Những người bạn văn nghệ





Tạ Quang Khôi dưới nét vẽ của Đằng Giao

Tôi may mắn được tham dự sinh họat văn nghệ, báo chí miền Nam Việt Nam suốt hai mươi năm. Vì thế, tôi biết khá nhiều chuyện về các văn nghệ sĩ lẫn ký giả nổi tiếng trước năm 1975.

Hồi học Chu Văn An, Hà Nội, tôi chỉ làm thơ, chưa viết văn, thỉnh thoảng mới viết một truyện ngắn đăng báo. Vì không bao giờ nhận được nhuận bút nên tôi không tha thiết với việc viết văn. Thơ của tôi ở mức trung bình nên cũng được nhiều báo đăng. Nhờ vậy, tôi bắt đầu quen biết một số các văn nghệ sĩ Hà Nội.

Tôi quen Hoàng Song Liêm trong một kỳ thi Tú tài 1. Liêm tuy còn đang học trung học nhưng đã là chủ bút tờ tuần san Chiếu Bóng và giữ mục giải đáp tâm tình với bút hiệu Người Xứ Mộng.

Vì cả hai chúng tôi cùng làm thơ nên có ý định xuất bản chung một cuốn thơ, tựa là “Nắng Mới”. Thơ đã chọn lựa xong, tiền in cũng đã để dành đủ. Một hôm, để ăn mừng tác phẩm văn chương sắp ra lò, chúng tôi vào một nhà hàng ở gần bờ hồ Hoàn Kiếm, tên là Tùng Linh. Nhà hàng này có một món rất đặc biệt là pâté chaud. Vì món ăn ngon quá, ngày nào chúng tôi cũng tới để ăn mừng cuốn sách sắp ra lò. Vì chúng tôi tin rằng cuốn thơ “Nắng Mới” sẽ gây nên một xúc động lớn trong giới văn học thủ đô Hà Nội, chắc chắn những người yêu văn nghệ phải hâm mộ chúng tôi triệt để, nên chúng tôi càng phải “ăn mừng” nhiều hơn. Rồi đến một hôm, chúng tôi kiểm điểm lại số tiền in thì thấy hao hụt trầm trọng, không còn đủ để đưa nhà in nữa. Thế là ý định in thơ của chúng tôi nguội lạnh, trong khi đó pâté chaud vẫn nóng hổi. Thì ra chỉ vì cái tật tham ăn của chúng tôi mà hội đồng giám khảo giải văn học Nobel lỡ dịp tuyên dương một tác phẩm để đời.

Sau đó, nhờ Liêm tôi quen anh của ông là Hoàng Phụng Tỵ. Ông Tỵ lúc đó đã có thơ xuất bản, cuốn “Hương Thơ Mùa Lọan” được nhiều người ái mộ. Ông là một sĩ quan, bị thương ở mặt vì cánh quạt trục thăng nên mặt có sẹo. Vì thế, ông thường đến thăm tôi vào buổi tối và không chịu vào nhà có đèn sáng, chỉ thích đứng cửa nói chuyện văn chương, thơ phú.

Nguyễn Quốc Trinh cũng là một nhà thơ mà tôi thân. Nhưng chúng tôi chỉ liên lạc với nhau một thời gian ngắn, Trinh bỗng bỏ Hà Nội để trốn ra vùng kháng chiến vì muốn được gần ông chú là thi sĩ Nguyễn Ðình Thi.

Vào thời đó, có hai người cũng làm thơ đều tên Ngư mà tôi quen là Ðặng Bá Ngư và Lê Nguyên Ngư. Ðặng Bá Ngư có bút hiệu là Song Nhất Nữ. Lê Nguyên Ngư, khi di cư vào Nam, đổi thành Hồ Nam và Vương Tân (khi làm thơ). Song Nhất Nữ khá nổi tiếng vì thơ của ông ngày nào cũng xuất hiện trên nhật báo Tia Sáng. Rồi bỗng một hôm, thơ Song Nhất Nữ biến mất. Hỏi ra mới biết ông xuống Hải Phòng lo làm ăn nuôi gia đình. Bút hiệu của ông làm nhiều người thắc mắc. Ông là phái nam sao lại ký là Song Nhất Nữ? Một hôm, tôi hỏi ông về bút hiệu này, ông giải thích: “Song Nhất là hai, Nữ là con gái. Vậy Song Nhất Nữ là Cô Hai.” Phải chăng ông yêu một người con gái tên Hai hay người con gái thứ hai trong gia đình nào đó?

Khi di cư vào Nam năm 1954, vì sinh kế, tôi phải viết truyện đăng báo hàng ngày. Có một thời, tôi phải viết ba truyện dài cho ba nhật báo. Chỉ khi bắt đầu học đại học sư phạm tôi mới bỏ bớt hai báo để có thì giờ đèn sách.

Văn, thi sĩ miền Nam rất nhiều, tôi không có hân hạnh quen biết hết. Tôi làm hai nghề một lúc, vừa dạy học vừa viết báo nên không có nhiều thì giờ giao du, chỉ được gặp một số nhỏ.

Sau khi nhật báo Tự Do đóng cửa, tôi được ông Hồ Anh Nguyễn Thanh Hòang mời viết cho nhât báo Ngôn Luận và tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong. Ðồng thời tôi trúng tuyển kỳ thi biên tập viên tin tức của đài phát thanh Saigon. Khi viết cho Văn Nghệ Tiền Phong và Ngôn Luận, tôi được gặp Hoàng Hải Thủy và Thanh Thương Hoàng. Sự liên lạc của chúng tôi đến nay vẫn mật thiết dù đã hơn nửa thế kỷ.

Thanh Thương Hoàng ở xa, San José (CA), nên chúng tôi chỉ có thể liên lạc với nhau qua email. Dù ít gặp nhau, nhưng mỗi lần nghĩ đến ông, tôi lại không thể quên cái công của ông với làng báo Saigon khi ông lập ra Làng Báo Chí gần Thủ Đức. Làng báo chí nằm bên tay trái xa lộ Biên Hòa nếu đi từ Saigon. Có nhiều ký giả, nhà văn đã được cấp nhà, chấm dứt tình trạng đi ở thuê. Sau này, gặp ông ở hải ngoại, ông cho biết đa số người được cấp nhà trong làng báo chí không chịu trả tiền nên khi miền Nam “đứt phim” ông còn nợ Nha Kiến Thiết 350 triệu.

Làm đài phát thanh Saigon, tôi quen thân với ban Tao Ðàn của thi sĩ Ðinh Hùng. Ngoài ông trưởng ban đã thân từ những ngày làm báo Tự Do, tôi bắt đầu quen biết các nhân viên trong ban, như: Huy Quang, Thanh Nam, Thái Thủy và Tô Kiều Ngân,

Ngay từ những ngày còn ở Hà Nội, tôi đã đọc truyện của Huy Quang, Vào thời đó, các nhà văn trẻ mới nổi, có Nguyễn Thiệu Giang, Huy Quang, Thanh Nam, Nguyễn Minh Lang... Truyện của Huy Quang đã được nhà xuất bản Văn Hồng Thịnh in và phát hành... Thanh Nam cũng đã có truyện xuất bản. Tôi đọc “Lỡ Mộ Đời Hoa” của ông rất say mê. Đó là một truyện tình lãng mạn, rất bay bướm. Nguyễn Thiệu Giang viết nhiều truyện ngắn hấp dẫn.vì cách hành văn rất lạ và bay bướm. Nguyễn Minh Lang có tác phẩm “Hoàng Tử Của Lòng Em” để tặng riêng một nữ ca sĩ xinh đẹp đang nổi tiếng ở Hà Nội. Ngay trang đầu của cuốn sách có hình một trái tim màu đỏ tươi và một dấu hỏi cũng màu đỏ. Có người giải thích trái tim và dấu chấm hỏi là tên nữ ca sĩ mà tác giả đang yêu: Tâm Vấn.

Vào Nam, khi làm cho đài phát thanh Saigon, tôi được biết trụ sở của đài phát thanh Saigon cũng là trụ sở tạm của đài phát thanh quân đội. Văn phòng của đài phát thanh quân đội chỉ là một phòng nhỏ ngay chân cầu thang. Một hôm, tôi thấy một trung úy đang ngồi viết bài trong phòng đó. Tình cờ nhà văn Thanh Nam cũng đang lên lầu với tôi nên tôi hỏi nhỏ ông về viên trung úy đang hí hoáy viết. Thanh Nam cho biết đó là Huy Quang. Thì ra chính là nhà văn mà tôi hâm mộ từ ngày còn ở Hà Nội. Bỗng Thanh Nam nắm tay tôi kéo xuống thang, dắt tôi đến trước mặt Huy Quang để giới thiệu. Tình bạn giữa Huy Quang và tôi thân thiết nhanh chóng vì hợp tính hợp tình.

Khi Huy Quang là trung tá, được thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ bổ nhiệm làm tổng giám đốc Nha Vô Tuyến Truyền Thanh Việt Nam. Ông gửi văn thư sang bộ Giáo dục xin tôi về làm phó tổng giám đốc. Bộ Giáo Dục liền chuyển tôi sang bộ Thông Tin. Vì không hiểu thủ tục hành chánh, tôi lên bộ Giáo dục để hỏi ông giám đốc nha Nhân viên sao không chuyển thẳng về đài phát thanh lại cho tôi sang bộ Thông Tin. Ông giám đốc giải thích rằng bộ nọ liên lạc với bộ kia, không thể liên lạc trực tiếp với tổng nha được. Tôi băn khoăn hỏi thêm về thủ tục hành chánh, ông giám đốc cho biết khi tôi đã trình diện bộ Thông Tin, tôi sẽ là người của bộ này. Nếu ông Vũ Đức Vinh không còn làm tổng giám đốc Nha Vô Tuyến Truyền Thanh nữa, tôi sẽ phải về bộ Thông Tin vì tôi là người của bộ này. Lúc đó rất phiền cho tôi vì tôi là công chức ngạch A, trong khi đó đa số nhân viên bộ Thông Tin thuộc ngạch B hoặc phù động. Nếu tôi không có vây cánh, người ta có thể bổ nhiệm tôi vào một chức vụ nào đó xa Saigon, tôi không có quyền từ chối. Nghe giải thích như vậy, tôi hoảng sợ, không dám trình diện bộ Thông Tin nữa. Tôi đành phụ long tốt của ông Vinh.

Sau này, khi đã ở Mỹ, cuối năm 2004, tôi bay sang Seattle (WA) thăm ông Vũ Đức Vinh và một số bạn định cư ở đó. Ông Vinh lại trách tôi đã không chịu làm phó cho ông vì ông tin rằng nếu ông trở về quân đội, tôi sẽ lên thay. Tôi không tin như vậy vì tôi không có vây cánh ở bộ Thông Tin. Trong dịp thăm viếng này, tôi thấy ông Vinh mập quá nên khuyên ông phải cố gắng ăn “diet” và tập thể dục cho xuống cân. Ông chỉ cười tỏ vẻ không đồng ý. Vào cuối năm 2005, tôi nghe tin ông phải làm “by-pass” và trong khi cuộc giải phẫu đang tiến hành thì ông bị nhồi máu cơ tim nên đã qua đời.

Người thứ hai trong ban Tao Đàn tôi thân và quý mến là Thanh Nam. Ông tên thật là Trần Đại Việt, người Thái Bình. Ông hiền lành, dễ tính. Ông nghiện thuốc lá và bia.Tật của ông là hay rung đùi. Vào những năm cuối thập niên 1950, bọn tôi thường đến bar Hòa Bình, gần chợ Bến Thành, để nghe hát. Thanh Nam yêu một nữ ca sĩ và cũng được nàng yêu lại. Ông hỏi cưới người yêu, nhưng không được toại nguyện. Sau đó, ông kết duyên với nữ văn sĩ Túy Hồng, người Huế. Túy Hồng cũng là một nhà giáo, dạy ở trường trung học Mạc Đĩnh Chi, Saigon. Trước biến cố 30 tháng 4 năm 1975, gia đình Thanh Nam được Mỹ bốc ra khỏi Việt Nam vì ông làm cho đài phát thanh Tự Do của Mỹ, mà ông Vũ Quang Ninh làm giám đốc.

Năm 1982, gia đình tôi vượt biên, rồi được đinh cư ở Mỹ. Vào giữa năm 1984, khi tôi ở Sacramento (CA) thì liên lạc được với Thanh Nam ở Seattle (WA). Lúc đó ông đã bị ung thư cổ và đã giải phẫu cắt chỗ bị ung thư nên không còn nói được nữa. Khi biết địa chỉ tôi, ông gửi tặng tôi cuốn thơ “Đất Khách” với lời khuyến khích: “Cầm bút lại đi nhé !”

“Đất Khách” có hai mươi mốt (21) bài, bài nào cũng hay và cảm động khi nhắc tới quê hương xa xôi nửa vòng trái đất. Riêng tôi, tôi thích nhất bài “Khúc Ngâm Trên Đất Tạm Dung”.

Uống say mai sớm bạn lên đường
Thân lại nương nhờ chốn viễn phương
Trăm hận nghìn đau nào sánh nổi
Tấm lòng lưu lạc nhớ quê hương?
Ta như going bão tan rồi hợp
Trôi dạt còn hơn song đại dương
“Lận đận bên trời chung một lứa…”
Say càng chua xót, tỉnh càng thương
Tháng năm xa mãi thời hoa mộng
Râu tóc thêm gần với tuyết sương.
...

Đầu tháng 2 năm 1985, Huy Quang Vũ Đức Vinh gọi dây nói báo tin Thanh Nam đã ra đi.

Người bạn Tao Đàn khác mà tôi thân là thi sĩ Thái Thủy, tác giả bài thơ “Thư gửi Mẹ” được nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ nhạc: Mẹ ơi, thôi đừng khóc nữa Cho long già nặng sầu thương. Con đi say tình viễn xứ, Đâu có quên tình cố hương…

Tôi không hiểu Thái Thủy làm đài phát thanh từ bao giờ mà rất thông thạo về ngành vô tuyến truyền thanh. Chuyện gì ông cũng biết, mà biết rất tường tận. Có người gọi đùa ông là Kissinger.

Thái Thủy lấy vợ rất muộn. Người vợ đầu tiên của Thái Thủy là con gái nhỏ của nhà văn Mặc Thu Lưu Đức Sinh. Tôi không rõ ai đã làm mai hay làm sao hai người quen biết nhau để có thể trở thanh vợ chồng. Trong đám cưới, ngâm sĩ Hoàng Thư của ban Tao Đàn lên máy vi âm nói đùa là từ nay Thái Thủy phải gọi ông là bác vì ông cùng tuổi và là bạn của nhà văn Mặc Thu.

Khi cộng sản chiếm miền Nam, Thái Thủy phải đi tù cải tạo, bà vợ lấy chồng khác. Ít lâu sau, ông được đi Mỹ theo diện HO cùng với bà vợ mới. Khi ông bị ung thư phổi vào giai đoạn cuối cùng đã vội vã bay về Việt Nam để thăm mẹ. Cụ là một sĩ quan trong ngành Quân Nhu của Việt cộng. Ông qua đời vào tháng 4 năm 2011.

Tô Kiều Ngân cũng là một nhân viên ban Tao Đàn, nhưng tôi không thân nên không biết gì nhiều về ông. Tôi thường gặp ông trong quán ăn trước cửa đài phát thanh Saigon. Ông nói giọng Huế, mặc quân phục, đeo lon trung úy. Khi nói chuyện, ông hay cười với bạn bè. Năm 2012 ông qua dời ở Huế, thọ 86 tuổi.

Về nhà văn Văn Quang, tôi cũng có chút kỷ niệm. Khi tôi đang làm đài phát thanh Saigon, ông cưới bà vợ đầu tiên. Tiệc cưới tổ chức ở nhà hang Động Phát, Chợ Cũ. Khi tôi vào nhà hang, một nhân viên đài phát thanh Saigon kéo tôi ngồi cùng bàn ngay. Nhưng tôi chỉ mới ngồi được vài phút, Văn Quang từ trên lầu xuống, ghé tai tôi nói nhỏ: “Tao ở trên lầu, sao mày lại ngồi đây?” Lúc đó tôi mới biết một nhân viên đài phát thanh cũng cưới vợ, nhưng không mời tôi. Người nhân viên quen thuộc tưởng tôi cũng đến dự đám cưới của bạn ấy nên mới muốn tôi ngồi cạnh. Thế là tôi vội vàng theo Văn Quang lên lầu. Sở dĩ tôi nói Văn Quang cưới bà “vợ đầu tiên” là vì ông đã ở chung với bảy bà khác nhau. Nếu tôi không lầm, Văn Quang chỉ làm hôn thú với bà thứ nhất. Sau khi ly dị với bà này, ông không làm hôn thú với ai khác nữa.

Tôi gặp Hoàng Hải Thủy và bắt đầu quen ông năm 1956. Khi báo Tự Do đóng cửa, tôi được ông Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng mời viết báo Ngôn Luận, rồi Văn Nghệ Tiền Phong với truyện dài “Mưa Gió Miền Nam”. Hoàng Hải Thủy viết cho Ngôn Luận phóng sự “Vũ Nữ Saigon”. Tôi không còn nhớ tôi viết cho Ngôn Luận những truyện gì, chỉ nhớ truyện cuối cùng là “Thầm Lạng”, một truyện tình cảm rất ướt át. Sau đó, tôi tạm ngưng viết truyện dài cho các báo để học sư phạm.

Về chuyện đi Mỹ của ông bà Hoàng Hải Thủy, tôi được biết ông bà sang Mỹ theo diện tỵ nạn chính trị. Khi biết tin ông bà đã tới Mỹ và tạm trú tại nhà bà Khúc Minh Thơ, cũng ở Virginia, tôi liền tới thăm và đưa ông đi chơi một vòng quanh thủ đô Washington DC. Chỉ ít lâu sau ông được chuyển vào nhà già khi building Elmwood vừa xây xong năm 1996. Từ đó, các bài viết của ông được ghi “Viết ở Rừng Phong”. Tám năm sau, khi con tôi, vì công việc làm, phải chuyển xuống Houston (TX), tôi không đi theo vì không muốn xa vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn có khí hậu ôn hòa, tôi xin vào nhà già. Tình cờ tôi được làm hang xóm của ông Hoàng Hải Thủy trong building Rừng Phong.

Năm 1982, tôi cùng các con vượt biên và được định cư ở Mỹ. Nơi tôi đến đầu tiên là San José. Chúng tôi mới chân ướt chân ráo tạm trú tại nhà vợ chồng cô em nhà tôi thì ông Lê Thiệp đã biết tin, vội đến mời tôi đi ăn. Sau bữa ăn, ông đưa tôi về tòa soạn báo Kháng Chiến của Mặt trận Hoàng Cơ Minh và đề nghị tôi ở luôn trong tòa báo để lo bài vở cho tờ báo. Tôi cho biết tôi có ba con nhỏ đi cùng, phải cho tôi có thời gian thu xếp chuyện gia đình đã. Ngay buổi tối hôm đó, tôi gọi dây nói cho một ông bạn ở Nam Cali. Ông trước kia là đàn em thân tín của bác sĩ Trần Kim Tuyến Ông liền khuyên nên chuyển đi nơi khác vì Mặt Trận là một trò bịp để moi tiền đồng bào tỵ nạn. Thế là tôi vội đưa các con lên Sacramento.

Tôi mới chỉ ở Sacramento được vài tháng, ông Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng bay từ Bắc Virginia sang thu tiền báo của các đại lý. Ông đề nghị tôi chuyển sang Virginia để làm báo Văn Nghệ Tiền Phong. Lúc đó gia đình tôi đang hưởng trợ cấp AFDC của chính phủ. Tính tôi không thích nhờ vả, ăn welfare là một chuyện bất đắc dĩ. Thế là tôi nghe lời ông lếch thếch đưa các con sang Virginia bằng xe buýt Greyhound. Ông Hồ Anh không chịu trả tiền phí tổn di chuyển cho tôi, viện cớ tôi có ba con nhỏ đi theo. Làm việc cho ông Hồ Anh là một bất đắc dĩ. Lương đã thấp lại không có bảo hiểm sức khỏe. Không những thế, khi tôi mới làm được ba tháng rưỡi, ông nghe ông Lê Triết đuổi tôi với lý do tôi nằm vùng cho Mặt Trận Hoàng Cơ Minh. Một nách ba con nhỏ nơi xứ lạ quê người lại bị thất nghiệp thì không còn gì đau khổ cho bằng. Tôi đành xin ăn welfare trở lại. Đồng thời, tôi ráo riết tìm việc làm cho sở Mỹ. Nhưng chưa đầy một tháng, ông Hồ Anh đến tận nhà tôi xin lỗi vì đã đuổi oan tôi, nay ông đã biết tôi không có liên lạc gì với Mặt Trận. Vào dịp này, ông Hồ Anh xuất bản tờ “Tiểu Thuyết Nguyệt San”, cho tôi làm chủ bút. Nhưng tờ Tiểu Thuyết Nguyệt San mới ra được 11 số thì tôi được một sở Mỹ gọi đi làm. Tôi liền báo cho ông Hồ Anh biết và nghỉ việc ngay tức khắc. Ông giao tờ Tiểu Thuyết Nguyệt San cho thi sĩ Hoàng Anh Tuấn phụ trách. Nhưng không hiểu sao ông Hoàng Anh Tuấn bỏ ngang, nhường cho ông Hà Bỉnh Trung thay thế. Sau đó, tôi không liên lạc gì với báo chí Việt Nam nữa. Lương sở Mỹ gấp ba lương Văn Nghệ Tiền Phong, lại có bảo hiểm sức khỏe cho cả gia đình.

Tôi làm cho sở Mỹ đến cuối năm 1998 thì xin về hưu. Lúc đó tôi đã gần 70, sợ không còn đủ sức khỏe để làm những chuyện cần thiết cho riêng mình trước khi ra khỏi cõi đời này. Chính nhờ thời gian rảnh rỗi này, tôi đã viết được nhiểu truyện ngắn, truyện dài, khảo cứu văn học và hồi ký. Truyện cuối cùng la truyện “Bể Dâu” tôi viết xong vào tháng 8 năm 2013.

Tôi không nhớ tôi quen nhà văn Doãn Quốc Sỹ trong trường hợp nào, tôi chỉ nhớ hồi còn ở Saigon thỉnh thoảng tôi đến thăm ông. Nhà ông ở trong một ngõ hẻm đường Thành Thái. Mỗi lần đến chơi, tôi đều được bà Sỹ đàn dương cầm cho nghe. Bà là con gái nhà thơ trào phúng Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, trong Tự Lực Văn Đoàn.

Ông Doãn Quốc Sỹ cũng là một nhà giáo. Ông đã có bằng cao học giáo dục ở Mỹ. Ông rất hòa nhã và lúc nào cũng vui vẻ với bạn hữu. Ông hơn tôi 6 tuổi nên tôi coi ông là bậc đàn anh cả về văn nghệ lẫn giáo dục. Nhưng ông lại vẫn coi tôi ngang hang như bạn.

Khi cộng sản chiếm miền Nam, ông phải đi tù cải tạo, rồi sau này gia đình ông được sang Mỹ theo diện HO. Ở Mỹ, tôi chỉ được gặp ông có một lần khi hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại họp đại hội ở Virginia. Sau đó, tôi không bao giờ được gặp ông nữa. Cách đây mấy năm, tôi nghe tin bà Sỹ qua đời.

Trong thời gian làm cho Văn Nghệ Tiền Phong, tôi được gặp và quen biết nhà văn Sơn Tùng. Lúc đó, ông ở tiểu bang khác, chỉ gửi bài cho cả Văn NghệTiền Phong lẫn Tiểu Thuyết Nguyệt San. Lối viết của ông đặc biệt, dí dỏm. Ông Hồ Anh rất thích văn của ông nên mời ông về Virginia làm chủ bút cho Văn Nghệ Tiền Phong. Tòa báo chịu mọi phí tổn di chuyển và tạm thời cho ông Sơn Tùng ở trong ngôi nhà mới mua của ông Nguyễn Thanh Hoàng tại McLean. Tình bạn của tôi với Sơn Tùng vẫn thân thiết cho đến ngày nay. Ngoài bút hiệu Sơn Tùng, ông còn hai bút hiệu khác nữa là Sương Lam và Thợ Hồ.

Năm 2007, ông Sơn Tùng, lúc đó là chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải ngoại, cho biết Đại Hội Văn Bút sẽ họp váo tháng 10 ở Bắc Virginia và có ý định tuyên dương ba người trong vùng thủ đô Mỳ, đó là: Vũ Hối, Vương Đức Lệ và tôi, Tôi từ chối cái vinh hạnh đó vì tự xét không xứng đáng..Thế là chỉ có hai ông Vũ Hối và Vương Đức Lệ được tuyên dương.

Về nhà văn Phan Nghị, tôi biết ông từ hồi còn ở Hà Nội khi ông viết phóng sự “Bờ Lờ” cho báo Tia Sáng. Tôi hiểu “bờ lờ” là buôn lậu, nhưng có người lại giải thích khác. Bờ lờ là…bổ lẻ. Ở ngoài hậu phương, trong thời gian chống Pháp, khi phải di chuyển xa, nếu có đường thủy thuận tiện, người ta đi thuyền cho đỡ mệt. Về đêm, khách đi thuyền thường phải ngủ chung trong khoang, cả nam lẫn nữ. Rồi chuyện “bất thường” có thể xảy ra. Đến sang, khi lên bờ, mỗi người đi một nẻo, không cần biết nhau nữa. Có phải như vậy là bổ lẻ (bờ lờ) không?

Một hôm, tôi đang đi trên vỉa hè phố Huế,gần chợ Hôm với một người bạn cùng học Chu Văn An, một người đi xe đạp, miệng ngậm điếu thuốc lá, tay áo sơ mi ngắn vén cao lên, trông rất tay chơi, ghé vào vỉa hè để nói chuyện với một người đang đứng đợi. Bạn tôi nói nhỏ với tôi: “Ông Phan Nghị, tác giả Bờ Lờ đấy.”

Tôi không có hân hạnh quen Phan Nghị ngay hồi đó. Mãi về sau này, khi di cư vào Nam, tôi tham gia sinh hoạt văn nghệ mới quen ông. Một hôm, tôi đến tòa báo Ngôn Luận để đưa bài, gặp ông ở đó. Ông là một nhân viên tòa soạn. Trông thấy tôi, ông vừa cười vừa nói: “Mày đen như ống khói ấy.” Tôi tưởng ông chỉ nói đùa cho vui, không ngờ cuối tuần đó, trong mục Tin Văn Nghệ của báo Bông Lúa, ông gọi tôi là Tạ Ống Khói. Thế là tôi có hỗn danh từ đó (1957). Tôi không giận ông vì biết tính ông hay đùa vui, không có ác ý.

Phan Nghị viết phóng sự hay nên được thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ có cảm tình đăc biệt. Có lần ông được ông Kỳ cho ngồi máy bay khu trục đi theo đoàn máy bay ra Bắc vĩ tuyến 17 để oanh tạc đất Bắc. Khi có hội nghị Paris, ông cũng được ông Kỳ cho sang Pháp theo dõi để viết phóng sự cho báo Chính Luận.

Bạn bè ai cũng biết ông có tính “phổi bò”, nghĩa là biết gì nói đó, không cần giữ ý. Ông dặn bạn bè là có gì cần giữ bí mật thì đừng cho ông biết.

Tôi quen thi sĩ Vương Đức Lệ rất tình cờ. Vào cuối thập niên 1990, tôi bắt đầu liên lạc với Văn Quang bằng email. Một hôm, người trả lời thư tôi không phải Văn Quang mà là Vương Đức Lệ. Ông viết: “Anh Khôi ơi, tôi là Vương Đức Lệ đây. Tôi đọc truyện anh từ hồi anh viết cho báo Tự do.” Tôi vừa ngạc nhiên vừa thích thú. Tôi biết tiếng Vương Đức Lệ từ lâu. Ông là một thi sĩ đã được giải thưởng văn chương toàn quốc cùng với thi sĩ Mai Trung Tĩnh. Tình bạn của chúng tôi bắt đầu từ ngày đó. Rôi khi gia đình ông được các bà em Lê Thị Ý, Lê Thị Nhị bảo lãnh sang Mỹ, lại cùng ở Virginia, chúng tôi thân nhau hơn. Thỉnh thoảng các bạn văn nghệ trong vùng họp nhau thì tôi lại được gặp ông. Ông nghiện thuốc lá rất nặng, mỗi ngày hút trên 20 điếu. Có lần tôi đề nghị ông giảm bớt dần, rồi bỏ luôn. Nhưng ông không đồng ý. Rồi chỉ khi ông bị ung thư phổi, phải thở bằng dây oxy thì mới bỏ được thuốc lá, nhưng đã quá trễ. Một hôm, tôi đến thăm, ông nằm trên giường bình tĩnh nói với tôi: “Xong rồi, ông ạ.” Mấy hôm sau, nhà văn Hoàng Hải Thủy gọi dây nói báo tin: “Vương Đức Lệ đi rồi.”

Hồi còn ở Saigon, tôi không có hân hạnh quen nhà văn Uyên Thao. Thỉnh thoảng đến báo Chính Luận, tôi gặp ông, nhưng không ai giới thiệu cho chúng tôi quen nhau. Vì thế, tôi không biết ông làm cho báo nào. Mãi khi ra hải ngoại, tôi mới được quen ông. Hôm gia đình ông đến Mỹ theo diện HO, các bạn ở vùng Falls Church (VA) rủ tôi ra phi trường đón ông..

Uyên Thao là người có nhiều công với giới văn học hải ngoại khi ông sang lập Tủ Sách Tiếng Quê Hương. Khi bị ung thư bao tử, trước khi vào phòng mổ, ông gửi email chào vĩnh biệt các bạn. Nhưng cuộc giải phẫu thành công mỹ mãn.

Cuốn tiểu thuyết dã sử “Trong Ánh Lửa Thù” của ông được nhiều nhà phê bình văn học ca tụng nhiệt liệt.

Tôi không rõ thi sĩ Nguyên Sa và gia đình từ Pháp về Việt Nam bao giờ, một hôm, nhà văn Thanh Nam rủ tôi đến thăm ông. Nhà ông ở trong một hẻm gần chợ Thái Bình. Từ ngày đó tôi mới bắt đầu quen thi sĩ.

Năm 1960, Nguyên Sa xuất bản nguyệt san Hiện Đại, Thái Thủy làm thư ký tòa soạn. Nguyên Sa đề nghị tôi viết bài cho nguyệt san. Hồi đó tôi đang học sư phạm nên không có nhiều thì giờ, thỉnh thoảng mới có thể đóng góp một bài. Tôi không nhớ Hiện Đại ra được bao nhiêu số thì ngưng.

Ngoài việc làm thơ, viết văn, Nguyên Sa còn là một giáo sư Triết của Chu Văn An. Sau này, ông mở một trường tư riêng của ông, tên là Văn Học. Trường sở nằm trên đường Phan Thanh Giản. Gia đình ông ở ngay trong trường. Một hôm, chúng tôi tình cờ gặp nhau ở giữa đường. Ông lái xe Peugeot 403 màu xám nhạt, tôi đi xe Nhật. Thấy tôi, ông vẫy tay gọi. Chúng tôi ngừng lại ở giữa đường. Ông nói nhanh: “Đến moa ngay nhé.” Tôi không biết có chuyện gì, nhưng nhận lời vì đang rảnh. Ông đợi tôi ở ngay cửa trường Văn Học, đưa tôi vào nhà, phía sau trường. Ông đưa cho tôi một tập bản thảo và đề nghị tôi đem về đọc. Trước khi chia tay, ông cho biết cuốn sách này bị sở Kiểm duyệt bộ Thông Tin không cho xuất bản. Về nhà tôi mở bản thảo ra, tựa sách là “Vài Ngày Làm Việc Ở Chung Sự Vụ”. Khi bị động viên vào Thủ Đức, Nguyên Sa ra trường với lon chuẩn úy. Ông được bổ nhiệm vào Chung Sự Vụ, nơi lo việc mai tang các chiến sĩ bị tử trận. Ông đã chứng kiến những chuyện đau lòng của thân nhân những người quá cố. Sở Kiểm duyệt bộ Thông Tin coi cuốn sách có tinh thần phản chiến, nên cấm xuất bản.

Sau này tôi không rõ gia đình Nguyên Sa sang Mỹ bằng cách nào. Ông định cư ở Nam Cali và xuất bản tở tuần san Đời. Vào dịp đó, tôi không rõ vì lý do gì mà ký giả Lê Triết viết bài công kích Nguyên Sa, với lối viết rất độc địa, bới móc cả than phụ thi sĩ. Tôi không được đọc báo Đời nên không biết Nguyên Sa có trả lời không?

Hậu quả lối viết độc địa của Lê Triết là cả hai vợ chồng ông đều bị bắn chết trên xe hơi ở trước cửa nhà. Vụ ám sát này không được làm sang tỏ vì cảnh sát Mỹ không chịu điều tra đến nơi đế chốn nên không biêt ai là thủ phạm. Người ta chỉ phỏng đoán Mặt Trận Hoàng Cơ Minh chủ mưu. Lê Triết đã viết nhiều bài tố cáo Mặt Trận lừa bịp những người yêu nước chống cộng ở hải ngoại để quyên tiền..

Trong thời gian Lê Triết bới móc gia đình Nguyên Sa, tôi đang làm cho Văn Nghệ Tiền Phong nên bị Nguyên Sa ghét lây vì tưởng tôi về phe Lê Triết. Khi nghe tin thi sĩ bắt đầu bị ung thư. Tôi bay xuống Nam Cali để thăm ông, nhưng ông không tiếp vì cho tôi về phe với Lê Triết.. Thật đáng buồn đã không được gặp ông trước khi ông ra khỏi cõi đời này.

Tôi không về phe với Lê Triết vì chính tôi cũng là nạn nhân của ông, như tôi đã đã kể ở trên.

Khi ông Hồ Anh xuất bản tờ Thời Thế thay cho Ngôn Luận mới bị đóng cửa vì không kịp nộp tiền hối lộ (300 ngàn) cho ông tân bộ trưởng Thông Tin mới là tướng Đỗ Mậu, tôi làm phụ tá cho chủ bút là nhà văn Lê Xuyên, tác giả cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng “Chú Tư Cầu”.. Ông Lê Xuyên là người Nam, có một thời hoạt động cách mạng, theo đảng Ðại Việt nên đã từng ra Bắc và lấy vợ Bắc. Ông hiền lành, dễ tính, nói năng từ tôn, khác hẳn các nhân vật trong truyện của ông. Sau năm 1975, khi tôi dã sang Mỹ, nghe tin ông phải bán thuốc lá ở một góc đường Khổng Tử trong Chợ Lớn để tạm sống cho qua ngày. Cách đây khoảng 7 hay 8 năm, bạn hữu ở Saigon báo tin ông đã từ trần.

Về các nhà văn nữ, tôi chỉ quen một số ít. Tôi có bốn bà em kết nghĩa. Mấy bà gọi tôi là Anh Hai. Cô Ba là Trần Thị Lai Hồng, một nghệ sĩ chuyên về tranh trên lụa, nên lấy tên email là Art On Silk. Tôi quen Lai Hồng khi cùng làm đài phát thanh Saigon vào cuối thập niên 1950. Cô Tư không viết văn mà cũng không hoạt động trong ngành nghệ thuật, nhưng có liên hệ mật thiết với nghệ thuật. Cô là em kết nghĩa của nữ danh ca Thái Thanh và ở chung nhà với gia đình Thái Thanh. Khi Lê Quỳnh ghen với Mai Thảo, rút súng bắn vợ. Thanh Sơn liền đứng vào giữa hai người để hừng đạn cho bà chị kết nghĩa. Thanh Sơn không chết, chỉ bị mất một lá phổi nên bị xuyễn nặng. Thanh Sơn đã từ trần, thọ 79 tuổi. Người em kết nghĩa thứ ba là Cô Năm, tức Đặng Mỹ Dung, Yung Krall, tác giả cuốn “Ngàn Giọt Lệ Rơi.” (A Thousand Tears Falling). Em út là Đỗ Dung, tác giả tuyển tập truyện ngắn “Như Một Thoáng Mây Bay”. Có lần Đỗ Dung nói đùa với tôi: “Chỉ mình em là út thôi đấy nhé, không có út thêm hay út hai, út ba gì nữa đấy.” Tôi thân với Đỗ Dung vì khi gia đình Dung vượt biên, tôi gửi thằng con thứ hai đi cùng. Mỗi khi liên lạc qua email, Dung gọi tôi là Anh già và xưng Út.

Trong vùng Virginia có một số nữ văn nghệ sĩ, như: Lê Thị Ý, Lê Thị Nhị, sang lập và chủ trương tờ nguyệt san Kỷ Nguyên Mới, Hồng Thủy, tác giả cuốn “Những Cánh Hoa Dại Màu Vàng”, Ngọc Hạnh với tác phẩm “Du Ngoạn Đó Đây”...Dù thân, tôi cũng ít liên lạc với các bà vì tôi đã lớn tuổi, không còn thích tham dư các buổi họp mặt.

Ngoài ra, tôi cũng còn quen biết một số văn nghệ sĩ khác nữa, nhưng tôi không muốn nhắc tới họ với những lời tiêu cực.

Tạ Quang Khôi
(7-2014)

Nguồn: http://taquangkhoi.blogspot.com/