Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long

Chương 22: Jean-Baptiste Chaigneau Nguyễn Văn Thắng (1769-1832)

Phần 2: Chaigneau dưới thời Minh Mạng

Từ 1807 trở đi, giọng Chaigneau viết về Gia Long trong thư rất khác nhau: Đối với các giáo sĩ quản thủ tu viện Macao, Chaigneau mô tả Gia Long là vị vua tàn ác, sách nhiễu dân chúng, triều đình sắp đổ… Thư gửi cho M. Létondal, ngày 6/6/1807, có những câu:

Chắc cha Bissachère đã kể chi tiết cho cha nghe tình trạng hiện nay ở Nam và Bắc Hà. Dân chúng đói khổ cùng cực. Vua, quan sách nhiễu dân chúng một cách đáng phẫn uất. Công lý là tiền bạc: người giàu tha hồ bóc lột người nghèo mà không bị trừng trị vì họ có tiền trong tay…” (Cadière, Doc. Rel. t. 59).

Thư ngày 12/5/1808, gửi M. Létondal một năm sau, có những câu:

Về tôn giáo, con nghĩ dưới thời vua này thì các giáo sĩ và giáo dân còn được tạm yên, mặc dù cả vua lẫn quan đều không ưa đạo; bọn đàn bà thì tất cả đều ghét đạo, họ còn làm hại đạo hơn các quan. Con nghĩ triều đình này không được lâu đâu. Đã có nhiều nơi nổi loạn rồi, nhất là ở Bắc… Nhà vua đè nén dân chúng bằng khổ dịch và lao công, không cho ăn, không trả lương, mà lại còn bắt phải trả đủ thứ thuế, không tha cho ai hết. Các quan hà sách và cướp bóc tha hồ… Triều đình này đang khủng hoảng, sẽ đổ… (Cadière, Doc. Rel. t. 60).

Nhưng khi viết thư cho gia đình, giọng Chaigneau lại khác hẳn. Sau nhiều năm không liên lạc, khi nhận được thư của người anh cả, Alexandre-Jean, báo tin về việc chia gia tài ở Pháp và cần giấy ủy quyền, Chaigneau, trong thư viết uỷ quyền cho anh ngày 27/3/1809, kể về Gia Long như sau:

Em rất muốn về hôn anh chị và sắp xếp việc gia đình, nhưng em đã đầu quân giúp vua Nam Hà, mặc dù ông cho phép em ra đi, nhưng thấy ông rất buồn và nói rằng: đã theo ông trong lúc khốn khó, lại bỏ ông khi đã hưng thịnh, điều đó làm ông đau lòng. Bởi tất cả tình bạn ông dành cho em và cách ông đối xử với em trong mọi trường hợp, em nghĩ rằng bỏ ông về Pháp bây giờ là vô ơn. Khi em đến nước này giúp ông, ông mới chỉ sở hữu một vùng đất nhỏ tàn tạ, quân ngụy chiếm hết cả nước và đã giết hết tổ tiên của ông. Hiện nay, ông đã làm chủ tất cả Nam Hà, Bắc Hà và một phần Cao Mên… (Salles, t. 157-158).

Những điều trên đây có hơi quá đáng, khi Chaigneau đầu quân, khoảng 1797, NguyễnVương đã làm chủ toàn bộ miền Nam từ 1788. Nhưng lời thư này, cho thấy, đối với gia đình, năm 1809, Chaigneau bảo: sở dĩ chưa về Pháp vì lòng trung đối với vua. Còn đối với giáo hội, ông trình bầy vua là một kẻ “hôn quân, vô đạo”. Vậy đâu là sự thực?

Tám năm sau, trong thư gửi người anh cả ngày 1/10/1817, Chaigneau cho biết:

- Ông không nhận được tin gia đình, sau thư “uỷ quyền”, mãi tới 12/9/1815 mới có thư trả lời.

- Thuyền trưởng tàu Henry sẵn sàng chở cả gia đình ông về Pháp không tốn tiền.

- Về người vợ kế Hélène Barisy và ngỏ ý về Pháp chơi thăm gia đình với vài đứa con lớn, định để vợ con ở lại, nếu vợ là người Việt, nhưng Hélène là người Pháp [lai], không nơi nương tựa nên xin cho cả gia đình về Pháp (Salles, t. 160).

Trong thư ngày 3/6/1819 gửi quản thủ Baroudel, Chaigneau lại nói giọng khác hẳn:

… Không thể có tàu Âu châu nào đến nước này, ở đây, mỗi ngày vẫn là những sách nhiễu đến cùng… Con không chịu đựng được nữa và con nóng lòng đợi vài tàu Pháp đến đây để thừa dịp về lại tổ quốc. Nhà vua yếu lắm rồi, không chắc có qua khỏi… sẽ có thay đổi trong chính phủ…” (Cadière, Doc. Rel. t. 62).

Câu “Không thể có tàu Âu Châu nào đến nước này” hoàn toàn sai, vì vẫn có các tàu buôn ngoại quốc đến Đà Nẵng; chỉ khi nào họ muốn xin triều kiến hoặc đòi hỏi những điều kiện “thông thương” không thể chấp nhận được, vua mới không tiếp (xin xem chương sau).

Lá thư của Vannier gửi M. Baroudel ngày 15/6/1819, cũng cùng một giọng như thế, đối với Vannier, sự “ghê tởm” nước Việt, bắt nguồn từ việc vua không tiếp Kergariou, thuyền trưởng tàu Cybèle của Pháp:

… Dĩ nhiên là con đã hết lòng vận động để cho ông ấy [Kergariou] được yết kiến vua. Nhưng những âm mưu ở trong triều và sự ngờ vực của thái tử đã khiến việc không thành, họ thoái thác vì luật trong xứ, mà Ông này không mang theo thư của vua Pháp gửi vua nước Nam, cũng không có cả thư của Thượng thư Pháp gửi Thượng thư nước Nam, nên không biết tiếp thế nào, v.v. Một ông vua, đã nhờ vào người Âu, nhất là người Pháp, mới lấy lại được xứ sở mà xử sự như vậy, thực là vô ơn! Con thú thật với cha rằng, từ lúc ấy, ông Chaigneau và con ghê tởm cái nước Nam, và chúng con sẽ tìm cách đi thoát, trở về tổ quốc thân yêu của ta. Hơn nữa thái tử đã bắt đầu nói đến việc đàn áp đạo thánh của ta… Sau đó, ông còn truyền đến tai con, cho biết rằng, chỉ vì nể hai chúng con, mà chưa thi hành đó thôi; nhưng sẽ làm; phải làm. Nếu chúng con có công với triều đình, thì sẽ thưởng và cho phép ra đi, điều này, ở nước Nam, có nghiã là đuổi khéo. Sau những lời này, thưa cha, nếu nhà vua qua đời, chúng con rất khó ở lại Nam Hà. Không phải là về mặt chính trị chúng con có gì để than phiền thái tử, bởi vì ông đối xử với chúng con luôn luôn rất tử tế và tỏ ý nể trọng trước mặt tất cả các quan…” (Cadière, Doc. Rel. t. 63).

Những lá thư này cho thấy, Chaigneau và Vannier bị phân chia giữa hai lựa chọn: ở lại Việt Nam hưởng lộc của một viên quan võ hàng tam phẩm (chưởng cơ), hay trở về Pháp, với đàn con đông, chưa biết làm nghề gì sinh sống. Họ đã chọn ở lại Việt Nam. Khi tàu Cybèle đến Đà Nẵng, họ tưởng có thể vận động vua tiếp thuyền trưởng Kergariou, làm một việc hữu ích cho tổ quốc của họ, nhưng không thành, đó là một trong những lý do khiến họ bắt đầu chán ghét vua Gia Long.

Còn Salles thì đưa ra lập luận: Chaigneau thấy triều đình Gia Long “thối nát”, đã “can đảm” làm một thứ “Đại Sư” (Grand Maître) đứng ra can gián vua, nên bị đình thần ganh ghét. Lập luận này khó đứng vững, bởi vì nếu Salles đọc kỹ những chỉ thị sai phái Chaigneau và Vannier do chính ông sưu tầm, thì sẽ thấy vị trí của hai người này trong triều: họ chỉ là quan võ hàng tam phẩm, có danh mà không có quyền, không có quân đội, không có tàu để cai quản, không phải là “đại thần” có quyền sinh sát trong triều, có thể can vua, mà bị ganh ghét. Những “Grand Maître” trong triều lúc đó phải là Đặng Đức Siêu, Trịnh Hoài Đức… chưa kể Minh Mạng đã thay cha cầm quyền. Việc Kergariou nhờ Chaigneau và Vannier vận động xin vào yết kiến vua mà không được, lại càng chứng tỏ họ không có quyền hành gì cả. Vua Gia Long vẫn giữ vững chính sách ngoại giao từ 1790: không cho bất cứ nước Âu châu nào, kể cả nước Pháp, được có đặc quyền hơn các nước khác ở Á Châu; trong việc buôn bán, và không cấp cho họ bất cứ mảnh đất nào để xây thương điếm vì ông đã quá rõ tình hình Ấn Độ và Trung Quốc.

Chaigneau về Pháp lần thứ nhất

Không xin được yết kiến vua, Kergariou và tàu Cybèle rời Đà Nẵng ngày 22/1/1818.

Dù bực bội về chuyện vua không tiếp sứ giả Kergariou, tuy vậy gần 2 năm sau vụ tàu Cybèle rời Việt Nam, Chaigneau mới quyết định về Pháp.

Ngày 15/6/1819 Vannier viết thư cho Baroudel, có câu: “Chaigneau và con kinh tởm cái nước Nam này, chúng con sẽ tìm mọi cách để đi thoát. Nhưng ông cũng vẫn ở lại. Và khi Chaigneau đi được một năm, trong thư viết cho Baroudel ngày 13/7/1820, Vannier kể tại sao chưa về cùng:

… Ông Chaigneau đã đi năm ngoái, được vua cho phép về Pháp nghỉ 2 năm. Ông ta về với cả gia đình, con chắc ông ấy không trở lại nữa. Chỉ còn một mình con trong số những người Pháp giúp nhà vua lấy lại ngai vàng. Chưa kể, nếu con có thì giờ đòi được hết tiền nợ ở Nam Hà và Bắc Hà, thì con cũng đã đi với gia đình rồi, nhưng thôi để năm sau vậy, [vì con] đã lấy 80.000 francs tiền lời, trong vụ [mua] vũ khí, được chở trên một con tàu 800 tô-nô, tàu này sẽ khởi hành từ Bordeaux tháng giêng sắp tới và sẽ đến đây vào khoảng tháng 5, nếu không có trở ngại vì chiến tranh với Anh.

Hoàng đế nước Nam đã từ trần vì bệnh ngày 2/2/ vừa qua. Ngày 27/5 đã chôn với đại lễ. May mà cái chết của ông không gây cuộc loạn nào. Nếu người nối nghiệp cứ cư xử như thế này thì sẽ được quần thần tin tưởng kể cả những người không theo ông khi vua còn sống. Từ khi lên ngôi, ông chưa nói gì, chưa làm gì, về đạo của ta… Còn về phiá con, riêng con, con chẳng có gì phải than phiền ông cả, ông vẫn luôn luôn niềm nở và nói chuyện thân mật với con…” (Cadière, Doc. Rel., t. 63-64).

Như vậy, lý do khiến Vannier chưa về, là vì sự buôn bán vũ khí đang dang dở, không thể bỏ đi ngay được. Ở lại Việt Nam, không những được hưởng lộc quan võ hàng tam phẩm mà không phải làm gì, trừ thỉnh thoảng đón khách ngoại quốc; thời gian còn lại làm việc buôn bán vũ khí để làm giàu, còn gì lợi hơn?

Chaigneau về Pháp, có thể vì hai lý do: Thứ nhất, nhận phần gia tài của cha. Và thứ hai, vì ông đã thấy một con đường công danh tại Pháp. Xin giải thích:

Chính quyền Louis XVIII (1814-1824), muốn trở lại Viễn đông, vùng đã bị bỏ quên trong nhiều thập niên, vì nội tình chính trị ở Pháp, mới nghĩ đến hai người Pháp đang làm quan dưới triều Gia Long, cho rằng họ có thể làm trung gian cho Pháp trở lại Việt Nam. Vì thế, quận công de Richelieu, thủ tướng Pháp, viết thư ngày 17/9/1817 cho Chaigneau, yêu cầu ông làm bản phúc trình về tình hình Việt Nam, và ngày 26/8/1818, ra văn kiện trao tặng Chaigneau và Vannier, Ngũ đẳng Bắc đẩu Bội tinh (Chevalier de la Légion d’honneur). Lá thư và huân chương đã đến Việt Nam rất chậm, Chaigneau và Vannier chỉ nhận được khi hai tàu La Rose đến Đà Nẵng (trước ngày 17/6/1819) và Henri trở lại Đà Nẵng ngày10/7/1819.

Vì tin tưởng vào sự trong đãi của chính phủ Pháp qua hai giá trị “thực tiễn” này mà Chaigneau quyết định về nước. Ngày 13/11/1819, gia đình ông lên tàu Henri, ngày 14/4/1820, tàu đến Bordeaux.

Về tới Bordeaux, việc khẩn cấp là phải viết ngay bản phúc trình về tình hình Việt Nam. Đáng lý việc này phải làm trong 6 tháng ở trên tàu, nhưng Chaigneau không quen chữ nghiã, ông định sẽ lên Paris phúc trình miệng. Nhưng Bộ ngoại giao đang chờ những thông tin của Chaigneau, vì thế, ông Tỉnh trưởng Gironde phải phái hai người thư ký “thông minh” đến nghe Chaigneau đọc rồi viết lại, tại chỗ, với sự cộng tác của ông tham vấn trong toà tỉnh trưởng để hệ thống hoá bản phúc trình (Salles, t. 255-256).

Bản phúc trình của Chaigneau

Bản phúc trình được Salles sưu tầm, chú giải, in dưới tựa đề: Le mémoire sur la Cochinchine de Jean-Baptiste Chaigneau (Hồi ức của Chaigneau về nước Nam), BAVH, 1923, II, t. 257-283- nói về nhiều vấn đề: Điạ lý, chính trị ba miền. Dân số và khí hậu. Chính thể. Hệ thống quan lại, hành chánh: xã, tổng, huyện. Tổ chức quân đội. Tình hình tiền tệ. Thuế khoá. Pháp lý. Dân cư. Phong tục. Tôn giáo. Chăn nuôi. Gia súc. Thương mại. Sản phẩm xuất cảng và nhập cảng. Chiều kích các tàu vào cửa Đà Nẵng và Sài Gòn và giá thuế tương ứng ở mỗi cửa biển. Những sản phẩm cấm xuất cảng. Tình trạng kỹ nghệ.

Salles cho biết ông tìm thấy bản phúc trình này trong Văn Khố Ngoại giao (Asie, Mémoires et Documents. Indes Orientales, Chine, Cochinchine, tập 21, t. 228-254), là một bản sao, không có chữ ký, không đề ngày tháng và tên tác giả (Le mémoire sur la Cochinchine de Jean-Baptiste Chaigneau (Hồi ức của Chaigneau về nước Nam), BAVH, 1923, II, t. 253).

Qua nội dung, ta thấy đây không thể hoàn toàn là “tác phẩm” của Chaigneau, mà chỉ là một bản văn ghi một số điều Chaigneau biết và kể lại, thí dụ như về binh bị, về sản phẩm xuất nhập cảng, v.v. phần còn lại dường như là sao chép những thống kê đã thấy ở các tài liệu khác (ví dụ sách của Montyon, Barrow, v.v.). Duy trong phần Nhận xét tổng quát (Réflexions générales) (BAVH, 1923, II, t. 278- 283), Chaigneau đưa ra hai lời khuyên đáng chú ý:

- Việc buôn bán với Việt Nam cũng có những trở ngại: tuy giá thành mua ở đây rất rẻ, nhưng điều kiện chuyên chở quá xa. Người dân ở đây không quen dùng sản phẩm của người Âu quá đắt và không tiện dụng đối với họ. Ví dụ họ rất thích gương, nhưng một cái gương tốt quá đắt, chỉ có người giàu mới mua nổi, v.v.

- Chính phủ Pháp nên chiếu cố đến Việt nam, vì nhiều mối lợi: khi đánh nhau với Anh có chỗ dựa hậu cần và là cửa ngõ vào nước Tàu. Nếu Pháp không chú ý đến việc này thì những nước cừu địch [Anh, Hoà Lan, Tây Ban Nha] sẽ làm. (BAVH, 1923, II, t. 280).

Chaigneau nhận chức mới và trở lại Việt Nam

Đến Bordeaux, Chaigneau đưa gia đình về nhà chị/em, bà de Rosières ở Albi (gần Toulouse), rồi một mình ông đi Paris vào khoảng 10 hay 12/5/1820. Ông đến Paris cuối tháng 5 và ở tới 5/8/1820, được yết kiến vua Louis XVIII, nhận huân chương Saint-Louis.

Sau vinh dự ấy, Chaigneau không có cách gì sinh sống ở Pháp, di sản của cha chỉ là chiếc lâu đài đổ đổ nát ở nhà quê, vì thế, ông đã nhận ngay nhiệm vụ quay trở lại nước Nam.

Chaigneau trở lại nước Nam, với một bản chỉ thị định rõ các chức vụ cao cấp của ông: Đại lý nước Pháp (Agent de France) tại triều đình Huế, Lãnh sự Pháp (Consul de France) đối với kiều dân Pháp ở Việt Nam, và Khâm sai (Commissaire du Roi) để thay vua Pháp ký các thỏa ước với VN; lĩnh lương 12.000 francs một năm. Sẽ có người cháu Eugène Chaigneau, 22 tuổi, làm thư ký riêng cho ông (Michel Đức con trai ông không đủ khả năng tiếng Pháp để làm việc này), lương 1.500 francs một năm. Nghi định được vua Louis XVIII ký ngày 12/10/1820.

Chaigneau đi cùng vợ con (thêm bé gái Marie mới sanh) -trừ Pierre Địu và François Xavier Ngãi, được học bổng ở lại Pháp- Tất cả lên tàu La Rose rời Bordeaux ngày 1/12/1820, cùng các giáo sĩ Olivier, Gélan, Taberd và Gagelin.

Chaigneau đến Huế ngày 17/5/1821, vua Gia Long mất đã hơn một năm (ngày 3/2/1820, vì bệnh thuỷ thũng (hydropique, thư Labartette ngày 10/6/1820, Launay, III, t. 436). Ông có vẻ xúc động về cái chết của vua, trong thư viết cho anh ngày 19/10/1821, có câu: “Tôi thương tiếc ông [Gia Long], thương tiếc ông rất lâu, vì đó là một người chính trực.

Ngày 16/7/1821, Chaigneau mua ngôi nhà ở Chợ Được; sau bán lại cho Minh Đức Hầu, chồng công chúa Bảo Thuận (người đã mua vườn nhà cũ ở Dương Xuân của ông năm 1819) ngày 25/10/1824, (Cadière et Cosserat, La maison de JB Chaigneau, Consul de France à Huế, BAVH, 1922, tập1, t. 1, t. 9 và t. 23), trước khi gia đình ông ra Đà Nẵng để về Pháp vĩnh viễn, năm 1824.

Ngay hôm sau khi đến Huế, ngày 18/5/1821, Chaigneau đã đệ trình lên vua Minh Mạng thư của vua Louis XVIII, ủy nhiệm ông trong chức vụ: Đại Lý (Agent) của Pháp, cùng nhiều quà cáp, gồm: một đồng hồ mạ vàng, 2 đế bạch lạp mạ vàng, 2 bình đồng mạ vàng, 16 bức khắc những trận đánh lớn, 1 khẩu súng pít-ton, 2 khẩu súng lục, một cái gương lớn (Taboulet, I, note 2, t. 310).

Thư vua Louis XVIII gửi vua Minh Mạng

Sau đây là thư Louis XVIII gửi Minh Mạng, viết ngày 12/10/1820, giới thiệu Chaigneau là Đại Lý (Agent) của nhà vua:

Quốc vương tối cao, tối thượng, vạn năng, đại độ, rất thân ái…

Quả nhân cảm thấy hết sức thoả mãn khi biết tin ngài đã đón tiếp tử tế những người Pháp đến đây buôn bán. Lối xử sự của ngài đối với họ chứng tỏ ngài vẫn giữ những kỷ niệm cũ về tình bạn giữa vua Pháp và vua Nam Hà. Về phiá quả nhân cũng vậy… Trong chiều hướng đó, quả nhân uỷ nhiệm, bên ngài, với tư cách Đại Lý (Agent), thân J.B.Chaigneau, sĩ quan thủy quân của quả nhân và là quan Nam Hà. Lý do duy nhất đã hướng dẫn quả nhân trong sự lựa chọn này vì y đã được ngài biết đến và đã biết cách dung hoà sự quý mến và tin cẩn của ngài. Quả nhân không nghĩ là ngài sẽ nghe hết những thỉnh nguyện và những giãi bầy mà y đưa ra trong trường hợp y đại diện cho thần dân của quả nhân để xin ngài một đặc ân liên quan đến việc thương mại hoặc bất cứ việc gì khác, và quả nhân tin rằng chắc chắn họ sẽ luôn luôn được hưởng sự công bằng và nhân hậu của ngài.

Quả nhân vội vàng nằm lấy cơ hội này để tỏ tình bạn chân thành với ngài…

Viết tại điện Tuileries, ngày 21/10/1820

Bạn thân mến của ngài,

Louis

(Dịch theo bản Louvet, II, t. 502-503).

Theo Cadière, thư này được Vannier và Chaigneau dịch sang chữ Nôm, còn giữ trong hồi ký của Nguyễn Đức Xuyên (Cadière, Les français au service de Gia Long, BAVH, 1920, I, t. 144). Salles bình phẩm rằng: Vua Minh Mạng “không biết cư xử”, ngay hôm đầu đã “sỉ nhục” Chaigneau, bằng cách mượn một người Việt “không có trình độ” đến dịch thư của vua Pháp, chứng tỏ vua bị ảnh hưởng của bọn triều thần “nham hiểm” (Salles, J.B. Chaigneau et sa famille, BAVH, 1923, I, t. 86).

Taboulet viết một câu hỗn xược: “Vì không có thông ngôn người Nam Hà, lá thư của Louis XVIII, được Chaigneau và Vannier dịch. Minh Mạng lấy cái thú quỷ quyệt (se fit un malin plaisir) viết thư trả lời vua Pháp bằng tiếng Việt [chữ Nôm]” (Taboulet, I, note 3, t. 310).

Qua nhưng điều trên đây, chúng ta thấy cách xử sự của vua Minh Mạng:

Biết rõ khả năng học vấn của Vannier và Chaigneau, nên ông phải dùng một dịch giả chuyên môn, người Việt. Việc Minh Mạng viết thư trả lời bằng quốc âm, nếu có thật, là một sự khai phóng: vua không dùng chữ Hán, là chữ chính thức, mà dùng chữ Việt! Chúng ta đã biết một sự lạ: thời ấy bệnh đậu mùa mỗi năm giết hại nhiều người, Minh Mạng sai Despiau đi Macao mua thuốc chủng đậu cho dân (thư Vannier ngày 13/7/1820, Doc. Rel. t. 63) và việc chủng đậu đã thành công (thư Labartette ngày 13/6/1821, Doc.Rel, t. 65). Sự vua viết thư trả lời vua Pháp bằng chữ Nôm là sự lạ thứ nhì của Minh Mạng.

Điều đáng chú ý ở đây, là, Louis XVIII chỉ uỷ thác Chaigneau trước Minh Mạng như một Đại Lý (Agent) của nước Pháp mà thôi; nhưng trong nội bộ Pháp, Chaigneau còn có hai chức nữa là Lãnh Sự (Consul) và Khâm sai (Commissaire du Roi), những điều này được quy định trong Bản chỉ thị (Les instructions de Chaigneau) riêng, ra tháng 10/1820 (Octobre, 1820).

Chỉ thị cho Chaigneau

Sau đây là câu đầu bản chỉ thị:

Ông Chaigneau được chứng nhận làm Đại Lý của nước Pháp bên cạnh Quốc vương nước Nam, bằng thư uỷ quyền của vua [Louis XVIII] gửi quốc vương nước này [vua Gia Long]. Ngoài ra, ông ta còn được phong chức và quyền Lãnh sự đối với kiều dân Pháp ở nước Nam. Sau cùng, ông ta nhận tước vị và đặc quyền Khâm sai của vua để ký kết một thoả ước thương mại giữa nước Pháp và nước Nam.

Bản chỉ thị này, dùng để hướng dẫn cách xử lý của ông Chaigneau dưới những quan hệ khác nhau:

1- Chức Đại lý của nước Pháp là chức duy nhất mà Chaigneau phải dùng đối với chính phủ nước Nam

2- Chức Lãnh sự… dùng để làm những thủ tục hành chánh và pháp lý cho kiều dân Pháp…

3- Bản thoả ước mà Ông Chaigneau điều đình, với tư cách là Khâm sai của vua…

Tóm lại, theo Chỉ thị, đối với triều đình Huế: Chaigneau là Đại lý (Agent); đối với kiều dân Pháp tại Việt Nam: Chaigneau là Lãnh Sự (Consul); và Chaigneau là Khâm sai (Commissaire du Roi) để thay vua Pháp ký các hiệp ước với VN.

Trong ba chức này, chỉ có chức Agent là chính thức, được Louis XVIII giới thiệu với Minh Mạng qua uỷ nhiệm thư. Và Chỉ thị cũng yêu cầu Chaigneau, chỉ được xưng một chức ấy ra với vua Minh Mạng, tức là gián tiếp bảo phải giấu hai chức Lãnh sựKhâm sai đi.

Vậy chính phủ Việt Nam không biết đến các chức Lãnh SựKhâm Sai mà Pháp đơn phương cấp cho Chaigneau. Đó là một mánh lới của chính phủ Pháp, vì biết rằng nếu Chaigneau nói ra thì sẽ bị Minh Mạng gạt ngay; và điều đó cũng giải thích những khó khăn của Chaigneau sau này.

Ngoài những điều quy định quyền hạn, nhiệm vụ của ba chức Đại lý, Lãnh SựKhâm Sai, bản Chỉ thị còn ghi những khoản bắt buộc Chaigneau phải làm:

Bổn phận phải ký một thoả ước đòi bảo đảm an ninh và bảo quản tài sản của người Pháp, để người Pháp sống trong điều kiện của một người chính quốc: được tự do đi lại, buôn bán ở Việt Nam với giấy thông hành, không phải đóng thuế nhập khẩu; nhưng Pháp kiều sẽ ở dưới quyền quản lý pháp luật của viên Consul chứ không phải của triều đình Huế. Và không có điều khoản gì trao đổi lại, về phiá Pháp.

Ngoài ra còn có một đoạn nữa, cũng rất đáng chú ý:

Ông Chaigneau sẽ phải thu lượm và ghi lại trong bản báo cáo hàng ngày, để mỗi khi có dịp, gửi bản sao về Bộ [Ngoại giao] tất cả mọi thông tin có thể có được về những biến cố xẩy ra, không chỉ ở nước Nam, mà còn ở Trung Hoa, Phi Luật Tân và các thuộc địa Anh, Hoà Lan, đặc biệt các đảo Sumatra và Java, mà hình như đang có sự tranh chấp dữ dội giữa hai phe cầm quyền ở đây. Ông Chaigneau phải chỉ ra và chuyển về Bộ, những báo cáo đặc biệt những phần khác nhau của thống kê nước Nam, về luật pháp, cai trị, kỹ nghệ, nghệ thuật, phong tục, lực lượng quân sự trên bộ cũng như trên biển, v.v.

(Les instructions de Chaigneau, Arch. Aff. Etrang, Consulat de Hué et de Tourane, fol.13-17, in lại trong A. Cordier, Le Consulat de France à Hué, p. 257-264, in lại trong Taboulet, I, t. 306-307).

Tóm lại, chức vụ duy nhất của Chaigneau được chính phủ Pháp giao phó bên cạnh Minh Mạng là Agent của nước Pháp. Chữ Agent này có thể dịch là Đại Lý hay Đại Điện, nhưng còn có một ẩn nghiã là Gián điệp. Những điều ghi trong Chỉ thị mà chúng tôi vừa trích dịch trên đây, xác nhận vai trò điệp viên của Chaigneau bên cạnh vua Minh Mạng.

Andé Salles lờ hẳn bản Chỉ thị này, khi viết chân dung Chaigneau.

Phản ứng của vua Minh Mạng khi Chaigneau trở lại

Thực Lục, tháng 5/1821, chép việc Chaigneau về lại như sau:

Thuộc nội chưởng cơ quản thuyền Phi Long là Nguyễn Văn Thắng từ Tây Dương đến, dâng cái hàn thử biểu. Vua nhân hỏi: Ngươi lại muốn về sao? Đáp: Thần chịu ơn dầy của nước, không biết lấy gì báo đáp. Nay tuổi già, xin làm tôi trọn đời.

Vua nói: Người ta ở đời quý ở chỗ lập công danh mà thôi. Ngươi theo đòi Tiên đế, hưởng lộc mấy chục năm, tuy là người ngoại quốc, cũng đã là thần tử bản triều. Nếu quả thực có thể trọn tiết làm tôi, thì lưu danh nghìn đời trong sử sách, há chẳng hay sao! Nếu trở về nước Tây thì chẳng qua chỉ là một thường dân mà thôi.

Có người Phú Lãng Sa dâng quốc thư và sản vật địa phương (gương to), cùng đến với Thắng, đậu thuyền ở Đà Nẵng. Đem dịch thư ra thì là xin thông thương. Vua giao đình thần bàn, rồi hạ lệnh cho ty Thương Bạc đưa thư trả lời nhận cho, và biếu nhiều phẩm vật (100 cân da voi, 30 cân da dê, 10 tấm da hổ, 100 tấn da trâu, 500 tấn da hươu, 200 tấm sa nam, 200 tấm the nam, 100 tấm lụa Cao Bộ, đường phèn, đường phổi mỗi thứ 1.000 cân, 10.000 cân đường cát, 2 cây ngà voi, 2 cỗ sừng tê), giao cho ngưòi ấy mang về nước. (Đệ nhị quyển, Quyển VII i)

Qua những lời trên đây của Thực Lục, ta thấy vua Minh Mạng không quan tâm đến việc Chaigneau ở Pháp về. Những lời trao đổi của nhà vua với Chaigneau có tính cách thân tình, vua tôi; và trong câu trả lời, Chaigneau cũng rất kính cẩn: “Thần chịu ơn dày của nước, không biết lấy gì báo đáp. Nay tuổi già, xin làm tôi trọn đời. Chaigneau không nhắc đến các chức Lãnh sự, Khâm sai của mình, đã đành, mà dường như ông cũng không dám nói đến cả chức Đại lý của mình nữa. Bởi vì đoạn sau, có một câu rất đáng chú ý: “Có người Phú Lãng Sa dâng quốc thư… cùng đến với Thắng [Chaigneau], đậu thuyền ở Đà Nẵng, như vậy rõ ràng Thực Lục không biết Chaigneau là “Đại lý của vua Pháp”, hoặc biết, qua thư của Pháp hoàng, nhưng cho là không đáng kể, cho nên mới ghi như vậy.

Ta có thể đoán chắc rằng, mặc dù đã nhận chức Đại lý của vua Pháp, Chaigneau vẫn không dám “sử dụng” chức mới của mình trước Minh Mạng, lại càng không dám “điều đình”, “thương lượng”, “đòi hỏi “, “ký kết”, hiệp ước gì cả, như chính phủ Pháp mong muốn. Vì Chaigneau biết trước là không thể “yêu cầu “ những điều như thế đối với Minh Mạng.

Sự thất bại của Chaigneau

Để đánh đổ lập luận của người Anh cho rằng Gia Long đã “trăn trối” cho con phải “đề phòng, đừng để mất một mảnh đất nào cho Pháp”, và Minh Mạng đã làm trái lời cha khi “xử tệ” với Chaigneau, André Salles đã dành nhiều trang (Salles, t. 83-87), để “chứng minh” mối thiện cảm của Gia Long với Pháp, dặn con phải “trung thành” với Pháp, qua những lời Vannier và Chaigneau kể lại:

Chaigneau, trong bản báo cáo ngày 19/10/1821 gửi Bộ Ngoại Giao, kể lại rằng: “Ông [Minh Mạng] đã rơi lệ khi nhìn thấy tôi, tôi nghĩ tình cảm đó phát xuất từ lời khuyên của cha ông. Rồi Chaigneau “mô tả” cảnh Gia Long “khuyên” con, “trăn trối” cho con về việc phải đối xử tốt với ông và nước Pháp. Salles còn kể thêm những chuyện khác, rút từ thư Chaigneau gửi cho các giáo sĩ như việc Gia Long “dặn” Lê Văn Duyệt: “Nếu con ông làm gì sai trái, thì phải phản đối ngay”, v.v.

Tóm lại, những điều được người ta đưa vào miệng Gia Long và Lê Văn Duyệt thì nhiều lắm, nhưng thường không có cơ sở. Khi lên ngôi Minh Mạng đã 29 tuổi, dày kinh nghiệm nội trị và ngoại giao, tự quyết đoán mọi việc, chắc không cần phải ai dạy bảo.

Còn Chaigneau khi viết thư cho các giáo sĩ nói xấu Gia Long và Minh Mạng thì ông không ngần ngại điều gì, đó cũng là một khía cạnh của con người ông.

Điều Gia Long chính thức dặn dò Minh Mạng được ghi lại trong Thực Lục; chỉ là: “Đấy là cơ nghiệp gian nan của trẫm, nay giao cho con, con nên cẩn thận giữ gìn, Nay việc lớn của thiên hạ đã định rồi. Ta cũng sắp chết, không nói gì, chỉ có một việc là ngày sau phải cẩn thận, chớ nên gây hấn ngoài biên. (TL, I, t. 1001).

Trở lại việc tìm hiểu sự thất bại của Chaigneau trong khi thi hành các chức vụ mới, Salles giải thích rằng: sự khó khăn của Chaigneau là do lỗi ở viên quan ty Thương Bạc, không biết phân biệt các chức vụ khác nhau của Chaigneau, và lại tham lam nghĩ rằng Chaigneau vừa làm Lãnh sự, vừa làm quan của triều đình Huế, thì ông ta sẽ mất nguồn lợi đến từ kiều dân Pháp và Âu châu, vì thế nên tìm hết cách đạp đổ (Salles, t. 85-86). Điều này thực là vu khống cho quan Thương Bạc: chính phủ Pháp đã dặn Chaigneau giấu các chức vụ Lãnh sựKhâm sai, không nói với Minh Mạng, thì làm sao quan Thương Bạc lại biết mà ganh tỵ, đạp đổ?

Nhưng Diard, nhà thực vật học, đi cùng tàu với Chaigneau từ Batavia đến Đà Nẵng ngày 17/5/1821, ở lại Việt Nam 6 tháng, được phép của vua Minh Mạng cho đi khắp nơi nghiên cứu thực vật; đã viết cho Nam tước Cuivier, trong Tham chính viện (Conseil d’Etat), ba lá thư trình báo về chuyến đi Nam Hà. Những thư này có hai chỗ đáng chú ý:

Trong đoạn viết về Minh Mạng, Diard cho rằng nhà vua rất “kiêu kỳ”, muốn “hạ thấp người Pháp”, lấy cớ rằng tàu chở quà và thư Minh Mạng trả lời Louis XVIII, chỉ là tàu buôn, không xứng đáng đem thư của ông, nên ông đã không đích thân viết thư trả lời mà để cho quan Thượng Thư viết.

Trong đoạn viết về Chaigneau, lời lẽ của Diard khá gay gắt, ông buộc tội Chaigneau nhút nhát, rất sợ Minh Mạng, không dám ăn nói, hành động, lại quá nhu nhược, không dám nhân danh Khâm sai của vua Pháp để điều đình bất cứ điều gì, đến quà của vua Pháp cũng không dám đòi hỏi đại lễ để bệ kiến. (Peyssonnaux, Vie, Voyages et travaux de Médard Diard, BAVH, 1935, I, cả cuốn, t. 74-75).

Ý kiến của Diard về việc nhận thư không có đại lễ, chứng tỏ ông không biết rõ luật tắc của triều đình: việc Chaigneau vội vàng đem thư về cho vua đọc trước, để biết nội dung là việc phải làm, sau đó lá thư sẽ được tiếp đón một cách chính thức đúng theo nghi lễ.

Còn việc Diard trách Chaigneau nhút nhát, sợ Minh Mạng, không dám “điều đình”gì cả, thì quá đúng. Minh Mạng nghiêm khắc hơn vua cha, các quan rất sợ ông; ngoài ra, những điều ghi trong Thực Lục ở trên cũng phù hợp với lời Diard: Đối với Minh Mạng, Chaigneau chỉ là bầy tôi, thần phục. Diard trách Chaigneau không nhân danh chức Khâm sai, vì Diard không đọc bản Chỉ thị, đã cấm Chaigneau không được khoe chức Khâm sai, thì Chaigneau lấy tư cách gì mà “điều đình”? Nhất là những điều Pháp đòi hỏi, Chaigneau đã biết trước là Minh Mạng sẽ không chấp nhận. Vậy sự thất bại của Chaigneau đến từ những toan tính phức tạp của chính phủ Pháp.

Chúng ta còn có thể nhìn vấn đề dưới một góc cạnh khác:

Sự phân biệt ba chức Đại lý tại triều đình Huế, Lãnh sự Pháp đối với kiều dân, và Khâm sai để thay vua Pháp ký các thỏa ước với Việt Nam, của Chaigneau, cho thấy rõ mưu tính của chính phủ Pháp: đối với chính phủ Việt Nam, Pháp chỉ gửi một viên Agent sang, và như trên đã nói, chữ Agent này, ngoài nghiã Đại lý hay Đại diện, còn có nghiã là Gián điệp, và chính trong nghiã gián điệp này, mà Chaigneau có bổn phận phải làm phúc trình tất cả những gì xẩy ra, không những ở Việt Nam mà cả ở vùng Đông Nam Á nữa. Việc này, thứ nhất, vượt quá khả năng của ông, vì lúc ấy mọi phương tiện giao thông không dễ dàng, Chaigneau lại không phải là người tháo vát, và không thông thạo chữ nghiã; và thứ nhì, Minh Mạng cũng chẳng thiếu gì phương tiện để khám phá ra “sứ mệnh thần lén” đó. Còn chức “Lãnh sự bí mật”, dành cho kiều dân Pháp, có thể gọi là “lãnh sự chui”. Những điều này chứng tỏ: chính phủ Pháp không hề có ý định đặt quan hệ ngoại giao song phương với Việt Nam, tức là hai bên trao đổi Lãnh sự; mà chỉ đặt một Đại Lý để làm Gián điệp bên cạnh vua Minh Mạng.

Sử gia Pháp tôn vinh Chaigneau là Lãnh Sự Pháp đầu tiên ở triều đình Huế

Câu chuyện còn khôi hài hơn nữa là hầu hết các tác giả thuộc điạ, sau này, đều coi Chaigneau là Lãnh sự Pháp ở Việt Nam: từ Louvet, 1885 trở đi, đến Maybon, Salles, Cadière, Taboulet… kể cả Cadière, cứ đem cái chức “Lãnh sự chui” của Chaigneau ra để trưng ông là lãnh sự Pháp đầu tiên ở Việt Nam.

Trường hợp Cadière đáng chú ý hơn cả, bởi ông là học giả, thận trọng hơn những người khác, và có uy tín hơn người khác. Khi ông viết bài La maison de JB. Chaigneau, Consul de France à Huế (Nhà của Chaigneau, Lãnh sự Pháp tại Huế), ông đã làm những việc:

- Xác định một cách “chính thức”, trên tựa của bài viết: Chaigneau là Lãnh Sự Pháp.

- Xác định Chaigneau là lãnh sự Pháp đầu tiên ở Việt Nam.

- Xác định ngôi nhà của Chaigneau ở Chợ Được là “sứ quán” Pháp tại Huế.

Một việc làm như vậy, cần phải dựa trên một cơ sở vững vàng. Vậy cơ sở gì đã khiến cho tất cả các ngòi bút thuộc địa đều đồng nhất với nhau. Có hai trường hợp:

Hoặc là, họ không đọc kỹ hồ sơ (điều này khó tin).

Hoặc là, họ đọc mà cố tình xuyên tạc, bởi vì, đối với Minh Mạng, Chaigneau chỉ là Agent, chứ không hề là Consul.

Chức Consul, do phiá Pháp đặt ra và “bí mật” trao cho Chaigneau. Trong lịch sử bang giao quốc tế, chưa hề có một thứ Lãnh sự nào “lén lút”, theo hướng một chiều như thế cả. Nếu có Lãnh sự Pháp ở Huế thì cũng phải có Lãnh sự Việt ở Paris.

Chaigneau, vì không được vua Pháp giới thiệu là Lãnh sự với vua Minh Mạng và theo những gì mà chúng ta biết, thì Gia Long và Minh Mạng chưa hề chấp nhận một sự trao đổi ngoại giao chính thức thường trực nào với một nước Âu Châu. Chức Lãnh sự của Chaigneau, như vậy, chỉ là một ảo chức. Sứ mệnh của Chaigneau, như vậy, chỉ có thể là thất bại.

Việc các giáo sĩ vào lậu

Trong thư gửi giáo sĩ La Bissachère ngày 1/11/1823, (Cadière, document LXII, dẫn theo Salles, t.90), Chaigneau kể lại việc linh mục Thật (người Việt), thân tín của Chaigneau, đã làm lễ rửa tội cho các con ông, sau bội giáo, trở thành “con quỷ được phóng thích, đã tố cáo Chaigneau làm những việc:

Đi cùng tàu La Rose với Chaigneau ở Pháp về năm 1821, có ba giáo sĩ: Olivier, Taberd và Gagelin [thực ra là bốn, nhưng một người mất ở dọc đường]. Ba, bốn ngày sau khi tàu cập bến Đà Nẵng, họ được đưa lậu lên bờ, “mặc đồ Việt, được giấu kỹ trong một thuyền nhỏ, với sự trợ giúp của Chaigneau. Tháng 3/1822, tàu Cléopâtre lại bí mật đưa giáo sĩ Imbert lên bờ, Chaigneau tin rằng những việc này không ai biết, không ngờ linh mục Thật đã trình báo tất cả.

Trong thư ngày 30/10/1823, Chaigneau báo cho Bộ Ngoại Giao biết: Vì những nghi kỵ bao quanh khiến ông không thể tiếp tục làm đại diện cho nước Pháp được nữa, vả lại cũng sắp hết hạn 4 năm đã hứa, ông muốn trở về sống ở Pháp, để các con có một tương lai bảo đảm. Trong thư viết ngày 1/11/1823, cho La Bissachère, Chaigneau nói thêm: “Tôi hy vọng không phải ở thêm một năm nữa ở cái xứ thổ tả này (ce maudit pays). Không có cách nào chịu được, tôi muốn phát khùng. (Salles, t. 91).

Lời đồn tam ban triều điển

Đầu tháng 10/1824, Chaigneau và Vannier xin nghỉ. Đơn được chấp thuận ngày 8/10. Ngày 11/10 vua cấp cho hai ông các bằng cấp khen thưởng và lên chức.

Ngày 25/10, bán nhà. Ngày 15/11 hai gia đình rời Huế, tuy chưa biết chắc có tàu ở Đà Nẵng đi Sài Gòn. Salles thuật lại những yếu tố này với câu hỏi: Tại sao vội vã thế? Rồi ông giải đáp: Vì “Vua nước Nam đã gửi cho Chaigneau một cái khay trên có một chiếc thuyền nhỏ và một dây lụa, có nghiã là ông phải đi, hoặc phải thắt cổ.

“Thông tin” này, Salles rút ra từ bà Chaigneau (Hélène Barisy), nói với người anh em họ xa là ông Louis de Modille de Villeneuve, ông này nói lại với con trai là trợ giám mục Léonce de Modille de Villeneuve, và ông Léonce viết thư cho Salles ngày 3/1/1921, kể rằng: “Cha tôi, hồi ở Lorient có quen một bà cô tên Chaigneau [Hélène Barisy] có những thói tật lạ, trở thành đề tài hiếu kỳ, bà ta kể rằng vua An Nam đã gửi một cái khay….

Hai cha con Chaigneau và Michel Đức,” không nói đến chuyện “cái khay” này. Các giáo sĩ cũng không. Michel Đức chỉ nói đến sự “nóng ruột” muốn được ra đi sớm. Tuy nhiên Salles vẫn lợi dụng lời đồn thoát thai từ “bà cô” để bàn rộng về “tam ban triểu điển” (vua cho chọn ba thứ: lụa, gươm, và thuốc độc để tự xử) mà các vua Nguyễn thường dùng với đối thủ, theo lời đồn hoặc theo những thông tin không bảo đảm. Salles cho rằng, cớ “tam ban triều điển” là chính, khiến Chaigneau và Vannier đã “vội vàng rời Huế” và kết tội vua Minh Mạng “đối xử tàn tệ” với họ. Công trình nghiên cứu của Salles về Chaigneau, trong cuốn BAVH, 1923, I, cho tới đây, khá đúng đắn, rất tiếc, vì những phán đoán hồ đồ này, mà bị giảm giá trị.

Việc Chaigneau và Vannier xin về, được Thực Lục, tháng 10/1824, ghi như sau:

Chưởng cơ Nguyễn Văn Chấn và Nguyễn Văn Thắng dâng sớ xin về nước. Vua bảo bầy tôi rằng: Bọn Chấn là người Phú Lãng Sa, năm trước về với ta, có công đánh giặc, cho nên Đức Hoàng khảo Thế Tổ Cao Hoàng Đế [Gia Long] ta cho làm đến chức ấy, bổng lộc theo phẩm cấp, lại còn cho hậu thêm. Trẫm từ nối ngôi đến nay, đãi họ cũng không bạc, sao họ lại xin về?. Sai đình thần hỏi, hai người đều nói rằng chịu ơn dầy của triều đình đã lâu, chỉ vì già yếu nên muốn quay đầu về núi mà thôi. Vua cho rằng đi làm quan xa nhớ quê hương là thường tình của người ta, bèn cho về. Cho phẩm phục và 6.000 quan tiền. (TL, II, t.373).

Chaigneau và Vannier đợi ở Đà Nẵng ba tuần mới có thuyền đi Đồng Nai, (từ 17/11/1824 đến 11/12/1824), đến Sài Gòn ngày 24/12/1824. Hai ông đã đi trước, không biết có hai tàu chiến Thétis và l’Espérance do Bougainville làm tư lệnh sẽ đến vịnh Đà Nẵng ngày 12/1/1825 và tàu Courrier de la Paix sẽ đến Đà Nẵng ngày 18/1/1825.

Chaigneau bị ốm nặng từ ngày 7/1/1825. Và trong tháng hai, hai con trai của ông, Joseph Nhàn và Louis Thương bị chết vì bệnh dịch tả. Ngày 4/4/1825, hai gia đình lên tàu Courrier de la Paix, về Pháp, đến Bordeaux ngày 6/9/1825.

Chaigneau về Lorient ở ngôi nhà cũ, đã mua ngày 12/7/1821. Gia đình Vannier cũng sống gần đấy. Ông lên Paris, thăm Hội Truyền Giáo Hải Ngoại và Bộ Ngoại Giao, nhưng Bộ Ngoại Giao tiếp đón lạnh nhạt, vẫn trách ông không hoàn thành nhiệm vụ. Năm 1826, ông được lương hưu 1.800 francs (một năm).

Tháng 10/1827, vua Minh Mạng gửi cho hai cựu thần một lá thư dài (viết ngày 24/12/1826) và gửi cho mỗi người một món quà gồm những bình men Huế và tơ lụa, khiến hai bà vợ hết sức vui mừng và công chúng Lorient thán phục. Nhưng Salles vẫn cho là một “thủ đoạn” của vua Minh Mạng, “giả bộ tử tế”, và vẫn bới chuyện trong thư không nói đến các chức tước khác mà chỉ đề gọn hai chữ Chưởng Cơ. (Salles, t. 101),

Năm 1830, chính phủ Pháp bãi lương hưu của ông. Hai năm sau, Chaigneau mất tại Lorient ngày 31/1/1832, ở tuổi 63.