Ninh Lộc
PNO - Sau hơn 2 tháng phát sóng với 12 tập, chương trình Học viện Cải lương (HVCL) khép lại với nhiều tranh cãi - điều hi hữu đối với một chương trình về nghệ thuật truyền thống.
Lần đầu tiên 1 gameshow có đến 5 quán quân và 5 á quân, HVCL thực sự rất biết cách tạo đề tài bàn tán cho người xem.
Trước HVCL, có không ít các cuộc thi, gameshow truyền hình về cải lương, trong đó có những “thương hiệu” lâu năm như giải Bông Lúa vàng, Chuông vàng vọng cổ hoặc những gameshow tạo được tiếng vang như Giọt nắng phù sa, Đường tới danh ca vọng cổ, Tài tử miệt vườn… Tất cả đều chung mục tiêu giữ gìn và lan tỏa loại hình nghệ thuật hồn cốt đất phương Nam đồng thời tìm thêm những tài năng, nhân tố kế thừa cho nghệ thuật cải lương.
Riêng HVCL còn hướng đến xây dựng hình ảnh “nghệ sĩ cải lương thế hệ mới”, không chỉ làm nghề mà còn làm văn hóa và nhất là bắt kịp xu thế thời đại. Trong chương trình, rất nhiều lần, nghệ sĩ nhân dân (NSND) - tiến sĩ Bạch Tuyết nhắc cụm từ “cải lương cho gen Z” và ở tập cuối bà khẳng định HVCL đã giới thiệu được “các đào kép của thời kỳ 4.0 hát cải lương cho gen Z coi”.
NSND Bạch Tuyết nhiều lần đề cập đến "cải lương cho gen Z" trong suốt chương trình HVCL - Ảnh: Sĩ Tính.
Hoàn toàn có thể thấy rõ tâm ý của NSND Bạch Tuyết và ê kíp chương trình. Tuy nhiên, lý tưởng đó vô tình lại trở thành chiếc “vòng kim cô” cho chính HVCL. Mãi chạy theo “cái mới”, HVCL ngày càng xa lạ. Điển hình là đêm chung kết có đủ cả trình diễn thời trang, thí sinh xướng tên và trả lời ứng xử bằng tiếng Anh.
“Tôi không hiểu tại sao một cuộc thi cải lương dành cho người Việt lại phải nói tiếng Anh trong khi việc phát âm đúng thôi cũng đã làm khó nhiều thí sinh rồi. Nhưng khó chịu nhất là phần tiếng Anh chêm vào các trích đoạn cải lương, không cần thiết và nghe rất thiếu tự nhiên” - chị Tâm Chiến - một khán giả yêu thích cải lương - chia sẻ.
HVCL có phần lạm dụng tiếng Anh trong các trích đoạn ở đêm chung kết - Ảnh: Sĩ Tính.
Trước đó, ở tập 8 (phút 44), trong trích đoạn Thế giới ảo, lời ca “Sao anh không sử dụng bao cao su, để giờ đây sự việc mới tầy huầy?…” đã làm dậy sóng mạng xã hội. HVCL đã phản hồi là tác giả Dunal Trần chọn “cách thể hiện trực diện, không né tránh” và nhất là việc liên quan đến giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cần được nói rõ ràng, đầy đủ.
Lời ca "trực diện, không né tránh" của trích đoạn Thế giới ảo gây phản ứng dữ dội từ cộng đồng yêu thích cải lương - Ảnh: Sĩ Tính.
Động thái này tiếp tục dẫn đến nhiều ý kiến không đồng tình. Thực tế, cải lương không thiếu tình huống sử dụng từ ngữ thô tục nhưng cách đặt để như thế nào để không phản cảm là năng lực của người viết. “Cải lương là ca kịch, đâu phải lúc nào cũng ca, còn có lời thoại mà. Và văn để nói cũng khác văn để ca. Trường hợp này, nếu chỉ thoại thì đã không phản cảm như thế. Còn nếu vẫn muốn dùng lời ca trực diện thì vẫn có cách diễn đạt khác để người ca thuận miệng còn người nghe thuận tai hơn” - một tác giả nhận định.
Một thời gian dài, sân khấu cải lương lâm vào khủng hoảng mà một trong những nguyên do là kịch bản thiếu chất văn học. Nhưng tại HVCL, không riêng gì trích đoạn Thế giới ảo mà phần lớn trích đoạn mới gần như không phân biệt giữa lời nói và lời ca. Có người nhận định, những lời ca để “giáo dục giới tính” như trên hay “tám chuyện” như: “Mấy clip bóc phốt trên mạng có đầy, nào là buôn bán hàng kém chất lượng nè, đang rửa mặt dây áo lót bị lộ, những chuyện như vậy có gì hay ho, vậy mà cũng quay rồi post lên cho được” (tập 7, phút 42) nên ở sân khấu thông tin lưu động hơn là một “học viện”.
Ngoài ra, việc đưa cả nhãn hàng tài trợ vào lời ca, như: “Chút nữa, chị nhờ bà vú lấy cho em mấy chai dầu gội Fresh, bảo đảm em sẽ có mái tóc khỏe đẹp sau lần gội đầu tiên…” (tập 6, phút 60) cũng làm HVCL mất điểm.
Trong trích đoạn Thói đời, nhân vật người vợ được NSND Bạch Tuyết nhận xét là "Hoạn Thư của thời gen Z" đã có màn tư vấn dầu gội đầu trực diện trên sóng truyền hình - Ảnh: Sĩ Tính.
Cần ghi nhận HVCL có format khá mới mẻ so với các gameshow cải lương trước đây và nhất là nỗ lực làm mới với các tiết mục được đầu tư viết mới về các vấn đề đang được quan tâm trong xã hội, như: bùng nổ mạng xã hội, sự mất kết nối giữa các thành viên gia đình trong thời đại số, đời sống người lao động nghèo, hình ảnh người Việt Nam trong thời hội nhập quốc tế…
Tuy nhiên, cải lương vốn chưa bao giờ bị hạn chế bởi đề tài cho nên cải lương không thể “mới” nếu chỉ nêu một vấn đề thời sự hay đưa “ngôn ngữ gen Z” vào lời ca, càng không thể mới chỉ vì diễn viên “có visual như Idol K-Pop”, biết nói tiếng Anh và ca vọng cổ kiểu opera. Và cải lương, cũng như các loại hình nghệ thuật khác, cần phải làm cho hay trước khi muốn làm mới, mà phần lớn tiết mục trong HVCL lại chưa hay.