Nhân kỷ niệm ngày 30 tháng Tư sắp đến, là thời gian mà những thảm cảnh của thuyền nhân Việt Nam thường được nhắc đến, tôi xin ghi lại dưới đây câu chuyện có thật về chuyến vượt biển của tôi gần 35 năm về trước.
Xuất phát từ bến Ninh Kiều (Cần Thơ) giữa đêm 28 tháng Chạp Âm Lịch và sau ba ngày đêm ì ạch trên biển, cuối cùng rồi chiếc ghe ọp ẹp dài 10 thước, ngang 2 thước, cũng đã đưa tôi cùng 20 con người khác đến được bờ Thái Lan an toàn đúng vào đêm mùng 1 Tết Tân Dậu (1981). Trong số những người cùng đi với tôi trong chuyến vượt biển đó có Đỗ Đình Trọn, sau này là nhà văn Đỗ Vẫn Trọn, giám đốc đài truyền hình Viên Thao ở San Jose, California. Ngoài ra cũng còn có hai người em trai của Trọn, là Phúc và Trường, bấy giờ tôi nhớ là còn rất nhỏ và hết sức vô tư, không biết lo lắng gì cả.
Trong suốt hơn 3 thập niên qua, ký ức của chuyến vượt biên ngày đó vẫn còn in đậm trong tôi vì một sự kiện mà tôi nghĩ rằng rất hi hữu trong hành trình vượt biển qua vùng Vịnh Thái Lan của nhiều người Việt sau ngày 30 tháng Tư 1975: Đó là thay vì gặp cướp biển Thái Lan với những cảnh đau xót thường nghe thấy, thì người cầm lái của một tàu cướp biển Thái Lan có ý muốn đụng chìm chiếc ghe mỏng manh của chúng tôi vào giữa đêm khuya ngoài biển khơi, đã bị tôi bắn gục.
Chiếc ghe mà tôi dùng để vượt biển vốn là một chiếc xuồng lớn mà tôi đã tìm mua lại từ một trại ghe dưới chân cầu Rạch Ông bên quận Tám Sàigòn, sau đó được sửa lại và đóng thêm ván cho mạn hai bên cao lên, có gắn một máy Yanmar nhỏ bên trong hầm. Vào thời bấy giờ, bất cứ ai đóng ghe đều bị nghi là có ý định vượt biển và rất dễ bị rắc rối với công an. Để tránh sự dòm ngó của công an địa phương, chiếc ghe được đóng theo dạng dùng di chuyển trên các sông rạch, có một khoang lộ thiên phía trước để chở hàng hóa, vì vậy nếu ra biển gặp sóng lớn tràn vào khoang là rất dễ bị chìm. Phía bên trên hầm máy là một cái sàn ván gỗ khoảng 4 thước vuông với mái che làm bằng ván ép, có thể ngồi bẹp trên sàn đó mà điều khiển ghe bằng một cái cần dài làm bằng ống nước. Phía sau ghe có gắn thêm một máy đuôi tôm, gần ngay góc có dựng một nhà vệ sinh lộ thiên rộng khoảng hơn nửa thước vuông để dùng tạm lúc di chuyển trên sông, quây lại bằng 4 miếng ván cao ngang đầu gối.
Sau gần 3 tháng sửa chữa, khi chiếc ghe được đưa xuống nước vào khoảng đầu năm 1980, Mẹ tôi đã là người đứng tên ghi danh đăng bộ chiếc ghe, vì sau 1975 tôi không có hộ khẩu ở đâu cả. Nhưng rồi tiếp theo mấy chầu ăn nhậu và vài bao thơ tiền hối lộ, tôi cũng được cấp đủ mọi thứ giấy tờ để sử dụng ghe, cùng với giấy phép lái ghe đi lại giữa Sàigòn và miền Tây để thu mua trứng vịt về bán lại cho hợp tác xã Bạch Đằng, quận Tám Sàigòn. Cũng vào lúc đó, tôi có được hai cậu em vợ khỏe mạnh và bơi lội rất giỏi là Thiện và Chí, thay phiên nhau trông coi chiếc ghe, và luôn theo phụ giúp tôi trong những chuyến đi mua trứng vịt trong suốt nhiều tháng trời. Nhờ vào thời gian này mà anh em đã có cơ hội vừa tập lái ghe, vừa khám phá các ngõ ngách sông ngòi miền Tây để kiếm đường ra biển sao cho thuận tiện. Và đến ngày đi vượt biển gần tròn một năm sau đó, cả ba đều đã rất thành thạo và quen thuộc trong việc điều khiển chiếc ghe.
Sau khi tìm mua được một bản hải đồ để nghiên cứu, tôi quyết định chọn Bến Ninh Kiều ở Cần Thơ làm điểm hẹn cho mọi người cùng xuống ghe, rồi sẽ theo đường sông về Rạch Giá để từ đó mà thẳng hướng Tây băng ngang vùng Vịnh Thái Lan, vì đó là hải trình ít sóng lớn và cũng ngắn nhất, khoảng 300 hải lý từ Rạch Giá đến bờ Thái Lan. Khi quyết định chọn hải trình này, tôi cũng biết rất dễ gặp cướp biển Thái Lan, nhưng vì ghe và máy quá nhỏ nên tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Ngoài tấm hải đồ, tôi còn tìm mua được một cái hải bàn khá lớn và một ống dòm rất tốt. Những thứ này đều được giấu kỹ trong nhà Mẹ tôi tại Sàigòn, và đã được bà lặn lội chen lấn đi xe đò mang về Cần Thơ cho tôi chỉ một ngày trước đêm tiễn tôi ra đi.
Khi tôi lái ghe về thả neo đậu ở giữa sông dưới bến Ninh Kiều để chuẩn bị cho chuyến vượt biển, cũng là lúc mà chợ Cần Thơ nhộn nhịp vì sắp đến Tết, nhờ vậy mà chẳng mấy ai để ý đến chiếc ghe trông rất cà tàng của tôi. Vào một sáng sớm, tôi đưa cho Chí cái gói nylon quấn băng keo dầy cộm trong đó có khẩu Colt-45, là loại súng mà tôi sử dụng rất thành thạo từ ngày còn trong QLVNCH trước 1975, nhờ Chí lội xuống phía sau ghe dấu vào dưới chổ dùng làm nhà vệ sinh, bằng cách đóng thêm tấm gỗ nhỏ từ phía dưới ép lên. Lý do khiến tôi làm vậy là vì nếu chẳng may khi ghe ra cửa biển mà bị công an biên phòng bắt lại, có thể họ sẽ không tìm ra khẩu súng. Bởi hoàn cảnh của tôi thời bấy giờ nếu bị bắt mà lại còn có mang súng ống trong người, chắc chắn sẽ ngồi tù thêm ít ra là một chục năm nữa.
Khoảng 11 giờ tối ngày 2 tháng Hai 1981 (28 tháng Chạp năm Canh Thân) thì mọi người đã lần lượt lên ghe đầy đủ, nhưng phải ngồi chen chúc dưới hầm máy chật hẹp chứ không thể dùng khoang chở hàng còn trống trải, rất dễ bị nghi ngờ. Do đó, ngay sau khi ghe rời bến Cần Thơ, việc đầu tiên là hai cậu em tôi phũ lên khoang ghe một tấm bạt chống nước rất dầy mà chúng tôi đã chuẩn bị sẵn, rồi đóng đinh cho tấm bạt dính chặt vào hai mạn ghe. Nhờ vậy mà mọi người có thể ngồi trong khoang ghe dưới tấm bạt, và khi ra biển gặp sóng lớn thì nước cũng không vào trong khoang được.
Đến hơn 4 giờ sáng ngày hôm sau khi trời còn nhá nhem tối, mặc dầu có chút trở ngại vì bị mắc cạn, tôi cũng đã lái được ghe thoát ra khỏi trạm công an biên phòng bên cửa biển Rạch Sỏi (Rạch Giá). Khi vừa ra biển, tôi cho khởi động luôn cả chiếc máy đuôi tôm phía sau để ghe chạy ra khơi càng nhanh càng tốt. Nhưng vì sóng nhồi quá mức dự liệu, chiếc máy đuôi tôm trở nên vô tích sự, tôi bèn bảo hai cậu em tháo ra và thả luôn cái máy xuống biển cho nhẹ ghe. Sau đó, khi trời vẫn chưa sáng và thấy chung quanh không có đèn đóm của ghe thuyền nào hết, tôi cho ghe chậm lại và nhờ Chí lôi ra cái gói nylon bọc khẩu Colt-45 mà trước đó Chí đã dấu bên dưới chổ đi vệ sinh phía sau ghe. Khi mở bọc nylon ướt sũng ra, khẩu súng bên trong với gắp đạn 7 viên vẫn còn khô ráo. Nhưng để được yên tâm, tôi đã tháo rời khẩu súng ra từng mãnh dưới ánh đèn pin, và lau chùi lại thật kỹ với tube dầu chùi súng đã mang theo, rồi ráp lại và dắt vào thắt lưng.
Trong suốt hơn hai ngày và đêm sau đó, mặc dầu có hai cậu em Thiện và Chí giúp thay phiên nhau vừa theo hải bàn để lái ghe đi về hướng Tây, vừa dùng ống dòm quan sát chung quanh, tôi vẫn phải luôn tỉnh thức để chắc chắn ghe đã đi đúng hướng, và mỗi đêm chỉ chợp mắt được một vài giờ đồng hồ. Thêm vào đó, tôi cũng rất lo ngại cho sức chịu đựng của ghe cũng như cái máy Yanmar 10/15 quá nhỏ, bởi mặt biển thỉnh thoảng cũng có những cơn sóng nhồi lên xuống rất cao. Có vài lúc máy chạy hết tốc lực, nhưng chiếc ghe vẫn ì ạch trồi lên sụt xuống tại chổ vì sóng quá lớn.
Sau hai ngày đêm trên biển, nhờ có cái hải bàn cộng với vốn liếng về cách định hướng bằng sao trời tích lũy từ thời đi Hướng Đạo trước 1975, tôi tin chắc là ghe đã đi đúng hướng. Ngoài ra, dựa vào cách đo vận tốc trung bình hàng giờ của ghe tàu đi trên nước, cũng học được trong những năm sinh hoạt Hướng Đạo, tôi ước lượng ghe đã đi được tròm trèm 3/4 hải trình dự tính. Đến trưa ngày thứ ba của chuyến vượt biển, tôi liên tục dùng ống dòm quan sát trên biển, và thỉnh thoảng bắt đầu thấy có những chấm đen mà tôi tin chắc đó là tàu đánh cá Thái Lan. Và trong suốt nhiều giờ đồng hồ vào khoảng xế chiều, nhờ cái ống dòm khá tốt, tôi thấy mờ mờ một chiếc tàu cứ theo chúng tôi trong một khoảng cách rất xa mà mắt thường khó thấy rõ được. Với linh tính có chuyện chẳng lành, tôi đã dặn dò hai cậu em phải hết sức cảnh giác vì có thể gặp tàu cướp biển Thái Lan.
Đến khoảng 9 giờ tối thì mọi người trên ghe đều ngủ vùi dưới khoang hoặc trong hầm máy của ghe, duy chỉ còn tôi và hai cậu em vẫn cố tỉnh táo ở phía trên để điều khiển ghe. Lúc đó, tôi bổng nghe tiếng máy tàu ầm ĩ, rồi thì một chiếc tàu cá Thái Lan rất lớn từ trong bóng đêm bất ngờ lù lù xuất hiện bên hông và quét đèn rọi thẳng vào ghe chúng tôi, và tôi đoán đó chính là chiếc tàu đã âm thầm đi theo chúng tôi từ xa lúc ban chiều. Vì khoảng cách rất gần và nhờ ở trong tối, tôi nhìn thấy trên boong tàu nhiều người da ngăm đen mặc quần đùi ở trần trông rất hung dữ, đang cầm dao hoặc búa rìu vẫy tay la hét như ra lệnh cho ghe chúng tôi phải dừng lại, và vài người khác thì đang đứng cười nói nơi phòng lái tàu có đèn sáng bên trong. Ngay khoảnh khắc đó, tôi biết mình đã gặp tàu cướp biển Thái Lan, và tiếp tục cho ghe chạy như thường.
Khi thấy ghe chúng tôi không dừng lại, tàu cướp biển Thái Lan rú máy vượt lên và lượn một vòng làm sóng dậy lên thật cao, rồi lấy đà đâm thẳng vào mạn sườn ghe chúng tôi. Nhờ tôi kịp thời đẩy nhanh cần lái để ghe quay ngang, cú va chạm bị trượt theo mạn từ trước ra sau khiến ghe chòng chành, nhưng không bị lật và cũng chưa thấy hư hại gì đáng kể. Sau khi chậm lại vài phút, chiếc tàu Thái Lan lại rú máy vượt qua mặt ghe chúng tôi một khoảng khá xa rồi quay đầu vòng lại, có lẽ với ý định cặp sát vào ghe chúng tôi. Trong mấy phút ngắn ngủi đó, tôi có ngay quyết định phải dùng súng để tự vệ, may ra thì ghe chúng tôi sẽ không bị cướp. Và tôi rút khẩu Colt-45 ra cầm trên tay rồi kéo cơ bẩm lên đạn. Nhưng vì đã kiệt sức sau mấy ngày đêm thiếu ngủ, tôi tự cảm thấy không còn đủ sức để cầm súng cho vững, và sẽ không thể nào nhắm bắn cho chính xác được. Vì vậy, tôi đã dùng cả hai tay chụm lại mà cầm khẩu súng, và nhờ Chí ngồi khom lưng xuống để tôi chống hai cánh tay cầm súng lên lưng của Chí, rồi chỉa súng hướng về tàu Thái Lan, sẳn sàng để bắn khi cần thiết. Trong lúc đó thì tôi giao cho Thiện giữ cần lái và điều khiển ghe. Và khi tàu cướp Thái Lan vừa trờ đến khoảng gần ngay bên hông, trong lúc chiếc ghe của chúng tôi đang chồng chềnh và lắc lư vì sóng biển, tôi đã cố gắng nhắm bắn liền hai phát vào mục tiêu dễ thấy nhất là cái phòng lái tàu, vừa cao lại có bật đèn bên trong. Đến hôm nay, tôi vẫn như còn nghe rõ tiếng vỡ loảng xoảng của khung kính nơi phòng lái của chiếc tàu cướp biển Thái Lan đêm đó, và vẫn còn hình dung rõ ràng hình ảnh viên tài công trúng đạn, bật đầu qua một bên. Ngay sau 2 tiếng súng nổ vang dội giữa biển, là những tiếng la thét hoảng loạn của những người trên chiếc tàu cướp Thái Lan, cùng với tiếng hét rất lớn của Chí: “Thôi! Thôi! Đừng bắn nữa!” mà tôi còn nhớ rất rõ. Rồi trong tích tắc, chiếc tàu cướp biển Thái Lan tắt hết đèn, rú máy quay đầu về hướng khác và vội vã phóng đi mất hút trong bóng đêm.
Sau vụ chạm trán ngắn ngủi kinh hoàng đó, tôi đã mệt đừ và tinh thần hết sức căng thẳng, nhưng vẫn phải cùng hai cậu em cho ghe tiếp tục lướt sóng đi tiếp về hướng Thái Lan, tất cả đều trong tâm trạng lo âu vì sợ gặp cướp lần nữa. Trên hải trình suốt vài giờ sau đó, tôi còn nhớ là đã thấy ánh đèn của vài chiếc tàu cá Thái Lan rất lớn, nhưng tất cả đều giữ khoảng cách thật xa với ghe của chúng tôi. Sau này khi vào đất Thái tôi mới hiểu là các tàu cá lớn đều có trang bị hệ thống liên lạc vô tuyến, và có lẽ chiếc tàu bị tôi bắn đã thông báo cho những tàu gần đó biết mà tránh xa ghe của chúng tôi.
Lúc hơn 1 giờ sáng, ba đứa chúng tôi đã bắt đầu thấy phía trước có những ánh đèn điện rất sáng, mặt biển cũng bớt sóng và trở nên phẳng lặng, và tôi hết sức vui mừng vì biết chỉ còn đi khoảng chừng 2 giờ nữa thì sẽ vào đến bờ Thái Lan. Đó là rạng ngày mùng hai Tết Tân Dậu (1981). Để tránh mọi sự bất trắc khi vào vùng đất lạ vào ban đêm và cũng vì đã kiệt sức, sau khi dặn dò hai cậu em phải luân phiên quan sát chung quanh, tôi quyết định thả neo cho ghe đậu lại để ngủ vài giờ cho tỉnh táo, rồi sẽ khởi hành vào bờ khi mặt trời lên. Trên đường tiến vào đất liền lúc sáng tinh sương với vận tốc rất chậm rãi như đang đi ngoạn cảnh, tấm bạt chống nước được gở khỏi khoang ghe, và mọi người chúng tôi đều cảm thấy vui sướng khi hít thở không khí tự do sau 3 ngày đêm trên biển. Cũng trong lúc đó, một vài chiếc xuồng máy nhỏ của dân địa phương đi bắt cá quanh bờ, đã chạy theo và cặp sát hai bên mạn ghe của chúng tôi chỉ chỏ và xin bất kỳ thứ gì mà họ thấy được trên ghe. Khi vào đến một con sông khá rộng mà hai bên có rất nhiều nhà sàn của dân địa phương với chợ búa bắt đầu nhóm họp, cho thấy rằng chúng tôi đã thật sự vào nơi an toàn, tôi còn nhớ đã đưa cho Đỗ Đình Trọn khẩu Colt-45 để nhờ thả xuống sông, vì Trọn lúc đó ngồi trong khoang bên mạng ghe gần sát với mặt nước.
Nơi đầu tiên mà chúng tôi đặt chân lên đất Thái là một làng của quận Khanom. Sau mấy ngày được cho tạm trú trong hội trường một cơ quan hành chánh địa phương, mọi người được chuyển vào trại tị nạn Songkhla do Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) điều hành, cách đó gần 300 cây số về phía Nam.
Ngay sau khi vào trại Songkhla, vụ tôi bắn tàu cướp Thái Lan khiến tôi gặp rắc rối khi bị cảnh sát và an ninh Thái hù dọa để điều tra, nhưng rồi cũng được ổn thỏa nhờ sự can thiệp hữu hiệu của đại diện UNHCR tại trại Songkhla. Và khi gặp vị đại diện phái đoàn JVA (Joint Voluntary Agency) của Mỹ trong lần phỏng vấn để xin đi định cư tại Hoa Kỳ, ông này cũng hỏi tôi nhiều chi tiết về chuyện “bắn cướp biển Thái Lan,” là một chuyện mà ông chưa từng được nghe qua trong suốt nhiều năm đã làm việc tại các trại tị nạn của người vượt biển.
Từ ngày đến định cư tại Hoa Kỳ, thỉnh thoảng được nghe biết về những chuyện thương tâm của người Việt trên đường vượt biển, rồi nhớ lại những gì đã xảy ra với tôi đêm mồng một Tết Tân Dậu năm 1981 trên Vịnh Thái Lan, tôi nhận ra cuộc đời mỗi người quả là có những may mắn do định mệnh an bài, chứ chẳng thể nói ai tài giỏi hơn ai. Đôi lúc tôi tự hỏi nếu đêm đó khẩu Colt-45 bị kẹt đạn, hoặc nếu tôi bắn hết 7 viên đạn mà tàu cướp biển Thái Lan không bỏ đi, thì không biết chuyện gì đã xảy ra sau đó? Vì vậy, tôi vẫn luôn cảm tạ Thượng Đế, và luôn hết sức trân quý những gì mình đã và đang có trong cuộc đời phù du này. Và trong những chiều ngồi nhìn cảnh hoàng hôn trên biển Cali, tôi thường dõi mắt về cố hương bên kia bờ Thái Bình Dương, thầm cầu nguyện cho vong linh những người cũng bỏ nước vượt biển ra đi như tôi, nhưng đã không có may mắn để thấy được bến bờ tự do.