Từ Ngọc Minh đến Minh Ngọc – từ trong trang sách bước ra

Trần C. Trí


MẢNH VỤN THỜI GIAN – TIME SHRAPNELS tranh Cẩm Tâm

Một trong các cây bút trẻ của Tuổi Ngọc ngày xưa mà tôi thích nhất là Ngọc Minh, vì nhiều lý do khác nhau. Truyện của cô xuất hiện khá đều đặn trên tờ tuần báo của yêu thương mà hằng tuần tôi vẫn háo hức chờ đợi, nổi bật lên giữa sạp báo đầy những tờ tạp chí đủ màu sắc rực rỡ khác. Tựa đề của các truyện ngắn của cô, đối với tôi, lúc nào cũng độc đáo, dễ thương, lôi cuốn, khiến một độc giả trung thành như tôi phải đọc ngay, không thể chờ đợi lâu hơn nữa. Kèm theo mỗi truyện ngắn, đã vậy, còn là những bức minh hoạ xinh xắn của Đinh Tiến Luyện hay Lê Vĩnh Ngọc, hai hoạ sĩ của tờ Tuổi Ngọc lúc bấy giờ.

Tựa đề truyện ngắn của Ngọc Minh mà tôi bị ám ảnh nhất là Giữa Tường Trắng Lặng Câm—mà trong chúng ta không ai không biết là trong bài Ru Ta Ngậm Ngùi của Trịnh Công Sơn. Thuở đó, Ngọc Minh đã vào độ tuổi 17, 18, còn tôi vẫn còn là một cậu bé mới lớn, mê đọc báo, còn đang tập tễnh viết văn, làm thơ. Trong khi Ngọc Minh vẫn đều đều có truyện ngắn đăng trên Tuổi Ngọc, tôi chỉ may mắn được “lọt” vào tờ báo này có mỗi một lần với một truyện đúng-nghĩa-là-truyện-ngắn, vì nó chỉ vỏn vẹn vừa một trang báo, kể cả một cái khung chứa tựa đề và một bức minh hoạ nhỏ xíu ở trong đó.

Ám ảnh đó đã khiến tôi quyết định phải bắt chước Ngọc Minh đặt nhan đề cho một truyện ngắn gởi cho đặc san của trường trung học của mình. Chẳng phải là có người đã từng nói, Bắt chước là cách khen tặng thành thật nhất mà kẻ tầm thường dành cho những tài năng lớn [1], hay sao? Thế là truyện ngắn Mùa Xanh Lá Vội (trích từ Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng, cũng của Trịnh Công Sơn) được ra đời. “Ra đời”, nhưng truyện ngắn có số phận hẩm hiu này không được “ra mắt” độc giả học sinh của trường tôi. Mấy mươi năm sau, tôi vẫn không quên được truyện ngắn không may mắn đó, một hôm bèn viết một truyện khác kể về số phận của truyện Mùa Xanh Lá Vội năm nào, lấy tựa đề là Mùa Chưa Xanh Lá, lần này được đăng trên tờ đặc san của cựu học sinh trường trung học ngày xưa của tôi, và xuất hiện một lần nữa trên tạp chí Da Màu, một thời gian sau đó.

Truyện ngắn của Ngọc Minh, mỗi lần đọc, tôi nghe như cô đang thầm thì, khoan thai, nhẹ nhàng kể lại cuộc sống chung quanh dưới nhãn quan và qua cảm xúc của những kẻ vừa lớn như tôi. Những kẻ ấy đang còn ngỡ ngàng khám phá cuộc sống, khám phá những cảm xúc của mình đối với những người thân yêu trong gia đình, với bạn bè và cả với những người bạn khác phái đầu đời. Tình cảm của Ngọc Minh có thể ngây thơ nhưng đậm đà như của người con gái đối với mẹ trong trích đoạn dưới đây:

Nước mắt ấm nóng trườn mình trên má em. Cậu Thúc rút khăn tay thấm nhẹ và êm ái hỏi: “Thấy xe, nhớ ba và anh chị đang vui vẻ nên tủi thân khóc hở bé? Em se sẽ lắc đầu: Không! Thương mạ cơ! Cậu Ti thấy không, ai cũng vui vẻ hết… cả em Nai và cậu Ti nữa. Chỉ có mạ là thui thủi một mình trong nhà rộng giữa khu vườn thênh thang.” (Mùa Sao Trên Cao)

Cảm xúc mà Ngọc Minh ghi nhận và kể lại trong truyện của mình, thoạt đầu, là cảm xúc của người tuổi trẻ, tuổi học trò, vây quanh là bài vở, nhưng cũng là thiên nhiên, là thơ, là nhạc. Tất cả những điều đó tạo thành cuộc sống, mới mẻ từng ngày, và cảm xúc của người tuổi trẻ cũng vậy, cũng tinh tươm, tươi mát như một đoá hoa vừa chớm nở:

Mélancolique! Mélancolique! Ai gọi thế? Tiếng reo của người hay tiếng tiếng hót của những con chim trú mưa dưới chậu hoa đỏ. Âm hưởng thì reo dòn dã như một điệu huýt sáo vui tươi, nhưng có tội nghiệp không khi cái tên đó đồng nghĩa với Âu Sầu, Phiền Muộn. Nơi bậc thềm đá trắng, em ngồi thật nhỏ, nhâm nhi những nhuỵ hoa ngọt lịm. (Tan Như Sương Mơ).

Ngọc Minh đã nói giùm những người bạn nhỏ như tôi, cũng có những cảm xúc mạnh mẽ như cô nhưng không đủ văn tài để diễn tả. Đọc những giòng cô viết về tâm trạng của người mới lớn, tôi nghe như Ngọc Minh đang thầm thì cho tất cả những cô cậu trạc tuổi tôi thời ấy:

Nhưng còn có trăng. Nó nói giùm em. Nó thở giùm em. Nó hét giùm em. Hất tung vào vũ trụ từng tràng cười thông thống. Cảm tạ trăng, nhờ nó em nghe được tiếng cười của im lặng. Và bây giờ,tuổi đã hơn trăng tròn một tị, sao em im lặng mãi thôi. Có phải là từ ngày đó em biết cười bằng ánh sáng im lặng của mặt trăng khi được bao quanh bởi bóng tối êm ả của ông, hở ông bạn lớn? (Những Hạt Thu Mơ)

Tình yêu (đúng ra chỉ là những rung động mới mẻ như một “cánh bướm non”[2]) của nhân vật trong truyện Ngọc Minh có thể là những tâm trạng hồn nhiên, những rung động bắt nguồn từ nhiều duyên cớ rất nhỏ, từ “hắn” mà ra, một nhân vật nam hết sức nghệ sĩ, lãng mạn trong truyện, kẻ mang lại cho “em”, nhân vật nữ, nhiều phản ứng sôi nổi của người con gái thuộc lứa tuổi “thích ô mai”:

Những lượt băng sông ghé thăm em, bây giờ, hắn cứ im lìm như tượng, nhả khói vu vơ, vỗ đàn hát khẽ. Rồi… về! Câm như sò ốc. Xem có dễ ghét chưa! Mãi rồi em cũng cạy được miệng hắn. Nhưng nỗi tức tối đã nhuộm đắng ướp chua vào những lời nói của em. Hắn trả lời lơ đãng như dạ để đâu đâu. Và đôi mắt, ỷ có phiến kính tối mò, cứ tha hồ ngắm em hậm hực. (Chẳng Hiểu Vì Sao).

Cũng có những cảm xúc Ngọc Minh diễn tả vừa đẹp vừa đau đớn. Người ta sẽ tự hỏi, vì sao lại có những tình cảm như thế, nhẹ nhàng mà khắc khoải, trong giai đoạn đầu đời. Đọc trích đoạn dưới đây, chúng ta thấy tâm tình của một cô gái mới lớn—mà như đã lớn trước tuổi—vì thấy mình như đã quá già cỗi trong một tình yêu không có đoạn kết đẹp như bạn bè cùng trang lứa:

Nếu Di biết với Di tôi quả đã có mang mặt nạ diễn trò, ấy là lúc phải giả vờ lạnh lùng nghiến răng cắt đứt mọi liên hệ với Di. Nếu Di biết tôi bây giờ sống khoẻ lắm, mãi mãi một mình, không tha thiết nổi điều chi, gắng gỏi theo đuổi những việc làm mình không ham thích, chỉ thở dễ dàng với bọn trẻ thơ như một kẻ già nua. (Và Vĩnh Viễn Phai Xuân)

Nếu để ý, người ta có thể thấy, nhân vật của Ngọc Minh cũng lớn dần theo tác giả. Khởi đầu là những nhân vật xưng “em” ở ngôi thứ nhất, nghe hồn nhiên và trẻ trung, đến những nhân vật xưng “tôi”, nghe chững chạc và tự tin, rồi đến những nhân vật được nhắc đến ở ngôi thứ ba, “nàng”, khiến người đọc có thể thấy tác giả như đã thoát ra khỏi cái vỏ ốc của tuổi vừa lớn, tỉnh táo nhìn lại chính mình như một người lặng lẽ quan sát một người khác. Giọng văn cô cũng già dặn theo năm tháng, lúc cô bước vào ngưỡng của đại học, chất chứa những suy nghĩ thật “già trước tuổi”:

Con bé làm nàng đỏ mặt. Tính nàng quả hiếu tĩnh. Nàng không quen nói lớn, cười to. Không quen chuyện trò với kẻ lạ. Bảy năm trung học của nàng bình thản lặng lờ như lá. Mọc chồi, xanh tươi, vàng héo rồi lìa cành lúc nào không hay. (Từ Cõi Sương Mù)

Rồi Ngọc Minh trở thành… triết gia hồi nào không biết. Tựa đề truyện của cô càng ngày càng thâm trầm hơn, suy nghĩ của những nhân vật trong truyện của của cô càng lúc càng chín muồi. Cô dần dần đặt ra nhiều câu hỏi hơn là chỉ thủ thỉ kể chuyện gia đình, bạn bè như trước. Y như Huy Cận đã từng thốt lên, Vậy đó bỗng dưng mà họ lớn, tuổi hai mươi đến có ai ngờ…[3], nhân vật của Ngọc Minh đã bắt đầu thắc mắc về cuộc sống, về những khái niệm muôn đời khó hiểu như thời gian, mất còn, sống chết:

Nhưng hồi tưởng, đâu có phải bao giờ cũng đồng nghĩa với tiếc thương, đi kèm với một chút ước ao được chui lại vào cái bước cũ xưa của quá khứ. Có phải chúng ta lần lượt đầu thai lại ngay sau đó. Và những hình bóng ý nghĩ ngày qua, là tôi thật sao, hay cũng chỉ là những chiếc bóng ngậm ngùi mà chiếc đũa thời gian đã bạo tàn khuấy vỡ. (Như Đá Cổ Sơ)

Tác giả Ngọc Minh và những truyện ngắn của cô lớn lên theo Tuổi Ngọc, cùng với những con số của từng tờ tạp chí. Con số đó dừng lại, mãi mãi, ở số 157, vào tháng Tư, 1975. Tuổi Ngọc khép lại, vĩnh viễn, “nhốt” vào trong đó tất cả những cây bút, tất cả những yêu thương, tất cả những mộng mơ, trong đó có cả Ngọc Minh. Tựa như một toà lâu đài cổ với nàng công chúa xinh đẹp, cùng bao ngọc ngà châu báu, bị lời nguyền độc ác của một bà phù thuỷ biến thành một khối đá trơ trơ, đứng ngậm ngùi với thời gian, “như đá cổ sơ” như Ngọc Minh đã viết, hay “như đá ngây ngô” như trong một lời ca của Trịnh Công Sơn.

Fastforward to more than four decades later. Nói theo như người Mỹ, hay là vặn nhanh tới hơn bốn thập niên sau, Ngọc Minh vẫn nằm một chỗ nào đó trong trái tim tôi, cô không cần phải thánh thót hát hát lên câu Fais-moi vite une petite place dans ton coeur [4], mà từ trước đến giờ vẫn thế. Bằng chứng là ở hải ngoại, tôi đã cặm cụi viết truyện Mùa Chưa Xanh Lá và nhắc đến cô như một cơ duyên đã làm tôi viết hai câu chuyện nối tiếp nhau (mà ở giữa là mấy thập niên ròng rã). Mấy năm gần đây, tôi có dịp đọc vở kịch Chúng Tôi Là của Nguyễn Thị Minh Ngọc và vài truyện ngắn của tác giả này, hay xem cuốn phim Song Lang cũng do Nguyễn Thị Minh Ngọc viết truyện phim, mà không hề ngờ rằng Minh Ngọc ngày nay chính là Ngọc Minh ngày trước của tôi! Trong một dịp tình cờ, nhà văn Đặng Thơ Thơ đã cho tôi biết hai tác giả này là một người.

Một người, nhưng là… hai người. Vì ngay lúc tôi đang viết những dòng này, tôi vẫn hầu như chưa thể hoà giải được với ý nghĩ Minh Ngọc là Ngọc Minh, hay Ngọc Minh là Minh Ngọc. Rồi một hôm, dịp hạnh ngộ bất ngờ đã đến. Số là hôm đó, nhà văn/kịch tác gia/đạo diễn/kịch sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc ghé qua Orange County, California để cộng tác với một chương trình gây quỹ cho tổ chức từ thiện Ngọc Trong Tim. Chị hẹn gặp Ban Biên Tập Da Màu, gồm nhà văn Đặng Thơ Thơ, nhà thơ Lê Đình Nhất Lang, hoạ sĩ Paulina Đàm và kẻ viết bài này, cũng là người được hân hạnh giao phó nhiệm vụ đón chị Minh Ngọc—lúc ấy đang ở vùng Little Saigon—đến một quán cà-phê ở Tustin (thành phố cách đó khoảng 20 cây số về hướng nam) để gặp gỡ mọi người. Trên đường lái xe đến chỗ hẹn, tôi không thể ngờ có ngày mình sẽ được gặp mặt thần tượng văn chương thuở nhỏ, tưởng Đã Thất Lạc Nhau[5] từ độ nào, lúc tờ Tuổi Ngọc cuối cùng còn nằm trên sạp báo đâu đó trên vỉa hè những con đường ở Sài Gòn. Tôi sực nghĩ ra rằng mình chưa biết mặt chị Minh Ngọc ra sao, đến nơi thì biết ai mà chào hỏi, rồi mời ra xe để đưa chị đến với mọi người? May sao, khi tôi vừa rà rà cho xe đậu vào parking trước một tiệm ăn nhỏ trên đường Bolsa[6], vừa may một phụ nữ có mái tóc bạc như bạch kim đã từ trong tiệm bước ra, cười nói với tôi qua khung cửa sổ xe, “Trí đó phải không?”

Tôi ngỡ ngàng chào lại chị. Khung cảnh quanh tôi, và người phụ nữ đang đứng trước mặt tôi, vẫn còn lãng đãng nửa thực nửa hư. Bây giờ, nhớ lại ngày hôm đó, phân cảnh gặp gỡ Nguyễn Thị Minh Ngọc được ghi lại trong trí nhớ của tôi bỗng dưng khác đi hẳn, đầy kịch tính và xảo thuật điện ảnh. Tôi thấy chị Minh Ngọc đi lùi lại từ từ vào trong quán ăn—in reverse motion—rồi lại khoan thai từ trong bước ra. Lúc này, mặt tiền của quán ăn bỗng biến thành trang bìa của tờ Tuổi Ngọc, có bức minh hoạ xinh xinh của một thiếu nữ đang ngậm một cành hoa cúc vàng, thật điển hình của hoạ sĩ Đinh Tiến Luyện. Từ tờ Tuổi Ngọc đó, Ngọc Minh, à không, Minh Ngọc lại từ từ bước ra. Sao mà siêu thực thế, thử tưởng tượng xem. Ngọc Minh—của thập niên bảy mươi, thế kỷ XX—bước ra khỏi tờ Tuổi Ngọc, rồi đột ngột biến thành Minh Ngọc—của thập niên hai mươi, thế kỷ XXI! Độc giả ngày xưa là tôi, ngồi sững sờ nhìn người phụ nữ ấy, Chẳng Hiểu Vì Sao!

Thuở đó, đọc Ngọc Minh, tôi còn là một cậu bé. Hơn nửa thế kỷ sau, tôi đã thành một người đàn ông—d’un certain âge—nhưng với tôi, Ngọc Minh không bao giờ lớn. Ngọc Minh đã vĩnh viễn thuộc về Tuổi Ngọc, tuổi muôn đời là “tuổi vừa lớn”, tuổi không bao giờ già đi nữa. Ngày nay, tôi gọi Ngọc Minh là “cô”, như một người đàn ông đứng tuổi thường gọi hay nói đến một thiếu nữ tuổi đôi mươi. Nhưng với Nguyễn Thị Minh Ngọc, tôi lại gọi là “chị”, chị Minh Ngọc, nghe thân ái và gần gũi. Thật vậy, chị Minh Ngọc cũng tỏ ra thân ái và gần gũi với tôi ngay từ phút ban đầu. Suốt cuộc hành trình dài hơn nửa tiếng trên chuyến xe đến tiệm cà-phê ở Tustin, chị nói chuyện huyên thuyên, đủ thứ chuyện trên đời, tựa hồ như chưa bao giờ có điều gì làm ngăn cách, cả không gian lẫn thời gian, giữa một cây bút—nổi danh cả hai bên bờ đại dương và xuyên qua hai thế kỷ—và anh chàng độc giả ái mộ lâu năm, dù chỉ mới gặp gỡ nhau lần đầu.

Ngọc Minh từ trong quán ăn bước ra. Không, cô từ trong tờ Tuổi Ngọc bước ra, từ những trang báo đã ngả vàng với những dòng mực đen yêu thương ngày cũ. Và cô bỗng hoá thành Minh Ngọc, với mái tóc bạc nhưng chải chuốt rất mực à la mode, làm tôi liên tưởng đến mái tóc của Françoise Hardy, của Tous les garçons et les filles hay Le Temps de l’amour. Nhớ đến hình ảnh đó, tôi tự lấy làm tâm đắc với một câu mình chợt nghĩ ra về Ngọc Minh-Minh Ngọc, Ngày xưa Tuổi Ngọc, ngày nay Tuổi… Ngà!

Ngọc Minh không chỉ từ trong những trang sách bước ra với nghĩa đen mà còn với nghĩa bóng nữa. Một con người, nhưng thật ra là… hai tác giả, ít nhất là đối với tôi. Sau lần gặp gỡ đó, tôi đọc lại Minh Ngọc kỹ hơn, vì lúc trước tôi chỉ đọc chị như đọc nhiều tác giả khác mà thôi. Tôi chưa từng thấy nhà văn nào lột xác về văn phong và ý tưởng trọn vẹn như từ Ngọc Minh qua Minh Ngọc! Ở đây có một mâu thuẫn thú vị về ngôn từ và khái niệm. Ngày xưa, Ngọc Minh viết phần lớn là cho Tuổi “Ngọc”, và các truyện ngắn của cô ở đó chỉ đóng khung trong một ngọn tháp “ngà” đầy ắp mộng tưởng của tuổi vừa lớn. Nói khác đi, tuy truyện của cô có lớn, có chín chắn dần theo thời gian, chúng vẫn chỉ quẩn quanh trong những trang sách dành cho tuổi trẻ, chưa thực sự va chạm với cuộc sống trong ý nghĩa sâu xa nhất của nó. Ngày nay, truyện, phim, kịch của Minh Ngọc, cây bút vẫn còn phong độ ở tuổi “ngà”, là những tác phẩm đẹp như “ngọc”, ngọc ngoài đời hay ngọc trong tim cũng vậy. Các tác phẩm của Minh Ngọc bây giờ đã thoát ra khỏi những trang sách im lìm, mộng mơ của ngày trước, cho dù có thể vẫn là những dòng chữ in trên giấy hay đã trở thành lời đối thoại của những nhân vật trên sân khấu, trên màn ảnh, để trở thành những tiếng nói, tiếng kêu gọi, tiếng gào thét… về thân phận con người trong xã hội, trong thế giới hiện đại đang thay da đổi thịt từng ngày, từng giờ.

Nếu Ngọc Minh của Tuổi Ngọc nghiêng về l’art pour l’art (các truyện ngắn của cô xinh xắn và dễ thương như những bức minh hoạ của Đinh Tiến Luyện hay Lê Vĩnh Ngọc), có thể nói rằng Minh Ngọc của Tuổi Ngà ngả về l’art pour l’humanité (mỗi tác phẩm hiện đại của chị là một thực trạng của đời sống hằng ngày, in real time). Nguyễn Thị Minh Ngọc là một tác giả “wearing many hats” như chúng ta đã biết, nhưng trên và trước hết, chị là một ngòi bút phụ nữ, chị là một người tranh đấu cho nữ quyền qua sáng tạo văn chương, sân khấu và điện ảnh:

Riêng tiếng nói của một phụ nữ trong kịch nghệ của nước tôi, khi có thể tồn tại được, thường mang trong nó một giá trị kép, vừa nói giúp được thân phận phụ nữ tượng trưng cho những phần thân thể của đất nước bị bạo hành bởi cái Ác, lòng Tham, còn là tiếng thét câm của những người phụ nữ trong cơn “đau đẻ” sáng tác để có được những đứa con toàn vẹn ra đời. (Ta Tìm Tiếng Ta: Nói Cùng Tiếng Qua Mẫu Tính[7])

Trong khi Ngọc Minh được xem là thành công trong việc miêu tả cảm xúc (tuy còn tương đối nhẹ nhàng, êm ái) của tuổi vừa lớn, cảm xúc mà Minh Ngọc diễn tả đã trở thành cảm giác, đau đớn, mạnh mẽ, trực tiếp, mà chỉ có những ai đã thực sự đi qua những thác ghềnh trong cuộc sống mới có thể bật lên những lời tâm huyết như sau:

Hiến: Dường như có máu chảy trong tiếng đàn của nàng. Trước khi máu tràn qua tay, nó phải xuất phát từ tim. Mỹ nhân ơi, ta muốn ngắm xem quả tim nàng kỳ diệu như thế nào mà khi rót máu sang những sợi tơ này, mặt sắt như ta cũng nhớ thương quê hương, cũng đau xót bao hồn oan chết trong những trận giao tranh do ta gây ra mà bật khóc(Chúng Tôi Là[8]).

Truyện của Ngọc Minh là truyện của mộng mơ. Thực tế được Ngọc Minh nhìn qua lăng kính màu hồng của lứa tuổi thích ô mai, lứa tuổi đang hân hưởng la vie en rose. Hỉ nộ ái ố, nếu có trong truyện của cô, cũng chỉ là bề mặt của những dòng sông tuổi nhỏ[9]. Cô viết về thực tế mà như viết về chiêm bao. Minh Ngọc, ngược lại, viết về chiêm bao mà còn thực hơn là thực tế, vì chiêm bao, ở một độ tuổi nào đó, chính là những ẩn ức không giải toả được trong cuộc sống ban ngày. Chiêm bao cũng có thể là alternative reality. Chiêm bao là tiếng nói thầm kín của mỗi người, là một cuộc đời ban đêm, song song với cuộc đời ban ngày của mỗi chúng ta:

Có đêm tôi mơ thấy mình bơi ra cù lao. Ðó là những hòn đá sắc cạnh màu huyết lởm chởm hào hến. Huyên đứng trên đỉnh tự bao giờ. Anh gỡ tay tôi nhoi lên bám đá. Ðá sắc cào xướt một bên ngực, vẫn mạnh bạo như một con kình ngư, tôi thong dong bơi vào bờ. Có tiếng ông Hạo gọi sau lưng. Ông ta vừa bơi vừa giơ cao một nhánh rong mơ định trao cho tôi. Nhưng sóng dạt, chẳng bao giờ chúng tôi chụp bắt được nhau. Rồi tôi thấy mình đứng trước một tấm kiếng lớn. Áo toạt ra, tay cầm bông băng định băng vết thương, nhưng vết sướt đẹp quá khiến tôi cứ đứng ngắm hoài hủy. Máu tươm một đường đỏ, chấm dứt ở đầu vú trông như một nhánh hồng đầy gai máu. Rồi tôi hôn tôi. Cánh hồng đỏ vỡ nhòa. Nụ hôn lạnh lẽo mùi ngân thủy của gương. (Trăng Huyết)

Ngọc Minh mà tôi biết, tôi đọc, là Ngọc Minh của Tuổi Ngọc. Thời đó, cô cũng đăng nhiều truyện ngắn trên Văn và Thời Tập, những tạp chí của “người lớn” mà tôi không đọc, vì chưa đủ tuổi và cũng không “giàu” đến nỗi có thể mua hằng tuần, hằng tháng nhiều tờ báo cùng lúc—ngoài Tuổi Ngọc—như Tuổi Hoa, Thiếu Nhi, Thằng Bờm, Ngàn Thông… cùng sách truyện của các nhà xuất bản Tuổi Hoa, Mây Hồng, Trăm Hoa… Mãi đến sau này, khi ra hải ngoại, tôi mới có dịp đọc một số truyện ngắn “người lớn” của Ngọc Minh viết cùng thời với những truyện trong Tuổi Ngọc. Những truyện này rất gần với truyện của Minh Ngọc về sau, nhưng tôi không có một kỷ niệm nào với chúng. Trong tôi, chỉ có truyện “mới lớn” của Ngọc Minh và truyện “người lớn” của Minh Ngọc, không có những truyện có tính cách “chuyển tiếp” từ tuổi thanh niên qua một lứa tuổi, chưa hẳn là người lớn nhưng cũng đã chững chạc hơn nhiều của cô (chẳng hạn như Dọn Nhà hay Quốc Lộ, viết vào đầu thập niên 70).

Như bao nhiêu người khác, Minh Ngọc đi qua cuộc sống này, có lúc ngoảnh nhìn lại, thấy mỗi đoạn đời như một khúc phim với đủ gam màu sáng tối, cái xấu lẫn vào cái đẹp, niềm vui trộn vào nỗi buồn, khiến tôi nghĩ đến một truyện ngắn nào của Ngọc Minh mà tôi không còn nhớ tên, nhân vật chính đã thốt lên, như một lời tiên tri, “Len trong cái chết vẫn còn cái đau”:

Vậy là những chớp lóe vẽ nhòa bên trong mắt tôi, những bức tranh đủ màu sáng choang tuyệt đẹp khiến tôi liên tưởng đến những chớp lóe của số phận tôi. Nó như những tấm ảnh đã nhòe đi vì để nước đấp vào. Nào tai nạn đầu đời với một gã khùng không rõ mặt. Nào nụ hôn đầu với Ngọc. Nào những rừng sơn cúc tôi đi mải miết như được trôi vào một xứ sở hoang dã thần tiên chỉ có tôi với những con nai, hươu sao thơ dại đến nao lòng. Nào những lùm bụi, khe suối, nhà trọ nhếch nhác, bờ sông củi mục với Hồ; cái nắm tay truyền chút niềm tin còn sót lại với Thường; khoảng cách không thể nào vượt qua nổi dù chỉ bằng sợi tóc giữa tôi và Dĩ; và bức tượng của Trân mà tôi đã đắp bằng những hạt bọt sóng cát được se bởi dã tràng… (Điện Thoại Lúc Không Giờ)

Rồi cuối cùng, tôi cũng phải quyết định: Ngọc Minh là của Tuổi Ngọc, Minh Ngọc là của Tuổi Ngà. Ngọc Minh là giấc chiêm bao đẹp của tôi ngày trước, còn Minh Ngọc là thực tế của tôi ngày nay. Trái tim của tôi, tuy vậy, vừa có thêm một ngăn mới dành cho Minh Ngọc, nằm thân ái bên cạnh ngăn tim dành cho Ngọc Minh. Nhưng Minh Ngọc không là của riêng tôi, chị là của mọi người, của cuộc sống, một cuộc sống đập liên hồi như trái tim của một người lúc nào cũng thiết tha với cuộc sinh tồn, dẫu biết rằng tout passe, tout lasse, tout casse. Nguyễn Thị Minh Ngọc nói lên thân phận con người qua những dòng chữ đầy máu, nước mắt, nụ cười, niềm hy vọng, nỗi tuyệt vọng, hay với những phân cảnh và lời đối thoại ngồn ngộn thực tế trên sân khấu, trên màn ảnh, và trong chính cuộc đời.

Nhân vật nữ trong một bài hát của ban nhạc ABBA đã nồng nàn thốt lên, Thank you for the music! để vinh danh âm nhạc trong đời sống của mỗi người chúng ta (… the songs I’m singing. Thanks for all the joy they’re bringing. Who can live without it? I ask in all honesty. What would life be? Without a song or a dance, what are we?). Tôi cũng nghe dạt dào cảm hứng, xin cám ơn Ngọc Minh, xin cám ơn Minh Ngọc đã, đang và sẽ thủ thỉ, hay gào thét giùm tôi, về những cảm xúc, cảm giác, tâm trạng, suy nghĩ, ước mơ của tôi, và của mọi người, trong cõi hồng trần này. Cõi hồng trần, dẫu sao đi nữa, cũng sẽ là kỷ niệm đẹp nhất của mỗi người chúng ta, như Bùi Giáng đã có lần khắc khoải: Ngày sẽ hết, tôi sẽ không ở lại/Tôi sẽ đi, và chưa biết đi đâu/Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi/Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu[10].

CHÚ THÍCH:
─────────────

[1] Thi hào Oscar Wilde (1854-1900), Imitation is the sincerest form of flaterry that mediocrity can pay to greatness.

[2] Chữ của Thạch Lam, 1910-1942 (Đứa Con Đầu Lòng)

[3] Trong bài thơ Học Sinh (Lửa Thiêng, 1940)

[4] Trong bài hát Une Petite place dans ton coeur, (Patricia Lavila, 1973)

[5] Tựa đề một truyện ngắn của Ngọc Minh.

[6] Đại lộ huyết mạch của Little Saigon, Orange County, California.

[7] Bài đọc tại Women Playwrights International (The 7th Triennial Conference 2006, Jakarta-Bali-Indonesia)

[8] Vở kịch này được công diễn bằng tiếng Việt và tiếng Anh (We Are), từ 18 đến 26 tháng Ba, 2011, tại West End Theater, New York, NY, do Pan Asian Repertory Theatre tổ chức, do Nguyễn Thị Minh Ngọc làm đạo diễn.

[9] Tựa đề tiếng Việt của nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng đặt cho bài La Maritza (Sylvie Vartan, 1968)

[10] Trong bài thơ Phụng Hiến, 1962