Biến đổi rừng ngập mặn ở Nam Kỳ trong trăm năm qua

Nam Kỳ Lục Tỉnh:
bài này tải từ trang mạng www.khoahocnet.com, hình số 9 và 10 giống nhau, hình 20 và 21 tuy có chú thích nhưng không có hình ảnh. Chúng tôi chưa tìm được trang mạng nào có đầy đủ hình ảnh để đưa lên.


SƠ LƯỢC VỀ BỜ BIỂN NAM KỲ

Bờ biển Nam Kỳ (Cochinchine, Nam Phần, Nam Bộ) bắt đầu từ ranh giới Bình Tuy- Bà Rịa, đến Mũi Cà Mau thuộc Biển Đông, và từ Mũi Cà Mau đến Hà Tiên thuộc Biển Tây, có hình chữ V, chạy qua 10 tỉnh và thành phố (ngày nay) là Bà Rịa, TP HCM, Đồng Nai, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Tổng cộng bờ biển Nam Kỳ dài 1086 km, riêng phần bờ biển Đồng Bằng Cửu Long dài 768 km. Theo Phân Viện Điều Tra Quy Hoạch Bộ Nông Nghiệp, rừng ngập mặn (RNM) ở Nam Kỳ chiếm 81% diện tích RNM toàn quốc, trong lúc RNM ở Bắc Kỳ chiếm 18% và Trung Kỳ 1% ở thời điểm năm 2006 (ĐTQH, 2006).

Sau đây là các yếu tố chính ảnh hưởng đến sự thành lập và sự phong phú của RNM ở Nam Kỳ.

Sông ngòi và hệ thống kinh rạch. Đây là vùng có rất nhiều sông và cửa sông lớn với hệ thống kinh rạch chằng chịt. Chảy ra Biển Đông có Sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, Tiền Giang với 6 cửa sông, Hậu Giang với 3 cửa sông, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Mỹ Thạnh (Sóc Trăng),và sông Gành Hào. Nối Biển Đông với Biển Tây có Sông Cái Lớn dài 56 km. Chảy ra Biển Tây có sông Bảy Háp, sông Cái Tàu, sông Ông Đốc, sông Trẹm với hàng chục ngàn kinh rạch nhỏ.

Riêng hai sông Tiền và Sông Hậu hàng năm chảy ra biển khoảng 550 tỷ m3 nước ngọt, trung bình chứa 0,2-1,0 kg phù sa/m3 tùy mùa, tạo thành các cồn ở cửa sông, đất bồi dọc theo bờ biển, hay được dòng nước biển (hải lưu) mang bồi đắp ở Mũi Cà Mau. Tổng cộng các sông ngòi của ĐBCL hàng năm mang phù sa khoảng 3.000 m3/giây vào tháng Tư đến 30.000 m3/giây vào tháng Chín (Brunner & Quyen, 2011).

Thủy triều. ĐBCL chịu hai chế độ thủy triều khác nhau. Ở Biển Đông (từ Vũng Tàu đến Mũi Cà Mau) vùng đất tiếp giáp biển chịu chế độ bán-nhật-triều (semi-diurnal, trong 24 giờ ngày-đêm có 2 lần mực nước lên và 2 lần mực nước xuống), ngược lại vùng đất tiếp cận Biển Tây (Vịnh Thái Lan, từ Mũi Cà Mau đến Hà Tiên) chịu chế độ toàn-nhật-triều (diurnal, trong 24 giờ ngày-đêm có 1 lần mực nước lên, và 1 lần mực nước xuống). Biên độ thủy triều Biển Đông trung bình tại cửa biển khoảng 3,0 – 3,5 m trong kỳ thủy triều lớn, vì vậy nước mặn thâm nhập sâu vào nội địa, tạo rừng ngập mặn phong phú từ cửa biển vào xa trong nội địa. Ngược lại, ở Biển Tây, biên độ thủy triều nhỏ hơn, trung bình 0,8 đến 1,2 m, và càng về gần Hà Tiên thì càng nhỏ dần. Ảnh hưởng vào nội địa tương đối ít.

Hải lưu. Bờ biển ở ĐBCL chịu ảnh hưởng của 2 dòng hải lưu. Trong mùa đông (tháng 11 đến tháng 3) từ Thái Bình Dương dòng hải lưu chảy vào vùng biển Đông dọc Nam Kỳ cho tới Cà Mau theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, với tốc độ trung bình 0,4-0,9 m/giây. Dòng hải lưu này gây xói lở mạnh ở phía bờ biển Đông và mang theo phù sa sông Cửu Long cùng đất do xói lở ở biển Đông trôi về hướng Tây Nam ra Mũi Cà Mau và Vịnh Thái Lan. Vào mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 10), dòng hải lưu đến từ biển Java chảy theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, tạo điều kiện cho phù sa lắng động tại Mũi Cà Mau và dọc bờ biển Tây.

Hình 1. Dòng hải lưu mùa đông (tháng 11 đến tháng 3) và dòng hải lưu mùa hè (tháng 5-9) trên Biển Đông. Mũi tên biểu thị hướng dòng chảy trung bình, các con số biểu thị tốc độ dòng chảy trung bình theo đơn vị kn (1 kn ≈ 0.51 m/s) (Nguồn: U.S. Naval Occeanographic Office, 1957) (theo Hung et al., 2014).

Độ dốc mực nước: Vì thủy triều Biển Tây đi sau thủy triều ở Biển Đông vài giờ, và biên độ thủy triều ở Biển Đông cao hơn Biển Tây, nên mực nước biển Đông thường cao hơn mực nước ở Vịnh Thái Lan. Vì vậy, nước Sông Cửa Lớn, nối Biển Đông với Biển Tây, chảy theo hướng Đông -Tây, từ cửa Bồ Đề ở Biển Đông sang Ông Trang thuộc Biển Tây. Vận tốc trung bình dòng chảy rất cao (khoảng 0,30 – 0,46 m/giây) vì hầu như không có thời gian nước đứng. Trong thời điểm thủy triều rút nhanh vận tốc có thể đạt đến 0,9 – 1,1 m/giây. Nhờ vậy, một lượng lớn phù sa, khoảng 1.030.000 tấn/năm được chuyển tải từ biển Đông sang Vịnh Thái Lan theo sông Cửa Lớn bồi lắng tại vùng cửa sông Ông Trang. Mặt khác, do chế độ thủy triều như vậy, bờ biển Đông có đê tự nhiên cao hơn so với phía Tây (Trí, 2009).

Độ mặn (Độ muối, salinity) biến đổi theo vùng vì ảnh hưởng của thời tiết (mùa mưa, mùa nắng, mưa nhiều hay ít), gần cửa sông lớn hay nhỏ, hải lưu, v.v. Vùng biển từ Vũng Tàu đến Xoài Rạp (tức vùng RNM Cần Giờ), độ mặn trung bình hàng năm khá cao, khoảng 30,3 ppm (phần ngàn), thấp nhất là 27,5 ppm vào tháng 9, nên các loại cây chịu mặn giỏi như Sonneratia alba, Rhizophora apiculata làm cây tiền phong chống sóng gió, kế bên trong là Xylocarpus granatum, Kandelia kandel, Rhyzophora mucronata, Avicennia alba, A. officinalis, Ceriops tagal, Aegiceras corniculatum (Hong & San, 1993).

Tại Gò Công, độ mặn từ 15 – 26 ppm ở tầng mặt 10 cm, và từ 16 – 27 ppm ở tầng dưới 40 – 50 cm).

Độ muối của nước vùng bờ biển Cà Mau biến thiên 22-26 ppm rất thích hợp cho hầu hết loại cây rừng ngập mặn. Ngoài ra các giống cây RNM như Avicennia alba, A. marina, Rhizophora mucronata, R. stylosa có khả năng thích ứng độ muối thật mặn trong mùa khô, hay độ mặn loảng trong mùa mưa. Ngược lại, dừa nước (Nypa fructicans) chỉ thấy ở các đầm sông rạch nước lờ lợ có độ mặn 5-15 ppm bên trong nội đỉa.

Cấu tạo địa chất: Ngoại trừ vùng có nền đá cứng ở bắc Hà Tiên, nền móng bờ biển Nam Kỳ là trầm tích phù sa, đất mịn do các sông bồi lấp, nên rất thích hợp cho cây RNM cấm rễ vững chắc. Tuy nhiên, bờ biển vì vậy dễ bị xoi mòn bởi sóng và dòng nước chảy.

DIỄN BIẾN RỪNG NGẬP MẶN TOÀN QUỐC

Việt Nam, Mexico, Singapore, Phi LuậtTân và Thái Lan là 5 quốc gia có RNM bị tàn phá nhất trong vòng 50 năm nay.

Maurand (1943) cho biết ở đầu thập niên 1940, toàn Việt Nam có khoảng 408.500 ha RNM, trong số đó 250.000 ha ở Nam Kỳ, riêng Cà Mau khoảng 200.000 ha và khoãng 40.000 ha ở rừng sác Biên Hòa và vùng Sài Gòn (Hong & San, 1993).

Theo Bộ Nông Nghiệp, vào năm 1983 Việt Nam còn khoảng 252.000 ha RNM, đa số là rừng thứ cấp gồm cây gỗ và cây bụi (bush) (81.5%) và rừng trồng (18.5%) (%) (Hong & San, 1993)

Bảng 1. Diện tích RNM của Việt Nam ở các thời điểm báo cáo kể từ 1940 (do tác giả tổng hợp).

19401962198220062010Nguồn
408.500



Maurand (1943)
408.500290.000252.000209.700166.200Quế & Hải (2012)
408.000


160.000Tuấn (2012)

Các tường trình về diện tích trong Bảng 1 lấy từ nguồn thống kê của Bộ Nông Nghiệp. Độ chính xác vì vậy khó có thể biết được do con số thống kê thường bị ảnh hưởng bởi nhu cầu chính trị.

Xử dụng kỹ thuật máy hình nhạy-cảm-màu từ xa (remote sensor) gắn trên vệ tinh (Tong et al., 2004; Thu & Populus, 2007; Duke et al., 2010; Brunner & Quyen, 2011; Brunner, 2012; Vo et al., 2013; Nguyen L.D. et al., 2013; Nguyen, H.H. et al., 2013; Nam et al., 2014; Miyagi et al., 2014; V Tran Thi et al., 2014), phân tích hình ảnh RNM được chụp cho độ chính xác cao hơn là ước tính do cơ sở thống kê địa phương. Trong cách ước lượng với kỹ thuật canh tân này, Vo et al. (2013) tổng hợp RNM toàn quốc trong Hình 2.

Hình 2. Diễn biến diện tích RNM ở Việt Nam kể từ 1940 (Vo et al., 2013)

So sánh Bảng 1 với Hình 2, có sự khác biệt rất lớn (gấp đôi) giữa các con số thống kê của Bộ Nông Nghiệp và phương pháp không ảnh chụp từ vệ tinh trong thời gian sau năm 2000, và đặc biệt diện tích RNM không thay đổi trong thời gian 2002-2009 (Hình 2), mặc dầu chính phủ tuyên bố đã trồng lại 294.500 ha RNM riêng cho ĐBCL (TTXVN, 2013).

Theo Bộ Nông Nghiệp, trong thời gian 1940-2007, vận tốc sụt giảm diện tích RNM trung bình trên toàn quốc (từ 408.500 còn 209.700 ha) là 3.000 ha/năm (Quế & Hải, 2012), nhưng theo dữ kiện ở Hình 2 thì khoảng 7.000 ha/năm trong thời gian 1940-2002.

Nguyên ngân của sự sụt giảm diện tích RNM trước 1962 là lạm thác (over exploitation), biến RNM thành đất trồng trọt, bởi thuốc khai quang trong thời kỳ chiến tranh 1963-1973, và sau 1980 bởi phá RNM để nuôi tôm và hải sản khác, phát triển đô thị (như ở Vũng Tàu), du lịch và bị hủy hoại bởi nước thải công nghiệp (như Vũng Tàu).

DIỄN BIẾN RNM NAM KỲ

Trước 1860, không có thống kê diện tích và tình trạng rừng ở Nam Kỳ. Bản đồ đầu tiên in năm 1889 có phần rừng và cho biết tổng số rừng ở Đông Dương là 313.000 km2, và Nam Kỳ là 18,000 km2 (Joffre, 2010), nhưng không biết về số lượng RNM.

Năm 1891, Henri (theo Joffre, 2010) ước tính diện tích rừng ngập nước (inundated forest) ở Nam Kỳ là 2.484.000 ha, gồm rừng nước lợ mặn (brackish water) là 1.034.000 ha, và 300.000 là rừng ngập nước ngọt (fresh water) (theo Joffre, 2010). Theo định nghĩa của Henri dựa theo độ mặn và thời gian nước ngập, thì rừng ngập nước ngọt thời gian dài là rừng tràm (Melaleuca), còn rừng ngập nước mặn thời gian dài là RNM (Rhizophoracee). Theo Joffre (2010), rừng ngập nước thấy ở gần Sài Gòn, Bà Rịa (tức Rừng Sác, RNM Cần Giờ ngày nay) ở phần phía đông Nam Kỳ, nhưng đa số rừng thấy ở trong Đồng Bằng Cửu Long (DBCL), kể cả Bạc Liêu, Rạch Giá, Hà Tiên, Sóc Trăng và Châu Đốc, ghi rỏ trong bản đồ năm 1923, với tổng số rừng là 1.150.000 ha (Hình 3).

Cánh rừng bạt ngàn ở phía tây ĐBCL là RNM thuần nhất cấu tạo bởi vài giống, ngược lại RNM ở phía đông (tức vùng Cần Giờ) thì cấu tạo bởi nhiều giống sống chung.

Vào năm 1917, toàn thể RNM ở Cà Mau ước tính 300.000 ha, là RNM lớn nhất và còn nguyên vẹn, vì con người chỉ khai thác RNM gần Sài Gòn mà thôi. RNM Cà Mau được chia làm 4 khu rừng dự trữ (reserves) (Joffre, 2010).

Hình 3. RNM Nam Kỳ năm 1917 (Carte Forestière de la Cochinchine. 1917). Tỷ lệ xích: 1:500.000. Đăng trong “Rapport sur la Situation Forestiere, 1917”. Khu vực tô màu vàng là RNM (theo Joffre, 2010)

Vào năm 1926, tổng số RNM trong các khu rừng dự trữ Cà Mau là 194.502 ha, chưa kể RNM ngoài khu dự trữ (Joffre, 2010).

Hình 4. Bản đồ rừng ở Nam Kỳ năm 1925, do Henri Guibier, Thanh Tra Thủy Lâm vẻ. RNM dọc sông và ven biển có màu xanh, rừng Tràm chấm xanh trong nội địa (nguồn: Joffre, 2010).

Vào năm 1938, RNM Nam Kỳ có 329.000 ha, trong số này 140.000 ha ở Cà Mau, 30.000 ha ở Bà Rịa, 20.000 ha ở Rạch Giá, và 139.000 ha trong các tỉnh Trà Vinh, Mỹ Tho, Bến Tre và Hà Tiên (Joffre, 2010) (Hình 5).

Hình 5. RNM Nam Kỳ năm 1938 do P. Maurand vẻ, đăng trong “L‟Indochine Forestiere”, 1938. Tỉ lệ xích 1:2.000.000. Màu xanh: RNM; sọc: Rừng Tràm (Theo Joffre, 2010)

Hình 6. RNM ở Nam Kỳ năm 2004 (Brunner & Quyen, 2011)

Hình 7. RNM ở Nam Kỳ năm 2010 (Brunner & Quyen, 2011)

RNM trong 10 tỉnh thành ven biển Nam Kỳ (Bà Rịa, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang) chiếm 81% diện tích RNM trên toàn quốc ở thời điểm 2006.

Theo thống kê của Bộ Nông Nghiệp, vào năm 1983 Nam Kỳ còn khoảng 191.800 ha trong đó RNM tự nhiên chiếm 149.000 ha (77.9%) và rừng trồng chiếm 42.800 ha (22.1%) (Hong & San, 1993)

Vào đầu thế kỹ 21, ĐBSCL còn gần 100.000 ha RNM (Tong et al., 2004) , tập trung ở các tỉnh Cà Mau (58.285 ha), Bạc Liêu (4.142 ha), Sóc Trăng (2.943 ha), Trà Vinh (8.582 ha), Bến Tre (7.153 ha), Kiên Giang (322 ha), Long An (400 ha). Hệ thực vật rừng ngập mặn vùng ĐBSCL có 98 loài cây rừng. Riêng các hệ sinh thái đất ngập nước có 36 loài thú, 182 loài chim, 34 loài bò sát và 6 loài lưỡng cư; vùng biển và ven biển có đến 260 loài cá và thuỷ sản (TTXVN, 2013).

Số liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn 1980-1995, các tỉnh ĐBSCL đã bị mất 72.825 ha rừng, trung bình hàng năm bị mất 4.855 ha với tốc độ 5%/năm (TTXVN, 2013).

Các số liệu nói trên có nguồn từ thống kê của Bộ Nông Nghiệp. Theo Ông Jake Brunner, Điều phối viên Chương trình Mekong cho biết một nghiên cứu dựa trên ảnh vệ tinh có độ phân giải cao do IUCN và Viện công nghệ vũ trụ thực hiện tại Huyện Ngọc Hiền, Cà Mau cho thấy diện tích RNM đã giảm 30% trong thời gian 2004-2009 (Brunner, 2012). Một nghiên cứu khác tại tỉnh Kiên Giang do GIZ và đại học Queensland tiến hành cũng cho thấy sự khác biệt 36%, theo thống kê chính phủ thỉ diện tích RNM toàn tỉnh là 5.430 ha, trong lúc ước tính dựa trên không ảnh từ vệ tinh là 3.500 ha (Duke et al., 2010). Tương tự như vậy, thống kê cho biết diện tích RNM Bến Tre là 4.202 ha, trong khi kết quả không ảnh do Đại Học Cần Thơ thực hiện cho kết quả 1.747 ha (Tuấn et al., 2012).

BIẾN ĐỔI RNM TỪNG TỈNH Ở NAM KỲ

BÀ RỊA. Có hai con sông nhỏ là sông Dinh và sông Ray, với bờ biển dài 312, 8 km. Mức độ phá hủy RNM ở tỉnh Bà Rịa khá trầm trọng, chỉ trong 6 năm từ 1991 đến 1997, toàn tỉnh mất 2.756 ha (54%). Nguyên nhân chánh là do việc phá rừng để phát triển khu công nghiệp và đô thị hóa tăng nhanh. Chẳng hạn việc quy hoạch RNM để hình thành khu công nghiệp Phú Mỹ I, Phú Mỹ III, khu công nghiệp Cái Mép, v.v.. Một yếu tố khác là chất phế thải từ khu công nghiệp.

Hình 8. RNM nằm trên địa bàn phường 12 TP. Vũng Tàu đang bị suy kiệt vì hàng ngày phải tiếp nhận cả khối nước thải chưa qua xử lý của các cơ sở chế biến hải sản ra môi trường

CẦN GIỜ. Bờ biển Cần Giờ dài 35 km, độ mặn cao nhất là 19-20 ppm ở bờ phía bắc, 26-30 ppm ở bờ nam vào tháng 3 và 4, nhưng trong mùa mưa chỉ còn 4-8 ppm, trung bình hàng năm là 18 ppm. Đây là vùng RNM lớn thứ 2 ở Việt Nam sau RNM Cà Mau, có chiều sâu vào nội địa tới 30 km thành hình ở các cửa sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Ngày xưa gọi là Rừng Sác, thuộc tỉnh Biên Hòa và vùng Sài Gòn, có diện tích RNM nguyên sinh 40,000 ha (Hong & San, 1993), nay mang tên Khu Dự Trữ Sinh Quyển Cần Giờ, có diện tích tổng cộng 75.740 ha, vì bao gồm cả RNM Vũng Tàu và Đồng Nai, trong đó có 31.773 ha RNM, trong số này 12.709 ha là rừng tự nhiên (40%), và 19.064 ha (60%) là rừng trồng kể từ sau 1978 (Anh et al. 2014).

Hình 9. Diễn biến RNM Cần Giờ năm 1940 (trái) (Hồng & San, 1993), và năm 2010 (phải) (Miyagi et al., 2014).

Trong thời kỳ chiến tranh (1964-1970), khoảng 57% RNM Cần Giờ bị hủy diệt bởi thuốc khai quang Agent Orange (2,4-D and 2,4,5-T).

Hình 10. RNM Cần Giờ trước và sau khi bị thuốc khai quang (Anh et al., 2014)

Ngoài ảnh hưởng của thuốc khai quang, việc chặt cây lấy gỗ, đốt than và nhất là sau này phá RNM làm đầm nuôi tôm, RNM Cần Giờ bị hủy diệt trầm trọng. Kể từ 1978-2000, ngoài việc RNM tái sinh, khoảng 21.100 ha Rhizophora apiculata, 715 ha Eucalyptus spp, 281 ha dừa nước, và 300 ha những giống RNM khác được trồng, nâng tổng số rừng trồng là 23.034 ha (Anh et al., 2014).

Khu Dự Trữ Sinh Quyển Cần Giờ, có diện tích tổng cộng 75.740 ha, trong đó gồm vùng lõi 4.721 ha, vùng đệm 41.139 ha, và vùng chuyển tiếp 29.880 ha (Anh et al., 2014).

Hệ thực vật nơi đây rất phong phú với trên 150 loài thực vật, gồm nhiều loại cây, chủ yếu là bần trắng, mấm trắng, các quần hợp đước đôi – bần trắng cùng xu ổi, trang, đưng v.v… và các loại nước lợ như bần chua, ô rô, dừa lá, ráng, v.v.

ĐỒNG NAI. RNM tỉnh Đồng Nai là một phần Tây Bắc của Khu Dự Trữ Sinh Quyển Cần Giờ, là khu rừng phòng hộ ngập mặn với diện tích trên 8.611 ha, nằm tại hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch. Đa dạng sinh học khá phong phú gồm có 97 loài thực vật với 81 chi, có 6 loài thú, 52 loài chim, 14 loài bò sát, 8 loài lưỡng cư. Tuy nhiên, nhiều loài thú đã bị tuyệt chủng do hậu quả phá RNM ở huyện Nhơn Trạch.

BẾN TRE. Bờ biển Bến Tre dài 65 km. Độ muối tại cửa sông biến thiên 3-17 ppm.

Hình 11. RNM Bến Tre (màu xanh lá cây) năm 2009 theo hình ảnh vệ tinh do Đại Học Cần Thơ thực hiện (Tuan et al., 2012)

RNM của Bến Tre tập trung chủ yếu vào các dải đất hẹp sát bờ biển với chiều rộng từ 500 – 3.000 m. Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Hội thảo bảo vệ và phát triển RNM vùng ĐBSCL diễn ra ngày 06-7-2012 tại Cần Thơ, hiện Bến Tre có 4.202 ha RNM trong đó có 502 ha rừng tự nhiên và 3.700 ha rừng trồng. Tuy nhiên, dựa theo hình ảnh vệ tinh, tổng diện tích RNM năm 2009 là 1.747 ha gồm 999 ha rừng tự nhiên và 749 ha rừng trồng. Cũng theo kết quả giải đoán hình ảnh vệ tinh SPOT và điều tra thực địa thì diện tích rừng phòng hộ ven biển tính đến cuối năm 2011 giảm 40 ha so với năm 2007 (Tuan et al., 2012). Hai khu vực bờ biển xói lở quan trọng là (i) vùng Cửa Đại sạt lở khoảng 7 km, chiều rộng RNM chỉ còn 200 -400 m, có nơi chỉ 20 m, mức độ xói lở 40 m/năm; và vùng tiểu khu 15 đến tiểu khu 18 thuộc địa phận xã Thạnh Phong và xã Thạnh Hải có chiều dài xói lở khoảng 10,8 km với mức độ xói lở khoảng 40 m/năm (Cương et al., 2012).

GÒ CÔNG: Bờ biển Gò Công dài 32 km, dọc theo bờ biển có RNM phòng hộ, trước 1955 dày đặc, gồm các loại bần, mắm, đước, dừa nước, phi lao. Thực vật dưới tán lá rừng ngập mặn rất phong phú gồm 75 loài thuộc 35 họ. Ngày nay, Gò Công chỉ còn 1.600 ha RNM dọc bờ biển trong đó có 350 ha rừng phòng hộ, chắn che cho tuyến đê ngăn mặn dài 21 km. Theo thống kê, trong 15 năm qua khu rừng phòng hộ Gò Công bị mất 15 ha/năm (Hạnh et al., 2014).

Hình 12. Xói mòn RNM ở Gò Công

Từ khi dựng tuyến đường giao thông cắt qua khoảng giữa khu RNM thuộc các xã từ cửa Rạch Soài đến Cửa Tiểu, chia RNM làm 2 phần, phần bên trong tuyến đường không còn chế độ ngập triều nên RNM dần biến mất, trở thành đất canh tác nông nghiệp. Phần RNM ở bên ngoài tuyến đường có độ mặn tăng, phù sa giảm nên nhiều loài cây không kịp thích nghi bị biến mất. làm cho các đoạn đê bao cũ phía ngoài tuyến đường ở Tân Điền và Tân Thành bị tràn vỡ nhiều đoạn. Các địa phương phải dời đê bao cũ vào sâu phía nội địa hàng trăm mét và tôn tạo đê bao nhiều lần trong các năm 1955, 1965 và 1967 để nối chúng thành tuyến đê chung. Dải rừng ngập mặn nằm giữa tuyến đường giao thông và tuyến đê cũng dần bị thoái hóa do không còn chế độ ngập triều bình thường. Đai rừng ngập mặn bị thu hẹp chỉ còn vài trăm mét. Một số đoạn đê đã bắt đầu xuất hiện xói lở. Một vài nơi đường bờ bị lùi sâu vào đất liền.

Sau 1978, dân hàng loạt phá rừng để canh tác và nuôi tôm, RNM bị hoàn toàn hủy diệt, đường bờ bị xói mòn có nơi bị lùi sâu tới 296 m. Hiện tại RNM còn hiện diện ở Tân Thành và Tân Điền chủ yếu là rừng hỗn giao đơn giản (mắm, đước) hoặc thuần loài (bần chua hoặc mắm), điều kiện tái sinh hạn chế với dải rừng hẹp 50-150 m không đủ khả năng chận sóng (Cương et al., 2012)

TRÀ VINH: RNM ở Trà Vinh tập trung dọc theo 65 km bờ biển gồm toàn bộ huyện Duyên Hải, xã Mỹ Long (Bắc, Nam) huyện Cầu Ngang và các xã Ðôn Châu, Ðôn Xuân huyện Trà Cú. Vào năm 1943, diện tích RNM tỉnh Trà Vinh khoảng 65.000 ha (Hong & San, 1993), còn 21.221 ha năm 1965 (Thu & Populus, 2007), và 6.678 ha vào 1995 (Phuong & Hai, 1998), trong số này chỉ có 6.120 ha có giá trị gồm 640 ha bần, 580 ha đước, 400 ha mắm, 4.400 ha dừa nước. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 31-12-2008, tổng diện tích rừng của Trà Vinh là 6.700 ha, trong đó, diện tích RNM tự nhiên là 1.300 ha. Theo Thu & Populus (2007), dựa vào không ảnh từ vệ tinh, trong thời gian 35 năm từ 1965-2001 diện tích RNM Trà Vinh giảm 50 %, tuy nhiên vận tốc suy giảm từ 1965-1995 tương đối chậm, khoảng 0.2 %/năm, so với thời gian 5 năm từ 1995 đến 2001 là 13.1 %/năm. Phá RNM để nuôi tôm là yếu tố chính (Thu & Populus, 2007). Trong thời gian 1965-2001, tổng số RNM ở Trà Vinh bị phá hủy là 14.208 ha, trong lúc trồng lại rừng chỉ 5.781 ha (Thu & Populus, 2007).

SÓC TRĂNG. Có 72 km bờ biển, với 2 cửa sông lớn là sông Hậu và sông Mỹ Thanh. Rừng của Sóc Trăng thuộc hệ rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm ở khu vực đất nhiễm phèn, với tổng số 11.356 ha gồm các loại cây chính là tràm, bần, giá, vẹt, đước, dừa nước phân bố ở 4 huyện Vĩnh Châu, Long Phú, Mỹ Tú và Cù Lao Dung.

Hình 13. RNM Sóc Trăng năm 2010, vẻ lại từ không ảnh vệ tinh (Joffre, 2010)

Không ảnh của Quân Đội Hoa Kỳ in năm 1965 cho thấy không có RNM dọc bờ biển dài 37 km thuộc Vĩnh Châu trước năm 1965, như vậy việc giải thích không có RNM ở nới đây là do thuốc khai quang trong thời kỳ chiến tranh 1965-1970 là không xác đáng (Joffre, 2010).

Hai bản đồ vẻ năm 1904 và 1925 cho biết bờ biển huyện Trần Đề là RNM chạy dài với cây Giá, nên có tên Bãi Giá, trong lúc huyện Vĩnh Châu thì không có RNM. Vĩnh Hải cũng không có RNM ở thời kỳ này (Joffre, 2010).

Trong bản đồ năm 1889, Cù Lao Dung thời đó gồm 3 cù lao riêng biệt toàn RNM là Cù Lao Tròn, Cù Lao Dung và Cù Lao Chàng Cọc trong cửa sông Bassac. RNM liên tục từ cửa sông Mỹ Thanh đến cửa Trần Đề. RNM đi sâu vào nội địa 2 bên bờ sông Mỹ Thanh ở bản đồ năm 1904.

BẠC LIÊU. Vào năm 1923, RNM Bạc Liêu lớn sau Cà Mau, là khu rừng dự trữ có thể cung cấp gỗ cho khắp nước. Năm 1943, Bạc Liêu có khoảng 10.323 ha RNM (Joffre, 2010). Hiện nay, Bạc Liêu chỉ còn vài trăm ha, không phải là rừng tự nhiên nguyên sinh mà là tái sinh. RNM gồm 49 loài cây, trong đó có 15 loài là cây RNM thực sự (chiếm 31%), còn 34 loài (chiếm 69%) là loài nhập cư khác.

CÀ MAU. Có đai rừng phòng hộ chạy dọc ven biển, bắt đầu từ cửa Gành Hào đến Đất Mũi ở phía Biển Đông và từ Đất Mũi đến Tiểu Dừa (giáp với Kiên Giang) ở phía biển Tây, dài tổng cộng 252 km, với khoảng 10.000 sông và kinh rạch. Mảng rừng phòng hộ ven biển thuộc tỉnh Cà Mau có diện tích 13.737 ha, bề rộng của đai phòng hộ từ 150-500 m ở Biển Tây, trung bình 1km phía biển Đông, tính từ mép biển khi triều cao trở vào đất liền (Trí, 2009).

Năm 1917, tổng diện tích RNM Cà Mau khoảng 300.000 ha với 4 khu rừng dự trữ (Joffre, 2010).

Năm 1926, RNM trong khu dự trữ ước tính 194.502 ha (Joffre, 2010). Một tường trình năm 1924 cho biết ở Cà Mau có một khu rừng lớn thuần chủng với Rhizophora apiculata cao 20m, đường kính 80 cm, có tuổi hơn 100 năm (Joffre, 2010).

Năm 1943, 3 khu rừng dự trữ ở Đầm dơi có diện tích 47.086 ha, khu rừng dự trữ ở Năm Căn Đông có diện tích 33.292 ha, và khu rừng bảo vệ Tân Hưng Tây. Ở hạt Năm Căn Tây, khu rừng dự trữ Viên An có 34.955 ha, ngoài ra còn khu dự trữ Tân An (Joffre, 2010).

Năm 1947, Cà Mau có 10 khu rừng dự trữ, tổng cộng 201.900 ha. Các loài cây trong các khu rừng này gồm Rhizophora sp. (50%), Bruguiera sp. (30%), và Avicennia sp. (9.5%), còn các loài khác như Ceriops sp. chiếm dưới 5% (Joffre, 2010).

Theo Đặng Huỳnh Lộc (2011), tổng số diện tích RNM Cà Mau kể từ 1971 như sau:

1971: 200.000 ha

1975: 200.000 ha (gồm 150.000 ha tuổi khai thác và 50.000 ha rừng tái sinh)

1979: 150.000 ha

1982: 96.396 ha.

2010: 64.632 ha

Ngày nay (2010), RNM Cà Mau có diện tích 64.632 ha, trong số này có 6.406 ha rừng tự nhiên (chiếm 13 %) và 56.226 ha rừng trồng (87%). RNM Cà Mau tập trung nhiều nhất ở 2 huyện Ngọc Hiển (50.354 ha, chiếm 77,9% diện tích) và Năm Căn, diện tích còn lại được phân bổ ở các huyện Đầm Dơi (12.3%), Phú Tân, Trần Văn Thời và U Minh (3.7%). Tại đây, theo số liệu thống kê vào năm 2006 của Trung tâm nghiên cứu rừng ngập mặn Cà Mau có hệ thống động thực vật phong phú với 22 loài cây, 13 loài thú (thuộc 9 họ), 74 loài chim (thuộc 23 họ), 17 loài bò sát (thuộc 9 họ), 5 loài lưỡng cư (thuộc 3 họ), 14 loài tôm, 175 loài cá (116 giống và 77 họ), 133 loài động thực vật phiêu sinh.

Hình 14. Bản đồ RNM (màu đỏ tím) tại Mũi Cà Mau năm 1965 của Hải Quân Hoa Kỳ (Theo Tong et al., 2004)

Hình 15. Rừng Ngập Mặn Mũi Cà Mau năm 1972 (Hong & San, 1993)

Hình 16. RNM tại Cà Mau năm 2002. Ruộng lúa và vườn cây (I), khu nuôi tôm trong RNM (III), RNM chưa bị tàn phá (IV) (Tong et al., 2004)

Hình 17. RNM Cà Mau năm 2010 (Vo et al., 2013)

Hình 18. Bản đồ phân loại RNM ở Cà Mau năm 2010 (Vo et al., 2013)

Hình 19. Bản đồ RNM Cà Mau 2010-2011 (Nguyen et al., 2013)

Tổng trữ lượng toàn bộ lâm phần RNM Cà Mau là 770.004 m3­ cho thấy đây chủ yếu là rừng non, chủ yếu từ 1-5 tuổi, rừng trên 15 tuổi có diện tích rất nhỏ và rừng nghèo (Trí, 2012).

KIÊN GIANG.

Kiên Giang có bờ biển dài 205 km, dọc theo bờ hình thành một dãy hành lang mỏng RNM.

Theo thống kê, diện tích RNM năm 1999 ước tính khoảng 3.936 ha, năm 2006 khoảng 5.430 ha do chương trình trồng rừng. Đa số RNM Kiên Giang tập trung ở An Biên và An Minh với dải rừng rộng từ 20 m đến 500 m.

Nay với kỹ thuật phân tích ảnh chụp từ vệ tinh, diện tích RNM Kiên Giang khoảng 3.500 ha, với dải rừng hẹp 10m (Duke et al., 2010). Theo tường trình này, đa dạng sinh học RNM dọc bờ biển Kiên Giang khá phong phú với 27 loài cây, Avicennia chiếm 50 %, thứ đến là Sonneratia (19 %) và Rhizophora (9 %), tuy nhiên thuộc loại rừng nghèo vì bị phá hủy nhiều.

BIẾN DẠNG ĐỊA HÌNH BỜ BIỂN NAM KỲ

Hai hiện tượng cùng xảy ra một lúc làm biến dạng địa hình bờ biển Nam Kỳ theo thời gian. Đó là sự bồi đắp phù sa làm bờ biển nới rộng thêm ra, đồng thời hiện tượng xói lở bờ biển làm lãnh thổ bị co rút lại (Cat et al., 2006; Duke et al., 2010; Joffre, 2010; Hung et al., 2014). Hiện tượng bồi đắp phù sa tùy thuộc vào khối lượng phù sa của sông, vận tốc hải lưu, lực cản dòng chảy ở cửa sông. Hiện tượng xói lở bờ biển tùy thuộc sức mạnh của sóng, gió, bão, dòng hải lưu. RNM là sức cản giúp phù sa lắng đọng ở của sông và ven bờ biển gần sông, cũng là bức tường ngăn chận hay làm giảm sức sóng, gió, bão giúp bờ biển được duy trì. Vì vậy, việc phá hủy RNM làm giảm diện tích đất bồi và gia tăng mất đất do xói mòn bờ biển. Hai hiện tượng này xảy ra rất trầm trọng ở Nam Kỳ kể từ sau 1975, khi RNM bị phá hủy trầm trọng bởi con người.

Theo số liệu của Viện Điều tra quy hoạch rừng, trong tổng số 768 km bờ biển tại vùng ĐBSCL có 311 km bị xói lở (40 %), tập trung nhiều ở hai tỉnh Cà Mau (112 km, 14,6 %), Kiên Giang (88 km, 11,5 %) và các tỉnh ven biển khác.

Ngoài việc tổng hợp báo cáo của địa phương (như Cat et al., 2006; Viện Điều tra quy hoạch rừng), dựa theo không ảnh chụp từ vệ tinh cho một địa điểm ở các thời điểm khác nhau cho con số chính xác hơn về sự xói mòn bờ biển hay bồi đắp phù sa (Hong & San, 1993; Joffre, 2010; Duke et al., 2010; Brunner & Quyen, 2011; Lam Dao Nguyên et al., 2013; Hai-Hoa Nguyen et al., 2013; Hanh et al., 2014; V Tran Thi et al., 2014). Kết quả phân tích hình từ vệ tinh cho thấy Cồn Lợi (Bến Tre) mất 460 ha, Cửa Bassac mất 350 ha. Đặc biệt phía Biển Đông Cà Mau từ Cửa Bồ Đề đến Rạch Gốc mất 630 ha trong khoảng thời gian từ 28/4/1982 đến 17/6/1983, có nơi bờ biển xói lở tới 200 m (Hong & San, 1993).

Hình 20. Xói lở cửa sông Cái Lớn Cà Mau

Tại khu RNM Cần Giờ bờ biển phía đông bị xói lở với vận tốc 10-20 m/năm. So sánh 2 hình khu RNM Cần Giờ năm 1940 với 2010, thấy hình dạng thay đổi nhiều vì có sự bồi đắp phù sa (Hình 9).

Đoạn bờ biển giữa hai cửa sông Soài Rạp và cửa Tiểu có tổng chiều dài khoảng 17 km có tốc độ xói lở khoảng 10 – 30 m/năm trong thời gian từ năm 1965 – 2010. Trong khu vực này, chỉ có khoảng 1.500 m bờ biển giáp cửa Tiểu là được bồi tụ với tốc độ trung bình khoảng 10 – 15 m/năm.

Tại Gò Công, đoạn bờ biển giữa Cửa Tiểu và Cửa Đại được phù sa bồi đắp với vận tốc 100 m/năm, bờ biển tiến ra biển khoảng 3 km trong thời gian 1965-1989. Từ năm 1989 đến nay đã xuất hiện cồn nổi phía cửa Tiểu cách đường bờ cũ khoảng 2,7 km và liên tục phát triển về phía bờ, đến thời điểm hiện tại cồn nổi gần nối liền với cù lao Tân Phú Đông.

Trong phạm vi tỉnh Bến Tre, đoạn bờ biển nằm kẹp giữa Cửa Đại và Cửa Hàm Luông không bị xâm thực ngọai trừ đoạn bờ gần Cửa Đại, còn lại hầu hết dọc bờ biển được hình thành khá nhiều bãi bồi, trong đó khu vực cửa Ba Lai có tốc độ bồi mạnh nhất. Cũng vậy, đoạn bờ từ cửa sông Cống Bé đến cửa Hàm Luông được phù sa bồi tụ, đặc biệt khu vực bờ nam Cửa Ba Lai, tính từ năm 1965-1989 bờ biển đã được bồi ra khoảng 1,2 km, tốc độ lấn biển khoảng 50 m/năm. Ngược lại, từ năm 1965-1989, khoảng 4 km bờ biển từ cửa Đại đến cửa sông Cống Bé bị xói lở mạnh, với tốc độ xói khoảng 20 m/năm, gia tăng lên khoảng 25 m/năm trong giai đoạn từ 1989 đến nay, lý do là RNM bị phá hủy.

Tại Trà Vinh, đoạn bờ từ cửa Cung Hầu đến ấp Dân Thành, huyện Duyên Hải dài khoảng 25 km thường xuyên bị biển xâm thực. Từ năm 1965-1989 biển đã lấn vào đất liền khoảng hơn 200 m, trong đó có hai khu vực sạt lở mạnh là bờ biển Hiệp Thạnh dài khoảng 4 km bị sạt lở với tốc độ 8-10 m/năm, và khu vực bờ biển Nhà Mát bị sạt lở với tốc độ khoảng 15-20 m/năm. Trong giai đoạn 1989-2001, đoạn bờ này tiếp tục bị sạt lở, tốc độ dịch chuyển đường bờ khoảng 10 m/năm, trong đó khu vực bờ biển Hiệp Thạnh có tốc độ sạt lở mạnh hơn rất nhiều so với giai đoạn trước, vào khoảng hơn 20 m/năm. Đoạn bờ từ ấp Dân Thành đến cửa Định An được phù sa bồi tụ, tốc độ bồi lớn nhất tại khu vực bờ bắc cửa Định An khoảng 40 m/năm. Bên cạnh đó có một vài vị trí bị xói lở với mức độ nhẹ vào khoảng 3-5 m/năm.

Trong phạm vi Sóc Trăng, bờ biển tương đối thẳng, quá trình diễn biến đường bờ khá phức tạp, xói bồi xen kẽ nhau. Từ năm 1965 đến 1989, đoạn có sự biến động đường bờ mạnh nhất là từ cửa Mỹ Thanh kéo dài về phía nam khoảng 17 km, vị trí bồi lớn nhất vào khoảng 1.300 m, vị trí lở lớn nhất khoảng 400 m. Ở đoạn bờ kế tiếp thuộc xã Vĩnh Bình dài khoảng 20 km, hiện tượng bồi lấp là chủ yếu nhưng với tốc độ chậm chỉ khoảng 5 m/năm, riêng đoạn bờ thuộc ấp Biển Trên thị trấn Vĩnh Châu dài khoảng 1,5 km được bồi lấp với tốc độ bồi vào khoảng 15 m/năm. Đoạn bờ kế tiếp cho đến giáp ranh Bạc Liêu chủ yếu bị biển xâm thực, với chỗ xói lớn nhất là 320 m, tốc độ vào khoảng hơn 10 m/năm.

Từ năm 1989 đến 2008, đoạn bờ từ thị trấn Vĩnh Châu đến giáp ranh tỉnh Bạc Liêu lại bị xói lở, với tốc độ khoảng 10 m/ năm, đường bờ bị biển lấn vào khoảng 250 m.

So sánh bản đồ Cù Lao Dung giữa 1904 và 1933, thấy Cù Lao dài thêm gần 3 km, và nở rộng thêm 3 km (Joffre, 2010).

Trong lãnh thổ Cà Mau, đoạn bờ biển từ sông Gành Hào đến mũi Cà Mau dài khoảng 100 km giáp biển Đông, là vùng biển bị xói lở, nhất là đoạn bờ từ cửa sông Đầm Dơi đến cửa Rạch Gốc dài khoảng 40 km có tốc độ dịch chuyển đường bờ khá mạnh khoảng 35 m/năm, từ năm 1965 – 2008 đường bờ biển đoạn này đã bị biển lấn vào khoảng 1,4 km. Ngược lại, đoạn bờ từ Mũi Cà Mau đến rạch Tiểu Dừa dài khoảng 154 km phía biển Tây, hoạt động xói bồi trong giai đoạn 1965-2001 diễn ra xen kẽ. Tuy nhiên hoạt động bồi tụ chiếm ưu thế, khu vực có tốc độ bồi tụ mạnh nhất là mũi Cà Mau, từ năm 1965-2001 mũi Cà Mau được bồi ra khoảng 3 km, tốc độ bồi bình quân khoảng 80 m/năm (Nguyen et al., 2013)

.

Hình 21. Tình hình đất bồi và đất lở ở Cà Mau từ 1953-2011 (V. Tran Thi et al., 2014)

Riêng tại vùng biển Tây (khu vực Vịnh Thái Lan) từ mũi Cà Mau đến bờ Nam sông Bảy Háp có tốc độ bồi tụ cao nhất. Tổng diện tích bồi tụ từ năm 1930-1991 là 8.318 ha, trong đó có 6.852 ha thành rừng đưa vào qui hoạch lâm phần, 1.466 ha đang được cây mắm (Avicennia alba) thực hiện việc cố định đất lấn biển. Theo đó tốc độ lấn biển đạt 32,2 m/năm (Tri, 2009). Tương tự như vậy, Hinh 21 cho thấy trong thời gian 1953 -2011 dãi đất được nới chiều rộng ra thêm gần 6 km, chiều dài hơn 7 km (V. Tran Thi et al., 2014). Cũng cần lưu ý là đất bồi nhiều nhất trong thời gian 1953-1979, chậm dần trong thời gian 1979-2000, và coi như không còn bồi gì trong thời gian 2000-2011 (Hình 21), tương ứng với tốc độ hủy diệt trầm trọng RNM ở Cà Mau.

Ngược lại với bờ biển phía Tây, ven biển Đông của tỉnh Cà Mau lại là vùng biển lở do tác động của dòng hải lưu từ Thái Bình Dương chảy vào biển Đông. Trong đó vùng bờ biển bị xói lở mạnh nhất là từ Hố Gùi – Bồ Đề – Hốc Năng thuộc Tam Giang I và Ngọc Hiển. Từ năm 1968 đến 1996 (28 năm) trên đoạn bờ biển dài 22km này diện tích bị xói lở lên đến 2.842 ha, trung bình mất 101,50 ha/năm và chiều dày bờ biển bị xói lở trung bình 46 m/năm. Nói chung tốc độ xói lở bờ biển có lẽ sẽ tăng nhanh hơn nếu vùng này không được bao bọc bởi rừng ngập mặn (Trí, 2009). Dựa trên không ảnh từ vệ tinh, V. Tran Thi et al. (2014) ước tính vận tốc xói lở ở phần Biển Đông là 33,24 m/năm, và vận tốc bồi tụ ở phần Biển Tây là 40,65 m/năm,

Thuộc khu vực tỉnh Kiên Giang, bờ biển chịu ảnh hưởng của thủy triều biển Tây tương đối yếu, nên có khuynh hướng bồi đắp. Tính từ năm 1965 – 2008 bờ biển Kiên Giang được bồi lấp từ 5 – 10 m/năm, trong đó vị trí bồi lớn nhất là đoạn bờ khu vực giáp ranh giữa huyện An Minh và An Biên, trong vòng 43 năm (từ năm 1965 – 2008) ở khu vực này đã được bồi ra khoảng 2 km, tốc độ bồi gần 50 m/năm. Tuy nhiên, trong những năm 2001-2008 tình trạng phá RNM phòng hộ đưa đến nhiều khu vực bị xói lở, đặc biệt trầm trọng như khu vực mũi Rảnh thuộc bờ Nam sông Cái Lớn và khu vực Vàm Rầy huyện Hòn Đất biển lấn vào khoảng 200 m (Nguyên L.D. et al. 2013; Nguyen H.H. et al., 2013).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Brunner, J. (2012). Mangrove restoration in Viet Nam: national plans vs. local realities. http://www.iucn.org/vi/vietnam/?9561/1/Mangrove-restoration-in-Viet-Nam-National-plans-vs-local-realities

Brunner, J. & Quyen, N.H. (2011). Land cover change assessment in the coastal areas of the Mekong delta 2004-2009. Department of Remote Sensing Technology-GIS-GPS, Space Technology Institute (STI) Vietnam Academy of Science and Technology (VAST).

Cat, N.N., Tien, P.H., Sam, D.D. & Binh, N.N. (2006) Status of coastal erosion of Vietnam and proposed measures for protection, Regional technical workshop presentation: Coastal

protection in the aftermath of the Indian Ocean tsunami: what role for forests and trees?

28 – 31 August 2006, Khao Lak, Thailand.

Cương, P.M. và CS (2012). Một số kết quả điều tra, khảo sát rừng ngập mặn và các điểm xói lở ven biển tỉnh Bến Tre. http://vienbaovecongtrinh.vn/vi-Vn/Tin-tuc/0/Mot-so-ket-qua-dieu-tra–khao-sat-rung-ngap-man-va-cac-diem-xoi-lo-ven-bien-tinh-Ben-Tre/184.html

Cương, P.M. và CS (2012). Một số kết quả điều tra, khảo sát các điểm xói lở và rừng ngập mặn ven biển ở tỉnh Tiền Giang. http://vienbaovecongtrinh.vn/vi-Vn/Tin-tuc/0/Mot-so-ket-qua-dieu-tra–khao-sat-cac-diem-xoi-lo-va-rung-ngap-man-ven-bien-o-tinh-Tien-Giang/178.html

ĐTQH – Phân viện Điều tra Quy hoạch Rừng Nam (2006). Báo cáo Dự án Rà soát quy hoạch hệ thống rừng phòng hộ ven biển đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2006 – 2010 và tầm nhìn đến 2020: 54 trang.

Duke, N., Wilson, N., Mackenzie, J., Nguyen, H.H. & Puller, D. (2010). Assessment of Mangrove Forests, Shoreline Condition and Feasibility for REDD in Kien Giang Province, Vietnam – A Technical Report. Published by Deutsche Gesellschaft für Technische Zusammenarbeit (GTZ) GmbH, and Conservation and Development of the Kien Giang Biosphere Reserve Project.

Hạnh, T.V, Cương, P.M. & Công, N.H. (2014). Diễn biến rừng ngập mặn ở Gò Công Đông Tiền Giang từ giữa thế kỷ 20 tới nay .Tạp chí KH&CN Thủy lợi Viện KHTLVN.

Hong, P. N. & San, H. T. (1993). Mangroves of Viet Nam. The IUCN wetlands programme. IUCN, Gland. Switzerland.

Hùng, L.M., TS. Khang, N.D. & Chương, L.T. (2014). Xói lở, bồi tụ bờ biển Nam Bộ từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Kiên Giang – Nguyên nhân và các giải pháp bảo vệ.

Joffre, O. (2010). Mangrove Dynamics in Soc Trang Province 1889 – 1965. Published by Deutsche Gesellschaft für Technische Zusammenarbeit (GTZ) GmbH Management of Natural Resources in the Coastal Zone of Soc Trang Province.

Lộc, Đ.H. (2011). Những cánh rừng biến mất. http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=16548

MAURAND, P. (1943). L’Indochine forestière, 2 vol. (Paris: Institut de Recherche Agronomique d’Indochine).

Miyagi, T., Nam, V.N., Sinh, L.V., Kainuma, M., Saitoh, A., Hayashi, K. & Otomo, M. (2014). Further Study on the Mangrove Recovery Processes in Can Gio, Viet Nam. Mangrove Ecosystems. Technical Report. Volume 6. Tohoku Gakuin University, International Society for Mangrove Ecosystems (ISME).

Moquillon, C. (1950). La foret de paletuviers de la pointe de Ca Mau. Archive Service. Foret. Saigon, Vietnam.

Nam, V.N., Sinh, L.V., Miyagi, T., Baba, S. & Chan, H.T. (2014). An Overview of Can Gio District and Mangrove Biosphere Reserve. Mangrove Ecosystems. Technical Report. Volume 6. Tohoku Gakuin University, International Society for Mangrove Ecosystems (ISME).

Nguyen, L.D., Viet, P.B., Binh, T.T. Mai Thy, P.T. (2013). Land use, land cover changes in the Mekong Delta, Vietnam, using remotely sensed data. Mekong Environmental Symposium 2013 Ho Chi Minh City, 5 – 7 March 2013.

http://docs.mekong-environmental-symposium-2013.org/data/Session%20222%20-%20Topic%2009.%20Mekong%20Delta%20-%20climate%20change%20related%20challenges/222-1-LU,%20LC%20changes%20in%20the%20Mekong%20Delta_Lam%20Dao%20Nguyen.pdf

Nguyen, Hai-Hoa, McAlpine, C., Pullar Kasper, D., Norman, J. & Duke, C. (2013). The relationship of spatial–temporal changes in fringe mangrove extent and adjacent land-use: Case study of Kien Giang coast, Vietnam. Ocean and Coastal Management, 76, 12-22

Quế, N.Đ. & Hải, V.Đ. (2012). Xây dựng rừng phòng hộ ngập mặn ven biển thực trạng và giải pháp. Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn – Trung Tâm Khuyến Nông Quốc Gia

Thu, P.M. & Populus, J. (2007). Status and changes of mangrove forest in Mekong Delta: Case study in Tra Vinh, Vietnam. Estuarine, Coastal and Shelf Science , 71, 98-109.

Tong, P. H. S., Auda, Y., Populus,J., Aizpuru,M., Al Habshi, A. and Blasco, F. (2004). Assessment from space of mangroves evolution in the Mekong delta, in relation with extensive shrimp-farming. International journal of remote sensing, 25, (21), 4795-4812.

Tri, Nguyễn Hoàng (2009). Khu dự trữ sinh quyễn Mũi Cà Mau. http://mabvietnam.net/Vn/MuiCaMaubios_vn.htm

TTXVN (10/11/2013). Trồng rừng bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu.

https://www.facebook.com/permalink.php?id=546273192115532&story_fbid=550680881674763

Tuan, L.A., Du, L.V. & Skinner, T. (ed), (2012). Rapid Integrated & Ecosystem-Based Assessment of Climate Change Vulnerability & Adaptation for Ben Tre Province, Vietnam. Completed under the ‘Global Cooperation on Water Resource Management’ (WWF and

Coca-Cola) and the ‘Capacity building and sustainable production’ programme (WWF – DANIDA) by World Wildlife Fund for Nature (WWF).

Tuấn, M.S. (2012). Thực trạng rừng ngập mặn tại Việt Nam. http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ScienceAndEnvironment/sea-front-forest-in-vn-gm-04182012100319.html

Vo, Q.T., Oppelt, N., Leinen kugel, P. & C. Kuenzer, C. (2013) Remote Sensing in Mapping Mangrove Ecosystems – An Object-Based Approach. Remote Sensing, 5, 183-201.

  1. Tran Thi, A. Tien Thi Xuan, H. Phan Nguyen, F. Dahdouh-Guebas, & N. Koedam (2014). Application of remote sensing and GIS for detection of long-term mangrove shoreline changes in Mui Ca Mau, Vietnam. Biogeosciences, 11, 3781–3795.