Nhạc Vàng Boléro
Trước năm 1975, nhạc sĩ Nam Lộc nổi tiếng với các bài nhạc ngoại được ông viết lời Việt, tiêu biểu là Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu (bài gốc là Tell Laura I Love Her) và Mây Lang Thang (bài gốc là A Cowboy’s Work is Never Done).
Những bài hát nổi tiếng của nước ngoài được nhạc sĩ Nam Lộc đặt lời Việt với một phong cách rất riêng, mang lại cái hồn Việt rất đậm nét đến nỗi nhiều người không biết đó là nhạc ngoại, tưởng là cả nhạc và lời đều của Nam Lộc. Cũng vì vậy mà không nhiều người biết rằng trước năm 1975, nhạc sĩ Nam Lộc chưa từng tự sáng tác một ca khúc nào, và ca khúc đầu tiên mà ông viết cả nhạc lẫn lời là Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt, vào thời điểm ông trên đường rời khỏi Sài Gòn vừa thất thủ. Bài hát thứ 2 của Nam Lộc cũng viết về cuộc di tản của hàng triệu người Việt thời điểm đó, bài hát mang tên Người Di Tản Buồn.
Nhạc sĩ Nam Lộc nói về ca khúc này như sau:
“Bài Người Di Tản Buồn, có thể nói là phần hai của bài Sài Gòn Vĩnh Biệt, bởi vì khi tôi đã chấp nhận một cuộc sống cô đơn ở xứ người, một mình sống trong một căn phòng nhỏ, ban ngày đi làm, ban đêm trở về, cuộc sống cứ kéo dài lê thê như vậy, thì rõ ràng đây là một người di tản, nói cho đúng là một người tị nạn cô đơn, buồn khổ, bởi lúc đó tôi sống trong một thành phố nhỏ bé nghèo nàn. Dĩ nhiên là khi cô đơn như vậy, ngồi trong phòng một mình, nghĩ đến gia đình, nghĩ đến đất nước, đặc biệt thời gian đó, lại còn nghe đến tin những người bạn đồng ngũ với mình bị bắt đi cải tạo, và dĩ nhiên nghĩ đến người yêu của mình, người tình của mình, nên tôi đã viết Người Di Tản Buồn”.
Chiều nay có một người đôi mắt buồn
Nhìn xa xăm về quê hương rất xa
Chợt nghe tên Việt Nam ôi thiết tha
Và rưng rưng lệ vương mắt nhạt nhòa…
Bạn ơi đó là người di tản buồn
Ngày ra đi lặng câm trong đớn đau
Rồi đêm khuya về trong đôi mắt sâu
Đời như chôn vào con phố u sầu…
Cho tôi xin lại một ngày, ở nơi nơi thành phố cũ
Cho tôi xin lại một đời, một đời sống với quê hương
Cho tôi đi lại đoạn đường, hàng cây vương dài bóng mát
Cho tôi an phận ngàn đời, bên bờ đê vắng làng tôi…
Bài hát được chia thành 3 đoạn, với phần đầu là nỗi nhớ quê hương của “người di tản buồn”, nhớ về từng con phố, từng hàng cây, với niềm đau cắt lòng vì bất đắc dĩ phải rời xa đất mẹ, luôn luôn mơ về một ngày được về lại chốn cũ quê xưa.
Ở đoạn thứ 2 là lời nhắn nhủ về người yêu còn ở lại, về những người quen biết từng có một thời dấu yêu đã xa:
Chiều nay có một người di tản buồn
Gọi tên ai gởi theo cơn gió bay
Tình yêu ơi còn đâu những ngất say
Người yêu ơi giờ thương nhớ dâng đầy
Này em có bao giờ em biết rằng
Ở nơi đây mùa thu rất ngỡ ngàng
Chiều rơi nhanh và đêm xuống rất mau
Thời gian không còn những phút nhiệm màu…
Cho tôi xin lại nụ cười, nở trên môi người yêu dấu
Cho tôi yêu lại từ đầu, khi vừa chớm biết thương đau
Cho tôi xin lại cuộc tình, từ lâu tôi hằng mơ ước
Xin cho tôi gởi lòng này, đến người yếu dấu ngày xưa
Đặc biệt là ở đoạn cuối cùng, tác giả cũng nhớ những về những người bạn, những ᴄhιến hữu đã từng sát cánh bên nhau vào những lúc khó khăn nhất. Đó có thể là những người còn sống nơi lao tù, hoặc là đã rời bỏ cuộc đời mà không có mảnh đất chôn thây, và nhạc sĩ Nam Lộc đã nói rằng đây là đoạn nhạc xúc động nhất mà ông đã từng sáng tác:
Chiều nay có một người di tản buồn
Gọi anh em còn ai hay mất ai
Còn bao nhiêu thằng xông pha chiến khu
Và bao nhiêu nằm trong những lao tù
Ở đây có những chiều mưa rất nhiều
Nhiều hơn khi hành quân trong tháng mưa
Buồn hơn đêm rừng thưa vang tiếng bom
Ngày vui ơi giờ đâu nữa không còn
Cho tôi xin lại ngọn đồi, ở nơi tôi dừng quân cũ
Cho tôi xin lại bờ rừng, nơi từng chiến đấu bên nhau
Cho tôi xin một lần chào, chào bao nhiêu người đã khuất
Xin cho tôi một mộ phần, bên ngàn ᴄhιến hữu của tôi
Một điều dễ nhận thấy là bài hát có nhiều đoạn “xin cho tôi” được lặp đi lặp lại, là lời cầu xin cho quê hương qua được nỗi đau thương, cho nụ cười lại được nở lại trên môi những người dân hiền. Cuối cùng là lời chào thân ái đến những người đã khuất, rồi khi nằm xuống thì xin được một mộ phần bên cạnh những chiến hữu đã từng sát cánh bên nhau những giờ phút sinh tử…
Bài hát Người Di Tản Buồn đã nói lên được tâm cảnh của hàng triệu người, nên có lẽ là bất kỳ ai nghe được cũng đều cảm thấy nỗi xúc động dâng trào, cảm thương cho cả một thế hệ đã phải chịu quá nhiều nỗi trầm luân.