Một số kiểu dây đờn cơ bản trong nhạc tài tử - cải lương

Phạm Thái Bình - Phan Nhứt Dũng

Dây đờn là thang âm cổ nhạc được giới nghệ nhân, nhạc sĩ điều chỉnh phù hợp với từng loại hơi - điệu (Bắc, Nam, Hạ, Oán, Ngự…) khác nhau và theo từng chất giọng của người ca. Trong quá trình giao lưu, trình diễn, các thế hệ nghệ nhân, nhạc sĩ đã không ngừng sáng tạo ra nhiều kiểu dây đờn, góp phần tạo thêm nét thú vị và độc đáo cho âm nhạc tài tử - cải lương.

Guitar phím lõm
(Ghi ta Việt Nam)

Dây Sài Gòn

Ông Chín Hòa, nhạc công nổi tiếng ở Sài Gòn những năm 1940 là người đầu tiên đờn bài vọng cổ bằng cây đờn Guitar phím lõm (còn gọi là Guitar Việt Nam) để thu âm, nhưng tiếng đờn chưa được mượt mà, êm ái vì sở trường của ông là người chơi Nguyệt cầm (tức đờn Kìm). Để mọi người thật sự thích thú, say mê tiếng đờn Guitar phím lõm, hai nghệ nhân Ba Kéo và Armand Thiều (ở Sài Gòn) đã tạo nên một phong cách chơi đờn Guitar phím lõm được nhạc giới tài tử - cải lương tôn trọng và gọi là “dây Sài Gòn”. Dây Sài Gòn thường được thể hiện cho giọng ca nữ rất thuận lợi.

Dây Rạch Giá

Sau khi cây đờn Guitar phím lõm xuất hiện thì nhiều kiểu so dây cũng ra đời, trong đó có kiểu so dây từ cây đàn Octavina được đặt là “dây Rạch Giá”. Khoảng năm 1930 đến năm 1935, tại Rạch Giá (Kiên Giang) có ông giáo Tiên làm nghề dạy học lâu năm rất thích đờn ca hát xướng. Ông có cây đờn Octavina (một loại đàn nhỏ, lên dây như cây Mandolin, nhưng hình dáng của nó giống như cây đờn Guitar). Trong một buổi sinh hoạt đờn ca, trước đông đảo bạn bè nghệ nhân, tài tử ở Rạch Giá, ông giáo Tiên dùng cây Octavina hòa tấu bản vọng cổ nhịp 4 cùng mấy nhạc cụ khác như: Tranh, Bầu, Kìm, Cò. Tiếng đờn vừa dứt, những tràng pháo tay tán thưởng vang lên. Kể từ đó, kiểu dây Rạch Giá ra đời. Điểm độc đáo của kiểu dây Rạch Giá là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thang âm Bắc và thang âm Nam trong bài vọng cổ. Kết hợp này tạo nên một màu hòa âm ngân vang, lung linh, huyền ảo, tạo một cảm giác lâng lâng trong lòng người mộ điệu.

Octavina

Dây Tháp Mười (dây Hò đậy)

Vào thời điểm 1935-1940, dây đờn Guitar phím lõm cũng như dây của cây Octavina dùng dây số 1 và 2 có tiết diện tương đối lớn nên độ căng của dây khá cứng, gây khó khăn trong diễn tấu. Để khắc phục tình trạng này, khoảng năm 1941-1942, các nghệ nhân vùng Đồng Tháp Mười đã hạ thấp cao độ dây xuống (thường là quãng 4 đúng) để dây chùng, bấm nhẹ tay hơn. Vì dây chùng thấp xuống nên khi đờn, các bậc Hò phải tăng cao lên, bậc Hò là Sol trước đây đờn ở ngăn thứ 5 thì bây giờ phải đờn ở ngăn thứ 10. Do đó, các bậc Hò không rơi vào dây buông mà rơi vào ngón bấm, người ta gọi hệ thống dây này là “dây Hò đậy” (“đậy” có nghĩa che lại, chỉ các ngón bấm) hay còn gọi là “dây Tháp Mười”. Kiểu dây đờn này có ưu điểm là dây mềm, dễ nhấn nhá nhưng thế tay phải bấm liên tục.

Dây Tứ nguyệt

Vào khoảng năm 1942-1943, hệ thống dây dành cho giọng nữ ca được ra đời gọi là “dây Tứ nguyệt”. Giải thích về chữ “Tứ nguyệt” có người cho rằng đó là một cách gọi văn hoa như kiểu “dây Tố Lan” trong đờn Kìm, song cũng có người giải thích rằng: “tứ” nghĩa là bốn (4 dây), “nguyệt” là đờn Nguyệt (mắc dây theo cách mắc dây đờn Nguyệt). Một thời gian ngắn sau đó, vài nhạc công thêm vào “dây Tứ nguyệt” một dây số 5 nữa, đó là dây Ré như sự mở rộng bồi thêm một quãng 8 dưới của dây số 3 (Re). Với tầm âm thanh phù hợp với giọng ca, “dây Tứ nguyệt” đờn bản vọng cổ nghe ngọt ngào, mùi mẫn và nó có thể đờn được tất cả các bài bản của âm nhạc tài tử - cải lương một cách thoải mái. Dây Tứ nguyệt thường được thể hiện cho giọng ca nữ và những bài bản thuộc hơi điệu Nam.

Dây Lai - kiểu dây thông dụng trong nhạc âm tài tử - cải lương

“Dây Tứ nguyệt” tuy có nhiều ưu điểm hơn so với tất cả các thử nghiệm, song khi đờn bậc Hò-Sol cho nam ca thì thế tay vẫn chưa thuận tiện. Vào khoảng năm 1948-1949, để đáp ứng sự đa dạng trong ca diễn của sân khấu cải lương và đờn ca tài tử với nhiều loại bài bản và nhiều bậc Hò khác nhau, một số nghệ nhân, nhạc sĩ đã cải tiến “dây Tứ nguyệt” thành một loại dây mới gọi là “dây Lai”, sự thay đổi của “dây Lai” từ “dây Tứ nguyệt” đó là dây số 4 - dây Xề (tương đương nốt La bên tân nhạc) được hạ xuống thành Xàng (nốt Sol). “Dây Lai” là sự kế thừa các kiểu dây: Sài Gòn, Rạch Giá, Xề bóp và Tứ nguyệt cụ thể như sau: Bốn dây số 5, 3, 2, 1: lai “dây Tứ nguyệt”; ba dây số: 4, 3, 2: lai “dây Rạch Giá”; ba dây số: 4, 3, 1: lai “dây Sài Gòn”; hai dây số: 4, 1: lai “dây Xề bóp”. “Dây Lai” có thể xem như hệ thống dây tương đối hoàn chỉnh, nó “ưu việt” hơn các kiểu dây đờn khác, có khả năng chơi tất cả các bài bản cổ nhạc cũng như các bài bản mới, đặc biệt các bài bản của sân khấu cải lương. Dây Lai thường được thể hiện cho giọng ca nam, còn gọi là dây Hò 3 (dây Kép ca).

Dây Ngân Giang

Dây Ngân Giang do cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Còn (tức Ba Còn) ở Bình Dương sáng tạo. Khoảng năm 1952, khi chiến sự ngày càng ác liệt, sân khấu cải lương rơi vào khó khăn, nhạc sĩ Ba Còn lên vùng Trảng Bom - Long Khánh - Đồng Nai (gần sân ga Bảo Chánh) khai thác gỗ rừng. Những lúc nhớ sân khấu, ông ôm đờn rỉ rả một mình. Trong lúc ngẫu hứng, từ hệ thống dây tổng hợp thông dụng (dây (1) từ chữ nhạc Liu ông hạ cao độ xuống thành Xê (bằng dây (2) của dây Lai); trong khi đó ở dây (2) lại hạ cao độ từ Xê xuống thành Xư (bán Xự hay Xự già); giữ nguyên dây (3) là Hò và nâng cao độ từ Xàng lên Xề ở dây (4) và giữ nguyên chữ Tồn ở dây (5)), ông đã tạo ra một hệ thống dây mới (dây 1 là Xê; dây 2 là Xư (bán Xự hay Xự già); dây 3 là Hò; dây 4 là Xề; dây 5 là Tồn) và đặt tên là dây Bảo Chánh. Sau khi trở lại Sài Gòn, với ngón đờn và hệ thống dây đờn riêng, ông nhanh chóng chinh phục giới mộ điệu Sài Gòn và 7 năm sau (năm 1959), tiếng đờn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Còn với dây Bảo Chánh lần đầu tiên được thu vào đĩa nhạc với bài vọng cổ “Nắm xương tàn” do cố nghệ sĩ Hữu Phước (thân phụ của ca sĩ Hương Lan) ca. Qua làn đĩa cổ nhạc, dây đờn vừa lạ vừa hay này nhanh chóng được các nghệ sĩ bốn phương tìm hiểu và luyện tập. Sau đó, nhạc sĩ Bảy Bá (tức soạn giả - NSND Viễn Châu) và danh cầm Văn Vỹ góp ý đề nghị đổi tên thành dây Ngân Giang, vì hệ thống dây đờn này khi đờn lên nghe lâng lâng, bay bổng, tiếng đờn sáng lên “như những áng mây bàng bạc tựa dãy ngân hà”. Từ đó, dây Bảo Chánh có tên gọi là dây Ngân Giang. Với những mênh mông, dàn trải hòa quyện với những chữ nhấn chữ rung độc đáo, đạt được độ sâu lắng, dây Ngân Giang phù hợp với những bài bản thuộc hơi Ai, hơi Oán và khá thích hợp với làn điệu vọng cổ.

Ngoài những kiểu dây đờn vừa kể trên, nhạc tài tử - cải lương còn sử dụng những kiểu dây đờn khác như: Dây Tố Lan, dây Xề bóp, dây Xề buông, dây Mỹ Châu…