Sơn Nam
Ðâu hồi 7, 8 tuổi, tôi là một cậu bé ở vùng rừng U Minh lần đầu tiên được biết đến ông Phan Thanh Giản nhờ học trong sách Quốc Văn giáo khoa thư, dạy ở trường nhà nước. May thay, bây giờ lại tìm được bài tập đọc ấy ở Sài Gòn, do Nhà xuất bản Trẻ tái bản. Xin trích lại:
“Ông Phan Thanh Giản làm Kinh lược sứ ba tỉnh phía Tây trong Nam Việt. Khi chính phủ Pháp đánh lấy ba tỉnh ấy, ông biết rằng chống với nước Pháp không được, mới truyền đem thành trì ra nộp. Nhưng ông muốn tỏ lòng trung với vua và tự trị tội mình không giữ nổi tỉnh thành cho nước, bèn uống thuốc độc tự tử. Chính phủ Pháp thấy ông chết như thế lấy làm cảm phục lắm nên mới làm mả cho ông rất trọng thể, cho một chiếc tàu đem linh cữu ông về quê, lúc chôn có lính Tây làm lễ chào cờ”.
Việc biên soạn vào buổi xa xưa ấy được giao cho ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và ông Đỗ Thận.
Lớn lên, được phân công về Sài Gòn công tác, lần đầu tiên tôi mới có dịp đến chơi vùng chợ Vĩnh Long, viếng miếu Văn Thánh. Một giáo viên lớn tuổi hướng dẫn tôi đi và nói như trút hết nỗi lòng: Hồi xưa, lúc còn nhỏ, tôi được dạy cẩn thận, khi đi ngang qua miếu Văn Thánh, học trò phải giở nón, cúi đầu để chào ông Phan. Bây giờ không còn nữa. Chào ông Phan (Thanh Giản) là lời thề rửa hận cho ông, chớ không phải là bắt chước ông. Tôi lại vào bên hông miếu Văn Thánh để cúi đầu trước bức ảnh cụ Phan, chớ nào ai vào chánh điện để chào ông Khổng, ông Tăng Sâm, Tử Lộ... Rất tiếc là Phạm Quỳnh trong bài Một tháng ở Nam kỳ đã ghé miếu Văn Thánh, chê bức tranh Khổng Tử, cho rằng ở Vĩnh Long chẳng ai biết cúng tế ông Khổng. Về Khuê Văn các thờ Phan Thanh Giản, Phạm Quỳnh chỉ nói sơ sài.
Lễ an vị tượng cụ Phan Thanh Giản tại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long (tháng 8 năm 2008).
Nhưng vào khoảng 1906-1907, đã xảy ra cuộc bút chiến lớn giữa Trần Chánh Chiếu, người hăng hái cổ động cho phong trào Minh Tân (gọi Minh Tân, tránh kỵ hủy tên vua Duy Tân) và Trần Bá Thọ (con của Tổng đốc Trần Bá Lộc). Trần Bá Thọ cho rằng ông Trần Chánh Chiếu đã theo đạo Thiên Chúa mà lại chủ trì việc đề cao Phan Thanh Giản là “nghịch đạo”, vì đạo Thiên Chúa cấm cúng tế người quá cố với con heo quay và đám lễ sinh “cúc, cung, bái” là theo đạo Nho. Trần Chánh Chiếu trả lời trên báo Nông Cổ Mín Đàm rằng xưa kia, khi cố đạo Bá Đa Lộc mất, đám tang của cố đạo được cử hành trọng thể, cũng có “cúc, cung, bái”, heo quay kèm theo phần nghi lễ của đạo Thiên Chúa, tại sao bên đạo lại đồng ý? Ông Trần Chánh Chiếu cho rằng tuy bản thân mình theo đạo Thiên Chúa nhưng ông vẫn cử hành tế lễ Phan Thanh Giản, đưa về thờ ở Vĩnh Long vì ông khâm phục cụ Phan, người đã “vì dân nuốt độc” (chữ nghĩa thời ấy gọi việc uống thuốc độc tự tử).
Tôi đã được xem tranh của họa sĩ vô danh nào đó vẽ địa cảnh Phan Thanh Giản ngồi trên ghế, với ly thuốc độc, mặt mày ung dung, trước mặt ông là hơn chục người, có lẽ là con cháu, đang quỳ lạy. Phải chăng con cháu ông đã chầu chực, khóc lóc, không một ai dám lên tiếng nài nỉ, cản ngăn việc ông uống độc dược để “thung dung tựu nghĩa”. Tôi có đọc một tư liệu ghi rằng buổi ấy, thoạt tiên ông nhịn ăn, uống nước. Nhưng không chết, ông bèn nhịn ăn và nhịn uống, vài ngày sau không chết nên đành dùng biện pháp chót là uống á phiện với dấm thanh.
Người có công nghiên cứu về Phan Thanh Giản là Lê Thọ Xuân, đăng báo Đồng Nai đầu từ năm 1931–..., với những chi tiết thú vị. Tuy làm quan to nhưng ông tự xem mình như người dân thường ở nông thôn, đối xử như người bình dân, không bao giờ phô trương quyền lực.
Xin đề nghị: Trong chương trình sử học cho học sinh, nên có một bài nói về ông, đủ tình đủ lý, gọi là tình huống đặc biệt của vùng Nam bộ khi phải hội nhập với vùng Đông Nam Á và Tây phương quá sớm so với các vùng khác trong cả nước. Ông để lại cho đời sau chút gì khó quên, khó xóa nhòa, gọi là tâm linh, phóng khoáng, thơ mộng.