Gian nan phổ biến chữ quốc ngữ tại Nam Kỳ (1862-1871)
Một trường học sinh bản địa Việt Nam dưới thời thuộc địa Pháp.
Khi tới Nam Kỳ vào năm 1858, quân đội Pháp cần một số phiên dịch để phục vụ công việc hành chính hàng ngày và làm cầu nối giữa chính quyền với người dân địa phương. Tại thời điểm này, việc dạy và học chữ quốc ngữ chỉ phổ biến trong môi trường truyền đạo của các giáo sĩ phương Tây, đã có mặt tại vùng đất này từ thế kỷ thứ XVII.
Hội Thừa Sai (Société des Missions étrangères) nắm rõ phong tục tập quán địa phương và quản lý hai chủng viện tại Sài Gòn. Đây là nguồn cung cấp phiên dịch đầu tiên cho các đô đốc Pháp và trong suốt quá trình bình định Nam Kỳ.
Chữ quốc ngữ và âm mưu đồng hóa
Cho tới năm 1871, chính quyền Pháp và Giáo hội liên kết với nhau trong vấn đề giáo dục. Trường Thông ngôn đầu tiên (le Collège des Interprètes) được thành lập năm 1860 theo yêu cầu của Đô đốc Charner, trước cả khi ký kết Hòa ước Nhâm Tuất (05/06/1862) tại Sài Gòn, mục đích là đào tạo người giúp việc địa phương và trợ lý thông dịch qua các kỳ thi tuyển. Vì vậy, chương trình đào tạo này hoàn toàn mang tính hành chính, chứ không mang tính chất giáo dục. Tiếp theo, hai trường học khác cũng lần lượt ra đời, một trường thông ngôn giành cho người Châu Âu (08/05/1862) và một trường dạy chữ Hán cho con em quan lại địa phương hoặc các gia đình giàu có trong vùng nhằm mục đích làm cầu nối giữa chính phủ và giới trí thức, quan lại địa phương.
Giáo dục phổ thông tiếp tục được giao cho các nhà truyền giáo và tập trung tại ba trường thuộc sự quản lý của Giáo hội, là Chủng viện của Hội Thừa sai, tu viện Sainte-Enfance (l’Œuvre de la Sainte-Enfance) và trường Giám mục Adran (le Collège de l’Evêque d’Adran). Ba trường này được tổ chức lại để đáp ứng việc cung cấp nguồn viên chức tương lai tận tâm phục vụ nước Pháp, đồng thời nhằm cắt đứt ảnh hưởng của tầng lớp quan lại và văn sĩ để tạo điều kiện cho việc đồng hóa người Việt.
Kế hoạch trên bị gián đoạn trong vòng ba năm khi Đô đốc Bonard làm thống đốc Nam Kỳ (1861-1864). Vị Đô đốc này cho rằng phải tiếp tục duy trì việc dạy chữ Nho và giáo dục truyền thống để người dân cảm thấy ‘‘thoải mái’’ một chút dưới sự cai quản của những ‘‘chủ nhân’’ mới. Ông quyết định tiếp tục dùng chữ Nho là kí tự chính tại Nam Kỳ. Ngoài ra, theo ông, chính quyền sẽ mắc sai lầm nếu để người Pháp thay thế quan lại bản địa. Việc này chỉ làm tăng thêm lòng căm phẫn của người dân và quan lại đối với chính quyền mới. Vì vậy, ông tiếp tục duy trì chế độ giáo dục và khoa cử truyền thống, không bắt buộc học chữ quốc ngữ, nhưng sẽ ưu tiên những người biết loại chữ viết này.
Thế nhưng, tinh thần tôn trọng các truyền thống bản địa của Đô đốc Bonard không thuyết phục được Giáo hội. Các nhà truyền giáo luôn bảo vệ quan điểm phổ biến Thiên chúa giáo và chữ quốc ngữ là những biện pháp duy nhất để đồng hóa người Việt. Ngoài ra, “tính ưu việt về trí tuệ mà giáo dục mang lại cho những đứa trẻ, hay chức vụ mà sau này chúng sẽ đảm nhiệm trong xã hội, sẽ giúp việc xây dựng lòng kính trọng của học sinh đối với ảnh hưởng của nước Pháp. Mở trường học là biện pháp tốt nhất để khai thác thuộc địa và truyền bá tôn giáo”[1].
Từ năm 1864, chuẩn đô đốc La Grandière, thay người tiền nhiệm Bonard, cho dạy song song hai kiểu chữ viết: chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Các trường dạy chữ Hán tiếp tục được duy trì một cách tự phát tại nông thôn. Mỗi làng có thể tự do mở trường và mời thầy về dạy cho con trẻ. Thầy có thể là một ông đồ già hoặc cũng có thể là một nhà nho không đỗ đạt thi cử. Một số làng cấp ruộng cho gia đình thầy giáo, coi như tiền thù lao. Ngoài ra, khi tới xin học, gia đình học trò thường chuẩn bị một chút lễ nhập môn, hay biếu quà tạ ơn vào các dịp lễ tết.
Các trường tiểu học dạy chữ quốc ngữ được mở tại các trung tâm quan trọng hay tại các làng Công giáo và tiếp tục nằm dưới sự quản lý của Giáo hội. Học sinh được được ăn ở miễn phí và theo học chương trình giống phương Tây. Do giáo dục bắt buộc, nên số lượng trường học và học sinh tăng theo từng năm. Cuối năm 1864, có khoảng 20 trường với chừng 300 học sinh ; năm 1865, số trường lên tới 30 với khoảng 1.000 học sinh theo học và tháng 03/1869, có tới 104 trường với 3.000 học sinh.
Những hạn chế của việc phổ cập chữ quốc ngữ
Để tránh bị chỉ trích, quan lại địa phương tiến hành nhiều biện pháp “bắt buộc” theo đúng nghĩa đen, để đạt được những con số khả quan trên. Các làng tuyển học sinh như tuyển lính, bằng việc trợ cấp cho gia đình học sinh. Thực ra, khoản tiền này được trích từ nguồn thu thuế, như vậy, thay vì được hưởng lợi, người dân sẽ phải nộp thuế nhiều hơn để bù cho thâm hụt ngân sách của nhà nước.
Cả chính phủ và Giáo hội đều băn khoăn về phương pháp giáo dục đang thực hiện, dẫu biết rằng mục đích chính là tách người Việt Nam khỏi những truyền thống và ảnh hưởng của nền Nho giáo có từ lâu đời. Tuy nhiên, chính quyền thuộc địa lại không thiết kế được một chương trình giáo dục đầy đủ, phù hợp với trình độ của người học và nhu cầu của địa phương.
Ngoài ra, việc cả hai thể chế, chính phủ và tôn giáo, đồng quản lý cũng là một cản trở cho việc phát triển giáo dục và phổ biến chữ quốc ngữ. Thực vậy, chính sách giáo dục với mục đích tôn giáo được thể hiện rõ trong bức thư của cha Wibaux viết cho đô đốc Bonard (02/12/1863): “Trường học sẽ không chỉ là những cơ sở dạy tiếng Pháp và kiến thức thông thường, mà còn phải là nơi đào tạo tư tưởng tôn giáo”. Trong khi đó, chính quyền thuộc địa lại hấp tấp và nôn nóng muốn có ngay một đội ngũ giúp việc tận tình và Tây hóa. Không có kinh nghiệm và khả năng tổ chức giáo dục, chính phủ thuộc địa bị thụ động, gần như phụ thuộc hoàn toàn vào hoạt động của Giáo hội.
Lý do thứ hai chính là chất lượng và số lượng giáo viên đứng lớp. Số lượng giáo viên không đủ đáp ứng số lượng học sinh ngày một tăng. Đô đốc La Grandière quyết định để học sinh các trường phiên dịch lên lớp hai giờ mỗi tuần. Những “giáo viên” trẻ này chỉ được đào tạo cấp tốc trong khoảng thời gian bình định Nam Kỳ, đủ trình độ đọc-viết và làm đủ bốn phép tính cơ bản. Họ thiếu kinh nghiệm và không nắm được các phương pháp giảng dạy truyền thống. Còn những giáo viên được tuyển từ trường dòng, thì chỉ tập trung một mục đích duy nhất, là truyền đạo.
Có lẽ những giáo viên trẻ này chỉ đứng lớp vì nhận được số tiền trợ cấp hấp dẫn. Lương mỗi ngày đứng lớp là một franc, thêm vào đó là khoản tiền thưởng 1 franc cho mỗi học sinh biết đọc và viết, 50 xu nếu học sinh chỉ biết đọc. Về phía học sinh, những người biết đọc và viết nhận được 1 franc tiền thưởng, và khoản tiền này còn dao động tùy theo tâm huyết của học sinh.
Thiếu sách giáo khoa là nguyên nhân thứ ba giải thích chương trình giảng dạy nghèo nàn. Chính phủ cho lập trường học nhưng lại không in sách giáo khoa do quá vội vàng trong khâu chuẩn bị, nhưng cũng có thể do “ỷ lại” vào Giáo hội. Học sinh học đọc thông qua tờ Gia-định báo, cũng nghèo nàn về thông tin và văn phong. Khi học xong, chúng không còn sách báo hay bất kì tài liệu nào để tiếp tục học tập.
Trong một giáo trình dạy công chức Pháp, Eliacin Luro, một cựu quan chức Pháp tại Nam Kỳ, hồi tưởng: “Chúng ta đã phá hỏng tất cả... Sau một, hai năm, học sinh chỉ biết đọc và viết chữ quốc ngữ dưới sự hướng dẫn của các giáo viên chỉ ngang tuổi của chúng. Theo giáo dục truyền thống, học đọc và viết đồng nghĩa với việc học và tiếp thu được kiến thức đạo đức, lịch sử. Thế nhưng, với hệ thống của chúng ta, học trò học đọc và viết qua vài cuốn sách và truyện ngụ ngôn mà bản thân thầy giáo cũng không đủ khả năng rút ra bài học đạo đức để giảng giải cho chúng…
Trở về nhà, đứa trẻ khiến toàn bộ gia đình ngạc nhiên vì thiếu hiểu biết. Chúng vất hành trang vô ích đã học được vào góc vì những kiến thức này chẳng phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Đứa trẻ mất một khoản thời gian quý hiếm vì giáo dục, nếu quay lại học chữ Nho, thì ở tuổi của chúng, đã quá trễ, vì còn phải làm việc đồng áng. Trên thực tế, các trường tiểu học của chúng ta gần như không đạt được kết quả gì”.
Phương hướng giải quyết
Câu hỏi được đặt ra lúc đó là liệu có nên xóa bỏ việc dạy chữ quốc ngữ hay không? Dĩ nhiên là không. Tuy nhiên, cần phải có những giải pháp phù hợp với việc dạy và học loại chữ này để đạt được hiệu quả.
Giải pháp thứ nhất là không mở thêm trường học mới, xóa bỏ các trường ít học sinh theo học, đồng thời nâng cao trình độ của giáo viên. Ngoài chữ quốc ngữ, giáo viên phải học thêm Hán tự để có thể dạy cả hai loại chữ viết này. Trên thực tế, chính phủ Pháp hiểu rằng không dễ gì loại bỏ ngay Hán tự khỏi các thủ tục hành chính và cuộc sống hàng ngày. Và loại chữ viết tượng hình này sẽ còn được dùng trong vòng vài chục năm nữa.
Giải pháp thứ hai liên quan tới các trường tự do, giáo viên dạy chữ Hán phải thông thạo chữ quốc ngữ để dạy lại cho học sinh, song song với chương trình dạy học thông thường. Eliacin Luro viết, để đạt được kết quả mong đợi, “chỉ cần dụ dỗ họ bằng một khoản tiền thưởng chừng hai hoặc ba trăm franc hàng năm”[2]. Ông cho rằng việc yêu cầu các giáo viên trường làng học chữ quốc ngữ không có gì là khó. Vì họ chỉ cần hai đến ba tháng là có thể nắm vững loại chữ viết này, đến chừng sáu tháng, họ hoàn toàn có thể dạy lại được cho học sinh. Hơn nữa, chỉ cần dạy chữ quốc ngữ mỗi ngày một giờ mà nhận được tới hai hoặc ba trăm franc, thì ai cũng muốn quay sang dạy chữ quốc ngữ.
Ý đồ này chỉ có lợi cho chính quyền thuộc địa. Thứ nhất, chính phủ sẽ tiết kiệm được một khoản tiền rất lớn. Thay vì phải đầu tư cho nền giáo dục, thực dân Pháp lợi dụng hệ thống trường làng do ngân quỹ của làng và gia đình học trò đóng góp. Ngoài ra, thay vì phải thưởng cho mỗi gia đình có con em đi học, nhà nước chỉ phải trả một khoản “lương” hàng năm không đáng kể cho thầy giáo.
Thứ hai, khi việc dạy chữ quốc ngữ trở nên phổ biến tại các trường tự do, nhà nước sẽ áp dụng chính sách bắt buộc dạy và học chữ quốc ngữ, đồng thời dần xóa bỏ các trường học dưới sự quản lý của nhà nước để giảm bớt gánh nặng ngân sách. Như vậy, chính quyền thực dân gần như không phải đầu tư một khoản kinh phí nào cho nền giáo dục.
Giải pháp thứ ba, đưa chữ quốc ngữ vào chương trình học và các kỳ thi tuyển. Các quan Đốc học cũng được yêu cầu học loại ký tự viết theo bảng chữ cái la tinh. Ở điểm này, người Pháp cũng rất tinh ý và tính toán kỹ lưỡng. Họ hiểu rằng, một khi đã nắm vững chữ viết này, nhà nho và quan lại sẽ là những người đóng góp rất nhiều vào việc chỉnh sửa và làm giàu vốn từ vựng của “tiếng nói nôm na” bình dân. Thực vậy, họ sẽ là những người dịch ra chữ quốc ngữ các tác phẩm lịch sử, đạo đức hay triết học được viết bằng chữ Hán. Người Việt nổi tiếng ham tìm tòi và học hỏi nên những cuốn sách được viết bằng chữ quốc ngữ sẽ thu hút được nhiều độc giả.
Chỉ khi nào chữ quốc ngữ được phổ biến rộng rãi trong dân thì mới loại được chữ Hán khỏi cuộc sống hàng ngày. Chính quyền Pháp hiểu được vấn đề này và từng bước cải cách hệ thống giáo dục bắt đầu từ năm 1871. Tại Nam Kỳ, từ 1871 đến 1890 là khoảng thời gian để chính phủ thử nghiệm nhiều cải cách khác nhau, đặc biệt hình thành một nền giáo dục tự do, độc lập với Giáo hội, miễn phí và không bắt buộc. Các trường thuộc Giáo hội tiếp tục nhận được trợ cấp của chính phủ tới năm 1882.
Chú thích:
[1] CAOM, GGI, hồ sơ 12203: Ghi chép về giáo dục tiểu học tại thuộc địa ngày 02/12/1863 của cha Wibaux gửi tới Đô đốc Bonard.
[2] E. Luro, Cours d’administration (Giáo trình hành chính), bản viết tay.