Nhận xét về bộ CD
“20 Bài Bản Tổ Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ Việt Nam”
“20 Bài Bản Tổ Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ Việt Nam”
của Viện Âm Nhạc Việt Nam – 2014
Về “Lời Giới Thiệu”:
Rất tiếc, băng đĩa 20 Bài Bản Tổ do Viện Âm Nhạc Việt Nam phát hành, chưa được toàn thể Hội Đồng Nghệ Thuật nhận xét, góp ý, mà trong hội đồng đó, tôi là một ủy viên, không hề hay biết việc phát hành nên khi được xem và nghe, riêng tôi thì còn nhiều điểm sai sót, cần phải sửa lại và bổ sung, nếu không thì không thể thuyết phục được khách mộ điệu tri âm.
Trong quyển Lời Giới Thiệu kèm theo 5 đĩa nhạc đờn ca, có nhiều lời giới thiệu về Đờn ca tài tử Nam bộ Việt Nam không được đúng với sự hiểu biết bấy lâu nay của giới chơi Đờn ca tài tử Nam bộ về Bản Tổ và 20 Bản Tổ Nhạc Tài Tử.
Thật vậy, từ lâu giới chơi đờn ca, chưa bao giờ gọi các bản Thu Hồ, Lưu Thủy Đoản, Bình Bán Vắn, Kim Tiền Huế... là Bản Tổ của Nhạc Tài Tử mà chỉ coi các bản nầy là các bản nhạc có nguồn gốc từ Đờn ca thính phòng Huế của miền Trung, hoặc là các bài bản nhỏ, mới sáng tác sau nầy do nhu cầu tình huống kịch của Sân Khấu Kịch Cải Lương.
Nói đến Đờn ca tài tử Nam bộ, ít nhứt ta phải biết rõ lịch sử hình thành trong thời gian và không gian nào mà nó trở thành bộ môn Đờn ca vui chơi giải trí độc đáo, vừa bình dân vừa bác học, lại mang tính triết lý đông phương rất cao, do đó tính chất nhạc, những quy ước, phong cách trình tấu của nó, ta cũng cần phải biết để khỏi ngộ nhận nó với loại hình Đờn ca Cổ nhạc và Sân khấu Cải lương thông thường.
Năm 1885, theo Hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi, ông Ba Đợi tức Nguyễn Quang Đại, một nhạc công của triều đình, thuộc dòng họ Nguyễn Nhữ, thôn Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Qnảng Trị, bỏ kinh thành Huế, vào Miền Đông Nam Bộ làm nghề dạy Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, nơi đâu có thầy đờn Ba Đợi mở lò dạy đờn ca, thí dụ như Sài Gòn Đa Kao, Bình Thạnh, Gia Định, Thủ Đức, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Chợ Lớn, Cần Giuộc, Cần Đước, Tân An, thì các nơi đó xuất hiện nhiều người chơi Đờn ca cổ nhạc với nhiều loại nhạc cụ như đờn tranh, đờn kìm, đờn cò, đờn tỳ bà, đờn tam, độc huyền, ống tiêu, ống sáo, chơi đờn ca với các loại bài bản rất dài, có thủ có vĩ có hồi thủ, với nhiều hơi điệu bắc, hạ, nam, oán, rất thích hợp với cảnh nông nhàn của người dân Nam bộ, đã gây ra phong trào ưa thích Đờn ca tài tử Nam bộ, nhiều Ban tài tử được lập ra, thường xuyên đờn ca, giao lưu, trau giồi nghệ thuật, có khi thâu đêm suốt sáng, rất nhiều nhà khá giả, mời thầy đờn về nhà, nuôi ăn nuôi ở, để dạy cho con em mình học đờn ca.
Những ngày đầu của TK20, ở Nam Bộ có 2 Nhóm Nhạc Tài Tử, Miền Đông do ông Ba Đợi làm trưởng nhóm, Miền Tây do ông Ký Hườn làm trưởng nhóm, đã ganh đua nhau, sáng tác bài bản để thu hút học trò về mình, vô tình làm cho kho tàng bài bản Đờn ca tài tử Nam bộ thêm phong phú, do đó cách chơi Đờn ca tài tử của 2 miền Đông và Tây cũng có nhiều điểm dị biệt.
Khoảng thập niên thứ 2, tại Nhà Dài, xã Tân Lân, Cần Đước Tân An, với sự trung gian hòa giải của các thầy đờn Nguyễn Liêng Phong, Nguyễn Tùng Bá, Phạm Đăng Đàng, 2 nhóm Nhạc Miền Đông và Miền Tây, ngồi lại với nhau, mở ra cuộc họp, dưới sự chủ trì của thầy đờn Ba Đợi, để thống nhứt bài bản và phong cách trình tấu Đờn ca tài tử Nam bộ. Từ cuộc họp nầy, 20 Bài Bản Tổ mới ra đời, những bài bản được lựa chọn, tiêu biểu cho 4 điệu nhạc của Đờn ca tài tử Nam bộ, có cấu trúc âm thanh khác nhau, 6 bản điệu Bắc, 7 bài điệu Hạ (nhạc lễ), 3 bản điệu Nam, 4 bản điệu Oán và 4 hơi Xuân, Ai, Đảo, Ngự. Ngoài các cấu trúc âm thanh của 4 điệu 4 hơi nầy ra, các hơi điệu Quảng Đông, Triều Châu, Khờ Me, ký âm theo Nhạc Tây phương, không đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam, giới chơi Đờn ca tài tử Nam bộ chính thống, không chấp nhận.
Do đó, từ lâu cái tên gọi Đờn ca tài từ Nam bộ, giới chơi Nhạc cổ truyền Nam bộ đều hiểu rõ là một loại hình nghệ thuật được kế thừa từ hơi điệu lý dân ca, hò, vè, ngâm vịnh, ru con, nhã nhạc cung đình Huế, nhạc Lễ, nhạc Hát Bội, mang đậm nét đặc thù dòng âm nhạc phương Nam, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, mà nồng cốt là 20 Bài Bản Tổ, tiêu biểu cho 4 điệu hơi Bắc, Hạ, Nam, Oán, Xuân, Ai, Đảo, Ngự cùng với những bài bản có cấu trúc âm thanh giống với 20 bài bản Tổ.
Hơn 100 năm, từ khi Đờn ca tài tử Nam bộ hình thành và định hình, chưa có sáng tác hơi điệu nào ra đời, vượt qua được hơi điệu của 20 bài bản Tổ mà còn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Năm 1918, khi Ca kịch Cải lương ra đời, Đờn ca tài tử Nam bộ chính thống, nguyên thủy, lối chơi bài bản, thính phòng, tri âm tri kỷ vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay, nhưng nay lại phát sinh ra một lối chơi Đờn ca tài tử ứng dụng cho Sân khấu Cải lương, phòng trà, quán rượu, phong cách trình tấu, phần nào bị biến đổi theo tình huống kịch và cái không gian không phải là cái không gian thính phòng của tri âm tri kỷ, nên bài bản tài tử đã bị cắt xén không đầu không đuôi, lại còn du nhập thêm các loại hình văn nghệ tạp kỷ, bài bản hơi điệu lai căn Tiều, Quảng, Tây, bản sắc văn hóa dân tộc bị giảm đi, khách mộ điệu tri âm vắng bóng, thay vào đó là lượng khán giả với đủ mọi thành phần, mọi sở thích, vừa đi nghe đờn ca lại vừa đi coi múa, hát, để mua vui, để khóc cười với những cảnh bi thương, hài hước...
Có những quy ước chặt chẽ về bài bản, về nhạc cụ tham gia trong một cuộc chơi Đờn ca tài tử Nam bộ chính thống, mục đích của quy ước là để bảo tồn tính chất âm nhạc ngũ cung lòng bản, không bị lai căn mất gốc, do những dòng âm nhạc ngoại lai gây ảnh hưởng, và do đó, một cách tự nhiên, đã sản sinh ra cái phong cách chơi Đờn ca tài tử Nam bộ với các niêm luật vừa phóng khoáng vừa khắt khe, người chấp nhận chơi Đờn ca tài tử thì ai ai cũng phải tuân thủ âm luật, mới mong đạt được kết quả tốt trong cuộc trình tấu.
1-Không Gian Thính Phòng:
Phải lựa chọn một không gian vừa đủ, tĩnh lặng, thoáng mát để thoải mái đờn ca, không cần máy móc tăng âm, cùng nhau đờn ca vui chơi giải trí, cùng nhau thưởng thức nghệ thuật của tiếng đờn lời ca giữa người chơi, bè bạn tri âm và những thính giả mộ điệu.
2- Nhạc Cụ:
Phải là những nhạc cụ dân tộc, thích hợp với dòng nhạc ngũ cung lòng bản, như tranh, kìm, cò, gáo, độc huyền, tỳ bà, tam, tiêu, sáo, song lang...
3- Rao Đờn:
Khi đã lựa chọn được không gian để chơi đờn ca rồi, các tài tử đờn phải phải lên dây đờn và rao đờn, mục đích là để cho các cây đờn ăn dây nhau và ăn với giọng người ca, đồng thời tạo ngẫu hứng sáng tạo cho dàn nhạc và khơi gợi nguồn cảm hứng cho mọi người, nếu rao đờn mà cảm thấy không gian không thích hợp, người chơi đờn có quyền từ chối và ngưng rao đờn, không chơi nữa.
4- Đờn và Ca cùng vô bài bản một lượt:
Khi nói đến Đờn ca tài tử Nam bộ thì ta phải nói chơi ở trình độ chuyên nghiệp, chơi đúng phong cách, nên không thể có định kiến là Ca yếu hơn Đờn, nên khi nhận thấy thiên thời, địa lợi, nhân hòa thích hợp với không gian mình chơi, người cầm song lang gõ nhịp song lang khai trường tống, đờn và ca cùng vô bài bản một lượt, trừ bài ca có đặt câu nói lối, người ca vô trước, dàn đờn chụp theo, và với bản Vọng Cổ không đặt câu nói lối, đờn vô trước để dẫn hơi, dẫn nhịp, tạo cảm hứng cho người ca.
5- Bài Bản Đờn Ca Tài Tử:
Nòng cốt là 20 Bài Bản Tổ, tiêu biểu cho các hơi điệu bắc, hạ, nam, oán, xuân, ai, đảo, ngự, ngoài ra còn chơi thêm những bài bản ngoài 20 Bản Tổ, đã thông dụng và được nhạc giới chấp nhận, có cấu trúc âm thanh hợp với dòng nhạc Ngũ cung lòng bản của Đờn ca tài Tử. Bài bản cấu trúc phải có độ dài để dễ có ngẫu hứng sáng tạo chữ đờn và giọng ca. Bài bản ngắn quá, trình tấu khi có ngẫu hứng, chưa kịp sáng tạo thì song lang đã báo dứt bản, nên giới chơi Nhạc Tài Tử đã liệt kê những bài bản nầy vào danh mục những Bài bản nhỏ Cải lương.
6- Chơi Trọn Bài Trọn Bản:
Bài Bản Đờn ca tài tử có cấu trúc như một bài văn học, có phần mở đầu (thủ), phần thân bài, phần kết luận (hồi thủ), mỗi phần có cấu trúc âm thanh khác nhau, thí dụ như bản Xàng Xê có lớp Thủ, lớp Hò, lớp Xề, lớp Hồi Thủ, bản Văn Thiên Tường có lớp Đầu, lớp Xế Xảng, hơi điệu Ai, lớp Dựng và lớp 3, hơi điệu Oán, bản Tứ Đại Oán, có lớp Thủ và lớp Hồi Thủ gần như trùng lặp nhau, lớp Xang Dài I, II, Xang Vắn I, II, thật sự mới là tinh hoa của hơi điệu Oán, đờn trọn bài trọn bản mới thưởng thức được nghệ thuật tuyệt vời của Đờn ca tài tử Nam bộ.
Ta phải bảo tồn lối chơi trọn bài trọn bản, bài bản Đờn ca tài tử là cha mẹ đẻ của bài bản Cải lương, là linh hồn đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam của nghệ thuật Sân khấu cải lương, hiểu rõ sự quan trọng của cái gốc rễ như thế, ta mới có định hướng đúng đắn trong việc đào tạo, bảo tồn và phát huy nền văn hóa văn nghệ nước nhà mà không sợ bị làm mất đi nhũng tinh hoa của dòng âm nhạc đặc thù, độc đáo phương Nam nầy, chớ nếu ta cứ lo chăm sóc cái ngọn mà quên tưới nước bón phân ở cái gốc rễ của nó, thì một ngày không xa, gốc già kiệt sức, chết khô, thì cành, hoa lá, đọt cũng héo tàn và chết theo.
7- Tâm Tấu, Ngẫu Hứng Sáng Tạo:
Đờn ca tài tử phải học thuộc lòng bài bản, khi trình tấu mới đem các chữ đờn từ trong tâm trong óc ra đờn, không được coi bản để đờn nên gọi là tâm tấu, khác với cách chơi Nhạc tây phương, người đờn phải nhìn vào bản ký âm (solfège) mà trình tấu theo các nốt nhạc trong đó, không có quyền sáng tạo tại chỗ như ở Đờn ca tài tử Nam bộ.
Ký xướng âm bài bản Đờn ca tài tử là cách ghi chữ đờn theo ngũ cung lòng bản, tức là ghi chữ đờn một cách đơn giản, trong lòng của 5 cung Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, khi có không gian thích hợp, người đờn ca chung với mình, ngang tài ngang sức với mình, có khách mộ điệu tri âm biết nghe, thì dễ có ngẫu hứng, tài tử chơi đờn ca, theo tâm tư tình cảm của mình, kết hợp với bài bản mà mình đã học thuộc lòng, mới sáng tạo thêm bớt chữ đờn, biến bài bản ký âm chân phương, khô cằn theo ngũ cung lòng bản, trở thành một bản nhạc sinh động, truyền cảm với những chữ đờn nhấn nhá hòa quyện với lời ca luyến láy bổng trầm, tươi mát, kỳ diệu, mùi mẫn.
Muốn sáng tạo chữ đờn cho hay, người chơi đờn phải có tài năng đặc biệt về Nhạc cổ truyền (thiên phú, năng khiếu), lỗ tai thẩm âm thật tốt mới nhấn nhá ngón đờn, lấy non làm già mà không bị sống sượng, phải am tường các cấu trúc âm thanh của các điệu hơi bắc, hạ, nam, oán, xuân, ai, đảo, ngự, phải học thuộc lòng từng câu, từng chữ lòng bản chân phương, căn bản của bản đờn Nhạc tài tử, để khi sáng tạo chữ đờn không bị sai căn lạc nhịp.
Về Hệ Thống Bản Nhạc Tài Tử:
Lời Giới Thiệu cho rằng cách xếp loại Đờn ca tài tử, năm 1927 thông dụng nhất là cách của cụ Huỳnh Thúc Kháng là hoàn toàn sai sự thật. Thật vậy, một hệ thống phân loại đã được cụ Huỳnh Thúc Kháng viết trên báo Tiếng Dân vào năm 1927 mà ông Nguyễn Văn Thinh tức cụ Giáo Thinh, nguyên giám học Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn, đã phân tích trên nhựt báo Công Nhân vào năm 1957, cho thấy, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã phân chia bài bản Cổ nhạc Việt Nam (không phải dành riêng cho vùng Nam Bộ, mặc dầu phần lớn bài bản cổ nhạc kê khai là của Nam bộ) thành 10 loại: nhứt Lý, nhì Ngâm, tam Nam, tứ Oán, ngũ Điếm (Điếm là nơi, là chỗ chân đứng của 5 Cung hò, xự, xang, xê, cống, không phải Điểm), lục Xuất, thất Chánh, bát Ngự, cửu Nhĩ, Thập Thủ Liên Hườn. Hệ thống nầy không phù hợp với bài bản Nhạc tài tử Nam bộ, đã kê khai, kể cả thể loại dân ca, ngâm thơ mà lại không kê khai hết tổng số bài bản Đờn ca tài tử Nam bộ, cũng như không nói lên được hệ thống các hơi điệu. thí dụ như loại Ngũ Điếm, Lục Xuất, Cửu Nhĩ, Thập Thủ Liên Hườn, đều thuộc hơi điệu Bắc, và loại Lục Xuất thì lại có những bài bản nầy trùng lặp với bài bản của loại Ngũ Điếm và Thập Thủ Liên Hườn.
Cách xếp loại hệ thống bài bản Đờn ca tài tử Nam bộ càng đơn giản, dễ nhớ, càng dễ chấp nhận. Do đó, cách xếp loại hệ thống bài bản theo hơi điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán, Xuân, Ai, Đảo, Ngự của 20 Bài Bàn Tổ là cách thông dụng nhứt, được giới chơi Đờn ca tài tử Nam bộ từ lâu đã dùng để học tập, giao lưu vui chơi giải trí cùng bè bạn tri âm bốn phương, chớ không phải hệ thống bài bản năm 1927 của cụ Huỳnh Thúc Kháng!
Về Bộ Ngũ Điểm:
Đờn ca tài tử Nam bộ không có bộ Ngũ Điểm mà chỉ có bộ Ngũ Điếm (là chỗ chân đứng) của cụ Huỳnh Thúc Kháng, để gọi 6 bản Bắc, lấy chữ vô đầu mỗi bản xếp đúng theo thứ tự 5 cung hò, xự, xang, xê, cống, liu (cung cao của hò) là Lưu Thủy Trường, Phú Lục Chấn, Bình Bán Chấn, Cổ Bản Vắn, Xuân Tình Chấn và Tây Thi Vắn.
Thật ra, cụm từ Bộ Ngũ Điểm, giới chơi Đờn ca tài tử Nam bộ chưa hề nghe biết, vả nếu có, theo như Lời Giới Thiệu, thì cũng khó chấp nhận vì bài bản ngắn quá như Ngũ Điểm Mai, Tỏa Ngọc Lầu, không làm sao có ngẫu hứng sáng tạo được, vả lại những bài bản Cổ nhạc canh tân, viết vào những thập niên 3, 4 của TK.20 cho Sân khấu cải lương, hơi lai căn Triều Châu, Quảng Đông như Sương Chiều, Tú Anh, làm sao mà gia nhập vào kho tàng bài bản Đờn ca tài tử vì nó không mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Về Bộ Lục Xuất:
Trong thời kỳ 2 nhóm nhạc Đông và Tây còn ganh đua sáng tác bài bản, nhóm Nhạc miền Tây chiết ra 4 bản Bình Bản, Tây Mai, Xuân Phong, Long Hổ trong bộ Thập Thủ Liên Hườn, thêm vào 2 bản Tây Thi Vắn và Cổ Bản Vắn, lấy tên là Lục Xuất (6 bản mới sản xuất), chớ không phải 6 bản bắc của hệ thống 20 Bài Bản Tổ là Lưu Thủy Trường, Phú Lục Chấn... (tài liệu của cụ Giáo Thinh)....
Về Bộ Thập Thủ:
Theo lài liệu của cụ giáo Thinh, môn đệ đời thứ 2 của cụ Ba Đợi, nhóm Nhạc Tài Tử Miền Tây của cụ Ký Hườn đã lấy 10 bản của Ca nhạc Huế (không phải đem từ Bắc vào Nam) gọi là 10 bản Khách hay 10 bản Ngự hay Liên Bộ Thập Chương, để nguyên cấu trúc chữ đờn, du nhập vào hệ thống bài bản Nhạc Tài Tử Nam Bộ và đặt tên là Thập Thủ Liên Hườn (khoảng 100 năm nay). Các bài bản nầy, nhịp đôi, hơi điệu định hình, bài bản ngắn ngủi, khó ngẫu hứng sáng tạo, nên giới chơi Đờn ca tài tử Nam Bộ không ưa chuộng lắm
Về 20 Bài Bản Tổ Nhạc Tài Tử Nam Bộ:
Hệ thống 20 Bài Bản Tổ, 6 Bắc, 7 Bài, 3 Nam, 4 oán, sắp xếp thứ tự theo hơi điệu, thấm đượm dịch lý âm dương ngũ hành của nền triết học đông phương, đã hình thành trước năm 1926, năm mà cụ Huỳnh Thúc Kháng đi vào Nam bộ nghiên cứu, khảo sát Nhạc cổ truyền Việt Nam, và cụ Huỳnh vẫn giữ y hệ thống 20 Bài Bản Tổ của Đờn ca tài tử Nam bộ, thật vậy, 6 Bắc là bộ Ngũ Điếm, 7 Bài là Bộ Thất Chánh, 3 Nam, 4 Oán giữ y tên gọi. (lời phát biểu của nghhệ sĩ lão thành Năm Ơn, Cần Đước, học trò đời thứ 2 của cụ Ba Đợi, nhân Lễ Giỗ cụ Ba Đợi ngày 19 tháng Giêng Âl. năm 1995 tại Trung Tâm Văn Hóa Quận 8).
Về Bốn Oán:
Năm 1905, quyển Bản Đờn Tranh và Bài Ca do Phụng Hoàng Sang, cộng tác với Nguyễn Tư Bá xuất bản thì bản Phụng Hoàng đã xuất hiện trọn bản, nhịp tư với 72 câu (buổi ban đầu, cách ghi bài bản còn thô thiển nên có sai lệch số câu), có cấu trúc âm thanh theo hơi điệu oán, hoàn chỉnh, tương đương với bản Phụng Hoàng 48 câu, nhịp 8 ngày nay, do đó, không có bản Phụng Hoàng nhịp tư 12 câu, sở dĩ đờn 12 câu là do tình huống cải lương đòi hỏi, phải đờn trích câu trích lớp.
Các tài tử Nam Bộ, lấy điển tích nói về Tư Mã Tương Như, khảy khúc Phụng Cầu Hoàng mà được vợ là Trác Văn Quân, mới đặt ra bản Phụng Hoàng Cầu, gọi tắt là Phụng Hoàng, bản Phụng Cầu Hoàng Duyên tức Phụng Cầu ra đời sau đó, cũng lấy cảm hứng từ điển tích nêu trên, nên chữ Phụng và Hoàng ở đây là tên loài chim trống mái, ám chỉ Tư Mã Tương Như và Trác Văn Quân
Tên Phụng Hoàng Lai Nghi chỉ do một nhạc sĩ lấy truyền thuyết trung hoa, khi chim Phụng Hoàng đến làm nghi thức nhảy múa là đời thạnh trị, thiên hạ thái bình, mới lấy bản Phụng Hoàng mà cải tên lại, cho nên giới chơi Đờn ca tài tử Nam bộ không chấp nhận tên Phụng Hoàng Lai Nghi để gọi thay cho tên Phụng Hoàng Cầu hoặc Phụng Hoàng.
Đã nói cảm tác từ khúc Phụng Cầu Hoàng của Tư Mã Tương Như thì chữ hoàng là tên loài chim thì phải có G, thật vậy, Phụng Cầu Hoàng Duyên tức là chim phụng cầu duyên chim hoàng, giới chơi đờn ca đã hiểu như vậy từ lâu, không thể nào gọi khác được.
Tóm lại, cách phân tích, lý luận về bài bản, hơi điệu trong Lời Giới Thiệu còn hời hợt, còn xuyên qua lăng kính Nhạc tây phương, nên người đọc Lời Giới thiệu, vẫn chưa hiểu rõ về nét đặc thù của tính chất âm nhạc ngũ cung lòng bản và chưa phân biệt đâu là Đờn ca tài tử Nam bộ chính thống và đâu là Đờn ca tài tử đã biến đổi tính cách khi đem ra ứng dụng cho Sân khấu cải lương, cũng như không đính chánh những sai lầm khi in ấn, thí dụ như ở Phần Trình Diễn, bản Tứ Đại Oán, bài ca Bá Lý Hề chớ không phải là Lý Bá Hề, tác giả là Trần Quang Huờn, bài ca Giang Nam Cửu Khúc là Kim Kiều Hoa Viên Ngộ, chớ không phải… Hoa Viên Hội, và còn nhiều điểm cần bàn lại về bài ca, về tài tử đờn, về tài tử ca, về phong cách trình tấu và sử dụng nhạc cụ trong từng hơi điệu của bài bản.
Tiến sĩ Nguyễn Bình Định, Viện trưởng Viện Âm Nhạc Việt Nam. | Thạc sĩ Huỳnh Khải, Trưởng khoa “Âm Nhạc Dân Tộc” Nhạc Viện Thành Phố Hồ Chí Minh. |