Tưởng nhớ nghệ sĩ Thanh Hùng

Thanh Hùng từ trần ngày 25 tháng 11, 2009. Gia đình ông cho biết đang chuẩn bị tổ chức lễ tưởng nhớ nghệ sĩ Thanh Hùng vào chiều 13 tháng 3 tới đây tại phòng sinh hoạt của báo Người Việt, Quận Cam, Nam California, theo như ý muốn của ông.

Nghệ sĩ Thanh Hùng thời trẻ. Ảnh do gia đình nghệ sĩ Thanh Hùng cung cấp.
Người dẫn chương trình buổi lễ là nhà báo Đinh Quang Anh Thái. Góp tiếng ca ngâm, sẽ có hai “đệ tử ruột” của cố nghệ sĩ Thanh Hùng là Nguyễn Xuân Thưởng (đến từ Virginia) và Đặng thị Xuân Mai (từ San Jose). Và có Thu Hà, nghệ sĩ chuyên trình diễn nhạc dân tộc, hát dân ca.

Nhân đây, Thy Nga xin kể cùng quý vị thính giả:

Thu Hà là người duy nhất thực hiện được CD có giọng ca ngâm của Thanh Hùng vì ông từng từ chối tất cả những đề nghị thâu băng dĩa. Khi Thu Hà chuẩn bị cuốn CD Kiều Ca, mời ông ca ngâm thì ông từ chối ngay. Thế nhưng sau khi nói chuyện, biết ra là cùng quê ở Hà Nam, rồi lại khám phá ra ông là bác họ của Thu Hà, thì Thanh Hùng tức tốc mua vé máy bay sang Cali giúp Thu Hà thực hiện băng Kiều Ca.

Chương trình chiều Thứ Bảy 13 sắp tới sẽ gồm 2 phần:

Tiếp sau lễ tưởng nhớ cố nghệ sĩ Thanh Hùng, là buổi ra mắt cuốn sách “Bóng chiều thương chuyện bao năm trước” của nhà văn Thái Chinh Nguyễn Kim Loan. Bà cho biết:Phần thi nhạc giao duyên thì ca sĩ Thu Hà và Nguyễn Xuân Thưởng phụ trách. Xuân Mai sẽ cùng luật sư Nguyễn Xuân Nghĩa ngâm thơ và múa võ.

Tất cả những nhạc về xa xưa, anh Hùng có thể trình diễn tuyệt vời. Anh không cần phải luyện tập gì hết, ai đưa bài nào là anh Hùng có thể trình diễn ngay tức khắc với cái giọng rất là đặc biệt.

Bà Thái Chinh Nguyễn Kim Loan
Thái Chinh Nguyễn Kim Loan là người bạn đời của cố nghệ sĩ Thanh Hùng. Chính bà đã giúp cho Thy Nga những chi tiết để thực hiện chương trình này. Vì như đã trình bày, không như các nghệ sĩ khác, Thanh Hùng để lại rất ít tài liệu về mình.

Trong buổi nói chuyện, bà Thái Chinh Nguyễn Kim Loan kể lại là có lần, nghệ sĩ Việt Dzũng (gọi Thanh Hùng là “Bố nuôi”) đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc phỏng vấn Thanh Hùng trên đài truyền hình. Dè đâu lúc đó, bạn bè ông lại gọi ông đến họp mặt, thành ra Thanh Hùng đi theo bạn, chứ không lên đài! Việt Dzũng than quá, nói rằng Ai mà phỏng vấn được ông ta thì Việt Dzũng xin bỏ hai cây gậy để đi bộ tới.

Xem ra thì Thy Nga cũng như mọi người khác, không phỏng vấn được nghệ sĩ Thanh Hùng. Tuy nhiên giờ đây, Thy Nga xin có chương trình này gọi là nén hương tưởng niệm giọng ca ngâm tuyệt vời của thi đàn Việt Nam.

Cố nghệ sĩ Thanh Hùng. Ảnh do gia đình nghệ sĩ Thanh Hùng cung cấp.
Nguyễn Thanh Hùng sinh ngày 15 tháng 6, 1932 quê quán ở Hà Nam. Sau khi đất nước phân chia, Thanh Hùng bị kẹt ở Bắc đến cuối năm 1960 thì vượt tuyến sang Lào, và từ đó được đưa vào Saigon năm 61. Nơi đây, ông tiếp tục học ngành kỹ sư.

Và từ thủ đô miền Nam, năm 1962, Thanh Hùng hướng dẫn một phái đoàn Việt Nam sang Đài Bắc tham dự hội nghị “Liên Minh Thế giới Chống Cộng” do chính phủ Tưởng Giới Thạch tổ chức, qui tụ 18 quốc gia. Trưởng phái đoàn lại là người trẻ nhất, khi đó mới 30 tuổi.

Ở miền Nam nắng ấm, Thanh Hùng tham gia chương trình Thi Văn Tao Đàn trên đài phát thanh Saigon, và giọng ngâm man mác buồn của ông đã làm biết bao tâm hồn xao động.

Thy Nga:

Thưa Chị, ngoài ra anh Thanh Hùng cũng hát dân ca và cổ nhạc nữa.

Bà Thái Chinh Nguyễn Kim Loan:

Vâng, năm 1974, nhạc sĩ Lê Thương tổ chức một buổi nhạc thính phòng tại hội Văn Hoá Pháp thì chính nhạc sĩ Lê Thương đã nói về công của Thanh Hùng đem dân ca vào trong Nam. Tuyển tập các điệu hò ba miền hoàn toàn do Thanh Hùng ghi bằng tay và phổ nhạc.

Tất cả những nhạc về xa xưa, anh Hùng có thể trình diễn tuyệt vời. Anh không cần phải luyện tập gì hết, ai đưa bài nào là anh Hùng có thể trình diễn ngay tức khắc với cái giọng rất là đặc biệt.

Cái tính nghệ sĩ của anh Hùng rất là tuyệt đối, lúc nào anh cũng muốn đem hết cuộc đời anh ra phục vụ cho nghệ thuật.

Bà Thái Chinh Nguyễn Kim Loan
Thy Nga:

Biến cố tháng Tư 1975 xảy tới, Thanh Hùng vốn là người nặng tình quê hương, không muốn ra đi, nhưng cuối cùng, bạn bè thúc giục ông là phải đi. Đã vượt tuyến và tham gia tích cực chống Cộng mà ở lại thì khó sống. Do đó, đêm 29 tháng Tư, Thanh Hùng quyết định ra đi.

Sau khi ở Guam một thời gian ngắn, ông cùng gia đình sang Hoa Kỳ, định cư tại Dallas. Ở hải ngoại, thỉnh thoảng ông đi ca ngâm cho bạn bè, thân hữu và những người cảm nhận nét tinh hoa này của văn hóa dân tộc Việt Nam, chứ không hề trình diễn với tính cách thương mại.

Bà Thái Chinh Nguyễn Kim Loan:

Đối với anh Hùng, cái giá trị là ngâm trước số khán giả thương anh, hiểu anh. Cái tính nghệ sĩ của anh Hùng rất là tuyệt đối, lúc nào anh cũng muốn đem hết cuộc đời anh ra phục vụ cho nghệ thuật.

Mà bạn bè đông lắm! 53 tuổi thì anh nghỉ hưu rồi đi hoạt động văn nghệ. Anh trình diễn ở Viện Việt Học, tổ chức lễ, hay giỗ tổ, hoặc làm Ngày đại hội Văn hoá quốc tế, này kia. Đối với anh Hùng, sự giàu có, cái địa vị ở Mỹ là con số không, thành ra thời giờ của cuộc đời anh Hùng là đi các nơi để ngâm những bài thơ của Lý Đông A trong đạo trường ngâm.

Trên đất người, Thanh Hùng không thích tiếp xúc nhiều với dân bản xứ, và nhất quyết không vào quốc tịch Mỹ cho tới ngày qua đời, 25 tháng 11, 2009.