Dấu lặng 100 năm cải lương
Sự cố xảy ra ở cột mốc 100 năm cải lương như giọt nước tràn ly, để lại một dấu lặng trong lòng những người làm nghề. Cải lương đang cần sự chung tay góp sức, vậy mà…
Giấc mộng đêm xuân - vở cải lương được dàn dựng nhân kỷ niệm 100 năm cải lương khiến nhiều khán giả mộ điệu nô nức. Lâu lắm rồi mới lại có một vở cải lương được ra mắt ở nhà hát sang trọng, ngay trung tâm thành phố. Lâu lắm rồi khán giả mới lại được nghe những câu vọng cổ mùi mẫn, vui buồn, thổn thức theo tâm trạng của nhân vật, hòa quyện trong tiếng đờn của ban nhạc sống. Lâu lắm rồi, tiếng trống mới không còn bị thay thế bằng âm thanh của chiếc đàn organ…
Nhưng bên cạnh sự hào hứng là những băn khoăn, vở diễn duy nhất được chọn dàn dựng cho kế hoạch 100 năm cải lương sao lại là Giấc mộng đêm xuân? Dù đây là vở từng được đoàn Thanh Minh - Thanh Nga mang theo trong chuyến lưu diễn tại Pháp, nhưng để đại diện cho sân khấu cải lương ở chặng đường 100 năm, e chừng vẫn chưa đủ sức.
Nội dung vở diễn khá đơn giản, xoay quanh tình yêu, hạnh phúc của nghệ sĩ trong bối cảnh xã hội còn nhiều định kiến với đào kép hát. Dù đã được chỉnh lý, nhấn thêm nhiều thông điệp khác như khát vọng được sống chết với nghề và sự phản kháng, không thỏa hiệp để phục vụ mục đích của những tên tham quan, Giấc mộng đêm xuân vẫn chưa phác họa hết diện mạo, tầm vóc của người nghệ sĩ, của nghệ thuật cải lương trong chặng đường hình thành và phát triển suốt một thế kỷ.
Những câu chuyện hậu trường lan truyền: trong kế hoạch chuẩn bị từ đầu năm, tác phẩm được chọn dàn dựng là một vở nổi tiếng cách đây hơn nửa thế kỷ, của một soạn giả bậc thầy. Tác phẩm này được xem như tuyên ngôn của tác giả về quan niệm mỹ học của sân khấu cải lương, với câu chuyện về hành trình đi tìm tình yêu, lẽ sống, lý tưởng của nghệ sĩ và cuộc đấu tranh giữa sân khấu thực dụng và nghệ thuật chân chính. Rất nhiều câu thoại về sân khấu, về nghiệp Tổ trong kịch bản vẫn được nhiều nghệ sĩ ví như những lời Tổ nghiệp hiển linh, mượn nhân vật để nhắc nhở, răn dạy nghệ sĩ và vẫn vẹn nguyên ý nghĩa ở bất kỳ thời đại nào.
Tiếc rằng, đến giờ chót, người nhà tác giả không đồng ý đưa kịch bản ra mắt khán giả trong sự kiện quan trọng của cải lương. Đây không phải là “sự cố” đầu tiên xảy ra với các tác phẩm của soạn giả này. Là một trong những soạn giả bậc thầy của sân khấu cải lương, ông đã có khoảng 50 kịch bản cải lương, đa phần được đánh giá là mẫu mực. Mỗi kịch bản của ông như chất men, kích thích tối đa sự sáng tạo của nghệ sĩ, giúp họ thăng hoa với vai diễn, cống hiến cho sân khấu những tác phẩm sang trọng nhưng vẫn gần gũi với đời thường, với cảm xúc của khán giả.
Điều đặc biệt và giá trị ở tác phẩm của ông là tính dự báo. Nhiều kịch bản, dù được viết cách đây hơn nửa thế kỷ, vẫn mang nhiều yếu tố của sân khấu, của thời đại ngày nay.
Giấc mộng đêm xuân - vở diễn được dàn dựng nhân sự kiện 100 năm cải lương.
Rất nhiều đạo diễn, nghệ sĩ khát khao được dựng lại những kịch bản của ông, nhưng điều đó thật chẳng dễ dàng. Ông đã mất cách đây 40 năm. Kho tàng kịch bản của ông giờ thuộc quyền sở hữu của gia đình. Nhiều đạo diễn, nghệ sĩ xin phép được dựng lại chúng đã bị từ chối vì nhiều lý do: “Đạo diễn, diễn viên không đủ tầm, e chừng sẽ làm hư tác phẩm, ảnh hưởng đến tác giả và gia đình” (?!), “gia đình đã có kế hoạch dựng tác phẩm cho một chương trình sắp tới”…
Thậm chí, đã vài lần đơn vị xin sử dụng kịch bản được yêu cầu phải để người nhà của ông tham gia trong thành phần sáng tạo, hoặc giữ vai trò cố vấn và quyết định thành phần diễn viên… Nhiều người làm nghề cười chua chát với lý do “kinh điển” - “sợ làm hư tác phẩm của soạn giả và khán giả sẽ nhìn nhận sai lệch về tác giả”. Sao không nghĩ chiều ngược lại, dựng một tác phẩm đã quá nổi tiếng, được xem là mẫu mực của cải lương thì áp lực thuộc về đạo diễn và nghệ sĩ, diễn viên. Làm không tới nơi, tới chốn, người bị “quở” đầu tiên chính là đạo diễn.
Câu chuyện lặp đi lặp lại khiến nhiều nghệ sĩ bức xúc, nhưng đành chịu. Sự cố xảy ra ở cột mốc 100 năm cải lương như giọt nước tràn ly, để lại một dấu lặng trong lòng những người làm nghề. Cải lương đang cần sự chung tay góp sức, vậy mà…
Để những kịch bản kinh điển bị “thất truyền” là có tội với Tổ nghiệp.
Chuyện làm khó những người muốn sử dụng kịch bản đang thuộc quyền sở hữu của gia đình cũng xảy ra ở một vài gia đình tác giả khác. Họ đưa ra đủ lý do để từ chối, làm khó dễ, nhưng bản thân họ hoặc gia đình lại không đủ sức đưa tác phẩm đó đến với công chúng. Cải lương đang rất khó khăn và luôn khan hiếm kịch bản hay. Trong khi đó, hàng loạt kịch bản kinh điển lại được cất khư khư như bảo vật của cá nhân, cất luôn cả cơ hội được thử sức sáng tạo và phát triển tài năng của một thế hệ những người làm nghề trẻ.
Liệu rồi những kịch bản nổi tiếng và cả những tên tuổi soạn giả bậc thầy có bị lãng quên? Một lớp khán giả mới không biết, không nghe tên tuổi của những soạn giả đã có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển cải lương, bởi họ không có cơ hội tiếp cận tác phẩm.
Sự ích kỷ, hẹp hòi của đời sau sẽ rất có lỗi với các soạn giả đã khuất - những người đã moi tim, vắt óc để cống hiến cho đời những tác phẩm xuất sắc. Nếu chỉ viết để lưu giữ trong bảo tàng, hẳn những soạn giả bậc thầy đã không phải lao tâm khổ tứ đến vậy. Ký giả kịch trường ngày xưa đã ghi lại lời phát biểu của soạn giả - NSND Nguyễn Thành Châu, xem đó như một trong những câu nhắc nhở người đi theo nghiệp Tổ: “Trong mọi sự giả dối của nghệ thuật, không có sự giả dối nào của nghệ sĩ bẩn thỉu cho bằng khai thác nghệ thuật để trục lợi cho bản thân trong khi nghệ thuật đang nguy khốn”.
Nhà báo Liên Chi (con gái cố soạn giả Ngọc Linh): Một kịch bản sân khấu, nếu được nhiều đạo diễn dựng, sẽ được nhìn ở nhiều góc độ khác nhau. Ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, các đạo diễn sẽ có những góc nhìn khác. Đôi khi, một tác phẩm được nhìn ở góc độ mới, tầm tư tưởng càng được nâng cao. Do vậy, kịch bản của ba tôi, càng được chọn dàn dựng nhiều tôi càng mừng, vì đó cũng là cơ hội để tác phẩm được tiếp cận với nhiều thế hệ khán giả và không bị “thất truyền”. Tôi thường chỉ có một lời gửi gắm duy nhất với các đạo diễn là cố gắng giữ cho được chủ đề tư tưởng của kịch bản và để các bạn tự do với những sáng tạo của mình. |