Phạm Văn Tiền
Chúng ta đang bước vào những ngày tháng cuối cùng của một năm cũ. Mọi người đang chuẩn bị đón Xuân sang, thêm một mùa Xuân tha hương mà đường về còn xa tít. Ðón Xuân nầy ta lại nhớ Xuân xưa. Mùa Xuân thường là mùa hy vọng, của tuổi trẻ vươn lên và mầm sống đâm chồi. Nhưng không phải chúa Xuân bao giờ cũng bình đẳng với mọi người. Có mùa Xuân sum họp đầy tiếng cười hạnh phúc bên bếp lửa bập bùng của tuổi thơ đầy kỷ niệm. Nhưng cũng có mùa Xuân khóc hận khổ đau nghẹn ngào bao nước mắt của Mậu Thân 1968, với những cái chết đầy rẫy tình cờ của Ất Mão 1975 mất nước, lưu lạc tù đày. Bao ngày tháng cùng cực khổ đau cho người ở lại quê hương “thiên đường” CS. Riêng Tần vẫn nhớ mãi những ngày tháng bị cùm trong xà lim phân trại 3, vào những ngày Tết Xuân Ðinh Tỵ năm 1977.
Thượng đế hỡi trên trời cao có thấu!
Thân đọa đày của một kiếp tù binh
Chịu khổ đau cùng bao nỗi cực hình
Trong “cũi sắt” của những loài dã thú
Mang con đến một nơi nào ẩn trú
Có mây hồng và nắng ấm rọi ban mai
Có đàn chim tung cánh hót bay dài
Nhưng không được quanh con đường bít lối
Con đang sống trong căn hầm tăm tối
Bao đêm nằm trăn trối nghĩ không ra
Suốt đời con bỗng chốc đã tiêu ma
Giờ còn lại thân tàn trong ngục lạnh
Các câu thơ nầy đã được cảm tác trong những giờ phút đau khổ tuyệt vọng nhất. Tần và một số bạn tù khác đã bị bắt còng tay dẫn đi vào một đêm mưa gió lạnh, cùng với nhiều trận đòn đau. Lòng hoang mang chẳng biết số phận mình sẽ ra sao khi bị lùa lên những chuyến xe đêm bão táp.
Một buổi chiều cuối năm, mọi người đang cố gắng vun thêm những luống khoai lang còn lại cuối cùng để chuẩn bị ăn Tết. Không như thường lệ, các hồi kẻng báo động liên hồi giục giã được người tù gióng lên toàn phân trại. Bao giờ cũng vậy, theo thói quen đây là điềm chẳng lành cho cuộc đời tù tội. Vài tên vệ binh dẫn tù vội vã la hét gom dụng cụ nhanh gọn tập họp trở về. Trại là những dãy nhà tranh vách đất cũ kỹ, do công sức người tù làm ra, trải dài trên ngọn đồi nhỏ, bao bọc bởi dòng suối quanh co, nằm gọn giữa nhiều tầng thép gai dầy đặc.
Tần cẩn thận kín đáo xem lại chiếc nhẫn vàng 24 kara, 2 chỉ mà chính vợ Tần đã cẩn thận nhét sâu vào thẩu ruốc trong chuyến thăm gặp kỳ rồi, nói là để hộ thân vì có tin tất cả tù nhân sẽ bị áp tải ra miền Bắc, được ngụy trang nằm gọn trên đỉnh chiếc mũ cối rách nát.
Lệnh tập họp bày hàng khám xét khẩn cấp được công bố toàn phân trại, chỉ có 10 phút chuẩn bị bên các họng súng AK đen ngòm. Ai cũng hồi hộp lo âu làm bổn phận của mình, thôi thì đủ thứ lọ chai, bao cát, bao bố, khoai khô, sắn độn được bày ra đầy sân, những thứ thật tầm thường nhưng không thể thiếu cho sinh hoạt tù mỗi ngày. Các tên quản giáo, vệ binh chia nhau lục soát thật tỉ mỉ từ trong nhà cho đến mỗi một cá nhân, không từ chỗ nào kể cả lai quần, bâu áo. Có lệnh vất bỏ tất cả những thứ không cần thiết, thu giữ lương thực có tính dự trữ lâu dài, chuẩn bị hành trang sẵn sàng di chuyển. Ngay từ giờ phút nầy đến khi có lệnh mới, không ai được quyền ra khỏi lán của mình, ngay cả tiếp xúc với người cùng trại.
Sở dĩ có chuyển biến đột xuất nầy là vì sau khi Thiếu Tá Nguyễn Ngọc An, trưởng Phòng An Ninh Sư Ðoàn 1 BB, đã tự kết liễu đời mình vì không chịu nổi những trận đòn đau sau nhiều ngày bị thẩm cung liên tục và đồng thời để bảo vệ đồng đội và tổ chức. Thiếu Tá Bửu Kế đã tự sát trong conex biệt giam vì không chấp nhận sự đày đọa nhục mạ người chiến sĩ Quốc Gia, cùng toán vượt trại đầu tiên của Châu Ðức Thảo, Trần Văn Loan, Mai Ðức Hòa, Lê Văn Cang, Hồ Văn Liệu đã lên đường đêm hôm trước sau nhiều tháng chuẩn bị. Trưởng Toán là Châu Ðức Thảo, người niên trưởng tốt bụng, tốt nghiệp khóa 19 VBQG Ðà Lạt. Thảo ít nói, sống hòa nhã và hay giúp đỡ mọi người. Vợ Thảo lên thăm rất thường nhờ khéo léo quà cáp cho các tên vệ binh trực trại. Chị phát đạt nhờ một nghề mới, nghề buôn lậu thuốc tây. Thức ăn anh bao giờ cũng nhiều và thường hay giúp đỡ kẻ khác. Anh sống rất cương trực hào phóng, mọi vật chất đều tầm thường đối với anh chẳng có gì quan trọng. Chính chị Thảo là người cung cấp đầy đủ lương thực, thuốc men cho chuyến vượt trại nầy.
Hành trình của các anh là vượt dãy Trường Sơn bằng địa bàn và bản đồ, xuyên qua lãnh thổ Lào đến Thái Lan. Ðiều nầy chính Loan K-23 Võ Bị Ðà Lạt, người cùng đơn vị đã nhiều lần gợi ý với Tần. Nghĩ mình sức khỏe kém, không kham nổi đoạn đường dài, thôi thì đành chịu vậy. Cơn suyễn hay lên bất chợt buổi chiều, thêm vào chứng sưng khớp xương hành hạ. Nơi dự trữ lương thực là các hố bí mật dưới chân căn cứ Phượng Hoàng, chỗ mà đơn vị TQLC của Tần, lần đầu tiên dùng hỏa tiễn tầm ngắn M72 hạ nhiều chiến xa địch.
Ðêm vượt trại loay quay sao đó mà Liệu bị lạc toán phải trở về, chỉ còn lại 4 người lên đường giữa cơn mưa bão trong sự mến phục bùi ngùi của bao người còn lại. Tối hôm đó tên quản giáo xuống lán điểm danh sớm hơn thường lệ, kèm theo một danh sách chia phiên nhau gác đêm, ai cũng có tên, ngọai trừ Thức và Tần. Thức cũng như Thảo sống rất ngang tàng, là người miền Bắc di cư 1975 nên anh rất căm thù CS. Anh là Trung Tá Tham Mưu Phó Không Ðoàn 4 đóng tại Cần Thơ, vào những ngày cuối cùng của tháng tư 1975, sẵn phương tiện trong tay nhưng ra đi chẳng đành, tìm về Sài Gòn với gia đình, nhưng vợ và các con anh đã theo người chú họ di tản vào mấy hôm trước.
Thế là tốt, anh cùng người em trai giả dạng bộ đội CS, đi xe đến Ðông Hà, Quảng Trị, men theo quốc lộ 9 đến tận miền Savanakhet Hạ Lào. Việc bại lộ cả hai người đều bị bắt tại đồn biên giới Khe Sanh. Còn Tần, là đơn vị trưởng của một đơn vị tác chiến bị thượng cấp bỏ rơi lại tại miền giới tuyến khi đại bộ phận xuôi Nam, vất vả ngược xuôi tại bãi biển Thuận An vào những ngày cuối cùng của tháng ba sầu thảm, đau lòng phải vứt bỏ súng xuống biển sâu, khi những chiếc T54 của địch bắt đầu tràn vào tuyến. Tần bắt đầu cuộc đời tù đày khi toàn thể miền Nam chưa thất thủ.
Tần thuộc dạng lao động cầm chừng qua loa lấy lệ, hay phát biểu linh tinh, đơn vị TQLC của Tần đã có nhiều nợ máu với “nhân dân” nên bị liệt kê vào danh sách cần quan tâm theo dõi đặc biệt. Có lần đi củi tận rừng sâu, vì đói quá sẵn tiền thu giấu, Tần có lén mua vài lon gạo của dân tại vùng kinh tế mới. Khi ra điểm tập trung, bị tên vệ binh phát giác liền bị kiểm điểm và kết tội “liên hệ” với dân với ý đồ trốn trại, biệt giam Conex nửa tháng trời.
Ðêm ấy là đêm 29 Tết Ðinh Tỵ, trong cơn mưa dai dẳng đáng sợ của miền Trung “khô cằn sỏi đá, của trời hành cơn lụt mỗi năm” ở một quê hương nghèo khó, “mùa Ðông thiếu áo, mùa Hè thiếu ăn” nầy. Cái lạnh tê tái làm buốt lòng người, bão rồi lại bão, hết cơn số 10, rồi 11. Gió thì giật cấp 8, cấp 9. Chiều hôm trước Tần và Liễn cùng nhau lén lút nấu lon gạo còn lại tại nhà bếp, ăn với nhau mặc dầu có lệnh cấm “liên hệ.” Tần đã bị các ăng ten báo cáo, và chắc là họ cho đây là ăn bữa cơm chia tay người bạn cùng khóa, cùng binh chủng với mình.
Không thấy tên mình trong danh sách trực đêm, Tần đoán biết rồi thế nào cũng có điều chẳng lành đến với mình. Trong giấc ngủ chập chờn lo âu chờ đợi, Tần nghe có tiếng xe rì rầm đang đổ dốc hướng về trại. Linh tính cho biết rồi ra sẽ có điềm chẳng lành sẽ xảy đến. Tần vội bật dậy, bấy giờ là khoảng nửa đêm, người bạn tù vừa bàn giao phiên trực. Có nhiều tiếng người và ánh đèn pin soi vào lán, ra lệnh cho Thức và Tần thu gọn hành trang di chuyển. Bố Chi người đội trưởng già tốt bụng, len lén nhét vào túi Tần hai bánh đường và những giọt nước mắt chia ly!
Sống là phải thẳng lưng và chấp nhận, đợi chờ mọi gian nan thử thách kể cả hiểm nguy đang chực sẵn trước mặt, cố gắng mà ngoi lên từ vũng bùn đen, hãy vùng thoát ra cái bóng đêm quái ác đáng nguyền rủa, cho một tương lai tươi sáng hơn. Sân tập họp là bãi đất trống trước nhà kho, nơi lãnh dụng cụ lao động hàng ngày, đã có nhiều tiếng la than khóc của trò “bề hội đồng” đê tiện bỉ ổi. Thêm hàng chục người nữa cũng bị còng tay dẫn đi trong cơn rên rỉ đau nhức. Tần cũng vậy, đây không phải là lần đầu tiên chàng bị hành hạ đánh đập, mà đã có nhiều lần lắm rồi, khổ sở mãi rồi cũng quen, chẳng gì lạ đối với con người sống trong thiên đường Cộng Sản. Chiếc xe Molotova cũ kỷ ráng sức ì ạch, rú lên con dốc ngược, nặng nề uể oải như cuộc đời sầu thảm của hàng chục người tù bị còng tay, mặt mày bị đánh sưng húp đầy máu me, mang đi trong màn đêm u tối.
Bỗng nhiên Tần cảm thấy nhớ nhà, nhớ ba mẹ Tần hiện già yếu đang mòn mỏi trông chờ, nhớ vợ và các con thân yêu trong cơn tuyệt vọng, như những lần đơn vị tan hàng tại Hạ Lào, hay bị bao vây tại mặt trận Cửa Việt. Cảm giác hối tiếc mất mát đã làm Tần lạnh cả người. Lần cuối cùng vợ ra thăm sau thời gian dài chắt chiu dành dụm, một lần bị đuổi trở về khi chúng biệt giam Tần tại nhà “kỷ luật,” và một lần khác đến Quy Nhơn thì bị cướp giật sạch đồ đạc, nhờ một hành khách tốt bụng cho tiền trở về. Từ những biến cố đau thương dồn dập, trong thư mới nhận được vợ Tần bị bệnh lao phổi nặng, cần được chữa trị lâu dài.
Nước mắt Tần đã chảy tự bao giờ, lăn trên đôi gò má gầy làm đôi môi mằn mặn, Tần đã khóc thật sự cho những hối tiếc muộn màng. Phải chi biết sống một chút, biết nhân nhượng cố gắng mà nín thở qua sông, hầu sớm tìm được tờ giấy phóng thích hay ít ra cũng có được những ưu đãi nào đó như các “tên trật tự thi đua.” Phải biết giả khóc như tên Th.. đội trưởng đội mộc, khi ôm ảnh thương tiếc Bác Hồ, hay các tên Trần văn S.. sẵn sàng chỉ điểm anh em, khi tổ chức ăn mừng tròn một năm miền “Nam được giải phóng.” Ôi! Những trò đời bỉ ổi, rẻ tiền của những kẻ bán rẻ lương tâm theo giặc.
Rồi chuyến xe bảo táp đêm nay sẽ đưa chàng về đâu? Có thể thật xa tít nơi miền Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Thái, tiếp tục cuộc sống đọa đày, hay kết thúc ở một hang hóc nào đó bằng các loạt đạn của những tên đồ tể, sát nhân. Dù thế nào đi nữa thì cũng chẳng còn gì để mà hy vọng. Vài người được lệnh xuống xe, riêng Tần, Thức, Tr.. còn lê lết cho đến trạm cuối cùng. Có tiếng nước chảy rì rào và cơn gió dữ gào thét điên cuồng. Tần bị đạp xuống xe tay bị còng nằm lăn như con vật. Nơi giam chàng là căn hầm kín được đào sâu dưới lòng đất, toàn mùi hôi thối ẩm mốc.Thức và Tr.. bị nhốt ở một nơi khác, gần đó. Có tiếng chửi thề thô tục của tên vệ binh, cùng âm thanh rỗn rẽng của chiếc xích ổ khóa oan nghiệt, trước khi trả lại màn đêm sự cô độc, im lặng hoàn toàn.
Làm sao có thể thản nhiên được trong niềm lo lắng tột cùng nầy, chiếc đũa đã bị tách ra thế nào rồi cũng bị bẻ gãy, bằng cách nầy hay cách khác. Minh và Sang chẳng đã bị xử bắn tận núi rừng Cự Tài khi có lệnh dẫn đi vào buổi sáng đang lao động tại đập Trấm Quảng Trị như vậy đấy sao! Ðối với Tần, cái chết chẳng bao giờ đến dễ dàng, bao năm xuôi ngược hành quân, chàng vẫn còn nguyên vẹn. Làm người ai cũng một lần chết, vậy thì cái chết chỉ có ý nghĩa khi ta hãy làm kẻ thù chết với mình càng nhiều càng tốt. Tần ước mơ về những chuyến vượt ngục của người tù Papillion thuở nào.
Gà đã gáy sáng và các hồi kẻng báo thức liên hồi vang lên sau một đêm dài trăn trở, lo âu. Mặt trời đã ló dạng bao giờ ở phương Ðông, cố gắng mang đến một vài tia sáng yếu ớt xuyên qua kẽ hở của căn hầm tăm tối. Có tiếng mở cửa lách cách và tên vệ binh dẫn người tù mang thức ăn đến, Tần mới biết đây là phần ăn trưa của ngày đầu năm Tết. Nỗi lo sợ đã tan biến khi xác nhận được mình đang ở phân trại 3 và người mang thức ăn cho mình là Trung Úy Ðiểu thuộc đơn vị của Tần. Ðiểu đã ứa lệ khi thấy “ông thầy mình” quá thê thảm trong tình cảnh quá đau lòng nầy.
Thường thì con người hay thương tiếc, thèm khát những gì quý báu nhất mà mình đã đánh mất đi khi chạm trán với thực tế phũ phàng. Tần cũng vậy, cố gắng mà nhớ lại những giờ phút thiêng liêng tuyệt vời với những ngày Xuân nơi đơn vị thắm đượm tình nghĩa thầy trò. Những ngày Xuân đoàn tụ quay quần cùng với gia đình, có pháo nổ đầy hoa và bao lời chúc tụng ngọt ngào. Ðêm hôm qua súng đã nổ giòn giã khắp nơi của bọn vô lại, mừng chiến thắng trong giờ phút giao thừa, họ đang ca khúc khải hoàn cho một sự ăn cướp trắng trợn. Chiến tranh là thế, cái vẻ vang của phe nầy là sự đại bại của nhóm khác, điều chẳng may lần nầy lại xảy đến với tổ quốc thân yêu của chàng.
Sau cơn mưa trời lại sáng, một ngày mới bình minh lại ló dạng, xua tan những đám mây mờ và những cơn bão quái ác. Giờ chỉ còn lại những nhầy nhụa tang thương, đau khổ tận cùng cho biết bao người dân vô tội. Qua cơn gió thoảng chiều nay, Tần được tin có người chết cùng nhiều nhà cửa bị cuốn sạch vì cơn Sóng Thần dữ dội tràn qua từ một chiếc loa phóng thanh đâu đó trong trại. Lại thêm một đại họa nữa đến cho dân tộc nầy sau cái xiềng xích Cộng Sản. Chàng cảm thấy an tâm hơn vì ít ra mình cũng còn cái hầm để trồi lên, trụt xuống, che nắng đụt mưa, một bữa cơm đói cho sự thèm khát mỗi ngày.
Lệnh cho Tần lên cơ quan làm việc những ngày sau Tết, đây là lần đầu tiên họ điều tra thẩm cung chàng từ cái đêm khủng khiếp đó. Dùng đủ mọi hình thức tra tấn để buộc chàng vào tôi âm mưu tổ chức vượt trại, Tần quả quyết với họ rằng chàng chẳng bao giờ có ý nghĩ đó. Biết chẳng có bằng cớ gì để buộc tội chàng, họ quay sang buộc tội Tần cứng đầu không chịu “học tập cải tạo.” Bằng những lời lẽ thật dịu ngọt, họ khuyên chàng hãy an tâm cải tạo để hưởng được chính sách “khoan hồng của Ðảng và Nhà nước.” Thì ra kẻ giết người cũng biết mặc áo thầy tu khi cần thiết, họ nhân danh nhân đạo để làm chuyện vô nhân đạo, đạo đức của họ là “đạo đức cách mạng bác Hồ,” của nền chuyên chính vô sản, của đấu tố dã man và các hầm chôn sống tập thể! Người Cộng Sản hô hào “không gì quý hơn độc lập tự do” để tròng lên cổ người dân thêm cái còng nô lệ, đem địa ngục trần gian để hứa hẹn một thiên đường!
Bộ Chỉ Huy Ðoàn 76 nằm trên dãy đồi cao có cờ đỏ sao vàng và đầy những băng rôn khẩu hiệu. Thức và Tr.. cũng có mặt tại đây từ lúc nào trong phòng chờ đợi, chỉ có Thức và Tần bị còng tay, còn Tr.. trông có vẻ thản nhiên thoãi mái. Thức bơ phờ mệt mỏi, mặt bị đánh sưng húp bầm tím, còn Tr.. vẫn khỏe mạnh bình thường. Mỗi người được cấp phát giấy viết để làm bản tự kiểm điểm sau khi đón nhận biết bao lời lẽ ngọt mật chết ruồi của tên chính trị viên đoàn.
Thời gian kế tiếp là thời gian thê thảm nhất của Thức và Tần. Bị dẫn độ đi hỏi cung nhiều nơi kể cả đánh đập, xỉ vả. Chiêu bài “thành thật khai báo” để sớm được hưởng lượng khoan hồng không bịp được ai, vì đối với kẻ thù “tự thú là tự sát.” Có tin Thức đã mắc bẫy Tr.. khi cùng anh ta đào hầm trốn về Huế và bị bắt tại nhà Tr.. Thức đã bắt đầu một cuộc đời mới, vất vả khốn đốn hơn trong nhiều xà lim với hình phạt biệt giam vĩnh viễn. Còn Tr.. thản nhiên thênh thang với tờ giấy phép 7 ngày rong chơi khắp thành phố Huế, trước khi nhận được giấy ra trại sau khi trại đã chuyển về cho công an Bình Ðiền. Tr.. đã thành công một cách xuất sắc nhiệm vụ của một tên ăng ten cò mồi. Còn Tần vẫn sống khổ sai đọa đày từ trại nầy sang trại khác với chiếc bánh vẽ “tập trung cải tạo.”
Tên trung tá chính ủy đoàn 76 tuyên bố “Các anh giải phóng lòng Hồ sông Mực thì lòng Hồ sông Mực sẽ giải phóng các anh.” Cả vùng đất trũng bao la hàng chục hecta rừng được khai phá cho công trình dẫn thủy nhập điền tại huyện Ðô Lương, Thanh Hóa. Rất nhiều người tù đã ngã bệnh vì sốt rét rừng, hay bị chết vì đói. Nhưng lời nói đó đã bị phản bội sau ba tháng hoàn thành xong công tác, để rồi tất cả cùng bị lùa lên toa xe bịt bùng hạng bét của chuyến tàu hỏa xuôi Nam về một vùng đất mới xa lạ khủng khiếp hơn. Ở đó có sự canh giữ, kềm kẹp hàng ngày của bọn công an mật vụ. Trại tù “cải tạo Bình Ðiền” với biến cố ngày 20 Tháng Tư 1979 lịch sử, chúng thẳng tay đánh đập người tù mà không cần biết phải trái luật lệ là gì. Những cái chết thật bất khuất của Ðại Úy Nguyễn Ngọc Báu, Nguyễn Thuận Cát, Thiếu Úy Nguyễn Thiếu Sơn,… đã minh chứng một cách hùng hồn ý chí bất khuất của lớp người sĩ quan trẻ dưới áp lực bạo quyền.
Thời gian là liều thuốc mầu nhiệm dễ làm phôi phai mọi chuyện. Những đau đớn về thể xác rồi sẽ qua đi dễ dàng, nhưng còn nhiều thứ khác mãi mãi vẫn hằn sâu vào tâm trí không thể nào quên được. Ðó là sự thù hận, lòng ích kỷ, đê tiện gian ác của con người.
Người Cộng Sản vinh danh chiến thắng mùa Xuân 1975 bằng sức mạnh và chủ thuyết ngoại lai, họ chẳng làm gì được sau hơn 32 năm cầm quyền. Có chăng là một đất nước Việt Nam vẫn còn nghèo đói, lạc hậu, bưng bít thông tin với thế giới bên ngoài. Chúng thẳng tay chà đạp quyền sống con người, các nhà đấu tranh vẫn còn trong vòng lao lý. Bán đất dâng biển triều cống ngoại bang, mua bán phẩm giá người phụ nữ, kể cả trẻ em. Các phong trào khiếu kiện của dân oan đang nổi dậy đòi công lý khắp nơi. Liệu họ, những người Cộng Sản Việt Nam, yêu chủ nghĩa Mác Lênin vô địch, có thể tồn tại được bao lâu, khi mà lòng dân đã đến lúc căm phẫn tột độ và sự tan rã của chủ thuyết Cộng Sản toàn cầu.
Hãy hướng về Việt Nam, tổ quốc thân yêu nhất của chúng ta với lời tâm nguyện đẹp nhất, hy vọng một mùa Xuân đoàn tụ sẽ không còn xa nữa.
Mùa Xuân nào là ta về
Về quê hương yêu dấu sống bên mẹ cha
Về sống cạnh giòng sông hiền
Về nghe giọng hò ba miền
Về thăm đôi má, lúm sâu đồng tiền
Sài Gòn ơi!… Bao giờ là ta về?!