Phạm Phong Dinh
Tình hình Tây Nguyên những tháng đầu năm 1975
Hai năm sau ngày ký Hiệp Định Ba Lê 27.1.1973, Cộng Sản Hà Nội đã trắng trợn vi phạm hiệp định lên đến con số nhiều ngàn lần. Thực chất ý nghĩa hiệp định mà phía Hoa Kỳ và Bắc Việt cùng tay sai của nó là Mặt trận Giải phóng Miền Nam (Việt Cộng) ký với nhau bất chấp nguyện vọng của dân chúng Miền Nam, là hợp thức hóa sự hiện diện của binh đội Bắc Việt trong lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa và nâng Mặt trận Giải phóng lên thành một thực thể tại Miền Nam. Như vậy Việt Nam Cộng Hòa cùng một lúc phải đương đầu với hai lực lượng võ trang và chính trị của Cộng Sản, mặc dù trên thực tế chúng chỉ là một và đều cùng là một loại thổ phỉ như nhau.
Trong lúc lính Mỹ còn đang lục tục lên phi cơ rút lui ra khỏi Việt Nam theo qui định trong vòng 60 ngày, thì trước, ngay và sau giờ hiệu lực của hiệp định là 8 giờ sáng ngày 28.1.1973, Cộng quân đã mở nhiều cuộc vi phạm, mà lớn nhất là việc tấn chiếm xã Sa Huỳnh, thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Với sự trợ lực rất lộ liễu của phái đoàn Ba Lan và Hung Gia Lợi trong Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Ngừng Bắn như làm lơ không cứu xét khiếu nại của Việt Nam Cộng Hòa, chụp hình những căn cứ quân sự của Việt Nam Cộng Hòa và lén lút gửi cho các “đồng chí” Hà Nội của chúng, binh đội Bắc Việt và quân Việt Cộng ngang nhiên mở những cuộc xâm nhập, tấn công, phục kích, làm đường giao thông, giành dân lấn đất và những hình thái chiến tranh xâm lược khác hoàn toàn giống hệt và dữ dội hơn trước khi ký hiệp định nữa.
Phía Việt Nam Cộng Hòa nhẫn nại tuân thủ những điều khoản ngừng bắn, thậm chí tháng 6.1973 chính phủ của chúng ta ra thông tư đề nghị phía Cộng Sản cùng ngồi xuống bàn thương nghị để thảo luận những chi tiết cho cuộc tổng tuyển cử dự trù tổ chức trong tháng 12.1973, dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc. Dĩ nhiên phía Bắc Việt làm bộ phớt lờ, giả câm, giả điếc, không nghe, không thấy gì hết. Nghe nói đến có sự giám sát của quốc tế là bọn chúng sợ và co vòi lại tức khắc. Những người thường vỗ ngực xưng là “đánh Mỹ cứu nước” và “giải phóng” cho dân tộc, là “chính nghĩa” đầy mình mà lại sợ hãi một cuộc tổng tuyển cử chân chính? Điều này hoàn toàn đúng, vì Cộng Sản rất ngán ngại trực diện với sự thật.
Chúng biết chắc nếu nhận cùng tổ chức tổng tuyển cử hai Miền để bầu lên một chính phủ duy nhất với những con mắt “cú vọ” rất nghiêm nhặt của quốc tế, chẳng những dân Miền Nam sẽ bầu cho những chiến sĩ Quốc Gia mà cả dân Miền Bắc sẽ nhân thời cơ này tẩy chay thẳng thừng bọn giết người khát máu Cộng Sản. Một điều có lợi cho Cộng Sản là dân số Miền Bắc nhiều hơn của Miền Nam, vậy chúng còn sợ. Vậy con đường duy nhất mà Hà Nội chỉ có thể chọn lựa, là tiếp tục xua thanh niên Miền Bắc tràn xuống Miền Nam, nhồi nhét đủ mọi thứ căm thù vào đầu óc mà họ đã bị đầu độc từ lúc cắp sách đến trường, để gây nên thành cảnh núi xương biển máu, trong tiếng kêu khóc hãi hùng và thảm thiết của nhân dân hai miền.
Sau khi chiếm được Phước Long trong những ngày 30.12 đến 7.1.1975, để trắc nghiệm khả năng chống trả của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và đo lường phản ứng của Hoa Kỳ, Bắc Việt quyết định mở rộng chiến trường và tái phát động một cuộc chiến tranh tổng lực mới, mà sử gia thế giới gọi là Cuộc Chiến Tranh Đông Dương Lần Thứ Ba 1973-1975 (Lần thứ nhất: 1945-1954, lần thứ nhì: 1954-1973). Mục tiêu kế tiếp của chúng sẽ là một tỉnh nào đó nằm trên cao nguyên thuộc Quân Khu II của Việt Nam Cộng Hòa.
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, vùng cao nguyên luôn luôn là cánh cửa quan trọng bậc nhất mà phía Cộng muốn mở toang để ào xuống đồng bằng Miền Nam, phía Việt Nam Cộng Hòa cố khóa chặt nó bằng bất cứ giá nào. Cho nên các vị Tư Lệnh Quân Khu II đều coi trọng hai tỉnh Kontum và Pleiku, là hai vị trí tiền đồn ngăn chống cơn bão đỏ Cộng Sản bảo vệ toàn lãnh thổ phía sau lưng.
Khi Thiếu Tướng Phạm Văn Phú nhận nhiệm vụ lên Quân Khu II cuối năm 1974, bản thân ông đã gặp khó khăn đầu tiên, khi ông không được quyền chọn lựa nhân sự cho Bộ Tham Mưu Quân Đoàn II mà ông biết chắc chắn là những sĩ quan mẫn cán và tài ba cùng làm việc với ông, điều mà những vị Tư Lệnh các Quân Khu khác đã chưa từng gặp phải. Ông phải chấp nhận Bộ Tham Mưu do Bộ Tổng Tham Mưu bố trí sẵn hay thành phần sĩ quan của Bộ Tham Mưu cũ. Ông sẽ phải tìm cách thuyết phục Bộ Tham Mưu đang chờ đón ông trên Thành Pleime, tức bản doanh Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, cùng hợp tác với ông tìm được phương cách làm việc chung và hữu hiệu trong tình chiến hữu để bảo vệ Quân Khu II.
Nhân đây cũng xin được nhắc lại danh xưng Quân Khu và Vùng Chiến Thuật. Trước năm 1970, trong thời Đệ Nhị Cộng Hòa lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa được sắp xếp lại thành bốn Vùng Chiến Thuật, cải danh từ danh xưng Quân Khu dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm và nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Theo đà lớn mạnh và cải tổ quân đội từ năm 1967 trở đi, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu quyết định nâng cao vai trò chiến lược của bốn Vùng Chiến Thuật. Tháng 10-1970, Tổng Thống Thiệu ký sắc lệnh cải danh bốn Vùng Chiến Thuật thành bốn Quân Khu và danh xưng này giữ đến ngày 30.4.1975.
Thiếu Tướng Phạm Văn Phú dù lên cao nguyên rất muộn trong những tháng cuối của năm 1974, đã nhanh chóng thiết trí một trận liệt phòng thủ cao nguyên rất chặt chẽ, dựa trên cái cột xương sống là Sư Đoàn 23 Bộ Binh, với sự tăng cường hùng mạnh của năm Liên Đoàn Biệt Động Quân: 21, 22, 23, 24 và 25, cộng với Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh, Thiết Đoàn 21 Chiến Xa và Pháo Binh.
Với trận thế cứng như thép đó, Hà Nội nhận thấy không thể đánh thủng nổi như thời mùa hè 1972. Chúng họp bàn tìm một cái kẻ hở, chỗ yếu nhất của quân ta để thọc mũi nhọn vào, từ đó xé toang ra và mở rộng cường độ chiến tranh. Rà tới rà lui, chúng tìm thấy tỉnh Darlac và Quảng Đức. Nhưng quân Cộng đã thất bại nhiều trận lớn trên chiến trường Quảng Đức, mà ở đó có Liên Đoàn 24 Biệt Động Quân đã đánh chúng thua xiểng liểng trong những tháng cuối năm 1973. Tỉnh Darlac và thành phố tỉnh lỵ Ban Mê Thuột được chọn làm mục tiêu tấn công của chiến dịch mà Bộ Chính trị Hà Nội mệnh danh là Chiến dịch 275, danh xưng ghép từ số 2 của tháng 2 và số 75 của năm 1975.
Bước sang tháng 4.1975, nhận thấy chiều hướng chiến tranh đã nghiêng hẳn về phía chúng, Hà Nội cải danh Chiến dịch 275 thành Chiến dịch Hồ chí Minh. Tướng Văn tiến Dũng sẽ là Tư lệnh của chiến dịch này và đã dự trù nó sẽ kéo dài trong hai năm 1975 và 1976. Có nghĩa là Tướng Dũng chỉ hy vọng đánh tiêu hao lực lượng QLVNCH, chứ Dũng chưa dám mơ tưởng đến một chiến thắng chung cuộc. Phòng thủ Ban Mê Thuột chỉ vỏn vẹn có Tiểu Đoàn 2 của Trung Đoàn 53 Bộ Binh và một Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 45 Bộ Binh, thuộc Sư Đoàn 23 Bộ Binh, với trách nhiệm bảo vệ Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Sư Đoàn do Đại Tá Vũ Thế Quang, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn chỉ huy. Nằm chệch về hướng Tây Nam thành phố vài cây số là Phi Trường Phụng Dực do Tiểu Đoàn 3/ Trung Đoàn 53 trấn giữ. Đồng thời, Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn của Trung Tá Võ Ân cũng nằm trong chu vi phi trường. Tiểu Đoàn 1 của Trung Đoàn 53 đang hành quân đánh địch tại mặt trận Daksong của tỉnh Quảng Đức.
Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Darlac có trong tay 6 Tiểu Đoàn Địa Phương Quân và một số Trung Đội Nghĩa Quân đóng rải rác khắp tỉnh Darlac, nhưng ông chỉ có thể cho di chuyển hai Tiểu Đoàn về phòng thủ thành phố. Quân số của lực lượng phòng giữ Ban Mê Thuột lúc nổ ra cuộc ác chiến tương đương bốn Tiểu Đoàn. Phía Cộng quân có ba Sư đoàn hùng hậu 320, 316 và 10, cùng nhiều đơn vị chiến xa, phòng không, pháo binh, đặc công. Quân số ít ỏi của Ban Mê Thuột không quá 3.000 tay súng, mà phải chống chỏi một sức nặng bốn Sư đoàn địch, với quân số tương đương 40.000 người. Có nghĩa là mỗi chiến sĩ Ban Mê Thuột phải chiến đấu với trên 10 tên lính Cộng Sản.
Trước khi chiến trường Ban Mê Thuột khởi diễn, binh đội Cộng Sản Bắc Việt đã có nhiều cuộc giao tranh với chiến sĩ cao nguyên từ những ngày đầu năm. Cấp chỉ huy chiến trường B3 địch, tức Mặt trận Tây Nguyên theo danh xưng của Cộng quân do Thượng tướng Hoàng minh Thảo làm Tư lệnh, đã dấy động chiến cuộc khắp nơi để tạo hỏa mù và đánh lạc hướng phán đoán của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II hầu che dấu chuyển động của những Sư đoàn sắp tham dự trận đánh Ban Mê Thuột.Những ngày tháng Giêng năm 1975, các phi cơ oanh tạc của Sư Đoàn 2 và Sư Đoàn 6 Không Quân Việt Nam Cộng Hòa đã rất bận rộn oanh kích nhiều đoàn xe tiếp vận của giặc ở phía Bắc Kontum và đã hủy diệt được 17 xe vận tải Molotova. Nhiều toán thám kích Lôi Hổ của Nha Kỹ Thuật đã được thả sâu xuống vùng địch và đã phá hủy được nhiều đường ống dẫn dầu của địch. Những chiến sĩ Lôi Hổ, những bóng ma trong rừng sâu và trên đường biên giới đã chiến đấu và chết trong âm thầm để đưa được những tin tức quí báu về Bộ Tư Lệnh.
Trong một cuộc chạm súng và bị truy đuổi ác liệt, một toán Lôi Hổ tình cờ ngồi nghỉ trên một vật tròn dài và lành lạnh. Nhìn kỹ, thì nó chính là một cái ống dẫn dầu. Trước khi rút, quân ta cho nó nổ tung lên trên trời. Những mảng lửa bùng lên thành những chiếc nấm khói đen cuồn cuộn che kín một khoảng trời. Nhưng những chiến công đó không ngăn nỗi đoàn quân Bắc Việt đêm ngày rùng rùng tuôn xuống phương Nam. Đặc công địch hoạt động rất mạnh và gây nhiều tổn thất cho quân ta. Ngày 9.1.1975 kho dầu chứa một triệu rưỡi lít nhiên liệu bị đặc công địch đột nhập đặt chất nổ phá hủy hoàn toàn.
Sư Đoàn 23 Bộ Binh phối hợp với Biệt Động Quân mở những cuộc hành quân càn quét khu vực phía Bắc tỉnh Kontum trong tháng 1.1975 đã gặp sự kháng cự dữ dội của các đơn vị địch. Dự định tiến lên Căn Cứ Võ Định cũ hồi mùa hè 1972 của Sư Đoàn 23 đã không thành công. Thời điểm này, người hùng Kontum 1972, Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá đã rời cao nguyên về Sài Gòn giữ chức vụ Chỉ Huy Trưởng Thiết Giáp Binh, thay thế ông là Chuẩn Tướng Trần Văn Cẩm, rồi đến Chuẩn Tướng Lê Trung Tường.
Ngược lại tại mặt trận Pleiku trên Quốc Lộ 19, Cộng quân tràn ngập các cứ điểm của Tiểu Đoàn 233 Địa Phương Quân cách Căn Cứ Lệ Trung 19 cây số về hướng Đông. Chuẩn Tướng Tường lập tức đưa Trung Đoàn 45 Bộ Binh đến giải tỏa và tái chiếm được. Trong khi đó thì Trung Đoàn 271 Cộng quân rời bỏ chiến trường Quảng Đức để xuống tham dự mặt trận Phước Long, nên Thiếu Tướng Phú lệnh cho Trung Đoàn 53 Bộ Binh trở về bản doanh Sư Đoàn ở thành phố Ban Mê Thuột mà cũng là bản doanh của Trung Đoàn. Trong lúc quân ta di chuyển tái phối trí, thì Sư đoàn 968 Bắc Việt từ Lào xâm nhập vào lãnh thổ Kontum và Pleiku. Sư đoàn 968 Bắc Việt đóng quân trong đất Lào đã hai năm, nay nhận lệnh đến thay thế Sư đoàn 320 được điều xuống mặt trận Ban Mê Thuột, đồng thời với chiến xa.
Cuối tháng Giêng, Không Quân Việt Nam phá hủy được 3 chiếc T54 ở phía Bắc Ban Mê Thuột. Thiếu Tướng Phú điều động Trung Đoàn 53 và Trung Đoàn 45 hành quân tìm kiếm dấu vết Sư đoàn 320, nhưng chỉ gặp sự kháng cự yếu ớt. Đây là mưu đồ đánh lừa cấp chỉ huy Quân Đoàn II, để Thiếu Tướng Phú cho rằng Sư đoàn 320 chỉ mở “Diện” (diversion) để che dấu chiến trường “Điểm” chính mà ông cho là sẽ nổ lớn tại Kontum và Pleiku. Trong khi đó thì các chiến sĩ Trung Đoàn 45 Bộ Binh tiếp nhận một Cán binh hồi chánh, anh này đã cho biết rằng những đơn vị trinh sát của Sư đoàn 320 và 10 của Cộng quân đã có mặt tại Darlac và Quảng Đức.
Càng đi gần đến những ngày cuối tháng Hai, có nhiều dấu hiệu nguy hiểm cho thấy có một cái gì đó rất không bình thường sắp diễn ra tại Darlac, hay chính xác hơn, tại thành phố tỉnh lỵ Ban Mê Thuột, rất giống những gì đã xảy ra tại Phước Long hồi cuối tháng 1.1975. Một đoàn công voa của Quân Đoàn II chạy trên Quốc Lộ 21 từ Nha Trang lên hướng Ban Mê Thuột bị quân Cộng phục kích gây thiệt hại nặng. Cùng lúc đó, một đơn vị Việt Nam Cộng Hòa phục kích một đơn vị trinh sát giặc chỉ cách Ban Mê Thuột 12 cây số về hướng Bắc, đồng thời các chiến sĩ Sư Đoàn 23 Bộ Binh chỉ vài ngày trước ngày mặt trận Ban Mê Thuột nổ ra là ngày 10.3.1975 đã bắt được một Thiếu úy Truyền tin Bắc Việt đang thiết trí đường dây gần Quốc Lộ 21. Tất cả những dấu hiệu lạ thường đó đã khiến cho Đại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 Quân Đoàn II, cùng các cộng sự viên của ông giải đoán, rằng một chiến trường Phước Long thứ hai sắp sửa tái diễn tại Ban Mê Thuột. Phòng 2 Quân Đoàn trình kết luận của mình lên Bộ Tư Lệnh, Thiếu Tướng Phú đồng ý hành động.
Ngày 4.3.1975, Thiếu Tướng Phú lệnh cho Quân Vận chuyển Trung Đoàn 45 đang bảo vệ Pleiku xuống Ban Mê Thuột. Nhưng để làm cho tình hình cao nguyên thêm phức tạp, Cộng quân pháo kích dữ dội vào thành phố Kontum và Pleiku ngay trong ngày 4.3.1975, song song đó Trung Đoàn 44 Bộ Binh của Sư Đoàn 23 và Liên Đoàn 25 Biệt Động Quân tại vòng đai bảo vệ thành phố Pleiku bị bộ binh Bắc Việt mở những cuộc tấn công lớn. Thiếu Tướng Phú đã thay đổi kế hoạch điều quân bằng cách cho hủy bỏ cuộc di chuyển của Trung Đoàn 45 về Ban Mê Thuột, đồng thời báo cho Chuẩn Tướng Phan Đình Niệm, Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh, chuẩn bị gửi Trung Đoàn 42 từ vùng duyên hải lên Pleiku.
Ngày 4.3.1975, đánh dấu ngày thứ nhất Chiến dịch 275 của Hà Nội khởi diễn trong mưu toan tấn công cao nguyên và có thể đi xa hơn nếu tình hình cho phép. Trước nhất, Đèo Mang Yang trên Quốc Lộ 19 từ Pleiku đổ xuống Bình Định, và Đèo An Khê từ Bình Định đi lên Pleiku bị quân Cộng chiếm lấy. Con lộ tiếp vận cực quan trọng từ duyên hải lên cao nguyên bị chận nghẹt tại hai cao điểm thật hiểm trở.
Bằng giá nào quân ta cũng phải khai thông quốc lộ, nên Liên Đoàn 4 Biệt Động Quân vừa từ Quân Khu IV ra tăng viện đã nhận lệnh cùng Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh xuất phát từ Pleiku tiến quân giải tỏa chốt địch. Cuộc tiến quân này làm chúng ta nhớ lại những ngày đánh chốt đẫm máu tại Đèo Chu Pao trên Quốc Lộ 14 mùa hè 1972, cũng với Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh và Liên Đoàn 2 Biệt Động Quân dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Tướng Trần Văn Hai.
Lần giải tỏa này thật khó khăn quá đỗi, vì hỏa lực yểm trợ cho bộ binh từ phi cơ và pháo binh đã bị giảm sút rất nhiều. Chiến sĩ Mũ Nâu và Mũ Đen chỉ có thể lấy xương thịt và lòng quyết chiến của mình ra để lấp đầy những thiếu vắng ấy, và để đương đầu với những loại hỏa lực giết người đã quá mạnh của địch. Như các loại súng phóng hỏa tiễn B40, B41, SA7, AT3, đại liên 12 ly 7, 12 ly 8, 13 ly 8, đại bác phòng không 37 ly, đại bác tầm xa 130 ly, 152 ly, 122 ly, hỏa tiễn 122 ly, súng không giật 85 ly, 75 ly. Những thứ vũ khí tối tân nhất của khối Cộng mà Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không có vũ khí tương đương. Cộng thêm với chiến thuật thí quân biển người của bọn tướng tá Cộng Sản, người lính Việt Nam Cộng Hòa không còn sự chọn lựa nào khác, ngoài việc tận lực chiến đấu đến viên đạn và giọt máu cuối cùng.
Trên Quốc Lộ 21 nối liền Ban Mê Thuột với tỉnh Khánh Hòa và thành phố tỉnh lỵ Nha Trang, Cộng quân tràn ngập một căn cứ của Địa Phương Quân và hoàn toàn cắt đứt giao thông từ duyên hải lên cao nguyên. Như vậy hai con lộ huyết mạch đem người và vật lực lên cao nguyên đã bị bóp nghẽn. Thế trận bao vây và cô lập cao nguyên của Tướng Văn tiến Dũng đã hình thành. Tuy nhiên, với những lợi thế rõ ràng như vậy mà Tướng Dũng vẫn còn ngán ngại sức chiến đấu dũng cảm đến phi thường của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nên ông ta đã chưa lấy quyết định ngày đánh Ban Mê Thuột là ngày nào gần nhất. Nếu không có chuyện một sĩ quan Truyền tin Bắc Việt bị quân ta bắt được trên con đường 21 mà chắc chắn sẽ tiết lộ binh tình của địch chung quanh thành phố Ban Mê Thuột, thì có lẽ Tướng Dũng cũng chưa dám liều ra lệnh đánh.
Ngày D ấn định là buổi rạng sáng ngày 10.3. 1975. Sự liều lĩnh rất trái với thông lệ thận trọng của tướng lãnh Cộng quân đã khiến cho những đơn vị binh đội Bắc Việt tấn công Ban Mê Thuột đã trả một cái giá đắt. Những cán binh non choẹt được huấn luyện qua loa rồi bị thảy vào lò lửa Miền Nam đã là những nạn nhân thiêu thân oan khiên của cuồng vọng cướp bóc từ Hà Nội.
Cuộc ác chiến Ban Mê Thuột
Ngày 8.1.1975, hai ngày sau khi Phước Long của Việt Nam Cộng Hòa thất thủ, Bộ Chính trị Cộng Sản Bắc Việt mở cuộc họp bàn thảo mục tiêu tấn chiếm kế tiếp. Ban Mê Thuột được chọn làm mặt trận mở đầu cho Chiến dịch 275. Nếu chiếm được Ban Mê Thuột rồi, binh đội Cộng Sản sẽ lấn sâu xuống vùng đồng bằng duyên hải và hy vọng khuấy động được một cuộc “tổng nổi dậy” của nhân dân Miền Nam. Chiến dịch này Hà Nội cẩn thận dự trù sẽ kéo dài sang năm 1976 mới có thể đạt được một chiến thắng toàn thể. Như vậy, ngay từ khởi đầu, Cộng Sản Hà Nội vẫn rất ngán ngại sức kháng cự quyết liệt của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Tuy rằng Phước Long bị lọt vào tay giặc, nhưng một Tiểu Đoàn của Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Địa Phương Quân, hai Đại Đội của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù cùng các Đại Đội Trinh Sát 5, 18 và 25 đã anh dũng kháng cự, đã mở những cuộc đánh cận chiến hạ nhiều xe tăng địch. Trong trận đánh đẫm máu không cân sức ấy, Sư đoàn 7 Cộng Sản Bắc Việt đã bị quân ta gây thiệt hại nặng. Những chiến xa T54, T59 của giặc được gắn thêm hai tấm bửng sắt dầy hai bên hông xe để chống hỏa tiễn M 72 của quân ta, bình xăng chỉ được đổ một dung tích vừa đủ chạy trong ngày. Điều đó cho thấy phía địch quân rất sợ sức chiến đấu của người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Đại tướng Văn tiến Dũng, người nhận trách nhiệm chỉ huy toàn chiến dịch cũng đã để ra gần hai tháng dài nghiên cứu chiến trường mới dám đi đến quyết định tấn công Ban Mê Thuột. Các Sư đoàn 320, 316 và 10 được đặt thống thuộc chiến dịch.
Ngày 8.3.1975, Trung đoàn 9 của Sư đoàn 320 Cộng quân mở đầu chiến dịch đánh cao nguyên khi chúng tấn công Chi Khu Thuần Mẫn thuộc tỉnh Phú Bổn, cách Ban Mê Thuột 60 cây số về hướng Bắc, nằm gần ngã ba Quốc Lộ 14 và Tỉnh Lộ 487. Đại Đội 23 Trinh Sát của Sư Đoàn 23 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa nằm giữ Thuần Mẫn với quân số không quá 150 chiến sĩ bị sức ép quá nặng của Trung đoàn 9 Cộng Sản, sau nhiều giờ giao tranh buộc phải rút ra khỏi Chi Khu. Đoàn chiến binh này đã dắt díu nhau về được đến khu vực phi trường Phụng Dực vài ngày sau đó và đã được Trung Tá Võ Ân, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 53 Bộ Binh, giao cho trấn giữ một góc phi trường.
Một đơn vị của Trung Đoàn 45 Bộ Binh cũng chạm súng lớn với các thành phần của Sư đoàn 320 Bắc Việt và bị cầm chân trên Quốc Lộ 14. Kể từ lúc đó, đoạn QL14 phía Bắc Ban Mê Thuột đi lên Pleiku và Phú Bổn đã bị quân Cộng cắt đứt. Ngày 9.3.1975 đến lượt Sư đoàn 10 Bắc Việt mở những cuộc tấn công vào Liên Đoàn 24 Biệt Động Quân đang trấn giữ Kiến Đức và Địa Phương Quân ở Đức Lập đều thuộc tỉnh Quảng Đức, nhưng đều bị quân ta đánh tháo lui.
Cuộc chiến tại Đức Lập diễn ra ác liệt, quân địch cố đánh, quân ta cố giữ. Các chiến sĩ Địa Phương Quân cầm cự được đến rạng sáng ngày 10.3.1975. Trung Tá Nguyễn Cao Vực, Quận Trưởng Quận Đức Lập, có mặt cùng với chiến sĩ diện địa đối đầu với quân giặc. Quân Cộng đã dùng đại pháo 130 ly, súng không giật 82 ly bắn dữ dội vào Chi Khu Đức Lập và một Chi Đoàn Kỵ Binh phòng thủ bên trong. Tất cả các xe thiết giáp đều bị bắn cháy ngay từ giờ đầu giao tranh không còn sử dụng được. Quân ta còn chịu một thất bại nữa khi Tiểu Đoàn 1 của Trung Đoàn 53 Bộ Binh bị địch tràn ngập tại khu vực Daksong vào lúc ban trưa cùng ngày. Những thành phần còn lại của Tiểu Đoàn hỗ trợ cho nhau rút lên Darlac và tìm đường về Ban Mê Thuột. Như vậy trong hai ngày khởi diễn chiến dịch cao nguyên 275 quân Cộng đã hình thành thế trận gọng kìm bao vây Ban Mê Thuột từ hướng Bắc và hướng Nam. Về phía Đông, Quốc Lộ 21 nối liền Ban Mê Thuột và Nha Trang cũng bị các đơn vị Cộng quân chốt giữ. Hướng Tây còn bỏ ngỏ và im lặng một cách lạ thường, cho thấy cơn giông bão chiến tranh sẽ dậy lên dữ dội từ đó.
Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II & Quân Khu II đến lúc này biết chắc tất cả những chiến cuộc rối bời ở Kontum, Pleiku, Quảng Đức trong tháng 2 và đầu tháng 3.1975 chỉ là chiến trường phụ, Ban Mê Thuột mới là mặt trận chánh. Trong lúc tình hình cao nguyên thật khẩn trương, Thiếu Tướng Phú bay xuống Ban Mê Thuột vào Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Sư Đoàn 23 Bộ Binh nghe Đại Tá Vũ Thế Quang, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn, và Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng Darlac thuyết trình trận liệt phòng thủ với sự có mặt của Chuẩn Tướng Lê Trung Tường, Tư Lệnh Sư Đoàn và Đại Tá Phạm Văn Nghìn, Tỉnh Trưởng Quảng Đức. Đại Tá Quang đã trình Thiếu Tướng Phú trận thế bố trí của ông như sau:
- Phía Bắc có Trung Tâm Huấn Luyện Sư Đoàn 23 Bộ Binh.
- Phía Nam là Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Sư Đoàn 23 Bộ Binh và một Tiểu Đoàn bộ binh.
- Phía Đông có Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Darlac và Chi Khu Ban Mê Thuột.
- Phía Tây, vùng nguy hiểm nhất, có hậu cứ Thiết Đoàn 3 Kỵ Binh và Kho Đạn Mai Hắc Đế.
- Trung Đoàn 53 thiếu, chỉ có một Tiểu Đoàn đang trấn giữ phi trường Phụng Dực về phía Đông thành phố.
Buổi họp kéo dài đến trưa, Đại Tá Luật cho dọn cơm mời mọi người. Bữa cơm thời chiến rất đạm bạc. Tất cả đều dùng cơm dĩa, thức uống có nước ngọt hay bia. Thiếu Tướng Phú ăn rất nhanh để còn kịp trở về Quân Đoàn theo dõi tình hình chung. Đại Tá Luật không có thể ngờ rằng, đây là bữa ăn cuối cùng giữa ông và người Tư Lệnh mà sẽ vĩnh viễn đi vào lịch sử một tháng sau. Trọng trách một Quân Khu với rừng núi mênh mông và dãy Trường Sơn hùng vĩ bạt ngàn đang đè nặng lên đôi vai gầy nhỏ của vị Tướng có vóc đáng mảnh khảnh. Nhưng nào ai biết được đàng sau khuôn mặt xương xương và khắc khổ đó, là cả một quyết tâm giữ vững từng tấc một của tổ quốc, là một khối óc cứng như thép và một trái tim nồng nàn tình đất nước. Đại Tá Vũ Thế Quang, người sĩ quan Nhảy Dù cùng binh chủng cũ với Thiếu Tướng Phú, đứng nghiêm chào vị Tư Lệnh Quân Đoàn II & Quân Khu II trước khi chia tay với lời thề tử thủ Ban Mê Thuột: “Tôi sẽ giữ vững Ban Mê Thuột và tôi sẽ chết ở đó.”
Vẫn chưa được an tâm lắm, về đến Pleiku, Thiếu Tướng Phú điện xin Bộ Tổng Tham Mưu gửi cho một Liên Đoàn Biệt Động Quân. Nhưng Bộ Tổng Tham Mưu đã từ chối, viện cớ không còn một lực lượng trừ bị nào nữa, ngoài Liên Đoàn 7 Mũ Nâu đang rất bận rộn hành quân trong lãnh thỗ Quân Khu III (nhưng đột nhiên ngày 14.3.1975, Liên Đoàn 7 Mũ Nâu lại được không vận ra Pleiku, trong lúc Quân Đoàn II đang rất bận rộn với kế hoạch rút quân). Thiếu Tướng Phú buộc phải xử dụng lực lượng ông có trong tay để đương đầu với trận thế của giặc.
Tiểu Đoàn 72 và 96 Biệt Động Quân thuộc Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân của Trung Tá Lê Quý Dậu đang trấn đóng trên vùng Đèo Chu Pao QL14 và phòng giữ thành phố Kontum được cấp tốc không vận xuống Buôn Hồ, một làng Thượng cách Ban Mê Thuột 35 km về hướng Bắc. Từ Buôn Hồ, Liên Đoàn 21 Mũ Nâu được dự trù vận chuyển đường bộ xuống Ban Mê Thuột. Song song với cuộc chuyển quân này, Đại Đội 45 Trinh Sát của Trung Đoàn 45 Bộ Binh VNCH đang hành quân ở Ban Don nhận lệnh gấp rút trở về thành phố. Đại Tá Luật gọi Tiểu Đoàn 204 Địa Phương có mặt ở Ban Don nhanh chóng rút về thành phố. Nhưng thời gian đã không còn thuộc về quân ta nữa rồi.
Lúc 2 giờ sáng rạng ngày 10.3.1975, những trái đạn pháo 130 ly đầu tiên dội xuống thành phố đã mở màn cho trận đánh Ban Mê Thuột. Phố xá còn đang say ngủ giữa đêm trường, bỗng choàng tỉnh vì những tiếng nổ ùng oàng đinh tai nhức óc của đạn pháo địch. Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Darlac báo cáo bị pháo địch dội trúng. Đại Tá Luật từ lầu hai tư dinh Tỉnh Trưởng chạy xuống hầm chỉ huy mà những vị Tỉnh Trưởng tiền nhiệm đã xây cất bằng bê tông cốt sắt rất kiên cố. Hầm có thể chống được đạn pháo, trong hầm có trang bị đầy đủ máy móc truyền tin để liên lạc với những đơn vị trực thuộc cũng như với cấp trên, hay tận trung ương rất dễ dàng. Từ hướng Tây, các loại đạn đại pháo Cộng quân tới tấp nã vào Tiểu Khu, Đài Truyền Tin ở sân bay L19 và Kho Đạn Mai Hắc Đế. Pháo Binh Tiểu Khu và Pháo Binh Sư Đoàn 23 phản pháo mãnh liệt. Tiếng nổ của đôi bên rền trời, những mảng lửa khói của đạn pháo địch nổ bùng lên trên nhà cửa và đường phố Ban Mê Thuột, không khác mấy cuộc đại chiến tại An Lộc hay Kontum hồi Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.
Cuộc pháo kích kéo dài hai tiếng đồng hồ. Khi màn đạn pháo của địch có vẻ thưa dần, chiến sĩ phòng thủ thành phố biết chắc cuộc xung phong bộ binh của địch sẽ tiếp theo trong vài giây phút ngắn ngủi nữa. Quân ta ghìm súng dưới chiến hào bình tĩnh chờ đợi. Những họng đại liên M60 sẵn sàng bắn vào bất cứ cái gì di động trước mặt. Súng bắn tăng M72 được kéo ra trong tư thế sẵn sàng kích hỏa vào những khối thép T54 của lực lượng thiết giáp địch. Lựu đạn chuẩn bị cho những cuộc cận chiến mà chắc chắn sẽ rất đẫm máu. Những đợt sóng xung phong hung hãn của giặc ngay từ những phút đầu đã bị khựng lại thê thảm trước màn lưới hỏa lực rất kiên quyết của quân ta. Quân địch điều động chiến xa rổn rảng lăn bánh xích xông vào.
Sau những trận đại bại mùa hè 1972, lần này bộ binh và xe tăng địch phối hợp nhịp nhàng hơn. Văn tiến Dũng rất sở trường lối tấn kích tung thâm, hay còn gọi là “Hoa Nở”. Nhiều mũi dùi sẽ thọc rất mạnh và rất sâu vào tận trung tâm kháng cự của quân ta, quậy nát bộ chỉ huy, rồi từ đó đánh bung rộng trở ra mọi hướng, giống như đóa hoa nở. Nhưng cũng chính lối đánh này đã nướng rất nhiều chiến xa địch, vì chúng vào quá sâu. Quân ta lại rất sở trường lối đánh nghênh cản và triệt hạ. Bộ binh địch bị quân ta tập trung hỏa lực tiêu diệt không cho chúng bám vào xe tăng, trong khi đó những toán diệt tăng dùng “Bà Già M72” làm thịt chiến xa của chúng. Toàn thành phố Ban Mê Thuột sau những ngày yên bình bỗng đã chìm trong cơn bão lữa kinh hồn. Tiếng kêu gào xung phong của giặc nghe rền rền ghê rợn như tiếng của đoàn âm binh từ dưới địa ngục, tiếng đạn nổ ầm ầm khắp mọi hướng, tiếng la hét cận chiến của hai bên vang vọng hãi hùng giữa đêm khuya.
Tại phi trường L19, Đài Truyền Tin đã lọt vào tay giặc. Trong vòng nửa tiếng đồng hồ, Cộng quân tiến sát vào căn cứ dùng lựu đạn tung vào hầm phòng phủ làm một số sĩ quan, binh sĩ tử thương và bị thương. Đặc công Bắc Việt tấn công dữ dội vào Kho Đạn Mai Hắc Đế, song chiến sĩ ở đây can cường đẩy lui nhiều đợt xung phong của chúng. Nhưng đến gần 5 giờ sáng thì vị Đại Úy Chỉ Huy Trưởng Kho Đạn trúng đạn bị thương rất nặng không còn chỉ huy được nữa. Nửa giờ sau Kho Đạn thất thủ. Như vậy hướng Bắc và hướng Tây coi như đã bị bỏ ngỏ, địch đã mở được hai mũi dùi tiến vào.
Khoảng 7 giờ sáng, các đơn vị của Sư đoàn 320 Bắc Việt đã có mặt trong thành phố, chiến xa địch cũng lăn bánh xích ì ầm tràn vào. Bảo vệ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, Tiểu Đoàn 2/53 chiến đấu anh dũng đánh bung tất cả đợt tấn công của binh đội Cộng Sản. Chiến sĩ Địa Phương Quân bố trí chung quanh dinh Tỉnh Trưởng làm thành một bức tường vững chãi. Những chiếc xe tăng địch chạy lầng quầng trên đường phố rất giống cảnh tượng trong lòng thị xã An Lộc và Kontum năm 1972, chẳng mấy chốc mà 5 chiếc T54 đã bị những ống phóng M72 từ Tiểu Đoàn 2/53 Bộ Binh và từ lực lượng Địa Phương Quân bắn hạ.
Để thuận tiện phối hợp tác chiến, Đại Tá Luật gọi điện xin Quân Đoàn cho phép ông được di chuyển Bộ Chỉ Huy qua cùng với Bộ Tư Lệnh của Đại Tá Quang. Thiếu Tướng Phú chấp thuận yêu cầu. Những chiếc quan sát cơ L19 của Quân Đoàn II gửi tới chỉ điểm mục tiêu cho Pháo Binh và phi cơ oanh tạc đã đẩy tinh thần chiến đấu của quân cán chính Ban Mê Thuột lên rất cao.
Chiến thắng ở Phi Trường Phụng Dực
Tin chiến thắng từ Phi Trường Phụng Dực dồn dập gửi về Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 và Quân Đoàn II. Trung Tá Võ Ân, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 53 báo cáo các chiến sĩ Tiểu Đoàn 3/53 bắn hạ hai chiếc chiến xa địch và tịch thu rất nhiều súng ống. Trung Tá Ân đang cho con cái đem chiến lợi phẩm vào phòng khách phi trường. Tại khu vực trách nhiệm của Đại Đội 23 Trinh Sát quân Cộng không đánh thủng nổi. Nhưng lực lượng Không Quân trong phi trường đã phải cam chịu tổn thất 1 trực thăng vận tải CH 47, 1 quan sát cơ O.1 và 6 chiếc UH1, đều thuộc Sư Đoàn 6 Không Quân. Bảy chiếc UH1 của Sư Đoàn 2 Không Quân bị trúng đạn, nhưng các phi công đã cố gắng lái 3 chiếc bay ra khỏi chiến trường. Tiểu Đoàn 3/53 bắt được 2 tù binh Cộng Sản. Chúng khai là cán binh thuộc Trung đoàn 25 Độc lập và Tiểu đoàn 401 Đặc công. Nhưng ngược lại Cộng quân cũng bắt được những nhân viên thuộc ICCS (Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Ngừng Bắn) gồm một người Iran và một Nam Dương (Indonesia) cùng với ông Paul Struharic, Đại Diện Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Ban Mê Thuột, cùng với 8 dân sự và giáo đạo ngoại quốc đem về trại giam thiết lập gần Đức Cơ, Pleiku. Tất cả đều được phóng thích về sau này.
Đến 9 giờ sáng, Đại Tá Quang và Đại Tá Luật hân hoan nhận được tin quân ta vừa bắn hạ thêm hai xe tăng địch nữa trước Câu Lạc Bộ Sĩ Quan trên đường Thống Nhất. Một sĩ quan thuộc Đại Đội 23 Trinh Sát sau này gặp lại Đại Tá Luật trong một trại tù ngoài Miền Bắc, kể cho ông biết rằng chính anh đã dẫn binh sĩ đi thám sát dọc theo đường Thống Nhất và đã đếm được đến 10 chiếc đã bị quân ta rang muối trên đường phố. Sau chiến thắng Phước Long, thiết giáp Cộng Sản đã nghênh ngang tiến vào Ban Mê Thuột và tưởng rằng quân ta sẽ thoái lui nhanh chóng. Mặc dù sự chênh lệch lực lượng giữa quân ta và quân địch quá rõ, Địa Phương Quân trang bị nhẹ phải đối đầu với những Sư đoàn nặng của Cộng Sản, với sự yểm trợ hùng hậu của đại pháo và chiến xa, nhưng quân ta vẫn không nao núng. Những tổ M72 nhỏ bé của quân ta phóng những mảng lửa màu cam chết chóc bắn lên những chiếc pháo tháp tròn đen xám làm chúng nằm bất động giữa đường phố.
Cuộc chiến đấu càng kéo dài thiệt hại đôi bên càng lên cao. Đến giữa trưa, lúc 12 giờ 45, Thiếu Tá Hy, Trưởng Phòng Ba Tiểu Khu Darlac, báo cáo về Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh rằng Tiểu Khu đã trúng pháo địch rất nặng, hầm TOC (Tactical Operation Center: Trung Tâm Hành Quân) của Tiểu Khu, gây tử thương và làm trọng thương nhiều binh sĩ, trong đó Trung Úy Năm, Trưởng Phòng 5 Tiểu Khu Darlac, đã đền nợ nước. Thiếu Tá Hy xin phép được di tản ra khỏi Tiểu Khu. Đại Tá Luật chấp thuận. Một tiếng đồng hồ sau, Thiếu Tá Hy báo cáo địch đã tập trung pháo binh bắn vào Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Chỉ trong vài giây phút ngắn ngủi sau đó chiến xa và bộ binh địch tràn ngập hệ thống chiến đấu của Thiếu Tá Hy. Đại Tá Luật mất liên lạc với Thiếu Tá Hy, người sĩ quan hành quân mẫn cán và tận tụy của ông.
Tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, Thiếu Tướng Phú âu lo theo dõi tình hình Ban Mê Thuột, một mặt liên lạc với cánh quân Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân của Trung Tá Lê Quý Dậu vẫn còn dậm chân tại Buôn Hồ. Đoàn quân xa từ Pleiku không xuống Chi Khu Buôn Hồ được vì chốt chận của Sư đoàn 10 Bắc Việt tại Thuần Mẫn, các chiến sĩ Mũ Nâu buộc phải hành quân bộ nhanh chóng tiến vào Ban Mê Thuột tiếp cứu.
Cuộc hành quân bắt đầu từ 6 giờ chiều ngày 10.3.1975, Sư đoàn 10 tổ chức chận đánh Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân liên miên trên suốt quãng đường Quốc Lộ 14 dẫn vào thành phố. Vừa tiến vừa đánh chốt, đến gần nửa khuya, Trung Tá Lê Quý Dậu liên lạc với Bộ Tư Lệnh của Đại Tá Quang báo cáo những toán tiền sát của Mũ Nâu đã chạm chân lên khu vực ven thị xã và đang ở gần khu vực Trung Tâm Huấn Luyện Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Thiếu Tướng Phú lệnh Trung Tá Dậu bất cứ giá nào cũng phải tái chiếm Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu ngay trong đêm.
Giữa đêm đen rạng ngày 11.3.1975, quân địch và quân ta đều hiện diện trong thành phố. Bộ đội và chiến xa Sư đoàn 320 đang bám chặt khu trung tâm, trong khi đó chiến sĩ phòng thủ Ban Mê Thuột giữ chắc khu vực phía Đông, Nam, và Tây. Tiểu Đoàn 225 Địa Phương Quân vẫn trấn giữ vững vàng Đồi 559. Tiểu Đoàn 242 Địa Phương Quân bảo vệ chặt chẽ kho đạn Sư Đoàn, trong khi Tiểu Đoàn 243 Địa Phương Quân vẫn ghìm súng chống ngăn quân giặc trên Đồi 491 ở phía Nam.
Trong khu vườn cà phê phía Tây Ban Mê Thuột, Tiểu Đoàn 1/53 Bộ Binh từ chiến trường Quảng Đức trở về mấy ngày trước cùng Chi Đoàn 3 của Thiết Đoàn 8 Kỵ Binh thiết lập chiến tuyến bảo vệ Bộ Tư Lệnh Mặt Trận của Đại Tá Quang. Lúc 1 giờ khuya, Đại Tá Luật đọc bài phát thanh, do Phó Tỉnh Trưởng Nguyễn Ngọc Vỵ và Trung Úy Chiến Tranh Chính Trị Dzi thảo, trên Đài Ban Mê Thuột kêu gọi dân chúng bình tĩnh và an tâm, ông thông báo các lực lượng tăng viện của Quân Đoàn II sẽ chiếm lại Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Darlac. Tuy nhiên lời trấn an này đã không được chứng thực, vì các chốt chận của giặc đang chận đánh dữ dội Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân.
Cuộc chiến đấu giữa hai bên tạm lắng đọng đôi chút trong đêm, để đến 7 giờ sáng hôm 11.3.1975 pháo địch tiếp tục ồ ạt dội xuống Bộ Tư Lệnh Hành Quân của Đại Tá Vũ Thế Quang. Chiếc xe Jeep của Đại Tá Nguyễn Trọng Luật bị trúng một trái đạn nổ tung. Là một chiến binh Nhảy Dù từng xông pha trăm trận, Đại Tá Quang vẫn ung dung điều động tất cả đơn vị chống trả hữu hiệu mọi cuộc tấn công của quân Cộng. Những Sư đoàn gọi là thiện chiến của Hà Nội như Sư đoàn 320 mệnh danh là Sư đoàn Điện Biên, giờ đây chỉ còn là cái bóng của chính nó. Đã hội được đầy đủ yếu tố bất ngờ mà binh đội và chiến xa của chúng vẫn không làm chủ nổi tình hình trong ngày đầu cuộc chiến. Giả sử nếu Trung Đoàn 45 Bộ Binh không bị đình hoãn ở Pleiku và vẫn tiếp tục di chuyển xuống Ban Mê Thuột, thì số phận của Sư Đoàn 320 trong thành phố càng tệ hại hơn.
Tại khu vực phi trường Phụng Dực, Sư đoàn 316 Cộng quân vẫn không tiến qua nổi chiến tuyến rất cứng của Tiểu Đoàn 3/53 Bộ Binh và Đại Đội 23 Trinh Sát. Cuộc ác chiến Ban Mê Thuột tiếp diễn với cường độ đã dần dần tăng lên mức nóng đỏ khốc liệt. Hàng hàng bộ đội mới toanh và non choẹt của Cộng quân ào ạt xông lên làm những cái cây thịt sống trước họng súng của quân Nam. Có tất cả trên 400 cán binh Bắc Cộng nằm phơi xác khắp thành phố và 13 chiếc tăng bị bắn gục nằm cháy đen rải rác. Trung Tá Võ Ân báo cáo quân Sư Đoàn 316 đang dùng đến cả súng phun lửa quyết tâm thiêu cháy con cái của ông. Những loại súng sát thương rùng rợn nhất dội ầm ầm lên mọi kháng tuyến của quân phòng thủ. Liên Đoàn 21 Mũ Nâu vẫn còn bị cầm chân ngoài ngoại ô không vào thành phố được. Trung Tá Lê Quý Dậu dẫn hai Tiểu Đoàn 72 và 96 Biệt Động Quân dạt về phía Phi Trường Phụng Dực, với hy vọng bắt tay được với Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 53 của Trung Tá Võ Ân, rồi từ đó mở một mũi đột phá vào.
Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 chỉ còn có mỗi một chiếc thiết vận xa M 113 còn nguyên vẹn. Là một chiến sĩ Mũ Đen từng xông pha bên Hạ Lào và trên chiến trường Quảng Trị, Đại Tá Luật đã ngồi trên chiếc thiết giáp nhỏ nhắn mà thân thiết này cùng với một xạ thủ điều khiển cây đại bác không giật 106 ly để đương đầu với hàng hàng lớp lớp chiến xa địch. Trong lúc đó thì Trung Úy Hoành chỉ huy một Trung Đội Địa Phương Quân bảo vệ tư dinh Tỉnh Trưởng báo cáo quân ta bắn hạ hai chiến xa T54 mà trước đó chúng dùng đại bác 100 ly bắn trực xạ vào dinh làm lầu hai bị sụp xuống. Hai trong ba đứa con nhỏ của Đại Tá Luật may mắn thoát chết, nhưng em bé con trai út bị chấn động mạnh ở ngực và tử thương. Trung Úy Hoành xin phép dẫn Trung Đội và tất cả binh lính trong dinh cùng mấy em bé rút ra khỏi dinh Tỉnh Trưởng. Từ giây phút đó Đại Tá Luật không còn gặp lại những đứa con của mình nữa cho đến khi ông từ trại tù Cộng Sản trở về hơn mười năm sau.
Thanh toán xong dinh Tỉnh Trưởng, chiến xa giặc dồn toàn lực bao vây và tấn công Bộ Tư Lệnh Hành Quân Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Đại Tá Luật và người chiến sĩ Mũ Đen trưởng xa kiêm xạ thủ chỉ còn có thể trông cậy vào khẩu đại bác 106 ly cuối cùng trên chiếc M113. Chưa bao giờ một cựu Tư Lệnh Lữ Đoàn Kỵ Binh với những chiếc xe tăng M48 từng bắn hạ nhiều T54 giặc mà giờ đây ông phải đối đầu với chúng bằng một chiếc M113 nhỏ bé. Một tương phản thật quá chênh lệch và hoàn toàn điên rồ. Rất giống tình trạng một chú bé cầm gậy đánh nhau với một tướng cướp có cây mã tấu sáng loáng.
Khoảng 10 giờ sáng, nhiều chiếc T54 đã rầm gú tiến về Bộ Tư Lệnh. Chiếc M113 ẩn trong chòm cây rậm rất kín đáo, bọn giặc không nhìn thấy, nên chúng cứ lù lù tiến tới. Tiếng máy xe tăng và tiếng bánh xích kêu ầm ầm buốt óc. Những khối sắt phụt khói đen nghịt, chầm chậm tiến tới phía cổng cách hơn 250 mét, rồi 200 mét… Những giây phút chờ đợi thật quá căng thẳng. Hai thầy trò kiên nhẫn chờ cho chiếc xe tăng dẫn đầu tiến đến khoảng cách 100 thước, Đại Tá Luật ra lệnh bắn. Thay vì là tiếng nổ lớn chát chúa quen thuộc của đại bác 106 ly, thì nó chỉ dội lên một tiếng “cóc” khô khan. Trong khi mọi người đứng tim dán mắt vào đoàn quái vật vẫn lừ lừ lăn bánh xích, Đại Tá Luật gào lên:
– Gì thế?
Xạ thủ trả lời:
– Trở ngại tác xạ, Đại Tá!
– Mở “culasse” ra xem?
– Trình Đại Tá, “percuteur” gãy!
– Có “percuteur” thay thế không?
– Thưa… không!
Câu trả lời làm người Đại Tá Kỵ Binh toát mồ hôi, vì khẩu đại bác 106 ly là hy vọng cuối cùng, dù mỏng manh, để chờ viện binh tới. Khẩu 106 ly không giật là phương tiện duy nhất chống trả với T54 địch. Những loại súng khác chỉ là trò đùa với chúng. Những khẩu hỏa tiễn M72 diệt tăng đã cạn dần, cạn dần theo cùng với số chiến xa địch bị bắn hạ. Không 106 ly, không M72, người lính Ban Mê Thuột không thể hình dung những ngày sắp tới sẽ phải làm gì với đoàn chiến xa hung bạo của giặc.
Thảm họa không mong muốn
Bộ Tư Lệnh Hành Quân của Đại Tá Quang vẫn còn một hy vọng chót vào những oanh tạc cơ phản lực A37 mà Quân Đoàn II đang gửi đến giải tỏa chiến trường, ít nhất cũng làm chậm tốc độ tấn công của địch. Chiếc quan sát cơ L19 bay vòng vòng trên bầu trời thành phố liên lạc với Bộ Tư Lệnh xin mục tiêu oanh kích. Đại Tá Quang cho ngay yếu tố: “Dội cách Bộ Tư Lệnh một trăm thước.” Trong tác chiến, hàng ngàn lần chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa yêu cầu pháo binh bắn giải cứu trong khoảng cách sát thương 50 thước, thậm chí có lúc 20 thước, nhưng với chuyện bỏ bom, khoảng cách 100 mét là một sự mạo hiểm chết chóc.
Trong vòng vây thắt ngặt của giặc, Đại Tá Quang không còn giải pháp nào khác. Nếu những trái bom ném xuống chính xác, thì ông còn có thêm được một ít thời gian quí báu kéo dài cuộc kháng cự. Còn cơ hội, còn súng còn đạn và còn lòng kiên quyết thì quân ta còn đánh, và đánh rất dũng cảm. Chiếc L19 bắn trái khói màu xuống khu vực quân Cộng. Một chiếc A37 gan dạ xà xuống trong bức màn lửa cháy bỏng của phòng không địch. Trái bom chúi đầu xuống theo một đường cong quán tính. Thật quá không may cho số phận của Ban Mê Thuột, nó lạnh lùng rơi đúng lên nắp hầm Bộ Tư Lệnh Mặt Trận của Đại Tá Quang. Những người trong hầm thình lình nghe một tiếng nổ “ầm” thật khủng khiếp. Mặt đất bị chấn động runh rinh như ngày tận thế. Cát, đá, bụi đất tung lên cao hàng trăm thước. Bộ chỉ huy đầu não của cuộc kháng cự đã bị dội bom trúng. Trong một khoảng cách 100 thước, người chiến sĩ bộ binh chấp nhận rủi ro và không có gì để oán trách người bạn Không Quân Việt Nam. Chỉ có sự đau xót cay cực mà số mệnh đã quá tàn nhẫn dành cho người lính chúng ta vậy thôi.
Trung Tâm Hành Quân bị phá hủy gần như hoàn toàn. Những máy móc truyền tin liên lạc đều tiêu tán theo mây khói. Một số lớn sĩ quan và binh sĩ trong Trung Tâm hy sinh và bị thương. Đại Tá Quang may mắn chỉ bị thương nhẹ. Liên lạc với các đơn vị và thế giới bên ngoài hoàn toàn bị cắt đứt. Người chết đạn hết, Đại Tá Quang buộc phải tìm cách tháo thân ra ngoài. Ông cùng Đại Tá Luật và những chiến sĩ sống sót dìu dắt nhau rút về hướng Suối Bà Hoàng phía Tây thành phố, cách Bộ Tư Lệnh chừng 250 thước. Tuy rằng trái bom dội trúng Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, nhưng nó cũng có tác dụng ngăn chận đoàn chiến xa địch đang hùng hổ tiến tới. Khoảng 100 chiến sĩ kéo nhau di tản, vọng theo mỗi bước đi của các anh có tiếng loa phát thanh của Cộng Sản từ phía chùa Tỉnh Hội Phật Giáo Ban Mê Thuột kêu gọi đầu hàng.
Đoàn quân quá đông rất dễ bị giặc truy đuổi và phát giác, nên hai vị Đại Tá đồng ý tách rời nhau, mỗi người đi về một hướng. Đại Tá Quang sẽ lần mò đi về hướng Nam tìm cây cầu ở cây số 14, từ đó xuôi hướng Đông Nam xuống Nha Trang. Nhưng Đại Tá Quang không thể đi thoát, vì Quốc Lộ 21 dẫn về Nha Trang đã bị giặc kiểm soát, nên trong cuộc hành trình về phương Nam ông đã sa vào tay quân địch, chấm dứt đoạn đường chiến đấu hai mươi năm của một người lính. Đại Tá Luật chọn đi về hướng Tây tìm vào ẩn trú trong khu vườn cà phê của cựu Trung Tướng Thái Quang Hoàng thời Đệ Nhất Cộng Hòa, chờ đêm xuống sẽ tìm đường bọc lên hướng Bắc rồi bẻ sang hướng Đông về Nha Trang. Có khoảng 20 chiến sĩ và ông Phó Tỉnh Trưởng Nguyễn Ngọc Vỵ theo cùng. Nhưng khi bò ngang một khoảnh đất trống dẫn đến khu vườn cà phê, thì đoàn di tản rơi vào ổ phục kích của một đơn vị giặc. Người chỉ huy cao cấp thứ hai của mặt trận Ban Mê Thuột cũng đã lọt vào tay quân Cộng. Khoảng 4 giờ chiều Cộng Sản điều động một chiếc xe tăng đến chở Đại Tá Luật đi về hướng Tây. Thật oái oăm làm sao. Một chiến binh Mũ Đen từng vùng vẫy khắp chiến trường với đoàn kỵ binh dũng mãnh, giờ đây số phận đưa đẩy ông ngồi trong lòng một con ngựa sắt, mà là của kẻ thù và với tư cách của một người tù binh.
Chưa hay biết tin vị Tư Lệnh chiến trường đã bị bắt, Trung Tá Võ Ân và Trung Đoàn 53 vẫn kháng cự quyết liệt tại Phi Trường Phụng Dực sang đến ngày 12.3. 1975. Tinh thần chiến đấu của quân ta vẫn lên cao, Sư đoàn 316 Bắc Việt đánh không thủng nổi chiến tuyến Phụng Dực. Trung Tá Võ Ân gọi điện về xin gửi thêm đạn dược và viện binh, nhưng ông không bao giờ còn có thể bắt liên lạc được với Đại Tá Quang nữa.
Phía mặt trận của Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân, chiến sĩ Mũ Nâu đang đối đầu với các thành phần của Sư đoàn 320 Bắc Việt đang rùng rùng chuyển quân xuống, sau khi đã làm chủ tỉnh lỵ Ban Mê Thuột. Trước tình hình nguy ngập đó, Bộ Tổng Tham Mưu buộc phải ném vào chiến trường cao nguyên Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân, để thay chân Trung Đoàn 44 Bộ Binh trấn giữ Pleiku. Các Sư Đoàn Không Quân Quân Khu II cung cấp nhiều trực thăng vận tải CH 47 Chinook, nhưng số lượng phi cơ thiếu hụt quá nhiều cho những mặt trận, chỉ có một Tiểu Đoàn và Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 44 Bộ Binh được chuyển đến Chi Khu Phước An ở phía Đông Nam và cách Ban Mê Thuột chừng 30 cây số.
Bộ Tư Lệnh Hành Quân của Chuẩn Tướng Lê Trung Tường cũng được thiết lập tại đây để trực tiếp chỉ huy cuộc giải tỏa. Chuẩn Tướng Tường kết hợp một Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 45, một của Trung Đoàn 44 và một của Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân thành một Chiến Đoàn Đặc Nhiệm tiến quân dọc theo Quốc Lộ 21 về hướng Tây để bắt tay với Trung Đoàn 53 tại Phi Trường Phụng Dực. Tập trung tại chiến tuyến Phung Dực, dưới quyền của Trung Tá Võ Ân còn có Tiểu Đoàn 1/53 vừa rút từ vườn cà phê về, Tiểu Đoàn 3/53 và Đại Đội 23 Trinh Sát của Sư Đoàn (số phận Tiểu Đoàn 2/53, Đại Đội 45 Trinh Sát và hai Tiểu Đoàn Địa Phương Quân trong thành phố không rõ),. Để bảo đảm phía hậu tuyến cho Chiến Đoàn, năm Tiểu Đoàn Địa Phương Quân của Khánh Hòa có nhiệm vụ hành quân khai thông và bảo vệ đoạn Quốc Lộ 21 từ Nha Trang lên đến Đèo Khánh Dương.
Cuộc họp quyết định ở Cam Ranh
Ngày 15.4.1975, Sư Đoàn 23 Bộ Binh khởi diễn cuộc phản công giải tỏa Ban Mê Thuột. Nhưng mọi sự đều đã quá muộn, vì những yếu tố quá đỗi bất ngờ và nằm ngoài sự tính toán của các cấp chỉ huy chiến trường. Trong lúc chiến sĩ Chiến Đoàn Đặc Nhiệm đang chuẩn bị xuất quân, thì họ có biết đâu rằng trong cuộc họp mật ngày 14.3.1975 tại Cam Ranh, Tổng Thống Thiệu đã lệnh cho Thiếu Tướng Phạm Văn Phú thi hành kế hoạch tái phối trí lãnh thổ và quân lực của ông.
Trong cuộc họp còn có sự hiện diện của Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ Tướng Chính Phủ, Trung Tướng Đặng Văn Quang, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia. Sau khi nghe Thiếu Tướng Phú thuyết trình tình hình khẩn trương của Quân Khu II, đặc biệt tại Ban Mê Thuột và xin trung ương gửi thêm viện binh, Tổng Thống Thiệu đã lệnh cho Thiếu Tướng Phú điều động các đơn vị Quân Đoàn II triệt thoái ra khỏi Kontum và Pleiku.
Tổng Thống Thiệu giải thích rõ rằng cán cân quân sự từ sau khi Hiệp Định Paris được ký kết ngày 27.1.1973 ngày càng không cho phép Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa căng mỏng quá mức để giữ đất, hiện tại tình hình đòi hỏi Quân Lực phải co lại và chỉ giữ những phần lãnh thổ còn có thể đủ sức giữ được. Hơn nữa nếu có bỏ vùng cao nguyên mà ba phần tư diện tích là rừng núi hoang vu và với đa số là người Thượng sinh sống để bảo vệ miền duyên hải và đồng bằng đông dân cư có nền kinh tế trù phú, là một hành động cần thiết và cấp thiết. Vì những lý lẽ đó, Tổng Thống Thiệu quyết định cho rút các đơn vị Quân Đoàn II và tăng phái ra khỏi cao nguyên. Nhưng vì tỉnh Darlac nằm song song với tỉnh Khánh Hòa và ở phía dưới tỉnh Phú Yên, nên nếu chiếm lại được, thì nó chính là cái tiền đồn trấn giữ vững chắc con đường tiến xuống phương Nam của quân Bắc Cộng từ phía Tây. Thiếu Tướng Phú nhận lệnh phải thực hiện hai cuộc hành quân lớn. Một, rút quân chủ lực ra khỏi Pleiku và Kontum, rồi tập trung lại và tổ chức cuộc tái chiếm Ban Mê Thuột.
Thiếu Tướng Phú đã thẳng thắn đề nghị xin cho ông tiếp tục tử thủ Pleiku và bảo đảm sẽ giữ được cao nguyên. Nhưng tất cả những giới chức trong cuộc họp đều lặng thinh một cách lạ lùng, không ai góp lời hỗ trợ hay tán thành lời khẩn cầu sinh tử ấy. Nếu trong ngày đó, quân ta được bám chặt lấy cao nguyên, thì với Sư Đoàn 23 Bộ Binh từ hướng Quốc Lộ 21phía Đông Nam lên, các Liên Đoàn Biệt Động Quân từ hướng Bắc và Sư Đoàn 22 Bộ Binh từ miền duyên hải Bình Định; ba Sư đoàn 10, 316 và 320 đã bị thiệt hại và rất mệt mỏi của Văn tiến Dũng sẽ bị kẹt trong cái túi lửa Ban Mê Thuột, ít nhất chiến dịch 275 của chúng sẽ bị khóa chặt ở đây trong một thời gian vô hạn định. Trong khi đó thì tại ba quân khu còn lại các lực lượng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa kềm cứng ngắt các đơn vị địch. Dù đang ở thế hạ phong, nhưng trong vòng vài năm nữa, quân Nam vẫn còn cầm chân và làm trì trệ được tất cả những chiến dịch tổng tấn công của Cộng quân. Cái thế được hay thua không một nhà phân tích quân sự nào dám đoan xác rồi sẽ ngã về phía nào.
Ngày N của cuộc hành quân do Thiếu Tướng Phú tùy nghi, nhưng càng sớm càng tốt. Để bảo đảm mặt trận duyên hải vững vàng, Thiếu Tướng Phú đặc phái Chuẩn Tướng Lê Văn Thân, Tư Lệnh Phó Phụ Tá Hành Quân, xuống trông coi chiến trường Bình Định. Chuẩn Tướng Trần Văn Cẩm, Tư Lệnh Phó Lãnh Thổ, chịu trách nhiệm Bộ Tư Lệnh Nhẹ Quân Đoàn II tại Phú Yên để điều hợp công tác tái phối trí các đơn vị cao nguyên về đó. Chuẩn Tướng tân thăng Phạm Duy Tất, Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân Quân Khu II, làm Tư Lệnh cuộc hành quân triệt thoái trên Liên Tỉnh Lộ 7 B. Đại Tá Lê Khắc Lý, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II, giữ nhiệm vụ giám sát cuộc hành quân. Đại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 Quân Đoàn được bổ nhiệm làm tân Tỉnh Trưởng Darlac thay thế Đại Tá Nguyễn Trọng Luật mất tích, cho thấy quyết tâm tái chiếm Ban Mê Thuột của Thiếu Tướng Phú.
Nhiều sử gia đã chỉ trích lệnh điều động nhân sự của Thiếu Tướng Phú là không thích đáng, đặc biệt vị Tư Lệnh cuộc hành quân. Tuy nhiên chúng ta nên nhìn lại trận liệt của Quân Đoàn II trong thời điểm đó để có một cái nhìn và một lượng định chính xác hơn. Chuẩn Tướng Lê Trung Tường đang chỉ huy Sư Đoàn 23 Bộ Binh trên Quốc Lộ 21, Chuẩn Tướng Phan Đình Niệm đang chỉ huy Sư Đoàn 22 Bộ Binh đánh địch tại Đèo An Khê trên Quốc Lộ 19 và mặt trận Bình Định. Lực lượng hùng hậu còn chưa tung ra tham chiến hết là các Liên Đoàn Biệt Động Quân 4, 6, 7, 22, 23, và 25 (Liên Đoàn 24 bị cầm chân ở Quảng Đức, Liên Đoàn 21 không rõ tin tức tại Ban Mê Thuột). Như vậy Thiếu Tướng Phú đã hành động hết sức thích đáng khi chỉ định Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất, Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân Quân Khu II, chỉ huy lực lượng di tản trên Liên tỉnh Lộ 7B mà thành phần làm nỗ lực chánh là binh chủng Mũ Nâu. Nếu tính theo quân số thì các Liên Đoàn Biệt Động Quân hợp thành tương đương gần hai sư đoàn, Chuẩn Tướng Tất đang hành xử nhiệm vụ của một tư lệnh sư đoàn. Hơn hết, kinh nghiệm điều hợp quân binh chủng hồi mùa hè năm 1972 tại Kontum và Quảng Trị cho thấy tốt hơn cả là bổ nhiệm chính giới chức cao cấp nhất của binh chủng đang làm nỗ lực chánh làm Tư Lệnh chiến trường, là giải pháp chính xác nhất. Chuẩn Tướng Tất đã xuất sắc làm tròn bổn phận được giao phó, cùng với đoàn Mũ Nâu đi sau chót hết của cuộc di tản, ông đã anh dũng sa vào tay giặc ngay trên chiến trường và đã trả giá đắt cho sự kháng cự bất khuất đó bằng mười mấy năm tù cộng sản trên đất Bắc.
Trong khi vị chủ tướng bị giải về Bắc, thì Tiểu Đoàn 34 Biệt Động Quân của Liên Đoàn 6 Biệt Động Quân đã đánh một trận lừng lẫy cuối cùng mà sẽ được trân trọng ghi vào chiến sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Các chiến sĩ Mũ Nâu đã đánh tan hoang các chốt chận trên Liên Tỉnh Lộ 7B từ quận Củng Sơn về tỉnh lỵ Tuy Hòa, nhất là ở đoạn Đập Đồng Cam thuộc Phú Yên, cam chịu thiệt hại rất nặng để khai thông đường sinh lộ cho đồng bào và chiến hữu các quân binh chủng bạn về đến được Phú Yên. Tiểu Đoàn 34 Biệt Động Quân rách nát sau nhiều trận giao tranh, nhưng là một trong vài Tiểu Đoàn còn giữ vững tinh thần quyết chiến, nên Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, lúc ấy đã di chuyển về Nha Trang, đặc phái Tiểu Đoàn lên trấn giữ Đèo Cả, đoạn đường hiểm trở trên Quốc Lộ 1 ở giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa từ ngày 27.3.1975.
Trên đỉnh Đèo Cả có tảng đá rất lớn mà người bên dưới nhìn lên trông nó rất giống hình dáng một người thiếu phụ đang bồng một đứa trẻ đứng nhìn về phía chân trời, dường như đang trông ngóng người chinh phu còn đang chinh chiến ỡ mãi ngoài chiến trường xa. Nên hòn đá có tên là Hòn Vọng Phu. Người thiếu phụ sẽ còn mãi mãi đứng đó, giữa trời mây lồng lộng gió kêu gào thê thiết, để nhỏ lệ nhìn hàng đoàn xe di tản, trên đó hàng chục ngàn những chiến binh u sầu cúi đầu cầm súng đi mãi về phương Nam. Chuyến đi đó không ai biết đến khi nào sẽ trở lại. Hòn Vọng Phu rồi đây chắc chắn sẽ không còn trông thấy bóng dáng quen thuộc của người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ngược xuôi trên con đường Đèo Cả này nữa rồi. Nàng sẽ vĩnh viễn bế con đứng đó thổn thức gọi tên những người lính đến ngàn đời. Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi nữa, những người chinh nhân Tiểu Đoàn 34 mặc áo rằn ri hoa rừng trấn đóng trên đỉnh đèo cũng sẽ đớn đau từ giã Hòn Vọng Phu để tan biến vào dòng chảy di tản bàng hoàng của đoàn quân dân lũ lượt phía dưới.
Cuộc chiến đấu cuối cùng của Sư Đoàn 23 Bộ Binh trên Đèo Khánh Dương
Để ngăn chận các đơn vị phản công của Sư Đoàn 23 Bộ Binh từ Phước An tiến về Ban Mê Thuột trên Quốc Lộ 21, Tướng Văn tiến Dũng điều động Sư đoàn 10 Bắc Việt từ Quảng Đức lên nghênh chiến. Các chiến sĩ Trung Đoàn 45 Bộ Binh hành quân nhanh chóng, nôn nóng bắt tay với chiến sĩ Trung Đoàn 53 tại Phụng Dực. Các đơn vị tiền quân của Trung Đoàn 45 tiến đến gần con sông Ea Nhiea, chỉ còn cách Phụng Dực 10 cây số, thì Tiểu Đoàn 2/45 chạm súng dữ dội với các thành phần của Sư đoàn 10 Cộng quân. Tiểu Đoàn 2/45 quyết tiến lên, quân giặc quyết chận đứng quân ta tại con sông Ea Nhiea, tiếng súng hai bên nổ vang vọng cả núi rừng. Chuẩn Tường Lê Trung Tường, Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh đích thân bay trên một C&C UH 1 quan sát và chỉ huy. Đạn phòng không của địch bắn lên đầy trời, chiếc trực thăng chỉ huy bị trúng nhiều vết đạn, Chuẩn Tướng bị thương nhẹ vào chân và lệnh cho chiếc C&C rời khỏi chiến trường. Từ giây phút đó, Trung Đoàn 45 Bộ Binh tận lực chiến đấu đơn độc, cấp chỉ huy cao nhất chỉ là vị Trung Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn 2/45 bị thiệt hại rất nặng. Nhận được tin Chuẩn Tướng Tường rời khỏi mặt trận và đang điều dưỡng trong Quân Y Viện Nha Trang, Thiếu Tướng Phú bổ nhiệm Đại Tá Nguyễn Văn Đức, Sĩ Quan Tham Mưu Quân Đoàn II quyền Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh.
Đại Tá Đức đảm đang nhiệm vụ nặng nề giải tỏa Ban Mê Thuột, hoặc ít nhất bắt tay được với Trung Đoàn 53 Bộ Binh tại Phụng Dực, trong lúc cán cân lực lượng đã rất nghiêng lệch về phía Cộng quân. Tình hình càng lúc càng bất lợi cho Đại Tá Đức, khi ông nhận được tin Sư đoàn 10 Bắc Việt đã cho một lực lượng đi vòng qua chiến tuyến của Trung Đoàn 45 tiến quân về Đèo Khánh Dương và uy hiếp nặng nề các Tiểu Đoàn Địa Phương Quân của Khánh Hòa. Các chiến sĩ Địa Phương Quân bắt được một số tù binh, mà theo cung từ của họ, Trung đoàn 25 Độc lập Bắc Việt đã có mặt tại mặt trận Khánh Dương. Trung Đoàn 45 bị kẹt giữa hai tuyến lửa, phía trước mặt là các chốt chận dầy đặc của Cộng quân, phía sau lưng có nguy cơ bị cắt đứt đường về.
Tin tức không vui về cuộc di tản đau thương trên Liên Tỉnh Lộ 7B từ ngày 16.3.1975 buộc vị Tân Tư Lệnh quyết định lệnh cho Trung Đoàn 45 kéo trở về lập phòng tuyến chận giặc trên Đèo Khánh Dương. Trung Đoàn 45 lập kế hoạch cho các Tiểu Đoàn yểm trợ nhau lần lượt rút trở về Phước An, tiếp tục rút về hướng núi Chu Kuk gần Đèo Khánh Dương. Quân ta thiết lập công sự chiến đấu trên những cao điểm ghìm súng chờ giặc, cũng như chờ tiếp đón chiến sĩ Biệt Động Quân và Trung Đoàn 53 tại Phụng Dực.
Bắn đến viên đạn cuối cùng, các chiến sĩ Trung Đoàn 53 sau chín ngày anh dũng cầm chân Sư đoàn 316 Bắc Việt tại chiến tuyến Phụng Dực đành phải cắn răng rút bỏ phi trường. Một sự ra đi đau lòng không bao giờ muốn. Nếu còn đầy đủ súng đạn như những ngày hùng mạnh cũ, thì còn lâu, rất lâu, hay sẽ không bao giờ Trung Đoàn 53 Bộ Binh chịu nhường Phụng Dực cho giặc. Chỉ mới chưa quá hai năm, Trung Đoàn 53 và Trung Đoàn 45 đã đánh các đạo quân hùng hậu thuộc Mặt trận B3 Tây Nguyên của quân Cộng thua xiểng liểng tại Quảng Đức thì có lý nào các anh cam chịu thúc thủ tại chính bản doanh của các anh hay sao.
Ngày 18.3.1975, tình hình đã vô cùng tuyệt vọng vì không còn liên lạc được với Sư Đoàn và Quân Đoàn, Trung Tá Võ Ân và em út của ông chỉ có thể nhặt lấy súng ống đạn dược của quân giặc tháo chạy bỏ lại trên chiến trường, cùng dắt díu nhau mở những mũi đột phá ra khỏi vòng vây của Sư đoàn 316 theo Quốc Lộ 21 xuôi hướng Đông Nam tìm về Nha Trang. Đại Đội 23 Trinh Sát trấn giữ một góc phi trường là đơn vị cuối cùng nhất của Sư Đoàn 23 Bộ Binh rời khỏi Phụng Dực, đánh dấu một trang sử bi thiết mở đầu cho cuộc tang thương uất nhục của đất nước.
Ngày 21.3.1975, Trung Tá Võ Ân cùng các chiến sĩ dũng cảm của Trung Đoàn 53 lên đến đỉnh Đèo Khánh Dương, vui mừng bắt tay vị Trung Đoàn Trưởng và chiến sĩ Trung Đoàn 45 Bộ Binh. Có lệnh bốc toàn bộ Trung Đoàn 53 và Trung Đoàn 45 bằng không vận về Cam Ranh, để ở đó Đại Tá Nguyễn Văn Đức cùng các chiến sĩ của ông với quân số khoảng 4.900 tay súng xây dựng lại sức mạnh và tiếp tục chiến đấu. Với chiến công ở Phụng Dực, Trung Tá Võ Ân được đặc cách vinh thăng Đại Tá. Các chiến sĩ Mũ Nâu của Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân được tiếp nhận và đưa về Trung Tâm Huấn Luyện Dục Mỹ để được tái tổ chức. Các đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân được di chuyển vào Trung Tâm Huấn Luyện Quốc Gia Lam Sơn, tái trang bị và sẽ được cải chuyển bổ sung cho các Sư Đoàn Bộ Binh. Mặt trận Khánh Dương trao lại cho Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù của Đại Tá Lê Văn Phát và hai Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 40 thuộc Sư Đoàn 22 Bộ Binh.
Ngày 22.3.1975, trong lúc đoàn quân dân di tản đang còn bị ùn tắc bên bờ Bắc con sông Ba gần quận Củng Sơn, Tuy Hòa, thì mặt trận Khánh Dương nổ lớn. Trung Đoàn 40 Bộ Binh nhận nhiệm vụ nặng nề ngăn chận Sư đoàn 10 Bắc Việt phía bên kia Đèo Khánh Dương, trong khi Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù vừa từ Quân Khu I di chuyển bằng tàu về đến Cam Ranh đã được lệnh đổ quân lên cấp tốc thiết lập chiến tuyến trên đèo. Trung Đoàn 40 Bộ Binh giao tranh đơn độc và khốc liệt với các đơn vị của Sư đoàn 10 Cộng quân có xe tăng và đại pháo yểm trợ. Không có hỏa lực hỗ trợ, quân ta lùi dần về đỉnh đèo.
Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 22 và Chuẩn Tướng Phan Đình Niệm, Tư Lệnh Sư Đoàn, e ngại Sư đoàn 10 Bắc Việt có thể né tránh quân Dù để đi vòng xuống hướng quận Diên Khánh và theo Tỉnh Lộ 420 đánh vào Nha Trang, nên đã điều động Trung Đoàn 40 cấp tốc hành quân xuống Diên Khánh chận địch lần nữa. Sự ra đi của hơn hai ngàn chiến sĩ bộ binh, đã để lại những khoảng trống lớn dọc theo chiến tuyến Khánh Dương, và làm cho gánh nặng của chiến tranh càng thêm quá sức gồng gánh của Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù. Nhưng Nhảy Dù là Cố Gắng, nên Nhảy Dù dù ở tình cảnh nào cũng quyết chiến đấu.
Các đơn vị Nhảy Dù đào hầm hố trên đỉnh cao gần 1.000 thước có tên là Núi Chu Kroa chờ đợi Trung đoàn 28 Bắc Việt và chiến xa đang ầm ì áp sát càng lúc càng gần. Một Tiểu Đoàn Địa Phương Quân giữ an toàn mặt Nam cao điểm cho quân Mũ Đỏ. Chịu trách nhiệm mặt trận này là Chuẩn Tướng Trần Văn Cẩm, cũng như ông toàn quyền chỉ huy Trung Đoàn 40 Bộ Binh và Tiểu Đoàn 34 Biệt Động Quân đang trấn đóng trên Đèo Cả.
Ngày 30.3.1975, mặt trận Khánh Dương bùng nổ lần thứ hai. Trung đoàn 28 và Trung đoàn 66 Bắc Việt được sự yểm trợ của hai Chi đội xe tăng và Trung đoàn 40 Pháo Binh Bắc Việt ồ ạt tấn công lên toàn Lữ Đoàn 3 Dù. Pháo binh địch dội xuống chiến tuyến quân Dù những cơn bão lửa khủng khiếp, với quyết tâm mở cho được con đường xuống Khánh Hòa, lực lượng Kỵ Binh cam chịu thiệt mất 4 trong số 15 chiếc thiết vận xa M113. Thiết Đoàn 21 Chiến Xa M48 của Quân Đoàn II đã bị kẹt trên Liên Tỉnh Lộ 7B và chịu tan rã tại quận Củng Sơn, Tuy Hòa, nên quân ta không còn chiến xa để nghênh cản xe tăng địch. Những chiếc M113 mỏng mảnh xông ra tiền tuyến nghênh chiến với những chiếc T54 to lớn của cộng quân.
Dưới cơn pháo dữ dằn của địch, những khẩu 105 ly ít ỏi còn lại của Lữ Đoàn 3 Dù buộc phải rút về Buôn Ea Thi. Sự di chuyển này đã làm cho các đơn vị tuyến đầu của Lữ Đoàn 3 Dù nằm ngoài tầm yểm trợ của các pháo đội 105 ly. Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù, một thời lừng lẫy trên chiến trường Quảng Trị năm 1972, hai Đại Đội đã đặt chân lên Cổ Thành Đinh Công Tráng hồi đầu tháng 7.1972, những tưởng đã dựng được ngọn cờ Việt Nam trên dãy tường thành đổ nát, thì một trái bom laser “dội lầm” làm nhiều chiến sĩ Dù bị tử thương, hai Đại Đội dội ngược trở ra.
Giờ đây, cũng Tiểu Đoàn 5 Dù nằm hứng pháo 130 ly địch. Dứt pháo, xe tăng và bộ binh giặc lổn ngổn bò lên đông đặc như những con kiến hung hãn. Tiểu Đoàn 5 Dù đánh trận cuối cùng của mình, nhiều chiến sĩ ngã gục trong chiến hào. Dần dần, con số tay súng còn chiến đấu được đã giảm xuống đến 20% quân số. Thật đớn đau quá đỗi, để bảo vệ đất nước, cứ mười người lính thì đã tử trận và chiến thương hết 8 người. Trong những nỗ lực tột cùng, Tiểu Đoàn 5 Dù bắn cháy được ba chiếc T54, nhưng vẫn không thể ngăn được những con sóng biển người cứ mãi điên cuồng tràn lên.
Tiểu Đoàn 6 Dù cũng chịu cùng cuộc chiến đỏ lửa với đồng đội. Còn nhớ những ngày tháng 11.1974 khốc liệt trên những đỉnh cao Thường Đức, đặc biệt đỉnh 1062, Tiểu Đoàn 6 Dù đã giành đi giật lại với quân Sư đoàn 304 Bắc Việt dãy liên cao điểm trong vùng núi Trường Sơn Quảng Nam. Trận đánh kéo dài và đẫm máu ấy giờ đây tái diễn trên cao điểm 1,000 thước. Lần đó gần như toàn Sư Đoàn Dù tham chiến. Còn bây giờ chỉ mỗi Tiểu Đoàn 6 đơn độc, nhưng vẫn Cố Gắng đến tận cùng phía đằng sau nỗi chết chóc và sức chịu đựng của mình. Cho đến khi không còn gì để đánh nữa, toàn Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù đành cắn răng nối bước Trung Đoàn 53 Bộ Binh nhặt súng đạn địch lên mở đường máu tìm về phía Nha Trang. Khi về đến được Núi Hòn Sơn ở phía Bắc thành phố Nha Trang, thì Lữ Đoàn 3 Dù chỉ còn một phần tư quân số hiện diện. Quân Dù rút đến đâu, binh đội và xe tăng Cộng quân áp sát theo tới đó.
Ngày 1.4.1975 nhân viên Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ Nha Trang được không vận về Sài Gòn. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II & Quân Khu II và Ban Tham Mưu di chuyển vào Cam Ranh. Lữ Đoàn 3 Dù, Trung Đoàn 40 Bộ Binh, Biệt Động Quân và Địa Phương Quân lục tục từng nhóm nhỏ kéo vào theo và tan rã ở đâu đó một cách đau xót. Ngày 2.4.1975, Bộ Tổng Tham Mưu lệnh cho Quân Đoàn II cấp tốc di chuyển vào Quân Khu III bằng hải vận, để sau đó đánh dấu chấm hết hoạt động của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận được sáp nhập vào lãnh thổ Quân Khu III. Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, vì cuộc di tản cao nguyên kéo theo sự sụp đổ toàn Quân Khu II, bị quản thúc tại gia ở Sài Gòn. Một dũng tướng từng xông pha trên những chiến trường lớn: Hạ Lào 719, Thừa Thiên – Huế Mùa Hè 1972, từng làm tướng lãnh giặc kinh hồn, giờ đây đang đếm từng ngày bước tiến của giặc và từng giây phút cuối cùng của cuộc đời mình.
Cuộc di tản Cam Ranh ngày 2.4.1975 cũng viết đến những dòng chữ cuối cùng của chương sử Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Đại Tá Đức và chiến binh của ông ngậm ngùi chia tay nhau. Không ai có thể hẹn với nhau ngày tái ngộ trên một vùng đất nào đó ở phương Nam. Không ai biết được cái gì đang chờ đợi họ trên con đường dài thăm thẳm ở phía trước. Những chiến binh của một thời Mùa Hè Kontum 1972 được mệnh danh là những Người Lính Kontum Kiêu Hùng giờ đây cũng tan tác theo vận nước và sẽ nổi trôi theo cùng với định mệnh tang tóc của cả một dân tộc.