Nỗi buồn cổ vật
Tháng Năm vừa qua, một nhà sưu tầm cổ vật ở San José báo cho tôi biết sắp có cuộc đấu giá họa phẩm Việt Nam hiếm quý tại Hong Kong.

Tôi liền liên lạc với công ty đấu giá để mua mục lục cuộc đấu giá nhằm thu thập thông tin, vốn là tài liệu về lịch sử văn hoá Việt Nam. Tôi được nhân viên công ty đấu giá hồi âm ngay, và họ rất lịch sử gửi biếu mục lục chứ không bán.

Hoá ra đây là bộ họa phẩm của người tên Tuan H. Pham ở thành phố San Diego, tiểu bang California. Tổng số 17 món đấu giá gồm bốn (4) bức tranh và một (1) bức tượng của họa sĩ Vũ Cao Đàm, bốn (4) bức tranh của họa sĩ Lê Phổ, hai (2) bức tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ và sáu (6) bức tranh của các họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Lê Thị Lựu, và Lương Xuân Nhị, mỗi người một bức.


Bìa mục lục cuộc đấu giá ngày 26.5.2019 tại Hong Kong ghi rõ “... An Important Collection of Vietnamese Paintings Featuring the Tuan Pham Collection.”

Năm 1975 Tuan H. Pham mới 13 tuổi cùng một người anh hay em côi cút di tản sang Hoa Kỳ. Tất cả cha mẹ anh chị em khác đều ở lại Việt Nam. Có lẽ hoàn cảnh như thế́ giúp Tuan H Pham cố gắng hơn những người chung quanh nên anh đã thành công về đường học vấn và ra đời thành công về phương diện tài chánh khi mở công ty Phamatech năm 1992. Tuan H. Pham tỏ ra người có lòng tốt với đồng hương khi anh tích cực giúp đỡ đồng bào tại miền Nam California qua sự bảo trợ các sinh hoạt cộng đồng như hội Tết, chương trình dạy Việt ngữ và văn hoá, chương trình phát thưởng cho học sinh xuất sắc, chương trình cấp học bổng cho sinh viên nghèo...

Vào cuối thập niên 1990 và trong một dịp nghỉ hè ở tiểu bang Florida, Tuan H. Pham tình cờ thấy một bức tranh vẽ bình hoa mà hậu cảnh là tháp Eiffel ký tên Le Pho bằng chữ Tàu và Việt. Anh mua ngay bức tranh và đó là khởi điểm cho hành trình tìm về gốc Việt.Chỉ trong một thời gian ngắn, anh bỏ thì giờ, công sức và tài chánh xây đắp được một bộ sưu tập tranh và cổ vật hiếm quý của tổ tiên người Việt. Đó là đồ đồng Đông Sơn, gốm thời Lý, Trần, Hậu Lê cùng hoạ phẩm vẽ trong các thập niên 1930-1980 của những họa sĩ tên tuổi tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật Đông Dương Hà Nội thời Pháp thuộc.Anh được hai công ty đấu giá quốc tế ca tụng có bộ sưu tập trác tuyệt (eminent collection, Clars ở thành phố Oakland, Bắc California,) và rực rỡ (splendid ).

Nhưng chỉ chưa đầy hai thập niên sau khi mua được nhiều họa phẩm hiếm và qúy, anh tuyên bố những bức tranh đó thật sự không phải của người hoạ sĩ sáng tạo mà cũng không phải của anh. Nay anh đã hoàn tất hành trình sưu tập và đến lúc để người khác bắt đầu cuộc hành trình của họ. Nguyên văn lời anh Tuan H. Pham trong Mục Lục của Christie's Hong Kong là thế này:”I have grown attacked to many paintings, but like the artists who painted it, it really isn't my painting, and it should continue to find its place among collectors. My journey is complete, and it's time for someone else to start his or her personal journey.” (CHRISTIE'S HONG KONG, 20th Century and Contemporary Art. Morning Session and Afternoon Session Including an Important Collection of Vietnamese Paintings Featuring the Tuan Pham Collection. 26 May 2019, trang 10).

Đây là lời tuyên bố bất thường có tính cách biện minh để anh liên lạc với một công ty có uy tín quốc tế hầu đem bộ sưu tập tranh Việt Nam của anh lên sàn đấu.

Ngay sau cuộc đấu giá thành công các họa phẩm Việt Nam tại công ty Christie's Hong Kong của Tuan H. Pham, một nhà sưu tầm và buôn bán cổ vật khác cũng ở Bắc California báo cho tôi biết là người này lại giao một số cổ vật đồ đồng, đồ gốm và tượng gỗ cho công ty Clars ở Oakland để bán đấu giá.


Trống Đông Sơn (nhỏ, đường kính 30cm) trong cuộc đấu giá ngày 16.6.2019 tại Oakland.


Cá nhân tôi rất hào hứng thêm một lần nữa. Và chúng tôi thông báo cho nhau để cùng tham dự, cũng là dịp các thân hữu nhiều năm chia sẻ thú vui sưu tầm cổ vật Việt. Tôi ở thành phố đảo Alameda ngay sát Oakland, thân hữu thì nhiều người ở San José, xa nhất là Santa Ana miền Nam California.


Thạp gốm đời Trần đấu giá ngày 16.6.2019.


Ngày đấu giá cổ vật ở Clars là Chủ Nhật 16.6.2019, nhưng chúng tôi đi xem từ hai ngày trước.Tôi đến Clars chiều Thứ Sáu 14.6 một cách háo hức. Được ôm ấp hai chiếc trống đồng trong tay mà ngắm vuốt là một cảm giác bồi hồi khôn tả. Mặt trống nhỏ còn thấy rõ những nét nhịp nhàng uyển chuyển của bầy chim Đông Sơn dù thời gian đã qua mấy ngàn năm và trên mặt kim khí. Linh mục Kim Định cả đời nghiên cứu để tập đại thành pho sách hàng 5-7 ngàn trang về “vũ khúc trống đồng” chưa chắc đã có hạnh phúc ôm ấp trống Đồng chim Lạc như tôi hôm nay! Được mở nắp chiếc thạp gốm hoa nâu thời Trần thế kỷ XIII-XIV mà mê mẩn nhớ về gốc nguồn tiên tổ. Được săm soi chiếc bình nhỏ bé với hoa văn mảnh nét hết sức thanh tú và mỹ thuật của nghệ nhân Chu Đậu mà hãnh diện về trình độ văn minh của tổ tiên thế kỷ XV. Được tự tay chụp hình chiếc mũ cánh chuồn của các đại thần triều Nguyễn mà thấy... tội nghiệp cho họ. Chiếc mũ mỏng manh trước sau đính rời rạc vài mẫu đồng và cặp cánh chuồn dùng lạt mây luồn viền bằng tay một cách thô thiển vụng về. Nhưng đó là cổ vật cùng thời với hai chiếc áo gấm thêu rồng và thêu phụng do triều Nguyễn để lại, dấu tích của văn minh thế kỷ XIX, bây giờ thấy tận mắt cũng là mãn nhãn.


Đĩa Chu Đậu đấu giá ngày 16.6.2019.


Sau hai giờ xem cổ vật Việt Nam bầy biện để sửa soạn bán đấu giá, tôi ra về. Ra đến cửa thì tôi giật mình thấy bầy dưới đất sát tường một nhóm tượng gỗ sơn son thếp vàng gồm bốn (4) tượng Phật và một cặp rùa đội hạc khổng lồ. Nhìn quanh, tôi thấy còn có ba (3) bức tượng Phật khác bầy dựa sau một bức tường thấp ở bên trong.Bẩy (7) bức tượng gỗ này tương đối nhỏ và tất cả đều tróc sơn loang lổ, dấu hiệu của thời gian tàn phá. Tượng Bồ Tát Quan Thế Âm nhỏ nhất, cao 1.04m, tượng Phật Thích Ca lớn nhất, cao 1.15m. Chỉ có cặp rùa đội hạc là cao bất thường, hơn 2.5m với đường nét rất Việt Nam, thanh mảnh mà sắc sảo.


Cặp rùa đội hạc đấu giá ngày 16.6.2019.


Rõ ràng tất cả đều là tượng thờ trong các chùa ở Việt Nam. Nhóm tượng thờ này anh Tuan H. Pham mua khi nào? Và ở đâu? Mua ở Hoa Kỳ hay Đông Nam Á? Ở Pháp hay Hà Lan? Ở Tầu hay Đại Hàn? Hay ở Việt Nam? Sao có gan mua tượng thờ lấy trộm từ chùa trong nước đem về nhà ở Mỹ chẳng bao lâu lại đem ra bán rao giữa chợ đời?

Tôi không hề có câu trả lời nào cho bất cứ một câu hỏi nào trên đây.

Chỉ tồn đọng trong tôi nỗi buồn mất mát. Mất di sản của tiền nhân! Mất quang cảnh các thế hệ già trẻ lớn bé con Phật bao đời chiêm bái khấn cầu, quỳ lạy trước mỗi pho tượng trong những ngày sóc ngày vọng.

Bây giờ, chính những pho tượng ấy đã bị người ta đem ra khỏi chùa khỏi nước, rồi đặt dưới đất vừa tầm với chân người qua lại.


Tượng Bồ Tát Quan Thế Âm 32 tay đấu giá ngày 16.6.2019.

Chia sẻ với một nhà sưu tầm cổ vật hiền lành đúng đắn ở San José, anh thản nhiên cho biết rằng anh đã từng thấy dân chơi cổ vật mua tượng Phật về và trịnh trọng dành cả một tầng lầu trong nhà để làm nơi thờ phụng.

Thật thế sao? Đã là người Việt mà không ý thức được rằng dù “trịnh trọng” đến mức nào chăng nữa cũng không thể biện minh cho việc dùng tiền bạc để đem tượng Phật mà thập phương bá tánh chiêm bái kính ngưỡng qua biết bao thế hệ về nhà mình mà thờ riêng sao?

Thử hỏi trong hoàn cảnh như thế, có Phật nào mà chứng cho họ?! Có Phật nào mà chỉ vụ nhà giầu?!

Những ai mua tượng thờ trong chùa do bọn ăn cắp ăn trộm ăn cướp đem về nhà riêng của họ có chút tâm Phật nào không, hay chỉ biết ngụp lặn trong vòng tham dục?Thế là tôi quyết định không tham gia đấu giá hai ba món Chu Đậu và chiếc thạp gốm đời Trần đã để ý trước đó hai ngày và chỉ đến để theo dõi một điều trần tục, là tiền bạc để biết bức tượng Phật Di Đà ngã giá US$12,300.00, bức tượng Phật Thích Ca US$7,380.00, bức tượng Bồ Tát Quan Thế Âm 32 tay US$7,380.00, và hai tượng Thị Nữ đứng hầu US$9,225.00. Riêng hai bức Thị Nữ quỳ và cặp rùa đội hạc chưa đúng giá nên công ty Clars chưa bán.Tiền bạc như thế, thảo nào không động đến lòng tham của con người, con người Việt Nam thế kỷ XXI?!Thông tin trong nước ngày 17.6.2019 cho tôi biết pho tượng Bồ Tát Quan Thế Âm 32 tay có thể là tượng “không thật” vì Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam tại Hà Nội cũng trưng bầy một pho tượng như thế. Chi tiết này làm tôi nhớ lại một kỷ niệm khi đi thăm chính Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam hồi tháng 9.2011 và thấy tượng La Hán chùa Tây Phương trưng bầy ở đó. Ngạc nhiên và bất ngờ nên ngay ngày hôm sau tôi lên tận chùa Tây Phương và mừng rỡ thấy rằng Thập Bát La Hán vẫn còn yên vị tại chùa. Hoá ra trưng bầy tại Bảo Tàng chỉ là bộ tượng làm “nhái” mà thôi. Vì thế, tôi chợt nghĩ không biết 2 bức tượng Bồ Tát Quan Thế Âm 32 tay, một ở Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam tại Hà Nội và một vừa bán đấu giá ngày 16.6.2019 tại Oakland, California thì pho nào là tượng gốc, và pho nào là tượng làm nhái?Trong cả hai trường hợp, một là tượng cổ thật, và hai là tượng “không thật,” tôi nghĩ đều ảnh hưởng đến thanh danh của người bán.Trường hợp thứ nhất, nếu tượng là tượng cổ, thì người bán đắc tội với thập phương bá tánh con cái nhà Phật như tôi đã trình bầy ở trên về phương diện tôn giáo và tinh thần. Trường hợp thứ hai, nếu tượng là tượng “không thật,” thì người bán mắc tội bán hàng nhái hàng mới trong một cuộc đấu giá cổ vật quốc tế về phương diện luật pháp