Mỹ Tho bút ký

Trần Bạch Thu

Năm 1679 Tướng Dương Ngạn Địch nhà Thanh (phản Thanh phục Minh) dẫn hơn 3.000 người Minh Hương theo đường biển vào cửa sông Soài Rạp, tiến thẳng về phía tây định cư bên ngã ba sông Mỹ Tho thuộc làng Mỹ Chánh.

Sau đó cùng với dân địa phương khai phá đất hoang, lập chợ buôn bán, hơn trăm năm sau trở thành Mỹ Tho Đại Phố. “Chợ Mỹ Tho tại huyện Kiến Hưng, thường gọi là chợ phố lớn. Nhà ngói, rui chạm, đình cao, chùa rộng. Sông sâu tàu thuyền, buồm giong qua lại như dệt cửi…” (Đại Nam nhất thống chí)

“Vị trí của Mỹ Tho thật tuyệt diệu. Nó chiếm một vị thế trung chuyển quan trọng vào bậc nhất cho các loại ghe chài to lớn từ miền Tây lên Chợ Lớn (Sài Gòn) qua con kinh Bảo Định và kinh Chợ Gạo. Mỹ Tho lại có con đường sắt đầu tiên của Đông Dương, con đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho và con đường thủy nối liền Sài Gòn với các tỉnh miền Tây lên tận Phnôm Pênh qua bến Tàu Lục Tỉnh Mỹ Tho...” (Địa phương chí Mỹ Tho 1902).

Như vậy rõ ràng về phương diện đất đai, sông ngòi, Mỹ Tho thuộc hàng đắc địa, vượng phát, thuận tiện để trở thành một trung tâm thương mại sầm uất vào bậc nhất của xứ Nam Kỳ xưa. Trải dài theo thời gian, thiên nhiên thường hay biểu lộ vài đặc trưng cho chúng ta biết và lý giải được phần nào về sự hưng thịnh của một vùng đất, dân cư làm ăn sinh sống trên đó, so với các nơi khác.

TỨ LINH TRÊN SÔNG MỸ THO

Long (Cù lao Rồng)

Cù lao Rồng tọa lạc trên dòng sông Mỹ Tho, chính thức được thành lập năm 1867 (sau Hòa ước năm Nhâm Tuất 1862), dài khoảng 4 Km, ngang chừng 400 m, đối diện bên bờ đất liền với các kiến trúc lâu đời của thành phố, nằm dọc theo Đại lộ Gia Long (nay là 30-4), bắt đầu là công viên Lạc Hồng, dãy phố cổ khách sạn Bungalow, Ty Ngân Khố, Ty Bưu Điện, Dinh Tỉnh Trưởng, Tòa Hành Chánh (Tòa Bố cũ).

Đặc biệt nằm sát bờ sông đối diện với cù lao Rồng là trại Thủy binh của Pháp (Căn cứ Hải Quân VNCH sau này), bên cạnh trại thủy binh là “cầu Tàu” nơi có chiến hạm của Nhật bị máy bay Đồng minh ném bom đánh chìm, lật nghiêng năm 1945, còn trơ mạn tàu đầy ốc vít rỉ sét bám đầy rêu, trồi lên khi “nước ròng.”

Đứng trên cầu Tàu nhìn thẳng sang bờ cù lao Rồng, ta có thể thấy cột ống khói của một chiến hạm khác cũng bị đánh chìm trong cùng một ngày, nhưng vẫn còn đứng trơ hình khi “nước rong”, giống như một chiếc tàu ngã nghiêng đang từ từ ngập nước.

Phía bên kia cồn là dòng sông chính mênh mông, nằm ở khoảng gần giữa dòng là một chiếc soái hạm Admiral Charner to lớn của Pháp đã bị Nhật đánh chìm ngày 10 tháng 3 năm 1945, cho dù nước lớn đến đâu cũng không ngập sàn tàu, trải qua hơn 20 năm rỉ sét, nhưng vẫn còn sừng sững như một soái hạm giữa một vùng nước bao la, bát ngát.

Mãi cho đến đầu thập niên 1970, nhất là khi lực lượng Hải quân VNCH phát triển thành lập những giang đoàn hoạt động trong các vùng sông rạch miền Nam và đồng thời Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 thành lập một căn cứ quân sự hỗn hợp Đồng Tâm rất quy mô, bề thế nằm cạnh bờ sông thuộc xã Bình Đức, Mỹ Tho thì chính quyền VNCH mới ký kết một hợp đồng với các hãng thầu phế liệu thuộc cơ quan USAID để trục vớt các tàu bè bị chìm trên sông rạch miền Nam trước đây.

Khi các xà-lan trục vớt đến Mỹ Tho, dân chúng hiếu kỳ tụ tập bên bờ sông rất đông để chờ xem việc gì sẽ xảy ra. Vì từ lâu trong dân gian đều đồn đại rằng cồn Rồng hình thành là do đất bồi lâu ngày (từ năm 1788) trên lưng của một con giao long to khủng và dưới nước có rất nhiều cá sấu sinh sống trong các ca-bin của mấy chiếc tàu chìm.

Cuối cùng, sau khi công việc trục vớt hoàn tất, sóng lặng gió êm, tàu bè đi lại an toàn, nhất là những người tắm lội trên sông không còn lo sợ thủy quái sát hại như lời đồn đại. Ngoài ra nhân dịp nầy một số cư dân có thân nhân bị tai nạn chết trên sông trước đây cũng lập trai đàn bên bờ sông để cúng cầu siêu vong linh người quá cố. Tất cả tạo thành một bầu không khí thật an bình.

Đến năm 1972, vào một buổi chiều, trời chỉ mưa giông, gió nhẹ nhưng đã làm trốc gốc cây đa cổ thụ hơn trăm tuổi trong công viên Lạc Hồng, dấu tích cuối cùng của ga xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho. Cây đa ngã đổ về hướng đông, phía ngã ba sông Mỹ Tho và rạch Bảo Định. Sau tai nạn có người chết do cây đè nên dân chúng có lập một miếu nhỏ để thờ.

Lân (Cù lao Thới Sơn)

Cách cù lao Rồng khoảng 3 km đường thủy về phía tây, cù lao Thới Sơn lớn nhất, gấp ba lần cù lao Rồng, dân cư đông đúc hơn cả, nằm ở giữa khúc sông rộng lớn không thấy bờ, đối diện xéo với căn cứ Đồng Tâm. Cây cối, vườn tược trên cù lao rất là sum sê, có nhiều loại trái cây như vú sữa, xoài, mận, quýt... đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Về địa thế, nơi nầy là trạm quan sát thủy lộ quan trọng, đồng thời cũng là căn cứ đóng quân phục kích rất thuận lợi. Nơi đây, các chiến thuyền của quân Tây Sơn trên cù lao Thới Sơn phối hợp cùng với bộ binh và đại bác trên bộ đặt tại các ngã ba sông thuộc khu vực Rạch Gầm, Xoài Mút, đã đánh tan hơn 2 vạn quân Xiêm (Thái Lan), đốt cháy gần 300 chiến thuyền của địch.

Rạng sáng ngày 19 tháng 1 năm 1785, đạn pháo nổ vang rền, lửa khói ngút trời, quân Xiêm tan tác, chiến thuyền cháy đỏ rực tạo thành một bức tường lửa trên sông Mỹ Tho, đánh dấu một chiến công lừng lẫy của Long Nhương Tướng Quân Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải đất Tây Sơn, Bình Định.

Quy (Cồn Quy)

Cồn Quy nằm cách trung tâm thành phố Bến Tre khoảng 22km đường sông, 12km đường bộ. Đây là cồn có diện tích nhỏ nhất trong 4 cồn. Cồn Quy được đặt tên theo quan niệm tứ linh với ý nghĩa hy vọng đời sống của bà con nơi đây luôn an lành, hạnh phúc.

Nơi đây mang một vẻ đẹp hoang sơ với nhiều cây ăn quả được trồng thẳng hàng vô cùng đẹp mắt. Một số loại ăn quả như chôm chôm, nhãn, vú sữa hay Sầu riêng Ngũ Hiệp được rất nhiều người yêu thích.

“Trái ngược với cồn Lân, cồn Quy là cồn nhỏ nhất thuộc Bến Tre. Điểm thích thú ở cồn Quy là đến nay nơi đây vẫn còn giữ nét hoang sơ với nhiều vườn cây ăn trái lâu năm, được trồng theo hàng, theo lối, nên nhìn rất thông thoáng và đẹp mắt. Dưới những tán cây, du khách nằm thư giãn trên những chiếc võng đu đưa cùng làn gió.”

Phụng (Cồn Phụng)

Nếu bến Bắc Rạch Miễu nằm đối diện ở đuôi cù lao Rồng thì bến Bắc Tân Thạch nằm nhìn ngang qua đầu cồn Phụng bên kia bờ sông Mỹ Tho thuộc địa phận xã Tân Thạch, Bến Tre.

Tuy nhỏ hơn cù lao Rồng và cù lao Thới Sơn nhưng cồn Phụng lại có các kiến trúc kiên cố, độc đáo, nhất là chùa Nam Quốc Phật, cùng với các đài tháp cao đúc bằng xi măng, sơn phết màu vàng rực rỡ nổi bật trên một vùng sông nước phù sa đỏ ngầu mênh mông, bát ngát.

Từ bến Bắc Tân Thạch người ta có thể đi đò ngang qua cồn Phụng dễ dàng, đến “giang sơn” của Đạo sĩ Nguyễn Thành Nam, biệt danh là Đạo Dừa nổi tiếng trên cả nước.

Đạo sĩ Nguyễn Thành Nam xuất thân từ một gia đình đại điền chủ ở đất Bến Tre, thuở nhỏ được gởi sang Pháp đi du học ngành kỹ sư Hóa Học, sau về nước làm việc tại Bộ Canh Nông ở Sài Gòn trong một thời gian ngắn, rồi sau đó bỏ đời, từ biệt gia đình lên núi Cấm ở Thất Sơn, Châu Đốc tu hành theo phái “Bửu Sơn Kỳ Hương.”

Sau 3 năm hành thiền dưới chân cột “phướn” (cờ) của chùa, ngày cũng như đêm cho đến khi đắc đạo, ông trở về quê cũ Ba Lai, Bến Tre truyền đạo và thu nhận đệ tử khắp nơi. Điều đặc biệt là ông chỉ độ nhật bằng nước dừa tươi, không ăn bất cứ một thứ thực phẩm nào khác nên từ đó ông có thế danh là Đạo Dừa.

Năm 1968, sau chiến cuộc Mậu Thân, cả một vùng trồng dừa bạt ngàn ở Bến Tre bị bom đạn cưa đứt ngọn, vì quá nhiều nên các chủ nhân nhà vườn không có đủ khả năng đốn hạ và tiêu hủy để trồng lại cho nên đã kêu gọi “cho không” mọi người, ai muốn đến đốn cũng được. Ông Đạo Dừa nhân cơ hội ấy đã huy động các đệ tử cùng thợ cưa xẻ gỗ trong vùng đến đốn hạ để “cứu nhân độ thế” và khiêng tất cả ra cồn Phụng, lớp thân dừa non thì đóng cừ trên bãi đất bồi ở đầu cồn, còn thân dừa lão thì xẻ ra làm ván đóng sàn ở bên trên.

Dần dần, ông Đạo Dừa xây dựng trên bãi đất bồi ở đầu cồn thành một khu cư trú ổn định và từ đó ông chuyển nơi tu hành từ Ba Lai ra cồn Phụng, xây dựng chùa Nam Quốc Phật cùng sân gạch tráng xi măng kiên cố làm chánh điện lộ thiên rất nguy nga, nhất là 9 cây cột tháp to, cao có chạm trổ hình rồng quấn quanh cột tháp (Cửu Long.) Ngoài ra còn có cửu trùng đài và trạm thiên văn trưng hình Đức Phật Thích Ca ở trên cao chót vót.

Đặc biệt ông còn cho đúc một “cổ đỉnh” thật lớn bằng xi măng, cốt thép đặt giữa sân chầu chánh điện mà toàn bộ bề mặt bên ngoài, chung quanh cổ đỉnh được cẩn vô số miễng sành, sứ thuộc các niên đại cổ xưa mà ông đã thu mua khắp nơi đem về cho thợ cẩn. Bên cạnh đó, ông còn thỉnh một đại hồng chung từ ngoài Huế đưa vào và có làm lễ cung thỉnh rất uy nghi, trang trọng.

Dân cư trên cồn bắt đầu tăng lên đáng kể, số đệ tử năm 1972 lên đến hằng ngàn người, cộng thêm với dân chúng từ đất liền di cư qua cồn cất nhà, làm ăn, buôn bán ngày càng đông.

Ban quản trị trên cồn cũng có đặt ra những luật lệ riêng, cũng chia thành tổ, khóm sinh hoạt theo ngành nghề, cũng có các lớp học dạy chương trình tiểu học cho trẻ em. Tất cả đệ tử hàng ngàn người, nam nữ đều mặc y phục màu nâu giống nhau, bới tóc và tập trung ra sân chầu đọc kinh theo thời khóa biểu từng nhóm.

Sở dĩ dân cư trên cồn ngày càng phát triển rất nhanh là vì ông Đạo Dừa chủ trương chung sống hòa bình hay “bất chiến tự nhiên thành”, phản đối gay gắt cuộc chiến tranh Quốc-Cộng lúc bấy giờ và một nhân vật phản chiến, con trai của văn hào người Mỹ John Steinbeck năm 1971 cũng đã từng viếng cồn Phụng, tiếp kiến và trao đổi với ông Đạo Dừa, có lưu bút tich trong sổ lưu niệm.

Do đó một số đông trai tráng đến tuổi thi hành nghĩa vụ quân dịch đã trốn qua đây, gia nhập vào các tổ chức đạo hữu hoặc chỉ đơn thuần làn ăn sinh sống bình thường miễn là tuân theo luật lệ trên cồn.

Với các kiến trúc màu sắc rực rỡ đã làm cảnh trí nổi bật trên sông khiến lâu dần cồn Phụng nổi tiếng là một địa điểm đi đến vui chơi, ngắm cảnh trên sông của dân chúng quanh vùng. Du khách đến viếng chùa ngày càng đông, dịch vụ ăn uống và đưa đón qua lại trên sông rất ồn ào, náo nhiệt.

Đăc biệt thức ăn tại các quán trên cồn chỉ toàn là đồ ăn chay, cấm bia rượu. Đoàn du khách nào trên 10 người sẽ được ban tiếp tân đưa đến hội trường để được hướng dẫn và tham khảo các chương trình sinh hoạt cũng như mục đích và tôn chỉ của chùa. Sau đó được giới thiệu sang phòng bảo tàng trưng bày hình ảnh trên tường cùng với sách, báo đủ loại ghi lại các bài viết, phóng sự về hoạt động của ông Đạo Dừa (xưng là Cậu Hai).

Thuê xuồng máy đuôi tôm (Kohler) vừa đủ năm, mười người đi trên sông gió mát, ngắm cảnh hai bên bờ vào những buổi chiều tà nắng đẹp. Lại hiểu biết thêm về một môn phái tu tập khác biệt ở miền Nam cũng là một điều rất thú vị.

Lúc sau nầy, sau khi có các cuộc hành quân bố ráp của Cảnh Sát Quốc Gia bắt hết các thanh niên đến độ tuổi thi hành quân dịch, không phân biệt thành phần đệ tử hay dân thường thì ông Đạo Dừa cho đóng một thuyền Bát Nhã, giăng đèn sáng rực để những ngày rằm thả trôi từ từ trên sông dọc theo bờ thị xã Mỹ Tho, gióng chuông theo từng hồi kinh cầu nguyện cho các đệ tử bị bắt, đồng thời cũng cầu cho quốc thái dân an.

Hình ảnh một chiếc thuyền Bát Nhã trôi trên sông vào nhừng đêm rằm trăng sáng đã tạo thành một không gian tĩnh lặng, cảnh đẹp huyền diệu thật vô cùng thích thú cho người thưởng ngoạn.

Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, chính quyền mới tịch thu toàn bộ công trình kiến trúc trên cồn, giải tán các đệ tử, buộc họ phải trở về quê cũ và bắt ông Đạo Dừa đi tù cải tạo một thời gian dài cho đến khi thả ra chỉ một ít lâu sau thì ông mất.

VÀM KỲ HÔN

Tháng 5 năm 1782 Nguyễn Huệ đem 100 chiến thuyền tiến đánh vào Gia Định lần thứ hai, giao tranh với quân Nguyễn Ánh, giằng co cả mấy tháng trời, cuối cùng quân Nguyễn Ánh đại bại chạy về Ba Giồng (Định Tường) Quân Tây Sơn quyết tâm truy cùng diệt tận nên Nguyễn Ánh không còn con đường nào thoát, phải liều mình dẫn tàn quân theo đường sông ra biển.

Khi vừa đến địa bàn xã Mỹ Chánh, nhờ quân lính của Nguyễn Ánh là người địa phương quen thuộc đường xá nên thay vì đi thẳng ra bến Tắm Ngựa, có thể quân Tây Sơn thẳng đường đuổi theo kịp nên đoàn tùy tùng của Nguyễn Vương đã đi tắt (chừng 5km) băng qua Gò Cát, Mỹ Phong đến một con đường ngắn (Lộ Vàm ngày nay) giáp ranh xã Song Bình, dẫn vượt qua bên kia xã Xuân Đông rồi xuống Vàm Kỳ Hôn dong thẳng ra biển.

Tương truyền rằng, khi Nguyễn Vương thất trận bị quân Tây Sơn truy đuổi chạy ráo riết, phía sau quan quân Tây Sơn đuổi theo bén gót. Nguyễn Vương ngửa mặt lên trời than:

- Nếu Hoàng Thiên còn tựa dòng họ Nguyễn nầy thì xin dung rủi làm sao cho quân Tây Sơn lạc lối.

Khấn xong, vua, tôi lại tiếp tục chạy một đỗi xa qua sông rồi ngồi xuống bên bờ sông chờ chết, vì quá mệt mỏi.

Chờ một hồi lâu không thấy địch đến, ai nấy đều lộ vẻ vui mừng vừa thoát khỏi nạn. Nguyễn Vương cho người quay lại đường cũ thám thính xem tình hình vì sao quân Tây Sơn không đuổi theo. Quân lính về báo cho Ngài rằng thấy toàn là dấu chân của một giống vật gì đã dẫm nát cả một vùng làm mất hẳn dấu chân của đoàn tùy tùng. Còn đang tìm hiểu thì một bầy rái cá từ dưới sông nhô lên chạy vào bãi cát, đôi tay ôm cá, tôm. Nguyễn Vương liền phán rằng:

- Có lẽ nhờ bầy rái cá này dẫm lên làm mất dấu chân nên quân Tây Sơn mới bị lạc. Tuy nó là giống vật nhưng có công cứu chúa. Vậy để đáp lại công ơn, Trẫm sắc phong cho chúng là: “Lang Lại đại tướng quân.”

Lạ thay, bầy rái cá hình như nghe hiểu nên tỏ vẻ mừng rỡ, múa nhảy lung tung một hồi mới kéo nhau lặn xuống sông cái. Nguyễn Vương và thuộc hạ tiếp tục lên đường.

Từ đó mọi người loan truyền câu chuyện lạ lùng nầy, theo âm điệu tán thán của người dân địa phương là “kỳ hôn?” Lâu dần, trở thành tên gọi chính thức Vàm Kỳ Hôn cho khúc sông bát ngát này.

Trước đây ngay tại ngã ba Vàm Kỳ Hôn và kênh Chợ Gạo có một miếu nhỏ để thờ “Lang Lại đại tướng quân” và đình Điều Hòa (Mỹ Tho) còn giữ sắc phong của Vua Gia Long.

CHÙA LINH THỨU

Chùa tọa lac tại xã Thạnh Phú, Huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cách thành phố Mỹ Tho chừng 12 km. Khởi thủy khi xây chùa, thầy địa lý phán “Chùa này phong thủy rất đẹp, lại ở nhằm mạch suối rồng, ngày sau sẽ có chơn mạng Đế Vương đến ngự”. Nhân đó mới đặt tên là “Long Tuyền Tự”, tức là chùa suối rồng.


Chùa Linh Thứu.

Đến hồi phân tranh quyết liệt giữa nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn Ánh, biết bao lần quan quân Tây Sơn Nguyễn Huệ vào Nam quyết tâm tiêu trừ Nguyễn Ánh, nhưng cơ trời luôn phò độ chúa thoát chết nhiều lần, chỉ trong gang tấc.

Có một lần Nguyễn Ánh đại bại, quan quân tan tác chỉ còn cách giả dạng thường dân tìm đường lẫn trốn, khi đến chùa Long Tuyền vào buổi chiều mưa, nhá nhem tối xin tá túc, Hòa thượng trụ trì Nguyệt Hiện Thiền Sư (Nguyễn Phước Chánh) là người thông minh, xem dung mạo cử chỉ và xét tình thế hiện tại cũng đã thầm nghi, nhưng chẳng nói ra, chỉ tiếp đãi tử tế mà thôi. Lúc ấy Nguyễn Ánh vì lo nổi nhà thế nước, thân thể lặn lội gió sương, nên cảm phải chứng thương hàn, ăn ngủ không an, tinh thần hoảng hốt, bệnh tình chỉ tăng chứ không giảm. May thay, Hòa thượng trụ trì là người giỏi về dược thảo, thấy vậy động lòng từ bi, nguyện xin điều trị.

Nhân khi điều trị, Thiền Sư thấy rõ nỗi ưu tư của vua, lại sẵn có lòng nghi, nên cạn lời thưa hỏi. Nguyễn Ánh thấy Hòa thượng là người có vẻ từ bi, đạo hạnh, tính cách trung hậu nên Ngài nhận thật. Từ đó, Hòa thượng gia tâm lo bề thuốc thang, cơm cháo.

Vài hôm sau, vua vừa khỏe thì quân Tây Sơn đuổi đến ruồng bắt. Lạ thay cửa chùa lúc ấy thoạt nhiên nhện giăng bít phủ cả lối vào, cảnh trông hoang vắng, như đã lâu ngày không có người đặt chân đến.

Khi quân Tây Sơn rầm rộ đến nơi, thấy đường xá cỏ tranh rậm rạp, mạn nhện phủ che, do dự hồi lâu, rồi có lẽ nghĩ chắc không có ai, nên kéo nhau đi thẳng, nhưng sau đó bọn họ quay lại vào chùa lục soát. Lúc ấy trong chùa, chúa tôi hoảng hốt, chưa biết nơi nào ẩn thân, thì Hòa thượng trực nhớ cái Đại hồng chung trên đại điện, liền quì xuống tâu xin vua tạm vào trong đó lánh nạn.

Chính nhờ thế mà đức vua thoát nạn. Ấy cũng bởi Nguyễn Ánh là vị chơn mạng Đế vương và cũng nhờ Tam Bảo oai linh, nên khiến thánh thần mặc hộ.

Đức vua còn ở lại chùa vài ngày, bịnh tình đã thuyên giảm, bèn tính việc rời chân đi, nhưng Hòa thượng thấy vua trong mình hãy còn yếu, nên hết lời mời vua ở lại thuốc thang cho thật khỏe rồi hãy đi. Nhưng đức vua vẫn một dạ quyết định, biết thế cản ngăn không đặng, Thiền Sư sắm sửa lương phạn cùng đồ hành lý, rồi lén đưa chúa tôi đến Hà Tiên.

Đến khi Nguyễn Ánh an bang phục quốc rồi, nhớ lại chuyện cũ, bèn hạ chiếu chỉ, mời Hòa thượng trụ trì lai kinh. Cảm ơn Phật lực hộ trì, đức vua tu bổ và phong hiệu cho chùa là: “Sắc Tứ Linh Thứu Cổ Tự”, lại cũng vì nhớ công phụng sự, vua sắc phong cho ngài Nguyễn Phước Chánh hàm ân là Mẫn Huệ Thiền Sư Đại Lão Hòa Thượng.


Tháp chùa Linh Thứu.

CÂY ĐA NHÀ THẦY NĂM THƯỞNG

Dọc theo đường rầy xe lửa từ chợ Cống (ngã ba Đạo Thạnh) chạy dài theo đường “Vòng lớn” cho tới sở lục lộ là xóm dân di cư từ các vùng chiến tranh đến đây cư trú, nhà cửa cất lên san sát hai bên đường rầy. Qua xóm cây “Dái ngựa” gần chợ Vòng Nhỏ, đường rầy bẻ ngoặt chạy cặp theo bờ sông, bên trái là giếng nước với hàng hàng cây đa cổ thụ rậm rạp nằm dọc theo đường Ngô Tùng Châu (Lê Thị Hồng Gấm ngày nay), còn bên phải, tàng cây che phủ trên những căn nhà sàn cất sát bờ sông thuộc xóm “Hãng xáng.”

Đi một đoạn ngắn nữa là đến bến Bắc Rạch Miễu, ty công chánh, ty kiến thiết với tháp nước cổ lỗ sĩ ở trên cao, cùng với nhiều cây đa nằm lẫn lộn giữa nhà dân và khu công sở.

Từ ngã tư đường ông bà Nguyễn Trung Long (Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay) và bến Bắc Rạch Miễu, đường rầy xe lửa chạy song song với đại lộ Gia Long cho đến cuối con đường là ga xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho nằm giáp với ngã ba sông Mỹ Tho và rạch Bảo Định (Công viên Lạc Hồng). Đến đây chỉ còn vài cây thưa thớt trong vườn hoa công viên và đặc biệt chỉ còn cây đa bên cạnh cầu Tàu là cao to hơn cả, gốc rễ lộ thiên chiếm một diện tích rất lớn, rễ phụ từ các nhánh trên cao thòng xuống tới mặt đất đâm rễ tạo thành những gốc cây to bao quanh gốc cây chính.

Theo thời gian do nhu cầu sửa sang, mở rộng giao thông, chánh quyền đốn hạ các cây đa nằm sát mặt đường, còn cận khu nhà dân thì họ tự chặt dần cho đến khi không còn dấu tích của rừng cổ thụ hàng trăm năm.

Thông thường thì các cây đa nằm ở gần các giao lộ đều có các miếu thờ đặt ở dưới gốc nên còn sót lại vì mọi người đều tin rằng miếu thờ dưới gốc cây đa càng to thì càng linh thiêng và trấn áp được ma quỷ nên ít ai dám đốn hạ.

Đến thời Pháp thuộc chánh quyền cho xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ cho nhu cầu cai trị của họ, ở Nam kỳ nổi bật nhất là ở tỉnh Mỹ Tho, họ cho xây cầu Quay để từ Chợ Cũ mọi người có thể di chuyển dễ dàng qua khu phố mới ở phía tây như tòa Bố (Tòa Hành Chánh), dinh Tỉnh Trưởng, trường College de My Tho (1879), bệnh viện, viện dưỡng lão v...v... Đồng thời họ cũng cho lót đá hay tráng nhựa các con đường chính trong tỉnh nối liền với quốc lộ 4 đi Sài Gòn hay các tỉnh lân cận.

Hai bên lề những con đường mới, họ cho trồng me thẳng hàng khắp tỉnh lỵ, tạo thành những con đường rợp bóng mát, đặc biệt vì lá me chua rụng đầy dưới đất, không cỏ dại nào sống nổi nên đã làm thành những khoảng đất dọc theo hai bên đường rất thông thoáng.

Tuy vậy, cũng vẫn còn những cây đa cao to nằm rải rác quanh vùng chợ mới và tập trung nhiều nhất là ở khu vực quanh ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Lý Thường Kiệt. Ở đây, trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, dưới gốc các cây đa nằm trên lề đường, một số thợ hớt tóc treo gương, bắc ghế đẩu hành nghề vào ban ngày, chiều tối dọn dẹp đồ nghề, tháo gỡ mọi thứ trả lại vĩa hè cho khách bộ hành đi lại.

Có người cho rằng do các thầy địa lý xin cho một số thợ hớt tóc dạo treo gương hành nghề để khi mặt trời mọc, ánh sáng sẽ dọi lên những tấm gương, phản chiếu qua bên kia đường tác dụng như là “gương chiếu yêu” trấn yễm, triệt trừ ma quỷ.

Cũng trong khu vực nầy, kể từ khi thầy Năm Thưởng phá dở căn nhà ngói cũ của gia đình để xây lại thành một ngôi nhà mới theo kiểu biệt thự nóc bằng, trổ cửa về hướng nam, đường Lý Thường Kiệt đã gây ra một số lời đồn đại. Thiên hạ bàn tán, xì xầm rất nhiều trong dư luận xã hội.

Dĩ nhiên về phương diện giấy phép đốn cây và xây cất thì rất dễ dàng, thông suốt vì lúc bấy giờ thầy Năm đã là cha vợ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Nhưng về phương diện tâm linh và dư luận bên ngoài thì lại là cả một vấn đề khó khăn, phức tạp.

Khi nói đến vấn đề tâm linh hay tín ngưỡng trong việc xây cất nhà cửa thì thường hay theo phong thổ, địa lý để mong sao cho mọi sự hạnh thông và vượng phát. Người bình dân luôn trọng vọng vào các ông thầy thuốc bắc, chuyên bắt mạch và viết toa thuốc bằng chữ Nho để bệnh nhân có thể ra các tiệm mua thuốc đem về sắc uống, như ở tiệm Trường An Đường có thầy Hai Khá, bác ruột của Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm (Thứ trưởng Bộ Giáo dục), thầy Ba Thơm ở tiệm Đức Sanh Đường, thầy Năm Thưởng ở tiệm Thọ Nam Đường ... Có nhiều khi các thầy thuốc lại là người am hiểu phong thổ, địa lý nên người dân thường rất tin cậy.

Thầy địa lý phán đốn hạ cây đa ở đường Lý Thường Kiệt sau nhà thầy Năm Thưởng sẽ biến cuộc đất ở đây trở thành vượng địa, triệt trừ âm khí, nói nôm na là trừ được ma quỷ ở quanh vùng.

Sở dĩ người ta tin như vậy là vì đối diện với khu nhà thầy Năm là cư xá sĩ quan Nguyễn Thái Học và trại gia binh, bên cạnh đó, ở đây trước kia thời Pháp thuộc còn có nhà xác, các binh sĩ tử trận đều được đưa về đây để đội chung sự lo việc tẩn liệm, chờ thân nhân đến lãnh đưa về quê quán chôn cất. Tiếng đồn rằng thường đêm có những tiếng hú quanh quẫn trên những hàng cây cao âm u, hòa quyện với tiếng gió làm thành một không gian thật ghê rợn.

Mằc dù sau nầy, nhà xác đã được chuyển đổi, di dời vào bệnh viện dã chiến quân y được xây cất rất xa khu cư xá, nhưng lời đồn đại vẫn còn và tiếng hú hằng đêm cũng không bao giờ dứt, mãi cho đến khi đốn hạ được cây đa ở sau nhà thầy Năm thì mới êm. Từ đó cả khu vực nầy không còn những lời đồn đại ma quỷ về quấy phá nữa.

Một chút chuyện cũ, gia đình thầy Năm Thưởng rất nhân đức, ngoài nghề nghiệp hàng ngày giúp đỡ dân tình, xem mạch, bốc thuốc ở tiệm, ngày thường ở nhà, thầy còn xem mạch giùm, không lấy tiền và cho toa để người bệnh ra chợ bổ thuốc.

Còn bà Năm và các con nhận nấu cơm tháng cho người quen ở quê ra tỉnh, đồng thời cũng cho các sĩ quan độc thân trong cư xá, ở bên kia đường. Thậm chí, người quen thâm tình còn được ở trọ tại nhà ông bà. Sau nầy, có nhiều người trong số họ đã thành danh, giữ những địa vị cao trong xã hội.

Thật sự, sau khi căn biệt thự, kiến trúc rất đơn giản giống như các ngôi nhà khác ở trong vùng ra đời thì tình hình an ninh xã hội ở khu vực lại được cải thiện rất tốt vì cảnh sát an ninh luôn lãng vãng ở quanh đây khiến cho xóm nhà lá đối diện xéo, ngang giếng nước là xóm “Hàng còng” rất lộn xộn, tệ nạn xã hội, đỉ điếm lan tràn, nổi tiếng khắp tỉnh lỵ phải giải tán.

Thế rồi biến cố Tết Mậu Thân 1968 xảy ra, bộ đội cộng sản nửa đêm nổi dậy tấn công thị xã Mỹ Tho. Theo điều nghiên quân sự thì mặt phía tây bắc thị xã là yếu nhất, hơn nữa từ vùng căn cứ “Giáp Nước”, Đạo Thạnh bộ đội băng ngang rạch Bảo Định là bắt cầu được với chợ Thạnh Trị, bến xe đò cũ, và chỉ băng qua con đường Nguyễn Tri Phương là tiến tới các cơ quan quân sự như Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 7, thành Quang Trung (tiểu khu Định Tường), Tòa Hành Chánh, Dinh Tỉnh trưởng ...

Đang trên đà tiến quân nhanh chóng, cả tiểu đoàn chủ lực tự nhiên bị khựng lại vì gặp phải hỏa lực rất dữ dội từ dưới các gốc đa ven bờ giếng nước, nhất là từ phía bên hông nhà Thầy Năm Thưởng, bộ đội cộng sản chết chất đống như rạ, đến độ sau nầy chánh quyền cộng sản đã đặt tên cho con đường nầy là đường Tết Mậu Thân.

Họ thất bại không ngờ là vì Tết năm ấy, Tổng thống Thiệu về Mỹ Tho ăn Tết nên tiểu khu đã điều động một đơn vị thiết giáp án ngữ khu vực giếng nước cạnh nhà thầy Năm Thưởng, tạo thành một yếu tố bất ngờ khiến bộ đội cộng sản thiệt hại nặng nề mà không tiến lên được bèn rút lui khi trời chưa rựng sáng, nhờ đó mà các cơ sở trọng yếu trong tỉnh cũng như khu dân cư trong vùng còn nguyên vẹn không bị thiệt hại.

Sau nầy khi giang sơn đổi ngôi, nhà đổi chủ, căn nhà thầy Năm Thưởng được giao cho Phó Bí Thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Niềm (Ba Niềm) làm nơi cư trú, tuy chưa phải là chủ mà biết bao nhiêu tai họa đã đổ xuống cho gia đình ông kể từ khi dọn vào.

Có người biết xem thuật tướng số cho rằng “mạng mỏng” mà ở trên cuộc đất dành cho chánh vì vương thì làm sao mà trụ được. Chưa mất mạng đã là may. Tư đó Ba Niềm từ bỏ căn nhà nói trên và chánh quyền biến ngôi nhà nầy thành nơi công cộng.

Kết thúc đôi điều về phong thổ, nếu trên sông Mỹ Tho giáp ranh với Bến Tre có 4 dãy cồn “Long Lân Quy Phụng” (cồn Rồng, cồn Thới Sơn, cồn Quy và cồn Phụng) làm thành một bức bình phong che chắn đất đai và con người khỏi sóng xô bão táp, thì còn đây là những bậc hào kiệt gắn liền với đất Mỹ Tho lưu danh thiên cổ.

Tại ngã ba sông Mỹ Tho, án ngữ bởi cù lao Rồng, năm 1875, nhà ái quốc Nguyễn Hữu Huân đã bị áp giải xuống đò, xuôi theo rạch Bảo Định về quê nhà xã Mỹ Tịnh An, Bến Tranh để thọ hình, ông đã cảm khái làm một bài thơ tuyệt mệnh gởi cho người nhà, đồng thời cũng gởi lại cho đời sau.

Tuyệt mệnh thi
Hãn mã nan kham vị quốc cừu,
Chỉ nhân binh bại trí thân hưu.
Anh hùng mạc bả doanh thâu luận,
Vũ trụ trường khan tiết nghĩa lưu.
Vô bố dĩ kinh Hồ lỗ phách,
Bất hàng cam đoạn tướng quân đầu.
Đương niên Tho thủy ba lưu huyết,
Long đảo thu phong khởi mộ sầu.

(Nguyễn Hữu Huân)

Ruổi dong vó ngựa trả thù chung,
Binh bại cho nên mạng phải cùng.
Tiết nghĩa vẫn lưu cùng vũ trụ,
Hơn thua sá kể với anh hùng!
Nổi xung mất vía quân Hồ Lỗ,
Quyết thác không hàng, rạng núi sông.
Tho Thủy ngày rày pha máu đỏ,
Đảo Rồng hiu hắt ngọn thu phong.

(Phan Bội Châu dịch)

Một trăm năm sau, ngày lên đoạn lầu đài của nhà ái quốc Nguyễn Hữu Huân (Thủ Khoa Huân), cũng tại bờ sông Mỹ Tho, một vị tướng tài ba thời cận đại cũng đã viết một bức thư tuyệt mệnh cùng với di vật gởi lại cho mẹ già trước khi uống độc dược tuẫn tiết vì không giữ được thành lúc vận nước đã đến hồi mạt vận, chưa giao chiến mà binh sĩ đã tan hàng do lệnh đầu hàng của thượng cấp.

Hai tiếng đồng hồ sau khi có lệnh buông súng đầu hàng trên toàn quốc, ông còn tập họp ban tham mưu cùng các sĩ quan thân tín để quyết định cho binh lính tuân lệnh rã ngũ trở về nguyên quán với gia đình. Riêng ông một mình vào phòng làm việc trong căn cứ Đồng Tâm khóa kín cửa ra vào cho tới khuya, ông nghiêm trang mặc quân phục ngồi vào bàn, trên có lá cờ hiệu một sao, nhẹ nhàng mở ngăn tủ lấy ra và uống hết một ống thuốc 20 viên ... để không bao giờ tỉnh dậy nữa.

Tướng Quân Trần Văn Hai đã đền nợ nước rạng sáng ngày 1 tháng Năm năm 1975.

Tựu trung lại, đất Mỹ Tho nói riêng và cả miền Nam nói chung là nơi sản sinh ra những bậc hiền tài cứu nhân độ thế, con người ở đây luôn ghi đậm câu “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả” nên có thể thấy lúc nào và ở đâu họ cũng luôn phù trợ người yếu thế, giúp đỡ kẻ cơ nhỡ mà không cầu báo đáp. Nhưng “hoàng thiên hữu nhãn” luôn ban ơn cho dân lành ở nơi đây thoát khỏi những đại họa do thiên tai gây ra như cuồng phong, bão lụt hoặc địch họa như chiến tranh làm chết hàng triệu triệu người “sinh Bắc tử Nam.”

Âu đó cũng là trên thuận lòng trời, dưới hợp lòng người vậy.