Nhận xét về ca dao Hậu Giang


Trong số những ca dao xuất xứ từ miền Hậu Giang, có lẽ loại “sấm vãn” là xưa nhất. Không đi sâu vào nội dung, chúng ta chỉ ghi nhận vài điểm: Vãn là bài thơ, văn vần. Sách xưa nêu rõ thí dụ: Nhị độ Mai, Vãn (Les pruniers refleu-ris, poème tonkinois). Bản in địa phận Sài Gòn 1894, hoặc hựu viết, Vãn viết trong tuồng hát bội. Vì lối phát âm không rõ ràng của người miền Nam nên Vãn bị lầm là Giảng và Sấm Giảng nghĩa là một bổn văn vần truyền khẩu tiên đoán thiên cơ, giảng giải đạo lý.

Vài đoạn thơ gọn gàng dưới đây đủ chứng tỏ mức diễn đạt của vài tu sĩ hồi đầu thế kỷ XX:

Hai Võ phân nói thiệt thà:
“Kinh kệ áo dà, để lại chốn đây
E khi đi có gặp Tây,
Nó coi thấy đặng, sắp bây không còn”.
Tính thôi đã một buổi tròn,
Xuống thuyền ra biển, hỡi còn canh hai!
(Vãn núi Tà Lơn của ông Cử Đa)

Hư nên các việc tỏ bày
Tôi không có ép có nài chi ai,
Thương thay ông lão Bán Khoai
Lên non xuống núi hôm mai dạy đời
Thân sao nay đổi mai dời
Xóm kia làng nọ, khổ thay thân già!
Nam mô đức Phật Di Đà
Khiến người trở lại thảo gia của người
Bạc bảy đâu sánh vàng mười
Hiền lương đâu xứng với người hung hăng.
(Vãn ông Sư Vãi Bán Khoai)

Nhưng các loại thơ truyền khẩu kể trên vì quá mang nặng tâm lý địa phương nên thiếu tánh chất phổ biến. Vùng Hà Tiên, Châu.Đốc vốn là một biên trấn với nền kinh tế nông nghiệp tự túc. Từ xưa, kiều bào Việt Nam đã khai thác tận vùng biên giới Kampot, núi Tà Lơn (chaine de l’Eléphant). Lúc ban sơ, Mạc Cửu đến miền duyên hải vịnh Xiêm La với hoài bão bài Mãn phục Minh.

Năm 1787, sử chép việc Hà Hỉ Văn thuộc Thiên Địa Hội đem đoàn Tàu Ô đến qui phục chúa Nguyễn Ánh ở đảo Cổ Cốt. Trong thời kỳ Pháp thuộc, nhiều đạo sĩ Việt Nam cố gắng biến chuyển khẩu hiệu “bài Mãn phục Minh” trở thành lý luận chống thực dân Pháp. Họ phát triển và áp dụng các quan điểm về phong thủy vào vùng Thất Sơn, Cửu Long, dùng những danh từ: Hớn Chúa, Minh Chúa v.v…



Bên cạnh những ẩn sĩ, còn nhiều khách tục, những kiều bào tha phương cầu thực. Vào khoảng 1916, họ nhắn vọng về cố quốc:

Tà Lơn xứ rày con tạm ở
Nghiệp lưới chài nhiều tháng náu nương
Gởi thơ cho cha mẹ tỏ tường
Cùng huynh đệ đặng cho hãn ý
Kể từ con đăng trình vạn lý
Đến bây giờ có bảy tháng dư
Nghiêng mình nằm nhớ tới mẫu từ
Ngồi chờ dậy ruột tằm quặn thắt
… … …
Vận bất tề nay trẻ nổi trôi
Thời bất đạt nên con xa xứ
Con cũng biết mười ơn vẹn giữ
Dạ lâm bền ba thảo ghi lòng
Câu tam niên nhủ bộ bất vong
Nghĩa thập ngoạt lòng con lo trả
Khó vì nỗi anh thì một ngã
Cực lòng thay em ở một nơi
Bảy ngày Xuân con chịu tả tơi
Ba bữa Tết khoanh tay ngồi ngó
… … …
Việc ở ăn nhiều nỗi đắng cay
Vái Trời Phật xin về quê cũ
Xứ hiểm địa, chim kêu vượn hú
Dế ngâm sầu nhiều nỗi đa đoan
Ngó dưới sông: cá mập lội dư ngàn…

Nay con tới nơi nguồn cao nước đục
Loại thú cầm nhiều thứ chỉnh ghê!
Giống chằng tinh lai vãng dựa bên hè
Con gấu ngựa tới lui gần xó vách

…Bầy chồn cáo đua nhau lúc ngúc
Lũ heo rừng chạy giỡn bát loạn thiên…

…Trên chót vót, nai đi nối gót
Đôi vượn bạch nựng con thảnh thót
Cặp dã nhơn kêu tiếng rảnh rang
Ngó sau lưng: con kỳ lân mặt tợ như vàng
Nhìn trước mặt: ông voi đen huyền tợ thổ.
Hướng Đông Bắc, con Công kêu tố hộ,
Cõi Tây Nam, gà rừng gáy ó o…

Còn nhiều câu khác vừa tả chân vừa hài hước; đọc bài vãn Tà Lơn, hẳn thân nhân của thi sĩ vô danh nọ cũng mỉm cười, được an ủi phần nào. Ác thú ở Tà Lơn tuy nhiều thứ nhưng thi sĩ vẫn sống nhăn như người đi du ngoạn ở thảo cầm viên, ngày xuân.



Ngoài miền đồi núi An Giang, ở Hậu Giang còn một miền địa lý thứ nhì ăn suốt bờ biển Kiên Giang, phần lớn Ba Xuyên và toàn tỉnh An Xuyên. Nơi đây, đất quá thấp vì mới bồi, các rạch nhỏ bắt nguồn từ biển để theo thủy triều đổ vào đồng sình lầy. Dưới sự đốc suất của Thoại Ngọc Hầu, kinh Vĩnh Tế và kinh Núi Sập (Thoại Hà) đã hoàn thành từ đầu thế kỷ XIX, dẫn nước ngọt từ Hậu Giang đem tưới các ruộng vườn xa lánh, vừa rửa cho đất sạch phèn, vừa giúp việc lưu thông vận tải. Bài vè kinh Vĩnh Tế nói lên công trình khó nhọc của tiền nhân đã phục dịch giữa nơi khí hậu bất lợi. Từ làng quê đến chỗ đào kinh, họ phải qua nhiều vùng nguy hiểm dễ làm mồi cho sấu cọp. Rất tiếc là bài vè ấy mới sáng tác lúc sau nên giá trị về sử liệu quá kém cỏi.

Đáng chú ý hơn hết là việc đào kinh bằng phương tiện cơ giới “phối hợp kỹ thuật cơ giới Tây Phương và đức kiên nhẫn, siêng năng của người Việt” hồi đầu thế kỷ thứ XX.

Kinh Xà No (Phong Dinh) khởi công đào năm 1901, hoàn tất năm 1903.

Hệ thống kinh Xáng Ngã Năm, Ngã Bảy (Phong Dinh) thành hình từ 1906-1908.

Nhờ vậy tỉnh Cần Thơ (Phong Dinh) đứng hạng nhứt ở toàn Nam kỳ về sản xuất lúa gạo. Lúa gạo bán tăng giá. Mức sống của mọi từng lớp lên cao. Những người dân hai Huyện (trai Nhơn Ái, gái Long Xuyên) bấy lâu nổi tiếng là người dinh (dân sang trọng, chánh gốc, ở vùng dinh quan chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh) gặp cơ hội thuận lợi để di cư khắp vùng mới đào kinh Xáng để làm thầy dạy hò hát.

- Đời phải đời thạnh trị
Cuộc phải cuộc văn minh
Kìa là gió mát trăng thanh
Nầy bớ em ơi! Biết đâu nhân đạo bày tình cho vui…

- Nước bích non xanh
Người bạn lành khó kiếm
Đây em cũng có hiếm, chẳng lựa đặng chỗ nào
Mãn lo mua bán ra vào Cần Thơ…

Đa số các thầy vốn là đào kép hát bội, giải nghệ – được học trò rước đem về nhà để dạy hò – dạy ăn tiền.
Trong ngôn ngữ bình dân, không nghe nói đến danh từ ca dao. Căn cứ vào nhạc điệu, trường hợp sử dụng, họ gọi đó là hát đưa em, hát huê tình, hát đối, hò chèo ghe, hò xay lúa, hò cấy.

Câu hát đưa em:

- Chờ em cho mãn kiếp chờ
Chờ cho rau muống vượt lên bờ trổ bông.

Có thể đưa ra đồng lúa, trên sông rạch để trở thành câu hát đối. Và khi gặp người đáp lại khéo léo:

- Rau muống trổ bông lên bờ nó trổ
Ai biểu anh chờ mà anh kể công ơn.

Thì cả hai vế được gìn giữ đem về nhà trở thành câu hát đưa em.

Xu hướng “kéo dài, bổ túc các câu sẵn có” đã tạo thêm được nhiều câu hát đưa em đáng lưu ý:

- Bớ chiếc ghe sau, chèo mau anh đợi
Kẻo giông khói đèn bờ bụi tối tăm

- Bờ bụi tối tăm, anh quơ nhằm cái tộ bể
Cưới vợ có chửa về thổi lửa queo râu.

Hoặc:

- Khế với chanh một lòng chua xót
Mật với gừng một ngọt một cay
Ra về bỏ áo lại đây
Để khuya em đắp gió tây lạnh lùng

- Có lạnh lùng lấy mùng mà đắp
Trả áo cho anh về đi học kẻo trưa.

Người thọ giáo không cần học vỡ lòng về luật bằng trắc, yêu vận, cước vận vì ai nấy đã từng thở không khí lục bát và các biến thể của loại thơ ấy từ khi nằm trên võng.

Theo quan niệm các thầy thì câu hát đối đáp chia ra ba loại, tùy sở trường, sở đoản từng người mà áp dụng.

1. HÒ VĂN dùng cách ngôn Khổng Mạnh (trích trong Minh Tâm Bửu Giám) để gợi hứng, gieo vần:

Vật bạc tình bất thủ
Nhơn phi nghĩa bất giao
Anh nguyền thưởng bậu một dao
Răn phường lòng dạ mận đào lố lăng…

Hoặc:

Tay cầm quyển sách Minh Tâm anh đọc:
Thiện ác đáo đầu chung hữu báo
Cao phi viễn tẩu khả nan tàng
Từ khi anh xa cách con bạn vàng
Cơm ăn chẳng được như con chim phụng hoàng bị tên.

2. HÒ TRUYỆN dùng điển tích trong truyện Tàu để gợi hứng gieo vần hoặc nêu câu hỏi:

- Văng vẳng bên tai
Tiếng ai như tiếng con Điêu Thuyền?
Anh đây Lữ Bố kết nguyền thuở xưa
Từ trên trời xuống mặt nước mấy trăm ngàn thước?
Từ mặt nước xuống âm phủ đi mấy ngày đường?
Một bộ Tây Du mấy cuốn?
Một cuốn mấy trương?
Một trương mấy hàng chữ?
Nói cho có ngăn có ngữ, gái má đào mới chịu thua!

- Đó ở dưới thuyền buôn, thả luông tuồng theo nhịp
Có phải là: Ngũ Hồ ký tính Đào Công vi nghiệp
Tứ hải ngao du Yến Tử Phòng
Linh đinh nay lớn mai ròng
Vậy đà có chốn loan phòng hay chưa?

3. HÒ MÉP dùng lời lẽ nôm na, không điển tích, không cách ngôn.

Đèn tọa đăng để trước bàn thờ
Vặn lên nó tỏ, vặn xuống nó lờ
Xuống sông hỏi cá, lên bờ hỏi chim
Trách ai làm cho thế nọ xa tiềm
Em xa người nghĩa mà nằm điềm chiêm bao.

Lúc đầu, loại hò văn và hò truyện được ưa chuộng Truyện Tây Du, Phong Thần, Tiền Đường, Hậu Tống, sách Minh Tâm Bửu Giám lần lần xây dựng cho mọi người một vốn liếng về cổ học, nhân bản của Á đông. Việc phổ biến ấy ngày càng thêm sâu rộng nhờ mức sống của nông dân và tiểu thương lên cao, nhờ phương tiện chữ quốc ngữ. Bắt đầu ấn hành từ đầu thế kỷ tại Sài Gòn ; các bản dịch ấy phải đợi non 30 năm sau mới thấm vào giới trung lưu và bình dân ở thôn quê Hậu Giang – như thế kể cũng nhanh chóng.

Nam thanh nữ tú tung ra tất cả tri thức của mình để thi tài biểu diễn. Đó là tật chung của kẻ mới làm giàu, ưa khoe của, “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”. Thật bực mình khi nghe những câu hò dẫn chứng nhiều điển tích sai lạc, vô nghĩa hoặc nhiều cách ngôn của Khổng Tử, Tư Mã Ôn Công với danh từ lẫn lộn, ép vận, sai văn phạm cổ văn. Nhưng chúng ta chưa bi quan: trước ánh sáng của nghệ thuật, loại hò mép nôm na (không điển tích không chữ Hán) vẫn là hình thức cao nhứt, khó thành công nhứt dành riêng cho những người có chân tài, những người trầm tĩnh. Họ đã khéo léo đưa ra những câu hò từ miền Tiền Giang, Trung Phần để bẻ lại. Bẻ là uốn nắn cho hợp tình hợp cảnh:

Ai về Giồng Dứa qua truông,
Gió đưa bông sậy để buồn cho em.

đã trở thành:

U Minh Rạch Giá thị quá sơn trường
Gió đưa bông sậy dạ buồn nhớ ai.

Và hình ảnh mơ hồ của cây cầu Trường Tiền ngoài Huế:

Cầu cao ba mươi sáu nhịp (?)
Em theo không kịp
Nhắn lại cùng chàng:
Cái điệu tào khang
Sao chàng vội dứt
Đêm nằm thao thức
Tưởng đó với đây
Biết nơi nao cho phụng gặp bầy
Cho le gặp bạn
Ruột đau từng đoạn
Gan thắt chín lần
Đôi ta như chanh với khế, như quế với gừng
Dầu xa nhau nữa cũng đừng tiếng chi!

Để thêm phần duyên dáng và để biểu diễn nghệ thuật bắt vần, nhiều người trổ tài, môi những câu hò ngắn sẵn có. Môi tức là kéo dài thêm câu hát, đặt thêm nhiều đoạn lơ lửng, vô thưởng vô phạt hoặc có dụng ý:

Anh thương em
Thương quấn thương quít
Bồng ra gốc mít, bồng xít gốc chanh
Bồng quanh đám sậy, bồng bậy vô mui
Bồng lủi sau lái. Bồng ngoái trước mũi (v.v…)
Để em nằm xuống đây
Kể từ hồi em đau ban cua lưỡi trắng
Miệng đắng cơm hôi
Tiếc công anh đỡ đứng bồng ngồi
Bây giờ em vinh hiển, em bắt anh bán nồi làm chi?

Ba hình thức hò văn, hò truyện ; hò mép đã tổng hợp trong một câu:

Tay cần cục mực, cây viết vàng
Vẽ phụng vẽ loan
Vẽ Tiết Đinh San
Vẽ chàng Lâm Sĩ
Vẽ bông hoa thị
Vẽ chữ đại tường
Đem về cắm trước đầu đường
Người đi qua thấy rõ chữ kim tương (?)
Kẻ bước lại xem tường văn võ
Trách ai chận ngõ lấp truông, ngăn mây đón gió
Để con bạn nọ phải thua buồn vì tiếng thị phi.



Theo thời gian, từ hình thức đơn giản trong sáng, câu hò lần lần trở nên nặng nề, mang nhiều chữ nho, điển tích nhưng nghèo ý nghĩa. Lắm người tuy nổi danh hò hay, hát giỏi nhưng thật ra họ chỉ thành công nhờ làn hơi thiên phú, nếu chép lời văn ra mực đen giấy trắng thì rõ ràng là nghèo vần điệu, trùng ý, lải nhải, quá sáo:

- Nghĩa nào nặng cho bằng nghĩa tào khang

Đêm nằm van vái, vái van ông Tơ hồng cùng bà Nguyệt lão, xui khiến cho tôi cưới đặng con vợ đồng lòng, đồng tâm, đồng chí, phu xướng phụ tùy, phụ tùy phu xướng v.v…

Thế sự ngày càng đổi thay, nếp sống xáo trộn ít nhiều là điều dĩ nhiên. Năm 1938, 1940, nếu được dịp dự một buổi lễ thành hôn ở vùng kinh Xáng Ngã Năm, Ngã Bảy, ta càng ngạc nhiên hơn. Đó là những xóm chạy thẳng ở hai bên đường giao thông thủy bộ, làm ruộng làm rẫy nhưng cũng bán hàng xén, hớt tóc, trong gian nhà có cửa sổ, có đèn “măn sông”. Bộ quần áo mặc ngủ (pyjama) và đôi giày “săn đan” trở thành lễ phục chánh thức (thay thế cho khăn đóng áo dài) khi chàng rể ra mắt bà con hai họ và bái từ đường! Lúc đãi tiệc, một cậu thanh niên đứng dậy trình bày với cử tọa bài “văn chúc” theo kiểu:

“Thưa quí ông, quí bà, quí cô bác, các bạn thanh niên, mấy chị phụ nữ.

“Hôm nay là ngày… tháng… là ngày lễ thành hôn của bạn tôi là Mỗ sánh duyên cùng cô Mỗ. Trong khi hai họ sum vầy dự tiệc, tôi là người tài thô trí thiển lẽ thì phải lẳng lặng để nghe người trí thức giải bày “tâm lý” để cho tôi là kẻ thiếu học được dịp học thêm, nhưng tôi xin mạn phép đọc bài văn chúc nầy. Sách có câu chữ rằng: Châu Trần nhứt thôn vi kết hảo, Tấn Tần lưỡng quốc dĩ thành hôn… Tôi rất đáng khen bạn tôi biết vâng lời giáo huấn, chẳng học thói Sở khanh, đợi đến tuổi trưởng thành cho cha mẹ định đôi mới gọi rằng lưỡng toàn trung hiếu. Tôi thầm khen cô Mỗ biết giữ câu tiết trinh liêm sỉ và biết giữ danh giá cho cha mẹ, chẳng học thói chơi hoa nhà ta nhơ tiết… Thưa quí ông, quí bà, cô bác, các bạn thanh niên, mấy chị phụ nữ, tới đây, tôi xin “gát bút” và ngưng lời…”

Tới phần giải trí của buổi lễ một cụ già mặc áo “bành tô” xin trình bày bài “Vè thời sự” mới sáng tác.

Thí dụ như:

Ất Hợi niên (1934) chánh ngoạt
Chợ Phước Long đại ách rõ ràng
Người tha phương đem đến tai nàn
Ngày 29, cuối tháng giêng năm đó
Tám giờ rưỡi, chợ đương đông đen đỏ
Chiếc xáng Năn (Nantes) múc tới ngang chành
Chết máy rồi, thấy thợ soạn sành
Xúm nhau lại sửa sang máy móc
Ông Tây (coi) máy chăm nom săn sóc
Chỉ đầu kia đầu nọ lăng xăng
Nồi “xốt de” thiếu nước không bằng
Cặp rằng (coi) lửa bẩm ông: Nước ít!
Rủi bữa đó ghe nước về không kịp
Còn ông Tây nóng việc không phòng
Biểu chụm càn, chạy đỡ cũng xong…
Rồi lát nữa ghe nước về sẽ lấy
Rủi nhiều việc, đồng hồ kẹt máy
Củi chụm hoài không thấy đúng giờ
… … …
Nghe cái rầm như đất lở trời nghiêng
Người trong chợ thiếu điều té ngửa…

…Nghe hết rền, thiên hạ đến coi
Thương hại thay mười mấy mạng người
Ông phó xáng văng xuống kinh gần chết
Nhờ thầy Kiệt mau chơn lội vớt
Chớ phải không hồn lặn âm cung
Vớt lên bờ mình mẩy lấm bùn
Đứng run rẩy tiếng tây quên nói.
… … …
Chừng xáng nổ người bay trên mười thước
Ba người đó, có hai người dài phước
Bay lên rồi bay rớt xuống sông
Còn một người bay bổng trên không
Cũng may quá rớt nhằm bùn nước

…Ngồi ngẫm nghĩ tình đời thêm mệt
Câu nhân tình ấm lạnh điếc tai
Nghe người đồn lộn xộn vắn dài
Kẻ nói nọ, người nói kia mà đặt để
Đầu trật trúng xin quí ông miễn lễ
Tôi bận việc nhà không quan sát được rõ ràng…”

Tiếng vỗ tay vang rân khi dàn cổ nhạc bắt đầu lên dây. Buổi đờn ca kéo dài đến quá nửa khuya. Nhiều người vẫn chưa về, ngồi lì mãi tại chiếu, thách đố uống rượu, thưởng tài lẫn nhau qua câu vọng cổ Bạc Liêu, hát mãi mà không thỏa mãn!



Vì bản Vọng Cổ Bạc Liêu như bức chân dung không bao giờ vẽ xong. Nó giống như tranh tố nữ chỉ có đôi mắt u buồn là rõ rệt ; mái tóc, làn môi, nếp áo thì để chìm trong sương khói, mặc ai muốn thêm bớt tô điểm thế nào cũng được. Ngay cái tên của nó cũng đáng bàn cãi. Vào năm 1923, ông Cao Văn Lầu khởi tác bản Hoài Lang bằng chữ hò của điệu Lưu Thủy Trường, lời ca không ngoài ý tứ của điển tích Tô Huệ trông chồng. Bản Hoài Lang lần lần đổi tên, thêm nhịp để nuôi nấng những tình cảm phức tạp hơn. Điệu hò đối đáp đã tìm được ở bản Hoài Lang một hình thức tương đối sang trọng mà nương náu. Người ca không cần bới óc tìm điển tích, cách ngôn hoặc luyện tài để bẻ, để môi như trước. Bài và bản Vọng Cổ là điệu hò bào chế sẵn – như món đồ hộp – tập trung và phát triển những sầu muộn mà họ muốn giải bày mãi mãi.

Bản Vọng Cổ Hoài Lang đứng vững trong lòng dân tộc nhờ căn bản quê mùa của nó, căn bản của tiếng hát câu hò. Ở đây ta hiểu “quê mùa” theo nghĩa: tánh chất nông thôn, miền lục tỉnh. Quê mùa là một sắc thái văn hóa, một nhu cầu tình cảm tất yếu của người ở thôn quê và cũng là của người ở thành thị (provincialisme). Nó sống, không ngưng động quá lâu ở sắc thái cố định nào cả.

Nhưng văn minh kỹ thuật lan tràn thêm sau đệ nhị thế chiến. Chân trời hiểu biết của giới bình dân không còn bị hạn chế ở Minh Tâm Bửu Giám, truyện Tam quốc, Tần Đường nữa đâu! Thiết tưởng ngày nay người yêu ca dao chớ nên phí thì giờ và tâm trí để du lịch về đồng quê vì mùa gặt hái của hò truyện, hò văn… đã mãn, chỉ còn lại cảnh “tót rả rơm khô”. Thà cứ ở đô thành ngồi nghe những buổi truyền thanh Vọng Cổ qua làn sóng điện, hoặc dừng bước lãng du, ghé rạp xem tuồng cải lương vào những lớp “áo não, lâm ly, gay cấn” để thông cảm với cô đào chánh đang cau mày cố gắng vô Vọng Cổ cho thật ngọt thật mùi trong lúc ánh đèn đổi màu! Tiếng vỗ tay của thính giả rộ lên để chào đón một thế giới tình cảm quen thuộc nhưng chưa nhàm, một thiên đàng đã mất nhưng đang sống lại trong ảo giác! Bình tĩnh mà xét, ta thấy người đẹp đứng “chết bộ” khi ca sáu câu Vọng Cổ quá dài, hai tay nàng chỉ biết xòe ra, nắm lại, quơ lên, quơ xuống như cố gắng tìm cho được một cây chèo, một cây nọc cấy, một cái dàn xay lúc hò hát xa xưa là bám cho đỡ ngượng ngập. Tuy mái tóc đã uốn theo kiểu Brigitte Bardot, nàng vẫn là cô đào thuở trước sùng bái ông tổ hát bội, tôn trọng những điều cấm kỵ thần bí (không đem trái thị vào hậu trường, không đi guốc vông, thổi ống tiêu…) Y phục ánh sáng chỉ là hình thức phù du nay vầy mai khác, duy có đôi mắt chung thủy của nàng đang hướng về khán giả như để dò hỏi trong tương lai: đôi mắt đẹp như những vì sao lấp lánh trong vòm trời nghệ thuật, từ xưa cho đến tận bao giờ?