1.– Làm theo lời hứa của cố nhạc sĩ Võ Tấn Hưng tức Năm Hưng, tác giả quyển Cổ Nhạc Tầm Nguyên. Năm 1973, anh Năm đã đem quyển Cổ Nhạc Tầm Nguyên gồm 3 tập đánh máy trong đó bao gồm các bài bản căn bản của Nhạc Tài Tử Nam Bộ và các bài bản nhỏ Sân khấu Cải lương (bản đờn và bài ca), nhờ tôi điều chỉnh, bổ sung và cho đánh máy lại hầu đem phổ biến trong giới chơi Nhạc Tài Tử và sau đó nếu có đủ điều kiện tài chánh anh sẽ xuất bản.
Những bài bản trong quyển Nhạc Tài Tử này phần lớn là trích ra từ quyển Cổ Nhạc Tầm Nguyên của anh Năm Hưng. Nhớ khoảng năm 1959 -1960 khi tôi đến chơi nhà của anh tại bến Phạm Thế Hiển Quận 8 thì lúc nào, nếu không có học trò của anh học ca thì anh ngồi trước máy đánh chữ loại xách tay cặm cụi đánh từng bản đờn và lời ca. Anh tâm sự:“Tôi đã sưu tầm số bài bản này trong suốt mấy mươi năm khi tôi theo đờn các đoàn hát lưu diễn khắp các miền đất nước và tôi đã biên soạn và đánh máy suốt 11 năm nay mà chưa xong”.
Qua câu tâm sự của anh cho thấy rằng anh đã có công rất lớn trong việc sưu tầm bài bản mà hôm nay Câu Lạc Bộ Đờn Ca Tài Tử Quận 8 thừa hưởng được.Thay mặt Câu Lạc Bộ Đờn Ca Tài Tử Quận 8 xin chân thành biết ơn anh.
2.– Phong trào Đờn Ca Tài Tử Nam bộ đã phát triển đều khắp trên mọi miền đất nước. Bài Bản bị tam sao thất bổn, do đó những bài bản thường không được thống nhứt nơi các Nhóm Tài Tử. Phổ biến quyển Nhạc Tài Tử Nam Bộ với hy vọng đáp ứng được nhu cầu của giới chơi Nhạc Tài Tử và mục đích chánh là đưa ra số bài bản để tham khảo cùng các bè bạn tri âm hầu chúng ta sau khi hội ý và đồng thuận, có được những bài bản vừa thống nhứt, vừa căn bản lại lại vừa hay.
Đó là tôi đã góp phần vào việc bảo tồn và phát huy Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ vậy.
Quận 8, ngày 24 tháng 3 năm 1997.
Nguyễn Tấn Nhì
Giữa cuối thế kỷ 19, Nhạc Tài Tử được phổ biến ở đất Nam Bộ là do các thầy đờn gốc miền Trung cùng một số sĩ tử ra kinh đô Huế du học mang về. Nhạc Tài Tử lúc ấy còn nghèo nàn về bài bản cũng như hơi điệu, chỉ vài bản Lý, vài bản hơi Bắc, Nam, Dựng...
Từ khi một số nhạc công của triều đình bỏ kinh thành vào Nam cũng như sau này có một số sĩ phu yêu nước, hưởng ứng Phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi khởi xướng (1885), bị Pháp lưu đày, làm nghề dạy nhạc, thâu nhận học trò thì từ đó Nhạc Tài Tử đã trở thành một phong trào rộng khắp trên đất Nam Bộ.
Tiếp thu được những tinh hoa của Nền âm nhạc ngũ cung đông phương, cũng như với trình độ học vấn uyên thâm, họ đã cải biên những bài bản của Ca nhạc Huế và đồng thời sáng tác mới một số bài bản và lời ca, hợp với ngôn ngữ của cư dân vùng đất mới, tạo thành những nhạc phẩm hoàn chỉnh, mang tính bác học.
Nhạc Tài Tử là loại nhạc tinh hoa nhứt trong Nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Người chơi Nhạc Tài Tử có thể đờn hay hoặc đờn dở, chuyên nghiệp để kiếm sống hay chơi nhạc để giải trí.
Nhạc Tài Tử là một loại nhạc có tính cách tiêu khiển khi nhàn rổi, không có tính sân khấu, chỉ cần vài ba người với vài ba cây đờn trong số các nhạc cụ như Tranh, Kìm, Cò, Gáo, Tỳ Bà, Tam, Đoản, Tiêu, Sáo, Độc Huyền, Song Lang, ngồi dưới bóng cây, trên bộ ván hay quanh bàn tròn là có thể du dương trầm bổng trong tiếng nhạc và lời ca.
Nhạc Tài Tử là loại nhạc tâm tấu tức do tâm tư tình cảm và sự cảm hứng ngoại cảnh mà tự do sáng tạo chữ đờn. Như vậy bản đờn có quyền thúc nhịp hoặc lơi nhịp tùy theo người đờn ca chung với mình, cũng như có quyền thêm hay bớt chữ đờn trong lòng câu của bài bản, miễn là giữ đúng điệu và đúng nhịp đã qui định mà thôi.
Tên những bài bản Nhạc Tài Tử thường không liên quan đến tính chất của làn điệu, chẳng hạn như bản Lưu Thủy, đờn lên không nghe tiếng nước chảy, bản Hành Vân không thấy có mây bay, ngoại trừ bản Xuân Tình (lớp Điểu Ngữ), Ái Tử Kê, đờn và gõ mô tượng thanh tiếng chim kêu, tiếng gà con mổ trên nia gạo...
Giới chơi Nhạc Tài Tử từ lâu không phân biệt hơi và điệu. Do đó ta thấy các nhạc sĩ đi trước đã dùng lẫn lộn hơi Bắc, điệu Bắc, hơi Oán, điệu Oán... trong các bài bản được lưu lại. Nhạc Tài Tử thuộc hệ thống Nhạc ngũ cung đông phương nên khi phân tích hơi, điệu ta không thể căn cứ vào các nguyên tắc và phương pháp của Nhạc Tây Phương được.
Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, tại Nam Bộ đã có 2 nhóm Nhạc Tài Tử tranh đua nhau quyết liệt về sáng tác bài bản để thu hút môn đệ về mình. Đó là nhóm Nhạc Tài Tử Miền Đông do ông Nguyễn Quang Đại tức Ba Đợi làm trưởng nhóm và nhóm Nhạc Tài Tử Miền Tây do ông Kinh Lịch Trần Quang Qườn làm trưởng nhóm, đã làm cho kho tàng bài bản Nhạc Tài Tử Nam Bộ thêm phong phú về hơi điệu và số lượng.
Trước tiên ta hãy nói về nhóm Nhạc Miền Tây. Nhóm nhạc này được sự cộng tác của các ông Nguyễn Liêng Phong (thầy đờn kiêm nhà văn), Phạm Đăng Đàng (sĩ phu yêu nước, gốc miền Trung bị Pháp lưu đày, soạn bài ca), Nguyễn Tùng Bá (thầy đờn, con của ông Nguyễn Liêng Phong) cùng các ông Thập, ông Thủ (thầy đờn), chủ trương duy trì nguyên tắc đã được các bài bản Nhạc miền Trung áp dụng để cấu tạo âm thanh, vẫn giữ đúng 3 nhịp: Nội, Ngoại Hoán Pháp và Chánh Thất, thâu nạp một số bài bản đã có sẵn và đồng-thời sáng tác mới nhưng vẫn giữ nguyên vẹn phương thức, âm tiết của Nhạc miền Trung. Do đó các sáng tác của nhóm này, giới chơi Nhạc Tài Tử ít hưởng ứng.
Trái lại, nhóm Nhạc Miền Đông được sự cộng tác của nhiều văn nhân lổi lạc cùng với số học trò tài ba của ông Nguyễn Quang Đại như: Sáu Thới, Bảy Nhỏ, Tám Hạnh, Cao Quỳnh Cư, Cao Quỳnh Diêu, Sáu Thoàng, Chín Chiêu, Năm Tịnh, Năm Khiết, Ba Đồng, Năm Huýnh, Tư Chợ, Năm Cần, Giáo Thinh, Cao Hoài Sang, đã chỉnh biên các bài bản của Ca nhạc Huế bằng cách giản dị hóa lối ấn nhịp, để tạo ra nhạc điệu, hòa hợp với ngôn ngữ của cư dân miền đất Nam Bộ. Bài bản chỉ có 2 loại nhịp: nhịp Nội và nhịp Ngoại.
Từ đầu thế kỷ 20, giới chơi Nhạc Tài Tử Nam Bộ muốn tranh đua, thách thức nhau, đều mang số bài bản thuộc 4 hơi điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán ra làm căn cơ bài bản để so tài. Các bài bản này gồm có 20 bản tiêu biểu gọi là 20 Bản Tổ (6 bản Bắc, 3 bản Nam, 7 bài Nhạc lễ và 4 bản Oán) như sau:
I . ĐIỆU THỨC BẮC:
Chơi Nhạc Tài Tử, bao giờ cũng mở đầu buổi đờn ca bằng điệu thức Bắc. Điệu này theo hệ thống ngũ cung chánh (chuẩn) Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, không nhấn, không rung, lấy âm Xàng, Liu làm âm chủ. Điệu Bắc gồm có 6 bản, mỗi bản lấy một chữ trong hệ thống ngũ cung chánh làm chữ khởi đầu: Lưu Thủy (Hò), Phú Lục (Xự), Bình Bán (Xang), Cổ Bản (Xê), Xuân Tình (Cống), Tây Thi (Liu đồng âm với Hò nhưng ở cung cao). Bốn bản đầu là 4 bản đã chỉnh biên và nới nhịp theo phong cách Nhạc Tài Tử Nam Bộ của 4 bản Nhạc miền Trung. Bản Xuân Tình là một sáng tác mới, chỉ lấy cái tên Xuân Tình của bản Xuân Tình Điểu Ngữ ghi trong nhạc mục đời vua Tự Đức mà thôi. Bản Tây Thi do nhóm nhạc sĩ đi dự Vạn Quốc Bác Lãm Hội tại Paris (Pháp quốc) năm 1900 sáng tác để mĩa mai chuyện Cổ nhạc Việt Nam đi Tây, thi trước Hội đồng giám khảo toàn là người Pháp. Sáu bản Bắc lại được chia ra làm 6 bản Bắc Thủ và 6 bản Bắc Vĩ. Mỗi bản có 3 cách nhịp: cấp điệu (nhịp tẩu), trung điệu (nhịp vắn) và quãng điệu (nhịp chấn, nhịp trường). Như vậy điệu Bắc có 18 bản Thủ và 18 bản Vĩ (thường gọi là Thập Bát Thủ và Thập Bát Vĩ). Thông thường trong buổi đờn ca thì 6 bản Bắc được chơi từng cặp theo thứ tự Lưu Thủy Phú Lục, Bình Bán Xuân Tình, Tây Thi Cổ Bản (Tương sinh âm dương ngũ hành: Hò Xự Xang Cống Líu Xê). Thủy là nước nên người xưa có quan niệm nước là yếu tố đầu tiên để mọi sinh vật sống và phú, lấy nghĩa là giàu có. Do đó 2 bản Lưu Thủy và Phú Lục thường được mở đầu nhằm mục đích chúc tụng nhau làm ăn phát tài, giàu có như nước chảy xuôi dòng. Đây cũng là một ý hay đẹp của người đi trước.
II . BẢY BÀI NHẠC LỄ (Điệu Hạ):
Ông Ba Đợi không những dạy Nhạc Tài Tử mà còn bổ sung và chấn chỉnh bộ môn Nhạc lễ. Ông đã đem 7 bài Nhạc lễ còn gọi là 7 bài Cò hay 7 bài Dây nhạc, truyền dạy cho các môn đệ Nhạc Tài Tử. Bảy bài này có cùng hệ thống với điệu thức Bắc nhưng dùng chữ Xề, Ú làm âm chủ. Bảy bài Nhạc lễ có cấu trúc chữ đờn đối nghịch với hơi điệu Bắc và nhứt là phải lên Dây nhạc (dây Nhạc lễ) thì ta mới thấy Điệu Hạ khác với Điệu Bắc nhờ những chữ dây buông (âm thanh chuẩn) rơi đúng vào âm chủ Xề Ú.
Bảy bài Nhạc lễ dùng trong các buổi tế lễ, tính chất trang nghiêm, được Nhạc Tài Tử hóa với từng bản một ý nghĩa:
- Xàng Xê: Theo người xưa, Cung Xàng án theo thuyết âm dương ngũ hành là Thủy (nước) và Xê là Hỏa (lửa), do tương khắc tương sanh mà 2 cung Xàng và Xê đã hài hòa cấu tạo âm thanh, nâng cao nét sinh động phù hợp với lẽ sống cuộc đời.
- Ngũ Đối Thượng: Năm điều ngũ thường Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín mà cổ nhân luôn quan tâm khi đề cập người trên đối với kẻ dưới.
- Ngũ Đối Hạ: Năm điều ngũ thường Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín mà kẻ dưới đối với người trên.
- Long Đăng: Đèn rồng (rồng tượng trưng vua).
- Long Ngâm: Khúc ngâm về rồng tức vua.
- Vạn Giá: Mười ngàn xe của vua.
- Tiểu Khúc: Một khúc nhạc tóm tắt 6 bản nhạc đầu của 7 bài Nhạc Lễ. Trong số 7 bài nầy, Tiểu Khúc là bản ngắn nhứt.
III . ĐIỆU THỨC NAM:
Điệu thức Nam gồm có 3 bản Nam Xuân, Nam Ai và Nam Đảo (Đảo Ngũ Cung), cấu trúc bằng 5 âm chánh Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, nhưng nhấn và rung ở những chữ Xừ Xang Xê Cống. Những lái đờn thường gói gọn trong một ngũ cung. Ba bản nhạc này có 3 âm sắc khác nhau, không bị ảnh hưởng hơi điệu nào trong Nhạc Tài Tử đã có.
- Nam Xuân: Tính chất ung dung, nhẹ nhàng, man mác vì chỉ nhấn và rung nhẹ ở chữ Xừ, Xang, Xê. Âm chủ của hơi Xuân là Xàng Xang. Nếu ta dùng khái niệm cứng (Bắc) mềm (Ai) thì hơi Xuân còn giữ một phần độ cứng của điệu Bắc.
- Nam Ai: Nhấn và rung mạnh ở chữ Xự, Xang và qua Lớp Mái nhấn và rung mạnh chữ Cộng nên điệu nhạc nghe buồn thảm, tỉ tê, bi lụy, tuyệt vọng và nức nở vì có những nhịp đảo phách trong lòng câu.
- Nam Đảo (Đảo Ngũ Cung): Cấu tạo bởi 2 hơi Xuân và Bắc cùng hơi Dựng. Nam Đảo hình thành trên thang âm Hò, Xự, Xang, Xê, Cống nhưng không theo thứ tự mà thường trực tiếp đi từ cung trầm đến cung cao và xen lẫn với điệp khúc Xề Ú Liu Phan, nghe như có sự đảo cung từ hơi dây này sang hơi dây kia. Từ bản Nam Ai chuyển sang bản Đảo Ngũ Cung, dòng nhạc biến đổi tính chất khẩn trương, quyết liệt.
Ba bản Nam kể trên do ông Ba Đợi lấy hơi điệu của các bản miền Trung và nhạc Lễ, viết mới lại theo phong cách Nhạc Tài Tử Nam Bộ. Xưa đờn điệu thức Nam, phải đờn liên hườn Nam Xuân, Nam Ai và Nam Đảo, gồm 239 câu. Song, vì có nhiều lớp trùng lặp nên hiện tại, giới chơi Nhạc Tài Tử, đờn từng bản và bỏ bớt những lớp trùng. Lớp Trống Xuân được các ông Sáu Thoàng, Chín Chiêu (Cần Đước) chuyển từ 2 lớp Trống Xuân qua hơi Ai, tiếp sau bản Nam Đảo và chuyển cung từ Hò Tư sang Hò Nhứt và gọi là 2 lớp Song Cước.
IV . ĐIỆU THỨC OÁN:
Điệu thức Oán, là điệu nhạc đặc thù được sáng tạo tại đất Nam Bộ. Ông Ba Đợi chuyển hơi, chuyển cung và phát triển bản Tứ Đại Cảnh của Nhạc miền Trung từ hơi Bắc dựng thành hơi Oán. Giai đoạn đầu, khoảng cuối thế kỷ 19, bài bản Nhạc Tài Tử có thêm một bản hơi Oán và đó là bản Tứ Đại Vắn cũng còn gọi là Tứ Đại Cảnh Nam Phần nhịp tư. Giai đoạn tiếp theo, những ngày đầu thế kỷ 20, bản Tứ Đại Vắn được phát triển từ nhịp tư sang nhịp 8, được phân câu phân lớp, nhịp nội, nhịp ngoại, gõ mô, đờn chầu thì hơi điệu Oán mới xứng danh là một điệu thức riêng biệt với hơi Ai của điệu Nam. Điệu Oán có cấu trúc các lái đờn thường đi từ 2 ngũ cung (2 octave) và một điểm đặc thù của điệu thức này là nhiều câu trong các lớp thường xuyên có mặt chữ Oan (chữ Phan nhấn và rung mạnh) nên nghe buồn nhưng kiểu buồn bi hùng.
Điệu thức Oán gồm có 4 bản Oán chánh thống là: Tứ Đại Oán, Phụng Hoàng Cầu tức Phụng Hoàng, Giang Nam Cửu Khúc và Phụng Cầu Hoàng Duyên tức Phụng Cầu. Bốn bản Oán Phụ hay Ngoại Oán gồm có: Bình Sa Lạc Nhạn, Thanh Dạ Đề Quyên, Nguơn Tiêu Hội Oán và Võ Văn Hội Oán lần lượt ra đời sau đó và có cấu trúc đúng điệu thức Oán nhưng không tạo được sắc thái mới, thậm chí có bản còn trùng lặp nhiều câu của 4 bản Oán chánh thống.
Bản Tứ Đại Cảnh tương truyền là của vua Tự Đức sáng tác để ca ngợi 4 cảnh lớn của trời đất: Xuân, Hạ, Thu, Đông, nhưng cũng có người cho là vua Tự Đức có ngụ ý tôn vinh bốn cảnh đời thạnh trị thuộc đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức (chữ Đại là Đời).
Tên Tứ Đại Oán cũng có nhiều thuyết:
- Để đối lại sự tôn vinh 4 cảnh đời vua triều Nguyễn, giới Nhạc Tài Tử Nam Bộ đã mỉa mai chế độ phong kiến triều Nguyễn vì bất lực trước nạn ngoại xâm, phế lập tùy tiện liên tiếp 4 đời vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi mà mảnh đất thân yêu của tổ quốc cũng bị rơi vào tay giặc Pháp. Đúng là 4 cái oán lớn hoặc 4 đời oán hận của 4 đời vua sau vua Tự Đức.
- Sở dĩ bản Tứ Đại được mang tên Tứ Đại Oán là vì cấu trúc âm-thanh có ưu thế của số lượng chữ Oan (chữ Cộng nhấn mạnh, ở hơi Nam gọi là Phan, ở hơi Oán gọi là Oan).
- Một số nhạc sĩ ảnh hưởng thuyết Phật Giáo, cho thể xác con người được cấu tạo bằng Tứ đại càn khôn (nước, lửa, gió, đất)… con người luôn bị đau khổ bởi chân lý về sự khổ trong Tứ Diệu Đế là Khổ Đế gồm Sanh, Lão, Bệnh,Tử.
Sự đúng hay sai của các thuyết trên cần phải được nghiên cứu tiếp. Đối với các nhạc sĩ Nhạc Tài Tử Nam Bộ, chữ Oán trong âm nhạc là để chỉ một điệu thức buồn sâu xa nhưng bi hùng chớ không bi lụy như hơi Ai trong điệu Nam. Hơi điệu Oán khi vừa xuất hiện, đã tạo được một thời vàng son không thua kém gì bản Vọng cổ ngày nay. Điệu Oán là một âm điệu chủ đạo của Đờn ca tài tử Nam Bộ qua nhiều thập niên liên tiếp. Các tập bài ca Tứ, Lục, Bát, Thập Tài Tử xuất bản từ năm 1909 đến 1915 tại Sài Gòn đã minh chứng điều này. Một điểm quan trọng khác nữa là vào năm 1915 bản Tứ Đại Oán Bùi Kiệm – Nguyệt Nga là bản Đờn ca tài tử đầu tiên, được ông TốngHữu Định tục danh ông Phó Mười Hai ở Vĩnh Long đưa lên bộ ván để ca ra bộ, mở màn cho Sân khấu cải lương ra đời sau đó.
Sự cấu trúc của bản Tứ Đại Oán rất chặt chẽ về mặt văn học nghệ thuật. Theo quyển Nghệ Thuật Sân Khấu Việt Nam của học giả Trần Văn Khải, một nhà sưu tầm nghiên cứu rất uy tín, thì người sáng tác bản Tứ Đại có thể là một nhạc sư kiêm thi sĩ. Bản Tứ Đại là một bài thơ Bát Cú Đường Luật. Các Lớp 1, 2, Xang Dài 1, Xang Dài 2, Xang Vắn 1, Xang Vắn 2, Hồi Thủ, Xang Dứt, tương ứng với các câu Phá, Thừa, Cặp Trạng, Cặp Luận, Câu Chuyển, Câu Kết của bài thơ Đường.
V. THẬP THỦ LIÊN HUỜN:
Nhóm nhạc Miền Tây đã lấy 10 bản của Ca nhạc Huế gọi là 10 bản Khách, hay 10 bản Ngự, hay Liên Bộ Thập Chương để nguyên cấu trúc chữ đờn, du nhập vào hệ thống Nhạc Tài Tử Nam Bộ và đặt tên là Thập Thủ Liên Hườn để kỷ niệm tên của 4 ông thầy đờn là cụ Thập, cụ Thủ, Nguyễn Liêng Phong, Trần Quang Quờn. Bốn chữ Thập Thủ Liên Hườn là kết hợp chữ Thập (cụ Thập), Thủ (cụ Thủ), Liên (trong Nguyễn Liêng Phong bỏ chữ G) và Hườn (trong Trần Quang Quờn đổi chữ Q thành H).
Theo các bậc tiền bối chơi Đờn ca tài tử Nam bộ, Thập Thủ Liên Hườn ra đời trong giai đoạn:
Vào triều vua Quang Trung, những bản nhạc liên hườn này gắn liền với sứ bộ Nguyễn Huệ (1790) đến kinh đô Thanh triều nhân dịp triều thần cử hành lễ Vạn Thọ mừng Thanh đế Càn Long 80 tuổi. Ở Trung Quốc, sứ đoàn được hướng dẫn tham quan các di tích, thắng cảnh, và khi trở về nước làm 10 bài thơ liên hườn, ca tụng cảnh sắc tươi đẹp của nước này.
Qua nội dung 10 bài thơ liên hườn kể trên, vua Quang Trung truyền cho nhạc quan triều nội, soạn thành 10 bản nhạc để tấu cho vua nghe với nội dung:
- Phẩm Tuyết: Ca ngợi phẩm giá của tuyết với một dải trắng xinh và sự vui chơi của dân chúng trong trò chơi trượt tuyết.
- Nguyên Tiêu: Ca ngợi lễ hội hoa đăng rằm tháng giêng bên Trung Quốc.
- Hồ Quãng: Sứ đoàn được tham quan hồ rộng lớn và đẹp đẻ ở Trung Quốc.
- Liên Hườn: Tả một điệu múa đẹp trong triều nội nhà Thanh mà các vũ công múa vòng, tay liền tay.
- Bình Nguyên: Sứ đoàn được xem cảnh đẹp của đồng bằng bát ngát.
- Tây Mai: Nơi sứ đoàn ở, phía tây có cây mai nở hoa hoặc là một loại mai của các nước miền tây Trung Quốc (tây mai là mai Ấn Độ, Miến Điện ..., nam mai là mai Việt Nam...).
- Kim Tiền: Sứ đoàn vào chầu vua và được ban thưởng tiền vàng.
- Xuân Phong: Sứ đoàn được vua Càn Long ban thưởng mát lòng hớn hở, chẳng khác đón được gió mùa xuân.
- Long Hổ: Vua và tôi gặp nhau vui vẻ như Rồng Cọp gặp nhau.
- Tẩu Mã: Sau cùng, sứ đoàn được vua Thanh tiển đưa và lên ngựa chạy nhanh về nước.
Nội dung từng bản nhạc trong bộ Thập Thủ Liên Hườn, qua giai thoại với tình tiết đậm đà phong phú, giàu chất văn học, được giới chơi Nhạc miền Trung cũng như với chơi Đờn ca tài tử Nam Bộ rất tâm đắt.
VI . TÁM BẢN NGỰ :
Tám bản Ngự do nhóm Nhạc miền Đông Nam Bộ mà trưởng nhóm là ông Nguyễn Quang Đại tức Ba Đợi, lần đầu tiên đem ra giới thiệu với khách mộ điệu nhân dịp vua Thành Thái vào Sài Gòn (1898 - 1899). Hơi Bắc ngự gồm các bản Đường Thái Tôn, Vọng Phu, Chiêu Quân, Ái Tử Kê, Bát Man Tấn Cống); Hơi Ai Ngự gồm 2 bản Tương Tư và Duyên Kỳ Ngộ; Hơi Oán Ngự bản Quả Phụ Hàm Oan.
Qua tên Ngự, tác giả muốn đề cập đến vua. Miền Nam là thuộc địa của Pháp lúc bấy giờ. Nhân dân Nam bộ từ lâu nghe nói vua nhưng chưa được chiêm ngưỡng long nhan. Nhạy cảm trước thời cuộc và để nói lên tình cảm của người miền Nam đối với vua mình, cụ Ba Đợi dùng âm nhạc thay ngôn ngữ để thể hiện lòng mong đợi, sự trung thành, yêu nước mến vua mà nội dung chứa đựng trong từng bản:
- Đường Thái Tôn: Ám chỉ vua Thành Thái là vị vua anh minh như vua Đường Thái Tôn bên Trung Quốc.
- Vọng Phu: Nhân dân Nam Bộ tưởng nhớ vua như vợ nhớ chồng.
- Chiêu Quân: Lòng người miền Nam trung quân, tiết liệt như nàng Chiêu Quân hy sinh cho đất nước, đem thân cống Hồ, khi chết thi thể cũng quay về tổ quốc.
- Ái Tử Kê : Đất Nam Bộ bị giặc Pháp chiếm, nhân dân Nam Bộ như đàn gà con mất mẹ. Hãy thương bầy gà con.
- Bát Man Tấn Cống: Nhớ thuở huy hoàng, Việt Nam là một cường quốc, các nước nhỏ phải hàng năm triều cống.
- Tương Tư: Nhân dân Nam Bộ lúc nào cũng tưởng nhớ đến vua mình.
- Duyên Kỳ Ngộ: Đất Nam Bộ đã giao cho Pháp, bất ngờ lại được gặp vua mình. Đây quả là duyên kỳ ngộ.
- Quả Phụ Hàm Oan: Vua tưởng rằng tất cả người dân Nam Bộ đều ham mê bơ sữa, hùa theo tân trào, nhưng cũng còn có nhiều người muốn đánh đuổi giặc Pháp xâm lăng. Nhân dân Nam Bộ giống như người quả phụ bị hàm oan.
Tám bản Ngự là những bản nhạc nói lên lòng mình với nhà vua nên âm hưởng ít nhiều phảng phất chất điệu nhạc cung đình Huế.
VII . NGŨ CHÂU:
Là 5 hạt châu do nhóm Nhạc Tài Tử Miền Đông (Ba Đợi) khai sanh khoảng cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Ngũ Châu gồm:
- Kim Tiền Bản: Tiền vàng làm căn bản để vua ban thưởng người có công.
- Ngự Giá: Vua lên xe.
- Hồ Lan: Lan nước Hồ.
- Vạn Liên: 10.000 bông sen.
- Song Phi Hồ Điệp: Hai con bướm cùng bay (trong quá trình phát triển bản Song Phi Hồ Điệp, thầy đờn Ba Đồng (Cần Giuộc) chuyển hơi từ Bắc qua Ai Oán ở lớp chót và chuyển cung bậc, tạo nét truyền cảm sâu sắc).
VIII . TỨ BỬU:
Tứ Bửu do nhạc sanh Hai Khị thuộc nhóm Nhạc Tài Tử Bạc Liêu sáng tác khoảng đầu thế kỷ 20 để đáp lại bộ Ngũ Châu của nhóm nhạc Miền Đông. Tứ Bửu là 4 báu vật. Bốn bản nhạc đều mang hơi Bắc gồm:
- Minh Hoàng Thưởng Nguyệt: Vua Đường Minh Hoàng xem trăng.
- Ngự Giá Đăng Lâu: Xe thiên tử lên lầu. Bản Ngự Giá Đăng Lâu, làn điệu phảng phất hơi nhạc Triều Châu. Đây cũng là nét độc đáo của Nhóm Tài Tử Bạc Liêu, mở màn cho loại bài bản Cổ nhạc canh tân trên Sân khấu cải lương sau này.
- Phò Mã Giao Duyên: Theo xưa, sau khi đổ trạng nguyên, vị quan này được nhà vua gã công chúa và làm phò mã. Bản này sao chép lại bản Hành Vân nhưng đổi câu và đổi thành nhịp tư.
- Ái Tử Kê: Cùng một ý nghĩa như bản Ái Tử Kê trong Bát Ngự và cùng số câu nhưng chữ đờn viết khác, ít gõ mô.
Ngoài ra, có một số bài bản cấu trúc lẫn lộn hơi Ai và hơi Oán.
Bản Trường Tương Tư thường gọi là Nam Cung Bình xuất xứ từ bản Nam Bình của Nhạc Miền Trung, được cải biên theo cấu trúc của Nhạc Tài Tử Nam Bộ.
Tương truyền bản Văn Thiên Tường ra đời trước bản Tứ Đại Oán và do ông Trần Quang Thọ, một nhạc công của triều đình, vô cư ngụ tại đất Mỹ Tho, sáng tác vào những thập niên cuối thế kỷ 19. Ông cảm thấy hoàn cảnh nhà yêu nước Thủ Khoa Huân nổi lên chống giặc Pháp xâm lăng (trào vua Tự Đức), giống với hoàn cảnh của ông Văn Thiên Tường, vị quan trào Nam Tống (Trung Quốc) chống giặc Nguyên xâm lăng. Cả hai cuộc kháng chiến đều bị thất bại. Hai ông đều bị giặc bắt, bị tù đày và đến khi bị xử tử, vẫn hiên ngang khí tiết. Ông Trần Quang Thọ mới mượn cái tên của ông Văn Thiên Tường để đặt bài, ca ngợi vị anh hùng dân tộc Thủ Khoa Huân của nước ta. Bản Văn Thiên Tường nơi Lớp Đầu và Lớp Xế Xảng có hơi Ai và ở những Lớp Dựng có hơi Oán với tính chất nhạc bi hùng ở những câu xuống Xàng.
Bản Võ Tắc Biệt ra đời sau bản Văn Thiên Tường, nhưng theo cố nhạc sư Hồng Tấn Phát (Trà Vinh), do hưởng ứng phong trào Duy Tân của những nhà cách mạng Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, bản Văn Thiên Tường và bản Võ Tắc Biệt được tác giả đặt tên, căn cứ vào những chữ trong câu “Văn Thông Thiên Tường Địa Lý, Võ Lực Tắc Thời Biệt Dạng” (văn chương và khoa học mà trao dồi hiểu biết tường tận thì võ lực không cần sử dụng đến cũng giải phóng được dân tộc).
Hai bản Hội Nguơn Tiêu (hơi Bắc) và Bát Bản Chấn (hơi Bắc có chuyển hơi Hạ và hơi Ai ở một vài lớp) từ lâu đã gắn liền cái tên Cửu Nhĩ trong hệ thống bài bản Nhạc Tài Tử Nam Bộ.
Có những bản được lắp ghép bởi nhiều hơi điệu được giới đờn ca hoan nghinh vì không nhàm chán. Ở thể loại này, nhóm Tài Tử Bạc Liêu đã nổi tiếng với những bài bản lắp ghép hơi điệu của những bài bản có sẵn, tạo ra những bản nhạc có giá trị như Liêu Giang, Ngũ Quan, Hoài Lang. Bản Hoài Lang (Dạ Cổ Hoài Lang) do cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác vào khoảng năm 1919, 1920 (có thể những năm nầy là năm phổ biến), thực chất là một bản được lắp ghép một phần của bản Hành Vân và bản Tứ Đại Cảnh. Bản này đã không ngừng được giới đờn ca phát triển từ nhịp đôi sang nhịp tư, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32, nhịp 64 và trở thành bản Vọng Cổ được mệnh danh là bản nhạc vua của Sân khấu cải lương Nam bộ.
Bản Tứ Bửu Liêu Thành do nhạc sĩ Ba Chột (Bạc Liêu) sáng-tác gồm các hơi Bắc, Xuân, Ai, Oán, Ngự đã gợi hứng cho ông Nguyễn Văn Thinh (Tp Hồ Chí Minh) sáng tác bài Ngũ Châu Minh Phổ với sự chuyển cung và chuyển điệu từ các dây Hò I, Hò II, Hò III, Hò IV và trở lại Hò I trong 5 lớp để đối đáp lại. Tứ Bửu Liêu Thành có nghĩa là 4 báu vật của Thành phố Bạc Liêu và Ngũ Châu Minh Phổ có nghĩa là 5 hạt châu công khai phổ biến hoặc do Thành phố Hồ Chí Minh phổ biến.
Cùng thể loại này còn có các bản Nam Âm Ngũ Khúc, Ngũ Cung Luân Hoán, Khúc Hận Nam Quan, Ngũ Khúc Long Phi, đã được giới Nhạc Tài Tử hoan nghinh.
Năm 1943, nhạc sĩ Chín Tâm đã sưu tầm tại Mỏ Cày (Bến-Tre) 5 bản gọi là bộ Tam Bắc Nhị Oán gồm Hội Huê Đăng, Lục Luật Tiêu Hà, Bắc Ngự (3 bản này theo hơi Bắc), Quả Phụ Hàm Oan và Xuân Tình Bát Oán (2 bản này theo hơi Oán). Qua cái tên của bài bản cho thấy tác giả là một người yêu nước, đã hưởng ứng sự sáng tác 8 bản ngự của nhóm Nhạc Miền Đông.
Tóm lại, có nhiều sáng tác mới sau này nhưng cũng chưa thấy có bài bản nào vượt qua hơi điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán, Ngự mà còn giữ được sự chánh thống của 2 Dòng âm nhạc Bình dân và Bác học Việt Nam.