Nghệ sĩ thương tiếc “Vua vọng cổ” Viễn Châu!

(NLĐO) - Nhiều nghệ sĩ thương tiếc trước sự ra đi của “Vua vọng cổ” Viễn Châu. Theo ý nguyện của gia đình, linh cữu Soạn giả, NSND Viễn Châu được đặt tại nhà riêng, không di quan đến Nhà tang lễ TP HCM như dự kiến ban đầu.


NSND Kim Cương trong lễ nhập quan soạn giả Viễn Châu sáng 2-2 tại nhà riêng của ông.


Sáng 2-2, Lễ nhập quan Soạn giả, NSND Viễn Châu được tiến hành trong không khí trang nghiêm tại nhà riêng (TK8/11 đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, TP HCM). Bà Nguyễn Thị Đạo, 86 tuổi, vợ Soạn giả, NSND Viễn Châu mong muốn linh cữu chồng được quàng tại nhà riêng.

Nhạc sĩ Trương Minh Châu, con trai của Soạn giả, NSND Viễn Châu nói: “Má muốn ba tôi vẫn nằm ở nhà trong những ngày cuối cùng trước khi bà và con cháu không còn nhìn thấy ông nữa. Do đó, chúng tôi làm đúng mong muốn của bà”.

Khi hay tin “Vua vọng cổ” qua đời, nhiều nghệ sĩ bày tỏ sự thương tiếc!

NSND Kim Cương: Đau buồn đến bật khóc!

NSND Kim Cương có mặt rất sớm, chứng kiến những giây phút cuối cùng trước khi thi thể của Soạn giả, NSND Viễn Châu được đưa vào quan tài, bà bật khóc tâm sự: “Kỷ niệm cuối cùng của tôi với anh Bảy là bài vọng cổ “Giấc mộng lá sầu riêng”. Bài này tôi được anh Bảy viết tặng, nói về má tôi – cố NSND Bảy Nam. Có lẽ, đó là một trong những bài ca cổ hiếm hoi cuối cùng anh Bảy viết trong thời gian dưỡng bệnh. Nhiều thập niên qua, anh Bảy vẫn luôn chung thủy với chị Đạo. Giới soạn giả, tác giả, nhạc công nhất là danh cầm chắc chắn có nhiều cuộc tình nhưng anh Bảy vẫn một mực chung thủy. Tài năng, đạo đức, cách sống của anh Bảy sẽ được công chúng nhớ mãi”.

NSND Kim Cương cho biết theo di nguyện Soạn giả, NSND Viễn Châu, ông không muốn gia đình nhận tiền chấp điếu đám tang mình nhưng bà đã góp ý: “Theo tôi, gia đình nên nhận chấp điếu, vì nếu không các đoàn thể, các cá nhân và nghệ sĩ sẽ mua hoa tươi, trái cây, vật phẩm cúng tế rất nhiều, sau đó bỏ đi rất phung phí. Số tiền chấp điếu có thể dùng cho công việc từ thiện, giúp đỡ nghệ sĩ già neo đơn”.


NSND Lệ Thủy trong ngày Nhà giáo VN, đến tặng hoa thầy - SG Viễn Châu.


NSND Lệ Thủy: Thầy là tất cả đối với tôi!

NSND Lệ Thủy cho biết nếu không có thầy Bảy, bà chưa chắc nổi tiếng như ngày hôm nay. “Thầy Bảy phát hiện tôi từ gánh hát Trầm Vàng. Lúc đó, tôi mới 13 tuổi chưa biết nhiều, chưa có kinh nghiệm ca hát nhưng thầy tích cực động viên, viết thêm vai mới, bài hát mới để tôi ca diễn. Khi tôi 16 tuổi, thầy đưa bài tân cổ giao duyên đầu tiên cho tôi ca. Thầy Bảy sống đạo đức, chưa bao giờ làm phiền con cháu, học trò. Biết ai khó khăn trong nghề, thầy đến giúp đỡ âm thầm. Một dạo thầy về quê Trà Vinh, xe đò chở ngang một bến tàu, thấy một ghe hát nghèo. Thầy xin chủ xe dừng lại, xuống hỏi thăm mới biết đó là chuyến đi cuối cùng của gánh hát trước khi rã gánh. Thầy thương tình móc hết tiền trong túi, còn bao nhiêu cho hết anh em trong gánh mua cơm”.

Khi biết tin gia đình Soạn giả, NSND Viễn Châu nhận chấp điếu, NSND Lệ Thủy cho biết: “Tôi đề nghị với gia đình, số tiền chấp điếu trên nên lập quỹ mang tên thầy. Số tiền đó sẽ có hội đồng thẩm định, xét duyệt trao học bổng cho các nhạc công trẻ, những người đang học đàn cổ nhạc có hoàn cảnh khó khăn”.

NSƯT Phương Quang: Nhớ thầy Bảy, nhớ cây son đỏ

NSƯT Phương Quang khóc khi hay tin Soạn giả, NSND Viễn Châu qua đời: “Tôi tiếc thương tài năng của sân khấu, ngôi sao sáng trên bầu trời nghệ thuật!”.

Ông kể ngày trước có dịp gặp thầy Bảy, được tặng cây son đỏ kèm lời khuyên nên tô son đỏ để lên sân khấu lung linh hơn. Ông nghe theo và cảm ơn món quà như phần lộc của Tổ nghiệp mà thầy Bảy trao tặng.

“Thầy sống rất giản dị, đi xem vở mới công diễn, ông lân la vào hậu trường tâm sự, trao đổi. Lối sống hòa đồng, chí tình với anh chị em nghệ sĩ, ông thương nhất là các anh chị em làm công tác hậu đài nên lãnh tiền tác quyền bao nhiêu thường chia đều cho họ. Bởi vậy mới có câu, hậu trường nào có thầy Bảy vào thì Tết đến. Vĩnh biệt thầy Bảy, mãi mãi cảm ơn ông đã ban tặng cho đời hai bản vọng cổ: “Tình anh bán chiếu” và “Ông lão chèo đò” - NSƯT Phương Quang nói.


NSƯT Phương Quang trong ngày mừng thọ NSND Viễn Châu 89 tuổi tại Nhà hát TP.


NSƯT Giang Châu: Cảm ơn đời từng có chú Bảy!

NSƯT Giang Châu nhớ từng phải cầu cứu “Vua vọng cổ” sáng tác bài vọng cổ hài “Trùm Sò thăm chị sui” để đi lưu diễn.

“Chú Bảy viết cho tôi, nhờ đó mà tôi đi kiếm cơm khắp nơi. Cộng thêm một số bài vọng cổ hài trứ danh trước đó như: “Vợ tôi tôi sợ”, “Vợ tôi tập lái Honda”, “Ngưu ma vương đại chiến”, “Cờ bạc bác thằng bần”… mà tôi có thêm nhiều cảm tình của khán giả. Có thể khẳng định, trên sân khấu, tôi có được sự dìu dắt tận tình của thầy Diệp Lang trong diễn xuất, thì trong vọng cổ hài, thầy Viễn Châu đã cho tôi nhiều bài học quý. Chú Bảy từng thắc mắc tại sao vọng cổ làm người ta khóc mà không thể làm người ta cười và ông đã sáng tác thể điệu đó, để ngày nay nhiều nghệ sĩ đi theo trường phái vọng cổ hài mà nên danh. Tôi xuất thân diễn viên, sau này mới chuyển qua hài, ca vọng cổ hài và nhận từ chú Bảy những lời dạy ân cần” – “Trùm Sò” Giang Châu nói.


NSƯT Giang Châu và NSND SG Viễn Châu.


Nghệ sĩ Tú Trinh: Nhớ mãi giọt nước mắt chú Bảy!

Nghệ sĩ Tú Trinh kể ba bà là nghệ nhân Chín Trích, đàn cò cho đoàn hát của bà Năm Phỉ, còn Soạn giả, NSND Viễn Châu theo đoàn Năm Châu. Cả hai tuy đoàn hát khác nhau nhưng lại thân thiết vì nhà cách nhau có một con hẻm.

“Ba tôi lúc còn sống mỗi lần nói đến chú Bảy là bày tỏ sự cảm kích vì lối sống chân thành của chú. Chú Bảy chỉ biết sống, sáng tác và có một mối tình chung thủy với thím Nguyễn Thị Đạo, người con gái từ dưới quê lên Sài Gòn phụ dì bán cơm trưa. Tôi nhớ mãi ngày 19-5-2012, khi tôi và NSND Ngọc Giàu đến thăm chú Bảy, tặng hoa nhân dịp chú xuất viện về nhà, chị Sáu Ngọc Giàu đã ca lại bài vọng cổ “Thoại Ba công chúa” mà chú Bảy viết riêng cho chị. Chú Bảy đàn tranh cho chị Sáu ca, cả hai đều khóc. Tôi không thể nào quên những giọt nước mắt của chú Bảy khi ấy, chú nói: “Không biết tôi có còn đủ sức để còn được đàn cho Ngọc Giàu ca nữa không”, rồi chú trào nước mắt. Lúc đó tôi nhớ ba tôi, nhớ chú Bảy của cái thời còn sung sức. Khi ba tôi qua đời, mỗi lần nhớ ba, tôi lại đến thăm chú Bảy. Nay thì chú cũng đã ra đi....!” – Nghệ sĩ Tú Trinh xúc động kể.


NS Tú Trinh nghe SG Viễn Châu đàn tranh khi bà đến thăm ông ngày 19-5-2012.


NSND Trọng Hữu: Ông là bóng cả của làng cổ nhạc!

Từ Cần Thơ lên Sài Gòn viếng đám tang của Soạn giả, NSND Viễn Châu, NSND Trọng Hữu nói: “Lúc sinh thời, bác Bảy thường nói với tôi: “Thật khó khăn để có thể tự mình quyết định một một việc gì trong cuộc sống khi mà hậu trường sân khấu vẫn còn những bất công và ganh đua mù quáng. Do vậy bác Bảy dặn tôi hãy truyền lại cho đàn em hiểu rõ mục đích rõ ràng của người nghệ sĩ, đó là: “Sống ở đời phải có ước mơ/ Cố gắng thực hiện thành hiện thực”.

Bác Bảy là cây cao bóng cả của làng cổ nhạc, bác cho thế hệ nghệ sĩ chúng tôi hiểu, tạo hoá chẳng cho không ai cái gì hết. Muốn thành công, nghệ sĩ phải cố gắng trau dồi, học tập bền bĩ. Và cũng từ bác Bảy, tôi hiểu: “Kiên nhẫn là chìa khoá mở cánh cửa cuối cùng của sự thành công”!”.


NSND Trọng Hữu, NS Thanh Hải, SG Viễn Châu và danh hài Bảo Chung trong hậu trường rạp Hưng Đạo năm 2005.


NSƯT Út Bạch Lan: Thầy đã bỏ con đi!

NSƯT Út Bạch Lan nói khi nghe tin thầy Bảy ra đi, bà ngồi trên giường bệnh mà cứ muốn vụt chạy đến nhà thầy.

“Hình ảnh đầu tiên tôi nhìn thấy ông là khi ông ngồi đàn tranh trong một chương trình trên truyền hình Sài Gòn. Trong quá trình làm nghề, nhiều lúc tôi nản lòng, định rời xa nghề, xa lánh tất cả thì thầy xuất hiện, an ủi, động viên. Khi thầy viết cho tôi bài “Hoa lan trắng”, cầm bản vọng cổ, tôi ca nho nhỏ, ca cho thấm vào tim và cứ thế nó đi vào tiềm thức. Sẽ không có giọt nước mắt nào rơi giờ phút này vì tôi muốn thầy ra đi thanh thản. Nhớ bài ca vọng cổ thầy viết trong đám tang má bảy Phùng Há: “Chia ly hẹn buổi sum vầy, chị Bảy đi trước tụi này đi sau!”. Thầy Bảy đã viên mãn! Thầy đã bỏ con đi nhưng con tin không phải là sự mất mát vì kho tàng cổ nhạc với biết bao tuyệt tác bất hủ của thầy để lại cho đời, vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim tôi và những người yêu cổ nhạc Việt” – “Sầu nữ” chia sẻ.


Sầu nữ Út Bạch Lan và SG Viễn Châu.


NSƯT Kim Tử Long: Bác Bảy là sao Bắc Đẩu trên bầu trời nghệ thuật

“Soạn giả, NSND Viễn Châu mỗi lần gặp chúng tôi, thế hệ nghệ sĩ trẻ đều căn dặn phải giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, ông nói đạo đức là bài học đầu tiên của người nghệ sĩ” - NSƯT Kim Tử Long thổ lộ. Anh học ở ông rất nhiều, xem ông là sao Bắc Đẩu cho nghị lực để rèn luyện, trao dồi, học hỏi thêm cách ca diễn, để qua đó hoàn thiện khẳng định phong cách riêng chính mình.

Bài giảng về đạo đức nghề nghiệp của bác Bảy đã theo anh suốt chặng đường làm nghề. Có những buổi thu âm, ông vào tận phòng thu, chỉ dẫn anh rất nhiều điểm nhấn để có bài ca cổ đắt giá.


Nhạc sĩ Trương Minh Châu cho biết gia đình chấp thuận lời đề nghị của NSND Kim Cương, NSND Lệ Thủy, nhận chấp điếu và sẽ dùng số tiền này làm công việc thiện nguyện, góp phần tích cực vào những hoạt động duy trì biểu diễn, học tập về cổ nhạc và giúp nghệ sĩ già yếu, neo đơn.