Kho sách Việt Nam tại Thư viện Quốc gia Pháp - BNF
Thư viện Quốc Gia Pháp, BNF, lối vào Ouest.RFI / Tiếng Việt.
Thư Viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque nationale de France, BNF), cơ sở François Mitterrand nằm bên bờ sông Seine, quận 13 Paris, mở cửa đón độc giả ngày 20/12/1996.
Với chức năng lưu trữ tất cả các ấn phẩm lưu chiểu tại Pháp (sách in, thư tịch viết tay, bản đồ, tranh ảnh…), BNF là thư viện lớn nhất nước Pháp với khoảng 14 triệu đầu sách, trong đó các tủ sách được phân thành các khoa theo chuyên ngành khác nhau : khoa học, lịch sử, văn học, xã hội, triết học, nghe nhìn…
Thư Viện Quốc Gia Pháp có khối tài liệu về Việt Nam được cho là lớn nhất thế giới gồm nhiều lĩnh vực. Riêng về sách in (không tính tài liệu nghe nhìn, hình ảnh, bản đồ), có khoảng 90.000 đầu sách, được chia thành các tủ sách chuyên ngành của thư viện và được lưu tại hai khu vực chuyện biệt theo cấu trúc của BNF : Thư viện dành cho độc giả đại chúng (Haut-de-Jardin) và một thư viện dành cho độc giả nghiên cứu (Rez-de-Jardin).
Tại thư viện dành cho đối tượng đại chúng và học sinh-sinh viên, 70% tác phẩm thuộc mảng văn học và ngôn ngữ là sách dịch từ văn học Việt Nam sang tiếng Pháp hoặc sang tiếng Anh, cùng với nhiều bản gốc để độc giả đối chiếu. Tủ sách này được lưu trữ tại phòng đọc G dành cho văn học nước ngoài.
Ngoài ra, một tủ sách riêng dành cho người mới học tiếng Việt cũng được thành lập từ cách đây hai năm khi Thư Viện Quốc Gia Pháp mở thêm tủ sách học ngoại ngữ, trong đó có tiếng Việt. Độc giả Việt Nam cũng có thể học tiếng Pháp theo các giáo trình được BNF đặt mua ở Việt Nam.
Về tủ sách dành cho đối tượng nghiên cứu (Rez-de-Jardin), một phần sách được đặt trên giá và độc giả có thể tự do tra cứu (phòng đọc W). Những cuốn sách này chủ yếu là tiếng Việt dành cho những nhà nghiên cứu chuyên sâu, cũng như là độc giả Việt Nam có tầm hiểu biết khá rõ về văn hóa-văn học Việt Nam, từ văn học cổ điển đến văn học hiện đại.
Những đầu sách có trên giá chỉ chiếm 1% trên tổng số sách về Việt Nam trong thư viện quốc gia, vì phần lớn sách về Việt Nam được lưu trữ trong các kho lạnh chuyên biệt trên bốn tòa tháp của thư viện. Vì vậy, số sách trên giá không phản ánh hết lượng sách phong phú mà thư viện có.
Phòng đọc G, thư viện dành cho sinh viên-học sinh, BNF.RFI / Tiếng Việt.
Trả lời đài RFI tiếng Việt, chị Nguyễn Giáng Hương, phụ trách kho sách Việt Nam và Đông Nam Á, giới thiệu về một số kho sách khác :
“Về bên khoa sách cổ, các tư liệu liên quan đến Việt Nam gồm các văn tự Hán-Nôm từ đầu thế kỷ XVII cho đến đầu thế kỷ XX, những văn bản đầu tiên được viết tay bằng chữ quốc ngữ. Đặc biệt là có bản gốc của cuốn từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes. Đây là cuốn từ điển đánh dấu sự ra đời của chữ quốc ngữ, chữ viết hiện đại ngày nay.
Về hiện vật, thư viện quốc gia Pháp cũng có một kho tiền cổ rất có giá trị. Thực ra kho tiền cổ này trước đây nằm trong kho tiền cổ của Trung Quốc. Bởi vì tiền cổ Việt Nam trước đây được viết bằng chữ Hán và nó được tặng hoặc được mua lại từ các nhà viễn chinh và các nhà nghiên cứu về Đông Phương học.
Sau đó thư viện quốc gia sàng lọc lại và lọc ra được một kho tiền cổ của Việt Nam. Kho đó gồm 2.500 đồng tiền, chủ yếu là được mua hoặc được tặng, từ thế kỷ thứ 10 cho đến thế kỷ 20, tức là có những đồng tiền in hiệu các đời vua, có cả những đồng tiền xu có chân dung Hồ Chí Minh”.
12.486 đầu sách trong “Kho Sách Đông Dương”
“Đặc biệt, kho sách rất quan trọng và quý hiếm duy nhất trên thế giới là kho sách Đông Dương. Kho sách được đặt tên là “Kho sách Đông Dương” vì bao gồm toàn bộ các ấn phẩm được in ở Đông Dương, chủ yếu là ở Việt Nam từ năm 1922 đến năm 1954, theo luật lưu chiểu. Kho sách này gồm có 12.486 đầu sách, chưa kể các đầu báo.
“Kho sách Đông Dương” này có vai trò lịch sử rất quan trọng bởi nó đánh dấu sự ra đời của rất nhiều lĩnh vực tại Việt Nam trong bước đầu giao thoa văn hóa với phương Tây. Ví dụ như các ngành báo chí, văn học viết bằng chữ quốc ngữ, những tiến bộ trong khoa học-kỹ thuật, trong các ngành khoa học tự nhiên, về kiến trúc, y học… Vì thế, kho sách Đông Dương này được các nhà nghiên cứu trên thế giới rất quan tâm và thường xuyên đến tra cứu.
Về những tủ sách khác, như tranh ảnh thì phải kể tới ban bản đồ. Ban này có nhiều bản đồ rất quan trọng và có giá trị lịch sử rất lớn về Đông Dương gồm các nước Việt Nam, Lào và Cam Bốt. Hội Địa Lý (Société de la Géographie) đã tặng toàn bộ kho bản đồ về Đông Dương cho Khoa Bản Đồ (Département des Cartes) của Thư viện Quốc gia Pháp.
Thư viện Quốc gia Pháp cũng có một kho tài liệu ảnh-bưu thiếp rất lớn và phần lớn đã được số hóa nên có thể tra cứu trực tuyến trên trang Gallica.fr. Nhiều bức ảnh có giá trị rất lớn, như ảnh về gia đình vua Bảo Đại hay những chuyến công du Pháp của ông vào năm 1922 và sự tiếp đón của chính quyền Pháp”.
Độc giả còn có thể tham khảo tài liệu nghe-nhìn về Việt Nam, gồm chủ yếu là âm nhạc truyền thống (hát ru, cải lương, nhạc đàn chanh, đàn bầu…) cùng với nhiều bộ phim tài liệu về lịch sử và xã hội Việt Nam hiện đại. Đây là điểm mới của kho sách về Việt Nam từ khi chị Giáng Hương giữ vai trò phụ trách, nhờ đặt mua hay trao đổi với Thư Viện Quốc Gia Việt Nam.
Trong số các tác phẩm nghe-nhìn được lưu trữ tại BNF, có một số tác phẩm điện ảnh Việt Nam, từ những ngày đầu thành lập như Con chim vành khuyên (năm 1962) của đạo diễn Nguyễn Văn Thông, đến những tác phẩm hiện đại như phim của Trần Anh Hùng, Đặng Nhật Minh. Những bộ phim gần đây gồm có những bộ phim Lọ Lem hè phố của Lê Hoàng, Chung cư (2012) của tác giả Việt Linh hay Bi đừng sợ (2013) của Phan Đăng Di.
Triển lãm sách của Xuân Diệu tại phòng đọc G, Thư viện Quốc Gia Pháp - BNF.RFI / Tiếng Việt.
Bảo quản và tra cứu tài liệu quý hiếm
Thư viện quốc gia có một bộ phận riêng chuyên bảo quản và phục chế tư liệu. Rất nhiều sách tại BNF được số hóa và có thể tra cứu được trên trang Gallica và rất dễ tìm kiếm. Đây là một lợi thế của Thư Viện Quốc Gia Pháp. Và với kỹ thuật số hóa rất hiện đại, người đọc có thể phóng to thu nhỏ, thậm chí copy lại phần phóng to nào đó của tài liệu, ảnh hoặc bản đồ. Đây là một phương pháp hữu ích để tra cứu và nghiên cứu tài liệu về hình ảnh.
Cùng với sự kiện liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước trong vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, lượng yêu cầu truy cứu tài liệu, đặc biệt là bản đồ, tại Thư Viện Quốc Gia Pháp có vẻ tăng lên. Chị Giáng Hương cho biết, nhiều người quan tâm cũng đặt câu hỏi cho chị trong một số hội thảo về sách liên quan đến Việt Nam, Đông Dương và Đông Nam Á.
“Chức năng của thư viện là đem tới người đọc công cụ tìm kiếm tốt nhất và chi tiết nhất. Vì vậy, thư viện mở cửa cho bạn đọc và chủ yếu ở bên này có nhiều bạn đọc quốc tế, từ Pháp và các nước khác trong châu Âu đến tìm hiểu. Ngoài ra còn có một số bạn đọc Việt Nam sống ở châu Âu cũng hỏi tra cứu bản đồ.
Từ 1-2 năm nay, BNF đã có chính sách mở rộng đến bạn đọc và có những đường hướng cải cách hướng tới bạn đọc. Kho sách Việt Nam và Đông Nam Á cũng nằm trong hướng đi chung của thư viện. Đối với kho sách Việt Nam và Đông Nam Á cũng có nhiều độc giả thường xuyên đến. Thậm chí họ không ngại khi phải đi lại từ nước này sang nước khác để tra cứu những tài liệu quý và thậm chí yêu cầu in một bản riêng để tra cứu.
Tuy nhiên, đây lại là một hạn chế lớn đối với các nhà nghiên cứu quốc tế và từ Việt Nam. Điều đầu tiên mà Thư Viện Quốc Gia hướng tới bạn đọc để họ có thể tra cứu dễ dàng là công nghệ số hóa. Chính vì vậy, tất cả tư liệu trên trang Gallica, người đọc có thể xem và tra cứu từ nhà.
Ngoài ra, bộ phận tiếng Việt của thư viện cũng có những chương trình hợp tác với các cơ sở dạy tiếng Việt, cụ thể là trường Inalco và một số trường đại học khác. Năm 2014, Thư Viện Quốc Gia Pháp đã tổ chức một cuộc hội thảo lớn về Việt Nam. Đây là một hoạt động lớn để cho các nhà nghiên cứu về Việt Nam tại Pháp, cũng như ở châu Âu, biết nhiều hơn đến các giá trị lịch sử và tầm quan trọng của các tủ sách tiếng Việt ở Thư Viện Quốc Gia”.