T.N.V.
Có lẽ dấu vết cuối cùng thấy được là ga Chợ Đũi, ga xe điện Saì Gòn-Chợ Lớn có từ cuối thế kỷ 19, trên tường phía sau trường Thalmann trên đường Phạm Ngũ Lão. Nhưng gần đây, hai chữ Chợ Đũi nổi trên tường đã rớt mất chỉ còn cái vết hằn. Nếu thành phố không nhanh chóng “bảo tồn” thì chỉ ít lâu nữa dấu vết Chợ Đũi sẽ hoàn toàn biến mất.
Vì thành phố đang “mất” nhiều dấu tích cổ xưa trong quá trình phát triển nên tôi viết bài nầy để bạn đọc biết mà “thương nhớ”.
Người Sài Gòn đều biết, cuối thế kỷ 20 trước khi bị đập bỏ, Chợ Đũi nằm ở ngã tư Lê Văn Duyệt (Cách mạng tháng Tám)- Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần), đối góc với rạp hát Nam Quang. Đây là ngôi chợ có mặt lâu đời của thành phố chúng ta.
Có đúng là Chợ Đũi xưa từng nằm đây không?
Sài Gòn xưa có một vùng đất mang tên là Chợ Đũi kéo dài từ Phạm Ngũ Lão cho đến giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai và có lẽ chiều ngang từ Cách mạng tháng Tám đến giáp nhà bảo sanh Từ Dũ trên đường Cống Quỳnh. Trong khu vực ấy có một họ đạo mang tên “họ đạo Chợ Đũi thành lập năm 1859” với ngôi nhà thờ mà nhiều người quen tên là Huyện Sĩ (vì đất và tiền xây cất đều do Huyện Sĩ hiến, xây nhà thờ tốn hết “30 muôn” (300 ngàn đồng Đông Dương, khoảng 1,5 triệu franc) từ năm 1902 đến 1905 mới xong). Và có một nhà ga xe điện tuyến Sài Gòn-Chợ Lớn vào cuối thế kỷ 19 mang tên “ga Chợ Đũi” nay còn dấu tích trên bức tường sau trường trung học Cô Giang (trường Thalemann). Tất nhiên còn có một cái chợ tên là Chợ Đũi.
Nhân đây, xin kể qua về ông Huyện Sĩ, người giàu nhứt Nam Kỳ cuối thế kỷ 19, vì qua đầu thế kỷ 20 ông đã mất, 1900. Ông tên là Lê Phát Đạt (tên tục là Sĩ) sanh năm 1841 tại Cầu Kho, Sài Gòn nhưng quê gốc ở Tân An, Long An. Do sanh trong gia đình đạo công giáo gốc nên thuở nhỏ ông được đưa đi học ở Penang (Malaysia), cùng trường với Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, và trở về nước sau năm 1859 làm thông ngôn cho Pháp và đến năm 1881 ông mới được người Pháp phong là “huyện hàm” (có chức nhưng không có quyền và không có lương), từ đó được người đời gọi là “Huyện Sĩ”. Thuở ban đầu, để có kinh phí nuôi bộ máy điều hành chánh quyền, thực dân tịch thu đất đai của dân chúng tản cư đi xa thành phố vì chiến tranh, đất hoang hóa rồi bán rẽ cho những người có tiền hoặc cấp cho người làm việc trong bộ máy. Ví dụ, Tổng đốc Phương đã xin và được cấp 2.200 mẫu ruộng ở Sóc Trăng, là người giàu thứ hai ở Nam Kỳ, có khá nhiều đất đai tại Sài Gòn phần lớn nằm ở quận 3 và 10 hiện nay. Khu Vườn Chuối, Bàn Cờ, Vườn Bà Lớn (khu vực từ ngã sáu Công trường Dân Chủ đến Lê Hồng Phong, từ 3 tháng 2 đến Nguyễn Đình Chiểu) đều là đất của Phương. Huyện Sĩ là một trong những người được cấp và mua nhiều đất ở Sài Gòn và Long An. Nghe nói thời ấy, nhiều người có tiền không chịu bỏ tiền ra mua dù giá rẽ hơn bèo vì không biết mua để làm gì nhưng bị chánh quyền ép mua và cho trả góp. Không rõ Huyện Sĩ mua đất kiểu nào nhưng ông có đến hàng ngàn mẫu đất ở hai địa phương nầy và đến cuối thế kỷ 19 ông được tôn là người giàu nhứt Đông Dương, giàu hơn cả vua nhà Nguyễn. Cao điểm Pháp bán đất ở Nam Kỳ là năm 1881. Giàu có như vậy nên Huyện Sĩ không chỉ hiến đất và tiền xây dựng nhà thờ Huyện Sĩ (nhà thờ Chợ Đũi) mà còn hiến đất và tiền xây dựng nhà thờ Chí Hòa (Tân Bình), nhà thờ Hạnh Thông Tây (Gò vấp). Ông có năm người con là Lê Phát An, Lê Thị Bính, Lê Phát Thanh, Lê Phát Vĩnh và Lê Phát Tân. Các con ông sau nầy đều là những người kinh doanh giàu có của Sài Gòn. Con gái ông, bà Lê Thị Bính, lấy ông Nguyễn Hữu Hào, một đại điền chủ ở Gò Công, và có cô con gái sau nầy cũng nổi tiếng không kém ông ngoại là bà Nguyễn Hữu Thị Lan, người sau nầy lấy vua Bảo Đại được phong là Nam Phương Hoàng Hậu, và là bà hoàng hậu duy nhứt của nhà Nguyễn. Căn nhà ông Nguyễn Hữu Hào cất cho con gái ở Sài Gòn hiện nay vẫn còn nguyên vẹn, rất đẹp hiện là “lãnh sự quán Hàn Quốc” nằm trên đường Nguyễn Du đối diện tòa soạn báo Công An thành phố. Còn căn nhà của ông Hào ở Gò Vấp, có lẽ để nghỉ ngơi khi đi thăm vườn cao su ở làng Tân Sơn Nhứt, nay là UBND quận Gò Vấp. Theo một linh mục chuyên về Giáo luật ở tòa Tổng Giám mục Sài Gòn thì “Huyện Sĩ không phải là người tốt! Theo luật xưa, muốn di chúc có giá trị thì phải chừa 10% gia tài cho hương hỏa. Nhưng người công giáo thì không làm giỗ quảy nên 10% tài sản được hiến cho giáo hội”. Ông Huyện Sĩ và gia đình hiến nhiều đất đai, tài sản cho giáo hội vì lý do ấy, khoảng 700 mẩu đất.
Bản đồ Saigon năm 1896 ghi nhận Chợ Đũi nằm ở góc đường Chasseloup Laubat - Thuận Kiều (Nguyễn Thị Minh Khai-Cách mạng tháng Tám).
Theo ông Lê Trung Hoa thì “Đũi là thứ hàng dệt bằng tơ gốc, hàng thô. Chợ Đũi đầu tiên ra đời đầu thế kỷ 19 tại phường Phạm Ngũ Lão quận 1, nay dời về góc đường Võ Văn Tần-Cách mạng tháng Tám, quận 3” (Lê Trung Hoa- báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 1-11-2006).
Phần đầu giải thích về Đũi thì ông Lê Trung Hoa trả lời trùng khớp với ông Trương Vĩnh Ký khi nói về chợ Đũi nhưng phần viết về sự ra đời của chợ Đũi thì hình như còn cần xem lại!
Chợ Đũi xuất hiện lần đầu tiên trong phần chú thích bài thơ Cổ Gia Định phong cảnh vịnh do Trương Vĩnh Ký cho in năm 1882. Phần chú thích nầy tuy không nói rõ “địa chỉ” của chợ Đũi “dãy thầy bói là dãy nhà bói ở hai bên đường lối chợ Da Còm đi vào Chợ Đũi“ nhưng đã nói đến một ngôi chợ mà nhiều văn bản trước đó chưa đề cập. Tại sao một ngôi chợ “xây dựng từ đầu thế kỷ 19” nằm giữa thành phố Sài Gòn mà không có văn bản nào nói tới, từ Trịnh Hoài Đức cho đến người Pháp? Phải chăng Chợ Đũi là tên “tục” của một ngôi chợ nào đó?
Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu thống nhứt “chợ Da Còm ở trước cửa Nam thành Gia Định” nghĩa là ở trong khu vực Thư viện khoa học tổng hợp và Tòa án thành phố hiện nay. Khu vực nầy thế kỷ 19 chỉ có một con đường chánh nay là đường Lý Tự Trọng-Nguyễn Trải và có thể có vài con đường mòn nhưng như vậy cũng không có lối nào khác “đi vào”, thuật ngữ của ông Ký mà ngày nay người Sài Gòn thường nói “từ Sài Gòn vô Chợ Lớn”. Nên nhớ, từ chợ Da Còm đi theo đường Lý Tự Trọng rồi Nguyễn Trải hiện nay vô Chợ Lớn, còn có một ngôi chợ nữa là một trong những ngôi chợ đầu tiên của Sài Gòn là chợ Điều Khiển hình thành từ năm 1727, chúng tôi sẽ bàn về chợ nầy ở phần dưới. Theo ông Ký thì Chợ Đũi nằm đâu đó không xa chợ Da Còm. Tài liệu của công giáo cho biết “Á Thánh bị xử tử ở pháp trường Da Còm và được gia đình đưa về Chợ Đũi chôn cất“. Nơi chôn cất á thánh Lê Văn Gẫm nằm đối diện Zen Plaza trên đường Nguyễn Trải.
Bản đồ Sài Gòn năm 1883 cho chúng tôi biết vị trí chính xác của Chợ Đũi nằm trên đường Thiên lý phía Tây, đối diện với Chùa Bà và công viên thành phố (công viên Tao Đàn). Theo bản đồ thì Chợ Đũi nằm gần góc đường Cách mạng tháng Tám-Nguyễn Thị Minh Khai phía đối diện vườn Tao Đàn, trong khu vực từ đường Bùi Thị Xuân đến Nguyễn Thị Minh Khai. Đây là ngôi chợ lâu đời của Sài Gòn và có lẽ phải đến thế kỷ 20, khoảng những năm 1930, chợ mới dời về chỗ sau nầy bị đập bỏ.
Có lẽ trừ ông Lê Trung Hoa khẳng định Chợ Đũi “xây dựng đầu thế kỷ 19”, cho đến nay chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu nào nói về lịch sử Chợ Đũi một cách tương đối đầy đủ. Nếu các ngôi chợ như Chợ Quán, Chợ Sỏi (sạn), Cầu Ông Lãnh...được khá nhiều tài liệu đề cập tới thì Chợ Đũi gần như không thấy! Một ngôi chợ tên tuổi như vậy và tồn tại đến cuối thế kỷ 20, tại sao lại mất hút trong lịch sử trong khi nhiều ngôi chợ như chợ Hàng Đinh, chợ Da Còm đã biến mất từ lâu lại được đề cập.
Nếu chúng ta còn nhớ, trong lịch sử phát triển Sài Gòn có một ngôi chợ đầu tiên thường được nhắc đến, đó là chợ Điều Khiển. Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí đã viết “Chợ
Điều Khiển cách phía nam trấn 2 dặm rưỡi, khi xưa họp tại trước nha Điều Khiển, nên nhân đó lấy làm tên chợ...Nay nha trị đã dời đổi mà tên chợ còn y như cũ, chợ nầy phố xá trù mật“ (Trịnh Hoài Đức-Gia Định thành thông chí, Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn Hóa Sài Gòn xuất bản 1973). Phía nam trấn tức phía chợ Da Còm đi về hướng Chợ Lớn ngày nay. Nhiều nhà nghiên cứu xác định rằng “chợ Điều Khiển nằm ở khu vực đường Nam Quốc Cang-Nguyễn Trải hiện nay”. Có lẽ là tính khoảng cách “hai dặm rưỡi” của ông Trịnh Hoài Đức. Theo chúng tôi, cách tính ấy chưa hẳn chính xác. Bởi khi ông Đức viết “Phù Lâu Viên nằm cách trấn 52 dặm rưỡi” nhưng thực tế từ trung tâm thành phố hiện nay đến trung tâm của vườn trầu chỉ có 15 Km và đến chợ Hốc Môn là 25 Km. Như vậy, khoảng cách mà ông Trịnh Hoài Đức ghi nhận chỉ là “ước khoảng” không chính xác hoàn toàn và một dặm ngày xưa có thể chỉ dài từ 300 đến 500m. Với khoảng cách “hai dặm rưỡi” tính từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa thì xa nhứt là tới ngã sáu Phù Đổng. Như vậy, chợ Điều Khiển nằm đâu đó ở ngã sáu Phù Đổng và dinh Điều Khiển xưa cũng quanh quất đâu đó.
Xưa, chợ ở Nam Kỳ thường hình thành ở khu vực đông dân cư và nằm ven sông hoặc lộ chính. Ngã sáu Phù Đổng xưa là ngã tư của đường Trên (Nguyễn Trải và Lý Tự Trọng) và đường Thiên
Lý đi về phía Tây (Cách mạng tháng Tám), nơi dân cư đông đúc, rất có thể chợ Điều Khiển nằm quanh đó. Nếu lưu ý chúng ta sẽ thấy gần đó, đối diện với Zen Plaza là khu mộ của Lái Gẫm (1813-1847), một người theo đạo công giáo và bị chánh quyền nhà Nguyễn sát hại, sau được phong thánh. Theo thư viện Đa Minh thì “Mattheu Lê Văn Gẫm, giáo dân, thương gia, bị xử trảm ngày 11-5-1847 tại chợ Đũi dưới thời vua Thiệu Trị” (tinmung.net). Cũng trong trang nầy lại cho biết, ông Gẫm bị xử trảm tại “pháp trường Da Còm rồi được các em của ông đưa về chôn tại Chợ Đũi”.
Như vậy, địa điểm của chợ Điều Khiển xưa, sau lại trở thành Chợ Đũi, cho thấy tên chợ ở thế kỷ 18 sang thế kỷ 19 đã thay đổi. Cùng trên một khu vực ắt không thể có một lúc đến hai cái chợ, như vậy có thể hiểu rằng, xưa chợ Điều Khiển nằm trước đồn Dinh Điều Khiển, sau khi dinh dời đi thì chợ dần đổi tên, hoặc có thêm cái tên. Việc một ngôi chợ có tới hai tên cũng là chuyện bình thường. Như chợ Phú Lâm xưa chuyên bán gạo còn được dân chúng gọi là chợ Gạo, chợ Sài Gòn nằm trên bờ kinh Lớn (nay là đường Nguyễn Huệ) thường được dân chúng kêu là Chợ Vải...Có thể ngay từ đầu, chợ Điều Khiển đã được dân chúng kêu là Chợ Đũi nhưng do không phải tên chánh thức nên sách vở không chép lại tên do đó trong lịch sử không thấy tên Chợ Đũi. Sau nầy, khi dinh Điều Khiển không còn, chợ lại bị “dời” nên cái tên Chợ Đũi mới trở thành tên chánh thức. Đây là một quá trình cần được các nhà nghiên cứu bổ túc thêm.
Trong quá trình phát triển thành phố, chợ dần lui về phía tây. Bản đồ năm 1883, cho thấy chợ nằm góc Nguyễn Thị Minh Khai-Cách mạng tháng Tám, nghĩa là trong vài chục năm, từ 1847 đến 1883, khu vực nầy có nhiều thay đổi. Có thể do chiến tranh 1859, dân chúng tản cư sau đó trở về thì khu vực chợ đã bị lấn chiếm nên phải họp chợ ở gần đó. Cũng có thể chánh quyền mới buộc chợ phải nằm xa hơn trục lộ quan trọng (đường Trên) nên chợ phải dời. Tất cả đều có thể xảy ra.
Nói chung, theo chúng tôi, Chợ Đũi chính là hậu thân của chợ Điều Khiển xưa. Và Chợ Đũi của thế kỷ 20 nằm cách xa vị trí ban đầu khoảng hai cây số, một khoảng cách không xa lắm. Song quá trình chuyển tiếp như thế nào hẳn cần được nghiên cứu thêm.