Trả lời ông Phú Trường: “Một quyển sách hoành tráng bên ngoài, sơ sài bên trong”, đã đăng trong CAND điện tử ngày 15/5/2015
Nhân đọc bài viết ông Phú Trường đăng trên Công An Nhân Dân điện tử viết về quyển Lịch Sử Việt Nam. Từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ 20 của Gs Lê Thành Khôi do ông Nguyễn Nghị dịch, nhà xuất bản Nhã Nam và Thế giới ấn hành năm 2014. Đây là tác phẩm được viết và Minuit xuất bản từ năm 1955, năm 1982 được bổ túc tư liệu, Nxb Sud Est Asie. Bản dịch sử dụng bản in năm 1982 và thêm chương VII và chương IX quyển le Vietnam. Histoire et Civilisation năm 1955. Là môn sinh Gs Lê Thành Khôi, tôi xin thay mặt giáo sư trả lời những thắc mắc của ông.
Đây là quyển sử đầu tiên viết trên quan điểm nước Việt Nam độc lập được xuất bản tại Pháp bằng tiếng Pháp cho người nước ngoài muốn tìm hiểu về Việt Nam, với những phương pháp khoa học xã hội của một trí thức được đào tạo căn bản trong nền giáo dục Tây Phương. Khác với những sách khác người Pháp viết trên quan điểm thực dân, cũng khác những sách lịch sử do người Việt Nam viết do tự học, thiếu căn bản một sử gia hiện đại. Ví dụ họ dịch chữ ‘féodale’ thành ‘phong kiến’ mà không tra tự điển chữ ‘féodale’ là gì, cũng không chịu tìm hiểu ‘féodale’ của Tây Phương, tạo một sự lầm lẫn nghiêm trọng trong lịch sử Việt Nam. ‘Féodale’ là chế độ chính trị nhà vua phong đất cho chư hầu, nông dân là nông nô cho lãnh chúa, chư hầu có quân đội riêng, cha truyền con nối phục vụ cho nhà vua. Việt Nam không cai trị bằng cách đó, các quan lại Việt Nam được tuyển qua ba kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình. Thanh niên Việt Nam ai cũng có quyền học và đi thi, thi đỗ ra làm quan, chỉ được chức tước trong đời của mình (trừ một vài trường hợp đặc biệt). Làng xã Việt Nam có một chế độ tự trị ‘phép vua thua lệ làng’. Do đó chế độ quân chủ Việt Nam không phải là chế độ phong kiến. Nhân dân Việt Nam cũng không phải là nông nô cho một ai, cũng không bị ràng buộc bởi chế độ Thần quyền Thiên Chúa Giáo với vai trò Giáo Hội bao trùm cả xã hội. Nho Giáo, Phật Giáo Việt Nam hoàn toàn khác biệt. Người Việt Nam giữ đạo lý cương thường Nho Giáo, nhưng không lệ thuộc chặt chẽ một Giáo Hội. Nho, Phật, Lão hòa đồng thành Tam Giáo Đồng Nguyên. Vui thì đến chùa học Đạo, tự thân giải thoát, giác ngộ, “đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”, Bụt chỉ có phong cảnh. Một trăm năm nay người Việt Nam đã lầm lẫn quân chủ với phong kiến. Thậm chí nhập cảng cả những tội lỗi phong kiến Tây Phương gán ghép vào lịch sử Việt Nam gây nên những thảm hại không đo lường được. Thời Cải Cách Ruộng Đất vùng Thanh, Nghệ, Tỉnh, Quảng Bình đã đem các cụ Tiến sĩ Nho học ra xử tội: Giai cấp Phong kiến bóc lột. Sự lầm lẫn này cả ngoài Bắc lẫn trong Nam trong cả hai mươi năm chia đôi đất nước. Bài hát Suy tôn Ngô Tổng Thống cũng bài Phong kiến đi đôi với Chống Cộng. Ai bảo dịch giả không có tội?
Sách sử Giáo sư Lê Thành Khôi viết ôn hoà, phân tích khoa học các sự kiện, không chửi bới Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Nguyễn Ánh. Không ca tụng tít tận mây xanh các cuộc khởi nghĩa nông dân. Không chửi thực dân, đế quốc, tư bản bóc lột, hay cộng sản. Không chép sử theo lối biên niên các sử gia thời quân chủ, không như Trần Trọng Kim, Phạm Văn Sơn... cũng không phải là phong cách các cụ Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu, Văn Tân những nhà viết sử đầu tiên chế độ. Không có gì lạ nguồn tư liệu được các sách Lịch sử Việt Nam về sau chép lại, Giáo sư Phan Huy Lê trân trọng Gs Lê Thành Khôi và công nhận mình đã ảnh hưởng rất nhiều phương pháp làm việc của ông từ năm 1956. Từ 1955, 1982 mà đến năm 2014 mới được dịch và in tại Việt Nam. Hơn 35 năm, 60 năm sau. Dĩ nhiên là có vài nghiên cứu về sử học về sau này có nhiều điều mới lạ. Nhưng phong cách viết cẩn thận, chừng mực, khoa học, trung thực của tác phẩm vẫn là khuôn mẫu một tác phẩm của một nhà sử học, có kiến thức uyên bác nhiều lãnh vực, sử và văn chương, luật học, kinh tế, giáo dục, Hán học... được đào tạo từ Viện Đại Học hàng đầu danh tiếng Tây Phương và trở nên vị giáo sư, một Khoa Trưởng trong Viện Đại Học Sorbonne này và làm cố vấn cho tổ chức Liên Hiệp Quốc Unesco giúp đỡ tổ chức cải cách giáo dục cho 42 nước.
Đây là lần đầu tiên có một quyển Lịch Sử Việt Nam, có quan điểm khác với phong cách nhìn sử học qua ánh sáng chủ nghĩa Mác Lê, lịch sử là lịch sử đấu tranh giai cấp, xuất bản tại Việt Nam. Có thể quyển sách đã bị dị ứng bởi những người đã quen với cái nhìn cũ. Một bài từ báo Nhân Dân Điện tử, và một bài từ báo Công An Nhân Dân Điện tử phản ứng chê bai quyết liệt.
Tôi đã đọc qua bản dịch của ông Nguyễn Nghi, bản dịch có quá nhiều sơ xuất, có thể nói là quá cẩu thả: ví dụ Hoà Thượng Vô Ngại ông dịch thành Thượng Nhân Vô Ngại, tội Bất Hiếu ông dịch thành: Tội thiếu lòng Hiếu thảo. Chùa Thập Tháp Di Đà, Bình Định ông dịch thành Amibata mười tháp v.v.. Nỗi khó khăn của ông Nguyễn Nghị là nhiều từ tiếng Việt được Giáo sư Lê Thành Khôi dịch ra tiếp Pháp cho người Pháp hiểu, nay ông dịch lại tiếng Việt mà không chuyển đúng ra tên cũ thành ra buồn cười.
Nhiều danh từ thời quân chủ: đáng lẽ dịch là các quan lại ông dịch thành các công chức. Quan võ thành quân nhân. Lính Khố xanh ông dịch thành nhân dân tự vệ. Nhà vua trụy lạc với cung phi, ông dịch thành: nhà vua trụy lạc với các bà vợ. Lầu Ngũ Phụng thành Lầu năm chim phượng…
Văn chương chữ Pháp của Gs Lê Thành Khôi bóng bẩy, nhiều câu tiếng Việt ông Nguyễn Nghị dịch ra đúng từng chữ thành ngây ngô. Ví dụ đáng lẽ dịch: ‘Rừng Trường Sơn phát triển đầy nhựa sống,’ ông Nghị dịch thành ‘Rừng Trường Sơn phát triển với sức mạnh của nhựa cây’.
Sau đây tôi xin trả lời những thắc mắc của ông Phú Trường:
1. Trang 69. Ông cho rằng về Vương quốc Văn Lang, Giáo sư Lê Thành Khôi có một sự nhầm lẫn tai hại giữa truyền thuyết và sự thật lịch sử.
Thời Vương quốc Văn Lang chưa có chữ viết, cai trị theo lối thắt nút, sử liệu đầu tiên nói đến là quyển Lĩnh Nam Trích Quái viết về những truyền thuyết, những truyện lạ phía nam núi Ngũ Lĩnh thì cũng chỉ là những truyền thuyết, làm gì có sự thật lịch sử. Ngày nay dùng khảo cổ học để tìm kiếm phỏng đoán ra những sự kiện. Nước ta nhà cửa xây cất bằng tre, gỗ, chóng tiêu hủy khác với nhiều nơi trên thế giới, nền nhà bằng gạch đá, các nhà khảo cổ có thể dựa theo đó để phỏng đoán số dân cư một thị trấn hay thành phố cổ. Thành đầu tiên là thành Cổ Loa, trước đó không thấy thành quách gì thời Hùng Vương cả. Chúng ta có thể dùng quan sát Dân tộc học các bộ tộc trong rừng sâu vùng Mã Lai, Indonésia còn mặc áo lông chim, da thú, có nhà rong, giã gạo bằng cối, thuyền độc mộc giống như hình ảnh trên trống đồng Ngọc Lũ, chúng ta biết được thời Hùng Vương dân tộc ta sống như thế nào. Tại Viện Bảo tàng Nghệ Thuật Các Dân Tộc Jacques Chirac Paris có chưng bày một trống đồng Indonésia phong cách Đông Sơn lớn bằng cái bàn tròn, gấp 10 lần trống đồng của ta. Các danh từ Hùng Vương, Lạc hầu, Lạc tướng là các danh từ thời đã được Hán hóa từ thời Mã Viện nhà Hán. Các vua nước Sở cũng họ Hùng, việc đặt tên họ cho 18 đời vua Hùng chỉ là một cao hứng của một nho sĩ đời Lê Thánh Tôn. Thời mở nước người hùng mạnh này truyền ngôi lãnh tụ cho người hùng mạnh khác mà không truyền cho con cháu. Có khi vua tổ chức cuộc thi nấu ăn (chuyện Bánh chưng) hay thi dâng sính lễ (chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh)... Hùng là con gấu, thời đó chưa có tên họ, các tù trưởng bộ tộc nhiều nơi thường xưng mình là Gấu Đen, Gấu Đỏ, Gấu Vằn... Phụ nữ xưng danh mình một loài chim, họ xâm mình cho giống loài thú vật tổ. Thời đó đếm bằng thắt nút, đếm được 18 đời Hùng Vương hay 15 bộ tộc là một bài toán khó. Dân Gaulois nước Pháp cùng thời đi đâu cũng vác theo một bị sỏi để tính toán nên gọi làm toán là đếm sỏi (Calcul). Mãi đến đời Đức Phật Thích Ca tại Ấn Độ mới có chữ viết 10 con số, phát minh ra số 0 là một kỳ diệu quan trọng của toán học, nên Đức Phật giảng dạy cái gì cũng có số cả: Tam Bảo, Tứ Diệu Đế, Ngũ Uẩn, Lục Hoà, Bát Chánh Đạo, Thập nhị nhân duyên, Niết bàn... Về sau số Ấn Độ được người Á Rập dùng lại và Tây Phương chỉ có số La Mã không làm toán được, họ nhập cảng cách viết mười con số Á Rập, các con số chúng ta viết khi làm toán ngày nay có nguồn gốc đầu tiên từ Ấn Độ. Chữ Đồng Tử và Tiên Dung học với nhà sư Phật Quang được ‘nhiều phép lạ’, biết ‘buôn một bán mười’, biết viết số Ấn Độ trở nên giàu có hơn cả vua cha. Cùng thời đó nước Phù Nam đã buôn bán với cả La Mã, (di chỉ Óc Eo). Họ tiếp xúc buôn bán với người nước ngoài, mua được một chiếc lều du mục rộng để đi chơi, tối họ mở ra thành lâu đài nguy nga, sáng dậy xếp bỏ lên xe bò chở đi, lâu đài biến mất, nhân gian loé mắt phóng đại chiếc lều thành lâu đài, thêu dệt chuyện Đầm nhất dạ. Cốt tủy các thần thoại có sự thật của nó. Còn cái sự thật lịch sử dựa vào danh xưng chẳng qua là con cá vẽ cảnh đất liền qua lời kể của con rùa. Mê Linh, Phong Châu đời nhà Đường có đúng vị trí ngày nay không? Ngay cả Dâm Đàm thời Hai Bà Trưng người nói ở Hồ Tây, người nói ở Bắc Ninh. Điều đó còn cần những nghiên cứu cặn kẽ về địa hình, địa lý.
2. Trang 450. Ông cho rằng Gs Lê Thành Khôi sai lầm khi viết có các nhà nho tham gia khởi nghĩa, ông khẳng định cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành không có bất cứ một nhà nho nào, chỉ có Nguyễn Hạnh và Hai Dương tiểu sử không rõ ràng, và Vũ Đức Cát, một võ quan cấp thấp.
Tôi xem lại Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam của Nguyễn Q Thắng- Nguyễn Bá Thế, mục Phan Bá Vành viết:
“Trong bộ tham mưu của ông có danh sĩ, võ tướng, con cháu và các quan cũ nhà Hậu Lê theo giúp.”
Trong Lịch sử Việt Nam; Ủy Ban Khoa Học Xã Hội. nxb KHXH. Hà Nội 1971 trang 384 viết:
“Trong Bộ Chỉ Huy nghĩa quân bên cạnh Phan Bá Vành có Nguyễn Hạnh là một võ tướng. Vũ Đức Cát và Chiêu Viễn là những nho sĩ giữ vai trò cố vấn.”
Khởi nghĩa ngày xưa dựng cờ khi thời loạn, chính sự đổ nát, nhân dân đói kém, ngày nay gọi là khởi nghĩa nông dân: Cao Bá Quát khởi nghĩa viết lên cờ: “Bình Dương, Bồ Bản vô Nghiêu, Thuấn. Mục Dã, Thanh Điền hữu Võ, Thang” (Bình Dương, Bồ Bản không có vua anh minh như Nghiêu Thuấn, thì nơi Mục Dã, Thanh Điền có vua Võ, vua Thang khởi nghĩa) nếu không có bất cứ một nhà nho nào thì lấy ai viết chữ đề cờ, thảo hịch chiêu dân. Không ai biết đọc được binh thư lấy ai điều binh khiển tướng? Theo tôi thì Phan Bá Vành có thu hút được vài nho sĩ, nếu không thì ông chỉ là một băng đảng cướp, giết người cướp của chẳng tiếng tăm gì. Nho sĩ theo Phan Bá Vành không tài cán nhiều, biết tâm lý chiến, nhưng không được tài như người viết Bình Ngô Đại Cáo mà chỉ viết được vài câu vè: Trên trời có ông sao rua, Ở làng Minh Giám có vua Ba Vành. Phan Bá Vành không đủ tài đức để thu hút những người tầm vóc như Nguyễn Trãi, Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích, Trần Văn Kỷ, Nguyễn Nể... nên sự nghiệp cuối cùng đại bại chẳng ra gì. Sau cuộc khởi nghĩa thất bại ấy, nhân gian ấy còn sáng tác ra những bài vè ngợi ca Phan Bá Vành và cuộc chiến đấu của nghĩa quân. Ai sáng tác các bài vè ấy, chính là các nho sĩ tham gia cuộc khởi nghĩa, nhờ bài vè ấy ngày nay chúng ta còn biết đến Phan Bá Vành, nếu không tăm tiếng Phan Bá Vành cũng chìm theo thời gian như bao băng đảng thảo khấu khác.
3. Ông cho Gs Lê Thành Khôi sai lầm vì Nguyễn Trường Tộ viết đến 68 bản Điều Trần, chứ không phải trên 15 bản.
Tôi tra Tự Điển Nhân Vật Lịch sử của Nguyễn Q Thắng tr 677: Nguyễn Trường Tộ còn để lại hơn 14 bài trần tình về quốc kế dân sinh. Trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim cũng chỉ có ngần ấy. Tôi không biết 68 bản điều trần là từ tài liệu nào, còn tài liệu đó không, đã công bố chưa. Nguyễn Trường Tộ được triều đình dùng để khai quặng mỏ vùng Thanh Nghệ Tĩnh, nhưng ông cũng chẳng tìm được gì, cũng không để lại một kế hoạch nào tìm kiếm khai thác quặng mỏ. Triều đình dùng ông để gửi người đi học, mua máy móc. Ông cũng chẳng đề xuất được kế hoạch gì. Ông được quan đại thần Trần Tiễn Thành yểm trợ tiến cử, là một nhân vật có uy tín triều đình. Ông không làm được một việc nhỏ nào chứng tỏ tài năng của ông như Hàn Tín được dùng để coi kho và thu thuế trước khi làm Đại Nguyên Soái thì ai dám dùng ông vào việc lớn. Chẳng qua ngày nay chúng ta quá thần tượng hóa tài năng Nguyễn Trường Tộ, ông có điều trần 15 bản hay 68 bản mà không chứng tỏ thực tế mình có tài năng gì, thì ai nghe ông?
Cùng thời của ông có Nguyễn Thông là Dinh Điền Sứ, đi khẩn hoang, đi thám hiểm vùng cao nguyên từ Bình Thuận ra đến Bình Định. Nguyễn Công Trứ khai hoang vùng Tiền Hải, Kim Sơn, Trần Thiện Chánh bán cả gia tài để mộ quân đánh giặc. Tam nguyên Vị Xuyên Trần Bích San cũng là một người tài năng, tiếc thay mất sớm trước khi đi sứ sang Pháp. Đó là những người lời nói đi đôi với việc làm, đáng phục.
4. Ông cho rằng Gs Lê Thành Khôi lầm Trương Công Định không hề bị giáng chức, trái lại được thăng chức làm Lãnh Binh An Giang. Trương Công Định chỉ ở kháng chiến ở vùng Gò Công, chứ không đi đến 18 thôn vườn Trầu, vùng Sài Gòn.
Tôi xem lại Tự Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam, tr 920 mục Trương Định viết:
“Năm 1860 ông tham gia giữ đồn Kỳ Hòa dưới quyền Tổng Thống Quân Vụ Nguyễn Tri Phương. Sau khi đồn Kỳ Hòa thất thủ. Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển rút về Biên Hòa, ông vẫn tiếp tục chiến đấu nên được triều đình Huế phong chức Phó Lãnh Binh. Từ đó ông cùng các chiến sĩ rút về Tân Hòa, Gò Công, xây dựng căn cứ kháng Pháp. Tại đây ông tổ chức nhiều trận phục kích quân địch ở một vùng rộng lớn từ Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn... tiêu hao rất nhiều lực lượng địch.
Sau khi ký Hòa ước năm Nhâm Tuất (5-6-1862) Triều Đình Huế cắt 3 tỉnh Đông Nam Kỳ cho Pháp, triều đình phong ông chức Lãnh Binh, nhưng với áp lực của Pháp, họ buộc ông phải bãi binh và chuyển ông đi An Giang hòng triệt phá phong trào kháng Pháp. Trước sự nhu nhược của triều đình, ông cương quyết chống lại lệnh trên và ở lại cùng nhân dân chống Pháp. Nghĩa quân và nhân dân vùng Gò Công, Tân An, Mỹ Tho tôn xưng ông là ‘Bình Tây Đại Nguyên Soái’. Từ đó nghĩa quân chiến đấu không dưới quyền điều khiển của triều đình Huế nữa.”
Trương Công Định không tuân lệnh triều đình, ông không đi An Giang. Ông bị mất hết chức tước triều đình thì làm sao được gọi là thăng chức. Ông điều khiển cả mặt trận chống Pháp miền Đông Nam Kỳ, mà bảo ông chỉ ở Gò Công, ông không đi tới được vùng 18 thôn vườn Trầu, Bà Điểm vì xa quá, thì quả là ông Phú Trương không suy xét trước khi bảo người khác sai lầm.
5. Ông Phú Trường cho rằng Gs Lê Thành Khôi sai lầm khi chỉ nói Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường phò vua Hiệp Hòa lên ngôi, mà không nói đến vua Dục Đức.
Ts Nguyễn Xuân Thọ trong Bước đầu thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp, TGXB California, 1996 tr 299:
“Vì không có con ruột, Tự Đức đã lần lượt nuôi ba đứa cháu của mình: Người lớn nhất là Ưng Chôn sinh năm 1851, thông minh nhưng sa đọa, rồi Ưng Cơ hay Mệ Trìu, hoàng thân Chánh Mông sau nữa là Ưng Đăng hay Mệ Miến, hoàng thân Dương Thiên em ruột của Ưng Đăng.
Hai ngày trước khi mất tức ngày 14 tháng 6 âm lịch năm Quý Mùi, Tự Đức cho gọi Nguyễn Văn Tường, Trần Tiễn Thành và Tôn Thất Thuyết là những Thượng thư Triều đình và nhà vua tuyên bố chọn người lớn nhất trong ba người cháu để kế vị và cử ba ông làm phụ chính đỡ đầu vua mới. Nhà vua trao cho họ bản di chúc, một bản chính thức công bố cho nhân dân, một bản riêng cho Dục Đức. Ngày sau Tự Đức mất. Dục Đức được mời lên ngôi vua. Để bảo đảm quyền uy của mình, Dục Đức cho 14 tên gia nhân đi theo mình. Trong số người này có hai người theo đạo Thiên chúa. Hai hôm sau bản Di Chúc được tuyên đọc trước triều đình. Người ta ấn định chọn ngày 24 tháng đó để làm ngày đăng quang.
Song trong Di Chúc, Tự Đức có nói: “Ưng Chôn (tức Dục Đức) đang ở tuổi thanh xuân cường tráng, rất thông thái, nhưng bản tính thiên về ở thói hư, tật xấu và với tính cách như vậy, khó mà trông chờ ở Dục Đức một sự trị nước, chăm dân, tốt đẹp được.”
Dục Đức thấy uy tín mình tổn thương, bèn giữ lấy bản Di Chúc chính đó và trao cho các vị quan Hình Bộ, chỉ có một bản sao, trong đó ông ta cắt bỏ cả đoạn phê phán nghiêm khắc trên.
Từ lâu người ta dự đoán kẻ kế vị ngôi vua sẽ là Hồng Dật, hoàng tử Văn Lang em vua Tự Đức, được Thái Hậu và Tôn Thất Thuyết ủng hộ. Thuyết muốn đi đến đích của mình. Ông đi tìm Văn Lang trong đêm 19 tháng 6 âm lịch, chuẩn bị sẵn sàng mọi việc. Sáng hôm sau khi các quan đến họp. Tôn Thất Thuyết đứng lên chất vấn kết án Dục Đức xén bỏ Di Chúc, và lôi kéo theo mình những tên đầy tớ người Thiên chúa giáo. Ông ra lệnh bắt xiềng bọn đầy tớ và thảo bản phế ngôi. Phan Đình Phùng quan Ngự sử lên tiếng, Tôn Thất Thuyết ra lệnh bắt trói. Các quan tranh giành nhau ký bản phế vị. Văn bản được đưa trình Hoàng Thái Hậu phê chuẩn tán thành chẳng chút do dự. Tôn Thất Thuyết bái chào hoàng tử Văn Lang với cương vị Hoàng Đế, mọi người theo gương ông. Dục Đức bị đuổi khỏi cung điện và bị giam cả tháng không cho ăn uống đến chết. Văn Lang được rước về hoàng cung, nghi lễ dành cho bậc đế vương và văn bản tôn phong được ký ngày 20 tháng 6, tức ngày 23 tháng 7 năm ấy như đã quy định. Tôn Thất Thuyết ký trước vào văn bản, ông tuyên bố: ‘Những ai ký xong sẽ được tự do rút lui, ai không ký sẽ được giữ lại đây’. Việc tôn phong được công bố cho nhân dân biết và lễ đăng quang được tổ chức ngày 27-7-1883. Hồng Dật, hoàng tử Văn Lang lên ngôi vua lấy niên hiệu Hiệp Hòa.”
Như thế Dục Đức, chưa làm lễ đăng quang lên ngôi vua chính thức, chưa có niên hiệu, đế hiệu nên chưa phải là vua, đã bị Tôn Thất Thuyết phế bỏ. Giáo sư Lê Thành Khôi tóm lược sự kiện trong vài dòng, không có gì là sai lầm cả.
6. Ông cho rằng Gs Lê Thành Khôi sai lầm khi viết vua Hàm Nghi bị đày sang Algérie là không đúng, Thực tế vua Hàm Nghi bị bắt (1888) và bị đày sang Châu Phi. Giáo sư Lê Thành Khôi viết phong trào Cần Vương kéo dài 20 năm là sai, ông Phú Trường cho cho rằng kéo dài chỉ có 7 năm.
Tôi rất ngạc nhiên, ông Phú Trường không biết Algérie nằm đâu, ở châu nào? Báo chí Việt Nam, cả báo Công An Nhân Dân gần đây viết bài trường thuật và cả hình ảnh về cô cháu 5 đời Vua Hàm Nghi sang Việt Nam ở 18 tháng tìm tài liệu, chuẩn bị trình luận án Tiến sĩ về vua Hàm Nghi, cô có nói chuyện nhiều nơi, công bố các tác phẩm hội họa, điêu khắc của nhà vua. Thế mà ông Phú Trường không biết vua Hàm Nghi bị đày ở đâu, chắc là ông từ cung trăng đi chơi với chú Cuội mới rớt xuống, hay từ đáy giếng nào mới chui lên?
Tôi hiểu ông, bài học địa lý thế giới ông học được là từ trò chơi của trẻ em Việt Nam: “Tay trắng tay đen, tây Ma Rốc cóc ken làm quen tây trắng”. Tây Ma Rốc đen thui như cột nhà cháy. Phi Châu là xứ ai cũng đen thui như cột nhà cháy. Algérie dân da không đen không phải là Phi Châu. Nếu một ngày nào phóng viên truyền hình chơi Đố vui để học hỏi: “Dân Maroc da màu gì? Algérie ở đâu?” thì có nhiều người sẽ trả lời giống ông!
Ông không học bài sử về phong trào Cần Vương, ông không đọc kỹ, ông chỉ thấy đoạn viết về phong trào Cần Vương của Phan Đình Phùng. Đoạn sau viết về Hoàng Hoa Thám, các nhà sử học, các sách sử đều viết phong trào Cần Vương chấm dứt sau khi Hoàng Hoa Thám bị ám sát chết, tức hai mươi năm sau hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi.
7. Ông Phú Trường cho rằng Gs Lê Thành Khôi sai lầm: khi viết Phan Bội Châu hoạt động ở Trung Quốc, Nhật Bản và Xiêm. Ông cho rằng Phan Bội Châu chỉ hoạt động ở Trung Quốc mà thôi.
Tự điển Nhân Vật Lịch sử tr. 772 viết: “Từ sau khi đỗ Giải Nguyên, ông càng dốc tâm trí lo việc cứu nước, giao kết với chí sĩ khắp nơi. Năm 1904 vận động thành lập Hội Duy Tân, năm sau cùng Tăng Bạt Hổ sang Trung Quốc, rồi Nhật Bản xây dựng phong trào Đông Du. Năm 1908 bị trục xuất khỏi Nhật, ông trở lại Trung Quốc và sang Thái Lan xây dựng căn cứ hoạt động ở nước ngoài.”
Các nhà cách mạng nước ta ngày trước đi đâu có bao giờ xin phép công an, hay làm hộ chiếu sứ quán đóng dấu? Khi thì các cụ giả dạng thương nhân, khi thì làm thầy bói, lúc làm nhà sư và làm cả người hành khất, khi hóa trang thành người Tàu, người Nhật, đổi tên đổi họ thường xuyên, đi khắp nơi, khi làm bồi bếp, khi làm công nhân cho hãng tàu biển, mật thám Pháp còn theo dõi không nổi, cụ Phan Bội Châu nào có phải ngồi lì một chỗ làm việc văn phòng tại Trung Quốc có địa chỉ rõ ràng. Ông ở đâu, đi đâu thì chỉ có thể phỏng đoán nơi ông có nhiều cơ sở, nhiều bạn bè để tiếp xúc: ở Xiêm có nhiều kiều bào vùng Đông Bắc giúp đỡ vật chất, ở Quảng Châu, ở Hồng Kông nhiều bạn bè cơ sở và các chính khách Nhật quen biết ở Nhật Bản. Tôi có dịp đi tìm tài liệu tại Công Khố Bộ Thuộc Địa Pháp mở ra các tài liệu trên 40 năm nhân dịp Thủ Tướng Phạm Văn Đồng sang Pháp năm 1980, tìm hết tài liệu bản án đày Côn Đảo và các bản báo cáo mật thám đóng thành tập làm quà tặng ông, tôi đọc thấy: Thời đó đi làm cách mạng các cụ chẳng ai ngồi lì một chỗ ở Trung Quốc cả. Các cụ có kể ra thì ta biết, những điều cụ không kể vì mật thám Pháp theo dõi hay sợ tiết lộ bí mật cho những người hoạt động thì cũng chịu thua.
Phong trào Đông Du của Phan Bội Châu chủ yếu là đưa sinh viên Việt Nam sang du học Nhật Bản, theo gương canh tân nước Nhật, Phan Bội Châu tiếp xúc với các chính khách Nhật, đưa hơn hai trăm sinh viên sang Nhật đang học tiếng Nhật tại Hội Đông Á Đồng Văn và Chấn Võ Học Hiệu thì bị Pháp ký hiệp ước với Nhật trục xuất, sang Trung Quốc, sang vài nước khác, có người về Việt Nam đầu thú, nhưng cũng có người ở lại Nhật lấy vợ Nhật. Phan Bội Châu viết Tự Phán hay Phan Bội Châu niên biểu kể chuyện đời mình nhưng cũng không kể hết những bí mật, và Lưu Cầu huyết lệ tân thư viết tại Nhật gửi về nước. Lưu Cầu là tên nước ta gọi Nhật Bản. Trên thế giới các nước đều đi lại dễ dàng. Nhật và Xiêm cụ Phan Bội Châu đã thiết lập các đường dây các mối liên hệ, từ chính thức đến bí mật, có những thời kỳ khó khăn họ vẫn vượt qua được.
8. Ông Phú Trường cho rằng GS Lê Thành Khôi nhầm lẫn cho rằng Lưu Cầu huyết Lệ thư đả kích Hoàng Hoa Thám. Ông gán chuyện câu trước ra câu sau, không đọc kỹ câu văn: “Lưu cầu huyết lệ tân thư trong đó mô tả nỗi nhục dân tộc”, một phần do cách viết và chấm câu của dịch giả Nguyễn Nghị.
9. Ông Phú Trường cho rằng Gs Lê Thành Khôi nhầm: Gibert Chiếu, hoàn toàn hoạt động bất bạo động và nhầm với phong trào nổi dậy năm 1913 của Phan Xích Long tại Nam Kỳ. Tự Điển Nhân Vật Lịch sử, mục Trần Chánh Chiếu, trang 855 viết:
“Năm 1907, ông làm chủ bút báo Lục Tỉnh Tân Văn, công khai hô hào quốc dân duy tân cứu nước. Quan điểm chủ trương của ông được thấy rõ qua chủ đích của tờ báo này, cùng việc thành lập hội Minh Tân và các cơ sở kinh tài như: Chiêu Nam Lầu, Minh Tân Khách sạn, hãng xà bông Canard.
Năm 1908 ông bị thực dân Pháp bắt giam với các tội thành lập các cơ sở Duy Tân.
Năm 1910 ra tù, ông trở về Rạch Giá bán hết ruộng đất, gia tài lên Sài Gòn lập tiệm buôn bán hàng bách hóa lấy tiền lời giúp Phan Bội Châu đang ở nước ngoài.
Năm 1917, ông lại bị tòa án quân sự Sàigon bắt giam một lần nữa vì cho ông là người hỗ trợ Phan Phát Sanh (tức Phan Xích Long) khởi nghĩa chống Pháp. Bị giam một thời gian ông mới được tự do.
Ông mất năm 1919 tại Sài Gòn.”
Trần Chánh Chiếu là người theo phong trào Duy Tân của cụ Phan Châu Trinh. Trong Nam gọi là Minh Tân. Ông là nhân vật quan trọng công khai trong phong trào Chấn Hưng Công Thương Nghiệp tại Sài Gòn. Thân thiết với cụ Hồ Tá Bang (cha Bs Hồ Tá Khanh) người lãnh đạo phong trào Chấn Hưng Công Thương Nghiệp tại Phan Thiết một trong những người sáng lập và điều khiển Công Ty Liên Thành, trường Dục Thanh. Tuy nhiên cái khổ của cụ Phan Chu Trinh là người của hai phong trào Duy Tân và Đông Du lại không phân biệt nhau. Người phong trào Duy Tân cũng ủng hộ góp tiền cho sinh viên Đông Du. Khi phong trào cụ Phan Bội Châu bạo động, hay các cuộc bạo động khác, người của phong trào Duy Tân bất bạo động cũng bị liên lụy bị bắt lây. Vụ Kháng thuế Trung Kỳ năm 1908, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng không liên hệ gì cũng bị đày đi Côn Đảo, nhưng sau được xét lại và được tha, nhờ sự can thiệp các nhân vật đảng Xã Hội và Tam Điểm Pháp, cụ Phan Châu Trinh được đi Pháp. Cụ Trần Quý Cáp đang làm Đốc Học Khánh Hoà, bị Án Sát Phạm Ngọc Quát, cùng là bạn có tham gia cổ phần công ty Liên Thành, sợ mình bị lộ, bắt bạn ra chém trước. Khi triều đình Huế xử đày đi Côn Đảo thì chuyện đã rồi, vì thế cụ Phan Chu Trinh đòi bắt tội Phạm Ngọc Quát trả thù cho bạn. (Theo lời Bs Hồ Tá Khanh kể cho tôi). Năm 1913 Phan Xích Long rải truyền đơn khởi nghĩa, ném lựu đạn không nổ, ông bị truy lùng chạy trốn ra Phan Thiết bị bắt trong Khách sạn Công Ty Liên Thành. Người của phong trào Duy Tân Phan Thiết, Sài Gòn bất bạo động cũng bị vạ lây. Tài liệu Thông sử Công ty Liên Thành của Bs Hồ Tá Khanh, TGXB tại Paris, có nói việc này. Trần Chánh Chiếu với các khách sạn Chiêu Nam Lầu, Minh Tân Khách sạn, Bá Huê Lầu cũng không yên thân, mật thám Pháp còn nghi là chủ mưu. Năm 1917 Hội kín tổ chức đánh Khám Lớn cứu Phan Xích Long. 57 người bị giết tại trận và bị xử bắn. Trần Chánh Chiếu cũng bị bắt.
10. trang 490 Ông Phú Trường cho rằng Trịnh Văn Cấn sau khi rút khỏi Thái Nguyên vào bưng Yên Thế; Gs Lê Thành Khôi viết thế là sai. Trịnh Văn Cấn ở Đại Từ, Thái Nguyên chứ không qua Yên Thế.
Ngày xưa các cụ đánh bằng những lực lượng nhỏ việc di chuyển bằng đi bộ đi ngựa qua các đường mòn cách nhau trăm cây số là chuyện thường. Căn cứ các cụ không ở một chỗ mà nhiều nơi căn cứ phụ. Các cụ đánh du kích, nào có ngồi ở văn phòng đâu mà lập căn cứ ở Gò Công phải ở Gò Công, lập căn cứ Yên Thế là chỉ ở quanh quẩn Yên Thế, các cụ đi đến chỗ khác là viết sai!
Lịch sử Nhân Vật Việt Nam tr. 917 viết về Trịnh Văn Cấn sau khi thất bại tại Thái Nguyên: “Sau đó ông tiếp tục điều động quân sĩ kháng chiến tới cuối năm. Ngày 5-1-1918 ông bị bao vây ở núi Pháo đến ngày 10-11-1918 bên cạnh chỉ còn 4 chiến hữu, ông nổ súng vào bụng tự sát”. Núi Pháo thuộc huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên sát bên huyện Yên Thế lãnh thổ Đề Thám xưa. Trịnh Văn Cấn phải ở Đại Từ, ông Phú Trường không cho phép Trịnh Văn Cấn qua bên Yên Thế!
Quyển Lịch Sử Việt Nam bản dịch Nguyễn Nghị có nhiều chỗ sai so với nguyên tác bằng tiếng Pháp, ông tự tiện hiện đại hóa nhiều danh từ đến buồn cười: ví dụ lính khố xanh thành nhân dân tự vệ. Nhiều chỗ lầm lẫn như chữ Concours mandarinaux ông dịch thành thi Hội. “Phan Bội Châu đậu đầu kỳ thi Hội ở Vinh” thay vì thi Hương. Tôi sẽ trở lại trong một bài nhặt sạn các sơ sót của ông.
Mong rằng ông Phú Trường vui vẻ với lời giải đáp của tôi. Là một vị tướng Công an, “ngựa non háu đá” trước khi dùng ngòi bút đánh trận cũng phải điều tra “biết người biết ta”, như Binh Thư Tôn Tử viết. Biết đối tượng đánh là ai, biết mình là ai, có đủ sức không, mới trăm trận trăm thắng được. Mười điều ông đánh trận đều là 10 điều đại bại thấy trước rõ ràng, thì nên xem bút hiệu Phú Trường từ nay đã tử trận.
Việc mở cửa môn Sử Học thành một bộ môn khoa học viết nghiêm túc, ôn hòa là một việc cần thiết. Dùng Sử Học để chửi hết phong kiến, tư bản đến thực dân cũ, thực dân mới, hết Lê Chiêu Thống đến Gia Long, đến các nhân vật cận đại mệt lắm. Thời thế đổi thay: Có khi thù thành bạn, bạn thành thù, thực dân, đế quốc thành bạn, có khi ta lại thành tư bản mỗi lần thay đổi ta lại phải hổ thẹn viết lại lịch sử, thời thế đổi khác, xoay vần, các sử gia quay mòng mòng chóng mặt.
Nếu Gs Trần Văn Khê là người có công trọn đời đem âm nhạc Việt Nam phổ biến khắp thế giới thì Gs Lê Thành Khôi là người giúp cho thế giới hiểu biết về lịch sử, văn hóa Việt Nam, bằng sách vở, bằng hàng trăm bài viết, hàng trăm buổi thuyết giảng. Gần đây Giáo sư còn xuất bản Tổng Tập Văn Học Việt Nam, giới thiệu toàn bộ văn hóa Việt Nam. Giáo sư hiền từ khiêm tốn, đạo đức, tài năng được mọi người Việt Nam và bạn bè thế giới, ai gần gũi với ông đều kính phục. Ai nói điều gì giáo sư đều lắng nghe và nói: “Thế à, tôi không biết.” Hôm đám tang họa sư Lê Bá Đảng, tôi dìu ông lên xe đưa về nhà, ông nhẹ như tơ, gần đến nhà ông còn bảo: “Anh cho tôi ghé lại thư viện mượn sách.” Tôi ngẫm nghĩ: nhà ông biết bao nhiêu là sách, tuổi ông hơn 93 mà vẫn tiếp tục mượn sách về đọc, ông vẫn viết. Tôi học được bài học khiêm tốn của Giáo sư như lời người xưa: “Biết điều mình không biết là biết vậy.”