Thanh Tòng, người dày công Việt hóa cải lương hồ quảng
Ngày 22/09/2016, Nghệ sĩ nhân dân Thanh Tòng từ trần, thọ 69 tuổi (theo tuổi âm lịch). Nhìn lại hơn 60 năm sự nghiệp sân khấu, ông được xem là đã có công đưa tối đa lịch sử Việt Nam vào nghệ thuật sân khấu cải lương tuồng cổ. Theo nhận xét của nhà sử học Lê Hồng Phước, nhờ có Thanh Tòng, nghệ thuật sân khấu cải lương tuồng cổ Việt Nam đã tiếp tục được đưa lên đỉnh cao và đã ngày càng được Việt hóa rõ nét.
Sinh ra trong một gia tộc nhiều đời gắn bó với cải lương tuồng cổ, nghệ sĩ Thanh Tòng đã đóng góp rất nhiều, từ lối diễn xuất đến nghệ thuật dàn dựng, nghiên cứu điệu bộ. Vào thập niên 1970, với Thanh Tòng, cải lương Hồ Quảng thật sự trở thành Cải lương tuồng cổ để đến gần hơn với khán giả Việt Nam, mà ở đó kịch bản ngày càng mang đậm chất sử Việt chứ không chỉ tập trung vào những tích tuồng cổ Trung Quốc.
Nhà sử học và cũng là nhà bình luận cải lương Lê Hồng Phước trước hết nhắc lại gia tộc đã có nhiều đời gắn bó với cải lương tuồng cổ Việt Nam: Nghệ sĩ Thanh Tòng là hậu duệ của dòng họ Vĩnh -Xuân, của ông Bầu Thắng, Minh Tơ.
Lê Hồng Phước: Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ở miền Nam đã xuất hiện loại hình Đờn ca tài tử. Trong khi đó nghệ thuật hát bội đã có từ rất lâu đời . Thế nhưng, hát bội thì đặt nặng tính ước lệ, vẽ mặt vẽ mày rằn ri theo lối tuồng hát của Tàu mà còn hay thoại bằng chữ Nho nữa nên dần dần trở nên lỗi thời trong cái thuở văn hóa phương Tây mà đặc biệt là văn hóa Pháp đang xâm nhập rất mạnh mẽ dưới thời Pháp thuộc đầu thế kỷ 20. Ấy thế nên, cái trào lưu cải cách - sửa lại cho tốt mọi thứ ở Việt Nam đầu thế kỷ 20 đương nhiên là ảnh hưởng đến lĩnh vực ca hát. Tức là phải “Cải lương” mọi thứ, trong đó có hát bội.
Nhiều tài liệu kể lại rằng thuở ấy các cụ cũng tranh luận nhiều lắm về vấn đề Cải lương ngành ca hát sao cho văn minh kịp với thời đại. Mà cụ thể là phải làm sao cho ca hát trở nên gần gũi hơn với cuộc sống. Hát bội cũng phải gần hơn với cuộc sống. Thêm vào đó là lối kịch của Pháp xâm nhập vào Việt Nam cũng thu hút được sự chú ý của các nhà có đầu óc muốn cải cách lúc bấy giờ. Kịch Pháp chia thành màn thành lớp và có cốt truyện xuyên suốt dễ hiểu mà lại là biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp. Tất cả đã tạo mảnh đất tốt cho một loại hình mới ra đời vào những năm 1918-1920: tức là Cải lương. Đến năm 1920, gánh hát Tân Thinh có treo câu đối trước rạp:
Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh
Cái tên Cải lương có lẽ bắt đầu được sử dụng chính thức từ đó.
Rồi đến những năm 1940 người ta thấy bắt đầu xuất hiện trên sân khấu Cải lương những điệu hát, điệu múa theo kiểu Tàu (kiểu Quảng Đông là chủ yếu), mà dẫn đầu có lẽ là các nghệ six Phùng Há, Cao Long Ngà, Năm Phỉ...Tuồng tích hát thì chủ yếu là lấy trong cổ sử Trung Quốc với những sự đề cao trung, hiếu, tiết, nghĩa của Nho Giáo.
Loại tuồng này về cách hóa trang thì đơn giản theo lối Cải lương, tức đơn giản hơn nhiều so với bên Hát bội, và ca thì xen lẫn hát bội và các điệu bên Cải lương. Và bắt đầu được công chúng đón nhận. Loại hình này thường được gọi là “Cải lương Hồ Quảng”. Vào những năm 1970 thì được gọi là “Cải lương tuồng cổ”, có thể được xem là một loại hình trung gian giữa hát bội và Cải lương.
Nghệ sĩ Thanh Tòng thuộc về một gia tộc có nhiều đời gắn bó với Cải lương tuồng cổ. Khi nhắc Cải lương tuồng cổ ở miền Nam, người ta nghĩ ngay đến hai dòng tộc nổi đình nổi đám nhất và cũng thuộc hai phong cách hát Hồ Quảng tương đối khác nhau: dòng tộc Huỳnh Long và dòng tộc bầu Thắng-Minh Tơ.
Bên nhánh Huỳnh Long thì hiện tại có hậu duệ đang cầm trịch là nữ nghệ sĩ Bạch Mai. Nghệ sĩ Bạch Mai cũng đã có hậu duệ kế thừa xứng đáng là nữ nghệ sĩ Bình Tinh-người vừa đoạt cúp quán quân chương trình truyền hình dành cho con nhà nòi mang tên Sao Nối Ngôi.
Bên nhánh Bầu Thắng-Minh Tơ thì có Thanh Tòng là hậu duệ cầm trịch mấy chục năm nay. Hậu duệ kế thừa Thanh Tòng là nữ nghệ sĩ Quế Trân từng được Huy chương vàng Trần Hữu Trang ở tuổi 18 và hiện tại đã được nhà nước Việt Nam phong là Nghệ sỹ Ưu Tú.
Nói về dòng tộc Thanh Tòng, thì trước tiên là bắt đầu từ nghề Hát bội, bắt nguồn từ ông bầu Vĩnh và cô đào Xuân. Hai vị khởi nghiệp của dòng họ này có một người con trai theo nghề trứ danh từ khi còn rất trẻ, mà sau này cũng trở thành bầu là ông bầu Thắng. Sự nghiệp của bầu Thắng có lẽ bắt đầu chính thức nhất là khi sang lại đoàn hát và làm bầu vào khoảng năm 1924. Gánh hát bội của bầu Thắng ra đời và trụ tại đình Cầu Quan trên đường Yersin quận 1 ngày nay.
Bầu Thắng có 5 người con theo nghiệp hát: Minh Tơ, Khánh Hồng, Huỳnh Mai, Bạch Cúc, Đức Phú, trong đó Minh Tơ và Khánh Hồng được biết đến nhiều nhất. Thanh Tòng là con trai của Minh Tơ. Minh Tơ, Khánh Hồng có thể được xem là thế hệ kế tiếp sau thế hệ cô Bảy Phùng Há của Cải lương Hồ Quảng.
Nghệ sĩ Minh Tơ là người đầu tiên trong dòng tộc khai sinh ra một đoàn đồng ấu Minh Tơ dùng làm đất diễn và làm nơi truyền nghề cho con cháu trong gia tộc. Trong những năm 1990, ta thấy có nghệ sĩ Bạch Long trong dòng tộc cũng tiếp bước tiền bối thành lập đoàn đồng ấu Bạch Long đào tạo ra những diễn viên trẻ và tài năng mà trong đó có Quế Trân là con gái Thanh Tòng.
Đến với Minh Tơ-Khánh Hồng, thì Cải lương Hồ Quảng cũng dần chuyển mình tìm kiếm những nét Việt nhiều hơn. Đến những năm 1970, ta thấy bắt đầu có sự xuất hiện cách gọi Cải lương tuồng cổ để gọi thay cho Cải lương Hồ Quảng. Tuồng cổ ở đây không chỉ là tuồng tích Tàu như Cải lương Hồ Quảng hồi trước, mà bắt đầu đưa tuồng tích của Lịch sử Việt Nam vào.
Là con nhà nòi nên Thanh Tòng lên sân khấu từ rất sớm, ở cái tuổi lên ba lên bốn. Như vậy tính đến năm 2016 này khi Thanh Tòng mất ở cái tuổi 69 thì ông đã đứng sân khấu hơn một đời người là 60 năm.
Nếu tính đến đời Quế Trân, thì gia tộc Thanh Tòng đã ăn cơm tổ nghiệp 5 đời. Còn nếu tính luôn cháu nội Thanh Tòng hay con của Tú Sương, thì là 6 đời. Chỉ tiếc rằng, ngày nay khi Thanh Tòng nằm xuống, thế hệ kế thừa dù có tài năng, dù rất triển vọng những vẫn chưa đủ sức để kế tục sự nghiệp quá to lớn của dòng họ, nhất là trong bối cảnh Cải lương nói chung đang gặp khó khăn, và Cải lương tuồng cổ nói riêng cũng như Hát bội lại càng khó khăn.
Vậy đâu là những đóng góp của cố nghệ sĩ Thanh Tòng cho dòng nghệ thuật sân khấu cải lương tuồng cổ Việt Nam?
Lê Hồng Phước: Công lao của nghệ sỹ Thanh Tòng đối với Cải lương tuồng cổ miền Nam rất lớn. Thanh Tòng đã hát trên 60 năm, gắn bó cả đời với Cải lương tuồng cổ. Nay ông mất ở tuổi 69 cũng không phải đúng nghĩa là thọ trong thời đại khoa học tân tiến như ngày nay, bởi vậy có lẽ còn nhiều điều chưa thể thực hiện được cho Cải lương tuồng cổ nhất là đối với một nghệ sĩ tâm huyết với nghề như ông.
Một sự nghiệp kép hát, đạo diễn, dạy hát, soạn tuồng đồ sộ như Thanh Tòng thì khó mà nói ra đây cho hết, nhưng chúng ta cũng cố gắng tóm về một vài nét chính sau để gọi là làm điểm mốc:
- Thanh Tòng không phải là người sáng tạo ra Cải lương tuồng cổ mà chỉ là người kế thừa. Nếu tính từ thế hệ đầu của loại hình này là cô Bảy Phùng Há, thì tới Thanh Tòng là thế hệ thứ 3. Thế nhưng, có thể nói rằng, đến với Thanh Tòng thì Cải lương tuồng cổ được truyền bá mạnh mẽ nhất nhờ vào tâm huyết của ông và vào cái thời bắt đầu phát triển những phương tiện truyền thông hiện đại. Nói một cách khác, Thanh Tòng là đại diện của thế hệ phát huy đỉnh cao Cải lương tuồng cổ với rất nhiều tuồng tích do ông sáng tác hay chuyển thể và dàn dựng mà nhắc tới nhiều người dù không mê Cải lương cũng biết tới như: Bức Ngôn đồ Đại Việt, Bão Táp Nguyên Phong, Câu Thơ Yên Ngựa, Bích Vân cung kỳ án...
- Thanh Tòng dày công đưa tối đa lịch sử Việt Nam vào Cải lương tuồng cổ chứ không chỉ hát tuồng tích Tàu như trước kia. Và rõ ràng Cải lương tuồng cổ rất phù hợp để hát những tuồng lịch sử Việt Nam bởi nó không quá ước lệ mà cách diễn cách hóa trang gần gũi cuộc sống hơn, ngôn từ cũng không khó hiểu như bên Hát bội nhưng nhờ vào quần áo mũ mão cũng uy nghi như Hát bội nên cũng diễn tả được sự uy nghi và oai hùng của những nhân vật lịch sử. Kèm vào đó có hát những bài bản của Cải lương nên cũng thu hút được người mộ điệu Cải lương. Như vậy có thể thu hút được hai bên khán giả của Hát bội và Cải lương.
- Thanh Tòng đào tạo hay góp phần đào tạo được nhiều nghệ sĩ tuồng cổ kế thừa rất giỏi nghề. Không chỉ trong dòng tộc, mà chúng ta thấy trong cách diễn trong điệu bộ của những nghệ sĩ nổi tiếng như Tài Linh, Vũ Linh, hay Kim Tử Long thì đều có bóng dáng của Thanh Tòng.
- Thanh Tòng dày công nghiên cứu, vun đắp điệu bộ để Cải lương tuồng cổ có được cái riêng chứ không chỉ bị hạn chế bởi điệu bộ của tuồng Tàu. Tức là ông rất tâm huyết và lúc nào cũng muốn ra sức Việt hóa hoàn toàn loại hình nghệ thuật này.
Những vai diễn để đời?
Và ngoài những đóng góp cho sân khấu, ở hậu trường Thanh Tòng còn bỏ nhiều công sức đào tạo cho các thế hệ nghệ sĩ đi sau. Theo đánh giá của nhà sử học Lê Hồng Phước, tên tuổi của Thanh Tòng đã gắn liền với một số vai diễn, mà tới nay vẫn chưa ai sánh kịp. Điều đáng khâm phục nơi người nghệ sĩ vừa nằm xuống là dù thể hiện vai nào, trong tuồng cổ cũng như ở thể loại cải lương xã hội, ông đều để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng giới mộ điệu:
Lê Hồng Phước: Trong sự nghiệp ngần ấy năm thì nghệ sĩ Thanh Tòng để lại rất nhiều vai ấn tượng. Nhất là thế mạnh của Thanh Tòng là nằm ở điệu bộ (vũ đạo) và tài năng diễn xuất thượng thừa. Ở đây chúng ta có thể kể ra một số vai mà khi nhắc đến thì dù là dân không mê Cải lương cũng nghĩ ngay tới Thanh Tòng:
- Cải lương tuồng cổ: xuất thân là con nhà nòi của Cải lương tuồng cổ, nên Thanh Tòng diễn loại hình này thì người xem chỉ biết không tiếc lời khen mà thôi. Những vai ấn tượng nhất thì có: Lữ Bố, Quan Tư Đồ (Phụng Nghi Đình phỏng theo Tam Quốc Diễn Nghĩa), Nguyễn Địa Lô (trong Bức Ngôn Đồ Đại Việt), Bao Công (trong Bích Vân cung kỳ án), và Lý Đạo Thành (trong Câu thơ yên ngựa).
Đặc biệt nhất trong những vai đó thì có vai Lý Đạo Thành. Lớp hát Lý Đạo Thành xử tử Hoàng hậu Thượng Dương (do Thanh Tòng thủ vai Lý Đạo Thành, Bạch Lê thủ vai Ỷ Lan và Thanh Loan thủ vai Hoàng hậu Thượng Dương) là ba vai để đời của ba nghệ sĩ thuộc dòng tộc Bầu Thắng-Minh Tơ này. Đối với vai Lý Đạo Thành, Thanh Tòng đã làm khó cho thế hệ sau bởi tới ngày nay khi ông tạ thế thì lớp hậu duệ chưa có người nào đạt tới trình độ ca diễn như ông.
Đặc biệt nhất là Thanh Tòng có khả năng diễn ánh mắt một cách thượng thừa. Ánh mắt Lý Đạo Thành khi xử Hoàng hậu Thượng Dương khiến người xem video cũng phải rùng mình và đến nay ánh mắt đó trong dòng tộc của ông cũng chưa có lớp hậu duệ kế thừa nổi. Những năm cuối đời, dù bệnh tật hoành hành, bộ tịch không còn linh hoạt nữa, nhất là bộ chân của Thanh Tòng bị hạn chế rất nhiều. Ấy thế mà ánh mắt của Thanh Tòng có vẻ ngày một lợi hại hơn trong diễn xuất !
- Cải lương kiểu xã hội: không chỉ nổi danh diễn giỏi trong Cải lương tuồng cổ mà Thanh Tòng cũng làm mưa làm gió nhiều trong Cải lương kiểu xã hội. Những vai gắn liền với tên tuổi của ông như: Tân (Tô Ánh Nguyệt), Định (Nửa đời hương phấn), Con rể Hội Đồng Thăng (Đời Cô Lựu)... Đặc biệt nhất là vai Tân trong Tô Ánh Nguyệt, đến hiện tại chưa thấy có ai diễn có duyên và đạt được trình độ như Thanh Tòng. Cái hay của Thanh Tòng là ở chỗ, ông là kép Tuồng cổ chánh tông, thế mà khi diễn các tuồng xã hội người ta không thể nào tìm thấy có một dấu vết Tuồng cổ nào trong cách ca diễn của ông, trong khi mà có không ít nghệ sĩtuồng cổ khi hát Cải lương xã hội vẫn để lộ bộ tịch tuồng cổ của mình.
Làm được như vậy, thì ngoài tài năng thiên bẩm, Thanh Tòng hẳn nhiên phải khổ luyện không ít.
Tóm lại, nói về nghệ sĩ Thanh Tòng, theo tôi chúng ta cần nhấn mạnh một số điểm như sau: Thanh Tòng hậu duệ xứng đáng số một của dòng họ Vĩnh Xuân- Bầu Thắng- Minh Tơ. Thanh Tòng đứng hàng đầu trong việc đẩy mạnh đưa lịch sử vào tuồng cổ và góp phần không nhỏ vào việc Việt hóa tối đa Cải lương Hồ Quảng. Nói một cách công bằng thì ở miền Nam không chỉ có hai gia tộc Huỳnh Long và Minh Tơ hát tuồng cổ, mà ngày nay cũng còn khá nhiều đoàn Hát bội và hát Cải lương tuồng cổ hoạt động khá mạnh trong những dịp đển chùa cúng kiến, thế nhưng hai đại gia tộc bền bỉ nhất và xứng đáng đại diện nhất đó là Minh Tơ và Huỳnh Long.
Thanh Tòng là đại diện hàng đầu của một trong hai đại tộc đó. Với những đóng góp của ông, Thanh Tòng thật sự là một anh hùng Cải tương Tuồng cổ miền Nam.