Theo tài liệu được đưa lên Internet vào cuối tháng 5-2005 của tiến sĩ Phan Văn Song, hiện cư ngụ tại Paris, thì vào năm 1987, do sự vận động của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và những thành phần thiên tả trong UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc), ông Hồ Chí Minh (1890-1969) được đề cử vào “Danh sách danh nhân văn hóa thế giới” của tổ chức UNESCO, nhân dịp kỷ niệm một trăm năm sinh niên nhà chính trị nầy (1990). Lúc đó, Tổng giám đốc UNESCO là ông M’Bow, người Phi Châu.
Quyết định đề cử Hồ Chí Minh vào “Danh sách danh nhân văn hóa thế giới” bị cộng đồng người Việt hải ngoại phản đối khắp nơi trên thế giới. Riêng tại Paris, nơi đặt trụ sở của UNESCO, Uỷ Ban Tố Cáo Tội Ác Hồ Chí Minh được thành lập, do ông Nguyễn Văn Trần làm Tổng thư ký. Uỷ ban nầy đã hoạt động tích cực như sau:
- Vận động người Việt và báo chí Việt ngữ ở hải ngoại (Bắc Mỹ, Úc Châu, Âu Châu, Nhật Bản) viết thư cho UNESCO vạch trần tội ác của Hồ Chí Minh và chế độ cộng sản trong nước, đồng thời phản đối việc đề cử Hồ Chí Minh vào danh sách danh nhân văn hóa thế giới. Ý kiến phản đối lên đến khoảng 20,000 thư, đều được Giám đốc phụ trách vùng Đông Nam Á của UNESCO chuyển cho Đại diện của Hà Nội tại UNESCO. Ngoài ra, có người còn viết sách tố cáo ông Hồ đã ăn cắp thơ (đạo thơ) của người khác làm thơ của mình trong sách Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù). (Lê Hữu Mục, Hồ Chí Minh không phải là tác giả “Ngục trung nhật ký”, Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Canada, 1990.)
- Liên lạc và kêu gọi Uỷ Ban Tương Trợ Việt-Miên-Lào và Hội Cựu Chiến Binh Đông Dương lên tiếng tố cáo Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam đã vi phạm nhân quyền đối với tù binh Pháp sau chiến tranh Đông Dương.
- Liên hệ với Thị xã Paris và một số dân biểu, nghị sĩ Pháp để đề nghị họ đưa vấn đề ra trước Quốc hội Pháp, nhắm yêu cầu chính phủ Pháp có ý kiến với UNESCO về đề nghị vinh danh HCM, vì trụ sở của tổ chức nầy đặt tại Paris.
- Trong nội bộ UNESCO, ông tổng thư ký M’Bow, thôi giữ chức tổng giám đốc, và ông Frédéric Mayer, người Tây Ban Nha đắc cử chức Tổng giám đốc. Ông Mayer không ủng hộ nhóm thiên tả, và không ủng hộ việc đề cử Hồ Chí Minh vào “Danh sách danh nhân văn hóa thế giới”.
- Tại Việt Nam, số người vượt biên càng ngày càng cao. Từ năm 1975 đến năm 1989 (trước thời điểm Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc ra lệnh khóa sổ các trại tỵ nạn, không nhận người vượt biên), số người vượt biên đến được nơi tạm dung lên đến khoảng 900,000 người, không kể số người tử nạn trên đường vượt biên.(theo thống kê do Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đưa ra năm 2000, được nhà báo Giao Chỉ ghi lại trong bài “Lịch sử 30 năm định cư tỵ nạn 1975-2005”, nhật báo Người Việt Online, ngày 1-4-2005.)
- Các nước cộng sản Đông Âu bắt đầu lung lay và sụp đổ từ cuối năm 1989.
- UNESCO không tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm sinh niên của Hồ Chí Minh tại Paris, cũng thư tại Hà Nội.
- Thuận cho Tòa Đại sứ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ở Paris thuê một phòng tại trụ sở UNESCO để tự tổ chức, nhưng UNESCO không cử đại diện tham dự lễ.
- Trong buổi lễ, ban Tổ chức không được tuyên truyền rằng UNESCO đã đề cao Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa thế giới, không được treo ảnh Hồ Chí Minh trong hội trường.
- Thiệp mời chỉ được ghi là “tham dự buổi văn nghệ”.
Trong cuộc nói chuyện trước Cộng đồng Việt Nam tại Montreal, vào ngày Chủ nhật 25-4-2004, bác sĩ Nguyễn Ngọc Qùy, một nhà hoạt động chính trị kỳ cựu tại Paris, đã cho biết rằng sau khi UNESCO quyết định như trên, để vớt vát, tòa Đại sứ CHXHCNVN tại Paris đã thuê một phòng tại trụ sở UNESCO ở Paris để tổ chức buổi trình diễn văn nghệ vào ngày 12-5-1989, đúng một tuần lễ trước sinh nhật của Hồ Chí Minh. Trong buổi trình diễn văn nghệ nầy, có khoảng 70 người hiện diện, bao gồm cả ban tổ chức và nhóm “Việt kiều Yêu nước” là tổ chức do CSVN lập ra. UNESCO và Pháp không cử đại diện đến dự. Chỉ có hai nước gởi người đến tham dự là Cambodia và Lào.
Trong buổi trình diễn văn nghệ nầy, ông Đại sứ CHXHCNVN tại Pháp là Phạm Bình không đọc diễn văn, mà chỉ có ông Nguyễn Kinh Tài, đại diện CHXHCNVN tại UNESCO đọc bài viết ngắn về ý nghĩa buổi lễ, ca tụng sự nghiệp của Hồ Chí Minh, nhưng theo đúng tinh thần quyết định sau cùng của UNESCO, là không đề cập gì đến vấn đề danh nhân văn hóa thế giới.
Trong lúc đó, trong khi phía CSVN đang trình diễn văn nghệ, thì phái đoàn của Uỷ Ban Quốc Tế Trần Văn Bá do ông Trần Văn Tòng, Chủ tịch UBQTTVB, cùng với các học giả Olivier Todd, Jean Francois Revel, thành viên sáng lập UBQTTVB và bà Anne Marie Goussard, Tổng thư ký Hội Quốc tế Nhân quyền, đến gặp ban Giám đốc UNESCO để hỏi rõ mục đích và ý nghĩa của buổi sinh hoạt văn nghệ nầy tại một phòng họp của UNESCO.
Đại diện UNESCO xác nhận với phái đoàn Uỷ ban Quốc tế Trần Văn Bá rằng, đây là buổi văn nghệ do Tòa Đại sứ CHXHCNVN tổ chức, chứ không phải là lễ vinh danh Hồ Chí Minh của UNESCO. Sau khi ban Giám đốc UNESCO xác nhận như trên, trong cuộc họp của Uỷ ban Quốc tế Trần Văn Bá tại trung tâm Maubert Mutualité (Paris 5ème) vào lúc 6 giờ chiều cùng ngày 12-5-1989, ông Olivier Todd đã lên diễn đàn tường trình lại cuộc tiếp xúc với Ban Giám đốc UNESCO. Trong khi tường trình, ít nhất ông Olivier Todd đã hai lần nói rõ rằng Ban Giám đốc UNESCO xác nhận rằng UNESCO không tổ chức vinh danh Hồ Chí Minh, và cũng cho biết buổi trình diễn văn nghệ nhân kỷ niệm một trăm năm sinh niên Hồ Chí Minh vào chiều hôm đó, là do sáng kiến của Tòa Đại sứ CHXHCNVN mà thôi.
Sự kiện UNESCO không tổ chức lễ vinh danh Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa thế giới là thành quả của những vận động của cộng đồng Việt Nam hải ngoại và nhất là Uỷ Ban Tố Cáo Tội Ác Hồ Chí Minh tại Paris. Điều nầy cho thấy cộng đồng người Việt hải ngoại là một đối lực chính trị quan trọng đối với chế độ cộng sản hiện nay ở trong nước. Chỉ tiếc là sau khi thành công trong việc vận động UNESCO không thi hành việc vinh danh Hồ Chí Minh, cộng đồng người Việt hải ngoại và Uỷ Ban Tố Cáo Tội Ác Hồ Chí Minh không trình thuật toàn bộ nội vụ và kết quả, thật rõ ràng và thật rộng rãi trên khắp thế giới, để tránh việc tuyên truyền mờ ám và đánh lận con đen của CSVN.
Như thế, tổ chức UNESCO chưa bao giờ vinh danh Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa thế giới. Đó là sự thật của câu chuyện được các người tham dự tại chỗ kể lại. Nếu ai chưa tin, thì có thể liên lạc thẳng với những người trong cuộc, đã từng chứng kiến tại chỗ việc nầy, hiện còn sống ở Paris để hỏi cho rõ. Ngoài ra, hồ sơ của UNESCO vẫn còn đó, rộng mở cho tất cả những nhà nghiên cứu, kể cả những nhà nghiên cứu của CHXHCNVN. Thời đại nầy là thời đại khoa học kỹ thuật thông tin tiến bộ, mọi dữ kiện đều được ghi nhận cụ thể, nên mọi người có thể sưu tra dễ dàng trong các văn khố, nhất là những nguồn tin không thuộc loại bí mật quốc gia như việc vinh danh một nhà hoạt động chính trị, chẳng cần gì phải để thời hạn lâu ngày mới công bố.
Nói thêm cho rõ: Nếu UNESCO quả thật có vinh danh ông Hồ Chí Minh, thì phải có văn bản vinh danh cụ thể, chứ không phải bằng lời nói suông. Trong trường hợp đó, chắc chắn nhà nước CHXHCNVN sẽ tổ chức lễ tiếp nhận văn bản nầy rất long trọng, chứ không im tiếng như lâu nay, và chắc chắn nhà cầm quyền CHXHCNVN sẽ làm ảnh sao (photocopy) văn bản nầy, công bố lên khắp mạng lưới thông tin toàn cầu để thu phục lòng người khắp trên thế giới. Hơn nữa, ảnh sao nầy sẽ được treo khắp hang cùng ngõ hẻm tại Việt Nam, kể cả bắt treo kèm với hình ông Hồ tại nhà của mỗi người dân. Người Việt Nam còn nhớ rõ, mỗi khi một di tích ở Việt Nam được UNESCO thừa nhận là di sản văn hóa thế giới như Mỹ Sơn (Quảng Nam), cổ thành Huế, Vịnh Hạ Long..., nhà nước CHXHCNVN đã làm lễ đón nhận sắc bằng của UNESCO ồn ào cờ trống suốt cả tháng trời, quảng cáo khắp thế giới, huống gì là chuyện ông Hồ.