Quế Lâm
NKLT: Cây đờn tranh 29 dây nghệ nhân Bảy Bờ đóng là theo mẫu mã thiết kế của nhạc sĩ Đặng Kim Hiền (ở Úc) hướng dẫn đặt làm nhưng chưa được hoàn chỉnh và đã bị nghệ nhân Bảy Bờ lấy mẫu của cô để đóng đờn bán mà không xin phép tức là đã vi phạm bản quyền. Cây đờn tranh 25 dây do nhạc sư Vĩnh Bảo đóng bán được nhắc trong bài báo dưới đây cũng không phải là cây đờn tranh 25 dây đầu tiên vì nhạc sĩ Đặng Kim Hiền đã khởi sự làm trong Đề Án 25 từ 1992-2007. Nhạc sĩ Đặng Kim Hiền đã thực hiện Đề Án 29 cho cây đờn tranh 29 dây từ năm 1991 đến ngày nay. Theo nhạc sĩ Đặng Kim Hiền: “Hai mục đích của Đề Án 29 là:
Bài báo “Nghệ nhân đóng đờn tài hoa và cây đờn tranh 29 dây” này đã được đăng ở các trang mạng sau đây: |
Từ trước đến nay, việc đóng đờn tranh nhiều dây (19, 21, 25 dây) vốn đã là việc khó, ít người làm được. Nhưng ở Long An có một nghệ nhân tài hoa đóng được cây đờn tranh 29 dây, được người trong giới công nhận và yêu thích. Đó là nghệ nhân Bảy Bờ.
Dù không chơi đờn ca tài tử nhưng nghệ nhân Bảy Bờ biết rao đờn, có khả năng thẩm âm và thưởng thức âm nhạc tốt.
Người đóng đờn duy nhất ở Long An
Nhà nghệ nhân đóng đờn Bảy Bờ ở ấp Lăng, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Căn nhà nhỏ nằm bên đường chính, không có biển hiệu cũng không có điểm gì đặc biệt để nhận ra đó là một xưởng đóng đờn nổi tiếng khắp gần xa. Nhắc đến nghệ nhân Bảy Bờ, có lẽ người trong giới đờn ca tài tử (ĐCTT) ít nhiều đều biết đến. Dù không chơi ĐCTT nhưng nghệ nhân Bảy Bờ biết rao đờn, có khả năng thẩm âm và thưởng thức âm nhạc tốt nên đờn do anh đóng lúc nào cũng chuẩn về âm thanh và đẹp về hình thức. Đóng đờn có lẽ nhiều người làm được nhưng đóng một cây đờn vừa đẹp dáng, vừa đờn hay thì phải cần đến bậc thầy.
Anh Bảy Bờ không nhận mình là bậc thầy, anh cũng không có cửa hàng riêng nào để bán đờn, không có quảng cáo, không có kênh Youtube để quảng bá cho sản phẩm của mình, thậm chí, tìm tên anh trên Google cũng chỉ cho một vài kết quả. Vậy nhưng đờn của anh, theo sự truyền tai của người trong giới, đã đến nhiều quốc gia. Từ các đơn hàng lẻ một vài cây đến những đơn hàng lớn hàng chục cây đã lần lượt rời Tân Chánh sang Úc, Mỹ, NewZealand, Hàn Quốc,...
Nâng niu cây đờn trên tay, anh tâm sự: “Nếu đã hẹn khách hàng nhưng đến hẹn chưa xong, tôi đành hẹn lại chứ không dám vội vàng mà giao cho khách một cây đờn kém chất lượng. Tôi luôn giữ quan điểm là phải làm tốt nhất để người biết đờn cảm thấy ưng ý mới được”. Mỗi loại đờn cần một kỹ thuật khác nhau, lưu ý khác nhau, trung bình xưởng của anh cần khoảng 2 tuần để cho ra đời 1 cây đờn hoàn chỉnh, đẹp mắt, có âm thanh đạt chuẩn.
Nghệ nhân Bảy Bờ lớn lên ở vùng đất được mệnh danh cái nôi ĐCTT Long An. 15 tuổi, anh bắt đầu học nghề làm đờn, đến nay đã mấy mươi năm. Danh tiếng nghệ nhân đóng đờn Bảy Bờ đã bay xa nhờ sự tài hoa của anh. Khách ở xa xôi cũng cố công tìm tới đặt anh đóng cho cây đờn ưng ý, mặc dù tại các thành phố lớn không thiếu những điểm bán đờn. Anh Bảy Bờ kể: “Hồi trước, có một cô từ nước ngoài về (nhạc sĩ Đặng Kim Hiền hiện định cư tại Úc - pv) tìm đến nhà nhờ tôi đóng cây đờn tranh 29 dây. Trước giờ, tôi đóng đờn tranh 17 dây, 22 dây là phổ biến, tới 29 dây thì tôi chưa thấy bao giờ nhưng vẫn nhận lời như một cách thử thách mình. Sau này, cô ấy quay lại đặt thêm 5 cây nữa”. Cơ sở đóng đờn Bảy Bờ không có biển hiệu giữa một làng quê hẻo lánh ở Long An nhưng khách tri âm vẫn tìm đến được. Quả là một chuyện đáng tự hào!
Nghệ nhân Bảy Bờ trao cây đờn tranh 29 dây cho Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ.
Và cây đờn tranh 29 dây
Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ cho biết, ông vừa đặt anh Bảy Bờ đóng 1 cây đờn tranh 29 dây và ông rất ưng ý cây đờn. Ông nói: “Cách đây một thời gian, có một người Việt ở Mỹ đặt nhạc sư Vĩnh Bảo đóng cây đờn tranh 25 dây và anh khoe trên mạng xã hội là anh đang sở hữu cây đờn tranh nhiều dây nhất Việt Nam. Nhưng anh ấy không biết Bảy Bờ đã đóng được đờn tranh 29 dây từ năm 2017 rồi! Cây đờn Bảy Bờ đóng quý ở chỗ giữ được hình dáng gốc của đờn tranh Việt Nam là mặt đờn cong, không thẳng bè. Về độ thẩm mỹ là đạt trình độ tuyệt vời. Tôi vẫn chưa so dây đờn thử nhưng tôi tin tài hoa của Bảy Bờ sẽ không làm tôi thất vọng”.
Được biết, đờn tranh Việt Nam ban đầu có 16 dây, là loại đờn truyền thống dùng trong ĐCTT xưa nay. Theo cố nhạc sư Vĩnh Bảo, ông là người đầu tiên cải tiến, nâng số dây đờn tranh lên 17 dây. Đó được xem là một bước ngoặt lớn bứt phá cho sự sáng tạo của nghệ nhân. Các cây đờn tranh 19, 21 dây lần lượt ra đời. Tuy nhiên, số người đóng được đờn tranh nhiều dây cũng hạn chế vì càng nhiều dây càng yêu cầu người đóng đờn phải có trình độ thẩm âm đặc biệt để nhận ra sự khác nhau trong âm vực từng dây. Bên cạnh đó, đờn càng nhiều dây càng dễ mất đi hình dáng ban đầu, mặt đờn khó thể uốn cong mà thường thẳng và bè.
Tuy nhiên, với thợ đóng đờn Bảy Bờ, những khó khăn đó đều được khắc phục. Cây đờn tranh 29 dây của anh không chỉ đẹp về hình thức mà âm thanh còn trong trẻo, chinh phục được những bậc thầy âm nhạc truyền thống. Minh chứng là việc nhạc sĩ Đặng Kim Hiền đã trở lại đặt anh làm thêm 5 cây đờn tranh 29 dây nữa để mang về Úc. Những clip chị quay với cây đờn tranh 29 dây do anh Bảy Bờ đóng luôn làm say lòng khách yêu âm nhạc truyền thống nói chung và ĐCTT nói riêng. Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ cho biết: “Cây đờn tranh được cải tiến thêm nhiều dây là để đáp ứng khả năng sáng tạo của người đờn. Cây đờn tranh 29 dây do Bảy Bờ đóng chỉ cần lên dây một lần, không cần sửa khi chuyển điệu và có thể đờn đủ loại bài bản tài tử, sân khấu cải lương, rất tiện lợi”.
Không chỉ có đờn tranh 29 dây, cơ sở đóng đờn Bảy Bờ còn đóng được hầu như tất cả các loại đờn từ truyền thống đến hiện đại, từ nhạc cụ dân tộc Việt Nam đến cả các quốc gia khác. Chỉ cần có đơn đặt hàng, mô tả chi tiết là anh có thể cho ra đời sản phẩm đáp ứng yêu cầu của khách tri âm.
Cơ sở đóng đờn Bảy Bờ là nơi đóng đờn duy nhất ở Long An, tọa lạc tại vùng đất được xem là cái nôi ĐCTT của tỉnh. Nghệ nhân đóng đờn Bảy Bờ lại là người tài hoa, có những bước sáng tạo nổi bật trong việc đóng nhạc cụ dùng trong ĐCTT, cây đờn tranh 29 dây là một minh chứng cụ thể. Đờn kìm, đờn bầu, đờn cò, đờn ghita,… tất cả đều không thể nào làm khó được nghệ nhân đóng đờn nổi danh của vùng Tân Chánh, Cần Đước - anh Bảy Bờ!