Khi tìm hiểu về các phong trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp trong thời gian chúng chiếm đóng Nam kỳ, phần lớn các sử liệu đều biên chép đến các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân... hoặc các các cuộc nổi dậy tiếp theo do Đỗ Thừa Long, Đỗ Thừa Tự... cầm đầu. Khi các phong trào nổi dậy nói trên bị dập tắt, người đọc sử có cảm tưởng sau năm 1870 , hoặc muộn hơn một chút là từ năm 1875; sau khi Thủ khoa Huân bị bắt cho mãi đến đầu thế kỷ XX, hầu như trên địa bàn Nam Kỳ giặc Pháp đã trấn áp hoàn toàn mọi phong trào yêu nước.
Về địa bàn tỉnh Bến Tre, trong cuốn “Tỉnh Bến Tre trong lịch sử VN từ 1757 đến 1945” của tác giả Nguyễn Duy Oanh xuất bản năm 1971, khi viết về khoảng thời gian 10 năm cuối của thế kỷ 19 (1890-1900), tác giả chỉ cho biết:
“Hoạt động phá hoại của nghĩa quân tăng gia mãi khiến chính quyền địa phương phải lo ngại. Để đối phó với các cuộc phá hoại lén lút đó, viên Tham biện Bến Tre phải viết thư ngày 6-7-1891 về Sài Gòn xin tăng cường lính cảnh sát. Nghị định ngày 17-7-1891 cho phép Bến Tre tăng lên 41 viên cảnh sát.
Ngày 16-6-1892, nghĩa quân cắt 20 thước dây thép ở làng Tân Lộc, tổng Minh Hóa. Muốn quy trách nhiệm an ninh về hương chức làng, viên Tham biện đã ra lệnh phạt chung làng Tân Lộc số tiền 50 quan.” (Tỉnh Bến Tre..., sđd, tr. 228-229).
Thực ra tình hình không phải chỉ là như vậy.
Như chúng ta đã biết, ngày 5-7-1885, sau cuộc phản công thất bại, Tôn Thất Thuyết bí mật rút vua Hàm Nghi ra khỏi kinh thành Huế để ra Quảng Trị, lên sơn phòng Tân Sở. Năm ngày sau (1-7-1885), Tôn Thất Thuyết lấy danh nghĩa vua Hàm Nghi ban dụ Cần Vương. Ngày 1-11-1888, vua Hàm Nghi bị bắt đày sang Algerie. Từ khi nhà vua bị bắt, phong trào Cần Vương vẫn tiếp diễn khắp Bắc Trung nam cho đến những năm cuối cùng của thế kỷ XIX, trong đó có các cuộc vận động chống Pháp do Đào Công Bửu lãnh đạo từ những năm 1885- 1886 trên địa bàn Bến Tre, Mỹ Tho và năm 1893 trên nhiều tỉnh khác ở Nam Kỳ.
Gần đây, tác giả Nguyễn Phan Quang đã thu thập thêm được từ Kho lưu trữ ở Pháp nhiều tài liệu mới đề cập đến các cuộc nổi dậy ở Bến Tre và các tỉnh thành lân cận khác. Nội dung các tài liệu này được in trong tập “Việt Nam cận đại những sử liệu mới”. Tác giả cho biết từ những năm 1880 trở đi, mặc dù phong trào chống Pháp lắng xuống, nhưng đã chuyển thành những làn sóng ngầm không ngớt với nhiều cuộc vận động được nhen nhóm lên khắp nơi trên đất Nam Kỳ cho đến tận những năm cuối thế kỷ XIX , tiêu biểu là phong trào do Đoàn Công Bửu quê ở Bến Tre lãnh đạo.
Đoàn Công Bửu hay Đào Công Bửu sinh ở Trà Vinh, ngụ tại Bến Tre. Ông đến Rạch Giá đầu tháng 12-1893 và đã từng tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa năm 1867 ở Trà Vinh (chức Tổng Binh). Sau trận thua ở Cầu Ngang, ông chạy thoát về Bến Tre. Tiếp đó, trong các năm 1885, 1886, 1893, Đào công Bửu trực tiếp tham gia các cuộc vận động chống Pháp trên địa bàn Bến Tre, Mỹ Tho. Trong bản báo cáo của viên Tri huyện ở Sa Đéc ngày 5-6-1894 cho biết “Bửu là một tên phiến loạn rất ngoan cố”, và nếu kể cả lần mưu tính nổi dậy ở Rạch Giá năm 1894 thì Đào Công Bửu đã 5 lần lôi kéo, kích động dân Nam Kỳ chống lại người Pháp VN cận đại... (VN cận đại... sđd, tr. 155).
Nguồn tư liệu từ GS Nguyễn Phan Quang cũng cho biết cuộc vận động chống Pháp do Đào Công Bửu cùng một thủ lĩnh khác là Lê Công Chánh xảy ra năm 1894 là một phong trào rộng khắp các tỉnh Nam Kỳ, bao gồm Bến Tre, Gò Công, Mỹ Tho, Trà Vinh, Hà Tiên, Châu Đốc và cả tỉnh Gia Định. Để tránh sự truy nã của Pháp, Đào Công Bửu quyết định chọn một địa bàn thật xa Sài Gòn và các vùng trung tâm để đặt bản doanh cho toàn bộ cuộc vận động. Và Đào Công Bửu đã chọn Rạch Giá và Bến Tre.
Dưới đây lược trích một số nội dung trong các bản khẩu cung của Đào Công Bửu và các đồng chí của ông đã được người Pháp ghi lại hiện đang lưu trữ tại Pháp. Các nội dung này chủ yếu đề cập đến 2 địa phương là Rạch Giá và Bến Tre .
Ở bản doanh Rạch Giá:
Theo khẩu cung của Đào Công Bửu thì khoảng đầu tháng 12-1893, Đào Công Bửu từ Bến Tre đi Rạch Giá, giữa đường bị phát hiện. Bửu chạy thoát, quá giang qua Cù lao Dài, khoảng 10 giờ đêm ngày 5-12-1893 thì đến một cơ sở ở Rạch Giá. Tiếp đó ông đến Nước Mặn rồi đến cơ sở ở Rạch Cái Nhum.
Theo khẩu cung của một thủ lĩnh khác quê ở Rạch Giá, thời gian này Đào Công Bửu trú ẩn trong một ngôi chùa do nghĩa quân vừa dựng tạm ở Nha Sáp (làng Dục Tượng). Từ chùa này, Đào Công Bửu phong chức vụ như Chánh quản, Hiệp quản, Phó quản... cho các thủ lĩnh địa phương.
Biết thực dân Pháp đã đánh hơi được sự xuất hiện của mình ở Rạch Giá, Đào Công Bửu rút vào rừng Cái Nạng, rồi qua Gò Đất, lại tránh vào rừng rồi đi ghe về Cà Mâu. Bị truy nã ráo riết, Đào Công Bửu lại theo đường biển trở về Gò Đất, nhưng khi về đến Cái Nạng (Mông Thọ) thì bị bắt.
Theo bản báo cáo của viên Tri huyện Sa Đéc thì trong t hời gian ở Rạch Giá chỉ đạo phong trào chung, Đào Công Bửu đã giả dạng thầy lang, thầy pháp cao tay, có thể dùng bùa trị bệnh dịch tả, có khi bí mật đóng vai một viên sĩ quan đi tuyển mộ nghĩa sĩ theo mệnh lệnh của nhà vua xuất bôn (ý nói vua Hàm Nghi)... Bằng những thủ đoạn đó, Bửu đã che mắt nhà chức trách và đã ngầm tuyển mộ được nhiều “đồ đảng’’. Vẫn theo báo cáo này, sau khi bắt được Đào Công Bửu, thực dân Pháp và tay sai thu được nhiều giấy tờ gồm bằng cấp, châu tri, tuyên cáo... đều đóng dấu triện của Đào Công Bửu với chức hiệu “Nam Kỳ Chánh tướng quân Đào”.
Trong số giấy tờ trên, có một Mật truyền của Đào Công Bửu, nguyên văn chữ Hán, được dịch ra tiếng Pháp có đoạn như sau:
“Chúng tôi, Đào và lê (tức Đào Công Bửu và Lê Công Chánh) Nam Kỳ Chánh, Phó đại tướng quân, gửi Mật truyền này lệnh cho các Đốc binh các đạo, ghi tên vào sổ để nhận bằng cấp và quân lệnh... Mật truyền này gửi cho Chánh, Phó đốc binh đạo Kiên Giang là Huỳnh Công Sử và Nguyễn Hữu Trung để thi hành
Ngày 26 tháng 9 năm Hàm Nghi thứ 9
Nam Kỳ tướng quân Nguyên soái Đào Công Bửu
(Ký tên và đóng dấu)”
- Báo cáo của Chủ tịch tỉnh Rạch Giá ngày 26-6-1894 có đoạn: “Mãi đến tháng 4-1894, một viên quan bản xứ đắc lực của chúng ta (viên tri huyện đã dẫn) báo cho tôi biết có một tên lạ mặt đến hạt này thu nạp đồng đảng cho một cuộc bạo loạn sắp tới. Lúc đầu, tôi không tin, nhưng sau khi kiểm tra, tôi khẳng định tin này là hoàn toàn chính xác”. Báo cáo viết tiếp: “Đào Công Bửu là kẻ chủ mưu cuộc bạo loạn này, và y đã triển khai mưu đồ của mình chủ yếu tại địa bàn các tổng Kiên Định và Kiên Hải là những tổng khó kiểm soát nhất... Tôi có thể bắt được tên Đào Công Bửu sau những cuộc truy lùng kéo dài và hết sức vất vả”. (VN cận đại, sđd, tr. 157).
Hoạt động của Đào Công Bửu trong tỉnh Bến Tre:
Cũng từ nguồn tư liệu của thực dân Pháp, bao gồm khẩu cung của các tướng lĩnh nghĩa quân bị sa vào tay giặc và khẩu cung của chính Đào Công Bửu đã cho biết: Năm Đinh Mão 1867, Đào Công Bửu đi theo Nguyễn Từ Phong (?) tập hợp lực lượng chống Pháp ở xứ Tân Lập (tổng Vĩnh Trị, Trà Vinh) giữ chức Tổng binh. Bị thua trận ở Cầu Ngan, Nguyễn Từ Phong; nguyên soái bị bắt, Đào Công Bửu chạy thoát về Bến Tre, lánh ẩn ở nhà bà con bên họ mẹ.
Theo báo cáo của Chủ tỉnh Bến Tre Chabrier ngày 16-1-1894 thì thủ lĩnh Đào Công Bửu đã từng bị bắt và giam giữ ở Trà Vinh, sau đó đến cư ngụ ở Bến Tre 15 năm. Với chức Chánh tướng quân, Bửu là nhân vật chủ chốt trong toàn bộ mưu đồ chống Pháp ở Bến Tre, là “người tuyển mộ đồng đảng tận hạt Mỹ Tho, bổ nhiệm các tướng tá, phát bằng cấp, nhận của đóng góp bằng hiện vật và bằng tiền. Các thủ lĩnh các hạt khác đã bí mật liên hệ với Bửu trong các cuộc họp kín tại Chợ Lớn, Tân An và nhiều hạt khác”.
Báo cáo cho biết thêm: “Ngoài những mưu đồ đầu tiên ở Trà Vinh, Bửu còn mưu đồ lôi kéo dân Bến Tre nổi dậy hai lần, một lần vào năm 1886 nhân vụ nổi loạn ở Bình Thuận, và một lần vào năm 1890. Khi bị truy đuổi, Bửu nhân trời tối, nhảy xuống sông trốn thoát”.
Khẩu cung của Đào Công Bửu ghi: “Ở Bến Tre, tôi và Lê Công Chánh bắt đầu việc tuyển mộ nghĩa sĩ. 15 ngày au, chúng tôi đi Mỏ Cày tiếp tục việc tuyển mộ, nhưng khi thuyền đến chợ Bang Tra (chợ Bàu Tra) chúng tôi bị phát hiện, riêng tôi may mắn trốn thoát. Sau đó ít lâu, ngày 10 Annam (5-10-1893) tôi đi Rạch Giá”.
Về lực lượng của Đào Công Bửu trong tỉnh Bến Tre thì theo Sổ binh của Đào Công Bửu đưa cho Lê Công Chánh ngày 5-11- 1893, tại Bến Tre Bửu có đạo quân “Hoàng Trị” do Võ Tấn Đức làm Tham mưu và Nguyễn Chánh Sự làm Đề đốc, cộng thêm 40 nghĩa sĩ khác tại các tổng Bảo Thành, Bảo Lộc, Bảo Phước, Bảo An. Ngoài ra, ở tổng Bảo Ngãi có 17 nghĩa sĩ do Lê Tấn Tú làm Tham tán, ở Mỏ Cày có đạo quân “Duy Minh” gồm 18 tướng lĩnh thuộc các tổng Ninh Hóa, Bảo Ngãi do Nguyễn Văn Vân làm Thương biện.
Khẩu cung của Nguyễn Văn Nguyệt (tức Trần Chí Sĩ) lấy tại Bến Tre ngày 13-12-1893 viết: “Tôi, 43 tuổi, ở làng Giao Thạnh, tổng Minh Trị. Tháng 9 Annam, tôi được Đào Công Bửu cấp cho bằng Suất đội, cải tên là Trần Chí Sĩ. Bửu lại sai tôi mang một bằng cấp cho Đốc binh Nhị làm Phó quản (tên trong bằng được cải là Đặng Hữu Ngọc) và một bức thư sai Nhị lấy họa đồ để chuyển đưa cho Bửu...”
Báo cáo của Chủ tỉnh Bến Tre ngày 15-1-1894 cho biết: “Đã bắt được hơn 100 đồng đảng của Đào Công Bửu; trong đó có khoảng 20 người quê ở Mỹ Tho...”
Trong báo cáo của Thống đốc Nam Kỳ gởi Toàn quyền Đông Dương ngày 28-4-1894 có 18 tướng lĩnh và nghĩa quân của Bến Tre bị kết án cấm cố đày ra Côn Đảo.
Qua những sử liệu đó, chúng ta thấy rằng đã từng có các cuộc nổi dậy của các nghiã sĩ Bến Tre dưới sự lãnh đạo của Đào Công Bửu sau khi vua Hàm Nghi đã bị lưu đày sau binh biến năm 1883. Các cuộc khởi nghĩa đó đều bị thực dân và tay sai trấn áp dữ dội. Việc công bố các khẩu cung của các nhân vật liên quan sẽ góp phần bổ sung vào trang sử đấu tranh cách mạng hào hùng của quân và dân các tỉnh Nam Kỳ nói chung và Bến Tre nói riêng trong công cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược vào cuối thế kỷ XIX.
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Duy Oanh, Tỉnh BếnTre trong lịch sử Việt Nam (từ năm 1757 đến 1945), Phủ QVKĐTVH Sài Gòn xb,1971.
- Nguyễn Phan Quang, Việt Namcận đại - Những sử liệu mới, Nxb TPHCM, 1995.