Một tập du ký có vẻ khả quan: Pháp du ký sự của Trần Bá Vinh

 Phan Khôi

Từ đôi mươi năm nay người mình mới có một số ít bước chưn ra ngoại quốc, hoặc sang Tây, hoặc sang Đông. Trong một số ít ấy lại có một số ít đã đem cuộc xuất dương của mình mà viết nên những tập du ký, in ra và bán cho những người ngồi nhà mua đọc.

Ấy là sự có ích lắm. Nhưng mà tiếc cho những người viết du ký ấy hay có cái tánh không thiệt thà. Tôi đã được đọc qua vài tập rồi, thường nhận thấy rằng sau khi đọc nó, không thấy bổ ích gì cho tri thức hết; có chăng, chỉ là mảy mún.

Thường thường một tập du ký mà tôi có đọc qua đó, thấy tác giả hay chia ra từng thiên một. Như du ký Nhựt Bổn thì họ chia ra những là lịch sử, phong tục, giáo dục… của nước ấy, mỗi việc làm một thiên. Một thiên đó, phải chi họ lấy những việc họ thấy trước mắt mà chép vào chăng còn khá; cái nầy, coi đi coi lại, sao mà nó giống như là họ dịch ở sách cũ ra quá. Đọc một bổn du ký của người đồng thời với mình, ròng những mong con mắt mình hưởng được những cái phước chẳng đi đâu mà cũng thấy; thế mà gặp phải thứ bã mía ấy, tài chi chẳng làm cho mình buồn tình phải bỏ. Bỏ đi, vớ một vài cuốn sách trong tủ ra đọc, đôi khi lại gặp những cái nguồn mà mấy ông tác giả đã múc lấy cũng nên!

Vậy đó nên tôi nói là không thiệt thà.

Đại để người ta làm cách nầy: Họ có đến Đông Kinh của Nhựt Bổn thật, nhưng ở đó không lâu, hoặc là ở lâu nhưng vì cớ gì đó họ quan sát chẳng được gì mấy chút. Đến chừng họ viết du ký, lấy vài ba việc mục kích làm cái cốt rồi, ngoài ra chẳng còn gì nữa cho đầy tập. Khi ấy họ mới sanh tâm ra, làm cho lớn lối, bèn chia từng thiên một, rồi thiếu chi thứ sách nói về Đông Kinh ấy, dịch lấy một mớ mà thộn vào, nó mới thành thứ du ký như tôi đã thấy.

Làm chi vậy? Biết được chừng nào, chép chừng nấy, quý hồ toàn là cái tài liệu sốt dẻo chính tay mình lượm lặt lấy mà tốt hơn. Thứ du ký nầy tôi mới được thấy một lần, là tập “Pháp du ký sự” của ông Trần Bá Vinh vậy.

Ông Trần hiện làm Nghị viên Viện Dân biểu Trung Kỳ, năm ngoái có đại biểu cho Viện đi qua dự cuộc đấu xảo thuộc địa bên Pháp. Tập du ký nầy chép những sự nghe thấy và cảm xúc trong cuộc lữ hành của ông.

Tập sách khổ nhỏ, mà lại không đầy 40 trương, nhưng trong đó tinh là tài liệu tự tác giả cóp nhặt lấy, tôi tin như vậy.

Hay một điều là chẳng thèm nói đến những chuyện chánh trị, xã hội, kinh tế là chuyện lớn lao trong nước Pháp, mà cứ đi nhặt những điều vụn vặt trong khi ở trên xe hay là khi mua bán trong tiệm cùng ngoài đường. Trong những cái vặt vểnh mà thấy được tập quán tánh tình người Pháp.

Lại hay một điều nữa là mỗi chuyện vặt vểnh như vậy, tác giả lại biết đem cũng cái vặt vểnh ấy của người An Nam mà so sánh. Bất kỳ giống gì, mỗi khi so sánh cũng thấy ta thua, mà thua thiệt tình!

Đọc tập du ký nầy rồi, tôi thấy như trước mặt tôi có một lời kết luận của hai dân tộc Pháp với Nam. Lời kết luận ấy như vầy: Người Pháp chẳng những hơn người Nam về vật chất mà thôi, về tinh thần cũng hơn nữa; người An Nam chớ nên lấy cái “tinh thần của phương Đông” mà tự phụ. Tuy vậy, lời kết luận ấy chưa chắc đã có trong ý ông Trần Bá Vinh, vì cứ như đây thì ông chỉ chép những đều ông thấy mà thôi.

Tôi chưa được biết ông Trần, đọc tập du ký nầy thì thấy ra người có học thức già giặn lắm, lại có con mắt xem xét nữa.

Sách không thấy đề giá bán. Có lẽ ông nên in mà bán rẻ cho bà con đọc nếu như hiện nay nó chỉ là thứ sách in một ít để làm quà.

Rồi, tôi muốn nói giữa thinh không mấy lời nầy để kết luận cho cái bài phê bình cỏn con:

Đời xưa ta vào trong núi, đào đồng dưới mỏ lên mà đem đúc tiền. Đến đời sau người ta nhác, không chịu khổ lấy đồng trong núi, mỗi khi đúc tiền cứ thâu góp những đồng hư đồng nát: nồi chảy mâm sứt vành cùng phèng la bể; nhẹ công thì có nhẹ công thật, song đã thế thì đồng tiền đúc ra chẳng được tốt là mấy khi. Ấy mà còn khá, có lúc người ta lại phá những cái chuông trong chùa thiêng, những tượng Phật rất có quan hệ về lịch sử mỹ thuật, cho đến những đồ cổ rất có giá trị như cái trống đồng của Mã Phục Ba ra mà đúc tiền nữa kia mới là đáng trách. Rốt lại, tiền chẳng nên dáng tiền mà những của quý trong nước bị thiêu hủy mất hết, ấy là tội ai?

Cái ví dụ ấy tôi muốn nói về sự làm du ký cho đến sự làm sách cũng vậy. Liệu sức có viết được cuốn nào, hãy lấy trong óc mình hay là trong tai mắt mình ra mà viết chớ không nên phá sách xưa ra làm sách của mình.

Đồng tiền của ông Trần Bá Vinh đưa cho tôi coi đây chẳng hơn ai cái gì, nhưng vững hơn được cái nó là đồng lấy từ trong núi ra.

________________

Chú thích:

Bài này chưa đưa vào sưu tập “Tác phẩm đắng báo 1932” của Phan Khôi (Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn), Nxb. Tri thức, 2010. Về Trần Bá Vinh (? - ?) người Nghệ An, như trong bài, khi bài này in, Trần Bá Vinh là dân biểu tỉnh Nghệ trong Viện Dân biểu Trung Kỳ. Năm 1934, Trần Bá Vinh xuất bản tờ “Sao Mai” ở Vinh, là tuần báo ra ngày thứ sáu, s. 1 (12.1.1934), đình bản sau s. 287 (tháng 8/1939). Cuốn “Pháp du ký sự” của Trần Bá Vinh in tại nhà in Châu Tinh, Tp. Vinh, 1932, 34 tr. có minh họa.