Giữ hồn dân tộc trên xứ người
Thanh Hiệp

Giáo sư - nghệ sĩ đàn tranh Ngọc Dung là một trong vài người hiếm hoi đang gánh vác sứ mệnh cao quý này với tinh thần say mê tận tụy, dù tuổi cao sức yếu

Mái tóc bạc trắng, nụ cười nhân hậu, gương mặt lúc nào cũng biểu hiện sự thiện cảm với người đối diện, giáo sư Ngọc Dung là một nghệ sĩ đàn tranh thuộc hàng cao niên nhất, gắn bó với âm nhạc truyền thống từ năm lên 7 tuổi. Bà được xem là pho tự điển sống về âm nhạc dân tộc Nam Bộ và sân khấu cải lương, đồng thời là người bạn đồng hành trong hoạt động biểu diễn với nhiều nghệ sĩ cải lương trên đất Mỹ.

Nặng nợ tiếng lòng dân tộc

Giáo sư Ngọc Dung tốt nghiệp Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP HCM) năm 1967. Sau đó, bà được giữ lại giảng dạy về bộ môn đàn tranh đến năm 1979. Bà đến với đàn tranh cũng là cơ duyên.

“Ở trong xóm tôi, vợ chồng thầy Tư Nghi (hai nhà giáo Phạm Văn Nghi và Hồ Thị Bửu - PV) có mở lớp tiểu học tư thục. Đám con nít đều được thầy cô dạy học chữ nửa buổi sau khi đi học ở trường về. Lên 7 tuổi, tôi theo học và thường ở lại nhà thầy để nghe đờn ca tài tử. Thấy tôi yêu thích âm nhạc truyền thống nên thầy cô đã dạy tôi đàn tranh. Năm tôi lên 8 tuổi, má qua đời, tôi được thầy cô nhận làm con nuôi. Từ đó, tôi gắn bó với cây đàn tranh như người bạn tri kỷ. Cho đến hôm nay, có trên 50 năm gắn bó với nghề, tôi luôn nhớ ơn ba má nuôi đã cho tôi cơ duyên, chí hướng để thành danh, thành tài” - giáo sư Ngọc Dung tâm sự.


Giáo sư - nghệ sĩ Ngọc Dung đệm đờn cho học trò ca vọng cổ tại Đại hội Âm nhạc truyền thống Việt Nam diễn ra ở Pháp.

Từ năm 1980, giáo sư Ngọc Dung sang Mỹ định cư, sau đó gầy dựng Đoàn Văn nghệ dân tộc “Tiếng vọng quê hương”. Ban đầu, bà phát hiện trong số học trò của mình có những em sinh ra lớn lên tại Mỹ nhưng lại rất yêu thích âm nhạc ngũ cung. Bà đã tìm hiểu gia cảnh, sau đó thuyết phục phụ huynh cho con em học đàn tranh và những nhạc cụ dân tộc khác.

“Ở Mỹ hoặc ở nhiều quốc gia có đông kiều bào sinh sống, nhiều em chỉ thích hát, làm nghệ sĩ biểu diễn chứ không thích đàn nên tìm một người trẻ say mê nhạc cụ, nhất là nhạc cụ dân tộc, cực kỳ khó. Có em ban đầu tìm đến tôi chỉ để muốn học vài bài bản tổ, ứng dụng vào những bản phối khí nhạc hiện đại. Tôi chấp nhận dạy nhưng yêu cầu phải học 20 bài bản tổ. Không ngờ học xong, em đó theo luôn nhạc truyền thống. Có em chỉ muốn học để đờn những bài như: “Lòng mẹ”, “Mưa trên phố Huế”... nhưng sau khi học hết ba nam, sáu bắc, 20 bài bản của ông cha để lại thì quyết chí đi đến cùng với âm nhạc ngũ cung” - bà nhớ lại.

Giáo sư Ngọc Dung cho biết học trò của mình ngày nay rải khắp nước Mỹ, qua tận châu Âu, châu Úc. “Chúng tôi đang cùng nhau phổ biến và góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống, cội nguồn dân tộc trong các cộng động người Việt xa xứ. “Tiếng vọng quê hương” chính là tiếng lòng của dân tộc. Ở đâu có người Việt thì ở đó có âm nhạc ngũ cung, khơi dậy và làm thổn thức tình yêu đất nước, thắt chặt tình đồng bào, hướng về nơi chôn nhau cắt rốn” - giáo sư Ngọc Dung nhận xét.

Tận tụy cho mục đích cao đẹp

Sự nghiệp âm nhạc dân tộc của giáo sư Ngọc Dung còn gắn chặt với hoạt động biểu diễn của những danh ca như: Thành Được, Út Bạch Lan, Phượng Liên, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Thanh Hoa, Thanh Sang, Chí Tâm, Thanh Kim Huệ...

“Chị Ngọc Dung tham gia những ban nhạc cổ, bám chặt với sàn diễn cải lương tại nước ngoài. Chị sống chan hòa, yêu thích sự khám phá nên anh chị em nghệ sĩ ở Mỹ ai cũng yêu quý” - nghệ sĩ Phượng Liên cho biết.

Nghệ sĩ Thành Được cho rằng tiếng đờn của giáo sư Ngọc Dung mang lại cho người nghe những thanh âm trong trẻo, chất chứa nhiều tâm sự như tiếng lòng của người tri kỷ tri âm”. NSND Lệ Thủy kể: “Mỗi lần sang Mỹ lưu diễn, gặp lại cô Ngọc Dung, tôi rất vui và xúc động khi chứng kiến một nhà giáo tóc bạc trắng ngồi trên sân khấu đờn cho nghệ sĩ ca, một người thầy tận tụy với âm nhạc dân tộc. Hình ảnh thân thương, trìu mến đó làm cho khán giả kiều bào càng thêm yêu quý nghệ thuật cải lương”.

Mỗi lần đưa Đoàn Văn nghệ “Tiếng vọng quê hương” đi diễn tại các nước, giáo sư Ngọc Dung đều được mời nói chuyện về âm nhạc ngũ cung. Bà có những nhận định mới trong giáo trình giảng dạy, nâng cao cách tiếp thu vốn quý của ông cha, đồng thời khơi gợi sự sáng tạo trong âm nhạc và nghệ thuật truyền thống Việt Nam cho phù hợp với tiến trình hội nhập thế giới.

“Cứ sau đại hội âm nhạc truyền thống Việt Nam - diễn ra 2 năm một lần tại một quốc gia có đông kiều bào sinh sống, chúng tôi - những giáo sư, nghệ sĩ cả đời đi theo mục đích giữ gìn và phát huy di sản của ông cha - lại có thêm nhiều học trò. Chuyến đi Pháp lần này, tôi có thêm học trò mới từ Thụy Sĩ xin thọ giáo. Tôi vui lắm vì biết sau thế hệ của mình như: Phương Oanh, Thúy Hoan, Phương Bảo, Phương Mai... sẽ có nhiều thế hệ nghệ sĩ mới kế cận làm nhân tố gieo mầm cho nghệ thuật Việt trên xứ người” - giáo sư Ngọc Dung vui mừng.