Về Ba Tri tìm mộ thầy


Lăng mộ và văn bia do Phan Thanh Giản sáng tác.


“Có người gọi cụ là Hiệu Tổ, nhiều người khác gọi cụ trang trọng hơn là “Gia Định Xử Sĩ Sùng Đức Võ Tiên Sinh”, còn chúng tôi – những cựu học sinh trường trung học Võ Trường Toản (quận 1, TPHCM) – thích gọi cụ bằng Thầy, mặc dù chưa có hạnh phúc được cụ dạy một ngày nào. Cụ là nhà giáo Võ Trường Toản”.

Khoảng tháng 7-1995, Hội Cựu Học Sinh Võ Trường Toản (quận 1, TPHCM) họp mặt kỷ niệm ngày mất của cụ Võ Trường Toản. Đây cũng là dịp anh em học sinh từng học dưới mái trường này gặp lại bạn cũ, thầy xưa. Có những đồng môn từ thập niên 60, 70 nay gặp nhau đầu đã bạc. Có nhiều việc để bàn, nhiều chuyện để nói trong cuộc họp mặt ngắn ngủi này, nhưng có một chuyện đã trở thành “Nghị Quyết”: Đi tìm mộ cụ Võ Trường Toản. Sách có ghi, khi mất, cụ được an táng tại tỉnh Gia Định. Sau đó, khi thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông, các sĩ phu yêu nước trong phong trào tị địa, thề không sống chung với thực dân đã bỏ 3 tỉnh miền Đông, chuyển về 3 tỉnh miền Tây sinh sống. Không nỡ để mộ thầy nằm trong vùng đất địch chiếm, họ đã cải táng đem về làng Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Sách sử ghi vậy, nhưng làng đó nay ở đâu, mộ nằm chỗ nào là điều Hội Cựu Học Sinh trường Võ Trường Toản phải kiếm tìm. Hội đã phân công một anh quê ở Bến Tre về tiền trạm.

Sau đó vài ngày, thật ngẫu nhiên, hai nhà báo Nguyễn Chương và Huỳnh Thanh Diệu (báo Tuổi Trẻ) đi dự đám giỗ cụ Nguyễn Đình Chiểu, sau đó đến viếng mộ cụ Phan Thanh Giản. Bác Phan Thanh Châu, năm ấy đã 73 tuổi, là cháu nhiều đời của cụ Phan Thanh Giản, người chăm sóc mộ phần của cụ Phan Thanh Giản, đã tâm sự với các nhà báo nỗi bức xúc về mộ phần cụ Võ Trường Toản còn nằm trong hoang sơ, làm bạn với trăng gió.

Bức xúc về nấm mồ hoang lạnh của bậc danh nhân, hai nhà báo Nguyễn Chương, Thanh Diệu đã viết bài đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 13-7-1995. Đọc được thông tin trên, các thầy cô trường Võ Trường Toản cùng các cựu học sinh đều mừng và xót xa.

Ngày 30-7-1995, những học trò của thầy Võ Trường Toản đã từ thành phố về thăm mộ cụ. Đường xa, qua khỏi Châu Thành tỉnh lỵ Bến Tre, đường càng xấu. Có những khoảng đường đầy hố gà, hố trâu; những cây cầu bằng thân dừa bắc trên những thanh sắt không biết có từ đời nào. Người trên xe phải xuống đi bộ cho xe chầm chậm chạy qua...

Khi đến nơi, chúng tôi không cầm được nước mắt khi tận mắt thấy ba nấm mộ của hai vợ chồng cụ và người con gái nằm trên gò cao, cạnh giồng lang, cỏ tranh bạt ngàn. Gió từ biển thổi vào sao nghe mặn mòi, không rõ đó là vị mặn của biển hay của những giọt nước mắt? Mưa lại rơi lất phất...

Sau chuyến viếng thăm ấy, thầy cô, học sinh trường Võ Trường Toản, hội Cựu Học Sinh, tỉnh Bến Tre và người dân nơi làng Bảo Thạnh đã chung tay thực hiện ý nguyện tu sửa mộ cụ Võ cho tươm tất. Thầy trò trường Võ Trường Toản, hội Cựu Học Sinh đã góp được hơn 250 triệu đồng. UBND tỉnh Bến Tre cũng đóng góp một phần ngân sách. Người chủ đất nơi phần mộ cụ nằm thì tình nguyện hiến đất để xây dựng khu di tích.

Mỗi năm vài lần, thầy trò Võ Trường Toản lại khăn gói xuống thăm khu di tích ngày càng hình thành rõ nét. Bây giờ, các học sinh trường Võ Trường Toản đã có thêm một địa điểm để tham quan du lịch, đó là khu di tích cụ Võ Trường Toản tại Bến Tre. Các em đã tặng cho các bạn học sinh nơi đây nhiều tập vở, sách học, dụng cụ học tập. Các học sinh nhỏ ở vùng quê Ba Tri nay đã có thêm các anh, các chị trên Sài Gòn động viên, hướng dẫn, khuyến khích ý chí rèn luyện và học tập.

Ngày 17-11-1998, hơn ba năm sau ngày phát hiện ra mộ cụ, với sự tích cực của Sở Văn Hóa-Thông Tin Bến Tre, khu mộ được công nhận là Di Tích Lịch Sử Quốc Gia. Hôm ấy, UBND tỉnh Bến Tre đã tổ chức lễ đón nhận thật trọng thể. Người từ thành phố về, người ở tại chỗ đến. Ngoài những thành phần quen thuộc như thầy trò đất Sài Gòn, thầy trò Bến Tre, đại diện ngành văn hóa và chính quyền địa phương... còn có mặt những người chăm sóc đền thờ cụ tại Phú Thọ Hòa, TP HCM. Những bô lão trong áo thụng xanh trân trọng làm lễ theo nghi thức cổ truyền. Sau cơn mưa sớm vào sáng hôm ấy, những giọt mưa cứ lấp la lấp lánh trong ánh nắng mặt trời đã tăng thêm niềm vui và sự ấm áp trong lòng người tham dự. Có lẽ dưới suối vàng, cụ và những bậc sĩ phu đã đưa cụ về đây an táng cũng vui lòng...