Nhà nghiên cứu, nghệ nhân Võ Trường Kỳ dành khá nhiều thời gian để chơi và nghiên cứu đờn ca tài tử Nam bộ (Trong ảnh: Nhà nghiên cứu, nghệ nhân Võ Trường Kỳ (thứ 3, phải qua) biểu diễn đờn ca tài tử cùng các nghệ nhân và tài tử khác). Ảnh do nhân vật cung cấp
Nhà nghiên cứu, nghệ nhân Võ Trường Kỳ (Tám Kỳ) là người dành trọn cuộc đời mình cho âm nhạc dân tộc nói chung và ĐCTT nói riêng. Sinh ra ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An - một trong những “cái nôi” của ĐCTT, từ nhỏ, nghệ nhân Tám Kỳ được “tắm mình” trong tiếng đàn của ông nội là nghệ nhân Tư Chí và chú ruột là Nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú Tư Bền. Đó là cội nguồn nuôi dưỡng, vun bồi cho tài năng, niềm đam mê âm nhạc trong ông. Chính vì thế, khi vừa rời quê đi học, chàng thiếu niên Võ Trường Kỳ tìm ngay đến nhạc sư Hai Biểu (Huỳnh Văn Biểu), người xuất thân từ kép hát bội, vừa là nghệ nhân, nhạc sư đàn tranh nổi tiếng thời bấy giờ, xin làm đệ tử. Từ đó, nghệ nhân Tám Kỳ chính thức “bén duyên” và gắn bó với ĐCTT.
Dù ở bất kỳ vị trí nào, nhà nghiên cứu Võ Trường Kỳ vẫn không ngừng học hỏi, tìm đến “gốc tích”, cội nguồn của một nền âm nhạc đã trở thành đặc trưng nổi bật của vùng Nam bộ - ĐCTT. Tham gia cách mạng, ông phục vụ trong Đoàn Văn công của tỉnh, biểu diễn phục vụ người dân bất chấp đạn pháo địch đang bắn trên đầu. Hòa bình lập lại, ông tiếp tục học rồi được bổ nhiệm giữ vị trí Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch).
Cứ tưởng ở vị trí giám đốc sở với “trăm thứ phải lo”, nghệ nhân Tám Kỳ sẽ tạm gác đam mê ĐCTT. Thế nhưng, thời điểm đó, ông vẫn không thể nào rời xa những người bạn nghệ nhân của mình. Ông kể: “Tôi chơi với nhiều nghệ nhân ĐCTT khắp miền Nam từ khi còn trẻ. Tình bạn mấy mươi năm. Lúc làm giám đốc sở, đi đâu, tôi cũng mang đàn theo để có dịp rảnh rỗi giao lưu với bạn bè. Đó là quá trình dài quý báu cho tôi tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, tư liệu cho việc nghiên cứu của mình”.
Nhà nghiên cứu Võ Trường Kỳ cần mẫn như thế suốt cả cuộc đời mình. Bằng cách chơi đàn, gặp gỡ các nghệ nhân khắp miền Nam, lắng nghe và ghi chép để tích lũy cho mình vốn kiến thức phong phú về âm nhạc dân tộc. Ông là tác giả quyển sách Đờn ca tài tử Nam bộ vừa xuất bản vào dịp ĐCTT được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Khi trò chuyện với ông về ĐCTT, chúng tôi chỉ có thể lắng nghe và thán phục vì sự uyên bác của ông. Người nghệ nhân ấy giảng giải bằng tất cả đam mê về nguồn gốc, giai điệu, tài liệu,... của bộ môn nghệ thuật được công nhận là di sản ấy.
Nhà nghiên cứu, nghệ nhân Võ Trường Kỳ dành khá nhiều thời gian để chơi và nghiên cứu đờn ca tài tử Nam bộ (Trong ảnh: Nhà nghiên cứu, nghệ nhân Võ Trường Kỳ biểu diễn đàn tranh) (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Từ sự hướng dẫn của nhà nghiên cứu Võ Trường Kỳ, chúng tôi tìm gặp anh Đỗ Văn Phong, truyền nhân thứ 4 trong gia đình duy nhất ở Việt Nam có 5 đời theo nghệ thuật hát bội. Trò chuyện với chúng tôi, anh Phong vui vẻ khoe: “Hai đứa con tôi giờ đều quyết theo nghề hát bội. Tốt nghiệp THPT, con gái tôi theo đoàn hát bội, nay cũng được 2 năm. Con trai đang học trung học, vừa học, vừa theo cha học nhạc hát bội, nhạc lễ”. Niềm tự hào lấp lánh trong từng lời kể của anh vì nghệ thuật hát bội không chỉ là đam mê mà còn là thực hiện lời dặn truyền đời của dòng họ: “Dù thế nào đi nữa, trong gia đình cũng phải có ít nhất một người giữ nghề!”. Chính vì lời dặn ấy mà anh Phong “bám” nghề, giữ gìn từng câu hát, điệu trống bộ môn nghệ thuật này.
Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống hát bội, được “nuôi dưỡng tâm hồn” bằng tiếng trống, điệu đàn và những câu hát bội nên anh Phong mang trong mình sự say mê bất tận dành cho bộ môn nghệ thuật dân tộc có nguy cơ mai một này. Anh chia sẻ: “Theo nghề, giữ nghề và cho các con học nghề bởi tôi say mê hát bội và tôn trọng quyết định của các con cũng như trân quý lời truyền dạy trong dòng họ mình. Nhưng khi truyền nghề, tôi cũng hết lòng căn dặn con phải tìm cho mình một nghề nghiệp khác có thể chăm lo cuộc sống. Bởi, hát bội là đam mê chứ không còn là nghề nuôi sống người theo nghề như trước nữa!”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, gia đình anh Phong là gia đình cuối cùng ở Long An còn theo nghề hát bội. Nhưng không vì vậy mà họ thấy “nản” vì nghề. Cô con gái vừa tròn 20 tuổi của anh Phong dành hết say mê vào từng phút giây được đứng trên sân khấu. Anh kể: “Theo đoàn hát bội không có nhiều tiền, nhưng hễ có được bao nhiêu, con bé lại dùng mua sắm trang phục diễn hết bấy nhiêu và phải lên TP.HCM đặt may mới có”.
Gia đình anh Đỗ Văn Phong là gia đình duy nhất ở Việt Nam có 5 đời theo nghệ thuật hát bội và là gia đình theo nghệ thuật hát bội còn lại duy nhất ở Long An (Trong ảnh: Con trai anh Phong - Đỗ Thanh Quang vừa đi học, vừa theo cha học nhạc hát bội và nhạc lễ)
Không chỉ say mê cùng ĐCTT, giọng ca của những bài Nam, bài Oán, Kim Thanh còn là nghệ sĩ cải lương. Nhiều bản vọng cổ được chị thể hiện ngọt ngào, dạt dào cảm xúc. Chị cũng nhiều lần đoạt huy chương vàng các hội thi cải lương trong và ngoài tỉnh.
Nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú Kim Thanh (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Bằng những nỗ lực của riêng mình, nhà nghiên cứu Võ Trường Kỳ, nghệ nhân Đỗ Văn Phong, Nghệ nhân dân gian ưu tú Kim Thanh và nhiều người khác đã và đang góp phần giúp âm nhạc dân tộc ở Long An được giữ gìn và phát triển./.