Ngục Ca - Hoàng Cầm Ca - Vài bài ca tị nạn cuối cùng

Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện

Vào những năm đầu của thập niên 80, đã không có gì gọi là thay đổi lớn trong đường lối hay khuynh hướng sáng tác của tôi cả. Từ 1977 cho tới bấy giờ, tôi đã soạn ra một số bài hát mà tôi gọi là tị nạn ca trong đó, bên cạnh những thảm trạng của chúng ta trong đời sống lưu vong, quê hương được nói tới nhiều nhất... Và chỉ được nói lên với giọng nói mê sảng hơn là với giọng nói yêu đương. Cũng vì thế mà tôi gọi tị nạn ca là những bài hát ảo ảnh quê hương.

Trong khi đắm mình vào đề tài quê hương thì từ quê hương bỗng lọt ra tiếng nói của một người tù làm mọi người – trong đó có tôi – sửng sốt. Một tập thơ với nhiều nhan đề: Chúc Thư Của Một Người Việt Nam, Tiếng Vọng Từ Ðáy Vực, Hoa Ðịa Ngục của một thi sĩ chưa ai biết là ai, đã tới với người tị nạn Việt Nam ở trên thế giới trong hoàn cảnh khá ly kỳ: người thi sĩ gần như ở tù chung thân vì chống đối nhà nước Công Sản này, nhân trong thời gian ngắn ngủi được thả ra, đã ném vào Toà Ðại Sứ Anh Quốc ở Hà Nội một tập thơ viết tay... rồi tập thơ được ông Ðỗ Văn của Ðài BBC chuyển cho các báo chí Việt Nam ở hải ngoại. Người thi sĩ mang tên Nguyễn Chí Thiện cùng với những bông hoa địa ngục này đã lập tức trở thành hiện tượng nóng bỏng nhất của người Việt Nam từ khi trên một triệu người bỏ nước ta đi...

Lúc đó, trong cơn mê sảng vì coi như đã mất quê hương và với cái nhìn hãy còn chan chứa tủi hờn, tôi vội vàng ôm lấy tập thơ của Nguyễn Chí Thiện và phổ nhạc 20 bài. Tôi gọi những ca khúc này là ngục ca và gọi thi sĩ là ngục sĩ. Hai mươi bài đó là:
  1. Từ Vượn Lên Người, Từ Người Xuống Vượn
  2. Ðảng Ðầy Tôi
  3. Ngày 19 Tháng 5
  4. Xưa Lý Bạch
  5. Những Thiếu Nhi Ðiển Hình Chế Ðộ
  6. Tôi Có Thể hay là Vô Ðịch
  7. Chuyện Vĩ Ðại Bi Ai
  8. Thấy Ngay Thủ Phạm
  9. Nước Ðổng Trác Ðiêu Thuyền
  10. Sẽ Có Một Ngày
  11. Cái Lầm To Thế Kỷ
  12. Ðôi Mắt Trương Chi
  13. Vì Ấu Trĩ
  14. Tia Chớp Này Vĩ Ðại
  15. Ôi Mảnh Ðất Hình Hài Chữ S
  16. Ðất Nước Tôi
  17. Xin Hãy Giữ Mầu Trong Trắng
  18. Biết Ðến Bao Giờ Lời Thơ Của Tôi ?
  19. Trong Bóng Ðêm
  20. Thời Ðại Hồ Chí Minh

Tôi đã cố gắng làm cho ngục ca có nhiều nhạc tính khác nhau. Khi thì chua sót như trong Những Thiếu Nhi Ðiển Hình Chế Ðộ, Chuyện Vĩ Ðại Bi Ai... Khi thì ngạo nghễ như trong Ðảng Ðầy Tôi, Xưa Lý Bạch... Khi thì cười cợt như Từ Vượn Lên Người Từ Người Xuống Vượn, Nước Ðổng Trác Ðiêu Thuyền... Khi thì mãnh liệt như Trong Bóng Ðêm... Khi thì như vè, như ca dao trong Thấy Ngay Thủ Phạm... Khi thì trong sáng, lãng mạn như Sẽ Có Một Ngày...

Ngục Ca được tôi đem đi trình diễn ở hầu hết các cộng đồng Việt Nam trên thế giới cho tới ngày thi sĩ Nguyễn Chí Thiện được thả ra và xuất ngoại thì tôi thôi không trình bày loại ca này nữa...

Với lời hứa luôn luôn khóc cười theo mệnh nước và vì đời sống lưu vong làm cho tôi gần như cạn nguồn sáng tác, sau khi đã hát lên sự đau khổ của quê hương bị kìm kẹp qua nhũng bài thơ máu lửa của Nguyễn Chí Thiện... bây giờ lòng tôi chùng xuống, tôi tìm về những bài thơ có dính líu tới nước Việt Nam khốn khổ khốn nạn của tôi, những bài thơ dịu dàng hơn, ít căm hờn hơn để cho tôi có thể được gần gũi với mảnh đất quê hương mà tôi đang dần dần bị xa lìa, có thể không bao giờ được gặp lại.

Một tập thơ khác – cũng là thơ chép tay – đã đến với tôi, lại là thơ của một người bạn cũ, đã từng cùng tôi đi làm công tác văn nghệ trên những nẻo đường kháng chiến hồi 1946-47, thơ của một kiện tướng trong vụ NHÂN VĂN GIAI PHẨM, một vụ đấu tranh ôn hoà cho nhân quyền ở Việt Nam hồi cuối 60... Ðó là tập thơ chui của Hoàng Cầm mang tên ÐƯỜNG VỀ KINH BẮC, viết lén lút sau khi thi sĩ cùng các bạn đồng chí hướng như Nguyễn Hữu Ðang, Trần Dần, Lê Ðạt, Văn Cao Tử Phác... bị chính quyền bẻ bút, đập đàn vì tội chống đối...

Tập thơ giúp tôi soạn ra những bài hát rất ngọt ngào nhưng cũng rất đắng cay mà tôi gọi là HOÀNG CẦM CA.

Hoàng Cầm Ca
Hoàng Cầm, ngày còn trẻ...

Trước hết, tôi – và hoạ sĩ Tạ Tỵ – ngồi nhớ lại những mẩu thơ tình của Hoàng Cầm, soạn ra vào lúc chàng ta mới 17 hay 18 tuổi. Nhớ ra một mẩu thơ ngắn vô đề, tôi bèn phổ nhạc ngay, có thêm thắt vài câu cho đủ nhịp, đủ phách. HOÀNG CẦM CA số 1 này mang tên TÌNH CẦM, nghĩa là ‘‘mối tình của Hoàng Cầm’’ hay ‘‘mối tình của người cầm đàn’’ cũng được:

TÌNH CẦM

Nếu anh còn trẻ như năm cũ
Quyết đón em về sống với anh
Những khi chiều vàng phơ phất đến
Anh đàn em hát níu xuân xanh.

Có mây bàng bạc gây thương nhớ
Có ánh trăng vàng soi giấc mơ
Có anh ngồi lại so phím cũ
Mong chờ em hát khúc Xuân xưa.

Nhưng thuyền em buộc trên sông Hận
Anh chẳng quay về với trúc tơ
Ngày tháng tỳ bà vương ánh nguyệt
Mộng héo bên song vẫn đợi chờ.

Nếu có ngày nào em quay gót
Lui về thăm lại bến Thu xa
Thì đôi mái tóc không còn xanh nữa
Mây bạc trăng vàng vẫn thướt tha...

Còn thơ trong thi tập ÐUỜNG VỀ KINH BẮC thì là thơ ẩn dụ, những câu thơ mà nếu đọc lên thì ai cũng thấy bàng bạc hình ảnh và mầu sắc tuyệt vời của quê hương nhưng không ai hiểu Hoàng Cầm muốn nói gì trong đó? Trong những giờ phút lung linh của sáng tạo, tôi bỗng hiểu được ý nghĩa của những bài thơ đầy ẩn ngữ này.

Bài LÁ DIÊU BÔNG là sự đi tìm cái lá bông diêu ở vùng Ðình Bảng (Bắc Ninh), một thứ mỹ phẩm có khả năng tô điểm lại nhan sắc đã mất ở nơi người chị:

LÁ DIÊU BÔNG

Ðứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay tao sẽ gọi là chồng
Tao sẽ gọi là chồng
Ðứa nào tìm được lá diêu bông...

Vài ngày sau em tìm thấy lá
Chị chau mày: đâu phải lá diêu bông!
Mùa Ðông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu nhìn nắng vãn bên sông.

Ðứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay tao sẽ nhận là chồng
Tao sẽ nhận là chồng
Ðứa nào tìm được lá diêu bông...

Ngày cưới Chị, em tìm thấy lá
Chị mỉm cười, se chỉ, cắm trôn kim
Chị đã ba con, em tìm thấy lá
Xoè tay, phủ mặt, Chị không nhìn...

Ðứa nào tìm được lá diêu bông
Thì từ nay tao sẽ gọi là chồng
Tao sẽ gọi là chồng
Ðứa nào tìm được lá diêu bông...
. . . . . .
Từ thuở đó, em cầm chiếc lá
Nơi đầu non cuối bể, em đi
Lời vi vút gió quê lắng gọi
Diêu bông hời hỡi diêu bông
Em đi trăm núi nghìn sông
Nào tìm thấy lá diêu bông bao giờ...

Bài QUA VƯỜN ỔI là hình ảnh của đám dân đen, thấp cổ, bé miệng, ngắn tay... không với tới đuợc những thứ ăn rất tầm thường ở trên cây cao, như ổi xanh, ổi ương chẳng hạn:

QUA VƯỜN ỔI

Cách xa ba bước qua vườn ổi
Chị xoạc cành ngang em đứng trông
Này chị ơi! Xin chị một quả non
Ổi non, em ơi còn xanh chát a à
Ổi non xanh chát lè.

Cách xa ba bước qua vườn ổi
Chị xoạc cành ngang em đứng trông
Này chị ơi! Xin chị một quả ương
Ổi ương, em ơi bị chim khoét a à
Ổi ương chim khoét rồi.

Này chị ơi! Xin chị một quả chín
Ổi chín, em ơi tít ngọn cây a à
Ổi chín quá tầm tay.
. . . . . . . . . . . .
Cách xa ba bước qua vườn ổi
Chị xoạc cành ngang em đứng trông...
. . . . . . . . . . . .
Lẽo đẽo em đi đường mai sau
Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng...

Bài Cỗ BÀI TAM CÚC là hạnh phúc xa xưa của dân tộc đã mất... hi vọng có ngày giành lại được hạnh phúc đó:

Cỗ BÀI TAM CÚC

Rút trộm rơm nhà đi trải ổ
Cỗ bài tam cúc mép cong cong
Chị gọi đôi cây trầu cay má đỏ
Kết xe hồng đưa chị tới quê em...

Ghé coi bài, tìm hơi tóc ấm
Em đừng lớn nữa, chị đừng đi
Tướng sĩ đỏ đen chui xấp ngửa
Ổi rơm thơm đọng tuổi xuân thì.

Rút trộm rơm nhà đi trải ổ
Cỗ bài tam cúc mép cong cong
Ðứa được bài chinh chuyền xủng xẻng
Ðứa thua bài đáo gỡ ngoài thềm.
Ðứa được bài chinh chuyền xủng xẻng
Ðứa thua bài đáo gỡ ngoài thềm
. . . . . . . .
Rút trộm rơm nhà đi trải ổ
Cỗ bài tam cúc mép cong cong
Em đi đêm Tướng điều, Sĩ đỏ
Ðổi Xe hồng, đưa chị tới quê em
Pháo, Mã ra bài, năm sau giặc giã
Quan Ðốc Ðồng áo đen nẹp đỏ
Xua Tốt điều đè lũ Tốt đen
Thả Tịnh vàng đưa chị võng mây trôi.
Em đứng nhìn theo
Em gọi: Ðôi!

Bài ÐạP LÙI TINH TÚ là hình ảnh quê hương buồn bã, ngủ vùi, chỉ có con cá là còn thức và dẫy dụa, khuấy nước, làm tan đi bóng trăng, bóng sao trên mặt ao:

ÐẠP LÙI TINH TÚ

Ta là con bê vàng lạc dáng chiều xanh
Ði tìm sim mà sim chẳng chín
Ta lên đồi thông nằm miếu Hai Cô
Gặm cỏ mưa phùn
Ngoài đồng sương bóng người thấp thoáng
Chiều nay mẹ chẳng về chuồng.

Ta là con chim cu về gù rặng tre
Gọi nắng ấu thơ về sân đất rộng
Mong tin mừng từ những trời xa
Ðưa mây lành về tụ nóc rơm

Ta là con chào mào khát nước
Về vườn xưa hạt nhãn đâm mầm
Ta, cây ổi giơ xương
Chống đỡ mùa Ðông xụp về đánh úp
Ta, cây ổi giơ xương
Chống đỡ mùa Ðông xụp về đánh úp

Ta là con phù du ao trời lận đận
Trên cánh bèo đong gió
Lặn dưới nước tìm sao
Hứng nước mắt con chim vành khuyên nhớ nhà nhớ tổ
Vừa rụng chiều nay, làm dềnh mặt nước gương sen
Ta soi hình vào tận đáy ao đêm
Chỉ thấy mình đạp lùi tinh tú
Ngủ say rồi đôi cá đòng đong.

Bước vào thập niên 90, cùng với sự thay đổi ít hay nhiều tại các nước xã hội chủ nghĩa, Hoàng Cầm và các bạn cùng số phận đã được phục hồi. Anh lại được công khai làm thơ và thơ của anh bây giờ mang nhiều tính chất tâm linh hơn bao giờ hết. Tôi lại được gặp bạn cũ qua thư từ, qua những món quà văn nghệ như thơ và nhạc... Tôi phổ nhạc thêm một bài thơ rất đẹp của Hoàng Cầm:

TRĂM NĂM NHƯ MỘT CHIỀU

Anh đứng đây là đâu?
Là đâu, anh đứng đây là đâu?
Em cười như lá mỏng
Khép cửa vào chiêm bao a á...
Anh đứng đây là đâu?
Là đâu, anh đứng đây là đâu?
Anh đứng đây là đâu?
Là đâu, anh đứng đây là đâu?
Em nói như gió nghẹn
Chiều như mây Thị Mầu
Em nhìn như mưa trắng
Trăm năm bay ngang đầu...
Anh đứng đây là em
Là em anh đứng đây là em...
. . . . . .
Em đứng đây từ bao
Từ bao, em đứng đây từ bao?
Em từ trong lối hẹn
Hé cửa về mai sau a á
Em đứng đây từ lâu
Từ lâu em đứng đây từ lâu
Em đứng đây từ lâu
Từ lâu em đứng đây từ lâu
Anh tới nơi ước hẹn
Chiều nay như thuở nào
Anh nhìn em trong nắng
Trăm năm như một chiều
Anh đứng đây là em
Và em, em đứng đây là anh...

Vài Bài Ca Tị Nạn Cuối Cùng

Thế là sau ba đợt tị nan ca, ngục cahoàng cầm ca như vậy, vào năm 1983, nghĩa là sau gần một thập niên bị khủng hoảng, hình như tôi đã có được sự quân bình trong đời sống. Tôi đã trở thành một công dân Mỹ, tôi có thể xin được chấm dứt cuộc đời tị nạn rồi... Tôi soạn một bài hát bình dị, coi như để lại dĩ vãng sau lưng.

RỒI ÐÂY ANH SẼ ÐƯA EM VỀ NHÀ
(Midway City, CALIFORNIA-1983)

Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà
Nhà của đôi ta, xinh xinh nhỏ bé
Có vườn rau xanh ngát ngoại ô
Có mùa mưa hay nắng mộng mơ
Cây me già trong ngõ
Hoa lá đổ về khuya
Mùi hương lối xóm bay đi chàn chề.
Rồi đây anh sẽ đưa em trở về
Về nơi công viên yên vui lặng lẽ
Hãy ngồi đây, ghế đá ngày xưa
Dưới hàng thông có gió lửng lơ
Con chim nào thường hay hót
Con bướm nào thường hay bay
Về đây với những thương yêu hàng ngày.

Về đây với những bước chân trìu mến
Những bước chân êm trên phố phường quen
Nếu mưa rơi sẽ mát lòng em
Về đây ta sẽ tới ngôi chùa cũ
Lắng tiếng chuông xưa, nghe tiếng tình tơ
Bến đò xa, cô lái vẫn chờ.

Rồi đây ta sẽ đưa nhau về nhà
Về miền quê ta thơm tho mùi lúa
Có cầu ao yên giấc ngủ trưa
Có đồi non êm ái cỏ hoa
Con sông nào đưa lối
Tiếng hát nào chơi vơi
Biển Ðông vỗ sóng ru ta bồi hồi

CODA
Biển Ðông vỗ sóng ru ta đời đời!

Bước vào thập niên 90, tôi bước vào mùa Thu của đời mình. Tôi soạn bài TÌNH THU để tặng mình nhiều hơn là để tặng người nghe nhạc:

TÌNH THU
Midway City, California-1983

ÐIỆP KHÚC
Ðã Thu về đó, ới ơ người tình
Ðã già thêm nửa hành trình thương yêu
Ðã nghe nhịp sống, ới ơ đìu hiu
Ðã nghe gần gũi nhạc thiều âm ty.

Tôi đã sống cuộc đời lung linh hiển hiện
Mặt trời lên, rồi chết dưới chân mây
Hoa đang tươi chợt héo hắt trong ngày
Rồi Thu tới cho đời thêm goá bụa
Tôi đã sống một đời thừa thương nhớ
Thừa đôi tay, thừa nước mắt, làn môi
Tôi vẫn hát khi đời câm tiếng hát
Người xa người, và tình sẽ pha phôi.

ÐIỆP KHÚC
Ðã Thu về đó, ới ơ người tình
Ðã già thêm nửa hành trình thương yêu
Ðã nghe nhịp sống, ới ơ đìu hiu
Ðã nghe gần gũi nhạc thiều âm ty.

Tôi đã sống một đời mong manh ảo vọng
Một lần vui bù mấy kiếp thương đau
Con nai tôi thường mắc lưới trong chiều
Hoàng hôn xuống cho thời gian ngã gục
Tôi đã sống một đời thừa sức sống
Tình lên cao, tình cũng đã chìm sâu
Tôi vẫn biết Thu về, tình sẽ chết
Ðời xa đần, và người vốn quên mau.

ÐIỆP KHÚC CUỐI
Ðã Thu vàng úa, ới ơ tình rồi
Tôi còn mê mải cuộc đời đi quanh
Hát lên một tiếng, ới ơ buồn tênh
Tiếng Thu một khúc mà thành thiên thu.

Thế rồi vào đầu năm 90, làn sóng dân chủ dâng lên ở khắp nơi trên thế giới khiến cho những nước có sự kỳ thị màu da như Nam Phi phải thay đổi và các chế độ độc tài, độc đảng Châu Âu thì sụp đổ hoàn toàn với bức tường Bá Linh ô nhục... Biến cố Thiên An Môn ở Bắc Kinh cho thấy chế độ độc tài ở Á Châu sẽ có ngày phải được thay thế bằng chế độ dân chủ. Ðể ‘‘ăn mừng’’ sự tiến hoá của nhân loại, tôi soạn bài:

BÀI CA DÂN CHỦ
(Món Quà Tự Do)

Chỉ có là điên thì mới thản nhiên,
Tay ôm tay giữ bạo quyền độc tôn
Nên không nghe tiếng dân ca DÂN CHỦ
Nên không nghe tiếng dân ca DÂN QUYỀN
Mùa Hè Bắc Kinh.
Cả một đời tôi chỉ là lìa đôi
Chia ly ngăn cách bằng bờ tường thôi
Nên tôi sung sướng nghe câu dân chủ
Nên tôi sung sướng nghe câu dân tình
Ðục tường Bá Linh.
Người Tầu già nua cho nên lỡ hẹn
Máu chẩy đầm đià lụt cổng Thiên An.
Người miền Ðông Âu đêm vui Thiên Chúa
Giáng Sinh nhận quà là món TỰ DO.

Chỉ thấy mừng rên nhìn thấy đời lên.
Ðông Âu rét mướt trở về mùa Xuân.
Vươn lên trong tuyết bông hoa dân chủ
Vươn lên không chết bông hoa muôn đời
Ðể Tiệp Khắc vui.
Một mảnh trời Âu từng chịu khổ đau
Bao quanh giây thép tưởng là dài lâu
Con tim êm ái con tim dân chủ
Con tim dân đã xuyên qua lao tù
Hàng rào sắt co.

Vì bạo quyền ngu nên rơi lỗ thẳm
Máu chẩy đền bù lệ cổng Thiên An
Kẻ độc tài quên Ba Lan, không nhớ
Cuối năm nhận quà là chết không mơ!

Chỉ thấy phải xa chủ nghĩa mầu da,
Phân chia giai cấp... chỉ là nhục ô
Vươn lên trong gió, Phi Châu dân chủ
Không phân da trắng hay da đen mờ
Cuộc đời chúng ta...
Rồi thấy thật vui được sống cùng ai
Trong thiên niên mới hoà bình mọi nơi.
Ai vô duyên đó tay ôm chưa cởi
Xin nghe dân hát lên ngôi đây rồi
Mở đường lối mai.

CODA
Xin nghe cho kỹ câu ca DÂN CHỦ
Xin nghe cho kỹ câu ca DÂN QUYỀN
Mùa hè Bắc Kinh
Vượt tường Bá Linh
Trời Tiệp Khắc xanh
Còn nhiều nữa anh!
Còn nhiều nữa em!
Còn nhiều nữa anh!

Thế rồi, đối với tôi, nếu không xẩy ra trong thế kỷ này thì qua thế kỷ 21, bài toán Việt Nam sẽ phải được giải quyết theo chiều hướng tốt...

... từ nay trở đi, tôi quyết định giã từ hai con người tình cảm, con người xã hội để cho con người tâm linh của tôi được ung dung soạn ra những bài hát nhiên hòa, sau khi đã dâng quá nửa đời người để dùng âm nhạc điều hợp con người và xã hội với những bài ca nhân hòa...