Thanh Hiệp
NSƯT Nam Hùng nhìn nhận cuộc đời ông không phải lúc nào cũng suôn sẻ nhưng xét cho cùng được sống, được làm nghệ sĩ là hạnh phúc lớn.
Là nghệ sĩ nổi tiếng thuộc thế hệ vàng của sân khấu cải lương, cùng thế hệ với các nghệ sĩ: Út Bạch Lan, Thành Được, Hữu Phước, Thanh Hải, Diệp Lang, Thanh Nga, Hùng Minh… ông vào nghề và từng bước chinh phục khán giả để tên tuổi của mình được nhắc đến tận hôm nay. Một kép độc có ngoại hình đẹp, chất giọng trầm ấm.
Chọn hướng đi riêng
Tuổi trẻ của ông may mắn được làm con nuôi của NSND Phùng Há, cơ hội đến với ông rất nhiều, vì các bầu gánh nể nang mẹ nuôi của ông nên khả năng ông trở thành kép chính của các đại ban không khó nhưng ông vẫn chọn hướng đi riêng cho mình là làm kép độc.
Giải nghĩa điều này, ông phân tích: “Khó nhất trong đời là biết rõ mình có khả năng gì, hóa thân thuận lợi sẽ là chìa khóa vạn năng của nghệ sĩ. Tôi hiểu sớm điều này cho nên không vất vả, khổ tâm vươn tới thành công. Qua đó, diễn kép độc mà không để khán giả đánh giá thấp trình độ diễn xuất của mình thì chính là để cho vai độc có vị “ngọt hậu”.
Con đường đến với sự nghiệp nghệ thuật của ông thật bất ngờ. Từ làng quê Hà Nam cậu bé Nguyễn Xúy theo cha phiêu bạt khắp nơi cùng các đoàn hát để buôn bán và phụ việc. Khi đất nước bị chia cắt, ông ở lại miền Nam cùng cha tiếp tục sống trong các gánh hát. Sau ngày đất nước thống nhất, ông mới về quê tìm lại mẹ và hai em của mình. Sân khấu đã mang lại cho ông nghề diễn viên. Chính vì thương tuổi đời còn quá nhỏ nhưng phải sống xa mẹ, NSND Phùng Há đã nhận ông làm con nuôi, cho ăn học tử tế và cho cái nghề mưu sinh, đó là làm nghệ thuật.
“Tôi làm đủ thứ công việc nên có sự trải nghiệm, từ chân chạy cờ, đóng vai quân lính rồi kép con trên sân khấu đoàn Phụng Hảo của NSND Phùng Há, mục đích của tôi là nỗ lực không ngừng để mạnh dạn thâm nhập các vai kép độc” - ông cho biết và giải thích thêm đào - kép độc lẳng, độc mùi hay độc hiểm… đều là do cách thể hiện. Nếu không có các nhân vật thủ vai độc lẳng làm áp lực mạnh mẽ, khiến các vai đóng kép mùi lâm vào tình trạng bi thương, bật lên những câu ca vọng cổ ai oán, thì đào - kép mùi khó mà được tán thưởng rầm rộ. “Nhìn rõ điều này, tôi phải thường xuyên thay đổi lối diễn, để lôi cuốn sự chú ý của khán giả về phía mình. Tôi nghiên cứu kỹ vai tuồng, tính cách của nhân vật, những câu nói lối, những bài ca để diễn. Hạn chế la hét ồ ạt, tập nói rít trong kẽ răng, ánh mắt lườm lườm đe dọa, mưu hiểm, để ác được biểu hiện từ trong tâm. Tôi nghĩ là diễn vai kép độc không phải lúc nào cũng la hét hoặc có những động tác thô bạo mà phải tùy từng nhân vật, từng hoàn cảnh mới đạt hiệu quả” - ông nêu quan điểm.
Không ham “Đệ nhất”
Năm 1956, nhật báo Tiếng Dội của ký giả lão thành Trần Tấn Quốc mở mục trưng cầu ý kiến độc giả và khán giả thông qua việc bầu phiếu chọn các nghệ sĩ “Đệ nhất” trong các lĩnh vực ca cổ và diễn xuất trên sân khấu cải lương. Ông nói mình không thích cách gọi có vẻ kiêu kỳ, tự mãn. Nhưng đó cũng là hình thức để khán giả chú ý đến cách diễn của nghệ sĩ, giúp người nghệ sĩ tập trung nghiên cứu, thăng hoa cảm xúc cho một loại vai diễn. Từ đó mới có những danh xưng: “Đệ nhất danh ca Út Trà Ôn”, “Đệ nhất đào thương Thanh Hương”, “Đệ nhất kép lẳng độc Hoàng Giang”, “Đệ nhất kép độc Nam Hùng”… Được bầu chọn nhưng ông không muốn chỉ chôn chặt đời mình vào danh xưng “Đệ nhất”. Ông nói: “Tôi đóng các vai làm vua, làm chúa, làm vương, làm tướng, làm dũng sĩ hoặc cầm đầu băng cướp… tất cả cũng để cảnh báo đến người xem, cái ác, cái xấu không bao giờ dừng lại trong mỗi con người. Khi mà dục vọng, lòng tham tăng lên, không biết chế ngự thì bản thân mỗi con người đã là “kép độc”.
Vốn có hơi ca, vào vọng cổ mùi mẫn, nên dù ông diễn ào ạt, sôi động tạo sức ép nặng nề đến mấy thì lúc diễn cảnh hối hận, ăn năn, vẫn để lại “vị ngọt hậu” như ông nói, được khán giả tán thưởng và đồng tình.
Nói về quan điểm sống, ông chia sẻ: “Trong suốt cuộc đời, đặc biệt khi đứng trước những thách thức, tôi có những quan điểm và thái độ khác nhau. Trước hết là không bao giờ đánh giá thấp năng lực của mình, tôi không cho mình là kẻ thất bại để niềm tin không bị tiêu cực chôn vùi mà phải thấy chính những thất bại là uy lực đầy quyền năng để đạt được điều mình muốn”.
Suy nghĩ như thế, ông tin vào năng lực của mình và im lặng hành động. Ông chưa bao giờ vỗ ngực rằng ông vô cùng tài giỏi, sẽ trở thành đệ nhất, ngôi sao của năm. “Diễn viên dễ bị biến thành kẻ khoác lác, tự cao. Mẹ nuôi của tôi - NSND Phùng Há thường dạy nếu “nhiễm bệnh tự cao” thì chứng đó sẽ kéo nghệ sĩ quỵ ngã. Nghề hát là một đặc ân, không phải lúc nào cuộc đời cũng suôn sẻ nhưng xét cho cùng được sống, được làm nghệ sĩ là một hạnh phúc lớn. Cho dù thế nào, tôi cũng có những điều để hạnh phúc và biết ơn. Những lời dạy từ người mẹ nuôi cao quý đã là những trợ thủ đắc lực trong những thời điểm khó khăn thử thách cuộc đời tôi” - NSƯT Nam Hùng bày tỏ.
Đời chẳng có gì ngang trái
Đã 6 lần dọn nhà, đời sống về chiều của vợ chồng NSƯT Nam Hùng - Tô Kim Hồng rất đơn sơ. Dẫu hiện nay, ông vẫn ở nhà thuê. “Có một khán giả yêu quý vợ chồng tôi, cho thuê với giá vừa với khoảng tiền hưu trí để chúng tôi sinh sống. Người cháu ruột của tôi ở Nam Hà cũng vào sống với vợ chồng tôi, chăm sóc, an ủi chúng tôi lúc về chiều nên phần nào cũng ấm áp” - NSƯT Nam Hùng tâm sự.
Ông bà cho biết họ dành dụm mua được miếng đất tận Bình Chánh, dự định sẽ cất nhà ở để có được một ngôi nhà đứng tên chủ quyền, chấm dứt đời ở thuê nhưng không may đất nằm trong khu quy hoạch.
Trước đây, cả nhà ông sống nhờ quán phở do chính ông nấu, hễ dời nhà đi đâu thì quán dời theo đó. Thấy bà thức khuya dậy sớm nấu phở, rồi lại vất vả chăm ông trong bệnh viện nên ông nghỉ bán.
Chẳng ai biết ông khó khăn khi thấy ông ăn mặc bảnh bao đi vận động giúp nghệ sĩ nghèo và chưa bao giờ ông kêu gọi giúp đỡ mình, càng không một lời than vãn cảnh ở nhà thuê, hay bệnh tật ốm đau phải ra vào bệnh viện thường xuyên.
Khi nói về sự nổi tiếng có ảnh hưởng đến đời sống nghệ sĩ, nhất là một “kép độc” vì người xem cải lương cứ mặc định, hễ diễn đào - kép độc thì cuộc đời ngang trái, ông cười: “Tôi thường bỏ sự nổi tiếng bên ngoài cánh cửa khi về đến nhà. Ở gia đình, tôi vẫn là người chồng, người cha bình thường như bao người đàn ông khác. Hai chữ hiếu thảo đặt lên hàng đầu. Đời tôi cũng chẳng có gì ngang trái. Nghịch cảnh đến thì xử sự hợp tình, hợp lý. Độc ác trong vai diễn trên sân khấu không tác động đến đời thường, trái lại nó bình quân tính cách của mình để sống tốt hơn”.
Năm nay đã 83 tuổi, NSƯT Nam Hùng giờ chỉ nặng 40 kg, mang trong mình nhiều căn bệnh. Ông vừa xuất viện do bị hen suyễn, khó thở và đã được các bác sĩ chuyên khoa phổi của Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Dù vậy, khi nói về nghề, ông rất minh mẫn và khẳng khái.
NSƯT Nam Hùng tâm sự: “Tôi là kiếp tằm trả nợ dâu xanh, cứ nhả tơ cống hiến cho đời. Chính sự yêu thương của khán giả đã cho tôi có được thành tựu trong nghệ thuật, nếu có kiếp sau vẫn xin được làm nghệ sĩ”.
Năm 16 tuổi, ông theo đoàn Hương Hoa. Gắn với sở trường diễn kép độc và nghệ danh Nam Hùng cũng từ đoàn cải lương này. Hơn 60 năm cống hiến cho nghệ thuật, ông được xem là bậc tiền bối cao niên nắm giữ nhiều bí quyết diễn vai kép độc, mà theo ông đang bị mai một do cách nghĩ, cách diễn của các bạn trẻ chưa chạm đến trái tim người xem. Các vai diễn của ông đi vào lịch sử sân khấu cải lương mà nhắc đến, khán giả say mê, như: Lữ Bố và Đổng Trác trong “Phụng Nghi Đình”, luật sư Dũng trong “Sân khấu về khuya”, thầy Đề trong “Ngao sò ốc hến”, Chu Phác Viên trong “Lôi Vũ”… |