Danh cầm - NSƯT Ba Tu: Hết mình với nghệ thuật, sân khấu và cuộc đời

Đêm cuối cùng trước ngày đưa tiễn danh cầm, NSƯT Ba Tu về nơi an nghỉ cuối cùng (an táng tại quê nhà ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An) nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhạc sĩ giới sân khấu cải lương, đờn ca tài tử TPHCM và nhiều tỉnh, thành đã đến tư gia chia buồn cùng gia quyến NSƯT Ba Tu.

Sáng 23-7-2018, lễ truy điệu và đưa tiễn danh cầm đã diễn ra trong không khí trang nghiêm. Dẫu biết rằng sinh lão bệnh tử là chuyện thường tình, nhưng với không ít nhạc sĩ, đồng nghiệp, học trò của danh cầm đã không thoát khỏi cảm giác đau buồn, hụt hẫng.


Danh cầm - NSƯT Ba Tu.


Nhạc sĩ Văn Môn chia sẻ: “NSƯT - danh cầm Ba Tu là người chú và cũng là người thầy đáng kính của tôi. Tôi may mắn được làm việc với chú suốt nhiều năm, từ khi chú còn trẻ và tôi còn nhỏ. Theo nghề đờn, tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật trình diễn của chú - một danh cầm giỏi nghề, lúc nào cũng sống hết mình với nghệ thuật, với sân khấu và cuộc đời. Chú thường chỉ dẫn cho tôi những kinh nghiệm quý báu, cho tôi thấy được những cái hay, cái đẹp của âm nhạc tài tử trong đời sống nghệ thuật, xã hội. Ngoài công việc biểu diễn, lúc nào chú cũng nhiệt tình, tận tâm truyền dạy ngón đờn hay cho thế hệ trẻ nối nghề, mê nghệ thuật đờn ca tài tử. Cách làm nghề đầy sức sáng tạo và tâm huyết của chú đã giúp cây đờn kìm tạo được sức bật nổi trội, giúp nâng cao hiệu quả, vị thế của cây đờn kìm trong dàn nhạc dân tộc. Luôn sát cánh bên chú, tôi biết chú bệnh lâu rồi. Từ đợt bệnh nặng năm 2015 ai cũng tưởng chú sẽ mất, nhưng may mắn chú phục hồi được. Khi khỏe, chú lại tiếp tục đi đó đây dạy học, biểu diễn, sinh hoạt đờn ca tài tử với con cháu. Lần này, chú trở bệnh lại, nặng hơn, nên chỉ trong một thời gian ngắn chú đã mất. Điều này khiến tôi cũng như anh em nhạc sĩ, đồng nghiệp không khỏi sốc, hụt hẫng. Chú đi nhanh quá! Đó là sự đau buồn và mất mát không gì bù đắp được”.

Nhạc sĩ Út Tỵ bộc bạch: “Tôi có vinh dự biết anh Ba từ hồi còn ở dưới quê (Hóc Môn). Lúc đó tôi mới chừng 12 tuổi, anh khoảng 30 tuổi. Tôi bắt đầu lăn lóc theo nghề với anh. Nhưng được một thời gian, tôi và anh tạm xa nhau, khoảng thời gian xa cách đó kéo dài đến hơn 30 năm. Khoảng năm 1992, tôi vô tình gặp lại anh ngoài đường mà không kịp níu nhau thăm hỏi được điều gì. Mãi 2 năm sau, anh và tôi mới liên lạc được với nhau. Năm 1994, anh Ba với tôi mới có lần đầu tiên thu âm với nhau. Từ đó, anh em gắn bó với nhau tới giờ, cùng thu một loạt băng, đĩa, biểu diễn trong hàng loạt các chương trình nghệ thuật đờn ca tài tử tại TPHCM và các tỉnh thành cũng như những chuyến lưu diễn nước ngoài. Với tôi, anh Ba như một người thầy, người anh, luôn hết lòng dìu dắt em út. Cái gì chưa được, anh chỉ bảo, hướng dẫn để chúng tôi có thêm những kiến thức, kinh nghiệm trình diễn tốt hơn. Với nhiều thế hệ học trò từng học với anh, đa số các em đều ra nghề và thành công với nghề, đờn hay, đờn giỏi”.