Phan Tấn Hải
GS Nguyễn Văn Sâm (cầm sách “Nữ Tắc Diễn Âm” mới ấn hành) và phu nhân là nhà văn Trần Ngọc Ánh.
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm trong tuần qua đã bắt đầu phát hành tác phẩm “Nữ Tắc Diễn Âm” (Lời Dạy Đàn Bà - Con Gái), bản gốc là do học giả Trương Vĩnh Ký phiên âm và chú giải năm 1911, và bản mới do GS Nguyễn Văn Sâm giới thiệu và chú giải thêm trong năm 2021.
Chúng ta đã tới thời kỳ nam nữ bình quyền. Trường học không còn tách biệt riêng các trường nam với trường nữ. Đa số trên thế giới, chỉ trừ một số quốc gia Hồi Giáo, giá trị nữ quyền đều được đề cao. Tác phẩm “Nữ Tắc Diễn Âm” thoạt nghe là lời dạy từ hơn thế kỷ trước, phải chăng là lạc điệu?
Đọc cho kỹ, những lời dạy xa xưa của ông bà mình vẫn còn nhiều, có thể nói là rất nhiều, lưu giữ các nguyên tắc ứng xử cần thiết cho người nữ Việt, từ khi còn ở trong nhà với ba mẹ, cho tới khi lấy chồng, rồi khi dạy con. Một số lời dạy trong sách này thực tế vẫn còn giá trị, như một khuôn mẫu muôn đời cho người nữ.
Thí dụ về cách ông bà mình nghĩ về ý nghĩa chữ “dung” trong công dung ngôn hạnh: trong khi chúng ta dễ dàng nghĩ tới chữ “dung” như là chăm sóc nhan sắc, lời dạy trong “Nữ Tắc Diễn Âm” nơi trang 20, đưa chữ “dung” về ngay tận nguồn đạo đức.
Dung thì chẳng lựa chuốt vời
Bẩm sanh tốt xấu có người có ta
Hơn nhau một chút nết na
Phải cho thanh khiết ấy là nữ dung (NTDA, trang 20).
Chúng ta có thể không đồng ý, vì hiển nhiên ông bà mình không dạy chuyện cắt mắt, sửa mũi… Nhưng khi nói “nữ dung” là nết na, là thanh khiết thì đâu có gì sai, thậm chí cũng có thể nói là giá trị muôn đời của dân tộc (nếu chúng ta muốn nói cho quá lời để ngợi ca cách nhìn rất nhân bản này).
Nếu chúng ta để ý, thời này nhiều phụ nữ ngôn phong bạo dạn, nhanh nhẹn hơn thời xưa. Tuy nhiên, nếu tới mức độ như to tiếng, thì hẳn là đi quá đà. Trong sách “Nữ Tắc Diễn Âm” về lời khuyên người nữ trong cách nói chuyện hãy:
Nói thì chớ lựa nhiều lời
Khoe khoang chớ bắt chước người đong đưa
Ở cho cẩn nhiệm sau xưa
Nói cười thong thả, thốt thưa dịu dàng
Noi cho chính đính rõ ràng
Một lời quan hệ, giữ giàng chẳng chơi
Chớ hề chớt nhả, cợt cười
Liệu lời nên nói, liệu lời nên chăng
Cẩn ngôn thận hạnh khăng khăng
Thì là chớ khá lẻo chưng sự người
Những tuồng nói nói cười cười
Chẳng phường ong bướm, thì lời trăng hoa
Đã đưa tấc lưỡi sai ngoa
Cả lời cao tiếng, ai là kẻ ưa?
Khôn ngoan chẳng bẵng thật thà
Có ai hỏi đến sẽ thưa vội gì? (NTDA, trang 22, 23)
Trong sách cũng cho chúng ta thấy lại một số môn học người nữ thời xưa không còn thích nghi nhiều nữa. Thí dụ, chúng ta quen với mua trang phục áo quần ở các tiệm bách hóa, hay mua qua trực tuyến. Thời xưa, người nữ phải gánh vác chuyện may vá.
Vá may thêu tỉu hôm mai
Đắn đo kích thước vắn dài kẻo hư
Việc làm canh cửi sớm trưa
Tấc gang chắp nối, tóc tơ giữ giềng. (NTDA, trang 24).
Sách này tự thân có nhiều giá trị về mặt lịch sử, xã hội, ngữ học và văn hóa: chúng ta sẽ hiểu thêm về xã hội Miền Nam vào thời kỳ thế kỷ 19 và đầu 20, khi chữ quốc ngữ dùng trong thơ lục bát để truyền dạy các giá trị đạo đức. Sách chỉ dày 136 trang, nhưng là một cánh cửa cho chúng ta bước trở lại để tìm hiểu về xã hội Nam Kỳ lục tỉnh, xem ông bà mình đã dạy con gái ra sao.
Nguyên khởi tác phẩm Nữ Tắc trong bản Nôm được ghi tác giả vô danh, ấn hành dưới thời vua Tự Đức, chủ yếu dạy công dung ngôn hạnh cho người phụ nữ. GS Nguyễn Văn Sâm (NVS) nói rằng tài năng của học giả Trương Vĩnh Ký (TVK) cũng hiển lộ qua cách nghĩ ra một vài chữ mới để diễn ý của người xưa.
Nơi trang 13 và 14, NVS ghi nhận về cách sử dụng ngôn ngữ của TVK, trích:
“Dầu những lời dạy hay ho cách mấy, điểm son phải được dành cho người diễn ra chữ Nôm, không thể cho ông TVK về mặt nầy. Giá trị của TVK trong quyển Nữ Tắc ở chỗ khác, chỗ ông phiên âm từ bản Nôm ra bản Quốc ngữ theo một cách thế đặc biệt có một không hai. Đó là:
- thay đổi chữ khi cần thiết,
- chọn từ ngữ thích hợp với người Nam để thế vô chữ mà ông nghĩ rằng dân Nam kỳ khó thấu hiểu.
- đọc giọng Nam các chữ có âm Nam đương lưu hành, và
- thay bằng từ dễ hiểu hơn để tránh trùng lập.
Quyển Nữ Tắc còn có ưu điểm là chú giải rõ ràng. Đặc điểm nầy xin độc giả coi trong bản văn, người viết xin miễn trích ra đây vì quá dài dòng…” (NTDA, tr. 13, 14)
Sách hiển nhiên là cổ xưa, nhưng thấy rõ là nhiều giá trị không hề cổ xưa. Giáo sư Nguyễn Văn Sâm giải thích vì sao giới thiệu và chú giải cuốn sách cổ xưa này như sau:
“Chúng tôi phiên âm và giới thiệu quyển Nữ Tắc để giúp người đọc nhớ lại một thời con gái đàn bà được dạy dỗ thiệt chu đáo để cuộc đời của họ hạnh phúc - thời thế lúc đó như vậy thì được dạy như thế đâu có gì là đáng trách.
Nếu đừng đem cặp mắt của người để cao nữ quyền thế kỷ 21 để nhìn, thì quyển Nữ Tắc quả là một tác phẩm đầu tiên và có giá trị lớn trong việc bảo vệ người phụ nữ một cách hữu hiệu trong một xã hội mà quyền lợi của nam giới quá lấn lướt bằng cách dạy phải phát triển nữ hạnh, nữ dung - nhắc lại lần nữa là giá trị đó thuộc về người vô danh nào đó mà TVK có công khươi dậy lên, đưa ra cho công chúng.
Đó là chưa kể mặt văn chương, văn hóa đáp ứng được nhu cầu lúc nó xuất hiện.
Chúng tôi bỏ công tìm tòi để giới thiệu Nữ Tắc cũng vì những lẽ đó.
Victorville, CA, 21 tháng 4, 2021.” (NTDA, tr. 18, 19)
Nếu bạn muốn biết về lời dạy, về vai trò người nữ trong những sinh hoạt thời xa xưa, không thể không tìm đọc sách này.
Nếu bạn muốn biết văn phong Nam Bộ của một thế kỷ trước, không thể không tìm đọc sách này.
Nếu bạn muốn nghiên cứu về một mảng y học thời xa xưa của ông bà, như cách dạy về giữ gìn khi có bầu, rồi thời gian “ba năm bú mớm” khi con ra đời, không thể không tìm đọc sách này.
Nếu bạn muốn nghiên cứu về khuôn phép gia đình, về cách người vợ phải xử thế “phức tạp” trong nhà chồng thời xa xưa ra sao, không thể không tìm đọc sách này.
GS Nguyễn Văn Sâm sanh ngày 21 tháng 03 năm 1940 tại Sàigòn. Tốt nghiệp Cử Nhân Giáo Khoa Triết Học (Tây Phương) 1965, Cao Học Văn Chương (Việt Nam) 1972, và Năm Thứ Nhứt Tiến Sĩ Văn Chương Việt Nam (Khóa độc nhất trước 1975). Từng dạy Trung học (Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, Pétrus Ký, Sàigòn), Đại học (Sàigòn, Cần Thơ, Hòa Hảo, Cao Đài, Vạn Hạnh). Vượt biên đến Nam Dương tháng 03/1979, vào Mỹ tháng 09/1979. Dạy học từ đó đến khi về hưu năm 2006. Viết cho các tạp chí Văn, Văn Học, Đi Tới, Chánh Pháp….). Đã ấn hành vài chục sách biên khảo, phiên âm từ sách Nôm, chú giải sách xưa, sáng tác truyện ngắn. Sách “Nữ Tắc Diễn Âm” in số lượng có giới hạn. Ấn phí: 16 Mỹ Kim. |