chuyện tình tiết éo le, nhưng vì những tuồng tích quen thuộc đó được ông đệm vào bằng những lời ca văn chương trau chuốt, mượt mà và rất trữ tình. Do đó nếu so sánh giữa những bài ca vọng cổ đơn chiếc và những vỏ tuồng cải lương dài thì vì tài viết văn ghép vào nhạc của ông quá xuất sắc hay quá điêu luyện, nên ông được nhiều bình luận gia về cổ nhạc cho rằng ông đã vượt trội về tên tuổi trong các tác phẩm vọng cổ hơn là soạn giả của những vở tuồng dài cải lương. Lời nhận xét này cũng là lời kết luận của bài viết này vậy.